16.6 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Tam tòng tứ đức – Đạo lý dành cho phụ nữ là đạo lý ngầm dành cho đàn ông

*Bài viết này hoàn toàn dựa trên sự quan sát và đúc rút kinh nghiệm từ trải nghiệm cá nhân. Nếu còn gì sai sót, hy vọng được các bậc tiền bối chỉ giáo.

Xin được đi luôn vào vấn đề.

1. Tam tòng

Tam tòng tức là “ba theo”: Người phụ nữ chưa lấy chồng thì theo cha, có chồng thì theo chồng, chồng chết thì theo con. Có thể dễ dàng nhận thấy, cả ba đều là trạng thái thụ động, bị động của người nữ – theo, bất kể trạng thái hôn nhân của cô ta là gì. Theo những nghiên cứu của tôi về ngôn ngữ biểu tượng, người nữ vốn dĩ đại diện cho tính âm, nên biểu lộ của âm sẽ là âm. Tức là, trong trường hợp này, phụ nữ sẽ thể hiện sự nhu thuận, quy phục, phục tùng.

Người xưa viết ra đạo lý không chỉ đơn thuần hiểu theo nghĩa đen. Ẩn trong đó là sự cân bằng về mặt năng lượng, có tính đối xứng và hài hòa âm dương. Người thời nay, nhìn vào đạo lý đó và cho rằng nó là một thứ cổ hủ lạc hậu, thậm chí ngu đần. Nếu áp dụng đạo lý này, người phụ nữ sẽ bị đàn áp, bóc lột, không có tự do, chính kiến. Người phụ nữ sẽ trở nên yếu đuối và đau khổ.

“Bậc thượng sĩ nghe đạo thì gắng sức thực hành. Người bình thường nghe đạo thì nửa tin nửa ngờ. Kẻ thấp kém nghe đạo thì cười lớn. Nếu không cười thì đạo không phải là đạo nữa. Cho nên lời xưa có nói: Đạo sáng thì như tối tăm, đạo tiến thì dường như thoái, đạo bằng phẳng thì dường như gập ghềnh. Đức cao thì như hang động, cao khiết thì dường như ô nhục, đức rộng thì dường như thiếu thốn, đức mạnh thì dường như yếu nhác, chất phác thì như trống rỗng. Hình vuông cực lớn thì không có góc, tài lớn thì chậm thành, âm lớn thì ít tiếng, vật lớn thì không có hình thể, đạo thì lẩn khuất không tên. Cho nên chỉ có đạo là khéo sinh và tác thành muôn vật.”

— Lão Tử, Đạo Đức Kinh (Vũ Thế Ngọc dịch)

Nhưng hãy nhìn cho thật kỹ. Chính xác thì sự đàn áp hay bóc lột chỉ tồn tại khi người phụ nữ còn bám giữ những thứ “trồi lên” hay “lòi ra” như quan điểm cá nhân, hay chính là biểu hiện của cái tôi, sự ích kỷ. Khi rơi vào đạo lý, họ sẽ gặp xung đột trong nội tâm nên sẽ dễ bị mệt mỏi và tổn thương.

Đạo tam tòng không dạy người đàn bà nghe lời một cách mù quáng, mà dạy họ sự nhu mì, nhún nhường trong thái độ cư xử với người khác và dạy họ hi sinh cái tôi để mang tới sự hài hòa chung trong mối quan hệ. Từ “theo” không nên hiểu 100% nghĩa đen là tuân theo, nghe theo, làm theo, đi theo, mà nên được cảm nhận theo tính thụ động mà nó thể hiện. Đó là sự nhún nhường, khiêm cung, hòa nhã, kiên nhẫn và bao dung.

tam tòng tứ đức 2Ảnh: Pexels

Giả sử ngày nay, trong trường hợp phụ huynh áp đặt hôn nhân lên người con gái. Nếu người nữ đã thoải mái lựa chọn cha mẹ đặt đâu mình ngồi đấy rồi thì đó là quyết định của cô ta, chuyện này không có gì đáng bàn. Nhưng nếu cô ta không chọn, thì có thể nhẹ nhàng thể hiện ước vọng của mình với mẹ cha để hai bên cùng tìm cách giải quyết. Nếu vẫn không tìm đến được điểm chung thì sự quyết định cuối cùng vẫn thuộc về người phụ nữ.

Nhưng điều tối quan trọng đó là, sự nữ tính ở đây được thể hiện ở cách thức tiếp cận vấn đề và khả năng xử lý tình huống trong sự ôn hòa. Để làm được điều đó, người phụ nữ cần dịu dàng với cảm xúc, nguyện vọng của chính mình cũng như cha mẹ. Ngoài sự điềm đạm và ôn hòa ra, mọi biểu lộ khác của người nữ đều là bạo lực. Ví dụ như cố gắng đè nén điều trái tim mách bảo và nghe lời một cách mù quáng, hay khóc lóc bù lu bù loa để thao túng cảm xúc của gia đình, thậm chí giở mấy trò mèo như tự tử hay đoạn tuyệt với mẹ cha.

“Theo” không thể hiện sự nhu nhược, yếu đuối mà thể hiện sức mạnh hướng nội – sự ôn nhu, bình thản, hài lòng; đối ngược với sức mạnh hướng ngoại trong biểu tượng người đàn ông – ý chí, sự kiểm soát, sự quyết tâm và tính kỷ luật. Nội dung này cũng được hé lộ trong huyền học phương Tây ở hai lá bài Tarot: Lá số 8 Strength là hình ảnh người nữ thuần hóa con sư tử và lá số 7 Chariot là hình ảnh người nam điều khiển hai con ngựa đen-trắng.

tarot strength

tarot chariot

Âm và dương luôn đi theo cặp, không thể tách rời và cân bằng tuyệt đối. Âm là mảnh đất cho dương tồn tại và phát triển. Đồng thời, dương là mảnh đất cho âm tồn tại và phát triển. Nên nói dương thịnh âm suy hay âm thịnh dương suy theo tôi đều là không hợp lý. Chính xác phải là âm dương cùng thoái hóa hoặc cùng phát triển.

Mỗi cực âm hay dương đều có hai mức độ, tạm gọi là chuẩn mực và thoái hóa. Ví dụ: Một tính âm chuẩn mực là sự khiêm nhường, luôn đi đôi với một tính dương chuẩn mực là sự tự tin. Tức là người nào có sự khiêm nhường thì ắt có một lượng sự tự tin tương ứng. Trong khi đó, một tính âm thoái hóa là tự ti, luôn song hành với một tính dương thoái hóa là tự phụ. Người nào tự ti ắt sẽ tự phụ và ngược lại.

Trong thời đại ngày nay, khi không còn tuân theo đạo lý, người nữ đang đánh mất dần tính âm chuẩn mực là sự khiêm cung, hòa nhã và sự hài lòng với cuộc sống. Từ đó, trên mảnh đất âm thoái hóa sẽ nở ra cái cây dương thoái hóa, tức là càng ngày càng xuất hiện những phụ nữ xốc nổi, hung hăng, cáu kỉnh, hà khắc, cứng nhắc, nổi loạn và thậm chí là bạo lực (cả trong tư tưởng, lời nói và hành động.) Khi tính nữ thoái hóa thì tính nam cũng theo đó đi xuống một cách tương ứng. Từ mảnh đất dương tồi tàn sẽ nở ra cái cây âm dặt dẹo, thể hiện trong việc xuất hiện càng nhiều hơn những người nam bạc nhược, tự ti, dựa dẫm, lười nhác và vô kỷ luật. Người đời đã có không ít những lời thơ châm chọc, mỉa mai về sự thoái hóa tính nam của người đàn ông, như:

“Chồng người đánh Bắc dẹp Đông

Chồng em ngồi bếp giương cung bắn mèo.”

Không thì:

“Chồng người đánh giặc sông Lô

Chồng em ngồi bếp nướng ngô cháy quần.”

Cuối cùng là:

“Chồng người đi ngược về xuôi

Chồng em ngồi bếp cho *uồi ăn tro.”

Ngày nay, thật đáng buồn, người ta lại đánh đồng sự thoái hóa tính nữ của người đàn bà với sự cá tính. Để rồi cô ta chửi tục giữa chốn đông người thì được tung hô là cool ngầu. Cô ta gân cổ lên cãi chồng thì được ca ngợi là bản lĩnh. Và cô ta nháo nhác chuyện thiên hạ thì được tán dương là năng động.

Có một câu hỏi đặt ra, đó là tại sao người xưa không dạy người nam sự nhu mì và dạy người nữ sự cương cường? Theo ngu ý của tôi, tôi cho rằng cơ thể người nữ và người nam cũng đã thể hiện rõ tính âm dương rồi. Điều đó biểu hiện rõ nhất ở cơ quan sinh dục của họ và trong hình thức giao cấu – người nam đi vào người nữ; người nam xuất tinh, người nữ mang thai.

Người nữ học sự nhu mì, điềm đạm sẽ dễ hơn là học sự cứng rắn, oai phong. Vì cơ thể họ cùng sắc thái với năng lượng âm nên họ dễ dàng biểu lộ nó hơn. Ai giỏi việc gì thì nên để họ làm việc đó. Đây chính là nghệ thuật sử dụng nhân lực của người lãnh đạo. Người xưa đã rất trí tuệ khi dạy phụ nữ mềm mại và dạy đàn ông bản lĩnh. Khi tất cả tuân theo đạo lý, dân chúng dần trở về được với tính chất tự nhiên của mình, thế mạnh của mình. Đó là tiền đề để một đất nước cân bằng và hùng mạnh.

Trong mỗi con người đều tồn tại hai thái cực âm dương cân bằng. Người nữ càng điềm đạm bao nhiêu thì cô ta càng can trường bấy nhiêu. Người nam càng bản lĩnh bao nhiêu thì anh ta càng dịu dàng bấy nhiêu. Đến đây, tôi lại nhớ đến một câu nói của Carl Jung:

“But if you pay close attention, you will see that the most masculine man has a feminine soul, and the most feminine woman has a masculine soul.” — Carl Jung

Theo quan sát, tôi thấy rằng người nữ phù hợp với những công việc gắn liền với xúc cảm, trực giác, sự ngẫu hứng, đi vào tiểu tiết (cầm kỳ thi họa, nữ công gia chánh, v.v…) Còn người nam phù hợp với công việc có tính tư duy, tổ chức, kỷ luật, kiến thiết (tranh luận, làm luật, xây dựng, lãnh đạo, phát minh, v.v…) Tất nhiên, hai giới có thể làm được công việc của nhau, nhưng sẽ mất nhiều thời gian để thành tựu hơn so với giới kia khi xét cùng một công việc. Tôi cho rằng chuyện nấu nướng, dọn dẹp, chăm sóc nhà cửa thích hợp với phụ nữ hơn là với đàn ông. Vì người nữ dễ dàng nắm bắt những tiểu tiết, trong khi người nam dùng con mắt cho những thứ mang tính đại cục, tổng thể.

Thời xưa, việc cùng nhau áp dụng và tuân theo một đạo lý sẽ làm tăng cường độ thống nhất và kỷ luật của đám đông. Từ đó, tránh được tối đa sự xung đột, mâu thuẫn. Cá nhân tôi cho rằng việc áp dụng đạo lý đó là một sự sáng suốt và vĩ đại. Người ngày nay chẳng còn gì tuân theo nữa nên rất bát nháo, ô hợp và lạc lối. Nếu có được dạy tuân theo một cái gì thì đó sẽ là chính mình. Hàng loạt những lời răn nhan nhản khắp các sách vở, trên báo đài rằng: “Hãy là chính mình.” Trong khi thật mỉa mai là hàng ngàn năm nay chỉ có những bậc vĩ nhân xuất chúng mới thật sự chạm tới được “chính mình” để mà “là chính mình.”

Chưa kể, con người trong xã hội hiện nay bị chia rẽ rất nhỏ theo các tôn giáo, lãnh thổ, chủng tộc, địa vị xã hội… Rất khó để tìm được điểm chung giữa hai con người vậy làm sao có thể tìm được điểm thống nhất của một dân tộc?

Ngày nay, khi âm dương đảo lộn – cơ thể người nữ không rung động với tính nữ và cơ thể người nam không rung động với tính nam, thì tình trạng vô sinh càng ngày càng gia tăng. Người phụ nữ không mang đủ tính âm chuẩn mực (sự mềm mại, dung dưỡng, thư thái, bao dung) thì rất khó thụ thai và mang thai, vì đứa con là tính dương thuần khiết, khởi đầu của sự sống. Người nam không mang đủ tính dương chuẩn mực (sự quả quyết, dũng mãnh, kỷ luật và kiên định) thì sẽ thể hiện sự mềm yếu, bất định, dễ rơi vào sự yếu sinh lý. Sự thoái hóa âm dương sẽ gây nên hao tổn nguồn lực vào việc chữa chạy vô sinh hoặc tạo ra sự đổ vỡ trong hạnh phúc gia đình (vợ chồng mâu thuẫn, ngoại tình.)

Tóm lại, tam tòng chính là sự ưng thuận, mềm mại, nhún nhường, hi sinh; là tính âm mà người phụ nữ cần có. Khi người nữ thể hiện được tính chất đó, người nam sẽ tự động cân bằng lại bằng tính dương tương ứng là sự quyết đoán, mạnh mẽ, tự tin và trách nhiệm. Nên việc dạy đạo lý cho người phụ nữ, cũng chính là ngầm dạy đạo lý cho người đàn ông vậy.

2. Tứ đức

Chỉ khi nào có được tính âm chuẩn mực thì người phụ nữ mới có thể biểu lộ chúng ra ngoài đời sống. Điều đó được thể hiện trong “tứ đức.” Ở đây có một câu hỏi đặt ra, đó là tại sao không phải là tứ tòng và tam đức? Theo góc nhìn của tôi, thì số 3 đại diện cho ý tưởng, tinh thần, sự sáng tạo. Còn số 4 đại diện cho cấu trúc, sự biểu đạt, tính ổn định. Tức là phải có spirit trước rồi mới cần tới body.

Ở đây, tứ đức bao gồm: Công, dung, ngôn, hạnh. Theo wikipedia:

  1. Công: Việc nữ công, gia chánh phải khéo léo.
  2. Dung: Dáng người đàn bà phải hòa nhã, gọn gàng, biết tôn trọng hình thức bản thân.
  3. Ngôn: Lời ăn tiếng nói khoan thai, dịu dàng, mềm mỏng.
  4. Hạnh: Tính nết hiền thảo, trong nhà thì nết na, kính trên nhường dưới, chiều chồng thương con, ăn ở tốt với anh em họ hàng. Ra ngoài thì nhu mì chín chắn, không hợm hĩnh cay nghiệt.

Cả 4 “đức” trên đều là biểu lộ của tính âm chuẩn mực của người phụ nữ: Sự kiên nhẫn, tỉ mỉ, khéo léo (trong công việc); khả năng chăm sóc, dung dưỡng (làm đẹp ngoại hình, mở rộng hơn là làm đẹp tổ ấm);  nhu mì, dịu dàng, ngọt ngào, nhã nhặn, từ bi (trong ngôn từ); sự khiêm cung, ôn hòa, biết đúng vị trí của mình (trong các mối quan hệ.)

Tóm lại, khi có tính âm chuẩn mực bằng nào, người phụ nữ sẽ tự khắc biểu lộ ra được bốn “đức” bằng đó. Và khi thực hành bốn “đức”, tính nữ của họ sẽ càng được củng cố. Tôi cho rằng, người xưa dạy đạo lý rất chặt chẽ cả ở tầng ý tưởng và cách thức áp dụng. Người đàn bà sẽ trở về được tính nữ nhanh và mạnh nhất có thể.

Ảnh: Ultra_Nancy 

Không phải cứ nghe theo đạo lý mà làm theo được, đấy là chưa nói những người không thèm nghe đạo lý. Tính âm là một sự trí tuệ mà con người đang dần đánh mất. Nó là nơi nảy mầm sự sống, sự sáng tạo. Con người ngày nay đang xa rời bản chất tự nhiên của mình, sống với tâm trí náo động và đánh mất mình ở trong tâm trí đó.

“Tam tòng tứ đức” có thể coi là một cách người xưa sử dụng để ngầm lưu giữ tính âm trong xã hội. Nếu để tính âm này thoái hóa, xã hội loài người cũng sẽ thoái hóa theo và sớm đi đến bờ diệt vong. Ngày nay, người ta rũ bỏ “tam tòng tứ đức” để rồi nai lưng ra dạy thiền và học thiền. Trong khi, thiền lại là thứ khó có thể diễn giải và tiếp cận trực tiếp được nên việc dạy và học càng khiến người ta trở nên hoang mang và mê muội.

Chính những đạo lý ngày xưa, khi ẩn mình đi trong hình ảnh, trong phép ẩn dụ mới là cách truyền đạt tốt nhất. Vậy mà con người, chỉ vì ôm giữ vẻ ngoài nên càng lúc càng xa rời điều cần thiết cốt lõi dành cho chính mình.

Bản thân tôi là một người nữ, đã trải qua một quãng thời gian dài sống với sự quá đà tính nam, dẫn đến sự thoái hóa trong cả hai mặt âm dương. Tôi đã là người rất hay nổi giận, kiểm soát người khác cũng như môi trường xung quanh. Cứng quá thì gãy – câu này đã quen thuộc. Rất nhiều mối quan hệ của tôi đã vỡ đổ khi sự bất mãn dâng lên quá nhiều vì tôi không chịu nhún nhường hay hạ thấp quan điểm/cái tôi xuống. Công việc của tôi cũng tan nát: Tôi sáng tác truyện theo một hình thức rập khuôn, có sự kiểm soát nội dung quá mạnh dẫn đến sản phẩm tạo thành khô cứng và thiếu sức sống. Sức khỏe của tôi cũng suy kiệt nhanh chóng vì nó chịu sự gò bó khi phải thực hiện các công việc theo trình tự hàng ngày.

Đã có rất nhiều trải nghiệm sai lầm chỉ ra sự thoái hóa tính âm dẫn đến sự hủy diệt một cách bạo lực như thế nào. Sau khi nhìn ra, tôi đã thay đổi, làm ngược lại mọi thứ. Bắt đầu bằng việc tự hạ thấp mình, tự hủy những quan điểm của mình để hướng đến sự hài hòa trong các mối quan hệ, bỏ qua sự tranh đua đúng sai, hơn thua. Tôi bắt đầu viết truyện theo cảm giác, trực giác, không sử dụng tư duy, suy luận quá nhiều nữa, những ý tưởng sáng tạo tuôn về dào dạt mà không mất quá nhiều sức lực. Tôi cũng linh động hơn trong các công việc thường ngày, chăm sóc và lắng nghe cơ thể nhiều hơn. Từ đó, sức khỏe được cải thiện và tôi tìm thấy niềm vui trong mọi việc. Nghe thì có vẻ dễ như ăn bánh nhưng thật ra việc đi ngược lại xu hướng cố hữu của mình là chuyện không hề dễ dàng gì. Giống như xe đang lao về phía trước với tốc độ cao, mình phải thò chân xuống đất để làm phanh trước khi xe rơi xuống vực vậy. Đau, rất đau, nhưng đáng.

Cuối cùng, để kết thúc bài viết, tôi xin trích mấy lời của Dalai Lama mà tôi cho rằng ngài ấy cũng đang truyền đạt ý tưởng về tính âm/tính nữ đến với mọi người:

  1. Khỏe, không phải là nhấc lên mạnh, mà là để xuống nhẹ.
  2. Kính, không phải là đối với trên, mà là xử với dưới.
  3. Ðẹp, không phải là hút người vào, mà là giữ người ở lại.
  4. Xấu, không phải tại gương mặt, mà tại cách sống.
  5. Khéo, không phải tạo điều to, mà là làm điều nhỏ.
  6. Hay, không phải là ngạc nhiên, mà là sự thú vị.
  7. Buồn, không phải do bên ngoài, mà vì ẩn bên trong.

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

*Featured Image: Sadie Pices
spot_img
Vũ Thanh Hòa
Vũ Thanh Hòa
"Thiên Nhiên không vội mà việc gì cũng thành." — Lão Tử

BÀI LIÊN QUAN

15 BÌNH LUẬN

  1. Bài viết đúng là mang đậm tính cá nhân nhưng phản ánh đúng thực trạng về thời hiện nay khi sự tha hoá về bản chất. Mọi người tưởng họ đang thể hiện bản thân nhưng thật ra chỉ làm bản thân đi xuống. Cảm ơn bạn. Đáng tiếc là 2020 mình mới đọc được

    1. Cái duy nhất mà tôi cảm thấy thích ở tư tưởng Khổng giáo chính là sự ràng buộc phụ nữ trong những thiệt thòi, lý do ư? Vì tôi yêu mến họ, tôi cảm thấy khó chịu khi họ trở nên hư đốn, dù tôi chẳng biết họ là ai. Khi thể chế phong kiến sụp đổ, có rất nhiều sự chuyển dịch đã xảy ra và tôi cảm nhận được một bờ biển êm đềm, “sóng sau” không còn xô “sóng trước”, họ trở nên hiện đại hơn nhưng lại thường xuyên lấy nó làm lý do để phóng đãng rồi viện cớ bằng bốn chữ “cổ hủ lạc hậu” (vốn chỉ được dùng với những trường hợp duy trì các ý kiến xưa cũ không tốt đẹp, cũng như mê tín dị đoan vậy). Từng có một quãng thời gian tôi cố gắng giải thích về việc con gái nên coi trọng trinh tiết và phẩm hạnh của mình như thế nào, phản ứng của họ thật gây gắt, “thằng cổ hủ”, “thằng lạc hậu”, “cái màn trinh nó nói lên được điều gì à?”, “thời buổi nào rồi?”. Bản thân tôi suy nghĩ rất đơn giản trong vấn đề này: Nếu cứ hô la màn trinh chẳng là gì và đàn ông không coi trọng trinh tiết mới là đàn ông tốt thì khác chi kêu gọi toàn bộ các nữ sinh đang ngồi trên ghế nhà trường mang nó đi tặng, đi bán một cách tự tin không e dè? Thế nhưng tôi lại chẳng biết diễn đạt làm sao cho các cô gái ngoài kia hiểu được, có lẽ vì tôi là một chàng trai. BẠN ĐÃ LÀM ĐƯỢC THỨ MÀ TÔI KHÔNG CÁCH NÀO LÀM ĐƯỢC.

    2. Tôi vừa share bài viết của mình lên trang Facebook cá nhân nhưng bây giờ sẽ gỡ xuống (thường thì tôi chỉ duy trì 1 bài share ở đó) để MANG CÁI NÀY ĐI TUYÊN TRUYỀN.

    3. Tôi hi vọng được biết độ tuổi của bạn để xưng hô, với những người tôi kết giao trên này, tôi sẽ xưng hô đúng độ tuổi. Tôi-bạn giúp chúng ta phát triển song song nhưng anh-chị-em khiến ta thân thiết và hiểu nhau hơn. Cảm ơn bạn vì đã cho tôi thứ tôi cần để đi rao giảng tin mừng của… (cười).

    4. Rõ là tôi biết bạn lớn hơn tôi nhưng tại sao tôi vẫn chờ đợi một sự xác nhận? I don’t know! LOL!

    • Chào Gia nhé,
      1. Về vấn đề trinh tiết, mình rất muốn được biết góc nhìn của bạn. Nếu bạn có một bài viết cụ thể thì dễ dàng thảo luận, trao đổi quan điểm hơn.
      2. Cảm ơn Gia đã chia sẻ bài viết của mình.

      3,4. Bạn hỏi thì mình cũng xin được trả lời. Mình sinh năm 199x nhé. Tuổi con gà. lol.

        1. Em sẽ đưa vấn đề ấy vào dự án viết nhưng còn phải học hỏi cách viết này, dần dần khiến người đọc hiểu được vấn đề và đúng ý mình muốn nói.

        2. Không có chi!

        3. Có nhiều bạn nữ đọc xong bài vẫn cứ cho rằng mình không hiểu, có phải là họ không chịu hiểu không?

        4. Thật ra, em cần câu trả lời của chị như một kiểu đồng ý.

          1. 1.Chị mong chờ các bài viết của em.
            3.Có lẽ do sự khác biệt góc nhìn quá lớn nên không thể dung nạp được ý tưởng của nhau. Chuyện này là hết sức bình thường.
      • Chào bạn Hòa bạn có 1 bài viết rất hay, là một người phụ nữ hiện đại nhưng cũng rất coi trọng những chuẩn mực những đức tính làm nên người phụ nữ.

        Có thể bạn liên hệ lại với mình, mình cũng đang cần thay đổi những suy nghĩ như bạn với người phụ nữ của mình cũng sn con gà. mail: Datnt6688@gmai.com

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI