20.6 C
Da Lat
Thứ Năm, 18 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[THĐP Review] Buồn làm sao buông, Anh Khang – Màu blue phủ đầy 200 trang giấy

tumblr_inline_nuze9zT0k21s09z1b_1280

Tôi đã rất vật vã mới đọc hết được tập tản văn đầy chữ nghĩa thơ vần này (vì không hợp gu), nhưng cuối cùng sự vật vã ấy lại là động lực giúp tôi nhìn ra được nguyên nhân vì sao con người cứ mãi mắc kẹt trong thứ tình cảm gọi là tình yêu đó khi họ đã lỡ sa chân vào địa hạt của nó. Tất nhiên, Buồn làm sao buông không chỉ ra được đích xác gốc rễ của vấn đề buồn khổ, buồn thương, buồn nhớ, buồn vu vơ, nhưng nó đã thể hiện rất rõ ràng bức tranh điển hình của một kẻ đang lạc lối trong tâm trí của chính mình, và khi kết hợp thêm với những suy tư mang dáng dấp ngôn ngữ đa chiều thì sự lạc ấy dường như càng thêm trầm trọng.

Ấn tượng đầu tiên khi tôi đọc Buồn làm sao buông đó là cảm giác ngộp thở như bị rơi vào một vùng toàn nước là nước. Nếu đặt giọng văn của cuốn sách này vào giữa một cái hồ thì khả năng nó sẽ tạo nên được những gợn sóng dập dềnh bởi những âm vần được gieo một cách khéo léo và đều đặn dù đang ở đoạn văn xuôi đi chăng nữa.

“Cuối cùng thì cũng đến ngày này. Cuối cùng thì cũng đã rời tay. Cuối cùng thì yêu nhiều hay thương nhạt, hai đứa mình đều phải chấp nhận rằng tình cảm ấy đã đổi thay. Nhưng đến bao giờ, nỗi nhớ về nhau mới đi đến cuối cùng, để thôi không còn nhọc lòng về cái gọi là yêu-thương-đã-từng?”

Nhưng cảm giác về nước ấy phần lớn là do hiệu ứng tạo nên từ những câu chữ mà tôi cho rằng hơi lan man và rườm rà, đôi lúc lại nhuốm màu phức tạp khiến tôi phải đọc 3-4 lần mới thật sự nắm được ý tứ của câu nói đó, trong khi không nhất thiết phải như vậy. Chưa kể, việc sử dụng quá nhiều tính từ trong một đoạn văn lại càng tạo nên cảm giác mất tập trung và dường như mang đến “cơn bội thực miêu tả” cho người đọc. Giống như một bữa ăn phải thưởng thức quá nhiều món cùng một lúc thì người ta sẽ bị mệt mỏi vậy.

Vì rằng những diễn biến của chuyện tình cảm trong tác phẩm chỉ thỉnh thoảng mới lóe lên như một tia manh mối để người đọc lắp ghép, nên phần còn lại trở nên ướt sũng những cảm xúc, suy tư và liên tưởng. Nếu gọi đây là một bản nhạc buồn thì tôi cho rằng nó đang tự làm quá lên sự buồn của chính mình hòng đạt đến một trạng thái tột đỉnh của sự sầu lụy, giúp khổ chủ có thể đi qua xuyên nó nhanh hơn. Đây có thể gọi là một hành động tạo gia tốc dương cho sự dàn trải nỗi buồn, hay một sự cộng hưởng sóng để kẻ lang thang ở vùng đất ngập nước đó sẽ khám phá được mọi ngóc ngách có thể theo ý nguyện của hắn. Tôi cho rằng đây là một ý tưởng hay, nhưng nó chất chứa phần nào màu sắc cực đoan, dù rằng cũng chỉ là màu blue.

Tuy nhiên, âm hưởng chung của tác phẩm vẫn là một chữ buồn thì cảm giác sau khi ngộp thở dưới nước của tôi tiếp tục chuyển sang một trạng thái ngờ vực (mà tôi cho là rất cần thiết) đó là: “Buồn đó đã buông được chưa?” Chính sự nghi ngại ấy đã trở thành động lực khiến tôi đào sâu hơn vào tập tản văn này ở những lý lẽ được thể hiện một cách đầy thi vị về nỗi buồn muôn thuở này – chia tay người yêu.

Sự mơ hồ trong tư tưởng của tác giả đã khiến cho cảm xúc tiêu cực ấy không được đào sâu vào tận gốc rễ mà lại trở thành một thứ cỏ dại “lãng mạn đậm chất thơ” tiếp tục đâm rễ sâu hơn vào tâm hồn người đọc. Khi chưa đi đến tận cùng bản chất của nỗi buồn hay bất kỳ nỗi gì khác thì việc gán cho chúng những giá trị, vẻ đẹp trên đoạn đường “buông bỏ” là một sự nguy hiểm. Thậm chí đôi lúc đọc cuốn sách này tôi có cảm giác mình đang thưởng thức một thứ gì đó giống như: “Ôi chao, vết dao nàng cứa vào tim tôi đang tạo ra những dòng nhựa tươi hồng mà con sông lớn nhất ở đồng bằng Bắc Bộ ắt sẽ phải ghen tỵ khi trông thấy sắc màu sự sống ấy.” Đại loại thế!

Đẹp ư? Có người đã nói thế khi nhắc đến nỗi buồn trong tác phẩm này. Nhưng tôi cho rằng nếu chỉ sử dụng một chút hương buồn làm vốn liếng, cộng với một ít năng khiếu điều khiển ngôn từ giàu tính thơ và đôi lúc phức tạp hóa chúng, thì nỗi buồn ấy sẽ được diễn ra theo một cách mơ màng như một nàng công chúa vậy. Tuy nhiên, nó vẫn chưa thể đạt đến ngưỡng của một bà hoàng – sâu sắc, quyến rũ và ẩn chứa nguy hiểm.

Như đã nói lúc ban đầu đó là cuốn sách chỉ mới gợn lên được những dấu hiệu nhận biết một kẻ đang lạc lối trong tâm trí đó là sự bám víu vào quá khứ, kỷ niệm, thói quen và đánh rơi mất giây phút sống hiện tại. Nhưng Buồn làm sao buông không đi tới được những câu hỏi gốc rễ, như là “Tại sao bám víu?” “Cái gì bám víu?” “Cái gì đó thật sự là cái gì?” Nếu đã đặt ra câu hỏi “Buồn làm sao buông” thì hãy mang đến đây một câu trả lời. Ngoài việc rắc vào bầu không khí thêm những nỗi buồn thì tôi không thấy một lời giải đáp nào xứng đáng trong tất cả những gì được nêu ra trong cuốn sách. Tác giả mới chỉ chạm tới bề nổi của vấn đề mà thôi, còn tảng băng chìm vẫn đang ở đâu đó đợi đến một ngày nó sẽ được viết thành tập tản văn dày như cuốn tiểu thuyết.

Ha, nhưng không đâu, nếu đã đụng chạm đến lãnh địa của khối băng chìm đó thì văn phong rườm rà và thái độ nhu mì sẽ không thể có cửa làm ăn. Vì rằng một hồ nước gợn sóng sẽ không thể phá được khối đá đông lạnh khổng lồ đó, cái chúng ta cần là một tàu phá băng, nơi mà mọi thứ được rèn dũa, được tôi luyện và được tập trung sức mạnh.

Nếu được trả lời cho câu hỏi “Buồn làm sao buông” ấy thì có lẽ tôi sẽ nói rằng “Hãy ôm ấp lấy chính mình trước đã, còn việc buông cứ để nỗi buồn tự lo”

Ta buồn khổ cũng không khác gì một đứa trẻ đang khóc lóc vì đau ốm. Chúng không cần mẹ nó quát nạt rằng hãy im lặng ngay trước khi bà ấy rút roi ra, chúng cần hơn cả tình yêu thương và sự quan tâm. Vì yếu đuối là thức ăn nuôi dưỡng cho những cảm xúc tiêu cực nên khi một kẻ không có đủ tình yêu – nguồn sức mạnh lớn nhất – thì kẻ đó sẽ chẳng thể buông bỏ được bất kỳ điều gì hết, chưa kể sẽ gánh thêm một vài trạng thái tiêu cực khác nữa. Và sau một thời gian pha trộn, chế biến, hắn sẽ được nhấm nháp món sinh tố có màu đen đục và vị nặng nề.

Người ta đã sai lầm ngay từ khi đặt ra câu hỏi “Buồn làm sao buông” và tập trung hết sức lực vào việc phũ phàng, lạnh nhạt, hoặc thì tìm mọi lý lẽ lấp liếm, hoặc đánh lạc hướng bản thân bằng một cảm giác xiên xẹo khác, với mục đích cắt đứt bằng được mối liên hệ với trạng thái tiêu cực đó. Rồi họ ngạc nhiên khi kết quả nhận được sau cùng là một trái tim băng giá, thân thể kiệt quệ và tinh thần rối bời. Chính thái độ phán xét với nỗi buồn là thứ khiến mọi chuyện càng trở nên tồi tệ, nếu như không nói rằng nó là vấn đề nghiêm trọng hơn cả nỗi buồn lúc ban đầu.

Mọi chuyện sẽ khác đi rất nhiều nếu người ta biết hỏi rằng “Tôi có đang yêu thương chính mình hay không?” Vì cuối cùng, chúng ta sẽ nhận ra rằng nỗi buồn hay tất cả những nỗi gì đi chăng nữa chỉ là những cái cớ để kéo mỗi người quay về với chính mình mà thôi. Khi nào một kẻ đứng trụ được vào bản thân, không còn nháo nhác ra bên ngoài nữa, thì khi ấy hắn sẽ được chứng kiến một hiện tượng tuyệt vời (ngoài cảm giác dòng sự sống ào ạt đổ về), đó là những điều tiêu cực đeo bám theo hắn bao lâu nay tự gỡ mình ra mà bay đi, nhẹ như những nhánh bồ công anh.

Có một nội dung rất lớn trong cuốn sách này khiến tôi không thể không dành chút thời gian mà làm sáng tỏ – tình yêu vô điều kiện. Anh Khang đã thể hiện quan điểm rằng tình yêu thật sự là không còn quan tâm đến được – mất, hơn – thua, mà một lòng vẫn kiên trì với tình cảm dành cho đối phương, dù họ cũng đã trở thành “người dưng” và ở một phương trời xa lắc. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ở đây đó là tại sao một người mang trong mình tình yêu thuần khiết và trong sáng ấy lại vẫn có thể buồn được? Có điều gì mâu thuẫn ở đây chăng? Đừng nói rằng đây chỉ là một nỗi buồn đậm chất thơ, chỉ như cơn gió thoảng qua nhé! Dù chỉ bằng một con kiến mới nở thôi thì cũng là một sự vô lý to đùng rồi.

Nếu một người đã coi người khác là một đối tượng tách biệt thì ắt hẳn khi đó sẽ có một dòng chảy năng lượng giữa hai người khi họ tương tác với nhau, chúng ta có thể gọi đó là một mối quan hệ. Vì khi đã sinh là cực âm thì sẽ có một cực dương tương ứng để cân bằng lại. Vậy nên chuyện một người dành hết tình yêu thương cho người còn lại mà lượng được đáp trả của người này nhỏ hơn lượng họ trao đi, thậm chí bằng 0, thì mối quan hệ đó sẽ không thể tồn tại. Hoặc nếu nó đang tồn tại thì sẽ sớm đi đến hồi tan vỡ.

Nếu tình yêu xuất hiện trong trạng thái hợp nhất – rằng chỉ có một điểm trụ chính là bản thân mình, nó sẽ tự tràn ra từ trong tâm hồn của kẻ đó và lan tỏa ra xung quanh, tới mọi nơi hắn tới, mọi người hắn tiếp xúc, tương đương với mọi mối quan hệ hắn có. Vậy là, kẻ đó chỉ dưỡng nuôi một tình yêu, một sức sống bên trong trái tim mình mà hắn có thể sử dụng trong mọi hoàn cảnh (dù không cố ý sử dụng), và đây mới gọi là tình yêu vô điều kiện vì tự thân nó khi lan tỏa đã không cần bất kỳ một lý do nào khác ngoài chính việc lan tỏa đó cả. Tình yêu vô điều kiện không có đối tượng cần chạm tới, nhưng lại chạm tới mọi đối tượng.

Vậy nên chuyện Anh Khang vẫn cứ cố gắng nói đến tình yêu vô điều kiện quan trọng như thế nào trong chuyện yêu đương 1-1 và thể hiện quan điểm rằng tình cảm như thế là một điều gì đó đẹp đẽ, lãng mạn thì tôi coi đây là một sự hết sức phi lý. Tác giả đã đặt biểu lộ của một trạng thái hợp nhất làm chuẩn mực cho mối quan hệ mà hai cá thể coi người kia là một sự tách biệt. Vậy nên mọi thứ cứ rối tinh rối mù lên hết thảy.

Chưa kể, Anh Khang cũng đã đề cập tới tình yêu với bản thân mình, sự cân bằng trong tình yêu nhưng cả hai đề tài này đều không được đi tới nơi tới chốn và đôi lúc khiến tôi bị xao nhãng bởi ma trận của ngôn từ diễn đạt.

Xét về tính xúc cảm và nghệ thuật văn chương, tôi đánh giá cao Buồn làm sao buông, nhưng về mặt minh triết thì tôi cho rằng tác phẩm này chưa đủ tầm để soi sáng cho nhiều con người. Nó đến được với đông đảo người đọc phần lớn vì đã mô tả đúng trạng thái của đám đông khi họ rơi vào những nỗi phiền muộn của chuyện yêu đương. Thêm một lý do nữa đó là văn phong ở đây giống như nước – mềm mại, êm dịu, có tính nuôi dưỡng – nên rất phù hợp với thị trường người đọc có tính chất tương tự, hoặc hoàn toàn trái ngược – khô khan, cứng nhắc, xét đoán.

Buồn làm sao buông đánh trúng vào những gì mà đám đông muốn – muốn biết chính mình khi thất tình, muốn được đồng cảm, muốn được yên lành ngồi một góc quán caffe và nhâm nhi từng dòng văn ngọt ngào để thấy đời có chút lãng mạn, muốn được tìm về những xúc cảm quá khứ để thấy cuộc đời hiện tại bớt nhàm chán. Tuy nhiên, nó lại không đi vào những gì người ta cần, đó là sáng tỏ về bản chất của vấn đề – những cảm xúc và suy tiêu cực. Có thể, vì những thứ người ta cần ấy quá khó nuốt. Tốt hơn hết họ cứ để chúng ở trạng thái mông lung, thơ mộng là sẽ thỏa mãn cả đôi đường.

Nếu tác giả nói rằng để đi qua một nỗi buồn thì hãy đi sâu vào nó và đi xuyên qua nó, nhưng tôi thấy tất cả những gì biểu hiện ở đây chỉ là một sự giậm chân tại chỗ ở tầng trên cùng của nỗi buồn đó. Và nếu đây thật sự là tất cả những gì tác giả có thì tốt hơn tôi nên tự đi viết nốt phần mong mỏi còn lại của chính mình vậy!

Review tác phẩm này khá khó vì bản chất của nó đã không có một điểm trụ hay một khung xương để nương tựa. Tuy nhiên tôi phải thừa nhận rằng tản văn là một thể loại rất tốt để một người có thể bộc lộ hết những tư tưởng và xúc cảm của bản thân. Tuy nhiên, với một nỗi buồn nhè nhẹ thì ta có thể dung túng vung tay thêm thắt vài dấu ấn nghệ thuật, còn với một trạng thái muốn tự tử thì có lẽ chỉ văn tả thực mới đủ sức gánh gồng cho khổ chủ.

Nhưng chợt đến phút cuối cùng, tôi tự hỏi Buồn làm sao buông là một câu hỏi hay nó là một câu cảm thán thốt lên đầy bất lực rằng “Buồn làm sao mà buông được!”, và toàn bộ cuốn sách là một sự đào sâu tìm kiếm câu trả lời hay chỉ là một cuộc chơi với những ngôn từ mĩ miều thuộc đề tài tình yêu? Thật sự, cuốn sách này đã làm tôi rất bối rối.

7/10 là điểm dành cho tác phẩm này.

(Tôi vẫn rất bối rối khi cho điểm!)

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

*Featured image: Ngo MyLinh
spot_img
Vũ Thanh Hòa
Vũ Thanh Hòa
"Thiên Nhiên không vội mà việc gì cũng thành." — Lão Tử

BÀI LIÊN QUAN

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI