19.1 C
Da Lat
Thứ Bảy, 20 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[THĐP Review] Ngày xưa có một con bò, Camilo Cruz – Diệt bò chưa diệt tận gốc

tumblr_inline_nuze9zT0k21s09z1b_1280

Tôi đã khấp khởi vui mừng khi đọc tựa đề Ngày xưa có một con bò vì cảm giác rằng cuốn sách này sẽ trình diễn hàng đống những truyện ngụ ngôn cười ra nước mắt. Nếu xét về độ “thâm nho” của nội dung sau đó, độc giả sẽ phải ngậm ngay mồm lại để tập trung suy ngẫm. Nhưng tôi đã nhầm to! Vì cuốn sách ngập tràn những câu chuyện hoàn toàn không ẩn dụ kèm theo những màn diễn thuyết về vấn đề phát triển cá nhân – thứ tôi đã không còn hứng thú tìm đọc từ 3 năm trước. Vậy đấy! Ở đây có một anh vồ (ếch)!

Nội dung cơ bản của cuốn sách đào sâu vào việc phát triển thái độ sống tích cực của con người khi sống trong hoàn cảnh có rất nhiều bê bò vây hãm – đó là những lý lẽ biện bạch, thói quen xấu, “đức tính” bào chữa và niềm tin sai lầm trong cuộc sống. Và với những lý luận tích cực đáp trả lại thì dường như mớ trâu bò cồm cộm kia đã được xua đi đáng kể.

Tất cả đều được hé mở thông qua một câu chuyện ngụ ngôn. Nó kể về một gia đình nghèo xơ xác mãi chịu cảnh xác xơ ấy vì họ có một con bò đủ sức nuôi sống tám miệng ăn dặt dẹo qua ngày. Cho tới một ngày, hai thầy trò nọ qua đường nghỉ chân và đã giết béng con bò quý báu ấy. Để rồi sau một năm quay lại, anh học trò đã không còn thấy cảnh dẹo dặt nữa mà là một cuộc đời đầy sung túc và sức sống ngập tràn của gia đình kia.

Nếu bạn là một người đang mới tập ý thức về bản thân và bắt đầu có một bộ óc phân định về tốt – xấu, phải – trái muốn tìm thấy một giải pháp cụ thể cho những mắc kẹt hiện tại hay hơn thế là hướng tới một tương lai sáng lạn với khả năng khống chế mọi suy nghĩ tiêu cực thì cuốn sách này có thể phù hợp với bạn. Nó nêu lên dấu hiệu nhận biết những con bò ngáng đường trong tư tưởng, những hậu quả chúng để lại nếu bạn không sớm dẹp cả lũ đi mà lại chăn nuôi chúng theo kiểu mô hình trang trại, và cuối cùng là cách tiêu diệt đàn bò không mong muốn ấy. Hãy tìm đến và đọc cuốn sách này, vì nó sẽ chỉ cho bạn từng đường đi nước bước để đạt tới sự thành công nào đó mà bạn đang khao khát.

Mới ban đầu, nghe có vẻ những thể loại sách rao giảng về giá trị sống, tư duy tích cực thật là hữu ích và thực tế. Nhưng khi đào sâu hơn và quan sát cơ chế hình thành của chúng thì ta có thể nhận ra rằng tất cả chỉ là một nhánh nào đó của con sông Cửu Long, hay chỉ là phần phơn phớt ngọn của một cây đại thụ. Nếu cứ tiếp tục như thế này, tác giả có thể viết nốt tám cuốn sách nữa với các tựa đề kiểu như: Đừng để con gà băng qua đường, Ngóc đầu ra khỏi đống cát đi lũ đà điểu, hay Đàn cừu có nên diện áo lông sói.

Vì sao lại thế ư? Vì tác phẩm này chưa chỉ ra được đích xác cha sinh mẹ đẻ của những con bò to lù lù đó là ai. Nó mới chỉ nêu ra rằng “Bò đấy. Xấu lắm. Diệt thôi!” Tất cả phạm vi hoạt động của nội dung cuốn sách đều nằm trong mạng nhện tâm trí bao gồm sự chia rẽ với đối tượng quan sát, sự phán xét dựa trên hệ quy chiếu cá nhân và nỗ lực dẹp bỏ một thứ gì đó hệ quy chiếu ấy nhận định rằng là gây ngứa mắt cho chủ nhân, thậm chí ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển chung của nhân loại.

Cá nhân tôi không phủ nhận rằng những tư tưởng gốc tiêu cực là thứ thao túng và dẫn dắt con người ta đến những trải nghiệm tương đương. Nhưng tôi hoàn toàn không đồng tình với cách tác giả ứng xử với chúng, đặc biệt là về thái độ. Dường như ngài Cruz đó không nhận ra rằng chính việc phán xét và cố gắng chỉnh sửa những gì cho là xấu xa, tầm thường trong bản thân mình sẽ dẫn đến việc phán xét và chỉnh sửa người khác. Truyền cảm hứng ư? Không đâu. Đó là xâm phạm tự do ý chỉ mới phải. Và sự xâm phạm ấy đã ngồi ngay ngay trong câu chuyện ngụ ngôn mở đầu cho toàn bộ tác phẩm, khi ông giáo nọ đã giết con bò của nhà chủ với ý định rằng sẽ giúp được gia đình đó khá khẩm lên khi loại bỏ được thứ họ đang ỷ lại.

Cuốn sách khiến người ta càng sa đà vào cái bẫy của tâm trí – chính là “thế hệ xuất phát” của những đàn bò, đàn cừu hay bất kể đàn gì đi chăng nữa, khi thái độ phán xét, phân tích, chống cự, đâm chém diễn ra khắp lượt. Ngài Cruz không chỉ ra được cha mẹ của những con bò – thứ đứng đằng sau tất cả đang giật dây cho điều mà ông ta gọi là khốn khổ, bao biện, sai lầm, thậm chí cả những gì là sung sướng, quyết đoán và đúng đắn nữa. Tôi không thấy khả năng soi sáng khi đọc cuốn sách này, tôi chỉ thấy một mớ bầy nhầy rối ren khi không được chỉ ra đâu là đầu sợi dây thừng.

Ngày xưa có một con bò không đi được vào bản chất của vấn đề mà chỉ chộp chỗ này một ít chỗ kia một xíu và tạo nên một bức tường đầy những lỗ hổng. Nó chưa đào tới tận đáy nên cảm giác chưng hửng và thiếu thốn một điều gì đó trong cách giải quyết vấn đề gợn lên rất rõ. Cũng không trách được tác giả vì có lẽ chủ đích của ông ta là lang thang ở vùng trên mặt nước. Chính vì việc chưa đi đến nơi đến chốn nên Ngày xưa có một con bò nêu ra những giải pháp không triệt để. Dù có lý luận cỡ nào chăng nữa thì nó vẫn là những luận điểm lung lay. Ví dụ: Thay thế các hệ thống niềm tin tiêu cực bằng tích cực trong khi vẫn không nhận ra rằng chúng cũng chỉ là một biểu lộ khác của việc bị tâm trí điều khiển, nhận diện và tiêu diệt bò khi chúng xuất hiện cũng giống như phạt cỏ phần ngọn vì không giải quyết được kẻ đã sinh ra bò.

Tuy nhiên, cuốn sách này có đề cập tới một số điểm quan trọng trong việc ý thức về bản thân của mỗi người. Đó chính là đối diện và nhận diện những tư tưởng tiêu cực khi nó xuất hiện. Nói đến đây tôi không thể không chia sẻ một phương pháp tôi đã từng thử nghiệm để hỗ trợ thông suốt tâm trí và tình cảm, đó là viết lách.

Với những người chưa đủ sức để bắt kịp những tư tưởng khi nó xuất hiện trước khi nó gây nên đau đớn cho bản thân tại một địa hạt nào đó, thì việc ngồi xuống và viết ra mọi thứ đang xuất hiện trong đầu là cách “chậm hóa” tâm trí rất hiệu quả. Cuốn sách đã đề cập đến giải pháp viết lách, nhưng ở đó đề ra nội dung cụ thể cần hướng tới, có thể coi là một sự viết có chọn lọc. Còn tôi đơn giản là “Hãy xả hết chúng ra”.

Xả bằng cách viết ra mọi thứ xuất hiện trong đầu đã mang lại hiệu quả không tưởng. Vì những suy nghĩ ẩn đằng sau suy nghĩ cũng được phát hiện và lôi ra ánh sáng. Chỉ cần nhận diện chính xác chúng thì dù là trâu, bò hay voi, kiến cũng đều tự tan đi hết thảy. Tôi không cần phải dùng những bước như là “Xác định niềm tin sai lầm” hay “Nhớ rằng mình đang trả giá đắt cho mỗi con bò bạn bao che” hay “Thiết lập khuôn mẫu hành vi mới” như trong cuốn sách gợi ý ngay sau đó. Tôi chỉ làm một việc duy nhất là viết ra hết mọi thứ, nhìn tất cả tự động sắp xếp đâu vào đấy và feel like a boss!

Thứ làm nên sự tắc nghẽn trong cuộc đời của một người đó chính là tâm trí của kẻ đó, nó sinh ra đủ các loại lý lẽ chất chứa nỗi sợ hãi khiến hắn không thể hành động được. Nếu như suy nghĩ là đầu vào thì hành động chính là đầu ra. Một khi không hành động thì mọi thứ không được luân chuyển và thông suốt. Kẻ đó sẽ dần trở nên giống như một cái ao tù và sớm muộn sẽ chết trong sự cô độc, bần tiện, bẩn thỉu và vô dụng. Nên làm bất kì việc gì từ quét nhà, rửa bát, trồng cây, nói chuyện, nhảy múa, viết lách, nó sẽ khiến bạn trở nên mạnh mẽ và ý thức về bản thân mình hơn rất nhiều. Vì mọi thứ sẽ được lưu thông khi những tháng ngày đắm chìm trong tâm trí đã khiến cuộc sống trở nên quá đỗi ỳ trệ, khủng hoảng và đổ vỡ.

Tôi cho rằng sách về giá trị sống sẽ dần dần bị lép vế khi nhận thức của con người càng lúc càng nâng cao. Người ta khao khát trải nghiệm và đào sâu vào tận gốc rễ của sự việc hơn là những giải pháp bề mặt. Họ không cần giải pháp. Họ cần căn nguyên. Và nhược điểm của các thể loại sách này đó là đóng vai “những con bò nhai hộ” cho người đọc khi mọi dẫn chứng và lý lẽ được phơi bày ra tất cả. Có lẽ, chúng chỉ phù hợp cho những người còn non yếu về tinh thần hay lười biếng trải nghiệm, chỉ mong một chút gì đó vớt vát, một ai đó cứu rỗi cuộc đời mình. Ngày xưa có một con bò là một tô mì ăn liền, không còn thời gian để ngẫm nghĩ nữa đâu, khỏi cần pha nước sôi nữa, cứ thế mà nhai thôi.

Khỏi bàn thêm về nội dung nữa vì cuốn sách này cũng không khác gì tất cả những loại sách rao giảng về giá trị sống hay các phiên bản răn đời chưa chạm tới được phần gốc rễ khác. Còn về hình thức, nó cũng nhang nhác như chủng loại của mình, duy chỉ khác là ở đây có những con bò xuất hiện với tần suất cao từ đầu chí cuối. Xin lỗi nhưng tôi phải nói rằng mình đang được chứng kiến một đại hội bò, một cơn bội thực bò và là một màn tự kỷ ám thị bò. Có Chúa mới biết được màn tự kỷ ám thị đó là gì nhưng nói chung là kiểu gì nó cũng có bò. Từ “bò” ấy làm tôi thấy nhàm chán và hoang mang phần nào. Khi xét trên quan điểm nghệ thuật, một phép ẩn dụ được nhắc đi nhắc lại quá nhiều trong một tác phẩm là một thảm họa. Cũng chẳng thể trách được tác giả khi ông ấy đã lỡ đặt tên tựa đề cuốn sách là Ngày xưa có một con bò mất rồi và tuyệt nhiên gán mọi dạng bao biện của tâm trí đi cùng con bò đó, như: Con bò của sự cầu toàn, con bò “đâu phải tại tôi”, con bò “tôi có sao đâu”, con bò của sự tầm thường, v.v… Chúng mang đến cho tôi cảm giác về sự đơn điệu, gượng ép và tẻ nhạt. Nếu như tựa đề là Ngày xưa có một sở thú thì có lẽ mọi chuyện sẽ khác đi hẳn.

Phong cách viết của cuốn sách cũng không để lại ấn tượng đặc biệt vì nó không có gì đột phá và hơn cả là thiếu hẳn đi khiếu hài hước. Tôi đã luôn luôn tìm kiếm sự hài hước ở tất cả những gì mà tôi đọc dù nó có là một giáo trình dạy tiếng anh đi chăng nữa, hay thậm chí là cuốn sách có tựa Một lít nước mắt. Tuy nhiên ở đây, việc thiếu hụt đi một bầu không khí vui tươi trong quá trình truyền đạt tư tưởng đến người đọc là một nhược điểm lớn. Cầm lên một cuốn sách chỉ thuần là phân tích và đưa ra kết luận như một bài thuyết trình chỉ có tác dụng như một liều thuốc ngủ.

6,5/10 là điểm tôi dành cho cho tác phẩm này. Vĩnh biệt đàn bò mồ côi tội nghiệp!

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

*Featured Image: NeiFo
spot_img
Vũ Thanh Hòa
Vũ Thanh Hòa
"Thiên Nhiên không vội mà việc gì cũng thành." — Lão Tử

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI