28.7 C
Da Lat
Thứ Năm, 18 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[BDT2018] Bluetooth và những tháng năm lay lắt

Xin chào các bạn,

Hôm nay tôi sẽ là người kể chuyện, còn các bạn là người nghe nhé. Và hãy chỉ nghe thôi…

Đó là một buổi sáng mùa thu trong xanh 11 năm về trước, sau sinh nhật tôi một tuần, tôi quyết định đi chơi nhà bác cùng với chị tôi và hai người em họ sau khi nghe được lời rủ rê rất hấp dẫn của chị. Nhà bác ở rất xa, tôi còn chưa từng đến đó. Mặc dù mẹ tôi đã khuyên rằng trời nắng và đường thì xa nhưng chúng tôi vẫn quyết định đi và mẹ đã không thể ngăn được. Vậy là chúng ta có bốn đứa nhóc ham chơi và cứng đầu, cùng với hai chiếc xe đạp phượng hoàng lửa sẵn sàng lên đường. Chúng tôi cứ thế đạp xe đi, thay nhau đèo cho đỡ mệt.

Sau một đoạn đường khá xa, lúc đó là tôi cầm lái. Hai đứa cố gắng vừa đạp vừa dắt bộ mãi mới lên được hết con dốc. Nó là dốc cao nhất mà tôi từng đi qua. Còn chưa hết mừng vì vượt qua được “khó khăn” to lớn đó, tôi đã nhận ra là chiếc xe đang trôi xuống dốc với tốc độ nhanh chóng mặt. Gió táp vào mặt tôi đau rát. Khung cảnh hai bên đường lướt qua vèo vèo như trong những bộ phim. Chị tôi hốt hoảng “Em bóp phanh đi, bóp phanh!” Tay tôi vẫn giữ càng xe nhưng không làm chủ được nó nữa. Chiếc xe lao xuống dốc với tốc độ quá nhanh, tay tôi thì yếu và lực gió quá mạnh, làm cho càng xe đảo qua đảo lại rất nhanh và dữ dội. Chiếc xe lúc này như một con ngựa hoang tìm mọi cách giằng đứt dây cương để tìm cho bằng được sự tự do. Tim tôi đập loạn lên. Tôi vẫn nghe chị tôi nói, đầu óc tôi vẫn biết là cần phải dừng xe lại ngay lúc này nhưng mọi thứ chỉ dừng lại ở đó. Tôi không thể điều khiển tay mình làm điều gì khác ngoài việc cố giữ lấy cái càng xe đang lắc lư điên đảo. Tôi đã hoảng sợ tột độ và ngất đi trước khi chiếc xe đổ rầm xuống đường. Như là chiếc máy tính đột nhiên sập nguồn vậy. Mọi thứ đột nhiên dừng lại, tôi không còn biết gì nữa, tất cả chỉ còn là một màu trắng…

Tỉnh dậy thì tôi biết là mình đang ở trong bệnh viện. Tôi nhớ ra là mình đã ngất đi trước khi tai nạn khủng khiếp đó xảy ra. Trong thoáng chốc tôi nghe được mọi người nói, cảm nhận được mọi thứ xung quanh nhưng không thể nói gì, không thể mở mắt, không thể cử động, không cảm nhận được cơ thể mình. Chỉ biết là bố mẹ tôi đã ở đây, chị tôi thì ngồi bên cạnh nắm tay tôi và khóc nấc. Tôi không thể nói gì cả, chỉ biết gắng siết tay chị: “Chị đừng khóc nữa, em không sao đâu.” Rồi lại thiếp đi.

Khi tỉnh lại lần nữa thì tôi được biết chị tôi chỉ bị xây xát nhẹ. Ơn trời! Chị không sao là tốt rồi. “Mà sao chị cứ khóc mãi thế? Mọi người đâu rồi? Chắc bố mẹ đang lo làm thủ tục, giấy tờ cho em hả?” Tôi vẫn chưa thể nói được. Tôi bắt đầu cảm nhận được cơn đau ê ẩm toàn thân. Chiếc quần bò được mẹ tặng hôm sinh nhật đã bị rách một chỗ khá to ở đầu gối bên phải. Chỗ vết rách đã bị máu nhuộm nâu và khô cứng lại, cọ vào vết thương làm tôi đau điếng. Lòng bàn tay và những ngón tay bị trầy xước những mảng to, đau rát. Phù, không gãy tay gãy chân gì là may rồi. Định nhờ chị tôi lấy cho ly nước nhưng môi tôi cảm giác không tách nhau ra được, hình như bị dính lại bởi những vết máu khô. Có lẽ môi cũng bị xước xát nhưng sao tôi không cảm thấy đau, chỉ thấy tê dại đi, hình như bị sưng nữa.

Trong miệng lạo xạo một ít đất cát, có vị mặn. Mà khoan! Sao lại có cảm giác trống trống sao đó?!? “Răng! Răng em sao thế này???” Tôi hét lên trong tâm trí. Bàng hoàng… Như có một dòng điện chạy qua não đánh thức mọi tế bào trong cơ thể và tôi cảm thấy mình tỉnh táo hơn bao giờ hết. Nhưng mà đây là sự thật sao? Tôi làm sao thế này? Tôi nằm đây mà ngỡ như mình đang rơi xuống một cái vực rất sâu, tối thui, không một ai ở đó và tôi còn không đủ can đảm để hét lên nửa lời, không đủ dũng khí để nhìn xem xung quanh liệu có gì đó cho tôi bấu víu chăng. Tôi đang rơi. Tôi cứ rơi thôi. Cái vực đó như nuốt chửng tôi rồi. Nước mắt trào ra, mọi thứ tối sầm lại. Chị tôi ôm chầm lấy tôi và khóc nức nở “Chị xin lỗi…”

“Tội nghiệp con bé, mới có 15 tuổi.” “Đâu có, hình như 13 thôi.” “Khổ thân, đi đứng kiểu gì mà lại ra nông nỗi…” Tất cả những điều đó đã kéo tôi về thực tại. Tôi đã hiểu tại sao chị tôi cứ khóc mãi như vậy, hai mắt đã sưng húp cả lên và đỏ hoe. Chị đã dằn vặt và đau khổ rất nhiều. Một niềm đau khác với nỗi đau của tôi. Tôi hiểu không ai có lỗi trong chuyện này cả. Tôi chỉ trách ông trời. “Tại sao? Tại sao ông lại đối xử bất công với con như vậy? Con là một đứa con ngoan, trò giỏi! Con không làm hại ai cả! Con đã làm gì sai sao? Con làm gì sai đến mức ông phải giáng vào cuộc đời con một cú đau như thế này? Ông trả lời con đi!!!”

Tôi muốn hét vào mặt ông trời một nghìn câu hỏi tại sao. Nhưng rốt cuộc, chẳng có câu trả lời nào cả, chỉ có một sự trống rỗng vô cùng trong tôi. Một cô bé học cấp 2, học giỏi, ngoan ngoãn, có một chút kiêu căng, tự phụ, tin rằng mình khá là “hoàn hảo”, giờ đây làm sao đối diện với mọi người, đối diện với sự thật, mỗi khi tôi nói, mỗi khi tôi cười, mọi người sẽ nhận ra là răng tôi không bình thường. Điều đó là một sự “sỉ nhục” lớn đến cái sĩ diện của tôi. Lớp vỏ của tôi đã vỡ đi một mảnh lớn và nó không còn “hoàn hảo” như trước nữa. Và tôi phải làm sao đây?

…Sau đó là những ngày tôi tự đi bộ từ nhà đến bệnh viện để tiêm thuốc và kiểm tra sức khỏe (nhà tôi khá gần bệnh viện). Tôi không nhớ việc này diễn ra trong bao lâu, nhưng tôi cũng dần quen với việc 5 chiếc răng cửa hàm trên của tôi đã vĩnh viễn ra đi. Tôi cũng quen dần với những bát cháo được xay nhuyễn mà mọi người chuẩn bị cho tôi. Rồi sau đó luôn là những đêm ướt đẫm gỗi mà chỉ mình tôi biết. Những buổi tối ngồi ở ban công, nước mắt hòa vào gió, tiếng dế kêu trầm buồn hình như kéo ánh trăng xuống gần hơn. Nếu bạn có thể tưởng tượng ra khuôn mặt của một người khi mà hàng tiền đạo của họ trống huơ – có thể sẽ mắc cười đó, nhưng cũng đừng cười nhé. Tôi sẽ cảm ơn lòng tốt của bạn ngàn lần.

Khi những vết thương đã lành, bác sĩ lắp cho tôi một “cầu răng giả” – đó là một tập hợp của 5 chiếc răng được liên kết với nhau, chân răng bằng thép và men răng bằng sứ. Một loại sứ gì đó mà tôi thấy nó hơi có màu xanh xanh. Hoặc là do màu của lớp kim loại bên trong nên nhìn nó có vẻ xanh xanh là vậy. Nó giống như một cái hàng rào vậy. Thực lòng mà nói tôi đã không hài lòng chút nào về cái hàng rào đó nhưng tôi hiểu rằng đó là những gì tốt nhất mà tôi có thể có lúc đó. Rồi tôi có thể về nhà và không phải đến bệnh viện nữa. Tôi biết ơn vì không còn những viên thuốc, những mũi tiêm, những tiếng khoan, những tiếng đục đinh tai rợn tận óc, mùi thuốc khử trùng và những kí ức tôi không bao giờ muốn nhớ tới nữa. Tạm biệt tất cả những điều này để quay lại với trường lớp và với cuộc sống hàng ngày của tôi…

Đó là vào năm lớp 10, lên lớp mới và có những “người bạn” mới. “Ê ê đồ răng xanh… À không, Bluetooth, từ giờ gọi nó là Bluetooth nha bọn mày ơi!” Ngày đầu tiên của lớp 10 là như vậy đó. Tôi không giận bạn ấy. Chỉ là tôi lại buồn vì sau bao nỗ lực tự mình cố gắng quên đi sự thật phũ phàng đó thì cậu ấy lại gợi lại điều đó và còn bày ra cho tất cả mọi người xung quanh một sự thật rằng tôi khác biệt.

Đúng thế. Tôi khác mọi người. Khác một cách tiêu cực, một cách xấu xí. Đó là điều tự ti lớn nhất của tôi. Làm sao có thể quên đi điều đó khi mà nó gắn ngay trên nụ cười của bạn, ngay khi bạn vừa mở miệng ra bắt chuyện với mọi người hay là khi bạn soi gương chải tóc mỗi sáng? Những vết thương ở đầu gối và ở tay đã lành sẹo từ lâu. Nhưng tổn thương trong tôi thì không bao giờ lành lại được. Tôi đã lớn lên cùng với nó. Tôi đã mang theo nó bên mình kể từ ngày đó rồi trong suốt quãng thời gian học cấp 3, học đại học, về sau này nữa…chỉ mình tôi mà thôi. Tôi đã giấu nhẹm nụ cười của mình từ rất lâu rồi. Đúng hơn thì tôi đã “đánh rơi nụ cười” mất rồi.

Tôi cảm thấy mình thật vô dụng, mình là đồ bỏ đi. Tôi đã không chia sẻ với người thân, bạn bè hay bất cứ ai về sự tự ti của mình, về những nỗi sợ đó. Nỗi sợ ấy dường như bao trùm cả vũ trụ. Trước khi làm bất cứ việc gì, tôi lại bị nỗi sợ làm chùn bước. Sợ mọi người đánh giá, sợ mọi người thương hại, sợ rằng tôi làm mọi người buồn, sợ cảm giác mọi người ái ngại khi không giúp được tôi và sợ nhất là những ánh mắt mọi người nhìn tôi khi thấy nụ cười của tôi có gì đó “bất thường” – nhưng họ không hỏi thẳng, họ chỉ giả vờ lờ đi nhưng ánh mắt họ thì vẫn luôn thắc mắc. Những ánh mắt đó đã giết chết tôi hay là tôi đã giết chính mình. Tôi cứ ngồi đó tự kỷ với cái hàng rào thay vì nhảy ra ngoài kia khám phá thế giới. “Ta đã làm chi đời ta” thế này? Cuộc đời tôi cứ thế lầm lũi trôi qua…

Tôi không biết mình đã xem bao nhiêu video “Coming out”, hay là những video “How to boost your confidence?” “How to let go…” trên Youtube. Tôi thấy mình trong đó. Những con người ấy sao mà mạnh mẽ quá. Họ đã dám chấp nhận chính mình để rồi yêu lấy những điều mà họ từng quay quắt chối bỏ hay thậm chí nguyền rủa, ghê tởm. Tôi cũng thấy mình trong truyện ngắn Người trong bao học hồi cấp 2 nữa. Tôi không muốn có một kết cục như nhân vật Bê-li-cốp. Tôi phải làm sao đây? Xé tan cái bao đó và chui ra ngoài kia “say hi” với thế giới hoặc là chết ngộp trong đó mà chẳng ai hay, thế giới vẫn quay như thể em chưa từng tồn tại. “Get out of the closet!” một video nào đó vang vọng trong đầu tôi.

Từng ấy ngày tháng năm lay lắt như vậy là quá đủ rồi. Tôi đã tự tạo một nhà tù và nhốt mình trong đó, để rồi hoàn toàn yên tâm ngồi trong đó mà nhìn những điều tươi đẹp trong cuộc sống trôi qua, cứ thế trôi qua. Và tôi tiếc nuối trong vô vọng. Tôi đã từng căm ghét chính mình vì điều đó. Suýt nữa tôi đã tự tay làm hỏng cả cuộc đời mình.

Khi một điều tưởng chừng như rất bình thường, rất hiển nhiên trong cuộc sống bị mất đi, thì ta mới thấy được vẻ đẹp khi nó hiện hữu. Khi nó mất đi rồi, nó vẫn sẽ đẹp – nhưng theo một cách khác. Nếu không đi qua những ngày tháng đó, biết đâu tôi chẳng biết yêu thương chính mình là như thế nào, tôi đã chẳng biết thế nào là đồng cảm, yêu thương, và biết đâu tôi đã sống một cách vội vã buông thả ở một nơi xa xôi nào đó và chẳng ngồi đây viết những dòng này.

Mỗi khi ngắm nhìn bầu trời, ngắm những tia nắng len qua những đám mây, tôi thấy lòng mình vui lạ kỳ. Mỗi khi đi làm về gặp một đàn dê đang gặm cỏ bên đường, tôi sẽ chẳng ngần ngại mà dừng lại “Hi các em, có muốn nói gì với anh không hả? Bebebe hehehe…”.  Mỗi khi nhìn thấy vài cái lá non phất phơ hoặc vài nụ hoa mới nhú, chắc chắn tôi cũng dừng lại vài giây ngắm nhìn, chụp ảnh hoặc chí ít là cũng nở một nụ cười. Biết đâu chúng cũng đang cười với tôi. Đơn giản vậy thôi.

Trong cuộc sống này ai cũng có những mối tơ vò của riêng mình. Mong người khác hiểu mình là một điều xa xỉ và ích kỷ lắm. Chỉ đến khi nào bạn cảm ơn những “chuyện không may” xảy đến với mình, thì khi đó bạn và cuộc đời mới bắt tay giảng hòa với nhau. Nếu chưa thì cũng đừng sốt ruột, chỉ là “thời điểm” chưa đến mà thôi. Và trước khi nó đến thì đừng làm điều gì ngu ngốc nhé. Cũng đừng nhìn quanh và bám víu bất kỳ ai để họ gỡ đám tơ vò giúp bạn. Hãy tự phân thân và ôm lấy chính mình. Bạn vẫn làm điều đó hàng ngày mà, nhớ không?

Có những ngày không nắng nhưng không lạnh lắm đâu. Tự nhủ với lòng mình “Có tôi luôn ở đây bên bạn.”

P/s: Cái hàng rào đó thực sự không tồn tại. Bluetooth mode: ON.

Tác giả: Piper Nguyen

*Featured Image: alejandradew 
spot_img

BÀI LIÊN QUAN

8 BÌNH LUẬN

  1. Chào bạn Piper, cảm ơn bạn đã tham gia cuộc thi. Đọc bài viết này tôi tự hỏi không biết bạn có hiểu đề bài hay không mà lại đi kể về một tai nạn té xe đạp trong quá khứ. Tôi cũng không hiểu tại sao bài này lại được cho vào mục Contest, vì trong bài viết không hề thấy đoạn nào phân tích về mục tiêu, ý chính của đề bài. Bài viết của bạn cũng không có yếu tố sáng tạo, văn chương hay nghệ thuật gì. Nên tôi cũng không muốn nói gì nhiều hơn.

    • Chào anh Huy,
      Đọc bình luận của anh em đã rất ngạc nhiên. Suy nghĩ vả cảm nhận của anh và bạn Hòa về bài viết là hoàn toàn trái ngược nhau. Bạn Hòa cho rằng “Câu chuyện của bạn có đầy đủ những nội dung về một trải nghiệm thất bại” còn anh thì cho rằng em hoàn toàn lạc đề 😀
      Việc đánh giá và cảm nhận bài viết thuộc về Ban giám khảo và từng bạn đọc, mỗi người sẽ có ý kiến riêng phụ thuộc vào trải nghiệm của mỗi cá nhân.
      Tuy nhiên, đối với bản thân em thì câu chuyện trên là một bài học to lớn. Sau những tháng năm dài đằng đẵng lẩn tránh và chối bỏ chính mình, tự giam cầm và hành hạ bản thân trong một nhà tù vô hình thì giờ đây em đã có thể chấp nhận và yêu lấy chính mình, từng bước phá bỏ xiềng xích, phá bỏ cái hàng rào ngăn cách em và thế giới bấy lâu nay, để đi tìm bình yên và tự do, giống như con ngựa ở đầu câu chuyện vậy. Đến với cuộc thi này, em không có mục đích thi thố với ai cả, em không phải là một người viết giỏi nên anh sẽ khó tìm được những yếu tố nghệ thuật “đắt giá”. Qua bài viết trên, em chỉ muốn mọi người có thể cởi mở hơn, chia sẻ câu chuyện của mình, bật bluetooth lên và kết nối xung quanh, bất chấp những rào cản và những giới hạn. (cái này e cho là 1 chi tiết ẩn dụ sáng tạo 😀 )
      Bài viết của em đã thể hiện được sự Tự do – Kết nối – Sáng tạo. Đó chằng phải là những điều mà Triết học đường phố hướng tới sao ạ?

      • Bài học thì có thể học được từ rất nhiều nơi khác nhau, tai nạn cũng là một trong số đó. Tuy nhiên đề bài đã nói rõ là nói về những bài học từ những suy nghĩ quan điểm tư tưởng hành động sai lầm dẫn tới những thất bại, chẳng hạn như: phá sản sạt nghiệp, gia đình đổ vỡ, mất hết bạn bè, tiền của, sức khỏe, cá tính, thời gian,…

        Trong trường hợp của em thì nếu suy ra từ đề bài thì nguồn gốc của sai lầm của em là từ chuyện em ham chơi và không nghe lời mẹ, và nó cũng có thêm yếu tố may rủi, duyên số nghiệp quả trong đó nữa. Con nít ham chơi không nghe lời cha mẹ là chuyện rất bình thường ai cũng đã hoặc đang trải qua. Với những suy nghĩ như vậy thì anh rút ra được kết luận là bài của em đã bị lạc đề.

        • Đề bài: “Hãy kể về một (hoặc nhiều) trải nghiệm thức tỉnh từ những SAI LẦM hay THẤT BẠI của bạn trong quá khứ hoặc hiện tại.”

          (Anh gạt tai nạn qua 1 bên giúp e nhé, trong 2 comment anh rất tập trung chuyện tai nạn. Em đang nói về những diễn biến nội tâm xảy ra sau đó cơ)
          – Sai lầm của em: Em đã sai, rất sai trong cách em đối xử với chính bản thân mình – không có một chút trân trọng và yêu thương nào cả – Đối với em đó là sai lầm lớn nhất
          – Anh nói về những thất bại như là “phá sản sạt nghiệp, gia đình đổ vỡ, mất hết bạn bè, tiền của, sức khỏe, cá tính, thời gian,…”. Khi đánh mất những thứ đó thì anh cho là người ta thất bại. Vậy khi người ta “ĐÁNH MẤT CHÍNH MÌNH” thì sao? – Đối với em đó là thất bại lớn nhất.
          – Nguồn gốc sai lầm của em là do sự “vô minh”, không hiểu được chính mình chứ ko phải vì ham chơi ko nghe lời mẹ.

          Có lẽ câu chuyện của e nó hơi “vô hình”, ko có gì cân đo đong đếm được; ko “nhìn thấy” được vì nó là nội tâm con người nên khó hình dung, khó mà cho người khác hiểu. Có lẽ anh và em lệch sóng rồi nên có nói nữa cũng chỉ có vậy. Cảm ơn anh rất nhiều.

          • Anh đã phải đọc lại bài viết một lần nữa sau khi nghe em giải thích, và đã hiểu được ý em muốn nói. VTH đã nói đúng trong việc em đã mô tả vụ tai nạn và những gì diễn ra sau đó quá chi tiết, quá dài, khiến anh không còn chú ý gì được nữa vào những gì diễn ra sau đó, phần quan trọng hơn. Sau khi suy nghĩ lại thì anh quyết định tăng điểm lên cho em 😀

          • Vâng, em nói về phần đó hơi nhiều. Lúc viết bài thì đang ở trong mood nên ko nhận ra điều đó anh ạ. Dù sao thì em vẫn hài lòng. Anh hiểu là vui rồi ạ.

  2. Xin chào Piper Nguyen,
    Cảm ơn bạn đã chia sẻ câu chuyện của bản thân. Mình có đôi lời nhận xét về bài viết của bạn như sau:

    1. Bạn kể chuyện rất mộc mạc, giản dị, hồn nhiên và giàu cảm xúc, đôi chỗ cũng dí dỏm. Mình đánh giá cao điều này.
    2. Câu chuyện của bạn có chi tiết khác biệt, độc lạ (hàm răng bluetooth) nên thu hút sự chú ý của mình hơn. Nhưng mình thấy đoạn đầu tiên mô tả về tai nạn hơi quá chi tiết. Đoạn đó bạn có thể vắn tắt lại và dành sự đầu tư nhiều hơn cho nội dung phía sau thì bài viết sẽ hay hơn.

    3. Câu chuyện của bạn có đầy đủ những nội dung về một trải nghiệm thất bại. Hiện tại bạn đã đi qua nó và thấy hài lòng với bản thân và cuộc sống. Xin chúc mừng bạn nhé.

    Ngoài lề một chút, đọc bài thi của bạn, mình chợt nhớ đến câu chuyện về một anh chàng mắc chứng nói lắp (sau khi trải qua một tai nạn) đã tham gia cuộc thi America’s Got Talent. Thật kinh ngạc, anh ta trình diễn stand-up comedy. Anh ta tự lấy chính khiếm khuyết của mình để tạo ra những câu chuyện hài hước.
    https://www.youtube.com/watch?v=1ERf6cUa_1k
    Mình thấy rằng hoàn cảnh như thế nào không quan trọng, quan trọng là thái độ trước hoàn cảnh, góc tiếp cận của bản thân về nó. Trong trường hợp này, chứng nói lắp, tưởng chừng như là một khiếm khuyết, một sự đáng xấu hổ lại biến thành công cụ mang lại tiếng cười cho mọi người. Góc tiếp cận khác biệt cũng chính là sự sáng tạo. Và sự sáng tạo luôn đáng giá.
    Mình cho rằng người ta sẽ muốn làm bạn với một người răng xanh tự tin hơn là người răng trắng tự phụ. Mình tự hỏi rằng nếu có ai đó nhìn thấy răng bluetooth của bạn và bật cười, rồi bạn cũng cười thật vui vẻ theo họ bảo rằng gã trọng tài gắt quá cho hàng tiền đạo ăn thẻ đỏ cả lượt thì mọi chuyện sẽ thế nào?

    Điểm thi sẽ được công bố sau. Chúc bạn sức khỏe và niềm vui trong cuộc sống.

    Thân mến,
    Vũ Thanh Hòa

    • Chào Hòa,
      Rất vui khi đọc được những dòng chia sẻ của bạn. Khi mình viết bài này và gửi đi, mình muốn làm một điều gì đó cho chính mình và nếu có thể giúp đc ai đó ngoài kia thì thật là may mắn. Mình đã cố gắng diễn tả cụ thể, chi tiết để mọi người hiểu được đầu đuôi câu chuyện, nhưng có lẽ mình đã hơi sa đà :D.
      Anh chàng trong video kia hay thiệt ha, nhất là đoạn GPS gì gì đó. Suy nghĩ này vượt lên trên hoàn cảnh một nghìn lần. Mình nghĩ phải cực kỳ lạc quan mới có được ý tưởng đó. Mình rất thích nó.
      Cảm ơn bạn đã chia sẻ với mình, đã edit bài giúp mình và đã chọn hình bông hoa trên kia. Mình rất thích 😀

Trả lời Piper Nguyen Hủy trả lời

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI