19.4 C
Da Lat
Thứ Năm, 18 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Làm thế nào để sống hạnh phúc?

Trước đây tôi luôn có suy nghĩ cuộc sống chẳng khác gì một án tù chung thân. Ngày tôi đánh vần tròn trịa hai từ “cuộc đời” là ngày tôi bắt đầu nhận ra tất cả cuộc đời đều mang trong mình một ý nghĩa. Chúng ta đến với thế giới này để được sống hạnh phúc nhưng không phải ai cũng có thể hiểu hết đúng ý nghĩa đó. Tất cả mọi người đều không muốn được hạnh phúc và thế là họ đau khổ. Cơn đau khổ kéo dài triền miên ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm này cho đến năm kia. Thật may mắn cho những con người sớm nhận ra chân lý cuộc đời để kịp vui chung với niềm vui của hạnh phúc. Bất hạnh cho những người đến lúc từ giã cuộc đời vẫn không kịp một lần trông thấy khuôn mặt hạnh phúc tròn trịa.

Cách đây vài năm, tôi vẫn còn luôn nghĩ rằng tôi là một đứa bất hạnh vì cuộc đời tôi có quá nhiều đau khổ. Tôi dần xa lánh bạn bè và mọi người xung quanh bởi tôi không tìm được một tiếng nói chung từ họ. Tôi luôn gặp thất bại trong sự nghiệp. Tôi sống trong nghèo nàn… Có những cơn đau khổ kéo đến nghênh chiến cùng một lúc khiến tôi sợ hãi và tuyệt vọng. Đã có khi cơn tuyệt vọng cùng cực mang đi ý chí muốn được sống của tôi. Tất nhiên là hồi đó tôi nghĩ mình là đứa đau khổ nhất trái đất nhưng giờ nghĩ lại tôi chỉ đau khổ một phần so với những người hạnh phúc, còn đối với những người thực sự đang đau khổ thì tôi còn hạnh phúc gấp bội lần. Tôi nhận ra được điều đó là khi tôi dõi mắt ra thế giới bên ngoài để nhìn vào những nổi thống khổ của các số phận khác.

Đối với tôi có bốn điều tạo nên hạnh phúc của một con người. Đó là sức khỏe, là phương tiện để chúng ta duy trì sự sống, sự giao hảo trong mối quan hệ và sự thành công trong công việc.

Bạn sinh ra cơ thể còi cọc, chân tay ốm yếu khiến bạn luôn phải chịu cảnh về sau những người khỏe mạnh to lớn. Bạn trách than mình sinh ra không có được sức khỏe tốt như người khác. Nhưng bạn không biết rằng giây phút ấy có những người đang nằm trên giường bệnh và chống chọi với những căn bệnh hiểm nghèo. Bạn không muốn sống trong bộ dạng bạc nhược yếu ớt nhưng bạn không nghĩ đến những người nỗ lực cố gắng chỉ để được sống. Vâng, chỉ cần còn được sống là còn đấu tranh hy vọng.

Vào đại học, bố mua cho bạn một chiếc xe máy để di chuyển thuận tiện. Bạn lại nhìn vào chiếc xe đẹp hơn của bạn mình rồi thấy tủi thân. Đứa bạn đi chiếc xe đẹp ấy lại nhìn vào đứa được bố mẹ đưa đón bằng ô tô rồi hằng mong ước. Đó chính là lòng tham của con người, không ai biết hài lòng và thỏa mãn với cái mình đang có. Đã vậy lại luôn có xu hướng ngước nhìn lên mà lười biếng cúi xuống. Có bao nhiêu bạn bè vẫn còn đạp chiếc xe cà tàng ướt đẫm mồ hôi. Thực ra tôi nghĩ nếu chúng ta luôn đứng hiên ngang với cuộc đời với tâm thế mình chỉ cần là một người nghèo, không khao khát sống trong giàu sang.

sống hp 2Ảnh: sasint 

Dù cuộc đời đưa đẩy bạn đến một vùng quê hẻo lánh, bạn vẫn sẽ sớm thích nghi với điều kiện hoàn cảnh sống ở đó. Làm cậu ấm cô chiêu bao giờ cũng khó khăn hơn là một kẻ ăn mày. Và khi  đã quen làm một kẻ ăn mày, ta sẽ bớt khó tính đi. Ai đã quen sống trong cảnh giàu có sẽ thấy khốn khổ khi cuộc sống không mang lại cho họ những vật chất mong muốn và một khi quá quan trọng chuyện vật chất, họ sẽ luôn bị chúng ám ảnh. Dù họ giàu có đến đâu thì họ vẫn luôn phải sống trong lo sợ. Họ sợ không thể có, sợ không đủ, có nhiều quá thì đâm ra sợ đánh mất. Bởi kẻ trộm chỉ luôn chú ý đến những người giàu. Khi tôi nghèo, tôi biết rằng tôi không có gì để mất, kẻ trộm chẳng bao giờ quan tâm đếm xỉa đến người nghèo.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta xem thường khinh bỉ tiền bạc vật chất. Chúng cũng là một phương tiện công cụ tối thiểu giúp cuộc sống con người hạnh phúc hơn. Tiền không xấu, nhà lầu xe hơi không xấu, chỉ có cái nhìn của tôi với nó mới là vấn đề. Khi tôi có tiền tôi sẽ rất vui, nhưng nếu tôi không có, tôi cũng không nghĩ tôi phải buồn phiền đau khổ vì nó.

Tiếp theo là sự giao hảo với người khác. Đó chính là tình thân ái, tình thương trong gia đình, tình yêu đôi lứa và tình đồng chí trong mối quan hệ với đồng đội, một vài mối quan hệ lẻ tẻ khác giữa những người xung quanh. Nếu những sự giao thiệp đó mà khốn khổ thì đời sống của bạn sẽ luôn bị gián những đòn chí mạng vào tinh thần. Cái khổ tâm bao giờ cũng đớn đau hơn là cái khổ vật chất. Nếu bạn thiếu thốn vật chất nhưng bạn có tinh thần, trời có sập xuống vẫn còn niềm tin để chống đỡ. Còn nếu trời chưa sập mà tinh thần đã sớm bị thân xác chôn vùi dưới vùng đất lạnh lẽo thì thật là không còn gì để mang ra bàn luận. Bạn nên biết rằng không phải ai cũng có nghĩa vụ yêu thương bạn, hoặc nếu có thì chưa chắc họ đã yêu thương bạn theo đúng cách bạn mong đợi. Hãy yêu thương và cho đi thật nhiều, nhưng quyết đừng trông chờ sự nhận lại. Bạn cho đi mà không có nhu cầu đáp trả. Lúc đó mối quan hệ của bạn mới thoát khỏi cảnh biến thành nhà tù.

sống hp 3Ảnh: Pexels 

Hầu hết mọi người đều đi tìm ý nghĩa cuộc đời trong sự thành công. Đó là mục đích đối với những con người cương nghị. Những cá nhân bỏ phố tìm về quê chăn trâu nuôi bò rồi trồng rau kiếm miếng ăn qua ngày, loại người này tôi nghĩ họ đã tự có thể tìm ra hạnh phúc riêng cho mình chứ không chật vật chạy quanh hỏi mượn hạnh phúc. Còn những người thờ ơ biếng nhác, sống hời hợt với cuộc đời, những người chẳng bao giờ quan tâm đến việc mình muốn sống để làm gì, điều gì tạo ra ý nghĩa cuộc đời mình, cứ sống như một bóng ma lởn vởn bay chập chờn giữa thế gian. Loại người này tôi không có đủ lí trí và hiểu biết khi nói về họ. Còn lại những người luôn sống lao động, cực lực làm việc và tìm kiếm kết quả mong đợi. Và nếu công việc họ làm không đem lại kết quả  mong mỏi thì họ khổ sở. Tất nhiên nếu mọi kết quả luôn theo ý mình, điều đó quả thật sung sướng. Nhưng tôi nghĩ rằng  khi chúng ta tìm được một công việc mình yêu quý thì bất kỳ hoạt động nào cũng làm cho ta sung sướng vì ta thích hợp với nó. Hãy tìm cho mình một công việc mà chỉ cần được làm nó cũng đủ khiến ta hạnh phúc. Thành công phải là cái đến sau chứ không phải là điều được nhắc đến hàng đầu.

Mọi người luôn nhìn vào cuộc sống người khác và không thỏa mãn với cái mình đang có. Đó là thói ganh tị. Thói quen này rất nguy hiểm đối với hạnh phúc. Họ không hiểu rằng đáng lẽ hưởng niềm vui họ nắm được, thì họ lại sầu khổ vì nghĩ rằng người khác có nhiều hơn mình. Chúng ta cần phải dửng dưng, để ý làm quái gì tới người khác.

Con người cũng luôn lo lắng. Lo lắng quá nhiều khiến họ không còn nhìn thấy hạnh phúc. Tôi luôn tự đặt ra câu hỏi rằng nếu sự việc tôi lo lắng thực sự xảy ra thì kết quả tệ hại nhất mà tôi nhận được sẽ là gì. Khi đã vạch ra được tất cả những điều tồi tệ đó. Quả thật tôi chẳng biết tôi đang lo lắng cái quái gì. Mọi chuyện không phức tạp như tôi nghĩ, cũng chẳng có gì nghiêm trọng. Chỉ là tôi bị những lo lắng của mình uy hiếp nên đâm ra lú lẩn thiếu minh mẫn tỉnh táo.

Tôi bây giờ thậm chí không còn quan tâm đến những vấn đề trên nữa, bởi tôi đã tìm ra được bí quyết thần dược khiến cho tôi luôn cảm thấy mình hạnh phúc. Đó là việc tôi luôn nghĩ rằng tôi là người hạnh phúc. Khi tôi thất bại, tôi nghĩ tôi thật hạnh phúc vì đã học thêm được một bài học. Khi tôi sống trong cảnh nghèo nàn, tôi nghĩ tôi thật hạnh phúc vì đã có thể đi đến tận cùng những con người dưới đáy sâu xã hội, cái nghèo dạy cho tôi sống tiết kiệm, tôi được ăn những món ngon mà người giàu không bao giờ được ăn, tôi được sống trong khung cảnh tuyệt diệu của một khu ổ chuột, tôi được tiếp xúc với những con người bần cùng khác và rồi tôi lắng nghe chia sẻ của họ, tôi đã thấy thế giới tôi rộng mở hơn…

Khi nhắc đến cuộc sống, con người luôn có nhu cầu tìm kiếm sự đau khổ hơn hạnh phúc. Niềm vui thì chóng qua mà nỗi buồn thì cứ luôn muốn giữ lại. Một điều tệ hại hơn là chúng ta còn luôn cố gắng gặm nhấm nó. Hãy nhớ khi chúng ta còn bé, chúng ta không bao giờ cố gắng tìm kiếm hạnh phúc nên chúng ta cũng chưa bao giờ cần bận tâm đến khổ đau. Chúng ta đón nhận tất cả làn gió mát từ cuộc sống với thái độ hiển nhiên, hồn nhiên và rất vô tư. Vui đó rồi cũng buồn đó, không mang vác đi đâu xa xôi. Vậy nên chúng ta lãng quên mọi thứ rất nhanh.

sống hp 1Ảnh: sasint 

Tâm trí một đứa trẻ không phức tạp giống người lớn. Chúng cũng không có nhu cầu ham muốn nhiều như chúng ta. Trẻ em cũng yêu quý và ham muốn những thứ chúng thích nhưng chỉ cần bố mẹ bảo rằng con không thể. Giận giữ bực bội lắm cũng chỉ khóc một trận cho thỏa lòng. Ngủ một đêm thức giấc ngày mai đã lại là một trang giấy trắng tinh khôi. Người lớn đau khổ là vì họ có quá nhiều ham muốn. Càng ham muốn thì lại càng phụ thuộc. Sự phụ thuộc quá nhiều khiến người lớn không thể thoát ra khỏi cái vũng lầy. Đó là nguyên do cản trở người lớn sống hạnh phúc.

Thực ra tôi chưa bao giờ hiểu trọn được ý nghĩa thế nào là hạnh phúc. Tôi chỉ biết đó là một sự phủ định của những khổ đau tôi phải gánh chịu. Hạnh phúc thực sự có tồn tại? Hay nó chỉ là một sự trừu tượng của tâm trí được dệt lên bằng tất cả ao ước muốn thoát ra khỏi khổ đau của con người. Bất kể một rủi ro hay khó khăn đau khổ nào xảy đến với tôi, tôi đều biến nó thành niềm hạnh phúc của mình. Tôi không có quá nhiều ham muốn và tôi luôn ngây thơ tin rằng tôi là một đứa hạnh phúc. Tôi nghĩ tôi hạnh phúc và thế là tôi luôn nhìn thấy mình hạnh phúc trong tất cả đớn đau.

Mười năm sau, tôi vẫn sẽ thích cái suy nghĩ của tôi mười năm trước. Tôi là một đứa trẻ và mãi sẽ sống như là một đứa trẻ với tất cả sự hồn nhiên vô tư.

Tác giả: Ni Chi

*Featured Image: Bess-Hamiti
spot_img

BÀI LIÊN QUAN

15 BÌNH LUẬN

  1. Ni Chi à! Phải chăng chính cái suy nghĩ về cái gọi là hạnh phúc và sống sao cho ý nghĩa làm cho con người không hạnh phúc! Có lẽ chúng ta nên sống như một con chó. Đói thì ăn, khát thì uống, tối thì ngủ, việc làm trông nhà thì làm tận tâm, ưng ai thì làm tình, già hoặc bị thịt thì chết. Gặp người yêu thương mình thì vẫy đuôi, gặp trộm thì chiến đấu. Thật là quá đỗi dễ dàng!

  2. Bản chất của cuộc đời là khổ. Khi nào chưa khổ tận cam lai, đi đến tận cùng của cái gọi là khổ, đỉnh cao của khổ, khổ mà chẳng thể nói là khổ, chẳng ngôn từ diễn đạt, thì lúc đó mới có “cơ may”, chỉ là cơ may nho nhỏ biết được HẠNH PHÚC là gì. Chưa là như vậy thì chúng ta chỉ đang tìm những chiếc áo mà khoát cho đỡ lạnh thôi.

    • Xin hỏi bạn NGọc là bạn đã đi đến tận cùng của cái khổ chưa? và bạn có cơ may biết hạnh phúc là gì chưa? nếu rồi thì chắc bạn giác ngộ rồi nhỉ? không biết bạn đang giác ngộ ở cấp độ nào nếu nói theo nhà Phật? còn nếu chưa thì có vẻ bạn khẳng định mọi thứ như đúng rồi vậy.

      • Hihi, nếu mình đã giác ngộ giác hơi gì gì đó hay đã đạt được HẠNH PHÚC THẬT SỰ thì mình đâu vào THDP này để chia sẻ và trao đổi. Chẳng phải chúng ta vào đây là để tìm kiếm thứ gì ư, để nâng cao bản ngã, cái tôi (ngợi khen, tung hô) thông qua việc gọi là chia sẻ quan điểm, chia sẻ góc nhìn chi chi đó. Hì hì.
        Người nào nói lời ái ngữ hay đồng ý, thì ta thích thú. Còn người nào nói lời khó nghe, quan điểm bất đồng thì ta cố tranh luận cho ra ngô ra khoai. Đó là Hạnh Phúc ư? Cái thứ Hạnh Phúc giả tạo đó vốn là huyễn. Lúc đói thì thấy bát mì cho là hạnh phúc. Lúc ăn đồ ngon thì nhìn tô mì cho là khổ mới ăn mì. Cái hạnh phúc sinh rồi diệt, diệt rồi sinh đó thì là cảm thọ do tâm phân biệt mà sinh ra, thì thử hỏi thứ sinh diệt sao có thể dài lâu. Lấy được vợ được chồng, người ta chúc trăm năm hanh phúc. Nhưng cuộc sống gia đình có hạnh phúc không? Sinh con đẻ cái, sinh đôi 1 cặp, trời cho long phụng gì đó. Lớn lên con cái không nghe lời. Cái hạnh phúc long phụng gì đó ở đâu?
        Vì vậy nếu chẳng nhận ra bản chất cuộc sống là khổ, là bất như ý để từ đó mà quyết tâm đoạn khổ thì sẽ…từ từ mà nhận ra.
        Ông bà có câu: chưa thấy quan tài chưa đổ lệ là vậy.

        • Tôi hỏi chỉ vì nghe câu “bản chất của cuộc đời là khổ”, tôi tự hỏi là sao người ta thích xem cuộc đời là khổ trong khi thực tế thì cuộc đời là một quá trình hạnh phúc và khổ đau đan xen lẫn nhau. như bạn nói, khi lấy nhau người ta thấy hạnh phúc (hạnh phúc đó thật sự tồn tại) và chúc nhau hạnh phúc trăm năm, quả thật trăm năm (hay vài mươi năm) đó khg chỉ toàn hạnh phúc mà còn có khổ đau, chỉ có điều chẳng lẽ người ta khổ đau suốt trăm năm đó sao? giống trên 1 tờ giấy có 2 màu đen trắng, người ta lại thích nhìn vào màu đen mà quên đi màu trắng rồi cho tờ giấy ấy chỉ có màu đen. Sao người ta không nhìn theo cách ngược lại, rằng bản chất cuộc đời là hạnh phúc nhỉ? hay con người quá tham lam, chỉ muốn rằng toàn bộ cuộc đời phải là hạnh phúc tất thảy thì mới xem bản chất cuộc đời là hạnh phúc? còn nếu có vài sự khổ đau thì lại xem bản chất nó là khổ? Quan niệm đưa đến hành động và cách mà người ta sống trong đời, nhìn vào cái khổ đau để biết quý cái hạnh phúc, tìm hiểu về khổ đau để loại trừ những nguyên nhân tạo nên khổ đau mà đạt được hạnh phúc nhiều hơn, đó không phải là mục đích của cuộc sống hay sao? đằng này chưa gì mà phán một câu xanh rờn “bản chất của cuộc đời là khổ” thì làm quái gì mà tìm thấy hạnh phúc được nữa? chỉ nội lấy câu đầu đó thôi thì cả một đống câu sau của bạn đã trở thành vô nghĩa rồi. Sao người ta không nhìn theo cách ngược lại, rằng khổ đau chỉ là hư ảo còn hạnh phúc mới là bản chất? Ông bà nói câu đó cũng đúng nhưng khi chưa thấy quan tài mà đã mang quang tài về để chình ình giữa nhà, để đó từ năm này qua tháng nọ và đỗ lệ suốt cả đời thì không phải tự mình hại mình hay sao? vậy khi nào thấy quan tài thì mới nên đổ lệ, huống hồ câu đó là để giúp người ta tránh cái việc thấy quan tài, đó mới là mục đích, chứ không phải cứ lấy cái quan tài đó ra để nhát ma mình, nếu vậy thì thà không cần biết cái câu răn dạy đó còn hơn. Huống hồ để thấy cái khổ thì con người ta phải trải qua và cảm nhận nó thì mới biết nó là khổ, khổ thế nào, khổ ra sao, chưa cảm nhận được cái khổ mà đã xem tất cả là khổ ải thì chẳng phải “cầm đèn chạy trước ô tô” ? Thành ra tôi mới hỏi là bạn đã đi đến tận cùng của cái khổ hay chưa? nếu chưa sao bạn dám bảo bản chất cuộc đời là khổ? nếu chưa thì cái nhận định đó của bạn từ đâu mà có? hay bạn có được là do học thuộc lòng từ lời giảng của ai đó? giác ngộ không từ bản thân mà từ sự mớm ý mớm lời từ một bậc nào đó thì có phải là giác ngộ không? Vị ấy có cảm ngộ của vị ấy và ta nên có cảm ngộ của riêng ta thì mới là chân giác ngộ. Thành ra mình nghĩ là trước khi ta thật sự cảm ngộ về điều gì đó thì đừng mang mấy cái học thuộc lòng đi truyền bá lung tung, vì nó sáo rỗng và không thật, chỉ nên nói những gì mình biết thì sẽ giúp ích cho người khác hơn. Tôi nói ra điều này cũng không phải muốn ném đá cái vị nói ra cái lời mà bạn lặp lại, vị ấy là bậc giác ngộ trên con đường của chính vị ấy, nhưng cứ nghe những lời như thế cứ lặp đi lặp lại y chang và như sự khẳng định từ những người chưa thật sự đi hết con đường của khổ ải thì quả thật tôi cảm thấy rất khổ. Cái khổ chưa đến thì người ta đã tự mang cái khổ đi rao truyền khắp nơi rồi. Trọng tâm là thoát ly khổ ải chứ có phải bản thân cái khổ đâu, sao cứ mang cái ách khổ ải đó vào người nhỉ?

          • Ông muốn cảm thấy cuộc đời như thế nào thì đó là QUYỀN TỰ DO Ý CHÍ của riêng ông mà tôi hoàn toàn tôn trọng điều đó. Đó là con đường ông PHẢI đi, và NÊN đi.

          • Ồ! cái đó hẳn nhiên, bạn cũng đừng nghĩ tôi can thiệp vào QUYỀN TỰ DO Ý CHÍ của bạn, vì có muốn cũng chẳng được, tôi chỉ đặt ra nghi vấn sau khi thấy những gì bạn viết thôi, không ảnh hưởng gì đến bản thân mỗi chúng ta trong việc ta theo đường ta chọn 🙂

          • Không ai có thể can thiệp QUYỀN TỰ DO Ý CHÍ của ai cả, chỉ có KHỔ ĐẾ tìm đến thì cái TỰ DO Ý CHÍ đó mới nương theo mà tìm ra lẽ thật.

            Đứa bé mới sinh ra đã khóc, đã tìm sữa mẹ, tìm không khí để thở. Nếu không có sữa lúc đó, xem nó và bố mẹ nó có KHỔ không? Ngay cả chưa sinh ra, bào thai trong bụng cũng đã chịu KHỔ nếu như người mẹ mang bầu không chú ý giữ gìn chăm sóc cho cái bào thai.

            Khi sinh ra rồi, lành lặn thì không nói. Thiếu mất 1 trong các bộ phận, hoặc dị dạng, thì có KHỔ không? Muốn biết thì cứ vào bệnh viện Ung bướu, nhìn những hoàn cảnh mà đứa bé bị Úng Não, thân hình dị dạng. Hãy can đảm mà bước đến nói họ rằng: cuộc sống này tốt đẹp lắm, đừng có lo!

            Lành lặn như bao đứa trẻ khác thì quá tốt, được đến trường đi học. Nhưng gặp phải gia đình nghèo, miếng cơm không có mà ăn. Đừng nói chuyện chơi đùa, 24h thì 18h phải bươn chải ngoài nắng kiếm sống, mưu sinh, có KHỔ không?

            Ví dụ như nhà có điều kiện, gia đình cho học hành tử tế, đùng 1 bố mẹ làm ăn thất bại, tán gia bại sản phải ra đường ở. Có KHỔ không?

            Trưởng thành, lấy vợ lấy chồng, gia đình êm ấm. 1 ngày về nhà, phát hiện người kia ngoại tình bỏ đi. Con không ai chăm lo, có KHỔ không?

            Vượt qua tất cả các cảnh chướng đó, nuôi con ăn học, lớn lên thành cướp, giết người vào tù. cha nhìn con qua song sắt. Có KHỔ không?

            Đó là những cái KHỔ về thân xác, còn những cái KHỔ về tâm, thuộc NGHIỆP, kể sao cho hết.

            Nhưng cái KHỔ lớn nhất đời người là cái KHỔ sinh tử. Tức chẳng thể làm chủ thân xác này. Không muốn bệnh, nó vẫn bệnh. Không muốn ung thư, nó vẫn gặm nhắm từng ngày. Ông có biết nổi khổ của người bệnh Ung Thư chưa?

            Đang khỏe mạnh, tuổi xuân phơi phới, đi khám bác sĩ, nói chỉ sống được 10 ngày. Lúc đó, sự ham muốn SỐNG sẽ như thế nào?

            Mà những cảnh này, chẳng phải tôi bịa ra. Ông hãy mở to mắt mà nhìn xung quanh ông đi. Ngay ở chính bản thân ông, gia đình ông, họ hàng ông, làng xóm ông có không?

            Có thể ông cho rằng tôi là người bi quan khi nhìn thấy những cảnh này mà cho cuộc sống là KHỔ. KHỔ là do tham đắm, luyến ái, yêu ghét, v…v mà ra (
            Phải nhìn thấy được cái KHỔ thì mới có thể phát tâm TRỪ KHỔ. Người chưa thể nhìn thấy cái KHỔ nơi người (mà cũng chính là ta ngày sau), thì còn tham đắm vào những thứ hão huyền, không thật như ông tham đắm vào. Những người này thường sống với lý tưởng: sống chỉ có 1 lần, YOLO, sống hết mình. Những người như vậy thường không hiểu Nhân Quả. Thích ăn gì thì ăn, con gì ngon, cho vô miệng được là ăn. Thích làm gì thì làm mà chẳng biết hậu quả là gì. Những kẻ thành công, thành đạt trong xã hội thường có lý tưởng bất chấp này. Đến khi nào NGHIỆP đến tìm thì mới hồi đầu, tu tâm dưỡng tánh.

            Dĩ nhiên cho dù có tận mắt chứng kiến những cảnh KHỔ đó trong nhà hoặc ngoài xã hội thì ta cũng vẫn cứ DỬNG DƯNG vì quan tài lúc này là của người khác, chẳng phải của ta.

            Chỉ khi nào, ta là người THỌ KHỔ. Ta là người nằm trên giường bệnh thì ta mới biết nỗi khổ của hàng ngàn con kiến bò trong xương của người bị ung thư. Chỉ khi nào chính ra là người đang tranh giành sự sống mong manh từ Tử Thần thì ta mới hiểu chỉ 1 giây phút cũng đáng sống đến chừng nào.

            Ý nghĩa của “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ” là vậy chứ không phải là suy nghĩ đặt quan tài trong nhà mình như ông nói.

            Thấy cuộc đời là KHỔ để biết trân quý THÂN NGƯỜI này và gieo THIỆN NHÂN để tránh được ÁC QUẢ.

          • Bản chất cuộc sống là đau khổ,mà cái này bạn cũng có thể biết rồi,khổ là nghĩa hẹp,nghĩa đúng là bất cứ thứ gì gây khó chịu,ngay cả cảm giác trống rỗng,bất thỏa mãn. Bất cứ cái gì mà con người theo đuổi đều là bất thỏa mãn,trống rỗng,
            nhưng con người không nhận ra nó ngay,mà khi có
            nó rồi thì mấy nhận ra bản chất của nó.Ví dụ như
            bạn mơ ước có xe hơi vậy,bạn cứ nghĩ nó sẽ cho bạn cảm giác toại nguyện ,thõa mãn vĩnh viễn,nhưng khi có được rồi bạn mấy nhận biết được rằng nó bất toại nguyện,bạn sẽ toại nguyện đc 2 bữa,ba bữa,một tháng rồi sau đó bạn không còn vui vì nó nữa,bạn cũng sẽ tìm kiếm thứ khác,cũng có thể bạn sẽ có những thú vui khác liên quan tới chiếc xe như bạn sẽ đi khắp nơi,tìm người khoe chiếc xe đó,thì ngay cái đó cũng sẽ là sự bất thỏa mãn,luôn tìm kiếm thứ gì đó liên tục để bù đắp ,mang lại khoái cảm,cứ
            chạy theo nó một cách điên cuồng và không bao giờ dừng lại,vì không bao giờ thõa mãn.Nếu bạn có thể nói ra được một thứ đem lại sự thõa mãn ,ngoại trừ sự giác ngộ,thì mình cảm ơn,mình cũng rất muốn có thứ gì đó như vậy đây,vì giác ngộ thì khó quá,các sư bên Thái phải bỏ tất cả,ngủ trong rừng ,thọ trì các hạnh đầu đà ,đương đầu với thú dữ để đạt quả vị A La Hán,còn các vị bồ tát thì phải lặn lội vô số kiếp để đạt quả vị Vô Thượng Bồ Đề,phải chịu những khổ đau khủng khiếp nhất của luân hồi,nên mình cũng sợ.H mà có cái gì đó
            đơn giản hơn đem lại sự thõa mãn thì mừng lắm.

          • Đính chính lại, tôi chấp nhận cuộc sống có khổ có sướng chứ không phải “bản chất cuộc đời là khổ đau”. Tôi không chấp nhận quan điểm “Bất cứ cái gì mà con người theo đuổi đều là bất thỏa mãn,trống rỗng”, có những điều mà con người theo đuổi vô cùng có ý nghĩa, ví dụ như “vì hòa bình thế giới” hoặc tình yêu, khai dân trí. Nếu bạn muốn biết hạnh phúc là trường tồn hãy học về Tình Yêu và “yêu người như mình vậy”. Ai muốn đạt quả vị này hay cấp bậc kia thì cứ tu luyện để mà đạt, tôi thì chỉ muốn hiểu bản chất của của cuộc sống, của khổ đau và hạnh phúc, của tình yêu. Tôi không hề phủ nhận cuộc sống có đau khổ, nhưng tôi không chấp nhận quan điểm bản chất nó chỉ toàn là khổ, nếu một lập luận cho rằng hạnh phúc là vô thường thì cũng bằng lập luận đó thì khổ đau cũng là vô thường, vậy cần gì phải chấp vào việc cuộc đời là bể khổ đây? Cuộc đời là cuộc đời thế thôi, vậy thì hãy sống như cách mà nó cho ta, còn muốn sống niềm vui và hạnh phúc thì cứ đi tìm nó vì “ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì cửa mở cho”, ai tìm sự phù phiếm thì đạt được sự phù phiếm, ai tìm hạnh phúc trường tồn thì sẽ tìm được, và ai tìm khổ sẽ thấy khổ, ai tìm sự tự do và bình yên tuyệt đối thì cũng sẽ tìm thấy. Bạn tìm gì thì bạn sẽ thấy cái bạn muốn tìm và tôi cũng vậy. cảm ơn vì cmt 🙂

        • Dù đã cố gắng hết sức nhưng tôi rất tiếc, không tập trung vào đọc cmt của bạn nổi, vì đó là những điều tôi nghe mãi rồi, những cái khổ đó tất nhiên tôi thấy nhưng cách nhìn vào cái khổ của chúng ta hoàn toàn khác biệt, tôi chấp nhận nó như những gì nó cần đến và phải đến để có được cái hạnh phúc mà tôi muốn có, vẫn như cmt trước, bạn xem cái khổ là chính, tôi nhìn vào hạnh phúc là chính. bạn xem khổ là trường tồn, tôi xem hạnh phúc là trường tồn. Bạn diệt nguyên nhân gây ra khổ đau mà trong đó có cả những nguyên nhân tạo ra hạnh phúc, tôi thì không. Bạn sợ khổ, tôi thì không. Tôi chấp nhận cả 2 thứ khổ đau và hạnh phúc như sự tồn tại của nó. Tôi sẽ vui cười khi cuộc sống còn đẹp và sẵn sàng khóc lóc khi quan tài hiện ra, tôi sẽ sống như những gì cuộc sống đã mang đến cho tôi, cảm nhận nó dù là hạnh phúc hay khổ đau. Thành ra bạn cứ giữ lấy cái khổ đó của bạn nhé! Cảm ơn vì sự kiên nhẫn của bạn 🙂

          • Do tai ông hư, đâu phải lỗi ở ngôn tự?

            Thuộc lòng hay không thì tôi không biết vì những cảnh khổ là xung quanh tôi và chính bản thân tôi, nên tôi thấy cuộc đời vốn là khổ. Chính vì do vô minh, không nhận ra cuộc đời là khổ nên mới rong ruổi chạy theo những thứ hão huyền như tiền bạc, vật chất, danh tiếng. Chỉ 1 cái Like, cái tung hô, cái ngợi khen, cái thỏa mãn để phục vụ cho cái ngã. Như những người tâm thần trên Facebook, mỗi ngày phải đăng 1 status, 1 tấm hình, rồi trông ngóng xem ai vào like, vào bình luận. Những ca tâm bệnh như vậy đâu phải là hiếm. Vậy cái hạnh phúc đó trường tồn ư?

            Nếu nói hạnh phúc trường tồn thì ông đã bác bỏ lý VÔ THƯỜNG.

            Thân xác con người ở đây còn vô thường, tức nay sống mai chết. Không ai biết được, mà thứ hạnh phúc ảo đó có thể trường tồn ư?

          • T không biết bác Ngoc Ngoc vs bác Ng Minh Chí ai khổ ai suong’ hơn ai chớ tui thấy hai bác mà ở chung một nhà là ngày nào cũng có kịch để xem😄

Trả lời Ngoc Ngoc Hủy trả lời

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI