22.7 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Thượng Đế của em ở đâu?

Tôi không thích dùng từ “Thiên Chúa” cho lắm, tôi thích dùng từ “Thượng đế” hơn dù hai từ này đều có nghĩa tương đương. Vì từ “Thượng đế” thì nghe có vẻ ít mang tính tôn giáo hơn. Khách quan mà nói, dường như những người Thiên Chúa giáo đã biến vị Thượng đế vĩ đại của mình thành một ông thần linh bộ lạc.

Tôi từng nghe bạn trai cũ của tôi (cậu ấy là một người vô thần) nói rằng cậu ta tin rằng có một vị Thượng Đế nào đó tồn tại, nhưng không tin Thiên Chúa “của tôi” đâu. Cậu ấy hỏi tôi “Chúa của em ở đâu? Khi nào Chúa của em hiện ra trước mắt anh, thế thì anh mới tin.” Tại thời điểm đó, tôi đã dùng tất cả những gì mà tôi “được dạy”, “được cho biết”, những gì tôi vẫn luôn tin suốt hơn hai mươi năm để giải thích, tranh luận với anh. Và nếu anh không tin, thì anh sẽ bị trừng phạt, cách này hay cách khác. Sự háo thắng, niềm tin mù quáng… đã bóp nghẹt mối quan hệ của chúng tôi.

Tôi đã liên tục tìm hiểu, nghiên cứu và suy ngẫm, để tìm cách thay đổi niềm tin bất di bất dịch của anh. Và cuối cùng, bạn có đoán được điều gì đã xảy ra không? Tôi chính là người đã thay đổi. “Một con chiên ngoan đạo” như tôi nhận ra bản thân tôi trống rỗng, giáo điều, ngu ngốc và cố chấp. Niềm tin mà tôi vẫn ngỡ là mạnh mẽ và đúng đắn tuyệt đối hoá ra lại lỏng lẻo và trống rỗng đến thế.

Mãi sau này tôi mới nhận ra rằng “Thiên Chúa” mà người Thiên Chúa giáo tôn thờ không còn là Thượng đế nữa mà đã bị biến thành một ông thần độc tài nào mất rồi. Sự ám thị đã đi quá xa, sự hiểu lầm đã quá lệch lạc.

Vì vậy, cần một cuộc cách mạng mới, đòi hỏi ta không đồng hoá Thượng Đế với Giáo hội, với sự bất dung, bất công, mù quáng, bạo lực, khủng bố, khì thị, khắc nghiệt, ham thích trả thù, giáo điều, bài xích tính dục, bài xích đồng tính, ham quyền lực, kiêu ngạo, chuyên chế độc quyền, lý tưởng hoá thái quá, hẹp hòi và ngu ngốc.

“Thiên Chúa là tình yêu” – Tôi đã đọc hàng ngàn lần câu này trên những tấm thiệp cưới. Tôi đã được nhà thờ dạy về điều này từ nhỏ, rằng hãy yêu thương vô điều kiện, hãy trao tặng mà không mong chờ nhận lại điều gì. Một lời giáo huấn tuyệt vời nếu như mọi thứ dừng lại ở đó. Nhưng người ta đã xây dựng và đạp đổ tất cả. “Thiên Chúa là tình yêu” với điều kiện hai người phải cùng tôn giáo với nhau, nếu không thì sẽ không chấp nhận, “làm như thế là xúc phạm Chúa, con sẽ bị cắt phép thông công, bị tội trọng, v.v…” Tôi tuyệt đối không bao giờ tin rằng Thượng Đế tình yêu lại có thể bị xúc phạm chỉ vì hai người yêu thương nhau được. Và tôi chống đối tất cả những hình phạt mà họ nói (bị tội trọng, bị Chúa phạt thế này thế nọ.)

Nhân danh Thượng Đế, người ta chia rẽ và chống lại Tình Yêu. Nhân danh Tình Yêu, người ta chống lại chính Tình Yêu, mà miệng thì hô to rằng họ tự hào là con cái của Tình Yêu. Người ta rao giảng về tình yêu vô điều kiện đồng thời đặt ra 1000 thứ điều kiện cho nó. Người ta không ngừng rao giảng rằng Thượng Đế là tình yêu và không ngừng nhân danh Thượng Đế để chống đối chính Ngài. Tình yêu bị xúc phạm, Thượng Đế bị bôi nhọ. Sự tự do bị huỷ diệt, sự tôn trọng bị chà đạp.

Thượng Đế mà đức Jesus nói đến đối lập hoàn toàn với những “ảo ảnh Thượng Đế” mà người ta đã được nhồi nhét vào đầu từ khi còn nhỏ. Đức Jesus tỏ lộ về một Thượng Đế bất bạo lực, giàu yêu thương, không căm giận phẫn nộ, không ham thích trả thù. Đó là một Thượng Đế rộng rãi tuôn đổ tình yêu xuống thế gian như ánh mặt trời chiếu rọi trên người công chính lẫn kẻ bất lương. Đó là một Thượng Đế bình đẳng, bác bỏ quyền lực và chuyên quyền thế gian, yêu cần tinh thần đứng cao hơn giáo điều, tình yêu và lòng trắc ẩn đứng cao hơn sự hà khắc cứng nhắc, sự tha thứ cao hơn công bằng luật pháp.

Thượng Đế không hẹp hòi, ngu xuẩn, bạo lực hay ham thích báo oán. Đã đến lúc ta cần thay đổi hệ thống tư tưởng lẫn góc nhìn nhận sai lạc của ta, không đồng hoá Thượng Đế với những điều tồi tệ đó nữa.

Tôi quá mệt mỏi khi mỗi lần đến nhà thờ lại phải nghe các linh mục rao giảng về cơn thịnh nộ, sự trừng phạt và trả đũa của một Thượng Đế thích báo oán; cụ thể là bằng lửa hoả ngục và các hình thức tra tấn ở đó. Tôi không kết án nhà thờ, nhưng tôi luôn cảm thấy bản thân mình xa cách nó.

Trong các cuộc tranh luận đề tài tôn giáo, tôi từng nghe nhiều người tin rằng nếu ta rao giảng về “hoả ngục”, về cơn thịnh nộ và sự trừng phạt của Thượng Đế, người ta sẽ vì sợ hãi bị phạt mà sống tốt hơn, sẽ chăm chỉ đến nhà thờ hơn, sẽ giữ các giáo luật tốt hơn. Nhưng tôi cho rằng, con người chỉ thực sự sống tốt hơn khi hoa trái tình yêu và trí huệ nở rộ nơi trái tim họ; khi người ta sống can đảm và kiên tâm cùng với sự tỉnh thức nội tại. Chỉ khi ấy, người ta sẽ sống tốt hơn từ tận căn con người họ. Và nhiều người cũng phản biện rằng không phải trên thế giới này ai cũng thông minh đủ để thức tỉnh mà sống tốt, thà rằng cứ để họ sợ hãi mà sống tốt thì hơn. Tôi đồng ý rằng mỗi cá nhân sinh và lớn lên trong những hoàn cảnh và môi trường giáo dục khác nhau, trình độ nhận thức và hiểu biết cũng vì thế mà khác nhau. Nhưng tôi không nghĩ rằng chỉ vì thế mà thay đổi thông điệp “tình yêu, sự tha thứ và cứu độ” thành “sợ hãi sự trả thù và báo oán.” Osho từng nói chỉ cần 10% nhân loại có thể thiền định, thì cả nhân loại có thể được tái sinh trong hoà bình và tình yêu. Tôi cho rằng, việc rao giảng về hình phạt đời đời là sự bôi nhọ Thượng Đế tình yêu và bao dung.

Ở một phương diện nào đó, phải công nhận một điều là sự đe doạ cũng có hiệu quả ở một mặt nào đó. Tôi đã lớn lên từ phương cách đó, từ sự đe doạ về một hoả ngục đầy khổ hình- nơi mà ma quỷ sẽ hành hạ con người, nơi mà Thượng Đế không bao giờ ghé mắt đến, nơi con người hoàn toàn bị bỏ rơi. Thật sự mà nói, nó đã từng tác động lên tôi rất nhiều, cả tích cực lẫn tiêu cực. Về tích cực, nó khiến tôi đủ sợ hãi để không dám “phạm tội” hay vấp phạm về mặt đạo đức và luân lý; tuy nhiên, vì luôn ám ảnh về các hình phạt và sự phán xét lạnh lùng nên cảm xúc và niềm tin của tôi đối với Thượng Đế cũng vì thế mà méo mó vô cùng. Giả dụ, liệu bạn có thật sự có thể yêu mến một người suốt ngày đe doạ bạn, coi bạn là tội đồ, là dơ bẩn hèn kém và không đáng tha thứ chăng?!

Một nền thần học lành mạnh cần phải ngừng tuyên bố và đe doạ ta về một hoả ngục đời đời đang sôi sục chờ chực ta, về một Thượng Đế bất khoan dung không bao giờ trao tặng cho con cái ngài cơ hội thứ hai. Khi tôi thắc mắc rằng làm sao người ta biết được việc Thượng Đế trừng phạt và bất khoan dung như thế; tôi nhận được câu trả lời rằng họ biết được điều đó qua Kinh Thánh và các kinh sách khác.

Ngôn từ chỉ là phương tiện để truyền đạt. Ngôn từ không bao giờ là thực tế sự kiện. Vì vậy tôi cho rằng ta cần thôi dựa dẫm quá chi li từng câu từng chữ vào các kinh sách, mà phải hiểu rộng ra những điều cốt lõi mà các kinh sách ấy muốn truyền đạt. Tôi đã chứng kiến nhiều người cãi nhau, thậm chí trong lịch sử cũng có nhiều cuộc phân tách và chia rẽ giữa tôn giáo này với tôn giáo kia chỉ vì người ta đã quá chi li và xét nét từng từ của các kinh sách mà dẫn đến bất đồng, chia rẽ.

Tôi thật sự tin rằng, điều mà tôn giáo cần đề cao để có thể xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn đó chính là “chiều sâu tâm thức” mà mỗi cá nhân có thể đạt được. Hãy tiến sâu vào, hãy tìm hiểu sâu cùng thấu tận, rồi từ đó mới lan rộng đến xung quanh. Khi bạn muốn lan toả tình yêu, trước hết, bạn phải có tình yêu cái đã. Hoa trái phải chín đậm thì mới thu hoạch bội thu được. Việc vội vàng tuyên truyền và gò ép người khác phải tin vào các “tín điều” bắt buộc khi họ chưa đạt được chiều sâu tâm thức thì cũng như hái ép trái còn xanh vậy. Một người chỉ thực sự theo một tôn giáo khi họ đến với tôn giáo đó bằng sự lôi cuốn, chứ không phải vì sự chiêu mộ.

Nhờ việc gặp được người bạn trai năm ấy – một người vô thần, tôi đã nhận ra những lỗ đen trống rỗng trong trái tim mình, từ đó dấn sâu tìm hiểu, khám phá niềm tin của chính mình, một bước chuyển lớn trong hành trình tâm linh của bản thân. Từ tận đáy lòng, tôi biết ơn vô cùng.

Chúng ta đã giới thiệu về Thượng Đế quá tệ. Không phải một Thượng Đế bạo lực, bất khoan dung; trong những câu chuyện Thánh Kinh mà tôi từng đọc, khi Thượng Đế xuất hiện, lời đầu tiên của ngài luôn là “Đừng sợ!” Chúng ta không có gì để sợ hãi sự thanh trừng của một Thượng đế hay trả đũa nữa. Bằng việc sống trong tự do vô lượng và tình yêu vĩ đại, ta tỏ lộ tình yêu và lòng biết ơn cùng sự tôn trọng lớn lao tới Thượng Đế, chứ không phải bằng cách sống trong sợ sệt và lo sợ rằng mình sẽ xúc phạm ngài hay bị ngài trừng phạt. Thượng Đế không ban phát những luật lệ giáo điều ép ta phải răm rắp nghe theo, nhưng trao tặng ta sinh lực dồi dào, khả năng sáng tạo thực tại và muôn vàn cơ hội để ta được sống như người mà ta vốn là.

Tác giả: Giang Uyen Bui

*Featured Image: FelixMittermeier
spot_img

BÀI LIÊN QUAN

3 BÌNH LUẬN

  1. Bạn có một khái niệm về thượng đế khác với khái niệm về thượng đế của những người khác. Nhưng cuối cùng thì đây vẫn chỉ là “khái niệm về thượng đế” thôi đúng không (tuy là một khái niệm rất có ích đấy chứ). Đây là thượng đế “Của Bạn”. Thật đúng với câu “Không phải thượng đế tạo ra con người, mà chính con người tạo ra thượng đế”. Có lẽ bạn nên trả thượng đế về cho thượng đế và không cố công tạo dựng đấng ấy theo suy nghĩ của mình. Biết đâu như vậy bạn lại gần với thượng đế hơn chăng?

  2. Cái Thượng Đế mà bạn tìm thấy có thực sự là Thượng Đế hay ko hay chỉ là 1 Thượng Đế mà thỏa mãn trong bạn những sự mâu thuẫn. Và liệu rằng khi mà trong bạn xuất hiện những mâu thuẫn mới những câu hỏi mới thì bạn lại cần 1 vị Thượng Đế nào khác hay vị Thượng Đế cũ + thêm 1 vài tính năng mới. Đừng dừng lại mà hãy tiếp tục tìm kiếm để cuối cùng tất cả mâu thuẫn trong bạn sẽ biến mất theo TĐ ấy.

Trả lời HTN Hủy trả lời

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI