25 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[THĐP Review] Ai cũng xứng đáng được hạnh phúc, Thu Hà (mẹ Xu Sim) – Nói với em hay nói với cha mẹ của em?

thđp review

“Em à, những việc xảy đến với em, nó không hoàn toàn là tình cờ. Những rắc rối không tình cờ, những may mắn cũng không tình cờ. Việc xảy ra vì nó cần phải xảy ra.”

Đây là một trong những lời kết tôi thấy tâm đắc nhất trong tác phẩm Ai cũng xứng đáng được hạnh phúc của tác giả Thu Hà. Cuốn sách là tập hợp những góc nhìn, sự đúc rút, chiêm nghiệm của tác giả từ việc quan sát, tiếp xúc với những câu chuyện có thật trong xã hội – chủ yếu liên quan đến học sinh, giáo viên, phụ huynh trong các vấn đề giáo dục, bạo lực học đường, rắc rối tâm sinh lý tuổi vị thành niên, kỹ năng sống của người trẻ, sự đổ vỡ mối quan hệ gia đình và các ký ức tuổi thơ thương tổn.

Những nội dung này không có gì mới lạ, nhưng chưa có nhiều người nói sâu và nói thật về nó trong những cuốn sách. Đọc tác phẩm Ai cũng xứng đáng được hạnh phúc, tôi thấy nó toát lên được sự trăn trở, suy tư của người tác giả về đời sống của những bạn trẻ khi chớm bước vào tuổi trưởng thành – một trong những giai đoạn rất nhạy cảm và chênh vênh trong cuộc đời mỗi con người. Sự khó khăn với các em chính là việc trải nghiệm những thay đổi lớn trong tâm sinh lý trong khi các em còn non trẻ. Chuyện này sẽ đặc biệt khó khăn hơn khi gia đình, nhà trường và xã hội không dành cho các em sự quan tâm, giáo dục, định hướng đầy đủ.

ai cũng xứng đáng hp 1Ảnh: digaita 

Cuốn sách chỉ hơn 200 trang nhưng chứa đựng đa dạng các câu chuyện và trải nghiệm thực tiễn. Tác giả Thu Hà không chỉ nêu luận điểm, sự chiêm nghiệm mà còn có các dẫn chứng cụ thể cho mỗi điều chị ấy nói nên tạo ra sức thuyết phục to lớn cho tác phẩm. Không cần phải đọc hết cả cuốn sách để có thể nhận ra tác giả là người đọc nhiều, đi nhiều và chứng kiến nhiều câu chuyện cuộc sống nên có một cách tiếp cận vấn đề rất thực tế, rõ ràng.

Có thể nói, sự xuất hiện cuốn sách này là một tin mừng cho phụ huynh trong việc uốn nắn con em, cho giáo viên trong việc dạy dỗ học sinh và cho những bạn trẻ trong việc định hướng tinh thần của chính mình khi đứng trước ngưỡng cửa đổi thay của cuộc đời. Tuy nhiên, cuốn sách vừa là tin vui vừa là tin buồn vì nó phô bày hiện trạng đáng báo động trong đời sống của một thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam – những chủ nhân tương lai của đất nước.

Sách self-help xuất hiện càng nhiều chứng tỏ con người trong xã hội đang càng lạc lối và suy thoái. Xuyên suốt tác phẩm Ai cũng xứng đáng được hạnh phúc là hàng loạt những câu chuyện đáng buồn, đáng thương, đáng trách của những bạn trẻ dại khờ, bồng bột, yếu đuối và dựa dẫm. Ẩn đằng sau đó là những câu chuyện còn đáng thất vọng hơn về sự non kém trong cách sống và cách giáo dục con cái của cha mẹ các em. Cá nhân tôi cho rằng, những đứa trẻ khi còn đang phụ thuộc kinh tế vào gia đình và bản thân các em cũng chưa đủ tư duy, bản lĩnh, sự độc lập để tự dẫn dắt mình trong cuộc sống thì sự dạy dỗ, uốn nắn của cha mẹ gần như là yếu tố quyết định cho sự thành bại của các em.

Tuy nhiên, nội dung của cuốn sách chưa được đào sâu một cách rốt ráo. Có một vài câu chuyện, khi đọc, tôi cảm thấy bị hẫng hụt khi tới phần kết vì độ sâu sắc, cũng như các góc quan sát chưa chín muồi và chặt chẽ. Ở đây, sự chiêm nghiệm của tác giả ở mức độ vừa phải, không quá triết lý. Có lẽ như vậy, cuốn sách sẽ phù hợp với lứa tuổi còn non trẻ, tư duy không đòi hỏi sự quá sắc sảo. Và việc tác giả xưng “tôi – em” đã thể hiện rõ điều đó.

Xét về cách xưng hô trong cuốn sách, tôi thấy rằng việc gọi “em” và xưng “tôi” sẽ toát lên được sự gần gũi, chân tình. Khi người trẻ đọc Ai cũng xứng đáng được hạnh phúc, các bạn ấy sẽ dễ đồng cảm và dễ tiếp thu các ý tưởng của tác giả. Tuy nhiên, chính việc xưng hô có đối tượng cụ thể này sẽ gây hiệu ứng giới hạn người đọc. Khi tác giả tập trung tương tác với một loại đối tượng nhất định tức là đã chấp nhận đánh đổi nó với tất cả các đối tượng còn lại.

Nếu xưng ngôi thứ nhất “tôi”, không gọi “em”, mà chỉ đơn thuần nêu hiện tượng và đúc rút chiêm nghiệm thì nội dung cuốn sách sẽ có sự khách quan, trung tính hơn, sẽ tiếp cận được nhiều người hơn (trong đó có các bậc phụ huynh.) Nếu tác giả muốn tâm sự với các bạn trẻ thì có thể dành những trang cuối cùng để nói lời đúc kết, giúp các em nhập thân vào các câu chuyện đã được kể phía trước. Như vậy, độc giả ai cũng có phần của mình.

Có một điều khiến tôi rất băn khoăn khi đọc xong cuốn sách này. Đó là cuốn sách xưng “tôi-em” tức là đang viết cho người trẻ đọc. Nhưng tôi để ý thấy lứa tuổi teen chẳng có mấy người đọc sách self-help. Hay chính xác hơn là những bạn trẻ cần đọc những nội dung này thì còn đang bận đi học từ sáng đến tối, bận yêu đương từ thứ Hai đến Chủ Nhật và bận chơi game online từ mùa xuân sang mùa hạ. Đến khi những vấp ngã xảy ra xong xuôi rồi, khi còn sống để ngồi suy tư lại cuộc đời, các bạn ấy mới tìm thấy mình trong những trang sách.

ai cũng xứng đáng hp 3Ảnh: Nuffer 

Theo tôi, cuốn sách này nên dành cho các bậc phụ huynh thì phù hợp hơn. Vì viết để thức tỉnh cha mẹ sẽ triệt để hơn là viết để thức tỉnh các em. Với lượng trải nghiệm nhỏ và mức độ tư duy còn non trẻ, các em khó có thể tỉnh ngộ chỉ sau khi đọc một cuốn sách. Nếu có thức tỉnh thì chỉ khi nào các em thật sự trải qua những vố đau của cuộc đời. Khi đó, nội dung sách phải sâu hơn nữa mới phù hợp với những trường hợp này. Còn khi, các em vẫn ở những vố không-đau-lắm thì cũng sẽ chẳng bao giờ tìm đến sách.

Nếu tác giả xưng “tôi-em” như một hình thức nghệ thuật để làm mềm tác phẩm, để trung hòa với những dẫn chứng thực tế khô khan thì theo tôi, đây là cách làm khá hay. Khi kết hợp giữa sự sắc cạnh của các dẫn chứng và sự mềm mại trong cách xưng hô sẽ khiến người đọc dễ nuốt trôi được các nội dung hơn.

Tuy nhiên, có điều tôi thấy không hài lòng, đó là một số câu chuyện bạo lực trong cuốn sách được mô tả quá cụ thể trong khi tôi thấy không nhất thiết phải trình bày chúng quá rõ ràng như vậy. Khi đọc, tôi cảm thấy rất căng thẳng, khó chịu với những chi tiết đó. Nếu tác giả nói giảm nói tránh được các tình huống xung đột cực đoan thì mức độ trầm trọng của câu chuyện cũng bớt đi phần nào. Khi ở trong bầu không khí an bình, người đọc sẽ dễ tiếp nhận vấn đề hơn là đặt họ vào trạng thái kích động, sôi sục.

Tác giả kể được nhiều chuyện, đây là ưu điểm, nhưng cũng là nhược điểm vì nội dung không được đầu tư sâu. Sau khi đọc xong cuốn sách, tôi không thấy sự ấn tượng gì về nội dung được lưu lại. Có chăng là lời nhắc về việc làm chủ cuộc đời, làm chủ những quyết định của chính mình đối với các bạn trẻ.

Về hình thức, Ai cũng xứng đáng được hạnh phúc sử dụng ngôn ngữ hiện đại, trẻ trung, cập nhật xu hướng mới: “Thạch Sanh thì ít Lý Thông thì nhiều”, “nội công thâm hậu”, v.v… Tác giả sử dụng văn nói nhiều hơn văn viết, cụ thể như: “Em à”, “là sao?”, “chả”, “mà”, “hic hic”, “thúi hoắc”, v.v… và sử dụng biểu tượng cảm xúc buồn, vui. Hình thức trình bày này có ưu điểm tạo được sự gần gũi, thân mật, dí dỏm nhưng đây cũng là nhược điểm của tác phẩm khi cuốn sách rơi vào tay người đọc lớn tuổi, hay những người yêu cầu sự cô đọng trong ngôn từ. Khi đó, cuốn sách thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp (rườm rà, thừa thãi) và không điềm đạm.

Tác phẩm này, xét về sự phong phú về dẫn chứng thì có, nhưng xét về độ chặt chẽ, sáng tạo và tính nghệ thuật trong cách sử dụng câu chữ thì không cao. So với cuốn Cà phê cùng Tonny của Tonny Buổi Sáng – một tác phẩm cũng nói về thực trạng xã hội suy thoái, thì cuốn Ai cũng xứng đáng được hạnh phúc không có tính nghệ thuật bằng. Dù cuốn sách có đôi chỗ dí dỏm hài hước, nhưng không đủ thỏa mãn người đọc là tôi. Chưa kể, tác giả nói một số câu trích dẫn nổi tiếng nhưng không nói rõ nguồn gốc của nó như: “Gieo hành vi gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận.” hay “Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình.”

Ảnh minh họa của cuốn sách để màu đen trắng nên không sống động. Khi để đen trắng, yêu cầu bức ảnh phải tập trung vào các đường nét đơn giản, trong khi ảnh ở đây có quá nhiều chi tiết rườm rà. Cá nhân tôi thấy rằng bỏ những bức ảnh minh họa đi cũng không ảnh hưởng gì đến nội dung.

Ngoài ra, cuốn sách có một lỗi chính tả ở trang 33: Thực đơn “lowcarb” chứ ko phải “lowcard.”

7.5/10 là điểm tôi dành cho Ai cũng xứng đáng được hạnh phúc của tác giả Thu Hà.

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

*Featured Image: tuoitre.vn
spot_img
Vũ Thanh Hòa
Vũ Thanh Hòa
"Thiên Nhiên không vội mà việc gì cũng thành." — Lão Tử

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI