30 C
Nha Trang
Thứ Tư, 24 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Khảo cứu về quá khứ

Featured Image: Nelson Lourenco

 

Phần đầu gồm có 3 bài viết được góp nhặt từ ba nguồn khác nhau. Mở đầu là lý thuyết của Stephen Hawking khi quay trở lại quá khứ.

“Hãy tưởng tượng tôi sắp mở một bữa tiệc và khách mời sẽ là những người đến từ tương lai. Tôi không cho ai biết về bữa tiệc này cho đến khi bữa tiệc diễn ra. Tôi tự tay viết các thư mời, trong đó có ghi rõ tọa độ về không gian và thời gian bữa tiệc diễn ra, sau đó chép ra nhiều bản copy và hy vọng một trong số những bản copy này tồn tại được qua hàng ngàn năm, để đến một ngày nào đó trong tương lai, một ai đó sẽ thấy được tờ giấy mời này và dùng cỗ máy thời gian để quay về quá khứ để dự tiệc. Qua đó tôi sẽ chứng minh được thuyết du hành vượt thời gian là có thực.

Trong khi chờ đợi, những người khách của tôi có thể đến bất cứ lúc nào, hãy đếm ngược 5, 4, 3, 2, 1… nhưng không có ai đến cả. Thật đáng buồn. Tôi đã hy vọng ít nhất cũng có một hoa hậu hoàn vũ sẽ đến tham dự bữa tiệc của tôi. Vậy tại sao thử nghiệm này không thành công? Một trong những nguyên nhân nổi tiếng có thể kể đến khi nói về việc du hành vào quá khứ, đó là sự nghịch lý.

Hãy tưởng tượng một nhà khoa học xây dựng một hố sâu (chức năng như một cỗ máy thời gian) rồi dùng nó để quay trở về vài phút trước. Lúc này, nhà khoa học có thể nhìn thấy chính bản thân ông ta của vài phút trước nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu như ông ta rút súng bắn chết chính ông ta của quá khứ? Bây giờ thì ông ta đã chết, vậy ai là người giết ông ta?

Loại cỗ máy vượt thời gian này (quay ngược trở về quá khứ) sẽ vi phạm một quy luật bao trùm toàn bộ vũ trụ này, đó là luật nhân quả. Tôi tin rằng vạn vật không thể tự phủ nhận chính bản thân nó, bởi vì nếu như vậy thì cả vũ trụ này sẽ lâm vào tình trạng hỗn loạn không gì có thể ngăn được. Nên tôi nghĩ rằng luôn luôn có một thứ gì đó sẽ xuất hiện để ngăn cản các nghịch lý xảy ra.”

Tiếp theo là cuốn “Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương” của Haruki Murakami.

Tsukuru bỗng nhiên bị những người bạn tri kỷ đoạn tuyệt một cách bất ngờ, không lời lý giải. Sự đoạn tuyệt này đã đẩy anh xuống vực sâu, khiến anh trải qua thời niên thiếu với nỗi ám ảnh dai dẳng về cái chết, sự cô độc, nỗi hoang mang về bản thân và nỗi sợ hãi sẽ bị bỏ rơi lần nữa.

“Nhân vật chính là Tazaki Tsukuru, chàng trai 36 tuổi với “cái tên không có màu”. Ở độ tuổi thiếu niên, Tsukuru là thành viên của một nhóm bạn năm người, thân thiết và hòa hợp. Họ vô cùng gắn bó, tưởng như không thể tách rời, nhưng điều này đã thay đổi sau năm thứ hai đại học.

Sau 16 năm ròng không nhìn về quá khứ và sống một cuộc đời yên lặng, Tsukuru đã gặp Sara, người giúp anh nhìn thấy những khoảng trống trong lòng mình và cho anh dũng khí để tìm về những người bạn năm xưa, tháo gỡ những bí ẩn mà trước đây anh không dám đối diện.

Những bí mật được vén mở sau cùng đã giúp Tsukuru tìm được sự thứ tha cho những bất trắc từng giày vò anh suốt một thời tuổi trẻ, giúp anh tìm thấy bản ngã và sức mạnh tiềm ẩn trong con người mình.

Anh đã đi qua một tuổi trẻ đầy hoài nghi về giá trị, về chân mỹ của mình và mang trong mình phức cảm tự ti về một bản ngã mà anh cho là “trống rỗng”, thiếu màu sắc. Anh đã trải qua một cái chết tinh thần khi bị ruồng bỏ, đẩy anh vào một nơi chốn cô lập về mặt cảm xúc.

Chỉ đến khi Tsukuru lấy dũng khí tìm về nguồn gốc của nỗi đau, anh mới chạm vào sự giải thoát khỏi nỗi cô độc và những tổn thương sâu sắc trong lòng mình”

“Vào lúc đó, gã bỗng chấp nhận tất cả. Tazaki Tsukuru đã hiểu ra, ở phần sâu xa nhất trong linh hồn mình. Lòng người và lòng người không bao giờ gắn kết với nhau chỉ bởi sự hài hòa. Mà trái lại, gắn kết với nhau sâu sắc bởi tổn thương và tổn thương. Nối liền với nhau bởi niềm đau và niềm đau, bởi mong manh và mong manh. Không có sự tĩnh lặng nào mà không chứa đựng những tiếng kêu bi thống, không có sự dung thứ nào mà không đổ máu trên mặt đất, không có sự chấp nhận nào mà không phải vượt qua những mất mát đau thương. Đó là thứ nằm trong căn đế của sự hài hòa đích thực.”

Cuối cùng là phim “Người thợ máy” (2004)

“Nhân vật Reznik mắc chứng mất ngủ đã một năm trời. Ban ngày, anh làm thợ máy tại một nhà máy sản xuất. Ban đêm, anh chỉ qua lại giữa hai nơi, đều là để gặp phụ nữ. Một là phòng cô gái điếm Stevie (Jennifer Jason Leigh), hai là quán cà phê tại sân bay nơi có cô bồi bàn Marie (Aitana Sánchez-Gijón). Họ đều tỏ ra lo lắng cho tình trạng của anh. “Không sao, chưa có ai từng chết vì mất ngủ cả”, Reznik nói. Người xem được đưa vào một thế giới huyễn hoặc của bệnh tâm thần, qua góc nhìn Reznik. Bắt đầu từ việc anh gặp gỡ một người đàn ông tên Ivan, ở bãi đỗ xe. Gã nói rằng, mình là người mới đến ở nhà máy. Trong lúc làm việc, Reznik bị phân tâm bởi Ivan và gây ra tai nạn, khiến một đồng nghiệp mất đi cánh tay trái. Nhưng khi Reznik nói ra, mọi người đều ngạc nhiên. Ivan dường như không tồn tại với họ. Những điều kỳ lạ liên tiếp xuất hiện, trên tủ lạnh xuất hiện tấm giấy với trò đố chữ mang hình người treo cổ, tủ lạnh chảy máu, kim đồng hồ lặp đi lặp lại ở 1h30… Phải chăng, chứng mất ngủ của Reznik đã sinh ra ảo giác? Reznik không thể trả lời.

Reznik là một hình ảnh kết hợp khá hoàn hảo của của chứng bệnh tâm thần phân liệt, mất trí nhớ và hoang tưởng mà quá trình hình thành nó không gì khác chính là sự dày vò , khổ sở sau khi anh đã đụng chết một đứa trẻ và bỏ trốn . Reznik đã trả giá đắt bằng cả lương tâm của mình sau khi trốn chạy khỏi trách nhiệm đền tội. Sự dày vò như sống trong địa ngục chỉ kết thúc khi anh ra tự thú ở cuối phim , đó là khi anh cảm thấy thanh thản và có thể tận hưởng một giấc ngủ thật trong suốt một thời gian dài. Đó là khi anh bỏ lại Ivan phía sau, bỏ lại cái nhân cách mà anh tạo ra để bắt chính mình phải trả giá cho tội lỗi trong quá khứ.”

Bình luận

Theo lý thuyết của Stphen Hawking, việc quay về quá khứ là bất khả.

Nhân vật của Haruki Murakami muốn tìm lại quá khứ để có thể hiểu được bản chất của nó nhưng vẫn là bất khả.

Reznik sợ hãi muốn chối bỏ quá khứ nhưng không, điều đó cũng là bất khả.

Nếu tách riêng từng bài viết thì chẳng có gì đáng nói nhưng nếu ta xem xét quá khứ theo cả ba góc độ trên ta sẽ có cảm giác quá khứ không chỉ đơn giản là yếu tố thuộc về thời gian, tức là việc đã qua như lời nói bay theo gió, như nước trôi xuôi dòng không cách nào nắm bắt được. Có người nói rằng quá khứ như một nghĩa địa vì khi ta nhìn lại cuộc đời mình chỉ toàn gặp những người nay không còn nữa, và tốt nhất là chuyện của quá khứ hãy để nó lại quá khứ. Khép lại trang cũ.

Nhưng xem xét quá khứ theo cả ba góc độ trên ta có thể hình dung ra rằng quá khứ không mất đi, nó vẫn đang tồn tại song song với chúng ta, tồn tại tách biệt với ký ức của chúng ta ở một chiều không gian khác, chúng ta chỉ không được phép quay trở về mà thôi. Và nếu cho rằng quá khứ đã qua, không thể quay trở về để làm nó đổi khác đi thì hãy để cho nó ngủ yên vẫn không đúng, vì thật ra nó không hề để chúng ta yên một phút nào. Thật là kỳ quặc, ta không thể quay về với nó nhưng nó lại không rời xa ta bao giờ.

Nói về Stukuru, nhân vật này chủ động quay về đối diện với quá khứ thông qua con người thật ở hiện tại, nói chính xác hơn thì nhân vật này đi tìm liều thuốc giải cho sự ám ảnh của mình. Quá khứ của anh ta không thể thay đổi khác đi, việc xảy ra đã xảy ra rồi, việc đang diễn ra vẫn cứ diễn ra, anh không có quyền năng gì bắt thời gian quay ngược trở lại, điều anh ta muốn chính là giải toả ẩn ức của mình, hoàn thành việc mà trong quá khứ đã bỏ lại dang dở cho dù là anh vẫn không hiểu tí gì về bản chất của nó.

Quá khứ là bất khả tri. Thật vậy, nếu ai đã đọc hoặc sẽ đọc sách này có thể để ý thấy rằng vấn đề cốt lõi của vụ mất tích bí ẩn mãi mãi không bao giờ được hiểu, không ai hiểu, tsukuru thậm chí còn không thể chắc chắn rằng mình có thực sự phạm tội hay không, anh chấp nhận việc đã xảy ra như là chính nó mà không cố gắng giải thích thêm điều gì.

Bổ sung thêm thông tin cho khía cạnh thứ hai này của quá khứ, nhà tâm lý học Elizabeth Loftus đã có một buổi nói chuyện trên TED talk về false memory (trí nhớ sai lệch), nội dung chủ yếu là về sự mong manh mơ hồ của trí nhớ, sự dễ dàng tác động của nó bởi những gợi ý từ bên ngoài. Trí nhớ, theo bà, là không thể tin cậy như bà đã nói ở cuối buổi nói chuyện:

“That memory, like liberty, is a fragile thing.” (Trí nhớ, giống như quyền tự do, là thứ rất mong manh.)

Nếu chúng ta xâm nhập vào quá khứ bằng cách nhớ lại những sự kiện đã xảy ra để chiêm nghiệm mong hiểu thêm về những điều đã qua sẽ giống như khi ta đọc một cuốn sách ở nhiều thời điểm khác nhau, mỗi lần sẽ mỗi khác vì sự thêm thắt những tâm tư tình cảm của người đọc.

Đối lập hoàn toàn với nhân vật này là Reznik, người này muốn trốn thoát khỏi quá khứ vì anh đã phạm phải sai lầm khủng khiếp là vô tình cán chết đứa trẻ. Điều kỳ lạ chính là ở khía cạnh thứ 3 này của quá khứ, nó không buông tha ai. Đặc biệt là những ai sợ hãi muốn chối bỏ nó. Ta quẳng nó ra bằng cửa chính thì nó sẽ quay về qua cửa sổ. Reznik không muốn phải vào tù và cũng không muốn chịu sự trừng phạt của lương tâm nên đã vô thức chọn cách quên đi chính mình, nhân vật này không nhận ra chính mình trước đây trông ra sao, chạy xe mang biển số mấy…

Điều duy nhất nhân vật này thường xuyên để ý là mốc thời gian anh đã cán chết đứa bé, anh không thể nào không nhìn đồng hồ dù chỉ một lần khi nó nhảy đến 1h30. Rồi dần dần, lần lượt từng bóng ma hiện về nhắc anh về tội lỗi của mình, những trò đố chữ, ảo ảnh của chính anh ngày xưa, rồi tai nạn vô ý, bà mẹ của đứa bé và cả đứa bé đều hiện diện trong cơn hoang tưởng quay cuồng.

Quá khứ là bất khả tri, nó vẫn có khả năng tồn tại độc lập với ký ức của ta nhưng cũng không bao giờ buông tha ta. Nó không thực sự hiện hữu nhưng ta thấy nó ở khắp mọi nơi. Ta thấy nó vào một buổi chiều mưa, ta thấy nó bởi mùi hương thoang thoảng, ta thấy nó qua tiếng nhạc êm đềm… Ta thấy thấy nó trong hình hài của trẻ thơ, ta thấy nó ở khuôn mặt đứa con, ta thấy nó qua ánh mắt, nụ cười… Ta thấy nó bên dưới cây roi, sợi xích, tiếng la thét…

Quá khứ đi theo ta như bóng theo hình nhưng ta chưa bao giờ ý thức điều đó thật rõ ràng. Con người hiện tại của ta đây có thực sự là ta không? Hay hình hài này, tâm tư này chỉ là sự tích luỹ của quá khứ?

Chúng ta chưa bao giờ trống rỗng, chưa bao giờ thay đổi, chúng ta là sự tổng hợp của quá khứ, chúng ta là đồ nhân tạo, kiến thức của chúng ta cũng chỉ là kiến thức vay mượn từ người khác. Cho nên có thể nói quá khứ không phải là cái đã qua, quá khứ tồn tại ngay trong hiện tại và cũng sẽ có mặt ở trong tương lai, để sống được với hiện tại, kiến tạo tương lai thì phải dám đối diện với quá khứ.

 

Quyên Quyên


Nguồn:

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

4 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,560Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI