18.7 C
Da Lat
Thứ Bảy, 20 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Sách luôn luôn là bạn

Sách là gì? Là nơi ghi chép những tư tưởng cũng như kinh nghiệm của tác giả. Đọc sách có lợi ở chỗ chúng ta học hỏi được những điều mà chúng ta chưa biết hoặc đã trải qua nhưng chưa hiểu, đôi khi là sự khẳng định lại một quan điểm mà ta biết. Bài viết “Sách là bạn hay thù” có điểm sai và điểm đúng, đúng ở chỗ khuyên người ta đọc sách để tham khảo, nhưng sai ở chỗ lập luận đặt trên tiền đề là mọi người xem sách một cách máy móc không suy nghĩ.

Chúng sống trong đời luôn có khát vọng thành công trong lĩnh vực mà mình yêu thích, muốn thành nhà kinh doanh tài ba, muốn thành nhà triết học lỗi lạc, muốn thành ca sĩ, họa sĩ nổi tiếng. Tất cả những cái tên đó không phải không phải là cái gì khác ở bên ngoài mà nó mang hình tượng của sự thành công mà ta mong muốn. Trở thành một nhà triết học không đồng nghĩa với việc trở thành một con người khác, nó có nghĩa ta có chuyên môn trong lĩnh vực đó. Cái tên Nhà Triết Học là một chức danh chứ không phải là một thực thể mang tính cách như một con người.

Đọc sách không biến ta thành một con người khác nếu biết cách đọc. Sách chỉ là một phương tiện hỗ trợ mà thôi, nó giống như cách người ta dùng tiền, có kẻ sống vì tiền, có kẻ dùng tiền để phục vụ cuộc sống. Điều cốt lõi là cách nhìn của ta đối với những phương tiện trong cuộc sống, bài kia cũng có mục đích như thế, nhưng sự diễn giải dựa trên một lập luận sai. “chúng ta đọc sách vì cái chúng ta mong ước, vì thèm thuồng những cái mà hiện tại chúng ta không có” – tôi rất muốn hỏi là ở khởi đầu chúng ta có cái gì? Chúng ta chẳng có cái gì hết khi mới sinh ra, sự hiểu biết, tính cách, tư tưởng chúng ta được hình thành nhờ nhìn thấy, nghe thấy qua những kinh nghiệm sống. Những gì chúng ta thấy chỉ là hình ảnh, những gì chúng ta nghe là tư tưởng của người khác. Những cái đó chẳng khác chi một cuốn sách cả, sách là tư tưởng của người khác. Nếu chối bỏ giá trị những tư tưởng trong sách thì tất cả những điều mà con người nhận được trong quá trình sống cũng chẳng có ý nghĩa gì. Có đọc sách hay không thì chúng ta vẫn ham muốn những cái chúng ta không có như thường. Cái tạo nên chúng ta lúc này được tạo thành từ gì? Không phải từ việc đạt được cái chúng ta ham muốn sao? Hãy tưởng tượng một con người không có ham muốn đạt được cái không có, đó là người mãi mãi dừng lại ở một chỗ về mọi thứ từ cảm xúc cho đến lý trí.

“Chúng ta không tìm thấy mình trong những trang sách triết học, tâm linh hay đạo đức” đây là một nhận định cực kỳ sai lầm. Công nhận giá trị của sách khoa học kỹ thuật nhưng lại phủ nhận giá trị sách xã hội và tâm linh. Không khéo tôi nghĩ bạn này theo chủ nghĩa duy vật mất. Sách kỹ thuật ghi lại những khám phá về tính chất của thế giới vật chất hoặc các ứng dụng dựa trên những tính chất đó. Cũng tương tự, các sách về xã hội – tâm linh ghi lại những khám phá về sự mặt tinh thần của con người, từ đó hình thành nên các quy luật vận hành của xã hội, những cảm thụ của con người về cuộc sống. Bạn bảo bạn không có trong ấy thì tôi muốn hỏi là tính cách của bạn, sự hình thành các dòng tư tưởng, được vận hành theo lối nào? Tự bạn sáng chế ra à? Và cái cách vận hành của bạn khác với cách vận hành của tất cả mọi người? Dù là trong sự vận động của vật chất hay tinh thần thì luôn có chân lý tồn tại, không một thứ gì có thể thoát khỏi sự chi phối của chân lý đó. Tri thức nói chung là những hiểu biết của con người trên con đường khám phá chân lý.

“Chúng ta sẽ không thể hiểu mình, biết rõ mình là ai, sống đúng với cái mình là, nếu nương tựa vào sách, hay vào bất kì một vị tôn sự, một quyền uy nào đó” – cho tôi hỏi “cái mình là” nó như thế nào? Nó được tạo ra từ đâu? Đứa bé khi mới sinh ra nó có “cái mình là” hay không? Có lẽ đó là bản năng của nó, đói nó khóc và đòi bú, mệt nó ngủ. Nếu nó không chịu tiếp nhận kiến thức từ bên ngoài thì cho đến chết nó vẫn là “cái mình là” ban đầu ấy. Vì con người tiếp nhận những tư tưởng từ xã hội qua quá trình sống nên mới hình thành “cái mình là” tại thời điểm này. Nhưng người đó có phải là Thượng Đế đâu, chỉ có Thượng Đế nắm giữ chân lý mới biết rõ “cái mình là” ra sao. Không hiểu biết, không chịu học hỏi kinh nghiệm cùng sự khám phá của người đi trước, không có một vị tôn sư chỉ dẫn thì lấy cái gì để hiểu “cái mình là” nó như thế nào? Không biết quy luật vận hành của xã hội, của đạo đức, của tâm lý hay cảm xúc thì con người chỉ có thể hành động theo bản năng hay sự chi phối của vô thức, với bạn thì như thế là “cái mình là”?

“Một cuốn sách lý luận được xem là có giá trị vì nó đưa ra nhiều dẫn chứng của những người đi trước, những người nổi tiếng thì lại chỉ là sự lặp lại ý tưởng mà thôi, không thể gọi là sáng tạo được” – Nhận định này hết sức hồ đồ. Một cuốn sách giá trị vì đưa ra dẫn chứng của người đi trước? Thế Phật Như Lai, Chúa Jesus, Einstein, Darwin, Newton…đưa ra ra những dẫn chứng của ai đi trước để trở thành có giá trị? Bạn bị một cái lỗi vô cùng lớn, bạn sống trong một xã hội có những nhận định mơ hồ về các giá trị rồi nghĩ cả thế giới này cũng nhận định theo cách đó. Nếu một cuốn sách được xem là giá trị chỉ là sự lập lại của những cái cũ thì lấy gì để khoa học kỹ thuật hay nền văn minh loài người tiến lên?

“Bạn đọc sách để hiểu về chính tác giả, hiểu nhân sinh quan của người đó, chứ nó không thể giúp bạn hiểu rõ mình.” – Nói đến đây thì tôi hiểu quan điểm nhân sinh quan của bạn là gì. Đó là trên đời này ngoại trừ các quy luật về vật lý thì không hề có chân lý trong đời sống của con người. Bạn không tin đúng sai, không tin vào các giá trị đạo đức, không tin vào những quy luật chi phối con người và xã hội. Vì thế những gì ghi trong sách chỉ là những tư tưởng mang tính cá nhân và một người khác không tìm thấy gì trong đó. Và vì thế sách trở thành vô giá trị, “đọc sách là để hiểu tác giả” mà điều đó là vô nghĩa với người đọc suy ra không cần đọc sách dù bạn nói là “Vậy phải chăng không cần đọc sách? Không, tôi không khuyên bạn điều đó.” Bạn đưa ra một nhận định rằng đọc sách là vô giá trị rồi bảo rằng không khuyên người khác đừng đọc sách. Bạn không thấy giá trị của sách vì bạn không tìm thấy những chân lý cũng như các quy luật vận hành đời sống con người trong đó, nhưng tôi lại tìm thấy, nhờ tìm thấy mà tôi hiểu chính mình hơn, tôi càng ngày càng hiểu những điều gì tạo nên tôi lúc này, nhờ sách tôi hiểu “cái mình là.” Tôi không biết bạn nhờ cái gì để hiểu được “cái mình là” là như thế nào. Và tôi cũng không biết cái mà bạn hiểu đó có đúng sự thật hay không. Người ta chỉ thật sự là “cái mình là” khi thấu hiểu chân lý, càng thấu hiểu thì cái mình biết càng gần hơn với “cái mình là”. Có sự khác biệt về bản chất trong cách hiểu “cái mình là” giữa một nhà triết học với một cậu học sinh phổ thông. Sự khác biệt đó nằm ở sự hiểu biết, mà hiểu biết đến được là do đọc sách. Tôi chưa từng thấy ai hiểu “cái mình là” mà lại không thích đọc sách cả.

Mục đích viết bài của bạn là tốt nhưng vì cái hiểu của bạn xây dựng trên những quan niệm sai nên những gì bạn nói sẽ phản tác dụng với người đọc. Con người hiểu biết nhờ những gì tiếp thu trong cuộc sống, nhưng con người bị giới hạn về không gian và thời gian sống nên những kinh nghiệm thu được là có giới hạn, sách là sự đúc kết kinh nghiệm sống của một con người, mà đa số họ hiểu biết hơn ta. Đọc sách nghĩa là bạn có sự trải nghiệm thêm một cuộc sống khác, có cơ hội tiếp thu những kinh nghiệm mà vì sự giới hạn nên bạn không có được. Nhờ sự hấu thu những kinh nghiệm đó mà bạn nhìn cuộc sống chân thực hơn. Những cái giáo điều sinh ra vì không chịu đọc sách, nghĩa là chỉ đọc vài ba cuốn sách, không đủ hiểu biết để đánh giá giá trị thực của chúng nên xem những gì mình đọc là chân lý. Đọc nhiều cuốn sách sẽ cho ta nhiều góc nhìn về một quan niệm hay một tư tưởng, ưu và khuyết điểm lộ ra hết thì lấy gì xem chúng là tuyệt đối. Bạn thấy người ta giáo điều, thấy người ta tôn vinh một cuốn sách thì bảo rằng là do sách. Sách chẳng có lỗi gì cả, tất cả là do con người không chịu đọc sách mà ra. Chẳng có ai đọc nhiều sách mà trở thành giáo điều cả.

Nhiều năm trở lại đây có rất nhiều người nói về cái việc “là chính mình”, kể cả một người bạn thân có trí tuệ vượt qua tôi rất xa cũng nói với tôi điều đó, và tôi cũng muốn “là chính mình”. Nhưng nhiều người cứ nhắc mãi câu đó mà quên cái việc phải làm sao mới có thể là chính mình. Bạn kêu gọi mọi người hãy là chính mình nhưng giải pháp của bạn lại ngăn cản họ có thể đạt đến con đường hiểu chính mình qua việc hạ thấp và đánh giá sai giá trị của sách. Bạn chỉ đúng ở cái lời khuyên đừng bắt chước quan niệm của tác giả và xem nó là chân lý một cách mù quáng giáo điều. Cái cốt lõi nằm ở chỗ ta phải biết được giá trị của sách nằm ở đâu và nhờ vào đó mà ta đúc kết được những điểu giúp ta hiểu về cuộc sống, về chính ta, sau khi hiểu thì ta mới “là chính mình” được. Nếu bạn là một giáo sư thì tôi sẽ đánh giá cao những gì bạn nói, không phải vì học hàm giáo sư thể hiện sự nổi tiếng hay trọng danh của tôi. Mà đó là một bằng chứng thể hiện vị đó có hiểu biết vượt qua tôi rất xa nên tôi cần sự chú tâm trong việc lý giải. Có rất nhiều người bảo “triết học đã chết” , “thượng đế đã chết” hay gì gì nữa. đó là những vấn đề vô cùng lớn lao, khi chưa đủ thấu hiểu thì nên hạn chế nói lung tung. Việc đánh giá giá trị của sách cũng là một việc rất lớn nên cần cẩn thận, ý nghĩa của sách đối với con người vô cùng lớn lao cho nên cần chú ý hậu quả trước khi nêu ra một nhận định, vì nếu nhận định đó mà sai thì hậu quả cũng lớn không kém.

Thời gian gần đây tôi thấy rất nhiều người vì để thể hiện quan điểm muốn truyền tải mà đưa ra những nhận định mang tính trái ngược các giá trị truyền thống được công nhận từ trước đến nay. Tôi không nghĩ các giá trị truyền thống đều đúng, nhưng sự tồn tại của nó qua thời gian đã nói lên giá trị của nó. Chỉ nên nói khi thật sự hiểu điều mình nói chứ đừng dùng nó làm đá kê chân để đạt được mục đích. Làm thế là phá hoại hơn là xây dựng. Gặp người biết thì họ chỉ ra, không gặp thì người người cứ hùa theo khen hết lời khiến người viết cũng cảm thấy điều mình nói là đúng, mà điều này thì rất tai hại.

Mong là bạn không cảm thấy phiền lòng vì bài này của tôi, tôi chỉ bàn về sự việc, phân tích và mổ xẻ vấn đề để tìm thấy chân lý. Không chắc tôi nói đều đúng, có thể bạn vẫn đúng. Nhưng nói vậy không có nghĩa là không có đúng sai. Luôn có đúng sai, chỉ là vấn đề mổ xẻ càng sâu thì càng gần cái đúng hơn.

Mong đọc được nhiều bài viết của bạn. Tôi nghĩ sẽ thú vị hơn nếu một bài viết có người đọc và tranh luận cùng nhau đúng không?

Mắt Đời

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI