20.3 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[BDT2018] Bước vào bức tranh cuộc đời

Tôi sinh ra trong một gia đình không dư dả, nhưng đủ để đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhất. Không phải là một gia đình yên ả, song sự bao bọc quá kĩ lưỡng của những người yêu thương làm tôi có một ảo tưởng lớn về cuộc đời. Từ những ngày thơ ấu, tôi đã coi mình là trung tâm trong cuộc sống của chính mình. Rằng con người ai cũng tốt đẹp với tôi, và với những người khác. Để rồi khi gặp phải những sóng gió đầu tiên, ảo tưởng đó có chiều hướng đi xuống một cách tất yếu. Thế giới quan ngây thơ của một đứa trẻ trong thân xác đã lớn bị huỷ hoại theo một cách mà bản thân nó thấy là toàn diện.

Những việc nhỏ nhặt như bạn thân tôi có chuyện mà nó không chia sẻ với tôi mà hỏi ý kiến một người khác, tôi coi đó là một sự sụp đổ niềm tin trầm trọng, như thể không còn ai muốn ở bên mình nữa. Tôi là một người tồi tệ không xứng đáng có bạn bè, vì tôi không thể giúp đỡ gì cho họ. Khi tôi không đạt một điểm số ưng ý, tôi rất sợ gia đình thất vọng. Sau này tôi sẽ chẳng làm được gì nên hồn. Xã hội sẽ đào thải mình, khiến mình trở thành người thừa, thành đá lót đường cho người khác.

Để thoả mãn trí tò mò của tuổi trẻ và cứu rỗi tâm hồn, tôi tìm đến nhiều thú vui. Song không từ cái gì tôi có được niềm yêu thích và thành công trọn vẹn. Tôi không có điều kiện tốt nhất để theo đuổi sở thích của mình. Xung quanh bao giờ cũng là cũng có người giỏi hơn, khiến tôi nhanh chóng nản chí kể cả khi công sức và tiền bạc đã bỏ ra là không ít. Cứ tới một giai đoạn nhất định, tôi sẽ lại cảm thấy mọi thứ thật chẳng có ý nghĩa gì và từ bỏ.

Đến những năm cuối cấp trung học, trong tôi xuất hiện nhiều ám ảnh phi lý. Khi tôi không được gia đình ủng hộ thi vào một trường đại học yêu thích. Tôi thậm chí không biết sở thích của mình là gì, trong khi họ hướng tôi vào một môi trường mà thời điểm đó tôi cùng cực căm ghét, đến độ đó tưởng như là sự chấm dứt của mối liên hệ mật thiết giữa tôi và gia đình, bạn bè thân thiết. Tôi liên tục tự hỏi mình về sự sinh ra của bản thân, nghi ngờ nỗ lực của chính mình. Tôi cố gắng tìm kiếm một người bạn tri kỉ để cùng vượt qua giai đoạn đó. Nhưng ai cũng có vấn đề của riêng mình, khiến tôi không còn muốn làm phiền họ nữa.

Và đó là cách tôi đơn độc rơi xuống đáy vực khủng hoảng niềm tin vào cuộc đời năm 18 tuổi. Suy nghĩ về một tương lai đen tối dễ đến như vậy đó, những trải nghiệm không hay trong cuộc đời cứ thế tích tụ thành một gánh nặng tâm hồn, dần dần bóp nghẹt trái tim hi vọng của những người yếu đuối.

Có lẽ đó là giai đoạn điển hình với hầu hết người trong độ tuổi này, khi nhận thức về mọi thứ còn quá mông lung. Tôi cũng là một người trẻ như thế, nắm trong tay tất cả mà cũng như không có gì. Tôi vẫn còn nuôi những hi vọng về một ngày hạnh phúc, có những đam mê tôi chỉ có thể giữ trong thâm tâm mà chưa thể đạt thành, có sức khoẻ để đối phó bất cứ thứ gì mà cuộc đời ném vào mình. Song, lấn át tất cả là nỗi sợ hãi một tương lai vô định, sự băn khoăn, hoài nghi về những lựa chọn của mình, về số kinh nghiệm mà rõ ràng là không đủ đối với một kẻ sắp phải sống một cuộc sống đơn độc.

Những người có quan điểm tiêu cực về cuộc đời của mình, như tôi ngày đó, bảo rằng họ không hề muốn được sinh ra. Nhưng trong số những người đã từng có mặt trên cõi đời này, đâu một ai có thể biết trước việc đó? Nếu hiểu những chuyện như vậy là tất yếu, ngoài tầm kiểm soát, tại sao phải cố đặt ra một thứ giả định mà rõ ràng không tồn tại? Có thoả mãn được tâm hồn thì cũng chỉ là sự thoả mãn tạm thời, lừa dối chính mình trong vòng an toàn mà thôi.

Xã hội, theo tôi, đã cực kì không thành công trong việc giúp con người, đặc biệt là những người trẻ nhận định đúng đắn vị trí của mình trong xã hội, thế nên tự bản thân mỗi cá nhân phải tự đi tìm điều đó. Những điều tích cực khó nhận biết được, nhưng những dấu hiệu tiêu cực thì rất dễ nhìn thấy. Do cả những đặc điểm về tự nhiên (sinh học), và đặc điểm xã hội của con người.

Thứ nhất, một cơ thể không phát triển đầy đủ khiến con người ta trở nên bốc đồng và cực đoan. Những niềm tin cố hữu trong cá nhân, trừ khi có một sự tác động mãnh liệt mà khả năng cao gây ra những tổn thương tin thần, là gần như không thay đổi. Đến một độ tuổi nhất định, não bộ đủ khả năng kiểm soát các hormone điều khiển cảm xúc, làm gia tăng khả năng nhận thức, điều khiển tốt hơn hành vi cá nhân và trở nên thận trọng trước những quyết định của mình.

Đến một độ tuổi nhất định, bạn sẽ nhận ra đối phó với những điều đen tối của cuộc đời đơn giản hơn mình nghĩ. Bởi một phần không nhỏ trong đó là do góc nhìn cực đoan do chính chúng ta tạo ra. Những xung đột nội tâm, khi con người phải đấu tranh với chúng, bị coi là chướng ngại. Nhưng một khi đã giải quyết được, chúng lại trở thành động lực to lớn nhất của con người.

Thứ hai, những ràng buộc của xã hội hiện đại không cho phép tồn tại thứ gọi là tự do tuyệt đối. Từ khi sinh ra, con người đã phải chịu đủ loại ràng buộc, từ luật pháp, đạo đức đến những quy ước trong gia đình, quy tắc ứng xử và hàng loạt những hệ thống khế ước xã hội khác nhau. Chúng tạo ra các mối liên hệ cố hữu giữa người với người, cùng với đó là những nghĩa vụ tất yếu mà ai cũng phải chịu.

Cùng với sự ràng buộc dễ dàng ấy, hoàn thành vai trò của mình cũng không phải một nhiệm vụ quá khó khăn. Một biểu hiện đơn giản như tuân thủ luật pháp, trở thành một công dân làm những công việc bình thường nuôi sống bản thân đã là một quá trình trả nợ cho xã hội. Xu hướng đặt kì vọng quá lớn cho bản thân, cùng những lầm tưởng về ràng buộc xã hội đã làm trách nhiệm đó biến thành một gánh nặng. Mấu chốt chính là nhận ra những gi bản thân có thể làm được và không thể làm được, nhìn nhận bản chất cuộc đời không xám xịt như bề mặt của nó.

Thầy giáo của tôi từng nói, cuộc sống đúng là không chỉ có màu hồng. Nhưng nếu chỉ mãi nhìn đời bằng con mắt màu đen thì sẽ chẳng làm được việc gì ngoài đem lại sự đau khổ cho bản thân và những người xung quanh.

Đã mất một thời gian dài để tôi có thể hiểu được những lời thầy dạy. Một thời gian dài kinh qua quá trình đấu tranh tâm lý, nuôi dưỡng hi vọng trong lòng từ địa ngục của sự chán chường vô tận.

Tôi đã bỏ lỡ thứ mà người ta hay gọi là những năm tháng tươi đẹp nhất của thời thanh xuân. Sự tự ti, đồng thời là sự tự tin quá mức rằng không ai hiểu mình, rằng cuộc đời là một chuỗi sai trái, trở thành rào cản lớn ngăn tôi hoà nhập với bạn bè. Tôi từ bỏ ý định làm việc tốt chỉ vì cảm giác chúng thật vô nghĩa và chẳng cứu giúp được ai. Những người thân thiết hẳn đã bị tôi làm tổn thương rất nhiều, bởi tôi không nghĩ mình sẽ phải chịu trách nhiệm với ai cả. Tấm màn đen tôi phủ lên mắt mình, giúp tôi rèn được thói quen độc lập đấy, nhưng cũng đồng thời chia cắt tôi khỏi xã hội.

Rõ ràng sự bi quan không phải là một trạng thái tâm lý điển hình của một giai đoạn. Cho đến tuổi trưởng thành bây giờ, áp lực tôi đang phải chịu vẫn còn, thậm chí kinh khủng hơn gấp nhiều lần những vọng tưởng ngày xưa. Tôi nuôi những ảo tưởng về sự thất bại của bản thân và cái chết thậm chí còn mãnh liệt hơn so với ngày tôi chưa biết gì. Bám trụ được tới bây giờ, có lẽ là nhờ tinh thần qua nhiều đau khổ dần trở nên dịu dàng, khoan dung hơn. Hoặc, có lẽ là nhờ niềm tin đang lớn lên của tôi vào thế giới.

Hai năm đại học của tôi không nhiều trải nghiệm, nhưng đủ để đến một thời điểm, tôi tự nhận ra rằng, giả định một viễn cảnh cuộc đời đen tối quả là một sự lãng phí tời gian. Cảm thấy tuyệt vọng, tôi cố gắng tránh xa những hành vi tự huỷ hoại thể xác làm mình đau đớn hơn nữa, trong khi không nhận ra những suy nghĩ của bản thân đang giết chết tâm hồn mình.

Số thời gian quý báu bây giờ, tôi đành phải dùng để trở lại làm một đứa trẻ tự kỉ cố gắng hoà nhập cộng đồng, học lại từ đầu tất cả những thứ gọi là “giao tiếp xã hội.” Cũng thật may mắn, những người yêu quý không bao giờ bỏ rơi tôi, trở thành nguồn động lực lớn cho sự thay đổi chính mình này. Trước những câu chuyện tiêu cực, xuất phát là sự tẩy chay, chán ghét cùng cực, thứ hai là làm ngơ thì cuối cùng, tôi đã đến thời kì chấp nhận nó như một phần của cuộc sống, nơi vẫn còn những điều tốt đẹp đang tồn tại. Những người bị tôi cho là xấu xa nhất, giờ đây tôi cũng có thể nhìn ra những điều đáng học tập, để ngưỡng mộ.

Chứng kiến một tôi như thế, có người người bảo tôi là một kẻ hiền lành, ngây thơ, mù quáng. Hiện tại, tôi chỉ có thể im lặng. Tôi hiểu họ chỉ có thể bị thuyết phục không phải bằng lời nói, mà bằng cuộc sống sau này của chính tôi với thế giới quan như vậy. Có lẽ tôi sẽ giữ cho mình niềm tin ấy. Cho đến ngày có một sự đổ vỡ thực sự, đủ để tàn phá tâm hồn này lần thứ hai, điều mà tôi hiện tại chắc chắn không bao giờ cho phép.

Không phải chiến tranh hay tìm kiếm một vị trí trên nấc thang danh vọng, giải quyết những xung đột nội tâm mới là cuộc đấu tranh lâu dài và khốc liệt nhất của con người. Cách chúng ta nghĩ hình thành nên thế giới của chúng ta. Thực tại khách quan, dù có thiên biến vạn hoá dưới con mắt cá nhân đến mấy, thực chất cũng chỉ có một.

Đừng đóng vai nạn nhân, coi những gì xấu xa là hiển nhiên và điều tốt là phép màu. Hãy nhìn nhận thế giới tươi sáng đúng như bản chất của nó, để thấy những gì tốt đẹp của xã hội là một điều tất yếu.

Tác giả: K. N.

*Featured Image: Website Leave No Trace
spot_img

BÀI LIÊN QUAN

3 BÌNH LUẬN

  1. Chào KN, cảm ơn bạn đã tham gia cuộc thi. Đọc bài viết của bạn thì tôi đánh giá bạn thuộc vào hạng trung bình, chưa thật sự nổi trội, thiếu sáng tạo, nghệ thuật trong ý tứ lẫn câu từ. Đối với tôi thì đây là yếu tố quan trọng nhất giúp phân hạng các tác giả.

    Đoạn bạn nói về những khó khăn theo đuổi sở thích, tôi có cảm giác như đối với bạn việc đó đáng lẽ phải dễ dàng. Sự thật thì không đâu. Vạn sự khởi đầu nan, bạn mới chập chững theo đuổi nó thì xung quanh luôn có người khác giỏi hơn là chuyện hiển nhiên thường tình, vậy mà cũng nản chí, nản chí có nghĩa là ý chí bạn chưa đủ mạnh, ý chí yếu bắt nguồn từ nội lực yếu, nội lực yếu có thể là do bạn đã phung phí năng lượng quá nhiều. Tôi cũng đã từng trải qua giai đoạn tương tự trong quá khứ. “dần dần bóp nghẹt trái tim hi vọng của những người yếu đuối.” -> Không có người yếu đuối, chỉ có những người đang sống u mê nhưng không biết chuyện đó, tôi cũng đã từng như vậy.

    Đoạn từ “Có lẽ đó là giai đoạn điển hình” tới “không xám xịt như bề mặt của nó”, một đoạn rất dài, nếu bạn đừng viết theo kiểu triết lý lan man chung chung, mà áp dụng nó vào trường hợp cá nhân của bản thân mình thì bài viết sẽ được điểm cao hơn, bài này tôi chấm 70 điểm. Sau cùng, tôi đọc thấy sự thay đổi trong bạn, đây là một điều đáng mừng, có lẽ cuộc đời là người thầy giáo tốt nhất.

  2. Xin chào N.K,
    Cảm ơn bạn đã gửi bài dự thi về THĐP. Mình có đôi lời nhận xét về bài viết của bạn như sau:

    1. Bài viết có bố cục đi theo diễn biến thời gian: Thuở trẻ gặp thất bại, rồi sau đó tỉnh ngộ và cuối cùng là thay đổi cách sống. Tuy nhiên, mình thấy rằng những câu chuyện bạn kể về thất bại và đi qua thất bại chưa thật sự rõ ràng và thuyết phục. Ví dụ bạn viết rằng “Để thoả mãn trí tò mò của tuổi trẻ và cứu rỗi tâm hồn, tôi tìm đến nhiều thú vui” nhưng không nói cụ thể thú vui gì, “tôi cố gắng tránh xa những hành vi tự huỷ hoại thể xác làm mình đau đớn hơn nữa” nhưng không nói rằng hành vi đó ra sao. Những thành công luôn giống nhau, nhưng những đau khổ thì mỗi người chịu một kiểu. Đó là lý do tại sao mình cho rằng nếu bạn cụ thể hóa câu chuyện hơn nữa thì bài viết sẽ hay hơn.
    2. Có nhiều sự kiện dẫn đến sự khủng hoảng tuổi 18 của bạn nhưng các sự kiện đó được sắp xếp không đồng bộ và không có sự liên kết với nhau nên khó theo dõi. Mình đã phải đọc lại những đoạn đầu tiên 4-5 lượt thì mới có thể tóm lược được trải nghiệm thất bại của bạn. Nhìn vào bài viết của bạn, mình thấy có một sự mơ hồ, mông lung nhất định.
    3. Bài viết có nhiều nhận định, chiêm nghiệm sâu sắc, đáng để học hỏi về con người cũng như về xã hội.

    Điểm thi sẽ được công bố sau. Chúc bạn luôn vững vàng trong cuộc sống.

    Thân mến,
    Vũ Thanh Hòa

  3. Chào em nhé! Cảm ơn em vì đã tham gia cuộc thi viết. Chị có vài nhận xét thế này:

    1. Chị cực thích phần kết của bài viết:
      “Không phải chiến tranh hay tìm kiếm một vị trí trên nấc thang danh vọng, giải quyết những xung đột nội tâm mới là cuộc đấu tranh lâu dài và khốc liệt nhất của con người. Cách chúng ta nghĩ hình thành nên thế giới của chúng ta. Thực tại khách quan, dù có thiên biến vạn hoá dưới con mắt cá nhân đến mấy, thực chất cũng chỉ có một.

    Đừng đóng vai nạn nhân, coi những gì xấu xa là hiển nhiên và điều tốt là phép màu. Hãy nhìn nhận thế giới tươi sáng đúng như bản chất của nó, để thấy những gì tốt đẹp của xã hội là một điều tất yếu.”

    -> đơn giản, dễ hiểu, đúng trọng tâm và mang tính thông điệp cao.
    2. Phần vào đề cũng khá dễ đọc.
    3. Phần thân chính của bài viết: đọc từng câu thì thấy cảm giác rất logic, rất triết lý nhưng đọc xong cả đoạn hay cả bài thì lại chẳng nhớ được bao nhiêu do sự sắp xếp thông điệp chưa được mạch lạc cho lắm và cả thiếu đi những dẫn chứng cụ thể cần thiết để làm toát lên cái thông điệp ấy.
    Chị nghĩ nếu em có thể chia bài viết theo dàn ý ví dụ thế này thì bài sẽ dễ theo dõi và tạo mạch cảm xúc tốt hơn:

    • Giới thiệu thế giới nội tâm của một đứa trẻ: do đâu hình thành và sẽ ảnh hưởng đến cuộc đời nó thế nào? (ví dụ như tác hại của việc gia đình quá bảo bọc em)
    • Cuộc xung đột nội tâm của một đứa trẻ tuổi mới lớn: 1-2 câu chuyện cụ thể (ví dụ chuyện gia đình không ủng hộ, bạn bè không thèm chơi) kèm theo nguyên do vì đâu, bài học của em là…
    • Cuộc xung đột nội tâm của em trong tuổi sinh viên hoặc hiện tại ngay lúc này là gì, do đâu, bài học là…

    Kết luận: như em đã làm rất hay, có thể bổ sung và giải thích thêm:
    Nội tâm một người đơn giản là suy nghĩ của người ấy về cuộc đời. Mà những suy nghĩ thật ra lại chính do gia đình, xã hội quyết định (ví dụ)
    Bài học sau cùng, cũng như quan trọng nhất: Đừng đóng vai nạn nhân, hãy nhận ra những gì bạn nhận đều là những gì bạn đã gieo trong quá khứ một cách trực tiếp hay gián tiếp.
    Vậy thì làm cách nào để không đóng vai nạn nhân: hãy thay đổi cách suy nghĩ của chính mình, tẩy bớt những định hướng của gia đình, xã hội mà bạn thấy không thoải mái và bắt đầu xây dựng những hành động mang tính chủ động hơn, như là: nhìn mọi việc theo cách lạc quan nhất, đời không màu hồng cũng chẳng màu đen, nó là bức tranh đủ thứ màu…
    Ví dụ thế thôi nhé, tất nhiên chúng ta còn nhiều cách chia dàn bài khác nữa nhưng chung quy là chị mong được đọc thêm những ví dụ cụ thể hơn nữa để cho phần triết lý của mình nó bớt mang tính nặng nề em nhé!
    Bài viết còn một số mâu thuẫn do bản thân em còn nhiều mâu thuẫn bên trong. (ví dụ “Khi tôi không được gia đình ủng hộ thi vào một trường đại học yêu thích. Tôi thậm chí không biết sở thích của mình là gì” -> không biết mình thích gì sao lại có trường đại học yêu thích?)
    Nhưng mấy cái mâu thuẫn nhỏ nhỏ này không sao cả, quan trọng là bài em vẫn có thông điệp rất tốt về tầm quan trọng của đấu tranh nội tâm cũng như việc làm sao để tạo ra thế giới quan cho mỗi người.
    Thân chúc em ngày tốt lành và sớm tìm ra con đường thoát khỏi cuộc đấu tranh dai dẳng ấy nhé!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI