16.2 C
Da Lat
Thứ Năm, 18 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

“Sống Là Chính Mình”? Triết Học Đường Phố trong lòng tôi

“Hiếu ơi, chuẩn bị tốt nghiệp rồi, sắp tới ông dự tính sẽ thi vô trường nào?”

Hồi cuối lớp 12, có một cô bạn cùng khối thường hỏi tôi như vậy vào mỗi lần gặp mặt, bằng một thái độ quan tâm đầy khả ái. Lúc đó, trong lòng tôi cảm thấy cực kỳ khó chịu, hàng ngàn hơi thở nối đuôi nhau cũng không thể thoả mãn được lồng ngực, tôi mỉm cười, không đáp, vội vã rời đi. Tôi của năm 18 tuổi là vậy, đã luôn luôn bế tắc, đã sống mà không có bất kỳ một mục tiêu nào cả.

Con đường phía trước thật tăm tối…

“Mà thôi! Không nghĩ nữa! Học đại học cũng được mà đi làm kiếm tiền cũng chẳng sao, hãy cứ sống là chính mình.” Tôi tự nhủ.

Sống là chính mình?

Quả thật, đó là giai đoạn tồi tệ nhất trong cuộc đời của tôi tính cho tới thời điểm khai sinh bài viết này. Gia đình thì ly tán vì cục nợ to tướng sau một vụ làm ăn thua lỗ, mối tình đầu thì tan vỡ trong tuyệt vọng, tôi phải chuyển đến ở nhờ nhà của một người bạn trong lớp và cố gắng đi học với sự thiếu thốn tài chính “không hề nhẹ.” Trong khi đó, tôi chẳng biết học, học nữa, học mãi,… tóm lại sẽ mang đến cho tôi điều gì?

Chán nản với nền giáo dục kém hiệu quả cũng như những khoá hướng nghiệp qua loa đại khái, kèm theo đó là sự xuống cấp của xã hội đang diễn ra ngay trong tầm mắt, não bộ của tôi bắt đầu hình thành một luồng tư tưởng chống đối mãnh liệt mà có lẽ rất nhiều người ngoài kia gói gọn nó trong một tập tin nén mang tên “Phản Động”. Đúng, tôi đã đến với Triết Học Đường Phố đời đầu một cách non trẻ và sặc mùi a dua như vậy đó.

Tuy nhiên, nếu ai đó nói rằng Triết Học Đường Phố là một trung tâm “Phản Động” thì chắc chắn người đó đã sai. Sau một khoảng thời gian tham gia diễn đàn để ủng hộ nhiệt tình cho phong trào Zombie lẫn bản nhạc ĐMCS của rapper Nguyễn Vũ Sơn (Dead Nah) và vô tình đọc các bài viết từ mọi người, tôi dần dần nhận ra được những bộ mặt khác đang tồn tại…

Từ một kẻ thù hiềm vô tội vạ, tôi đã trở thành một con người biết suy nghĩ hơn trong việc nhìn nhận mọi vấn đề. Triết Học Đường Phố, suy cho cùng cũng chỉ là một diễn đàn song nó lại đặc biệt hơn các diễn đàn khác ở chỗ: Tại đây, những con chữ được thả hồn, những hộp sọ được giải phóng, hầu hết ở dạng văn bản và tất cả đều TỰ DO.

“Cây bút nào mà không thẳng?”

Đôi khi sự thẳng thắn làm đau lòng người và đã có không ít nhân vật chỉ biết đọc chứ chẳng chịu hiểu. Họ cảm thấy bị tổn thương, từ đó, sự quy chụp hình thành để rồi hai chữ “Phản Động” lại tuôn ra.

“Mà thôi! Không nghĩ nữa! Phản động cũng được mà không phản động cũng chẳng sao, hãy cứ sống là chính mình.” Tôi tự nhủ.

Sống là chính mình?

Điều quý giá nhất tôi phát hiện từ Triết Học Đường Phố là tôi hoàn toàn có thể viết bài như bao người khác, không chỉ vậy, lượng tương tác ở đây cũng rất nhiều với những lời bình đầy tâm huyết và chân thật đến mức nhiều khi bạn sẽ cảm thấy như vừa bị chửi thẳng vào mặt, tuy nhiên cách họ chửi lại rất văn minh, luôn có lý lẽ thuyết phục, luôn có cái gì đó khiến cho bạn phải suy ngẫm. Họ không chửi đổng, không vùi dập. Họ giúp bạn nâng cấp hệ thống tư duy và ngược lại.

Tiến hoá là một quá trình không ngừng nghỉ

Tôi đã viết, viết vì một hoài bão lạ đời. Tôi muốn rằng vào một ngày đẹp trời trên đất Hoa Kỳ, mọi người, dĩ nhiên là không có bọn khủng bố chen chân vào, sẽ kéo nhau đến rạp chiếu phim để thưởng thức một tác phẩm điện ảnh nổi tiếng được sản xuất tại Việt Nam, lấy bối cảnh lịch sử Việt Nam hơn hai ngàn năm trước.

Bạn muốn biết phản ứng của họ sau khi rời rạp chứ?

“Wow, thật hoành tráng!” Một thiếu nữ tóc vàng thốt lên: “Gì cơ? Đây là phim Việt Nam á? Chúa ơi! Tôi cứ tưởng là phim Trung Quốc.”

“Kịch bản rất tốt…” Một anh chàng da đen nhận xét công tâm: “Nhưng tôi thường xem phim của Jackie Chan (Thành Long) nên cảm thấy tác phẩm này không được sáng tạo cho lắm, nhìn xem, con rồng chủ đạo đã xuất hiện quá nhiều trong nền điện ảnh Trung Quốc.”

“À!” Một anh chàng gốc Việt gượng cười: “Việt Nam và Trung Quốc nằm kề nhau nên trong lịch sử cũng có vài điểm giao thoa.”

Không, họ nhất định sẽ không nói như vậy.

“Wow, thật hoành tráng!” Thiếu nữ tóc vàng thét lên: “Đây là bộ phim cổ trang châu Á khác biệt nhất mà tôi từng xem.”

“Kịch bản rất tốt.” Anh chàng da đen phấn khích: “Tôi nghe nói có một con rồng trong phim và cứ nghĩ rằng nó sẽ trông giống với những con rồng Trung Hoa thường xuất hiện trên màn ảnh nhưng mà không, nó là một giống loài khác, thật mạnh mẽ, thật bá đạo!”

Anh chàng gốc Việt mỉm cười: “Đó là Giao Long trong truyền thuyết của người Việt Nam.”

“Giao Long?” Thiếu nữ tóc vàng xen vào: “Thế còn con rùa khổng lồ xuất hiện đầu phim?”

“Đó là Kim Quy Thần.” Anh chàng gốc Việt trả lời: “Một vị thần đã rất nhiều lần giúp đỡ người Việt vượt qua khó khăn.”

“Những chú chim mỏ dài thì sao?”

“Chim Lạc, đại diện cho nền văn hoá lúa nước của người Việt cổ.”

“Anh có vẻ như rất am hiểu trong lĩnh vực này?”

“Không, chỉ là… tôi có một nửa dòng máu Việt Nam.”

“Ồ! Chúng ta có thể làm quen không? Tôi thật sự rất muốn tìm hiểu một người đến từ Việt Nam. À, không…” Thiếu nữ e thẹn: “Là tìm hiểu về đất nước Việt Nam.”

“Rất hân hạnh thưa quý cô.”

“Ông nội mình có phải người Việt không nhỉ?” Anh chàng da đen chăm điếu thuốc: “Như vậy chắc sẽ dễ dàng tìm kiếm một cô gái.”

Chúng ta có quyền tự hào về nền lịch sử phong kiến nước nhà, tại sao không? Chúng ta có rất nhiều điểm khác biệt so với người phương Bắc, từ cách ăn mặc cho tới ngôn ngữ, tại sao lại cam chịu để cho người khác đánh đồng như thế? Đó là vì có một vài người lắm tiền nhiều của ngoài kia đang tự nhận mình giàu tâm huyết và dư thừa khả năng nhưng thực tế lại cực kỳ lười nhác cũng như yếu kém trong việc khai thác, phục dựng, quảng bá đề tài lịch sử trên đất quê hương. Đương nhiên là còn vô số những vấn đề khác mà tiêu biểu nhất là sự khan hiếm tri thức từ chính những đứa con của đức mẹ Âu Cơ, thật xấu hổ khi họ tự mình chối bỏ tổ tiên, chối bỏ quá khứ, tự mình công nhận lệ thuộc vào Trung Hoa. Đã có không ít người, hầu hết là những bạn trẻ đồng trang lứa, cho rằng hể cứ viết truyện cổ trang thì chắc chắn là đua đòi theo các nhà văn người Hán chứ làm gì có một nhà văn Việt Nam nào theo đuổi trường phái này? Thật sao?

Tôi cố gắng mỉm cười, một nụ cười hoang dại và đau đớn.

“Mà thôi! Không nghĩ nữa! Cổ trang Việt Nam cũng được mà cổ trang Việt lai Tàu cũng được, hãy cứ sống là chính mình.” Tôi tự nhủ.

Nên tôi chọn viết, cách mà rất nhiều nhân vật khác trên thế gian này theo đuổi. Một số người đã đạt đến những thành tựu to lớn nhưng cũng có một số người ngủ quên dưới ba tấc đất mà chẳng có ai ghi nhớ. Tôi không biết mai này mình sẽ thuộc trường hợp nào nhưng tôi cảm nhận được rằng mình đã gặt hái được thứ gì đó từ nơi đây, Triết Học Đường Phố.

Đó là khi tôi đăng tải chương 1 của Đại Việt Long Phụng Kê với dự tính sẽ vung viết dồn dập như một khẩu đại liên, càng nhiều tác phẩm càng tốt. Tôi muốn xây dựng nên một vũ trụ võ hiệp đan xen lịch sử của riêng tôi để rồi sau này tự tay đưa nó lên trên màn ảnh rộng. Như cách hãng truyện tranh Marvel đã làm với những đứa con tinh thần của mình.

Tội nhận được lời bình luận đầu tiên sau vài giờ và nối tiếp là rất, rất nhiều, sau vài ngày. Có người nhận xét theo quan điểm cá nhân của họ, có người góp ý một cách thẳng thắn hơn bao giờ hết, có người tán thưởng, có người chê bai. Họ khiến tôi phải tự mình đọc lại sản phẩm của mình như một bước kiểm duyệt, khiến tôi nhìn ra được những cái hay, những cái dở trong lối hành văn của chính mình. Họ góp phần kiến tạo nên tôi ở thời điểm hôm nay, từ tận đáy con tim, tôi xin chân thành gửi đi một lời cảm tạ, dẫu chẳng còn nhớ rõ họ là ai.

Phần tri ân sâu sắc nhất, tôi xin dành cho anh Huy Nguyễn, người đã sáng lập sân chơi này. Với việc xuất bản 3 chương truyện, tôi nhận được từ anh một khoảng tiền khích lệ bằng Bitcoin không hề nhỏ, ít ra là đối với một đứa học sinh như tôi.

Đó là lúc sự nhiệt huyết trong tôi đạt tới đỉnh điểm, thậm chí nó còn nóng bỏng hơn cả một tô mì cay cấp độ 7 trộn thêm 3 ký ớt. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào tương lai của ngòi bút, một tương lai rực rỡ.

Nhưng những ngày sau đó thật tồi tệ…

Càng sát với kỳ thi quốc gia, lịch học của tôi càng dày đặc dù tôi đã xác định rằng đại học sẽ không đào tạo tôi trở thành con người mà tôi mong muốn. Tôi thà đi tù với hai ngàn quyển sách như một sự đặc ân của pháp luật chứ không muốn bị giam trong bốn bức tường và những dãy bàn ghế. Tuy nhiên, giống với đại đa số các thí sinh khác, tôi vẫn chịu áp lực từ mọi phía. Tôi không biết phải giải thích thế nào cho gia đình hiểu nếu đạt kết quả kém cỏi trong kỳ thi, không biết phải nói chuyện thế nào trước mặt bạn bè nếu sau này chỉ là một thằng làm thuê làm mướn. Vì tính khí sĩ diện ấy, tôi cố gắng ngồi học thêm một chút, thời gian rảnh rỗi cũng bớt đi phân nửa.

Tôi bắt buộc phải lựa chọn giữa một trong hai: Viết hay chơi?

Tôi chọn chơi. Tôi cho rằng mình đã học gần hết thời gian và phải dành dụm một ít cho việc giải trí. Tôi đạp xe đi khắp Sài Gòn, đến những chỗ vui chơi giải trí, những quán cà phê yên tĩnh, những cửa hàng trò chơi điện tử đông đúc.

Tôi ngưng viết. Tôi biện minh rằng mình có lý do chính đáng và tự hứa hẹn với bản thân về một ngày trở lại, sau kỳ thi gian khổ. Tôi vẫn hay nghe về những tấm gương đã tạo nên kỳ tích trong khốn khó nhưng tôi không nghĩ mình sẽ làm được như vậy. Tôi đã chọn cách trở thành một kẻ tầm thường.

“Mà thôi! Không nghĩ nữa! Tầm thường cũng được mà không tầm thường cũng chẳng sao, hãy cứ sống là chính mình.” Tôi tự nhủ.

Rốt cuộc thì tôi cũng từ bỏ đại học sau một khoảng thời gian dạo chơi cho biết, mặc kệ những lời khiển trách trước mặt và sự khinh bỉ đằng sau. Đáng lý ra tôi nên làm như vậy từ vài tháng trước đó…

Cuộc sống luôn mang đến những cơ hội

Triết Học Đường Phố ngưng hoạt động. Tại sao? Từ khi nào? Tôi chẳng biết. Tôi chỉ biết rằng mình vừa đánh mất một thứ gì đó rất tuyệt vời đối với bản thân, thứ mà tôi hoàn toàn có thể nắm bắt.

Triết Học Đường Phố ngưng hoạt động. Điều đó đồng nghĩa với việc mối dây liên kết giữa tôi và những người bạn cùng tư tưởng trên diễn đàn hoàn toàn tan vỡ. Tôi tạo lại tài khoản Google và Facebook, cố gắng tìm kiếm những cái tên còn đọng lại trong tiềm thức của mình, nỗ lực bình luận vào một số video liên quan đến diễn đàn nhưng cuối cùng cũng chỉ tìm được những hình ảnh còn sót lại.

Hơn nửa năm trời không trực tuyến, tôi gần như quên hết tất cả.

“Mà thôi! Không nghĩ nữa! Có Triết Học Đường Phố cũng được mà không có cũng chẳng sao, hãy cứ sống là chính mình.”

Tôi lại suy nghĩ như vậy thêm một lần nữa, để rồi phần tiếp theo của câu chuyện thật sự rất tẻ nhạt. Hơn hai năm liền, tôi chỉ biết cắm đầu đi làm, từ quán cơm gà cho đến công ty bảo vệ, từ hiệu trà sữa cho đến cửa hàng tiện lợi. Đồng lương ít ỏi, tương lai mù mịt.

Hai tháng trước, tôi bắt đầu mệt mỏi, không phải sức khoẻ có vấn đề mà là tâm hồn đang xuống cấp. Tôi quyết định nghỉ việc, ở nhà, khép hờ mắt, suy nghĩ, đầu óc quay cuồng, điên đảo.

“Mà thôi! Đừng nghĩ nữa! Hãy cứ sống là chính mình.”

Sống là chính mình?

Tôi choàng tỉnh, tròng mắt phóng ra xa

Cả về vật chất lẫn tinh thần, tại sao cuộc sống của tôi lại trở nên túng quẫn như thế này? Cuối cùng, tôi cũng tìm được một câu trả lời thoả đáng. Tôi đã chọn cách buông thả khi khó khăn, chọn cách tầm thường khi vẫn còn có thể nỗ lực, chọn cách bỏ qua mọi chuyện thật dễ dàng và tự nghĩ rằng bản thân đang tiếp cận gần hơn với tư tưởng “Xuất Thế” của Lão tử. Tôi đã tin tưởng hoàn toàn vào tương lai của ngòi bút nhưng lại chẳng mảy may tìm cách thi hành nó, đã yêu Triết Học Đường Phố mà không hề sát cánh cùng cộng đồng trong những thời khắc quan trọng nhất. Liệu tôi có đang sống là chính mình hay không?

Không. Đôi khi con người ta vẫn hay lầm tưởng giữa những ham muốn tầm thường của thể xác và những giấc mộng trong tâm thức. Đừng để bốn chữ “Sống Là Chính Mình” trở thành lý do hoàn hảo cho việc đánh mất bản thân, buông bỏ lý tưởng.

Quá khứ đã qua, tôi thật sự chỉ sống cho một phần nào đó len lỏi bên trong cơ thể lười biếng này…

Tôi phải thay đổi, ngay lập tức, thời gian còn nhiều song nó lại không dành cho bất kỳ một sự phí phạm nào cả. Con người là một sinh vật kỳ diệu, chẳng có ai tầm thường, ngoại trừ những kẻ tự mình chọn lấy sự tầm thường.

Sóng, con sóng đầy thi vị,
Không tri thức nhưng chẳng sống qua loa.
Sóng cùng bờ như một đôi tri kỷ,
Nhịp từng nhịp cho cảm xúc thăng hoa.

Sống, đông đảo nên rộn ràng.
Trong cuộc sống lại có sóng chen ngang.
Sống, nghẹn ngào từng hơi thở.
Lênh đênh mặt sóng để thấy đời nhẹ nhàng…
Sống như con sóng nhịp nhàng.
Sóng, cho ta theo kịp nàng!

Rạng sáng hôm nay, ngày 23 tháng 5 năm 2018, tôi vẫn còn tỉnh táo nhờ những giọt cà phê nguyên chất từ Tây Nguyên và đang trong quá trình thiết kế lại các ý tưởng đã vô tình đánh mất cũng như tìm kiếm một diễn đàn văn học giàu tiềm năng để phát triển. Những bản nhạc Hip Hop từ thế giới ngầm vang vọng bên tai, tôi chán nản tắt đi một cửa sổ trình duyệt, thêm một diễn đàn nữa rơi ra khỏi sự kỳ vọng.

Cùng lúc ấy, chế độ tự động phát của Youtube dẫn tôi đến bài rap Nghiện Mà Ngại của Blacka, hai viên đạn xuyên thủng màng nhĩ:

“Đây đéo có phải Rap Việt mà tao được biết, càng đéo bao giờ xứng đáng là thứ được lan truyền.

Đây từng là chỗ của triết học đường phố chứ đéo dành cho thằng nghiện còn xin tiền.”

Tôi bắt đầu hoài niệm, lách cách, lách cách, những ngón tay gõ nhẹ trên bàn phím, khung tìm kiếm dần dần hiện lên.

Triết Học Đường Phố

Câu chuyện sau đó đầy hứa hẹn, Enter.

Tác giả: Võ Trọng Gia

Featured image: Josch13

  • Bài viết này lấy đề tài của sự kiện THĐP Writing Contest 2018 nhưng tôi chỉ viết vì cảm xúc vì lúc biết đến cuộc thi thì đã quá hạn nộp bài.
  • Tên thật của tôi là Hiếu.
  • Đại Việt Long Phụng Kê (viết cho đúng là Đại Việt, Long, Phụng, Kê) từng được tôi đăng tải 3 chương với bút danh Uy Tửu nhưng sắp tới tôi sẽ viết lại từ đầu bằng văn phong của một ngòi bút trưởng thành hơn, hi vọng mọi người sẽ đón nhận.
  • Hoài bão của tôi không hình thành nhờ sự căm thù Trung Quốc mà được hình thành thông qua lòng yêu nước, tôi sẽ có bài viết nói về vấn đề này sau.
  • Tôi hoàn toàn không PR Triết Học Đường Phố, ngược lại, Triết Học Đường Phố đang giúp tôi phát triển.
spot_img

BÀI LIÊN QUAN

4 BÌNH LUẬN

  1. Mình cũng từng viết và gắn bó với THĐP. Rất xúc động với bài viết của bạn, mình đồng cảm với những trăn trở và cả nội dung bạn đang hướng đến cho tác phẩm ĐVLPK

  2. Chào Gia nhé,

    Thì ra bạn chính là người viết Đại Việt Long Phụng Kê năm nào. Hồi đó, mình cũng có theo dõi truyện của bạn. Nghe tin bạn viết bài trên THĐP mình rất mừng. Thật không ngờ rằng khi THĐP vừa mới trở lại thì cũng có dấu hiệu dẫn bạn tới đây. Giống như những người yêu nhau luôn tìm được về được bên nhau vậy. :))

    Đọc bài này của bạn không hiểu sao mình thấy xúc động, liên tục nổi da gà. Nhất là những đoạn bạn viết về anh Huy và THĐP. Có lẽ những lời bạn nói trùng khớp với những gì mình muốn nói. Cảm ơn Gia rất nhiều.

    Mình rất háo hức được đón đọc Đại Việt Long Phụng Kê cũng như các bài viết khác nữa của bạn. Chúc bạn thành công trên con đường mình đã chọn.

    • Đằng sau phím Enter là một sự mừng rỡ, một sự khó tin và một sự hồ nghi không hề nhẹ.
      Câu đầu tiên mình inbox hỏi fanpage: “Admin ơi, có phải là anh Huy đó không ạ?”
      2 năm đã qua, THĐP đã đổi mới để đi lên, Võ Trọng Gia cũng vậy, Vũ Thanh Hoà cũng vậy.
      Cảm ơn Hoà, thật sự thì mình có biết bạn nhưng ban đầu chỉ nhớ tới anh Huy, những người khác đều “nhớ cái gì đó” chứ không hề nhớ tên.
      Hi vọng sẽ gặp lại nhiều cố nhân nữa!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI