19.3 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Đối diện với sự thật

Tony Montana là một nhân vật do Al Pacino thủ vai trong Scarface, bộ phim kinh điển của Mỹ nói về tội phạm ma túy. Hắn vốn là một tên du đãng mạt hạng đã từng ở tù tại Cuba.

Năm 1980, chính quyền Fidel Castro sau một thời gian cầm quyền đã khiến cho nền kinh tế Cuba ngày càng kiệt quệ, yếu kém dẫn đến sự bùng nổ làn sóng người dân Cuba bỏ trốn khỏi đất nước. Nhiều người đã đột nhập vào các tòa đại sứ các nước để xin tị nạn. Tháng Tư năm đó, Fidel Castro đã tuyên bố mở cảng Mariel để cho bất kì ai muốn ra khỏi đất nước đều được toại nguyện với điều kiện phải có người đến rước họ. Khoảng 125.000 người dân Cuba đã rời quê hương đến Florida, Hoa Kì cho đến khi cuộc di tản kết thúc vào tháng Mười năm 1980. Phía Hoa Kì phát hiện trong những người tị nạn có một số thành phần là tội phạm được thả từ các nhà tù và bệnh nhân trong các bệnh viện tâm thần ở Cuba. Tony Montana là một trong số đó.

Sau khi bị nghi ngờ về lai lịch là dân anh chị của mình, hắn bị giữ lại ở trại tập trung và đứng trước nguy cơ bị trục xuất. Nhưng sau đó hắn nhận được một lời đề nghị từ một tổ chức ở bên ngoài sẽ lo cho hắn có thẻ xanh với điều kiện phải giúp họ giết một người trong trại đã từng là gián điệp cho Fidel Castro để trả thù riêng. Nhiệm vụ thành công, Tony trở thành công dân Mỹ.

Với bản tính cộc cằn và sự tàn bạo, ngang ngược, bất chấp của mình, Tony đã triệt hạ nhiều đối thủ trong giới giang hồ và nhanh chóng tiến thân trở thành thủ lĩnh một đường dây buôn bán cocaine, sở hữu một cơ ngơi rộng lớn, nguy nga như cung điện hoàng đế, có tất cả mọi thứ mà người đời ao ước. Tuy vậy, vì có nhiều kẻ thù, hắn luôn phải hao tâm tổn trí lo liệu làm sao để bảo đảm cho sự an toàn của chính mình trong chính cái cơ đồ ấy. Song song đó là cuộc sống hôn nhân không mấy êm đẹp với cô vợ mỹ miều. Lại thêm người em gái mà hắn yêu thương bắt đầu đổ đốn và hư hỏng vì được nuông chiều từ khi sự nghiệp của hắn phất lên như diều gặp gió, khiến cho mẹ hắn vô cùng suy sụp.

Vậy là cùng với sự “thành công” và dư dật của Tony là phiền muộn và nỗi bất an vẫn giăng đầy tâm trí của hắn cùng những trăn trở không ngừng về hạnh phúc đích thực. Dần dần, Tony bắt đầu nhìn thấy rõ hơn cái giá mà mình phải trả cho sự nghiệp kiếm tiền bất chính và trên tất cả, hắn bắt đầu nhìn nhận về con người mình một cách thấu đáo hơn.

Có một đoạn thoại trong phim thật sự rất giá trị vì nó khiến cho tất cả chúng ta phải giật mình thậm chí là phải cúi đầu hổ thẹn. Đó là đoạn Tony cãi nhau với vợ tại một nhà hàng sang trọng. Sau khi vợ hắn bỏ đi, hắn bắt đầu khập khiễng đứng dậy trong hơi men và sỉ vả các thực khách:

“Các người đang nhìn cái gì? Tất cả các người là một lũ khốn bởi vì các người không dám trở thành con người như mình muốn. Các người cần những người như tôi. Các người cần những người như tôi để chỉ những ngón tay thối tha của các người và bảo “Đó là người xấu.” Làm như thế các người sẽ trở thành gì? Tốt ư? Không. Các người không tốt. Chỉ là các người biết cách che giấu. Còn tôi, tôi không gặp phải vấn đề đó. Tôi luôn luôn chân thật, ngay cả khi tôi nói dối.”

Đoạn thoại trên như một diễn ngôn khái quát ngắn gọn cho chúng ta về bản chất của con người, phần chìm và phần nổi. Mặc dù chúng ta thấy rõ rằng Tony chỉ đang nhân danh sống thật để bao biện cho tội ác của mình nhưng ở đây, diễn ngôn này phô bày cho chúng ta một thứ quan trọng hơn cả, đó là sự thật, một sự thật mang tính toàn diện. Mỗi con người dưới áp lực của các chuẩn mực xã hội và các giáo điều, luôn luôn che giấu đi, áp chế đi một phần nào đó nhân cách của chính mình. Ngay cả Tony trong hoàn cảnh này cũng chưa hẳn đã chấp nhận toàn bộ sự thật về con người của mình. Khi khẳng định mình là một “bad guy”, hắn che dấu bên trong mình một cái tôi khác, một cái tôi không ngừng đòi hỏi hạnh phúc và ao ước một cuộc sống bình yên mà chỉ những người thật sự lương thiện mới có được.

Chúng ta cũng vậy, đương nhiên là trong trường hợp chúng ta khẳng định mình hoàn toàn lương thiện, thì bên trong chúng ta là những mặt tối khác mà ta không dễ gì phô bày ra ngoài hoặc cố chối bỏ nó đi, tuy nhiên, nó vẫn cứ tồn tại. Đó là những bức bối có thể dẫn đến bạo lực hoặc những ẩn ức của ham muốn tình dục. Bạo lực và tình dục là hai thứ mà nếu xã hội chấp nhận buông thả nó, thế giới văn minh con người có thể sụp đổ, song nó cũng là hai luồng sung năng mãnh liệt nhất luôn thúc đẩy con người. Bên cạnh đó còn có ham muốn hưởng thụ. Chúng thôi thúc con người luôn tìm cách tiến lên trong  hành trình sống để tồn tại. Tuy nhiên, chúng chỉ có thể đẩy chúng ta lao về phía trước mà không thể lèo lái chúng ta đi đúng hướng, đến nơi cần phải đến. Để thực hiện điều đó, chúng ta cần đến cái gọi là lương tâm. Giáo dục chính là tiến trình giúp cho lương tâm của mỗi con người trỗi dậy để kiểm soát bản ngã.

Nhân vật Tony Montana ở trên lại cho chúng ta thấy trường hợp đối lập khi con người không được giáo dục hoặc giáo dục sai lầm dẫn đến bị bản ngã của mình kiểm soát ngược lại. Họ sẽ hành động ngông cuồng và gây hại cho đồng loại. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa rằng lương tâm của họ đã chết mà nó chỉ bị đè nén, bị cầm giữ, nếu có một biến cố nào đó có thể làm cho lương tâm của một “bad guy” trỗi dậy, nó có thể vô cùng mãnh liệt.

Bản ngã là thứ có thể đánh đồng con người với súc vật, nó là nguồn gốc phát sinh của mọi tội lỗi, mọi hành vi xấu làm suy đồi và rối loạn xã hội. Tuy nhiên nó cũng chiếm giữ một vai trò tối quan trọng trong sự sinh tồn. Vì thế con người ta chỉ có thể tiết chế nó chứ không thể tiêu diệt hoàn toàn. Dù gì người ta cũng cần ăn để sống, cần tình dục để duy trì nòi giống, cần phải phản kháng để chống lại cái xấu, bảo vệ bản thân, cần phải phấn đấu để làm thăng tiến bản thân trong đời sống. Đó chính là những lý do khiến bản ngã như là một thứ gì đó được Thượng Đế mặc định trong mỗi con người. Và như thế, hạnh phúc của con người là một hành trình mà trong đó, họ liên tục đấu tranh với chính mình sao cho cái bản ngã ấy luôn hoạt động trong tầm kiểm soát, thứ gì vượt ra ngoài mức độ cho phép sẽ phát sinh tội lỗi.

Cũng như bất cứ một cuộc chiến nào đang diễn ra trên mặt địa cầu cần phải được nhìn nhận toàn bộ cục diện để tìm kiếm một chiến lược hoàn hảo, con người khi muốn kiểm soát được bản ngã cũng phải trải qua hành trình khám phá chính mình để nhận thức một cách đúng đắn về tình trạng của bản thân.

Phật Giáo nêu ra ba tính xấu là cái gốc phát sinh mọi tội lỗi và đầu độc tâm hồn, đó là tham, sân, si. Công Giáo thì cho rằng con người có bảy tội lỗi: Tham lam, kiêu căng, lười biếng, tham ăn, dâm ô, nóng giận, ganh tỵ. Và mỗi tôn giáo đều khuyên tín đồ của mình siêng năng thiền định, tĩnh tâm, cầu nguyện,… Đó là những phương pháp để nhìn nhận lại bản thân một cách chân thật nhất, toàn diện nhất xem mình đã trừ được bao nhiêu và vẫn còn vướng phải bao nhiêu tính xấu trong đó. Khi thực hành những phương pháp ấy, chúng ta học cách đối diện với toàn bộ sự thật về bản thân, không chối bỏ, không che dấu.

Con người không ai có thể tránh khỏi tội lỗi nhưng quan trọng không phải là có tội hay không mà là biết tội hay không. Vô minh có thể được hiểu là tình trạng con người không thể nhận biết đúng sai, không biết cái gì là có hại, cái gì có lợi. Không nhìn ra được vị trí mà mình đang đứng, đó là một sự lạc lối đúng nghĩa.

“Hỡi con người, hãy tự biết mình.” – Socrates

Học cách sống nội tâm sẽ giúp chúng ta nhìn vào những góc khuất trong con người của mình, cả những góc khuất nơi chúng ta đang giam cầm con thú dữ mà mình không thể đánh bại. Một vài phút tĩnh lặng mỗi ngày sẽ như là một cách chúng ta thăm chừng, ve vuốt con thú dữ ấy để dần dần cảm hóa nó. Bên cạnh đó, nó còn giúp chúng ta nhìn nhận lỗi lầm của người khác một cách vị tha hơn, biết cảm thông hơn. Chúng ta không lên án đồng loại một cách vô thức nhằm nâng cao bản thân, tránh một lối sống giả hình. Khi biết nhìn nhận bản thân, chúng ta nhận ra sự bình đẳng của mọi con người bằng cách trước tiên nhìn vào sự yếu đuối của chính mình. Có một linh hồn chung liên kết toàn nhân loại, ở đó, mọi người đều như chúng ta đang loay hoay với việc tự hoàn thiện chính mình.

Lý thuyết này không những đúng trong phạm vi con người mà nó còn đúng ở phạm vi lớn hơn là tổ chức, cộng đồng hay quốc gia. Nó giúp duy trì và bảo toàn công lý không thiên lệch. Ở đâu mà con người được tiếp cận với sự thật một cách đầy đủ nhất có thể, ở đó có phát triển.

Bạn không nên chần chừ nữa, hãy tập đối diện với sự thật ngay từ hôm nay.

Tác giả: Nguyễn Tài

*Featured Image: geralt
spot_img

BÀI LIÊN QUAN

4 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI