16.6 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[Review] Quẳng gánh lo đi mà vui sống – Đọc ngấu nghiến từ trang đầu tiên cho đến trang cuối cùng

Thông tin khái quát về tác giả – tác phẩm

Cuốn sách Quẳng gánh lo đi & vui sống được viết bởi Dale Carnegie (1888 – 1955), tác giả nổi tiếng với nhiều cuốn sách self-help bestsellers, trong đó có cuốn Đắc nhân tâm (How to win friends and influence people, 1936) mà đa số chúng ta đều đã từng nghe nói.

Dale Carnegie là một nhà văn, giảng viên người Mỹ, đồng thời ông cũng là người phát triển các khóa học nổi tiếng thế giới về phát triển bản thân, đào dạo doanh nghiệp hay các kỹ năng phát biểu trước công chúng. Sinh ra trong một trang trại nghèo tại tiểu bang Misouri, Mỹ, ở tuổi thiếu niên, Carnegie thường phải thức dậy vào lúc 4 giờ sáng hàng ngày để phụ giúp cha mẹ ông vắt sữa bò, đồng thời duy trì việc học tại một trường Đại học sư phạm công lập ở Warrenburg, Missouri. Sau khi tốt nghiệp đại học, công việc đầu tiên của ông là việc bán các khóa học từ xa cho các chủ trang trại.

Sau đó, ông trải qua một số các công việc sales khác và thậm chí còn thử sức với vai trò diễn viên nhưng thu được không mấy thành công cho đến khi ông nảy ra ý tưởng quay trở lại với công việc giảng dạy, bắt đầu là môn nói trước công chúng tại Hiệp hội thanh niên Cơ đốc (Young Men’s Christian Association – YMCA). Công việc này mang lại cho ông thành công to lớn, đánh dấu bằng việc vào năm 1912 ông đã xây dựng hẳn một hệ thống huấn luyện mang tên mình, vẫn duy trì hoạt động trên toàn thế giới (tại hơn 90 quốc gia) cho đến nay ngay cả khi ông đã qua đời (có mặt tại Việt Nam từ năm 2007). Một trong như tư tưởng then chốt trong lý luận của ông là thay đổi cách cư xử của chính mình có thể dẫn đến sự thay đổi trong thái độ của mọi người đối với ta.

Cuốn Quẳng gánh lo đi & vui sống được xuất bản lần đầu tiên tại Anh quốc vào năm 1948. Gần đây nhất, cuốn sách được tái bản có chỉnh lý bởi nhà xuất bản Pocket vào tháng 9 năm 1990. Dale Carnegie bắt đầu cuốn sách bằng việc giải thích lý do tại sao ông bắt tay vào viết cuốn này, bởi vào năm 1909 ông là “một trong những thanh niên bất hạnh nhất ở New York”. Bản thân ông tự làm bản thân mình sinh bệnh vì những nỗi lo lắng, phần nhiều được tạo nên bởi sự chán nản của ông với công việc của mình vào thời gian đó. Chính vì thế, ông đã nghĩ cần phải thay đổi tình hình của bản thân bằng việc đầu tiên là xóa bỏ được những lo lắng tiêu cực của mình.

Mục đích của cuốn sách, như chính tên của tác phẩm, là nhằm giúp người đọc có thể giống như ông, loại bỏ được những lo lắng không cần thiết và nhờ thế, có thể có một cuộc đời đáng sống và hạnh phúc hơn. Để làm được điều đó, cuốn sách trình bày nội dung thông qua 6 phần chính:

Phần 1: Các nguyên tắc cơ bản để loại bỏ sự lo lắng

Trong phần này, tác giả đưa ra 3 nguyên tắc cơ bản. Nguyên tắc 1 khuyên chúng ta nên tập trung suy nghĩ về hiện tại thay vì bận tâm về quá khứ và tương lai. Nguyên tắc thứ 2 đưa ra một phương pháp để đối mặt với sự lo lắng đó là hãy chấp nhận điều tồi tệ nhất có thể xảy ra. Bằng cách đó, chúng ta sẽ thản nhiên đối mặt với mọi điều mà không cần lo sợ nữa. Nguyên tắc thứ 3 nhắc nhở chúng ta về cái giá phải trả bằng sức khỏe khi chúng ta quá lo lắng.

Phần 2: Phương pháp phân tích và giải quyết sự lo lắng

Phương pháp này được thể hiện qua 4 nguyên tắc. 3 nguyên tắc đầu gợi ý việc kiên định với quyết định đã được đưa ra dựa trên việc thu thập và phân tích đầy đủ các dữ liệu có liên quan. Nguyên tắc cuối cùng là những câu hỏi giúp chúng ta giải quyết vấn đề theo hướng tư duy giải pháp tốt nhất.

Phần 3: Phá bỏ thói quen lo lắng trước khi sự lo lắng tàn phá chúng ta

Lo lắng cũng chỉ là một thói quen, có thể được loại bỏ nếu thực hiện đúng phương pháp và có sự kiên trì. Carnegie chỉ ra rằng những phương pháp đúng đắn là: giữ cho bản thân bận rộn, không quan tâm quá nhiều đến những điều vặt vãnh, sử dụng luật bình quân, chấp nhận những điều không thể tránh khỏi, đặt lệnh “dừng” đối với nỗi lo lắng và hãy sống với hiện tại.

Phần 4: 7 cách luyện tinh thần để sống thanh thản và hạnh phúc

Trong phần này, tác giả trình bày 7 cách dù nhỏ nhưng rất thực tế và giải quyết gần như tất cả những lý do phổ biến thường khiến cho con người lo lắng, tức giận và buồn khổ:

  1. Suy nghĩ và hành động một cách vui tươi
  2. Đừng cố trả đũa kẻ thù của mình.
  3. Luôn chuẩn bị tinh thần để đối diện với sự vô ơn
  4. Hãy nghĩ đến những điều mình may mắn có được, chứ không phải điều ngược lại
  5. Đừng bắt chước người khác
  6. Chấp nhận và biến khó khăn thành cơ hội
  7. Hãy quên đi bản thân và mang niềm vui, hạnh phúc đến cho người khác.

Phần 5: Gạt bỏ nỗi lo bị chỉ trích

Những lời chỉ trích thực ra chỉ là một lời khen ngợi bị xuyên tạc bởi sự ghen tỵ, và vì thế không nên khiến bạn buồn khổ. Khi đã làm những điều tốt nhất có thể thì sau đó chỉ cần bảo vệ bản thân khỏi ướt bởi những cơn mưa nhận xét mà thôi. Cuối cùng, việc ghi nhận và phân tích những điểm yếu của bản thân sẽ giúp bạn dễ dàng chấp nhận những lời chỉ trích cũng như có thể dần dần hoàn thiện bản thân.

Phần 6: 6 cách tránh mệt mỏi và lo lắng, đồng thời nâng cao tinh thần và sức lực

Trong phần này, tác giả dường như đi lệch ra khỏi mục đích của mình khi viết cuốn sách này là để đương đầu với dự lo lắng. Tuy nhiên, ông khẳng định rằng sự mệt mỏi hoặc chỉ đơn thuần là niềm tin của con người về sự mệt mỏi của họ là nguyên nhân hàng đầu gây nên sự lo lắng. Chính vì vậy, loại bỏ được tình trạng mệt mỏi là hết sức cần thiết để xua đi những lo lắng không cần thiết.

Đánh giá, phê bình cá nhân về tác phẩm

Tôi tình cờ thấy cuốn sách này trên giá sách trong phòng chờ của một showroom bán xe máy. Cái tên của cuốn sách đã làm cho tôi phải phóng lên Đinh Lễ mua luôn một cuốn về đọc. Tôi năm nay 25 tuổi, chẳng dám nhận là một kẻ bất hạnh nhất một thành phố như Carnegie nhưng cũng như ông, tôi tự cảm thấy bản thân cũng quá mệt mỏi với những lo lắng hoặc vụn vặt hoặc mơ hồ hoặc không có căn cứ. Tôi chỉ mất vài ngày để đọc xong quyển sách khoảng 300 trang này. Các bạn có thể hình dung tôi đã đọc ngấu nghiến như thế nào từ trang đầu tiên cho đến trang cuối cùng.

Bản thân tôi cho rằng cuốn sách này rất đáng đọc bởi nó không chỉ trình bày các vấn đề rất đúng, rất thực tế với mỗi người mà còn đưa ra các giải pháp rất dễ hiểu và dễ áp dụng. Thực ra, những vấn đề mà tác giả trình bày không mới bởi ai trong chúng ta khi đến một tuổi trưởng thành nhất định nào đó đều đã nghe nói hoặc chính bản thân mình trải qua. Ở khía cạnh này, cuốn sách chỉ có tác dụng như một tờ mục lục tóm tắt tất cả những khó khăn và khổ sở của con người nói chung, những điều mà nhiều khi ta muốn quên hoặc quá nhiều để có thể nhắc ra ngay được. Khi đọc cuốn sách, bạn sẽ thấy mình nhiều hoặc ít được nói đến trong đó. Hãy để tôi đưa ra một vài dẫn chứng để bạn tin vào những gì tôi vừa nói nhé. Hãy nói có hoặc không để xem nội dung của cuốn sách này có liên quan đến bạn không nhé:

  • Tôi lúc nào cũng lo lắng không biết tương lai của mình sẽ như thế nào. Liệu tôi có thành công? Hay tôi sẽ là một kẻ thất bại và sống trong bất hạnh?
  • Tôi luôn có một đống các công việc chưa được giải quyết chỉ bởi vì tôi lo lắng tôi không thể hoàn thành dược công việc đó hoặc là sẽ làm nó với kết quả tệ hại.
  • Tôi cảm thấy rất khó chịu khi những điều tốt mà mình làm cho mọi người rốt cuộc lại chẳng được sự biết ơn của họ.
  • Tôi cảm thấy cuộc đời rất hào phóng ném cho tôi rất rất nhiều… chanh.
  • Tôi lo sợ bị mọi người soi mói và phê bình.
  • Những lời chỉ trích làm cho tôi thấy bị tổn thương.
  • Tôi cảm thấy vô cùng mệt mỏi và mỗi ngày thức dậy đi làm là một cực hình với tôi.

Nếu trên 50% câu trả lời của bạn là có thì đọc cuốn sách này có thể khiến cho bạn mỉm cười đấy. Hãy tin tôi đi. Nếu những giải pháp được đưa ra không phù hợp với bạn thì ít nhất bạn cũng có quyền tin rằng, bạn chẳng phải là kẻ duy nhất có những nỗi lo như trên. Rất nhiều người cũng như bạn nên… thôi, đừng lo nữa.

Bên cạnh đó, để làm tăng tính thuyết phục cho các nguyên tắc, tác giả trích dẫn rất nhiều các ví dụ đến từ những người hoặc rất nổi tiếng hoặc rất thành công trong sự nghiệp và thường thì là những người có được cả 2 điều trên cho đến những người vô danh đang sống một cuộc sống rất bình thường giống như bạn và tôi. Những cái tên như Winston Churchill (Nguyên thủ tướng Anh), Eleanor Roosevelt (Nguyên Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ), Henry Ford (người sáng lập hãng xe Ford nổi tiếng), tỷ phú John D.

Rockefeller chắc chắn sẽ làm cho bạn cảm thấy hứng khởi và hào hứng. Trong trường hợp, bạn cho rằng những người này quá xa vời so với cuộc sống hiện tại của bạn và bạn lại càng chẳng có ý định trở nên nổi tiếng hay có ảnh hưởng lên người này hay người khác thì tôi có thể nói để cho bạn yên tâm rằng: bạn sẽ được nghe những câu chuyện của những con người rất bình thường như cô nhân viên tốc ký của một công ty kinh doanh dầu hỏa (người mà sau đó được tác giả tiết lộ rất hài hước rằng câu chuyện về cô không thể sai được bởi đó là… vợ ông), một người doanh nhân Texas bừng bừng phẫn nộ, hay một bà già khốn khổ chẳng còn thiết tha sống khi mất đứa cháu duy nhất mà bà vô cùng yêu quý trong Thế chiến thứ 2.

Những con người này, dù trong hoàn cảnh nào thì những câu chuyện của họ đểu là những bài học vô giá từ chính những đau khổ, khốn cùng, lo lắng hay mệt mỏi đến cùng cực của mình. Tôi tin rằng khi đọc những câu chuyện về những con người từ mọi giai tầng của xã hội như vậy, bạn sẽ dễ có được sự đồng cảm với họ và bằng một cách nào đó, tìm ra cách giải quyết cho những vấn đề gây ra lo lắng của chính mình. Thậm chí, những nỗi lo lắng của tôi còn tan biến vì tôi nhận ra chúng là quá nhỏ bé so với những con người kia.

Ngoài ra, cách viết khoa học của tác giả giúp cho độc giả không thể thôi gật gù và dễ dàng nhớ được các nguyên tắc được gợi ý. Sau mỗi một phần chính của cuốn sách là phần tóm tắt vừa đầy đủ vừa ngắn gọn của tác giả giúp người đọc có thể dễ dàng và thuận tiện nhớ lại những điều vừa đọc xong. Không những thế, bên cạnh nội dung chính của cuốn sách, tác giả còn đưa ra những gợi ý để giúp chúng ta có thể phát huy cao nhât tác dụng của cuốn sách ở ngay đầu của tác phẩm.

Recommendation

Thực ra, trước đây khi tôi còn trẻ hơn 25, tôi không phải là một fan hâm hộ của những cuốn sách self-help. Tôi cảm giác chúng chẳng có giá trị nghệ thuật gì cả mà chỉ đơn giản là những lời khuyên thực dụng đến nhàm chán được tác giả viết ra chẳng ra chỉ là để móc tiền từ túi những kẻ cả tin. Tôi thích đọc tiểu thuyết hơn. Tuy nhiên, gần đây tôi nhận ra nhận thức này là một sự sai lầm lớn và nó chẳng khác gì từ chối tấm bản đồ khi bạn là một maze runner trong mê cung cuộc đời này.

Những cuốn self-help là một kiểu “nghệ thuật vị nhân sinh”, nó chắt lọc những kinh nghiệm và những bài học từ tác giả hoặc những người mà họ đã có cơ hội gặp gỡ. Tôi rất thích thú với suy nghĩ rằng mỗi con người, dù tốt hay xấu cũng đều có câu chuyện của riêng mình, những câu chuyện mà không phải ai cũng có đủ nhân duyên để được nghe. Những cuốn self-help giúp tôi được biết thêm nhiều những câu chuyện như thế.

Khi chúng ta còn trẻ, trong độ tuổi 20s, lo lắng và hoang mang dường như là điều không thể tránh khỏi. Và tôi có quyền tin rằng những lo lắng này có thể làm cho chúng ta khổ sở vật vã như thế nào bởi chính tôi và những người bạn của mình đều đã trải qua chúng, ngay cả lúc này đây: liệu có ai trân trọng bài viết review này của tôi. Sự thật thì cuốn sách đã dạy cho tôi biết rằng, đó không phải là điều tôi nên đặt quá nhiều quan tâm. Điều quan trọng là tôi được viết, được làm điều mình thích với một mục đích tốt: sẻ chia. Dù không ai cảm ơn thì tôi cũng tự cảm thấy hài lòng với chính mình. Vậy là đủ.

Tôi chỉ muốn nói với bạn rằng, cuốn sách này sẽ không lấy mất thời gian của bạn một cách vô nghĩa đâu. Bây giờ, quyết định nằm trong tay bạn.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc hết bài review này.

 

Bảo Bình

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

2 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI