19 C
Da Lat
Thứ Bảy, 20 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Sự khác nhau thứ ba giữa chủ nghĩa tập thể và chủ nghĩa tự do

Featured image: LibertyManiacs.com Team

 

Khái niệm thứ ba chia rẽ những người theo chủ nghĩa tập thể và chủ nghĩa tự do liên quan tới trách nhiệm và sự tự do lựa chọn. Chúng ta đã nói về nguồn gốc quyền, nhưng vẫn còn một phần tương tự liên quan đến nguồn gốc của trách nhiệm. Quyền và trách nhiệm luôn đi đôi với nhau. Nếu bạn coi trọng quyền sống cuộc sống của riêng bạn không có người khác nói bạn phải làm cái gì, khi đó bạn phải thừa nhận trách nhiệm là độc lập, phải tự lo liệu cho chính mình chứ không trông chờ người khác chăm lo cho bạn. Quyền và trách nhiệm chỉ là hai mặt khác nhau của cùng một đồng xu.

Nếu chỉ cá nhân có quyền, suy ra rằng chỉ cá nhân có trách nhiệm. Nếu nhóm có quyền, khi đó nhóm cũng có trách nhiệm, và, một trong những thách đấu ý thức hệ lớn nhất của thời đại chúng ta chính là ở điểm này.

Những người tự do là những người đấu tranh cho quyền cá nhân. Vì thế họ chấp nhận nguyên tắc trách nhiệm cá nhân hơn là trách nhiệm nhóm. Họ tin rầng mọi người có bổn phận riêng, trực tiếp trong việc chăm lo, trước tiên cho anh ta và gia đình mình, và sau đó là cho những người khác đang trong cảnh khó khăn. Điều đó không có nghĩa là họ không tin tưởng vào việc giúp đỡ lẫn nhau. Chỉ bởi vì tôi là một người theo chủ nghĩa tự do không có nghĩa là tôi phải di chuyển chiếc đàn piano của tôi một mình. Nó chỉ có nghĩa là tôi tin rằng việc di chuyển là trách nhiệm của riêng tôi, chứ không phải của ai khác, và nó là hoàn toàn tùy thuộc tôi nếu muốn kêu gọi sự hỗ trợ tự nguyện của những những khác.

Mặt khác, những người theo chủ nghĩa tập thể tuyên bố rằng những cá nhân không chịu trách nhiệm riêng đối với các việc từ thiện, đối với việc nuôi dạy con trẻ, chăm sóc cha mẹ già, hoặc thậm chí chăm sóc chính họ. Đây là những bổn phận nhóm của nhà nước. Những người tự do trông mong tự mình làm các việc này. Những người tập thể chủ nghĩa muốn chính phủ làm việc đó cho họ: cung cấp công việc và chăm sóc sức khỏe, đảm bảo lương tối thiểu, thức ăn, giáo dục, và một nơi tươm tất để sống. Những người tập thể chủ nghĩa bị quyến rũ bởi chính phủ. Họ tôn thờ chính phủ. Họ bám dính vào chính phủ xem như là một cơ chế nhóm tối thượng để giải quyết tất cả mọi vấn đề.

Những người tự do không chia sẻ niềm tin đó. Họ nhìn thấy chính quyền như là người tạo ra nhiều vấn đề hơn là giải quyết chúng. Họ tin rằng tự do lựa chọn sẽ dẫn đến giải pháp tốt nhất cho các vấn đề kinh tế và xã hội. Hàng triệu triệu nỗ lực và ý tưởng, mỗi cái trải qua sự cạnh tranh, sự thử và sai – từ đó giải pháp tốt nhất sẽ trở nên rõ ràng từ việc so sánh kết quả của nó với các kết quả khác – quá trình đó sẽ sinh ra các kết quả vượt trội hơn so với cái có thể đạt được bởi một nhóm những nhà chính trị, hoặc những ủy ban “gồm những người được gọi là thông thái.”

Đối lập lại, những người tập thể chủ nghĩa không tin tưởng vào tự do. Họ sợ tự do. Họ được thuyết phục rằng tự do có thể tạm ổn trong các vấn đề nhỏ như là bạn muốn đeo chiếc tất màu gì, nhưng khi nó đề cập đến các vấn đề quan trọng như phát hành tiền, kinh doanh ngân hàng, đầu tư, các chương trình bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và vân vân… để cho tự do sẽ không ổn. Những việc này, họ nói, đơn giản phải được kiểm soát bởi chính phủ. Vì nếu không sẽ rất lộn xộn.

Có hai lý do cho sự phổ biến của khái niệm đó. Một là hầu hết chúng ta đã được giáo dục trong các trường của chính phủ, và đó là những gì chúng ta đã được dạy bảo. Lý do còn lại là do chính phủ là một nhóm có thể ép buộc một cách hợp pháp tất cả mọi người tuân theo. Nó có quyền lực thu thuế, được hỗ trợ bởi nhà tù và các lực lượng vũ trang để bắt buộc tất cả mọi người đứng vào trong hàng, và nó là một khái niệm rất hấp dẫn đối với những đầu óc tự cho mình là những “nhà thiết kế xã hội.”

Những người tập thể chủ nghĩa nói:

“Chúng ta phải bắt mọi người làm những gì chúng ta nghĩ họ nên làm, bởi vì họ quá ngu xuẩn để có thể tự làm cho họ. Chúng ta, mặt khác, đã được học hành. Chúng ta đọc nhiều sách. Chúng ta được cung cấp thông tin. Chúng ta thông minh hơn là những người ngoài kia. Nếu chúng ta để mặc họ, họ sẽ phạm những sai lầm khủng khiếp. Và vì thế, nó là hoàn toàn do chúng ta, những người đã được khai sáng. Chúng ta sẽ quyết định thay mặt cho xã hội và chúng ta sẽ áp đặt việc thực thi các quyết định của chúng ta bởi luật pháp, sao cho không ai có lựa chọn nào khác. Chúng ta phải cai trị theo cách này vì đó là bổn phận của chúng ta đối với nhân loại.”

Ngược lại, những người tự do nói,

“Chúng ta cũng nghĩ rằng chúng ta đúng và rằng nhiều người ít khi làm những gì mà chúng ta nghĩ họ nên làm, nhưng chúng ta không tin vào việc cưỡng ép người khác tuân theo ý chí của chúng ta, bởi vì nếu chúng ta ban hành nguyên tắc đó, thì những người khác, đại diện cho những nhóm đông hơn chính chúng ta, cũng có thể ép buộc chúng ta làm làm theo những nghị định của họ, và khi đó sẽ là dấu chấm hết cho tự do của chúng ta.”

Một cách nhanh nhất để phát hiện ra một người tập thể chủ nghĩa là xem anh ta phản ứng thế nào đối các vấn đề chung. Không quan trọng điều gì quấy rầy anh ta trong cuộc sống thường nhật – bất kể đó là xả rác ra xa lộ, hút thuốc nơi công cộng, ăn mặc khiếm nhã, cố chấp, gửi thư rác, vân vân… phản ứng ngay lập tức của anh ta là “Cần phải có luật cho việc này!” Và, tất nhiên, những viên chức chính phủ đang kiếm sống từ sự áp đặt luật lệ sẽ vô cùng vui sướng để giúp thúc đẩy nó. Hậu quả là chính phủ ngày càng phát triển phình ra. Đó là xa lộ một chiều. Mỗi năm qua đi lại càng có thêm luật mới, và càng mất bớt tự do. Mỗi điều luật bản thân trông có vẻ tương đối tử tế, được cho là thỏa đáng vì một vài sự tiện lợi nào đó hoặc vì lợi ích lớn hơn của đại đa số, nhưng quá trình sẽ tiếp tục mãi mãi cho đến khi chính phủ trở thành tuyệt đối và tự do tuyệt diệt.

Hội chứng Robin Hood

Một ví dụ tiêu biểu cho suy nghĩ của những người tập thể chủ nghĩa là việc sử dụng chính phủ để làm những hoạt động từ thiện. Hầu hết mọi người tin rằng chúng ta đều có trách nhiệm giúp đỡ những người khác đang gặp khó khăn nếu chúng ta có thể, nhưng thế còn những người phản đối thì sao, những người không quan tâm đến sự khó khăn của người khác thì sao? Nên chăng sự ích kỷ họ được cho phép trong khi chúng ta lại quá hào phóng? Những người tập thể chủ nghĩa xem những con người như vậy như là đáng bị cưỡng chế, bởi vì lý do là xứng đáng. Anh ta xem chính mình như là một Robin Hood thời hiện đại, cướp của người giàu chia cho người nghèo. Tất nhiên, không phải tất cả của cướp được đi đến tay người nghèo. Rốt cuộc thì Robin và những đồng sự của anh ta cần phải ăn, phải uống và vui vẻ, và chi phí cho việc đó không hề rẻ chút nào. Nó tiêu tốn cả một bộ máy hành chính khổng lồ để quản lý các việc từ thiện công, và các chàng Robin Hood trong chính phủ đã trở nên quen thuộc với phần chia khổng lồ của ăn cướp được, trong khi những người nông dân – chà, họ biết ơn vì những gì họ nhận được. Họ không quan tâm là nó thất thoát bao nhiêu trên đường đi. Dù sao đi nữa thì tất cả cũng là của ăn cướp từ những người khác.

Cái gọi là từ thiện của chủ nghĩa tập thể là bản xuyên tạc của câu chuyện trong Kinh Thánh về quí nhân phù trợ, người đã ngừng giữa đường để giúp đỡ một người là bị cướp và bị đánh. Ông thậm chí đã mang nạn nhân tới một quán trọ và trả tiền trọ cho đến khi anh ta hồi phục. Tất cả một người đều tán dương hành động trắc ẩn và thiện tâm này, nhưng chúng ta sẽ nghĩ sao nếu như quí nhân kia chĩa mũi kiếm của ông ta vào người lữ hành tiếp theo và đe đọa giết anh ta nếu như anh ta không chịu giúp đỡ? Nếu như chuyện đó xảy ra, thì câu chuyện quí nhân phù trợ chắc không được đưa vào sách Thánh Kinh; bởi vì, khi đó, quí nhân kia sẽ không khác gì hơn là một tên cướp nguyên hình mà hắn cũng có thể có các động cơ đạo đức. Vì chúng ta tất cả đều biết rằng, hắn hoàn toàn có thể nại rằng hắm chỉ chăm lo cho gia đình mình và nuôi ăn đàn con. Hầu hết các tội ác được lý giải cho phù hợp với lương tâm theo cách này, nhưng cuối cùng vẫn là tội ác. Khi sự cưỡng bức bước vào, thì sự từ thiện ra đi.

Những người tự do từ chối chơi trò này. Chúng ta kỳ vọng mọi người rộng lượng, nhưng chúng ta cũng tin rằng một người phải được tự do để không phải rộng lượng nếu như anh ta không muốn vậy. Nếu anh ta thích cho của bố thí khác hơn cái chúng ta thúc giục anh ta, nếu anh ta thích cho một số lượng ít hơn số mà chúng nghĩ anh ta nên cho, hoặc nếu cái anh ta thích hơn là không cho một tí gì, chúng ta tin rằng chúng ta không có quyền bắt ép anh ta tuân theo ý chí của chúng ta. Chúng ta có thể cố gắng thuyết phục anh ta làm vậy; chúng ta có thể kêu gọi lương tâm của anh ta; và đặc biệt chúng ta có thể chỉ ra bằng tấm gương tốt của riêng chúng ta; nhưng chúng ta bác bỏ bất cứ mưu toan nào kết băng đảng chống lại anh ta, hoặc bằng bạo lực áp chế anh ta trong khi chúng ta lấy tiền ra khỏi túi anh ta hoặc bằng cách sử dụng thùng phiếu bầu để thông qua luật để lấy tiền của anh bằng cách thu thuế. Trong cả hai trường hợp, nguyên lý là giống nhau. Nó được gọi là ăn cướp.

Những người tập thể chủ nghĩa muốn bạn tin rằng tự do là một từ chỉ sự ích kỷ, bởi vì những người tự do phản đối lại trợ cấp xã hội và các dạng tái phân phối của cải cưỡng bức khác, nhưng sự thật thì ngược lại. Những người tự do chủ trương từ thiện đích thực, đó chỉ có thể là sự cho đi một cách tự nguyện tiền bạc của riêng mình, trong khi những người tập thể chủ nghĩa chủ trương cưỡng bức cho đi tiền bạc của người khác; tất nhiên, đó là lý do tại sao nó phổ biến như vậy.

Thêm một ví dụ nữa. Những người tập thể chủ nghĩa nói, “Tôi nghĩ mọi người nên thắt dây an toàn khi lái xe ô tô. Mọi người có thể bị thương nếu họ không thắt dây an toàn. Vậy hãy thông qua một luật bắt tất cả phải thắt dây an toàn. Nếu ai không làm, chúng ta sẽ nhét tên ngốc đó và tù.” Những người tự do nói, “Tôi nghĩ tất cả nên thắt dây an toàn. Mọi người có thể bị thương nếu họ không thắt dây an toàn, nhưng tôi không tin vào việc ép buộc bất cứ ai làm vậy. Tôi tin vào việc thuyết phục họ bằng logic, bằng niềm tin và bằng tấm gương tốt, nếu tôi có thể, tôi tin vào sự tự do chọn lựa.”

Một trong những khẩu hiệu nổi tiếng nhất của chủ nghĩa Marx là “Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu.” Đó là viên đá nền móng của chủ nghĩa xã hội trên lý thuyết, và nó là một khái niệm rất hấp dẫn. Một người khi lần đầu tiên nghe khẩu hiệu này có thể sẽ nói: “Có gì sai với nó? Chẳng phải đó là điều cốt lõi của lòng từ thiện và trắc ẩn đối với những người đang cần giúp đỡ? Cái gì có thể sai với việc cho đi theo khả năng của bạn tới người khác theo nhu cầu của họ?” Và câu trả lời là, không có gì sai với nó cả – nếu chỉ để nói, nhưng nó là một khái niệm không hoàn chỉnh. Câu hỏi chưa được trả lời là nó đạt được như thế nào? Nó sẽ được làm thông qua cưỡng bức hay trong tự do?

Như đã đề cập trước kia rằng những người tập thể chủ nghĩa và tự do thường đồng thuận về mục đích nhưng họ bất đồng trên cách làm, và đây là một ví dụ điển hình. Những người tập thể chủ nghĩa nói hãy làm nó bằng sức mạnh của luật pháp. Những người tự do nói hãy để nó cho tự do ý chí. Những người tập thể chủ nghĩa nói sẽ không có đủ người hưởng ứng trừ phi họ bị ép buộc. Những người tự do nói sẽ có đủ người hưởng ứng để làm được việc này. Ngoài ra, duy trì tự do cũng là quan trọng. Những người tập thể chủ nghĩa chủ trương hợp pháp hóa hành động cướp bóc nhân danh các lý do xứng đáng, với niềm tin rằng mục đích biện hộ cho phương tiện. Những người tự do chủ trương tự do ý chí và từ thiện đích thực, với niềm tin rằng mục đích xứng đáng sẽ không còn xứng đáng khi đạt được bằng cướp bóc và từ bỏ tự do.

Có một câu chuyện kể về một người cách mạng Bolshevik đứng trên bục diễn thuyết trước một đám đông nhỏ ở Quảng trường Thời đại. Sau khi miêu tả viễn cảnh huy hoàng của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, anh ta nói: “Hãy đến với cuộc cách mạng, mọi người sẽ được ăn món cháo hành với thịt băm.” Một người đàn ông bé nhỏ ở phía sau đám đông hét lên: “Tôi không thích món cháo hành với thịt băm.” Người Bolshevik suy nghĩ một lát và trả lời: “Hãy đến với cuộc cách mạng, đồng chí sẽ thích món cháo hành với thịt băm.”

Đây là sự khác nhau thứ ba giữa chủ nghĩa tập thể và chủ nghĩa tự do, và có lẽ nó là nền tảng quan trọng nhất của chúng. Những người tập thể chủ nghĩa tin vào cưỡng bức; những người tự do tin vào tự do.

 

Thánh Ca Tự Do

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI