22.7 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[BDT2018] Ai hẹn với cái chết?

…Chiếc xe xoay mòng mòng lao xuống vực thẳm đang ngoác cái miệng đen ngòm như muốn nuốt chửng nó. Tiếng gió rít  ào ào bên tai, nó đang rơi, nó gào lên và đưa tay chơi vơi nắm lấy khoảng không vô định, cuộc sống sắp rời bỏ nó và chấm dứt.

Khôngggggggg… Nó bàng hoàng tỉnh giấc, thấy bóng đêm đang lặng lẽ nhìn nó cười khẩy. Cảm giác hoang mang sợ hãi khiến nó bần thần trước thực tại. Học nghành y, những cái chết của bệnh nhân trong mỗi đêm trực quá ám ảnh nó, cái chết luôn ám ảnh nó. Nặng nề đổ mình xuống giường, những hình ảnh của tua trực đêm qua dội về khiến nó chẳng thể ru tiếp được giấc ngủ .

Khoảng 3h sáng, tại C1 khoa cấp cứu tim mạch. Máy mo- ni- tơ theo dõi bệnh nhân uể oải vang lên những tiếng “Tít! Tít!” một cách đều đều khó nhọc. Còn thời gian thì đang bước từng bước lững thững qua căn phòng. 30 phút sau đó, trên C9 báo có một bệnh nhân vừa cấp cứu ngừng tuần hoàn, theo dõi chèn ép tim cấp, cần xuống C1 siêu âm tim. Lên C9 đón bệnh nhân, nó vẫn thấy nét hoảng hốt còn hằn trên gương mặt tím tái đang nhìn nó. “Mới 23 tuổi thôi, bạn ấy bằng tuổi mình mà.” Thế nhưng ở phía sâu trong lồng ngực kia, có một lượng dịch lớn đang ép vào quả tim, khiến cho nhịp đập rời rạc và không hiệu quả.

Lúc bạn ấy được đưa vào trong khu điều trị của C1, nó thấy một người đàn ông trung tuổi, áo quần xộc xệch, đi chân đất mà nó đoán là bố bệnh nhân, đang nhìn với theo đứa con, đôi mắt đỏ hoe đầy lo âu và thấp thỏm. Tự nhiên nó thấy cay cay sống mũi. Người bố ấy có thể mất đi đứa con trai của mình bất cứ lúc nào! Anh bác sỹ ra y lệnh cần nhanh chóng mổ giải phóng chèn ép tim tại giường. Chiếc dao mổ kéo dài một đường rạch chừng 3-4 cm trên ngực, một chiếc ống được đưa vào để dẫn lưu. Máu chảy qua ống, nhưng ngay sau đó, từ vết mổ dòng máu đỏ tươi ừng ực dâng lên lênh láng trên người bệnh nhân. Mới thấy lượng máu chèn ép tim nhiều thế nào. Bệnh nhân tiên lượng tử vong.

“Mới 23 tuổi thôi, bạn ấy còn quá trẻ!”

Nó đã trải qua những năm tháng tuổi thơ đầy cơ cực và nghèo khó. Nó học được từ mọi người và môi trường xung quanh rằng có thành công thì mới hạnh phúc mà thành công có nghĩa là giàu có. Với suy nghĩ này, ngay từ nhỏ, nó là một đứa hiếu thắng và luôn ganh đua. Nó lao đầu vào học hùng hục như điên dại. Nó không muốn ai chiếm vị trí đứng đầu của mình. Và từ đó, con rắn của sự đố kỵ và tham vọng lớn dần lên trong tim nó. Khiến nó trở nên cô độc trong cái thế giới mê muội của riêng  mình.

Cho đến một ngày cấp ba, một chuyện xảy ra đã khiến thế giới quan của nó hoàn toàn đảo ngược. Một người bạn trong lớp nó đã tự tử chỉ vì không được vào top 8 người tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Mọi người bàng hoàng, nó cũng bàng hoàng vì cái chết của người bạn đó. Những cuộc ganh đua điên cuồng này, đâu đem đến cho người ta hạnh phúc chứ! Chỉ còn đớn đau do cái chết cứa lên tim của những người ở lại! Nó ghét cái chết và bắt đầu tự hỏi đâu mới là điều thực sự quan trọng với mình trong cuộc sống này?

“Mới 17 tuổi thôi, bạn ấy còn quá trẻ!”

Tiếng đồng hồ nhích  từng bước “Cạnh! Cạnh!” quanh cái trục tròn xoe, kéo nó về với màn đêm thực tại trước mắt. Thật nực cười khi một thằng nhóc mới có 23 tuổi đầu như nó, đang nằm thu lu trên giường, lại bận tâm về cái chết. Nhưng biết làm sao được, khi mà cái chết chẳng có cái hẹn nào với ai cả, không ai được báo trước và nó có thể đến vào bất kì thời điểm nào. Ai cũng biết cuộc sống này là hữu hạn, và có một ngày mình phải chết. Nhưng sự thật thì không ai tin điều đó cả, vì nếu tin thì chúng ta đã sống theo một cách khác. Chúng ta sẽ không phung phí phần lớn thời gian của cuộc đời để theo đuổi những giá trị bề ngoài hào nhoáng nhưng hời hợt. Vì hầu như tất cả những danh vọng, giàu sang, địa vị và kể cả nỗi sợ hãi thất bại…, tất cả những điều ấy sẽ tan biến trước cái chết, chỉ để lại những thứ thực sự quan trọng là gia đình, là tri kỷ, là những điều thực tâm ta muốn làm trong đời.

Chắc hẳn hiện tại, ai đó trong chúng ta ngoài kia đang phải đối mặt với những lo toan bộn bề cuộc sống, nhưng ta biết ta đang hy sinh, và cố gắng vì điều gì. Hay ai đó đang phải trải qua nỗi đau của sự chia ly với trái tim tan vụn vỡ, hãy bình tâm và cho mình thời gian để gom ghép từng mảnh lại. Đôi lúc bạn có thể phát điên lên vì cái cách mọi chuyện diễn ra. Bạn có chửi thề và nguyền rủa số phận, nhưng cuối cùng bạn vẫn phải ra đi. Một cách đơn giản hóa, cuộc sống sẽ là một hành trình để đến một kết cục thanh thản. Ấy thế nhưng cuộc sống thật bất công và khắc nghiệt làm sao, bởi cái chết có thể đến với ta ngay chính lúc ta tìm thấy niềm tin yêu vào cuộc đời. Thôi đành vậy!!! Ta phải biết trân trọng hiện tại với những gì ta đang có và sống phải ra sống, chứ không chỉ là tồn tại hắt hiu qua ngày.

Nó mập mờ thấy mình lao ra khỏi nhà trong chiếc ô- tô với sự hân hoan. Nó phóng xe trên sườn núi cao lộng gió. Rồi tại góc cua, nó lơ đãng ngắm nhìn đàn chim đang tíu tít bay trong ánh ban mai. Rầmmmmm, chiếc xe tải đi ngược chiều hung hãn lao vào nó. Nó mất kiểm soát. Và chiếc xe xoay mòng mòng lao xuống vực thẳm…

Tác giả: Hieu

*Featured Image: MoiraKaram 

 

 

 

spot_img

BÀI LIÊN QUAN

6 BÌNH LUẬN

  1. Chào bạn Hiếu, cảm ơn bạn đã tham gia cuộc thi. Bài viết của bạn tôi thấy vẫn chưa đặc sắc lắm. Nói cho ngắn gọn thì theo tôi bài này sẽ không nằm trong top 3. Nếu bạn thật sự có thích thú với viết lách và ngôn ngữ thì bạn cần đọc nhiều, trau dồi và sáng tạo nhiều hơn nữa. Vẫn còn thấy trong bài viết sự thiếu gãy gọn trong câu từ; gãy gọn xúc tích không dư thừa là một yếu tố dễ thấy nhất để đánh giá trình độ một tác giả.

    • “khi mà cái chết chẳng có cái hẹn nào với ai cả” -> Sửa lại thành: khi cái chết chẳng có hẹn với ai
    • “vì cái cách mọi chuyện diễn ra” -> Sửa lại thành: vì cách mọi chuyện diễn ra
    • “trong cái thế giới” -> Sửa lại thành: trong thế giới
    • Tạm thời chỉ thấy được những chỗ này cần sửa

    Cái chết là một chủ đề rộng lớn, tưởng dễ đề cập nhưng thật ra chưa chắc. Nói cho sâu hơn thì cái chết nhiều khi cũng là một món quà. Không biết bạn có phải là một người có niềm tin vào tâm linh hay không, tôi thì có. Đối với nhiều người có niềm tin tôn giáo thì cái chết chỉ là một sự kiện hồn lìa khỏi xác. Vấn đề quan trọng là sau khi lìa khỏi xác thì linh hồn đó sẽ đi về đâu.

    Nhận xét đã đủ dài, có lẽ bạn cũng không muốn biết tôi chấm mấy điểm, sau cuộc thi thì biết luôn nhé.

    • Cảm ơn anh Hoàng vì những góp ý trên giúp e nhận ra những lỗi khi viết lách. 😀

      Điều e mong muốn khi tham gia cuộc thi là trải nghiệm và học hỏi những điều mới từ mọi người. 😀

      Anh cho rằng cái chết nói sâu hơn là một món quà. Tại sao thế ạ ? phải chăng ý anh cái chết giống như 1 sự giải thoát? Tại sao việc linh hồn sẽ đi về đâu lại quan trọng, chứ không phải cuộc sống hiện tại? Nhận thức của 1 người có hay không còn sau cái chết, đối với những người có niềm tin vào tôn giáo quan điểm của họ là gì về điều này ạ ?

      Nhìn bức ảnh của anh ở trên, e thấy 1 người đang thiền, đó có phải điều anh rất quan tâm? anh theo đạo Phật ạ ? anh có thể chia sẻ thêm những trải nghiệm của mình về thiền ?

  2. Chào Hieu nhé,

    Cảm ơn bạn đã gửi bài dự thi về THĐP. Mình có đôi lời nhận xét như sau:

    1. Bạn kể câu chuyện về sự thức tỉnh của nhân vật thông qua việc chứng kiến những cái chết của người xung quanh và của chính mình. Có điểm đầu điểm cuối trùng nhau tạo cảm giác như toàn bộ câu chuyện là một giấc mơ không hồi kết. Không biết bạn có ẩn nội dung gì trong cách kể chuyện này không?
    2. Bạn để cho nhân vật “nó” chứng kiến cái chết của người khác và trực tiếp đi vào trong cái chết của bản thân để sau đó rút ra những bài học, sự chiêm nghiệm về giá trị của cuộc sống. Mình thấy đây là một ý tưởng rất tốt. Tuy nhiên, mình cho rằng bạn triển khai ý tưởng đó chưa thật sự thuyết phục. Việc trực tiếp trải nghiệm cái chết bao giờ cũng chấn động hơn việc nhìn nó từ bên ngoài, trong khi bài viết của bạn mô tả cái chết của người khác nhiều hơn so với của nhân vật chính. Mình đã từng có 2 lần trải nghiệm cận tử, nó thật sự rất choáng ngợp, kinh hoàng. Nếu bài thi của bạn đảo lại mức độ ưu tiên mô tả, hoặc đơn giản chỉ cần mô tả kỹ hơn về trải nghiệm sắp chết của nhân vật “nó” thì mình sẽ đánh giá bài của bạn ở một mức khác cao hơn bây giờ.
    3. Bài của bạn có điểm khác biệt so với các thí sinh khác đó là bạn dùng ngôi kể thứ ba, nhìn sự việc ở một góc tách biệt. Tuy nhiên, mình cho rằng nếu bạn để ngôi thứ nhất là “tôi” thì sẽ tối ưu hơn vì một trải nghiệm trực tiếp (đặc biệt trong trường hợp này là cái chết) khi được miêu tả dưới góc độ chủ quan sẽ tạo cảm giác mãnh liệt hơn là góc khách quan. Người ta đọc bài được kể bằng ngôi “tôi” sẽ tự khắc nhập mình vào nhân vật nên sẽ có được cảm nhận sâu sắc hơn là nhìn từ bên ngoài.

    Điểm thi sẽ được công bố sau. Chúc bạn sức khỏe và niềm vui trong cuộc sống.

    Thân mến,
    Vũ Thanh Hòa

    • Cảm ơn Hòa vì những nhận xét phản hồi của cậu 😀
      Cậu thắc mắc về cách mở đầu và kết thúc trùng nhau, cậu nghĩ mình nên đi sâu vào mô tả cái chết của nhân vật chính nhiều hơn và nên thay ngôi kể thứ 3 bằng ngôi thứ nhất 😀 . Mình cũng muốn thế lắm, nhưng..
      Trải nghiệm cái chết là 1 trải nghiệm rất khó để diễn tả, nhất là tớ chưa từng trải qua điều đó, tất nhiên 😀 . Không biết cậu đã đọc cuốn ” How we die” của Sherwin B. Nuland chưa, những trải nghiệm gián tiếp về cái chết mà tác giả mô tả cũng rất khó nắm bắt.
      Cách viết đầu cuối nối nhau nhằm gợi lên sự lòng vòng luẩn cuốn của trải nghiệm chết, nó ám ảnh và mơ hồ.

      Cậu có nhắc về 2 trải nghiệm cận tử của bản thân, có thể chia sẻ với t được ko ???

      • Cảm ơn Hiếu đã trả lời câu hỏi của Hòa nhé. Còn về trải nghiệm cận tử của tớ, nếu Hiếu muốn nghe thì tớ sẽ kể riêng với cậu. Nó hơi cá nhân một chút. 🙂

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI