18.7 C
Da Lat
Thứ Bảy, 20 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Thành cha thành mẹ thì dễ, làm cha làm mẹ mới khó

Khi tôi thấy người ta cưới vợ lấy chồng, tôi giật mình nhận ra: “Có quá nhiều cặp vợ chồng chưa đủ khả năng làm cha làm mẹ” Thành vợ thành chồng thì dễ, làm vợ làm chồng mới khó. Thành cha thành mẹ thì dễ, làm cha làm mẹ mới khó. Để trở thành một người cha, người mẹ, chúng ta chỉ cần đủ tuổi sinh đẻ, nhưng để là người cha, người mẹ đúng nghĩa chúng ta cần quá nhiều, quá nhiều điều để làm được điều đó.

Trước tiên, làm cha mẹ là trở thành người thầy, người cô

Ở đời, người ta muốn trở thành thầy cô giáo, ít nhất phải mài đít trên ghế nhà trường 16 năm. 16 năm không phải là dài đối với một đời người, nhưng nó cũng không phải ngắn so với cuộc sống vô định của chúng ta. Làm công việc giáo dục ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của rất nhiều thế hệ học sinh, vì thế xã hội bắt buộc những ai muốn trở thành người giáo dục, phải là người có kiến thức chuyên môn và trình độ sư phạm. Ấy thế mà, có quá nhiều bậc cha mẹ thiếu đi kiến thức sư phạm khi lập gia đình.

Làm cha làm mẹ khó lắm, vì chúng ta không chỉ chăm sóc con cái về thể xác, mà còn cả về tinh thần. Thầy cô giáo ở trường học, họ chỉ có thể truyền đạt kiến thức hàn lâm và có ảnh hưởng về sự hình thành nhân cách một mức nào đó lên con cái ta. Còn cha mẹ lại truyền đạt sự hiểu biết và gây ảnh hưởng lên nhân cách con cái hầu như suốt cuộc đời.

Tôi tự hỏi tại sao người ta không có những khoá học dạy cho các cặp vợ chồng cách làm cha làm mẹ? Tại sao chúng ta không có những bài kiểm tra, để bất kỳ ai muốn sinh con đều phải vượt qua thì mới chấp nhận cho làm cha làm mẹ?

Tôi muốn nói với các bạn rằng làm cha làm mẹ đó là cả một nghệ thuật, nghệ thuật dạy dỗ và nuôi con cái nên người. Khó lắm nhưng vì tình yêu vô bờ bến chúng ta dành cho con cái, xin hãy học hỏi để trở thành một người sư phạm đích thực trước khi làm cha làm mẹ.

Thứ hai, làm cha làm mẹ là trở thành người bạn của con cái mình

Có quá nhiều người không hiểu rằng làm cha mẹ không phải là một thành quả, mà là đặc ân.

Nếu hiểu con cái như một thành quả của sự nuôi nấng, bao bọc và dạy dỗ từ chúng ta thì chúng ta dễ có khuynh hướng hưởng thụ thành quả đó của chính mình. Ép buộc chúng chọn vợ chọn chồng, ép buộc chúng chọn nghề nghiệp, ép buộc chúng sống theo cách của mình. Phần lớn các bậc làm cha làm mẹ trong xã hội Việt Nam đang làm như thế, và điều này khiến con cái, cháu chắt của mình không bao giờ được sống cuộc đời của chúng.

Nhưng hiểu con cái như một đặc ân của tình yêu vợ chồng, chúng ta sẽ biết lắng nghe, và tôn trọng chúng. Thái độ lắng nghe và tôn trọng chỉ có trong mối quan hệ bạn bè thân thiết. Mà thật sự trong phương pháp giáo dục con cái, cha mẹ coi con cái như một người bạn, họ sẽ khám phá được rất nhiều điều thú vị nơi chính họ và những đứa trẻ.

Làm người bạn để lắng nghe con cái mình. Khi lắng nghe, bạn sẽ biết nhiều điều về con cái bạn hơn khi bạn ép buộc chúng vâng lời. Bạn sẽ biết về tính cách, khuynh hướng sống cũng như khả năng của chúng, các ưu và khuyết điểm của chúng trong nhận thức, tính tình, để từ đó bạn sẽ biết hướng dẫn cho chúng con đường tương lai dễ dàng và tốt đẹp hơn.

Làm một người bạn để biết cách tôn trọng các quyết định của con cái khi chúng trưởng thành. Bạn bè thật sự sẽ tôn trọng ý kiến của nhau và luôn ủng hộ dù đó là sự khác biệt về quan điểm. Tôn trọng không có nghĩa là thờ ơ với những sai trái mà con cái chúng ta vấp phạm. Thật khó đúng không? Làm sao có thể trở thành bạn của con cái, như vậy sẽ không còn tôn tư trật tự gì trong gia đình ư? Và tệ hơn là làm sao có thể để con cái gọi mình là bạn được trong khi mình là cha, là mẹ chúng?

Nhận thức của chúng ta đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi tư tưởng Khổng Giáo, nên gia đình Việt Nam khó có thể chấp nhận được sự bình đẳng này trong quan hệ cha mẹ và con cái. Tôi không hề biến mối quan hệ cha mẹ con cái thành bạn bè giống như bạn bè cùng trang lứa, tôi đề cập đến lối tư duy, cách suy nghĩ, lối hành động của cha mẹ dành cho con cái. Nên để cho con cái những khoảng trời riêng tư và tự do trong các quyết định tương lai như chọn vợ chọn chồng, chọn nghề nghiệp, dạy dỗ con cái của nó. Tôi biết điều này là khó trong nhận thức của xã hội Việt Nam, nhưng bởi vì nó khó nên tôi mới nói với các bạn: Làm cha mẹ thật khó, đâu phải chuyện đùa.

Cuối cùng, làm cha mẹ là trở thành người “hàng xóm”

Trong mối quan hệ gia đình, phần lớn chúng ta luôn muốn kiểm soát cuộc sống con cái mình, kiểm soát đến hởi thở cuối cùng. Có quá nhiều câu chuyện, nhiều trường hợp cha mẹ kiểm soát cuộc sống gia đình của con cái. Từ việc ở chung hay ở riêng tới việc chăm sóc dạy dỗ cháu chắt, từ việc định hình cách sống của con dâu tới việc kiểm soát tiền lương của con trai. Điều này dẫn đến nhiều câu chuyện đau buồn giữa mẹ chồng nàng dâu và cũng là nguyên nhân khiến hạnh phúc của con cái tan vỡ. Hãy thôi kiểm soát con cái, thay vào đó hãy biến gia đình nhỏ bé nhưng máu thịt kia của mình thành một mối quan hệ “hàng xóm”.

Tôi đặt chữ “hàng xóm” trong ngoặc kép để phân biệt với mối quan hệ hàng xóm bình thường, nhưng vẫn muốn níu giữ lại những tinh tuý mà mối quan hệ “tối lửa tắt đèn có nhau” trong truyền thống xã hội Việt Nam. Đã là hàng xóm thì không dủng dưng với nhau, không thờ ơ với nhau. Vui thì cùng chia sẻ, buồn gánh bớt cho nhau. Nhưng không can thiệp vào nội bộ của nhau, không soi mói nhau, và hơn hết là tôn trọng cuộc sống của từng gia đình. Đừng sợ khi xem gia đình nhỏ bé kia là hàng xóm, bởi chúng vẫn luôn luôn hiểu, nhớ và biết rằng chúng là con cái và chúng ta là cha mẹ – những bậc sinh thành đáng kính.

Tôi biết nhiều người có thể chấp nhận cha mẹ làm người thầy, người cô, miễn cưỡng lắm là người bạn, những thật khó chấp nhận là người “hàng xóm” với con cái mình, với cháu chắt của mình. Nhưng đó là nghệ thuật, mà nghệ thuật là cái gì đó đẹp đẽ nhưng tự do và cá biệt. Nghệ thuật chân chính đều hướng tới trạng thái hạnh phúc thật sự.

Tôi không hề mong muốn thiết lập lại mối quan hệ cha mẹ với con cái, tôi chỉ muốn quay về với đích đến thật sự của mối quan hệ này mà thôi. Mà đích đến của nó không phải là đại gia đình chúng ta hạnh phúc sao. Để đạt tới hạnh phúc, nguyên tắc thứ nhất và nguyên tắc cuối cùng đó là: Mọi người phải được sống cuộc sống của riêng mình trong tự do. Quá khó đúng không, bởi thế mà tôi đã viết: Làm cha mẹ thật khó chứ đâu phải chuyện đùa.

Thân.
Tác giả: Joseptuat

*Featured Image: edsavi30 

 

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI