28.7 C
Da Lat
Thứ Năm, 18 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Sơn Tùng MTP và hành động đốt ảnh Chúa

Có người hỏi tôi nghĩ gì về những ý kiến trái chiều xung quanh MV mới của chàng ca sĩ trẻ tuổi Sơn Tùng MTP có tên Chạy ngay đi.

Tôi không phải là người sành sỏi trong lĩnh vực âm nhạc nên về mặt kỹ thuật chuyên môn tôi không muốn cầm đèn chạy trước ô tô. Xin dành lại sự đánh giá đó cho những người hiểu biết rõ. Ở đây tôi chỉ muốn trình bày quan điểm của mình về hành động đốt ảnh Chúa của Sơn Tùng trên hai phương diện tôn giáo và nghệ thuật.

Về tôn giáo.

Khi nói vấn đề này, trước tiên tôi nghĩ về những con chiên của Chúa.

Tôi muốn kể bạn nghe một câu chuyện.

Một thiền sư bước vào một ngôi chùa rồi phun nước miếng vào tượng Phật và lúc người ta vấn thầy, thầy trả lời: Xin vui lòng chỉ chỗ cho tôi để khạc nhổ, xin chỉ chỗ nào mà không có Phật đấy.

Bức ảnh Thánh bị Sơn Tùng đốt là bức họa nổi tiếng: Pietà  (Đức Mẹ Sầu Bi) của hoạ sĩ người Pháp William Adolphe Bouguereau. Đó là cảnh Mẹ Maria đau buồn khi ôm xác Đức Giêsu, Người đã chịu chết để cứu chuộc nhân loại. Nhiều ý kiến cho rằng hình ảnh các vũ công ăn mặc gợi cảm nhảy múa trước bức tranh, chi tiết Sơn Tùng châm lửa đốt bức tranh ở cuối MV là phản cảm, xúc phạm Công giáo, động chạm đến tôn giáo. Tôi có một điều thắc mắc rằng Chúa của bạn chỉ tồn tại mỗi trong bức tranh đó và đốt chúng đi thì Chúa cũng biến thành tàn tro?

Điều đầu tiên. Bạn xem Chúa như là một giá trị tối thượng. Xin thưa khi bạn đưa ra khẳng định Chúa là một giá trị tối thượng thì tức là bạn cũng đang đánh giá Chúa. Bạn có tư cách gì mà đánh giá Chúa, một người chưa giác ngộ như bạn lấy quyền gì mà đánh giá một người đã giác ngộ. Bạn có biết rằng đánh giá là một hành động phạm thượng. Đó là hành động nguyền rủa đáng sợ nhất vì đã hạ thấp Chúa.

Tôi không theo đạo nào cả, nhưng tôi tin rằng cái tinh túy của một đạo là khi người ta đạt tới cái trung tâm điểm của đạo đó. Chúa đạt đến cái trung tâm điểm ấy là bởi Chúa bước đi trên con đường của riêng mình. Chúa đạt đến chân lý bằng những kinh nghiệm bản thân. Có thể Chúa cũng yêu quý và quan tâm bạn. Nhưng điều mà Chúa quan tâm là việc bạn trở thành con người như thế nào hay Chúa chỉ quan tâm đến việc bạn có tôn trọng Chúa? Nếu bạn muốn trung thành với Chúa thì nhiều khi bạn phải lìa xa Chúa, bởi vì không ai có thể dạy dỗ ai cả, mỗi người phải tự dạy lấy chính mình, chân lý là chân lý riêng của từng người đi qua bao nhiêu hỏa ngục mới tìm ra. Bạn muốn bước theo bước Chúa để trở thành một Chúa thứ hai?

Điều thứ hai. Bạn tôn sùng thờ phụng bức tranh như là thiêng liêng quý báu thì bất cứ người nào chống lại sự thiêng liêng quý báu đó của bạn cũng phải là phá hoại, là xúc phạm? Tại sao bạn lại nghĩ rằng khi người ta đốt ảnh Chúa là người ta đang nhạo báng Chúa? Bạn nghĩ rằng không phải khẳng định thì là phủ định, bạn cho rằng chống lại giá trị thì phải là những điều vô giá trị? Chúa của bạn có rao giảng để dạy bạn trở thành một kẻ hạ nhân?

Chúa có dạy kẻ nào mang ảnh ta ra đốt thì kẻ đó đang nhạo báng ta? Chúa có muốn bạn tạc tượng hay vẽ chân dung mình? Chúa cho phép bạn gói ghém tất cả giá trị nhân cách của mình trong một bức hình? Vâng, tôi nghĩ Chúa chẳng bao giờ quan tâm đến điều đó. Chỉ có bạn tự ý định sẵn những phạm trù rồi tự ý xác nhận. Viện dẫn mê tín vào những bảng giá trị tự đặt ra rồi lấy nó làm tiêu chuẩn cho mọi hành động, xem nó như là chân lý bất di bất dịch.

Và điều thứ ba. Giả dụ, tôi chỉ nói là giả dụ hành động ấy thực sự là một hành động nhạo báng và xúc phạm. Tôi đọc được trong một bài báo người ta bảo rằng. Trong cuộc Thương Khó Đức Giêsu đã chịu tất cả đau khổ mà người đời gây ra cho Ngài. Chính Ngài cũng đã bị đóng đinh vào Thập giá, nhưng vẫn thưa với Chúa Cha:

“Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” (Lc 23,34)

Tôi nghĩ Chúa dù có không hài lòng vì người ta đốt ảnh mình thì vẫn sẽ rộng lượng tha thứ. Ông ấy còn van lạy để người khác tha thứ thì thử hỏi sao Chúa giữ sự ích kỷ đó trong mình. Mà Chúa không quan tâm thì việc gì bạn phải quan trọng hóa? Bạn cứ khăng khăng muốn buộc tội và chỉ trích chẳng phải là bạn đang làm trái ý của Chúa?

KoE
Sponsored

Sau đó, tôi nghĩ về những người chẳng liên quan gì đến Chúa của các bạn. Tôi nghĩ về Sơn Tùng. Cậu ta chỉ là một người làm nghệ thuật.

Theo suy nghĩ của tôi. Nghệ thuật phải là biểu tượng của cuộc sống chứ không phải chúng ta mang cuộc sống vào rồi tạo ra nghệ thuật. Nghệ thuật thì không có giới hạn, đạo đức, tâm linh, tôn giáo, chính trị… nghệ thuật phải vượt qua hết, đã là nghệ thuật thì phải phá tung giới hạn ấy.

Khi bạn nói về nghệ thuật, tức là không có gì để nói cả. Nghệ thuật không phải là thứ bạn có thể chọn lựa ngôn từ để nói ra. Một người làm ra sự sáng tạo là người bỏ rơi tất cả mọi quy luật vì nếu anh ta cố gắng mang vác thứ cồng kềnh ấy trên vai, anh ta chắc chắn sẽ là người bị bỏ rơi lại trên đường. Một người làm sáng tạo không bao giờ để ý đến luật lệ vì những luật lệ đó chỉ là cái mà các con chiên tạo ra để che chở và bảo vệ họ. Đã gọi là sáng tạo tức là thích gì tạo ra cái đó. Đã đến lúc tôn giáo, chính trị, xã hội… trả lại cho nghệ thuật vị thế ban đầu của nó. Hãy để nghệ thuật được sinh ra, được sống và chết đi tự do. Trái tim kẻ tạo ra đập nhịp nhàng trong tác phẩm của họ. Muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm. Đó là cách duy nhất để tác phẩm đó được thở.

Và sau cùng. Tôi muốn nói rằng tôi không phải là một kẻ giỏi lý luận. Tôi cũng không mang lí trí của mình ra để phân tích một vấn đề cao siêu như tôn giáo. Tôi không thuộc một tôn giáo nào và nếu có thì tôn giáo của tôi là  Tự do. Nếu “Công giáo” của các bạn cho phép bạn lên tiếng chỉ trích thì Tự do cũng cho phép tôi lên tiếng trình bày quan điểm của riêng tôi. Nhưng thực ra tôi chỉ là một con người, tôi có đầy đủ giác quan , tôi có quyền chạm đến thế giới bằng tất cả các giác quan đó. Và lúc này, tôi chỉ muốn nói ra cảm giác rất chủ quan của tôi.

Tác giả: Ni Chi
https://www.facebook.com/Triet.Hoc.Duong.Pho/posts/2110938005587319

spot_img

BÀI LIÊN QUAN

11 BÌNH LUẬN

  1. Tôi định có một bài viết bẻ ngược lại lý lẽ của bạn nhưng sẽ không làm nữa, thứ nhất là vì tôi biết tư tưởng của bạn và thứ hai, bạn là một cô gái tin tưởng tuyệt đối vào bản thân.

    Có thể giết chết một con người chứ không thể huỷ diệt một tư tưởng.

    Mọi thứ đều tương đối, chỉ có một số ít rơi khỏi vòng quy luật, bài viết này không nằm trong số đó.

    Tôi xin mạn phép trích đoạn lại các trích đoạn của bạn…

    1. Một thiền sư bước vào một ngôi chùa rồi phun nước miếng vào tượng Phật và lúc người ta vấn thầy, thầy trả lời: Xin vui lòng chỉ chỗ cho tôi để khạc nhổ, xin chỉ chỗ nào mà không có Phật đấy.

    Nực cười. Bạn đang so sánh một thiền sư với những con người ngoài kia? Tôi không biết bạn hiện đại như thế nào nhưng với tôi, ai cũng có ít nhất một thứ cần phải sửa đổi cơ thể, bất cứ thời khắc nào. Đó là cơ chế của sự tiến hoá. Quay ngược lại, tôi là một người Công giáo nhưng có đầy mâu thuẫn với giáo hội cũng như gia đình, những người Công giáo mãnh liệt. Tôi cho rằng việc đi lễ hay đi chùa không làm chúng ta sống đúng ý Thiên Chúa hay Phật Tổ, bởi lẽ họ luôn muốn chúng ta thực thi sự đẹp đẽ bên ngoài những nơi thờ cúng. Tôn giáo không phải là thứ có thể quản lý bởi bất kỳ một cộng đồng nào. Tôn giáo là một sự tự do của tâm thức.

    Thiền sư khạc nhổ vào tượng Phật để đưa ra một lời răng dạy cho những người vấn đạo chứ không để kêu gọi mọi người thực thi nó. Hãy học cách cảm nghĩa chứ đừng dịch nghĩa. Tượng đài hay tranh, ảnh vốn dĩ là vật vô tri vô giác song nó mang rất nhiều ý nghĩa trong việc đại diện. Bạn quy chụp mọi người một cách hồn nhiên đến lạ thường. Nếu nói kiểu ấy là đúng đắn, tôi xin phép yêu cầu bạn đem ảnh thờ cha mẹ vứt sọt rác ngay lập tức nếu họ đã mất hoặc đừng bao giờ đóng khung họ đặt trên cao. Chúng tôi hoàn toàn không có tư cách phán xét bất cứ ai, đừng nói đến Thiên Chúa. Vậy Sơn Tùng có tư cách gì? Lượng lượt xem khổng lồ của một ca sĩ thị trường có thể mua lấy sự tôn nghiêm của một đáng tối cao?

    Tôi có đọc bài viết “Sơn Tùng có thật sự đang làm nghệ thuật hay không?” của bạn và chẳng có nhiều thứ để nói lắm vì tôi thừa hiểu bạn là ai.

    Đừng bao giờ tự chối bỏ mình!

    2. “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” (Lc 23,34)

    “Lạy Chúa, xin tha cho chị gái bé bỏng này, vì chị ấy không biết việc mà mình đang làm.”

    Nếu “đã không sai” thì rõ ràng, Sơn Tùng “chẳng đáng được tha thứ”.

    Có lẽ bạn sẽ không hiểu được câu nói trên. Bản thân tôi chẳng có ý kiến gì về việc Sơn Tùng đốt bức tranh Đức Mẹ Sầu Bi cả nhưng tôi không thích những bài viết như thế này phá vỡ nghệ thuật và tiêm nhiễm cái gì đó không đúng đắn tới cộng đồng.

    Sơn Tùng không phải bậc toàn năng, sao những người hâm mộ của anh ấy cứ cố gắng co cụm thành một tôn giáo?

    Gia the Writer nhân danh John the Baptist cầu nguyện cho linh hồn cha mẹ chị và khạc nhổ vào người con gái họ, một nơi không có Chúa, không có Phật và các đấng tối cao khác.

    Nếu lần sau có đi vấn đạo, chị đã biết chỗ mà vị thiền sư kia cần rồi chứ?

    Sau cùng, tôi rất kính trọng chị, ngoại trừ hai bài viết về Sơn Tùng.

  2. Vào đọc comments toàn thấy năng lượng cuồng nộ tiêu cực từ đám đông bát nháo ô hợp hỗn loạn. Có lẽ bình thản trong tâm trí là một loại năng lượng khó gặp. Bản thân tôi là một người Công giáo, kính mến God, nhưng đối với tôi chuyện này chẳng có gì đáng quan tâm.

    Tôi đưa ra một lý lẽ thế này, chưa thấy ai đề cập: Sơn Tùng đốt ảnh Chúa, nhưng câu hỏi quan trọng là đốt như thế nào? Trong hoàn cảnh nào? Với mục đích gì? Câu trả lời là: Nhân vật trong MV đốt, ko phải ST. Mà MV chỉ là một thước phim hư cấu ngắn, với nhân vật là một anh chàng Fallen Angel, có thể tượng trưng cho Satan, mà Satan ko ưa God là chuyện xưa hơn trái đất, nghĩa đen. Nhiều người cứ so sánh với việc trực tiếp đốt các biểu tượng với dụng ý bôi nhọ xúc phạm. Thật là một so sánh ngu xuẩn, lol.

  3. Có thể bạn nói đúng về việc Chúa sẽ không nổi giận vì ai đó đốt bức tranh của Ngài, không những thế, Ngài còn xin tha thứ cho những kẻ đóng đinh Ngài. Nhưng việc Ngài không nóng giận không có nghĩa là con cái Ngài không nóng giận. Chúa không ở trong bức tranh thì đúng rồi, nhưng bức tranh vẽ hình bóng Ngài, vẽ hình bóng mà người Công giáo tôn kính và yêu thương. Việc này chẳng cần lý luận nhiều á, chỉ cần nhìn vào thực tế. Thử đốt hình tổng thống Lincoln ở Mỹ, hình Đức Phật ở nơi có Phật giáo, hình thánh Gandhi ở Ấn, hình Martin Luther King trước người da đen,… và còn nhiều nữa, hay chính hình những người thân của bạn, và như bạn nói, chẳng có “ai” ở trong bức hình cả, đúng thế không? Thật ra thì có đấy, có tình yêu và sự tôn kính của rất nhiều người trong hình ảnh đó.
    Mang ra đốt rồi bảo “nhân danh nghệ thuật nên tôi có quyền đốt tất cả”, làm vậy được không? À! thật ra thì có thể được và có thể không. Được khi nghệ thuật đó dùng để vinh danh điều thiện và vạch trần điều ác. Ví như một bộ phim nghệ thuật nói về thời kỳ tàn bạo nào đó, kẻ ác giết người, đốt sách, đốt tranh, đập tượng…đều không sao cả, vì bộ phim đó có mục đích khai trí cho con người. Còn nếu nhân danh nghệ thuật rồi muốn làm bá láp gì cũng được thì đó không phải vị nghệ thuật mà là chà đạp nghệ thuật. Bức tranh đó (dù là giả) cũng là một biểu tượng nghệ thuật. Nghệ thuật đúng là tự do nhưng không đồng nghĩa với tự do chà đạp mọi giá trị mà người khác tôn trọng.
    Về vụ Sơn Tùng, tôi cũng không lên án mạnh mẽ như nhiều người khác, nhưng anh ta cần rút kinh nghiệm, có lẽ đó chỉ là một hành động vô tâm, có lẽ anh ta nghĩ làm thế nhằm hàm ý nêu cao cái tự do mà bài hát muốn nói, và anh ta chưa thật sự hiểu rõ sự tôn kính mà người khác dành cho hình ảnh đó, sự chọn lựa sao cho vừa thể hiện tính nghệ thuật vừa tránh vấn đề nhạy cảm là điều rất cần thiết trong nghệ thuật.
    Tất nhiên tôi đánh giá cao bài của bạn về việc chống lại sự thái quá với sự việc này. Nhưng như thế khg có nghĩa ủng hộ quan điểm làm nghệ thuật thì muốn làm gì cũng được.

    • Chào anh! Bao giờ cũng gặp anh trong tiếng súng bom đạn rơi.
      Đọc những dòng chữ anh viết, em biết anh là một người lớn tuổi và trưởng thành hơn em, có kiến thức và tầm hiểu biết hơn em. Vậy nên em luôn nghĩ rằng đây là những lời góp ý chân thành.
      Vẫn như những dòng tâm sự trước, em vẫn không muốn nói gì đến bài viết cả. Đó là cảm nhận của em lúc này, có thể em sẽ lĩnh hội được những điều anh nói trong vài ba năm nữa, khi em bằng tuổi anh và có thể đi sâu vào cuộc sống để cảm nhận được những điều anh chia sẻ. Nhưng chắc chắn không phải lúc này. Anh của năm 25 tuổi như em chắc chắn cũng không phải là anh của tuổi lúc này? Là Bao nhiêu em không biết, nhưng chắc chắn là anh đã xuất hiện trên trái đất này sớm hơn em. Qua những gì anh nói, em có thể hiểu được phần nào.
      Và nhiệm vụ của em lúc này là sống cho trọn vẹn hiện tại, hiện tại em cảm nhận thế nào về cuộc sống, em vui,em buồn ra sao. Không thể vì người lớn bảo cái này vui lắm thì em tin là nó vui, em phải tự mình nghiệm ra nó. Vậy nên những lời đóng góp chân thành từ anh, em xin ghi nhận.
      Em nghĩ mình không cần phải đi trả lời từng bình luận để giải thích cho người ta hiểu. Nhưng vì mỗi lần em đọc bình luận của anh thì em rất tôn trọng nó, vì chắc chắn để có những kiến thức và hiểu biết này thì anh cần phải nổ lực trao dồi và cố gắng rất nhiều thời gian. Nó không phải là cái gì bộc phát trong vài giây,nó chủ quan những cũng rất khách quan.
      Một lần nữa cám ơn anh đã luôn đọc qua những bài em viết và cả những lời góp ý.
      Thân gửi
      Ni Chi

      • Chào bạn, cảm ơn vì đã trả lời, nói là tôi lớn tuổi hơn bạn thì đúng rồi (nhưng tôi luôn thích xưng tôi và gọi bạn hơn), còn kiến thức nhiều hơn thì không chắc, lúc 25t thì tôi còn chẳng biết mình là như thế nào nữa, vẫn còn u mê, chỉ bắt đầu viết linh tinh vài dòng cảm xúc năm 30t. Về các cmt, không hề mang tính công kích (nếu lỡ có thì khg hề do cố ý), mà chỉ muốn mang sự việc ra mổ xẻ thêm, ví như bài viết của bạn nói lên quan điểm của bạn, cmt của tôi nói lên quan điểm của tôi sau khi đọc bài viết của bạn, giống như là sự trao đổi quan điểm chứ không nhắm vào cá nhân người viết bài. Mỗi người đều có suy nghĩ riêng và ta làm theo những gì mà ta cho là đúng, chẳng ai có thể bắt ai làm hoặc nghĩ theo ý mình. Và đúng là chân lý là do mỗi người chúng ta tự tìm ra, chẳng có lý thuyết nào để mà học thuộc lòng cả, ta phải tự cảm nghiệm thôi. Mỗi người chúng ta tìm chân lý theo cách của riêng mình, phần tôi thì tìm nó bằng cách đọc này nọ, viết bài linh tinh, hoặc cmt. Viết cmt không hẳn vì cố ý phản bát bài viết, mà nhờ đó tôi tổng hợp được suy nghĩ của mình về một vấn đề nào đó, đơn giản vậy thôi.
        tất nhiên không phải bài nào tôi cũng viết cmt, chỉ viết với những bài mà tôi thấy hay, nếu bài đó đồng quan điểm thì tôi vào chia sẻ thêm, nếu trái quan điểm thì vào nêu quan điểm của mình. Với lại cmt hay không cũng tùy cảm hứng, chủ đề đó có phải mình quan tâm không. 25t mà bạn viết được những bài thế này thì quả là bỏ tôi quá xa rồi. Bạn cứ bước theo con đường bạn chọn, và nếu bài nào tôi thấy không đồng quan điểm thì chắc chắn sẽ lại có “tiếng súng bom đạn rơi” (cười). Rồi bạn sẽ quen với chuyện khi nêu một quan điểm thì sẽ có nhiều người ủng hộ hoặc phản đối, chỉ là sau đó ta có rút ra được gì khg mới là quan trọng, còn người ủng hộ/phản đối không quan trọng lắm. Chúc bạn thành công trên con đường viết.

  4. Hoàn toàn đồng ý với một quan điểm trong bài viết: Thượng Đế không bao giờ được giới hạn trong một bức tranh.
    Vì chính Thượng Đế nói rằng: “To whom then will ye liken God? or what likeness will ye compare unto him?”
    (Isaiah 40:18 KJV)

    => Thượng Đế vĩ đại không bao giờ bị giới hạn bởi bất kỳ điều gì.

    P/s: Những người sồn sồn lên vì hình ảnh bức tranh bị đốt, thật ra họ đang tôn thờ bức tranh không phải họ tôn thờ Thượng Đế.

    • Cẩn thận với lý luận kiểu này. Người không dính mắc điều gì, không bị trói buộc với luân thường đạo lý thường là người giác ngộ, tức biết thế nào là nên hay không. Chứ chẳng phải không dính mắc điều gì, tự cho mình vượt khỏi luân thường đạo lý thì là người giác ngộ.

      Giống như có nhiều kẻ, đọc chút được giáo lý, tự cho mình tài giỏi, thấy người khác đi Chùa lạy Phật thì cười nhạo cho rằng: Phật tại tâm, sao phải đi lạy tượng gỗ. Nếu muốn nói như vậy, thì bạn phải là người THỰC SỰ nhìn thấy ông Phật trong tâm mình. Khi cười nhạo điều đó họ đầu biết rằng, khi lạy Phật là thể hiện lòng tôn kính và BIẾT rằng bản ngã mình còn lớn, nên mới cúi đầu lạy. Đó cũng là pháp tu. Kẻ chẳng biết đem lòng báng bổ, tự cho mình thông suốt.

      Nói Thượng Đế vĩ đại không giới hạn bất kỳ điều gì. Vậy trong bãi cứt ngoài sân, có Thương Đế chăng? Trong các hình tướng của mấy thằng ăn cướp vừa rồi, có Thượng Đế không? Vậy sao lên án nó.

          • Gửi bạn Ngoc Ngoc, để hiểu rõ hơn về tư tưởng của mình thì nó nằm ở trên hoặc dưới, trong chính mục bình luận này.

            Mình cảm thấy bạn là một người có đạo, Phật giáo hoặc Công giáo thì phải, nhưng cũng cảm thấy bạn đang có nhiều hiểu nhầm về việc phải thờ phụng như thế nào cho đúng. Sắp tới mình sẽ có một bài viết về chủ đề này và mình hi vọng bạn sẽ đọc được để cùng trao đổi.

            Không như họ, mình thích nói chuyện với những người trái luồng tư tưởng hơn là tự mãn vào bản thân.

            Tất cả đều TỰ DO.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI