19 C
Da Lat
Thứ Bảy, 20 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Âm nhạc đường phố: Vun đắp hay bán rẻ đam mê?

Tôi lớn lên cùng với nhạc rap, chúng nuôi lớn và dưỡng dục tôi về tâm hồn và cả cách sống. Tôi đã ở trong thời kỳ nhạc rap thay đổi nhất, một số người từ under lên over rồi họ bị kẻ khác phê phán, chửi rủa. Cho đến thời kỳ hầu như ai cũng ngoi lên thị trường để kiếm tiền.

Những bài rap ngày xưa đầy cảm xúc của người viết, tất cả bản rap đều như một phần trong cuốn nhật ký cuộc đời tác giả. Tôi tưởng tượng chúng không khác gì một bài thơ, bài văn đầy các phép so sánh, ẩn dụ và cốt lõi vẫn là nội dung. Không hoa mỹ, rất trần tục. Vậy mà giờ đây tôi thấy đâu đâu xung quanh cũng đầy những bản rap catchy, rap không rõ lời chỉ nghe hú hét trống rỗng, rap để đệm cho bài hát thêm sôi nổi, rap ở các show truyền hình, rap để làm trò cười, rap những cái người ta muốn nghe, những cái người ta thích.

m nhạc đường phố 2Ảnh: Free-Photos

Trong khi chúng được gọi là âm nhạc “đường phố” mà giờ trên đường phố tôi chẳng bao giờ bắt gặp, lại toàn bắt gặp trên show truyền hình, trên showbiz nhăng cuội và những người làm điều đó gọi là phát triển (?!)

Hỡi những người làm âm nhạc “đường phố” ơi. Các bạn đang phát triển hay “bán đam mê” của mình để đổi đôi chút “tai tiếng” và tiền bạc? Các bạn biện minh rằng không kiếm tiền thì làm sao nuôi đam mê?

Đừng nói đến nhạc rap, dù là bất cứ một lĩnh vực nghệ thuật nào chưa kể đến hiphop như: Khoa học, triết học, hội hoạ, v.v… Những người có đam mê gàn dở, những người sống trong thời đại bị người đời chê cười, họ chưa bao giờ sống sung túc bằng bán đam mê của mình cả. Họ nguyện cống hiến cả cuộc đời họ cho điều họ theo đuổi. Nếu không đủ can đảm để sống chết với đam mê cũng đừng đem nó đi bán chứ? Bạn có thể làm bất cứ công việc gì khác để nuôi lớn con của mình đến ngày nó trưởng thành. Tại sao lại bán đứa con của mình ngay khi nó chào đời hả?

Các bạn có phải đang nhầm lẫn giữa nghệ thuật và kinh doanh không? Có những bạn chưa thực sự tìm hiểu sâu xa về lĩnh vực mình theo đuổi đã vội vã kiếm tiền bằng vài ba câu rap tự nhận cho mình cái danh là “đóng góp và phát triển.”

Các bạn tự hào rằng nhạc rap của chúng ta dễ dàng lan rộng và còn nhanh hơn các nước bạn. Nhưng các bạn không thấy rằng chính mình đang quá vội kiếm tiền và dùng mọi cách để nó lan rộng nhưng lại không hề chất lượng. Thực tế là các bạn đi show truyền hình, bạn múa may những động tác hiphop chẳng khác nào đàn gảy tai trâu. Nếu họ thật sự muốn tìm đến âm nhạc này, họ sẽ tự tìm đến, giống như tôi đây.

Tại sao chúng ta không tự hào chúng ta có một cộng đồng riêng, chúng ta trau dồi chất lượng sản phẩm và kỹ năng. Chia sẻ cho cộng đồng chúng ta ngày càng lớn mạnh. Chẳng phải tốt hơn là đi rêu rao sao? Bạn tưởng tượng xem, cũng giống như người ta đầu tư siêu thị và các cửa hàng tiện lợi, tiện nghi có tốt hơn là có 2, 3 gian hàng ngoài chợ trông bẩn thỉu mà mồm lúc nào cũng phải gào lên mời chào khách hàng. Họ không mua, họ chê bai thì mình chửi họ ngu ngốc, dốt nát không hiểu biết gì.

Văn hoá còn non nớt nhưng lại muốn một bước lên trời của đàn anh đã làm các thế hệ sau mất hết phương hướng. Nền văn hoá hiphop ở các nước phải đến vài chục năm mới có một cộng đồng lớn mạnh của riêng họ. Tôi thấy các bạn, các em cứ thấy cái nào dễ nổi tiếng là lao vào thể hiện, trong khi chính mình chẳng biết bất cứ kiến thức hay kinh nghiệm nào.

Đến những thứ cơ bản như vần đôi còn không vững, cũng chẳng biết kỹ thuật gì. Chỉ thấy vài câu chửi hay hay là “ồ” lên. Cũng chẳng biết đấy là gì. Đừng nói đến thể loại và các dòng nhạc rap khác nhau. Chẳng ai biết đấy là gì đâu, nhiều khi tôi nói ra lại tưởng tôi đang đọc kinh gì đấy.

Công nhận nhạc rap chiếm đa phần giới trẻ nhiều hơn so với mấy năm trước đây. Số lượng thì tăng đáng kể, tiền kiếm từ những bài nhạc trào phúng, nhạc quảng cáo cũng tăng, chất lượng sản phẩm cũng tăng nhưng chính cái chất của nhạc rap lại vô cũng suy yếu.

m nhạc đường phố 3Ảnh: Free-Photos

Và chúng ta không hề sáng tạo, chúng ta thích copy y chang những gì nước bạn làm. Và những người đi copy lại rất tự hào khi đem chúng về rao giảng. Chúng ta có bao giờ nghĩ mình đã đủ đam mê để ngồi suy nghĩ xem mình nên làm cái gì để sáng tạo, để người ta biết rằng đó là hiphop Việt Nam chưa? Tại sao không liên kết hip hop với lịch sử, với nghệ thuật của dân tộc ta. Tại sao ông cha ta tạo ra tuồng, chèo, cải lương không giống bất kỳ đất nước nào? Mà chúng ta, thế hệ sau, đã không nối tiếp được tinh hoa, lại còn không sáng tạo ra cái mới mà chỉ biết coppy?

Nhưng nói thì họ không nghe, họ có cái tôi quá lớn mà lấn hết cả đam mê và mục đích ban đầu của họ. Rõ ràng mục đích ban đầu là phát triển âm nhạc đường phố và để khán giả phải nghe những thứ mình làm chứ không phải đem ra cho thiên hạ làm trò cười và phải phục vụ họ để đổi lại những đồng tiền phù phiếm. Còn những người thực sự sống vì đam mê, vì muốn thể hiện cộng đồng của mình lớn mạnh thì lại bị vùi dập, chửi rủa. Có thật nực cười không?

Bạn cứ làm thật tốt công việc, sẽ có những người như tôi, sẵn sàng bỏ tiền cho công sức của bạn như những người bỏ tiền cho công sức của người hoạ sĩ thực thụ, nghệ thuật thực thụ. Không nhiều, nhưng có lòng với nhau. Bán đam mê là nhục mạ chính bạn còn bán cả nghệ thuật thì bạn là kẻ đê hèn mà không ai sánh bằng.

Tác giả: Bà Năm

*Featured Image: timokefoto 

spot_img

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI