16.6 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[THĐP Translation] Đường về nô lệ trong thời đại số

Ngôi nhà của Tự do vốn được chống đỡ trên mặt đất, nơi kết cấu là hiến pháp và ngoại thất là những điều luật của nó dễ dàng được quan sát. Nhưng nếu nền móng nằm sâu bên dưới của nó – là sự trân trọng, trông đợi, và sự thực hiện tự do, tự chủ và tự quyết của cá nhân – bắt đầu mục ruỗng, ngôi nhà ấy sẽ sụp đổ. Trong khi những tranh đấu về pháp lý và chính trị diễn ra trên bề mặt, nền tảng của tự do cũng đang bị cuốn trôi.

Đặc biệt với những thế hệ gần đây: Họ dắt díu theo mình những thế hệ đi trước, hối hả chạy đua trên con đường kỹ thuật số để đánh đổi quyền lực, tự do và sự riêng tư của bản thân vì những sự mô phỏng thảm hại của danh tiếng, những phương tiện giả mạo của sự thân cận và kết nối mà thật ra lại nuôi dưỡng sự xa cách và cô lập, những thứ tưởng như đơn giản hóa nhưng lại sản sinh ra sự phức tạp vô nghĩa, những tiện nghi đòi hỏi sự khuất phục và ăn mòn các kỹ năng, và một sự lệ thuộc ngày càng nghiêm trọng vào các tập đoàn khổng lồ không hề có sự thôi thúc nào để gìn giữ quyền lợi và lợi ích của một ai ngoại trừ của bản thân chúng.

Nhịp độ phát triển mãnh liệt và trên một quy mô hàng loạt, liên quan đến hầu hết dân số. Dù cho những người có suy nghĩ thấu đáo hơn trong số họ tiến hành những cuộc thập tự chinh chống lại “các đại tập đoàn”, người ta vẫn gửi gắm những cổ phần và hồ sơ tài chính, hoạt động liên lạc, ảnh chụp, nhật ký, thư tình, công việc sinh lợi và dữ liệu y tế của mình lên một “đám mây”. Tức là họ ký thác cho những nông trại máy tính bao la thuộc về một vài công ty – những kẻ còn biết được họ ở đâu, họ mua gì, họ đọc gì, họ muốn gì, những hội nhóm của họ, ý kiến của họ, thời điểm và nơi chốn họ dự định sẽ tới, chưa kể những điều khác nữa.

Những con người cả tin này càng lúc càng nhận được thêm nhiều tin tức và thông tin vốn được chọn lựa để vừa vặn với những định kiến của họ, vì vậy chúng mang lại cho họ sự khoan khoái như một thứ ma túy và khiến họ trở nên dễ dàng thao túng như những con nghiện. Với sự trông cậy và sự chấp nhận đờ đẫn của đại chúng đối với hoạt động tập trung hóa thông tin ngày một phát triển, sự chuyển giao quyền lực to lớn nhất trong lịch sử loài người đã bắt đầu.

Và chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi những làn sóng của sự thụ động đầu tiên đã ập đến với chúng ta. Bất kể bạn không biết đọc một tấm bản đồ, nấu một con gà, lái một chiếc xe – những điều này và hàng nghìn điều khác sẽ được thực hiện cho bạn bởi các ứng dụng của bạn hoặc bởi những người khác trong “nền kinh tế gig”. Các công cụ kiểm tra chính tả sẽ sửa lỗi chính tả cho bạn (thường rất ngu xuẩn), các công cụ kiểm tra ngữ pháp sẽ sửa lỗi ngữ pháp cho bạn (thường là sai). Chữ viết tay biến mất, rồi cả mọi dạng văn bản soạn thảo bằng tay, và chẳng mấy chốc phần mềm nhận diện giọng nói sẽ khiến bàn phím trở nên lỗi thời, trong khi đôi tay bạn dần dần mất đi sự khéo léo của chúng.

Mới đây ở ga xe điện ngầm New York, mọi người trên cùng toa xe (ngoại trừ tôi) đều cắm cúi vào một chiếc smartphone. Trên đường phố, tôi đã thực hiện thống kê không chính thức. Gần một nửa số người trông như những zombie hay những bệnh nhân tâm thần đang nói chuyện với chính mình trong lúc dán mắt vào màn hình điện thoại. Nếu bạn không tránh sang bên, họ sẽ đâm sầm vào bạn.

Google, Amazon, và Apple – 3 chi nhánh tương lai của chính phủ (Facebook thì đã trở thành một giáo phái) – đã đưa ra thị trường những thiết bị được kết nối với những dãy máy tính trung tâm của họ và 24 giờ mỗi ngày lắng nghe mọi âm thanh trong ngôi nhà. Cứ như thể dù họ lắng nghe để được thức tỉnh, nhưng họ chỉ lắng nghe khi bạn đánh thức họ mà thôi. Các email của bạn được máy đọc để cho các quảng cáo dành cho bạn được hoàn toàn phù hợp, nhưng Alexa và các chị em của nó sẽ chẳng bao giờ nghe lỏm đâu. Điều này chúng ta biết, bởi vì lịch sử đã dạy chúng ta rằng các chính phủ và các tập đoàn chưa bao giờ trải qua những cám dỗ như vậy cả.

Có quá nhiều ví dụ về sự xâm nhập và bao bọc đầy áp lực từ mọi mặt – giống như nước ùa vào trong một chiếc tàu ngầm trúng đạn – và chúng quá phổ biến với mọi người, nên chỉ xin trích dẫn lời chúc phúc từ tờ Wall Street Journal khi nhắc đến riêng Amazon:

Quái vật leviathan này đã và đang (…) gây dựng những lối xâm nhập mới bên trong gia đình và tổ ấm của bạn.

* * *

Tính đến nay, đã nổi lên những thế hệ không chỉ cam chịu sự lập trình và định hướng – tuân theo những thói quen một cách trung thành như những con chim bồ câu mổ hạt ngô – họ còn hăng hái tìm kiếm những phiên bản đầy rẫy trong đó, coi chúng như những đức hạnh và chiến thắng, và tự hào khi phó thác lòng tin vào những kẻ ẩn danh khác đang nhử họ bằng sự hứa hẹn giúp giảm bớt công việc, nỗ lực, truy vấn, trách nhiệm, và hành động.

Trên những quy mô lớn và nhỏ, họ làm điều này tuân theo nhịp độ hào nhoáng của công nghệ và đầu hàng trước nó bằng cách buông bỏ giáo dục, chính trị, nhân văn, và – quan trọng hơn hết – chính cá nhân. Đó là chưa kể đến chuyện gì sẽ xảy ra nếu như xứ sở kỹ thuật số không tưởng mới khám phá của chúng ta phải hứng chịu 2 hay 3 vụ nổ hạt nhân được tính toán vị trí kỹ lưỡng, tạo ra một đợt xung điện từ (EMP) lan tỏa từ bờ này tới bờ kia nước Mỹ. Kể từ sự kiện Jamestown, chưa bao giờ sự nghiệp lộng lẫy của chúng ta ở Tân Thế giới lại có thể dễ dàng bị xóa bỏ đến thế.

Giống như các nhân vật phản diện trong những bộ phim hành động dở tệ luôn chạy ra rồi dừng lại để lĩnh đạn, cư dân của những đất nước phát triển cắm đầu lao vào sự nô dịch xa xỉ trong khi vẫn phản đối những xâm phạm quyền riêng tư mà họ rước lấy và sự bất bình đẳng mà họ coi nhẹ – đó đều là những hậu quả hiển nhiên của việc phân nhượng bừa bãi những năng lực của người này cho người khác. Người ta có thể nghi ngờ rằng lối sống đang lan tỏa nhanh chóng này sẽ hòa trộn hoàn hảo với bất kỳ triết lý chính trị nào đòi hỏi sự hợp tác sâu sắc, sự định hướng từ trung ương, và sự phục tùng của công chúng. Và nghi ngờ ấy có thể sẽ đúng.

Khi những thành phố trên khắp thế giới tiếp nhận dòng chảy dân số nông thôn đổ vào, nhu cầu về sự hợp tác và phối hợp trong những không gian chật chội tạo nên một âm hưởng chủ đạo cho toàn bộ các quốc gia. Chúng ta chứng kiến điều này trong sự cách biệt giữa các thành phố của Đảng Dân chủ (cũng như các khu ngoại ô đông đúc) và các địa hạt thưa dân hơn của Đảng Cộng hòa.

Ngoại trừ thực tế rằng người trẻ tuổi khắp mọi nơi đang “bị đô thị hóa” bởi những xa lộ kỹ thuật số ngày càng hiệu quả, những dự đoán về tương lai chính trị chủ yếu dựa trên chủ nghĩa địa phương và số liệu nhân khẩu truyền thống sẽ kém chính xác hơn nhiều so với những dự đoán biết chú trọng nhiều nhất đến sự đô thị hóa. Mật độ dân cư đô thị vẫn luôn có ảnh hưởng không cân xứng đến những định hướng kinh tế, xã hội và chính trị, nhưng quyền lực đó đang gia tăng theo những cấp độ khuếch đại khi mà sự tiếp cận được công nghệ đáp ứng và sự buông bỏ quyền tự chủ đang từ từ nhuộm màu xanh của Đảng Dân chủ tới cả những miền xa xôi hẻo lánh.

Nói tóm lại, đội hình chiến đấu mà những máy móc triển khai đang trên đà thắng lợi. Lý do không phải bởi vì chúng ta đang chống lại nó trong một trận chiến tất bại ở một tương lai phản không tưởng (dystopia), mà bởi vì trong hiện tại chúng ta đang tự đầu hàng với tốc độ và say mê mà mới đây không lâu vẫn còn là bất khả thi và bất khả lý giải. Và cứ với mỗi cuộc phản kháng đối với con đường nô lệ kiểu mới này, sẽ lại có cả triệu lời biện minh tự mâu thuẫn dành cho những thứ xa xỉ mang tính chất gây nghiện của nó.

Tác giả: Mark Helprin

Người dịch: Dương Tùng

 

*Featured Image: Free-Photos
spot_img

BÀI LIÊN QUAN

2 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI