18.3 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

6 điều tôi học được khi làm mẹ

Tôi thường chia sẻ với các bạn, các em mình rằng, dù chúng ta chọn lựa sinh con hay không, hãy luôn sẵn sàng và không ngừng học hỏi cho điều thiêng liêng nhất của người phụ nữ – Làm Mẹ. Và tất cả những điều chúng ta học được về việc làm mẹ sẽ không thể trôi sông dù ta có chọn lựa con đường nào. Mẹ Teresa không có con, nhưng Người có hàng triệu đứa con trên khắp thế giới. Hãy cứ học làm mẹ, với trí tuệ và tình thương, chúng ta có thể giúp rất nhiều những đứa con (con anh chị em, bạn bè, hàng xóm, hay em bé nào ta hữu duyên gặp được) và quan trọng nhất, là giúp chính chúng ta.

Vào những buổi đêm ngày bé, tôi đợi cho em mình ngủ ngoan, rồi nhẹ nhàng nhợm người dậy nhón chân lên ô cửa sổ ngắm sao đêm và dãy đồi phía Tây, những ánh đèn vàng yếu ớt hắt lên những mái nhà ngói, đôi ba cái cây khẳng khiu cô đơn mọc phía đỉnh đồi trọc. Tôi mường tượng về hình ảnh những ngôi nhà phía xa ấy, phóng tầm mắt để thấy bóng người nhỏ bé qua song cửa, và mơ mộng về một gia đình tương lai của mình. Tôi sẽ làm gì để nuôi nấng những đứa con của mình, tôi sẽ chơi gì với chúng, làm gì để cho chúng biết tôi yêu chúng? Vào những năm trước 10 tuổi, tôi đã gieo những giấc mơ trong vắt “người lớn” như thế.

Sau này, qua những ngày vật lộn tuổi dậy thì và dần trưởng thành, đi sâu hơn vào bên trong mình, tôi hiểu những ước mơ thầm kín đó đến từ khao khát của đứa trẻ bên trong tôi, tất cả những mong muốn về tương lai vô định khi ấy chính là hiện thân của những mong ước vào thời điểm đó mà đứa trẻ 8-9 tuổi khi ấy không cách nào diễn đạt.

Những năm đại học, khi biến cố đến, tôi bắt đầu học cách thành thật đối diện về tất cả những “chuỗi đau khổ” tôi trải qua, và tôi nhận ra rằng, để đi tới hạnh phúc tự thân, tôi không thể bỏ mặc đứa trẻ đầy thương tổn bên trong mình mãi nữa, tôi không có con đường nào khác. Tôi quyết định đối diện và chấp nhận.

Để chuẩn bị sự đủ đầy cho tương lai, tôi cần đủ đầy trong hiện tại.

Để đứa con tương lai được hạnh phúc, tôi sẽ cần trau dồi để trải nghiệm hạnh phúc trước tiên. Nhận thức của tôi cứ thế thay đổi hơn mỗi ngày, tôi không nói ngày nào cũng tươi sáng tích cực. Tôi vẫn trải qua cảm giác vật lộn, đau khổ thường khi, nhưng tôi không trốn tránh, không che giấu, tôi để tất cả những gì tôi từng cho là xấu xí nhất được hiển lộ. Từ khoảng năm ngoái, tôi có dịp được tiếp cận với trẻ nhỏ thường xuyên hơn. Các con đến, đem theo sứ mệnh của thiên thần tưới mát cho tôi, và dần hé lộ cho tôi biết tôi muốn làm gì trong cuộc đời này, là cống hiến cuộc đời này cho tụi nhỏ, là làm một cái cây che mát cho các con, vững chãi để chúng trèo lên, đi qua những buổi trưa không ngủ của tuổi thơ. Vậy suốt quá trình ấy, tôi học mót được gì cho việc làm mẹ?

1. Không phải đến khi có bầu mới lao đầu đi học làm mẹ

tôi học làm mẹ 3Ảnh: marvelmozhko 

Từ bé, có một ý thức mạnh mẽ thôi thúc tôi tự trau dồi tìm hiểu các phương pháp “dạy con” một cách rất vô thức. Tôi hay quan sát một sự việc giữa cha mẹ và con cái, đặt mình vào đối tượng trong tình huống đó và tập giải quyết, tưởng tượng thái độ và hành vi của trẻ trong quá trình xảy ra tình huống ấy. Hồi sinh viên, những nơi tôi hay lui tới thường là thư viện, công viên, hoặc chỗ nào có trẻ con để được ngắm nhìn chúng và cách chúng giao tiếp với thế giới bên ngoài, rất thú vị. Trông tôi như một kẻ lượm hạnh phúc của những người qua đường. Rồi với kinh nghiệm ấy, tôi cảm nhận mình dễ dàng làm bạn hơn với các bạn nhỏ, chúng tôi xây dựng niềm tin cho nhau và thành cạ cứng. Đối với những đứa trẻ tỏ ra không muốn ở bên tôi, tôi lại đi tìm lý do tại sao, tôi không bỏ lỡ bất cứ dấu hiệu nào từ Vũ trụ. Bọn trẻ vốn nó chẳng nghĩ nhiều, thấy gần ai mát mát dễ chịu, làm cho nó hứng thú, nó sẽ muốn ở cùng người đó.

2. Đừng khó khăn với bản thân quá

Nhiều người thân của tôi rơi vào bế tắc, trầm cảm vì nuôi con mọn. Các chị, các bạn than khổ, có người vì cầu toàn mà không muốn ai đụng đến con mình. Sợ rằng người khác mặc tã cho con không chuẩn, sợ con bẩn, sợ người khác bế con làm rơi con. Rất nhiều nỗi sợ chồng chất khiến họ mất ngủ thời gian dài. Tôi ngẫm lại cách người đồng bào nuôi con, đẻ được 3 ngày là đem con theo rẫy, để cho con tiếp xúc tự nhiên, bọn trẻ con đồng bào khỏe lắm, các bạn người đồng bào thời phổ thông của tôi mỗi lần đi leo núi cùng, chúng nó luôn là đứa xông xáo và làm thủ lĩnh cho cả lớp. Tôi vừa lọt lòng, bố đã đẩy tôi trên xe nôi ra bãi tuyết ngoài công viên âm 40 độ, sức đề kháng của tôi vẫn tốt, ít ốm vặt là nhờ thế. Mẹ cũng để cho tôi tiếp xúc với cô chú hàng xóm, có thời gian làm việc khác chứ không phải mãi dán mắt vào con gái. Ngẫm lại, thấy đúng là thế giới bên ngoài nuôi tôi nhiều hơn là mẹ, mẹ cũng hay bảo nuôi tôi có lời lắm!

3. Từ từ hãy đẻ nếu còn chưa biết chăm sóc chính mình

Chăm sóc cho mình là thế nào? Không phải là ra tiệm nail dũa dũa mỗi tuần, không phải là bôi 8-9 bước lên mặt lúc nửa đêm cho da đẹp, không phải diện lên trăm ngàn bộ váy. Đó đều là những cái bên ngoài, bạn tháo nó xuống, bạn sẽ thấy mình trơ trọi chẳng còn gì. Chăm sóc cho mình ở đây là chăm sóc phần bên trong mình, đọc sách, đi học, gặp gỡ những người giúp chúng ta có thể khai mở trí tuệ, giúp chúng ta khám phá được những giá trị tốt đẹp bên trong, giúp ta mang những hạt giống lành được khơi mở nảy mầm. Là biết cách làm gì khi chỉ một mình, tưới nước cho mình khi khô héo, là ý thức được về hành động của mình, những thông tin mình nạp vào đầu, biết tự rút bài học thông qua mỗi trải nghiệm đến.

Hãy quan sát và học lỏm cách các bà mẹ chăm sóc, âu yếm đứa con của họ, nếu được sự đồng ý của họ, bạn cũng có thể thực hành với đứa bé. Nâng đứa bé lên tay, đung đưa và gieo vào con đôi câu ru. Một ý nghĩ tốt đẹp khởi lên về đứa trẻ bất kỳ cũng sẽ là một hạt mầm quyết định về thiên tính đứa trẻ tương lai của bạn. Tôi thường mở vài bài hát ru lên và cảm nhận. Những bài hát ru không phải chỉ dành cho em bé thôi đâu. Không tin bạn nghe bài For This Child này thử xem. Học làm mẹ có bao giờ là sớm? Có bao giờ là muộn?

 

4. Không phải là dạy con làm sao, mà là ta học về chính mình thế nào

Được tiếp cận với nhiều kiến thức mở, các bà mẹ đã trở nên thông thái hơn. Rất nhiều bà mẹ tôi biết đã học cách giảm mong cầu cho con mình, mà ẩn sâu là mong cầu cho chính họ. “Con không cần lớn lên phải trở thành ai hoàn hảo vĩ đại, hãy cứ là con thôi.” Các chị cũng thử nghiệm nhiều phương pháp giáo dục khoa học để khỏi đi theo vết xe đổ của ông bà trong việc giáo dục con. Đó là tín hiệu thực đáng mừng. Tuy vậy, bạn cũng đừng nên chăm chăm vào phương pháp quá, mọi thứ thuận dòng chảy là tuyệt vời nhất. Cũng như chẳng có chế độ ăn uống nào là phù hợp cho tất cả và mãi mãi cho một người, hãy uyển chuyển, cảm nhận bằng trái tim về những điều ta làm cùng con. Hãy mở rộng sự tinh tế, để thấy con đang giúp ta học bài học gì, mọi biểu hiện từ con đều là sự tương phản của chính ta. Cứ nuôi dưỡng rèn luyện quan sát lời nói và hành vi của mình.

tôi học làm mẹ 4Ảnh: Foundry 

5. Chọn lựa người đồng hành sáng suốt

Không ít lần tôi thấy sự giằng co trong việc dạy con và vận hành một gia đình. Người mẹ muốn cầm roi vụt con, người cha lại ngăn cản. Người cha muốn con học cách tiết kiệm tiền và ăn sáng cùng gia đình, người mẹ lại dúi tiền riêng cho con. Những cái rất nhỏ như thế ở đâu cũng có. Vậy nên, hãy dành thời gian cùng người bạn đời của bạn tìm hiểu, trao đổi, sẻ chia về việc giáo dục con, chia sẻ về tuổi thơ của chính chúng ta, để người ấy hiểu được những “trauma” trong quá khứ mà biết cách điều chỉnh và nâng đỡ con. Hãy thể hiện sự tôn trọng dành cho nhau. Mọi thứ chúng ta làm với nhau và với đứa trẻ đều sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của nó sau này.

6. Sai thì sửa, mà lỡ chửa thì đẻ vậy!

À mà đấy, rốt cuộc thì không ai nói hay được. Bạn không thể chắc mẩm được câu “Tao sẽ không bao giờ đẻ!” Biết đâu vài tháng nữa lại lòi ngay ra một đứa! Đứa con là một món quà. “Thượng đế không gửi gì đến chúng ta ngoài những thiên thần.” Dù ta đã “sai lầm chọn lựa”, hoặc “chẳng may” cái gì đó không nên xảy ra khi không tỉnh táo, thì hãy cứ vẫn dấn thân, rộng mở chào đón mọi món quà đến với chúng ta. Dù trước đó ta đã không biết gì đến việc lập gia đình/làm mẹ, hãy dặn lòng bình an vì không chỉ có mình bạn là người nuôi nó, Vũ trụ sẽ giúp bạn nuôi nấng đứa con này. Trời chẳng sinh voi sinh cỏ là gì. Tôi từng tiếp xúc với vài chị, trước kia chỉ biết lối sống selfish, đùng một cái sinh con, lâu lâu gặp lại thấy các chị trở nên khác đi, rộng lượng hơn, tu tập tinh tấn hơn và “đẹp” hơn. Có đứa con, các chị có động lực làm nhiều thứ ý nghĩa cho cuộc sống. Một chị từng nói với tôi: “Làm cha mẹ là điều tuyệt vời nhất chị từng chọn lựa.”

tôi học làm mẹ 2Ảnh: satyatiwari 

Chặng đường học làm mẹ còn dài. Những điều hôm nay tôi viết có thể ngày mai tôi lại nhìn nhận theo cách khác, nhưng tôi sẽ cứ trải ra, vì đây là cách tốt nhất tôi làm được để hiểu về mình, thương lấy mình.

Ta là cánh cung, để mũi tên cuộc sống của con bay xa.

Tác giả: The Clearest Bleu

*Featured Image: TerriC
spot_img

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI