20.3 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Những nhầm lẫn trong mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái

Trong tất cả các tình cảm giữa người với người, không có tình cảm nào giàu tính bao dung, vi tha và vô vị lợi như tình yêu cha mẹ dành con cái. Ngay cả tình yêu trai gái, là đề tài muôn thuở của văn chương, cũng không thể nào sánh được với tình yêu vô vị lợi này của các bậc làm cha làm mẹ.

“Công cha như núi thái sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.”

Thế nhưng, không phải đứa con nào cũng có phước đón nhận được tình cảm thiêng liêng và quý báu này của các bậc sinh thành. Có những đứa con ước gì chúng không được sinh ra, vì chúng đã không may được làm con của những bậc cha mẹ xấu xí. Có những đứa con lại thèm thuồng và ao ước được một lần đón nhận tình yêu của cha mẹ, vì họ chưa một lần biết đến mặt cha mẹ của mình từ lúc sinh ra. Còn phần lớn chúng ta sinh ra, ai cũng có cha mẹ, có sự chăm sóc yêu thương của họ. Chúng ta là những người may mắn, những đứa con có phúc.

Và hôm nay, tôi muốn viết cho những đứa con may mắn vì có cha mẹ. Bạn sẽ không tìm được ở đây một bản tình ca hùng tráng đầy lòng vi tha, bao dung của các bậc sinh thành, bởi tôi xin nhường lại người khác viết những lời ngợi ca, lòng biết ơn của con cái đối với cha mẹ. Còn trong bài này, tôi mạn phép viết về những điều chưa hẳn đẹp đẽ trong biển trời bao la cha mẹ dành cho con cái. Không phải để oán trách các bậc sinh thành hay kết án họ, mà để chúng ta cùng nhau hiểu hơn về họ, thông cảm cho họ và hơn hết là để chúng ta, những bậc cha mẹ tương lai không đi lại về xe đổ của cha mẹ mình.

Con cái là sở hữu của cha mẹ?

Một cái gì đó là sở hữu của một cái gì đó, thì thứ bị sở hữu không còn cái quyền đưa ra các quyết định. Quyết định thật sự thuộc về đối tượng được sở hữu.

Tôi sở hữu một chiếc xe máy, một mảnh đất, một con chó… nên tôi có quyền trên mọi thứ đó. Đối với những thứ vô tri, vô giác, quyền của tôi là hoàn toàn hợp lý. Vậy còn đối với con cái của tôi thì sao? Chúng có thật sự là một sở hữu của vợ chồng tôi?

Có lẽ trong những thứ liên hệ với cuộc sống của chúng ta, chẳng có gì phản ánh rõ ràng  thành quả của mình hơn ngoài con cái. Chúng được sinh ra bởi tôi, chúng đón nhận những đặc tính di truyền mà tôi có, chúng mang trong mình sự sống của tôi, và hơn nữa là chính vợ chồng tôi nuôi dưỡng nó nên chúng đương nhiên phải là sở hữu của cha mẹ chúng. Đối với phần lớn gia đình Việt Nam, quan niệm “con cái là sở hữu” của cha mẹ vẫn là một điều được chấp nhận.

Nhưng sự thật, con cái có phải là sở hữu của cha mẹ?

Không, chắc chắn con cái không phải là một cái gì đó để cha mẹ sở hữu như họ sở hữu một tài khoản ngân hàng, một ngôi nhà, hay một con chó. Mối quan hệ giữa con cái và cha mẹ không phải là giữa nô lệ và ông chủ, giữa kẻ làm thuê và người đi thuê, mà là mối quan hệ đặt trên giá trị sự thăng hoa của sự sống.

Tôi truyền cho con tôi sự sống, và nó là sự tiếp nối của một sự sống sẽ vụt tắt khi thần chết gõ cửa. Bạn sẽ không thể tìm được mối dây liên hệ nào như trên trong các vật sở hữu mà bạn có. Khi sở hữu là chúng ta đã tách rời mối dây liên hệ sự sống này ra khỏi bản thân, và biến thứ sở hữu thành một điều gì đó ngoại lai.

Sự thăng hoa, hay sự tiếp nối sự sống từ cha mẹ đến con cái là một sự liên kết vô hình nhưng có sự ràng buộc về trách nhiệm, nghĩa vụ và cả ý chí tự do. Nhưng dù sự không rõ ràng trong mối liên kết giữa cha mẹ và con cái, đây vẫn luôn là mối quan hệ được đặt trên tình yêu thương chứ không phải trên sự chiếm đoạt.

Con cái không phải là bản sao của cha mẹ và xã hội.

Cha mẹ nào cũng muốn điều tốt đẹp cho con cái mình, nhưng không phải ai cũng biết điều con cái họ cần là gì. Vì thế, cha mẹ thường áp đặt suy nghĩ, ý muốn, và các dự định của mình cho các con. Các ý muốn của cha mẹ, sự áp đặt của họ lên những đứa trẻ, thường được ngụy trang bởi thứ gọi là “tình yêu”. Ranh giới giữa tình yêu vô vị lợi và vị lợi mong manh chẳng khác nào sự mập mờ của một buổi hoàng hôn, không thể phân biệt khoảnh khắc nào là điểm kết thúc của ngày và sự bắt đầu của đêm. Các bậc cha mẹ đã vô tình biến con cái mình thành một bản sao của chính họ.

Một bản sao dù hoàn chỉnh và đẹp tới đâu thì vẫn là một bản sao, và không bao giờ có thể là bản gốc. Hay nói đơn giản, khi biến con cái thành một bản sao, cha mẹ đã vô tình lấy đi sự sống đích thực mà con cái họ cần vươn tới.

Nếu cha mẹ không có quyền áp đặt suy nghĩ, ý muốn của mình lên con cái, thì họ nên làm thế nào để dạy dỗ con cái đây? Lẽ nào ôm con bỏ chợ, hay là để cho lòng tốt hiếm hoi của xã hội dạy dỗ con cái mình?

Cha mẹ không nên biến con cái mình thành bản sao, không đồng nghĩa là họ không có trách nhiệm phải dạy dỗ con cái họ. Sự hình thành nhân cách của một đứa trẻ cần đến tình yêu của cha mẹ, và hơn nữa trách nhiệm của cha mẹ là dạy dỗ con cái. Có lẽ câu hỏi lớn nhất của các bậc làm cha làm mẹ là: Nên giáo dục con cái thế nào để chúng là chúng, mà không phải là bản sao của cha mẹ chúng?

Bởi một thực tế là có quá nhiều người đủ tuổi để sinh con đẻ cái, nhưng lại chưa đủ nhận thức, kiến thức để trở thành các bậc cha mẹ. Và vì thế, việc nhầm lẫn giữa ý muốn riêng tư của mình và tình yêu dành cho con cái, hay tệ hơn là phó mặc cho xã hội, chính quyền giáo dục là chuyện đang xảy ra hàng ngày và vô tình biến chúng nếu không là bản sao của mình, thì cũng là bản sao của một ý thức hệ nào đó.

Con cái không phải bao giờ lớn.

Tình yêu các bậc cha mẹ dành cho con cái đi mãi cũng năm tháng, dù thời gian có cộng vào hay trừ đi mọi thứ ở họ như sức khoẻ, nhan sắc, tiền bạc. Chính điều này tạo sự khác biệt giữa các mối quan hệ khác trong xã hội. Nhưng có phải tất cả tình yêu các bậc cha mẹ dành cho con cái đều hữu ích?

Tôi không nói tốt và xấu, vì tình yêu phát xuất từ trái tim chân thành đều tốt đẹp, đặc biệt là tình ruột thịt. Nhưng có những sắc thái làm cản trở sự trưởng thành nơi người được nhận. Có những bậc cha mẹ yêu con họ tới mức hầu như làm mọi thứ thay con của mình, cho dù chúng đã lớn như những con sư tử trưởng thành. Nhưng con người không phải là sư tử để có thể tự lập khi đủ lớn. Nên những đứa trẻ suốt ngày được sự bao bọc của phu huynh chúng sẽ đánh mất đi khả năng tự chăm sóc bản thân, tự bảo vệ mình, và tự phát triển trong cuộc sống.

Cách giáo dục và yêu thương quá đà này của một số các bậc làm cha làm mẹ khiến xã hội có một bộ phận không nhỏ thanh niên sống như những đứa trẻ. Họ trở nên lười biếng, lệ thuộc, hay ca vãn, thiếu sức đề kháng trước nghịch cảnh. Trong môi trường gia đình như thế, những đứa con chưa bao giờ lớn sẽ đánh mất luôn khả năng tự phân, tự quyết là những điều cần thiết để trở thành một người trưởng thành và độc lập trong cuộc sống.

Những gì tôi vừa trình bày có thể không phán ảnh đúng toàn bộ mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái trong xã hội Việt Nam, nhưng tôi dám chắc số lượng người có quan điểm trên khi làm cha làm mẹ là không nhỏ. Với mong muốn là đập tan những suy nghĩ sai lầm trong các mối quan hệ giữa người với người, để tạo dựng một xã hội tốt đẹp hơn nên tôi hy vọng các bạn sẽ cùng nhau chia sẻ những suy tư, những tri thức cần thiết để chúng ta cùng nhau học hỏi và phát triển bản thân.
Tác giả: Joseptuat

*Featured Image: hansbenn

 

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI