19 C
Da Lat
Thứ Bảy, 20 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Làm thế nào để trở thành người phụ nữ “nữ tính”?

Đà Lạt một buổi sáng tinh khôi ngập tràn nắng. Tôi bước xuống giường đẩy cửa bước ra. Nhìn con “Trâu Già” đang nằm bơ vơ trước sân. Tôi muốn mang nó đi bệnh viện khám chữa bệnh. Xem nào, đánh sạch gỉ, tra dầu các ổ bi, bơm lốp, côn tay đã bị hỏng, có dấu hiệu chết lạnh dưới thời tiết băng giá của Đà Lạt, chẳng biết có bao nhiêu bệnh, chỉ cần gặp bác sĩ là có thể hồi phục sức khỏe.

Ôi anh bạn già đã một thời nam chinh bắc chiến, lúc tôi cô đơn hay cô độc cũng là người luôn bên cạnh. Bao lâu rồi tôi không ngồi trên lưng con chiến mã này, bao lâu tôi không bước chân ra khỏi Đà Lạt, bao lâu tôi không vi vu trên những con đường, đêm nằm nghe tiếng sóng, sáng ra hít hà thoang thoảng hương đồng gió nội bay. Bao lâu rồi tôi không được ngắm nhìn những ánh mắt tò mò , là cũng bấy nhiêu thời gian tôi không còn được nghe câu: “Chà, con gái mà chạy xe độ ngầu nha.”

Tối hôm qua có anh bạn nhắn tin hỏi tôi có phải là một cô gái “nữ tính.’’ Nói thật, sáng nay tôi chỉ muốn phi con “Trâu Già’’ này đến trước mặt anh ấy. Bóp côn rú thật mạnh, tiếng bô thét lớn sẽ thay lời tôi muốn nói “Anh có tin em cũng là một cô gái nữ tính.’’ Châm lên một điếu thuốc, hít một hơi thật sâu, nhoẻn miệng cười một cái, quay xe, phi nhanh về nhà. Tôi phải trông thật ngầu chẳng khác gì đang sống trong một bộ phim cao bồi ở Mỹ.

Vậy thế nào mới được gọi là một cô gái nữ tính?

Một cô gái nữ tính là người luôn cố gắng chăm sóc làn da, là người luôn trang điểm, tắm rửa cơ thể thơm tho rồi xịt vào người thật nhiều nước hoa, là cô gái luôn chăm sóc móng tay rồi vẽ hình hài hoa lá sặc sỡ, có mái tóc dài bồng bềnh óng mượt, luôn ăn uống lành mạnh có lợi cho sức khỏe và chăm tập thể thao. Họ sẽ luôn cư xử duyên dáng nhẹ nhàng, họ tử tế, thích lãng mạn, không nói tục hay nói chuyện thô bỉ, trong khi ăn thì không nên nhai ngấu nghiến, đi đứng nhẹ nhàng không phát ra tiếng động, sống cực kỳ ngăn nắp. Một cô gái nữ tính còn phải là một người ăn mặc có phong cách dịu dàng như thích mặc váy, mang giày cao gót, yêu màu hồng, mặc áo quần vừa vải không thiếu trên hở dưới. Hoặc một cô gái nữ tính là người hội tụ đủ bốn yếu tố công dung ngôn hạnh, vân vân… Tôi không chắc là anh bạn của tôi không nghĩ đến những chi tiết này khi hỏi.

Theo quan điểm của riêng tôi. Không có một ngôn từ chọn lọc nào có thể định nghĩa được “nữ tính.” Cái “nữ tính “ mà người ta thường quan niệm về phụ nữ cũng không phải là cái vốn có thuộc bản chất của người phụ nữ. “Nữ tính” chỉ là cụm từ do người đàn ông áp đặt cho phụ nữ thông qua văn hóa, giáo dục… Cái “nữ tính” của người cổ xưa khác “nữ tính” của hiện đại, người phương Đông khác người phương Tây, người miền Bắc khác người miền Nam. Và chắc chắn là  “nữ tính” của tôi cũng hoàn toàn khác “nữ tính” mà anh ấy đang nghĩ đến.

Tôi có thể nhìn thấy một cô gái ngồi đọc sách bên ô cửa sổ có tia nắng vàng len lỏi qua tấm rèm che ở một góc trong quán cà phê là “nữ tính.” Nhưng đối với những người qua lại trong quán, họ chỉ xem cô gái đó là một đứa tự kỉ. Hoặc có người chửi cô ta bị khùng vì ngồi dưới nắng rất dễ bị rạm da. Hoặc tôi đang nhìn thấy một người phụ nữ yếu đuối là “nữ tính” nhưng người khác lại cho rằng đó là vô tích sự. Tôi nghĩ một người phụ nữ ngoan ngoãn là “nữ tính” nhưng bạn lại cho rằng đó là thụ động. Ở phương Đông nghĩ rằng người phụ nữ tam tòng tứ đức là “nữ tính” nhưng đối với người phương Tây thì đó là đặc trưng nói lên một người phụ nữ sống phụ thuộc yếu kém.

làm thế nào nữ tính 1Ảnh: DzeeShah 

Chúng ta thường nhầm lẫn một vài đặc trưng xuất hiện trên cơ thể người phụ nữ là giá trị để đánh giá người đó có “nữ tính.” Chẳng hạn một bộ ngực đầy đặn nhìn sẽ “nữ tính” hơn phụ nữ ngực lép. Phụ nữ mông to tròn mặc quần trông sẽ bắt mắt hơn phụ nữ mông bé. Nhưng chúng ta quên mất rằng thậm chí xã hội hiện nay cũng dần xuất hiện một vài đấng nam nhi sở hữu tố chất “nữ tính.” Vậy nên việc quy chụp những vẻ bên ngoài của một vài người phụ nữ để đánh giá mức độ “nữ tính” là hoàn toàn sai lầm. “Nữ tính” không thể đánh giá qua yếu tố sinh học hay hình dáng bên ngoài.

“Nữ tính” cũng không thể đánh giá qua yếu tố tâm lý. Trong tình yêu, bao giờ người ta cũng nghĩ nam chủ động và phái nữ  luôn bị động. Chuyện cọc đi tìm trâu thường không hợp lẽ với tư tưởng phương Đông. Vâng, một cô gái “nữ tính” là một cô gái biết thẹn thùng và ngượng ngạo trước người yêu. Hay trong chuyện tình dục, một cô gái có nhu cầu ham muốn lớn hơn chàng trai thường bị đánh giá. Nhưng thực chất đó chỉ là chuyện về bản năng tính dục và nó chẳng liên quan gì đến tính cách con người. Rõ ràng là người Việt Nam rất quan trọng chuyện trinh tiết nhưng còn các nước phương Tây thì họ chẳng đặt nặng vấn đề đó bao giờ.

Có nhiều người còn cho rằng  người phụ nữ “nữ tính” thì không thể nắm trong tay “nữ quyền.” Vì  những người phụ nữ thuộc vào dạng này thường rất mạnh mẽ, họ sở hữu một vài tính cách rất đỗi nam nhi. “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp đường sóng dữ, chém cá tràng kình ở bể đông, quét sạch bờ cõi, để cứu dân ra khỏi nơi đắm đuối, chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu cong lưng để làm tì thiếp người ta.” Là lời tuyên bố bất hủ của Bà Triệu. Mọi người nghĩ rằng một người phụ nữ ra trận đánh giặc không phải là “nữ tính.” Nhưng thực chất nó đâu phải là bản tính xuất phát từ khởi sinh của người phụ nữ. Nó còn bị chi phối bởi bối cảnh bên ngoài.

Trước khi cho đăng bài viết này, tôi cùng anh bạn kia đã có thêm một cuộc tranh luận về vấn đề này. Anh ấy minh họa cho tôi một ví dụ điển hình “nữ tính” thông qua dáng dấp  người phụ nữ Nhật Bản. Người ta thường bảo rằng “Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây và lấy vợ Nhật.’’ Chỉ chừng đó thôi cũng đủ làm sáng tỏ ánh hào quang mà người phụ nữ Nhật Bản tỏa ra trong miền đức hạnh của một người phụ nữ. Nhưng tại sao tôi lại được nghe những cô bạn gái người Nhật của tôi kể lể về nổi thống khổ của họ với những truyền thống, lễ nghi của đất nước họ?  Ngoài việc lấy hình ảnh đó để minh họa, anh ấy còn đưa ra luận điểm mọi thứ trong tự nhiên đều là nhị nguyên âm dương. Cho nên nam thì nên dương, nữ nên âm. Đó là thuận theo tự nhiên. Không thuận theo tự nhiên là vô minh. Nhưng một lần nữa tôi lại thấy “Platon đội ơn Thượng đế, trước hết, đã sinh ra ông là người tự do và không phải là nô lệ, và hai là, một người đàn ông và không phải là đàn bà.” Một Kinh Thánh đã chỉ rõ: “Không phải người nam được sáng tạo ra cho người nữ, mà trái lại, người nữ được sáng tạo ra cho người nam.’’ Thánh John Chrysostom: “Trong tất cả các loài động vật, không có con vật nào nguy hại bằng đàn bà.”  Và cả một Khổng Tử : “Duy nữ tử dữ tiểu nhân vi nán dưỡng dã, cận chi tắc bất tốn, viễn chi tắc oán” (Nghĩa là, Khổng Tử nói: “Duy chỉ có phụ nữ và tiểu nhân là khó giáo dưỡng. Gần thì họ khinh nhờn, vô lễ, xa thì họ oán hận”) Cái nữ tính là cái không có sẵn khi người phụ nữ được sinh ra, mà là cái người phụ nữ sẽ trở thành. Vậy phụ nữ cần trở nên “nữ tính” thế nào để vẫn được tôn trọng và sống hạnh phúc?

Trong Chủ nghĩa hiện sinh và cảm xúc của con người. Jean Paul Sartre cho rằng con người tạo ra những giá trị thông qua sự lựa chọn chủ quan của mình: “Nói rằng chúng ta sáng tạo ra những giá trị có nghĩa là: Cuộc sống không có một ý nghĩa tiên nghiệm nào cả. Trước khi bạn đi vào cuộc sống, cuộc sống là hư vô, chính nhờ bạn đem lại cho nó một ý nghĩa, và giá trị không phải là cái gì khác cái mà bạn đã chọn”. Nói theo cách này nghĩa là “nữ tính” chỉ là một cái ý nghĩa và giá trị mà chúng ta đã lựa chọn. Và nếu như đó chỉ là một sự lựa chọn chủ quan, tôi có thể tự chọn theo cái tôi thích, bạn chọn theo cái bạn muốn. Tôi mong rằng tất cả phụ nữ hãy đủ thông minh tỉnh táo để chọn lựa cho mình những nét duyên dáng “nữ tính” mà không đánh mất đi giá trị của chính bản thân mình mà vẫn được tôn trọng.

Tóm lại, “nữ tính” của phụ nữ chỉ là cái mà người đàn ông áp đặt cho phụ nữ thông qua toàn bộ những điều kiện kinh tế xã hội, ý thức xã hội, hệ tư tưởng quy định trong tiến trình phát triển mà người phụ nữ sống. Nếu bạn muốn hỏi tôi thế nào là một người phụ nữ “nữ tính”, làm thế nào để trở thành một người phụ nữ “nữ tính.” Xin hãy nói cho tôi nghe về tính cách, tư tưởng, lối sống của người đàn ông bạn yêu. Tôi nghĩ tôi sẽ biết cách để khiến bạn “nữ tính” hơn.

Và sau cùng. Trong lúc ngồi viết ra những câu từ này. Tôi thực nghĩ mình sao quá đổi “nữ tính”. Nhưng liệu khi đọc xong bạn có nghĩ thế?

Tác giả: Ni Chi

*Featured Image: huweijie07170 
spot_img

BÀI LIÊN QUAN

5 BÌNH LUẬN

  1. Ghê gớm thật! một bài viết thế này thì khó mà nghĩ tác giả 25t, cũng may là khi trước tôi bảo rằng tuổi tôi hơn nhưng kiến thức thì tôi không dám nói là hơn, quả nhiên tính khiêm tốn đã cứu tôi khỏi nhiều sự xấu hổ đáng tiếc. Những bài viết gần đây của bạn ngày càng sắc bén hơn và chất lượng hơn, khả năng ra bài cũng đáng khâm phục, ít thấy những suy nghĩ đơn điệu bị lặp lại. Tôi cũng muốn viết nhiều, nhưng khả năng có hạn, trải nghiệm có hạn. Nếu một ngày nào đó bạn cảm thấy không biết viết gì, hoặc những gì mình viết bị lặp lại, thì cứ tiếp tục đọc, cứ tiếp tục trải nghiệm, nhưng nhớ đừng gặp gì cũng đọc, cũng đừng đọc lấy số lượng, mà chất lượng phải là hàng đầu.Nếu đọc quá nhiều thứ tạp nham thì khi bắt gặp những tác phẩm có giá trị sẽ khó cảm nhận được. Ví như từng có người sau khi đọc một tác phẩm lớn thì phán một câu xanh rờn “truyện này cũng không có gì mới!”, quả thật với người đó khg có gì mới vì họ đọc quá nhiều tác phẩm rẻ tiền, mà nội dung của hằng hà sa số các tác phẩm này có được là do băm nát từ cái nội dung của tác phẩm lớn kia ra. Xét ra thì cái tính tự ti (mà tôi thường gọi là bóng tối) cũng không phải là không có giá trị của nó, vì phần nào nó khiến ta không trở thành những kẻ ngông cuồng hoặc nói ra những lời đao to búa lớn, rất nhiều người giỏi lắm nhưng chỉ cần vướng vào tính kêu ngạo là ra đi vĩnh viễn, họ không còn khả năng hiểu về cuộc sống nữa. Hơi ngoài lề một tí mong bạn không phiền.
    Giờ bàn về nữ tính, tôi không bàn gì nhiều vì đồng quan điểm với bài viết. Tuy nhiên tôi có thể chỉ bạn cách trải nghiệm về nó. Giờ bạn hãy mở những bài bạn viết trên THĐP này, đọc lại nó nhưng thử thay từ “tôi” bằng từ “em” hoặc “nàng”, bạn sẽ thấy khác, bạn sẽ thấy cái sự dịu dàng nữ tính trong chính những gì bạn viết. Không chỉ 2 từ đó, có thể thay bằng từ “nó”, “cô”, “bà”, “mụ” (hì hì). Bạn sẽ thấy tính biểu cảm trong bài viết sẽ thay đổi theo. Đó là điều rất thú vị của tiếng Việt.
    Chúc bạn thành công trên con đường viết.

    • Chào anh, hê hê ^^
      Tại sao trong mỗi bài viết em lúc nào cũng dùng ” tôi ” nhưng khi anh em mình thảo luận em lại muốn xưng hô kiểu gọi anh xưng em thế này. Thấy bài viết thì dữ dội vậy thôi chứ bên ngoài thì em đơn giản bình yên lắm. Cũng như chuyện nữ tính cần phải đúng lúc đúng người ,Cứng rắn mạnh mẽ lúc cần và yếu đuối lúc thích hợp á anh. Mấy bài viết của em mà viết cho người em tin tưởng và quý mến thì em sẽ dùng những từ ngữ dịu dàng đó như anh nói.vì những người đó mình có nói gì họ cũng rộng lượng bao dung. Còn đây anh cũng đã thấy mỗi bài viết ra là toàn hứng gạch về xây nhà, những người đó dù có nữ tính vs họ thì họ cũng nghĩ mình giả nai thôi anh, hehe.
      Em bảo vê quan điểm của em thôi chứ em nổi tiếng dễ thương hiền mà tội á anh. Không có chuyện kiêu ngạo gì đâu. Hixxxx. Mình còn trẻ thì mình học hỏi tiêdp thu thôi, nhưng ko phải cái gì người ta nói ra mình cũng phải học, vì em nghĩ em phải tự trải nghiệm đã, còn ai đó nói với em bằng lý thuyết suông thì em ko bao giờ tin. Giờ mà mây ông triết học vĩ đại có sống lại dưdng trc mặt em bảo em phải thế này thế kia em cũng ko tin. Vì ông ấy ko phải là em.
      Rất vui vì thỉnh thoảng lại đọc đc bình luận của anh. Em rất tôn trọng những điều anh chỉ bảo vì em thấy nó khách quan. Cám ơn anh rất nhiều.
      Thân gửi
      Ni Chi

      • cứng rắn, mạnh mẽ, sắc bén trong lập luận đó là điều tốt, chỉ cần những lập luận của ta logic là được, khg cần phải cố ý nhường nhịn trong tranh luận. Nhớ khi còn học phổ thông thì tôi rất thích chơi caro, cũng giỏi nhất nhì của lớp, có lần chơi với thằng bạn thân nhất, tôi cố ý nhường nó nhiều lần, thế rồi sau đó tôi bị thua nó liên tục mà không hề nhường, thua toàn những lỗi ngớ ngẫn, sau đó mới nhận ra, khi ta giả vờ thua, cũng là lúc ta quen với việc không nhìn ra những lỗi ngớ ngẫn kia hihi.
        Khi nói về sự kêu ngạo, tôi khg có ý nói bạn, chỉ là khi đọc bài Ai Là Tôi thì cả tôi cũng thấy nhột, vì tôi cũng thấy mình ở trong ấy, cũng may là khi cmt hay viết bài thì tôi rất ít khi dùng đến sách của vị này hay vị kia, hầu hết tôi chỉ nói những gì tôi hiểu, và cũng khg ít lần tôi cmt ném đá cả những lời của các vị triết gia ấy (cười), vì có một số người cứ thích cho rằng hễ là người nổi tiếng thì nói gì cũng là chân lý.
        Bởi vì bạn chịu bỏ thời gian ra đọc và cmt trả lời thật sự, mà điều này là hiếm hoi nên tôi sẽ kể bạn nghe một câu chuyện tôi vừa nghĩ ra gần đây. Đôi khi tôi thấy buồn cười, đi dạo nhiều nơi trên mạng, đọc nhiều bài viết, chủ bài viết cứ than là không ai hiểu họ, nhưng trong bài có vài cmt chia sẻ chân thành thì họ đều trả lời qua loa, tất nhiên loại trừ những cmt viết vì cái tôi hay để công kích cho sướng cái thân chứ không phải là thấu hiểu hoặc chia sẻ.
        Chuyện tôi muốn kể là về những con đường mòn. Trong khu rừng nọ có một ngôi làng và nó tách biệt với thế giới còn lại, trong làng có truyền thuyết rằng bên ngoài tồn tại những thành thị lớn hơn. Thế là một người dân muốn tìm đường đến nơi ấy. Dựa theo truyền thuyết, anh ta đi về hướng đông, anh ta phải trang bị rất nhiều thứ để đốn cây làm đường, gặp sông suối phải lội qua và suýt chết đuối mấy lần, gặp núi thì anh ta leo lên, nhưng sau nhiều lần thất bại thì anh hiểu rằng với núi cao thì đi vòng sẽ tốt hơn. cứ mỗi ngày đi, anh lại học được một bài học nào đó quý giá về khả năng tìm đường, và cuối cùng anh ta đến được thành thị. Con đường mà anh ta đi qua trở thành một con đường mòn nối ngôi làng và thành thị. Sau đó anh ta trở về ngôi làng, kể về cái thành thị mà anh ta thấy, thế là dân làng náo nức hỏi đường, anh ta chỉ cho họ con đường mòn mà mình đã đi qua. Thế là dân làng cứ đi theo con đường ấy và đến được thành thị, việc họ làm chỉ là đi theo đường ấy, họ chẳng cần vất vả gì cả, họ nghĩ đường đó là tốt nhất, là chân lý duy nhất dẫn đến nơi họ muốn đến, ai đi đường khác thì họ chê là ngu ngốc, sau đó họ mang bản đồ con đường có sẵn ra cho kẻ ngu ngốc đó và bảo “anh phải quanh chỗ này, anh phải bơi qua chỗ kia thì mới tới được nơi”. Kẻ ngu ngốc kia vẫn cương quyết cất bước trên con đường mới của mình. Sau đó 3 tháng anh chàng ngu ngốc cũng đến được thành thị sau nhiều lần suýt chết. Dân làng đến trước anh những 2 tháng thì chê cười anh ngu ngốc vì đi theo đường mòn chỉ tốn 1 tháng thôi.
        Tại thành thị này cũng có 1 truyền thuyết về một thành phố hoa lệ ở hướng đông, mà khu rừng ngăn cách giữa 2 nơi thì càng nhiều hiểm nguy trắc trở vạn lần. Thế là có nhiều người muốn tìm đường đến cái thành phố ấy, trong đó có anh chàng ngu ngốc và những dân làng đi bằng đường mòn. Họ cùng xuất phát, có những kẻ bỏ cuộc và quay lại, có kẻ chết trong rừng, nhưng chỉ duy nhất anh chàng ngu ngốc là đi được đến nơi. Tại sao vậy?
        Tại vì con đường mòn kia là một con đường không trọn vẹn, nó chỉ được tạo ra sau khi người đầu tiên đi qua, nó thiếu cái phần vô cùng quan trọng, đó là cách để tìm đường khi không có đường, cách để khỏi chết đuối hay rơi xuống vực, cách sống sót khi thức ăn đã cạn kiệt, đó là những kinh nghiệm không thể vẽ ra và truyền đạt được. Anh chàng ngu ngốc đã học được những thứ đó nhờ không theo đường mòn dù anh ta phải đi lâu hơn để đến thành thị, nhưng nhờ nó mà anh ta đã sống sót khi tìm đường đến thành phố lớn hơn, trong khi vô số người xem con đường mòn kia là chân lý, thành ra khi khg còn đường để đi thì họ chết nhăn răng (cười). Thật ra họ có thể đi theo đường mòn mà người ban đầu kia đã đi qua nhưng họ phải đi thật chậm và phải đi trên con đường mòn đó như là nó chưa có con đường mòn, để có được tâm thái của người ban đầu mà học hỏi cái kinh nghiệm ban đầu đó.
        Thế đấy, ngày nay có quá nhiều người giống như những người dân làng kia, lấy bản vẽ đường mòn làm chân lý, học thuộc vanh vách, nói thì y như sách, tranh luận thì rành mạch rõ ràng và lớp lan thứ tự, và trăm người như một. Thật ra họ nói mà họ chả biết họ nói gì cả (cười), vì họ toàn nói về những thứ mà người khác đi qua chứ không phải họ.
        Lại có một số người vì thấy đa số cứ ép mình đi theo con đường mòn nên sinh ra oán hận và khinh khi con đường mòn đó. Thái độ đó cũng sai tuốt luốt luôn, cái cần chống lại là sự cưỡng ép chứ không phải là con đường mòn, vì con đường mòn đó có vô số điều mà ta phải học để khỏi lạc lối. Có vô số người chống lại việc học hành, chống lại việc kết hôn (cười, khg có hàm ý chỉ bạn nha), thật ra thì họ chống sai rồi. Con đường mòn của nhân sinh được đúc kết từ rất nhiều giá trị, hãy tìm ra giá trị của nó mà học hỏi chứ đừng vì sự ép buộc mà sinh ra khinh bỉ nó.
        cmt hơi dài nhỉ? còn việc xưng hô, mình quen với việc xưng tôi/mình và gọi bạn, nếu thay đổi thì mình thấy không được tự nhiên và cmt rất khó có một thái độ khách quan với người đối diện. Còn bạn cứ gọi sao mà bạn muốn là được 🙂

        • Em đâu chống lại việc kết hôn đâu. Phải khoe một xíu là em được sống trong một gia đình hạnh phúc có ba mẹ yêu thương, anh trai luôn quan tâm lo lắng, nên em luôn có cái nhìn thiện cảm với hôn nhân và gia đình. Nhưng mình là một người viết nên em muốn nhìn đời bằng cái nhìn khách quan. Em cần phải nhìn ra, nhìn sâu, đi vào cái đau khổ để nói chứ không phải nhìn vào cái hạnh phúc mà vẽ ra màu hồng. Đọc bài em viết ai cũng nghĩ em tiêu cực, nhưng thực chất cuộc sống em thì chẳng có gì bất công bằng cả. Cái em viết là cái em tự bức ra khỏi hạnh phúc của mình để đi vào, lắng nghe cái đau khổ của những người khác. Tất nhiên em cũng có đau khổ bởi không ai sống đc mà thoát khỏi cái kiếp nạn đó. Nhưng cái khổ của mình chẳng đáng gì vơi người ta cả.
          Còn bài viết ai là tôi chỉ là cảm xúc nhất thời khi em ngồi trong quán cf và vô tình nghe những nhà học thức bàn luận. Em chỉ nghĩ và viết vậy thôi, thực ra em chưa bao giờ quá quan trọng những điều mình viết hay mình nghĩ. Nhưng mà khi viết ra rồi có nhiều người đọc nên nó đã trở thành một cái khác.
          Hồi trc em có viết bài ” sự viết là cuôvj sống ” bài đó em bị anh bắt bẻ, thực ra em không lấy cái tiêu đề đó làm tên cho bài viết. Em chỉ muốn viết ra để truyền động lực cho mọi nguoi theo đuổi đam mê. Nhưng em bị biên tập sửa tên bài viết nên nó làm nghiêm trọng cái sự viết của em lên khi lấy nó làm tiêu đề.
          Lúc anh nói thì em cũng chẳng muốn giải thích vì lúc đó em vẫn chưa nhìn nhận được những điều anh chỉ bảo là với hàm ý gì. Qua nhiều bài viết giờ em cũng đã hiểu những lời bình của anh hơn. Vậy nên em luôn trả lời tất cả những lời chỉ bảo của anh vì vốn kiến thức hiéu biết và sự khách quan của anh tạo cho em một niêm tin, nó ko phải nói ra để thỏa mãn cái tôi của anh, cũng có thể có nhưng nó vân rất khách quan.
          Từ ngày viết bài đăng trên này nhiều khi em thấy em là em mà cũng không phải là em. Mà thôi kệ, em chỉ muốn quan tâm tập trung bổ sung kiến thức và trao dồi khả năng viết. Ai muốn nghĩ sao về mình thì nghĩ, em viết vậy thôi chứ em luôn nhìn đời lạc quan mà, hehe.
          Tất nhiên là em vẫn sẽ luôn cố gắng học hỏi tất cả những gì hay ho nhất vì em vẫn chưa đủ khả năng sáng tạo ra cái chưa ai sáng tạo ra đâu, nhưng em chỉ nghe theo tiếng gọi nơi hoang dã thôi anh @@
          Thân gửi
          Ni Chi

          • hihi, Cái cmt “bắt bẽ” đầu tiên tôi viết cũng khg đơn thuần từ cái tiêu đề bài viết, mà từ cảm xúc có được sau khi đọc 2 bài viết đầu tiên của bạn, nếu bạn mang 2 bài đó so với những bài viết sau này thì sẽ khác biệt khá nhiều, rồi đọc cái tiêu đề đó nên lấy đó ra để nói luôn. Cái vụ sửa tiêu đề của người viết đôi khi khiến họ bị oan nhỉ? Theo những gì bạn nói về hoàn cảnh sống của bạn thì quả là bạn viết rất nhập tâm, nhiều người khg có khả năng hiểu người khác vì họ ít khi nhìn bằng góc nhìn bên ngoài.
            Còn việc tôi viết cmt có khách quan hay khg thì chính cả bản thân tôi cũng khg biết (cười), vì ta cho là khách quan nhưng liệu ta có bị cái tôi vô thức của mình điều khiển khg thì khó nói. Nhưng luôn nhận ra chính mình là điều cần thiết, đừng để hoàn cảnh điều khiển mình thì cũng không phải chuyện dễ, đặt biệt là những xu hướng đang có. Xã hội truyền thống thì cổ hủ, suy nghĩ của trí thức trẻ thì muốn phá rào, cái cần là nhận ra mình đứng ở đâu giữa đoạn trung gian của 2 trạng thái cực đoan đó, ta cực đoan cũng khg sao, nhưng liệu đó có phải là ta không.
            Vài lời chia sẻ và chúc bạn viết càng ngày càng tốt.
            Minh Chí

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI