28.7 C
Da Lat
Thứ Năm, 18 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Nguồn gốc và bản chất của quyền con người

Featured image: michael.veltman

 

Ngày nay có quá nhiều từ được sử dụng để miêu tả các quan điểm chính trị: ví dụ như đảng bảo thủ, tự do, cấp tiến, cánh hữu, cánh tả, chủ nghĩa xã hội, cộng sản, chủ nghĩa Mao, phát xít, quốc xã; rồi chúng ta lại nghe thấy đảng tân bảo thủ, phát xít mới, và các loại “mới” trên đời. Khi được hỏi khuynh hướng chính trị của chúng ta là gì, chúng ta thường được kỳ vọng chọn một trong các từ liệt kê ở trên. Nếu chúng ta không có một quan điểm chính trị vững vàng hoặc nếu chúng ta sợ rằng sẽ lấy phải một chọn lựa tồi, khi đó chúng ta chọn cách an toàn bằng cách nói chúng ta thuộc xu hướng ôn hòa – và thế là lại thêm một từ nữa vào danh sách.

Không có tới một trên một ngàn người có thể định nghĩa rõ ràng ý thức hệ mà bất cứ một trong số những từ này đại diện. Chúng được sử dụng, chủ yếu, như là tên gọi để kể về phần tinh hoa của hoặc là điều tốt hoặc là điều xấu, tùy thuộc vào ai sử dụng những từ này và cảm xúc gì nảy sinh trong tâm trí họ. Hầu hết các tranh luận chính trị nghe như là chúng xuất phát tại tháp Babel, nơi mỗi người đang nói một ngôn ngữ khác nhau. Ngôn từ nghe có vẻ giống nhau, nhưng những người nói và những người nghe, từng người lại có một định nghĩa khác nhau cho những ngôn từ này.

Kinh nghiệm cho thấy, một khi những định nghĩa được hiểu giống nhau, thì rất nhiều các bất đồng chấm dứt. Rất nhiều người đã nghĩ rằng họ đã thuộc những ý thức hệ đối lập sâu sắc, và thường đã rất sửng sốt khi nhận ra rầng về cơ bản họ đồng thuận với nhau. Do vậy, để bàn về chủ đề tập thể chủ nghĩa, trước hết chúng ta phải loại bỏ ra những điều vô nghĩa. Nếu chúng ta muốn hiểu đươc ý nghĩa của các lịch trình chính trị đang chi phối hành tinh chúng ta ngày hôm nay, chúng ta phải không cho phép suy nghĩ của chúng ta bị nhiễm bẩn bởi gánh nặng đầy cảm xúc của những từ ngữ cũ kỹ.

Có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng hầu hết các tranh cãi chính trị lớn nhất của thời đại chúng ta có thể được phân chia thành chỉ hai quan điểm. Những cái còn lại chỉ là điều sai lầm. Điển hình, các tranh cãi chỉ tập trung vào câu hỏi là một hành động cụ thể có nên được thực hiện hay không; nhưng mâu thuẫn thực sự không nằm ở sự hay ho của hành động; mà nó nằm ở một nguyên tắc, một tiêu chuẩn đạo đức để làm cơ sở chính đáng cho phép hoặc ngăn cấm hành động đó. Nó là cuộc thi đấu giữa hai quan điểm đạo đức của một bên là Chủ nghĩa Tập thể và một bên là Tự do Cá nhân. Đây là những từ có ý nghĩa và chúng miêu tả vực thẳm ngăn cách về mặt triết học vốn đang chia rẽ cả thế giới, ít nhất là thế giới Phương Tây.

Một điểm chung của cả những người theo chủ nghĩa tập thể cũng như Tự do Cá nhân là đại đa số họ là có ý định tốt. Họ đều muốn cuộc sống tốt nhất có thể cho gia đình họ, cho người dân nước họ, và cho nhân loại. Họ muốn thịnh vượng và công bằng cho mọi người. Cái mà họ bất đồng là cách thức để mang đến những điều đó như thế nào?

Loạt bài gồm 5 phần tiếp theo đây bàn về năm cột trụ cơ bản khác nhau giữa Chủ nghĩa Tập thể và Tự do Cá nhân. Nếu lộn ngược đầu các cột trụ của Chủ nghĩa Tập thể thì chúng trở thành các cột trụ của Tự do Cá nhân. Nói cách khác, có năm khái niệm chính của các mối quan hệ chính trị và xã hội; và, trong mỗi khái niệm này, những người Tập thể Chủ nghĩa và Tự do Cá nhân có quan điểm trái ngược.

Nguồn gốc và bản chất của quyền con người ?

Những người theo Chủ nghĩa Tập thể và Tự do Cá nhân đều đồng thuận rằng quyền con người là quan trọng, nhưng họ khác nhau về mức độ quan trọng khi so với các giá trị khác và đặc biệt là bất đồng về nguồn gốc của các quyền này.

Quyền không phải là thực thể hữu hình để có thể xem hay cân đo được. Nó là các khái niệm trừu tượng trong tư duy của con người. Nó là bất cứ gì mà mọi người đồng ý với nhau tại một nơi, một thời điểm được xác định. Bản chất của nó thay đổi theo tiến trình phát triển của nền văn minh nhân loại. Ngày nay, nó biến tấu rất nhiều từ nền văn hóa này sang nền văn hóa khác. Có nền văn hóa chấp nhận rằng các quyền được ban cho bởi những người cai trị vốn nhận được sự ủy nhiệm của thần linh. Có nền văn hóa lại cho rằng quyền được ban cho con người trực tiếp bởi Chúa Trời. Trong những nền văn hóa khác, quyền được cảm nhận như là sự sở hữu vật chất những người khác. Những người sống trong các bộ lạc hay chế độ độc tài quân sự thậm chí không dành thời gian để nghĩ về quyền con người bởi vì họ không kỳ vọng gì bao giờ có được chúng. Một số nền văn hóa nguyên thủy thậm chí còn không có danh từ chỉ quyền.

Bởi vì có sự khác biệt lớn trong khái niệm quyền con người, nên chúng không thể được định nghĩa để có thể thỏa mãn tất cả mọi người. Tuy vậy, nó không có nghĩa là chúng không thể được định nghĩa thỏa mãn cho chính chúng ta. Chúng ta không cần thiết phải khăng khăng đòi những người trong nền văn hóa khác đồng ý với chúng ta; nhưng, nếu chúng ta muốn sống trong một nền văn hóa như chúng ta ưa thích, ví dụ nền văn hóa đảm bảo chúng ta có lượng tối ưu sự tự do cá nhân, thì khi đó chúng ta phải rất nghiêm túc về định nghĩa được ưa thích hơn về quyền con người. Nếu chúng ta không có khái niệm quyền nên là cái gì, thì có vẻ như chúng ta sẽ sống dưới một định nghĩa không giống như chúng ta ưa thích.

Việc đầu tiên cần phải hiểu khi tìm tòi một định nghĩa hữu ích về quyền là: nguồn gốc xác định bản chất. Khái niệm này cần phải được bàn rất chi tiết hơn, nhưng nó cần phải được phát biểu trước ở đây. Nếu chúng ta có thể đồng ý về nguồn gốc của quyền, chúng ta sẽ ít gặp khó khăn hơn khi đồng ý về bản chất của chúng.

Lấy ví dụ một nhân viên bảo vệ được thuê bởi hội đồng địa phương để bảo vệ tài sản của cư dân trong vùng, bản chất của các hoạt động của người bảo vệ phải bị giới hạn trong các hoạt động mà các cư dân đó được quyền làm. Điều này có nghĩa là người bảo vệ có thể đi tuần trong địa bàn và, nếu cần thiết, ngăn chặn các tên trộm cắp hoặc tội phạm dùng vũ lực. Nhưng người bảo vệ không có thẩm quyền để bắt buộc cư dân phải cho trẻ em đi ngủ trước 10 giờ đêm hay bắt buộc quyên góp cho Hội Chữ Thập Đỏ. Tại sao không? Bởi vì những cư dân là khởi nguồn của ủy quyền này; bản chất của sự ủy quyền không thể bao gồm bất kỳ hành động nào mà bản thân nguồn ủy quyền không được phép làm; và rõ ràng những cư dân trong cộng đồng không có quyền bắt ép hàng xóm của họ trong những việc này.

Quyền phải được giành lấy từ chiến trường

Trong những xã hội mà trải qua nhiều thế hệ đã không có chiến tranh và cách mạng, người ta rất dễ quên rằng quyền được đảm bảo bởi sức mạnh quân sự. Quyền có thể được chuyển giao cho thế hệ tiếp theo như là một món quà tặng, nhưng chúng luôn luôn được giành lấy từ chiến trường. Tuyên Ngôn Nhân Quyền (Bills of Rights) của Hoa Kỳ là một ví dụ kinh điển. Những người đã soạn thảo văn bản đó chỉ có thể làm thế bởi vì họ đại diện cho mười ba tiểu bang đã đánh bại quân đội của đế quốc Anh. Nếu như họ đã thất bại trong cuộc chiến giành độc lập thì họ đã không có cơ hội để viết Tuyên Ngôn Nhân Quyền hay bất cứ thứ gì khác ngoại trừ lá thư chia tay trước khi bị hành quyết. Thật không may là Mao Trạch Đông đã đúng khi ông ta nói rằng quyền lực chính trị nảy nở và phát triển từ những thùng thuốc súng. Ông ta hoàn toàn đúng. Một người có thể tuyên bố rằng anh ta có quyền làm việc này việc nọ xuất phát từ qui định của Luật hoặc từ Hiến Pháp hay thậm chí từ Chúa Trời; nhưng ở trong hoàn cảnh kẻ thù, hoặc một tên tội phạm hoặc một bạo chúa đang chĩa súng vào đầu, anh ta không có sức mạnh để thực hiện các quyền anh ta đòi hỏi. Quyền luôn luôn dựa trên sức mạnh. Nếu chúng ta mất khả năng hoặc sự sẵn sàng để bảo vệ bằng sức lực các quyền của chúng ta, chúng ta sẽ mất chúng.

Điều này dẫn chúng ta đến với sự khác biệt sâu sắc giữa những người theo Chủ nghĩa Tập thể và Tự do Cá nhân. Nếu quyền là giành được trên chiến trường, chúng ta có thể giả thiết rằng chúng thuộc về người chiến thắng, nhưng họ là ai? Nhà nước chiến thắng cuộc chiến hay nhân dân? Nếu nhà nước chiến thắng cuộc chiến và nhân dân chỉ phụng sự nó, khi đó nhà nước nắm quyền và được phép ban phát cho nhân dân hoặc rút lại. Mặt khác, nếu nhân dân chiến thắng cuộc chiến và nhà nước chỉ phụng sự họ, khi đó nhân dân nắm quyền và được phép ban phát cho nhà nước hoặc rút lại chúng. Nếu nhiệm vụ của chúng ta là phải định nghĩa quyền là gì cho một xã hội tự do, chúng ta phải chọn giữa hai khái niệm này. Những người Tự do Cá nhân chọn lựa khái niệm rằng quyền đến từ nhân dân và nhà nước là đầy tớ. Những người Tập thể Chủ nghĩa chọn lựa khái niệm quyền đến từ nhà nước và nhân dân là đầy tớ.Những người Tự do Cá nhân không an tâm với giả định thứ nhì, là vì nếu nhà nước có quyền lực để ban phát quyền, thì họ cũng có quyền lực để lấy chúng đi, và khái niện đó không tương đồng với tự do cá nhân.

Quan điểm của Tự do Cá nhân đã được thể hiện rất rõ ràng trong Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ như sau:

“Chúng ta công nhận những gì sau đây là sự thật hiển nhiên, rằng tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng họ được Tạo hóa ban tặng những quyền tự nhiên không thể tách rời; rằng những quyền trong số đó bao gồm quyền được Sống, được hưởng Tự do, và được mưu cầu Hạnh Phúc. Rằng để bảo vệ những quyền này, chính quyền được thành lập từ nhân dân…”

Không gì có thể rõ ràng hơn thế. Từ điển nói với chúng ta rằng không thể chuyển nhượng có nghĩa là “không thể tách rời.” Giả thiết ở đây là quyền là sở hữu bẩm sinh của con người. Mục đích của nhà nước, không phải là để ban phát quyền, mà là để bảo vệ và chống đỡ cho chúng. Trái ngược lại, tất cả các hệ thống chính trị Tập thể Chủ nghĩa đi theo quan điểm đối lập cho rằng quyền được ban cho bởi nhà nước. Nó bao gồm Quốc xã, Đế quốc và Cộng sản. Đáng tiếc khi nó cũng là giáo lý của Liên Hiệp Quốc. Điều 4 của Hiến chương LHQ viết: “Các Đảng Nhà nước tham gia hiệp ước này thừa nhận rằng, trong việc hưởng các quyền được cung cấp bởi nhà nước… nhà nước có thể đưa các quyền này vào trong các giới hạn được xác định bởi luật pháp.”

Cần nhấn mạnh một lần nữa: nếu chúng ta chấp nhận rằng nhà nước có quyền lực để ban phát quyền, khi đó chúng ta cũng phải đồng ý rằng họ có quyền lực để lấy đi các quyền đó. Hãy lưu ý cách dùng từ trong hiến chương LHQ. Sau khi tuyên bố rằng các quyền đó được cung cấp bởi nhà nước, nó nói tiếp theo rằng các quyền này có thể được đưa vào các giới hạn “như được xác định bởi luật pháp.” Nói cách khác, những người tập thể chủ nghĩa tại LHQ đã mạo muội ban cho chúng ta các quyền của chúng ta và, khi đó họ cũng đã sẵn sàng để tước đi chúng, tất cả những gì họ cần để làm việc này chỉ là thông qua dự luật cho phép việc đó.

So sánh với Tuyên Ngôn Nhân Quyền (Bill of Rights) trong Hiến pháp Hoa Kỳ viết: Quốc hội sẽ không ban hành bất cứ luật nào hạn chế những quyền tự do ngôn luận, tôn giáo, hội họp hòa bình, quyền phục vụ quân ngũ, vân vân và vân vân – không có ngoại lệ như được xác định bởi luật, mà là không có bất cứ luật nào. Tuyên Ngôn Nhân Quyền xứng đáng là hiện thân của đạo lý của Chủ nghĩa Tự do Cá nhân. LHQ là hiện thân của đạo lý của Tập thể Chủ nghĩa, và điều đó làm chúng thật khác biệt biết bao.

Nguồn gốc quyền lực của nhà nước

Liên hệ chặt chẽ với nguồn gốc của quyền con người là nguồn gốc quyền lực của nhà nước. Nó là mặt còn lại của cùng một đồng xu. Như phát biểu ở trên, những người Tự do Cá Nhân tin rằng một nhà nước công bằng nhận được quyền lực của nó từ nhân dân. Điều đó có nghĩa là nhà nước không thể có bất kỳ quyền lực hợp pháp nào ngoại trừ chúng được ban cho bởi công nhân của nó. Nói cách khác là chính phủ chỉ có thể làm những việc mà những công dân của nó có quyền làm. Nếu các cá nhân không có quyền để thực hiện một hành động nào đó, khi đó họ không thể ban cái quyền đó cho những người đại diện do họ bầu ra. Họ không thể ủy quyền cái gì mà họ không có. Bất chấp họ có bao nhiêu người thì nó vẫn là vậy. Nếu không một ai trong số họ có quyền để ủy quyền, thì một triệu người như họ cũng vẫn không có nốt.

Hãy sử dụng một ví dụ cực đoan, giả sử rằng một con thuyền bị chìm trong một cơn bão, và ba con người kiệt sức đang phải vật lộn để sống sót giữa biển khơi. Thình lình họ bắt được một chiếc phao cứu sinh. Chiếc phao được thiết kế để giữ cho một người nổi; nhưng với sự phối hợp rât cẩn trọng, nó có thể giữ cho hai người nổi. Nhưng khi người thứ ba vịn vào phao thì nó bắt đầu chìm, và cả ba một lần nữa lại không thể bảo vệ mình giữa biển khơi. Họ bèn thử xoay vòng với nhau, cứ một người đứng nước thì hai người kia bám vào phao; tuy nhiên sau vài giờ thì không còn một ai trong số họ còn đủ sức để tiếp tục đứng nước. Một sự thật ác nghiệt dần trở nên rõ ràng. Trừ phi một người trong số họ bị tách ra khỏi nhóm, nếu không cả ba sẽ chết đuối. Vậy, theo bạn, khi đó những người này nên làm gì? Hầu hết mọi người sẽ nói rằng hai người trong số họ sẽ áp chế người thứ ba để loại bỏ anh ta. Quyền sống sót là tối cao. Lấy đi mạng sống của người khác, một hành động kinh khủng, là chính đáng về mặt đạo đức nếu cần thiết để bảo vệ cuộc sống của chính bạn.

Điều này rõ ràng đúng đối với hành động cá nhân, nhưng còn hành động tập thể thì sao? Từ đâu hai người có quyền kéo bè chống lại một người? Những người Tập thể Chủ nghĩa trả lời rằng hai người có quyền lớn hơn vì họ làm thành số đông hơn người thứ ba. Nó là câu hỏi của toán học: lợi ích lớn nhất dành cho số đông nhất. Điều đó khiến cho nhóm trở nên quan trọng hơn cá nhân và vì vậy nó có lý do chính đáng để hai người áp chế một người buông tay khỏi chiếc phao. Có một logic nào đó trong lập luận này, nhưng nếu chúng ta đơn giản hóa hơn nữa ví dụ này, chúng ta sẽ thấy rằng, mặc dù hành động có thể đúng nhưng lý do nó được cho là chính đáng lại sai lầm.

Bây giờ hãy giả sử rằng chỉ có hai người sống sót – do đó chúng ta loại bỏ đi khái niệm nhóm – và hãy giả sử rằng chiếc phao chỉ nổi được với một người, không phải hai người. Dưới những điều kiện này, nó sẽ tương đương như là đối mặt với kẻ thù trên chiến trường. Bạn phải giết hoặc bị giết. Chỉ một người có thể sống sót. Bây giờ thì chúng ta đang bàn về sự cạnh tranh quyền được sống sót của mỗi cá nhân, và không có một nhóm tưởng tượng để làm rối rắm vấn đề. Dưới điều kiện cực đoan này, rõ ràng mỗi người có quyền làm bất cứ việc gì có thể để bảo toàn cuộc sống của anh ta, kể cả nó dẫn đến cái chết của người khác. Một vài người có thể lập luận rằng nó tốt hơn là hy sinh cuộc sống mình cho một người xa lạ, nhưng một số khác lại cho rằng không đấu tranh cho mạng sống của mình là sai lầm. Như vậy, khi các điều kiện được đơn giản hoá tới bản chất trần trụi nhất của chúng, chúng ta thấy rằng quyền để từ chối cuộc sống của người khác đến từ quyền của cá nhân để bảo vệ cuộc sống của chính anh ta. Nó không cần đến cái gọi là nhóm để cho phép việc đó.

Trong trong hợp đầu tiên của ba người sống sót, lý do thích đáng cho việc từ chối cuộc sống của một trong số họ không đến từ biểu quyết số đông mà đến từ quyền sống sót riêng biệt của từng cá nhân họ. Nói cách khác, từng người trong họ, hành động độc lập, sẽ được coi là chính đáng trong hành động này. Họ không được trao quyền bởi nhóm.

Khi chúng ta trả tiền cho cảnh sát để bảo vệ cộng đồng của chúng ta, chúng ta chỉ yêu cầu họ làm những gì mà chính chúng ta có quyền làm. Sử sụng vũ lực để bảo vệ cuộc sống, tự do và tài sản của chúng ta là chức năng hợp pháp của chính phủ, bởi vì quyền lực đó bắt nguồn từ nhân dân với tư cách là các cá nhân. Nó không bắt nguồn từ nhóm.

Và đây là một ví dụ nữa, ít cực đoan hơn rất nhiều nhưng khá tiêu biểu cho những gì thực sự diễn ra hằng ngày với các hội đồng lập pháp. Nếu chính phủ một ngày kia ra nghị quyết rằng không ai nên làm việc vào ngày ngày chủ nhật, và thậm chí giả sử rằng cộng đồng nói chung ủng hộ quyết định của họ, thế thì từ đâu họ có thẩm quyền sử dụng sức mạnh của cảnh sát của nhà nước để cưỡng chế nghị định này? Từng cá nhân công dân không có quyền áp buộc người hàng xóm dừng làm việc, do đó họ không thể ủy nhiệm cái quyền đó cho nhà nước. Khi đó từ đâu, nhà nước có được thẩm quyền đó? Câu trả lời là nó sẽ đến từ chính nó; nó sẽ được tự tạo ra. Nó tương tự như là quyền thần thánh của các nền quân chủ cố xưa khi giả thiết rằng vua đại diện cho quyền lực và ý chí của Trời. Trong xã hội hiện đại, hầu hết các chính phủ thậm chí không cần giả vờ có Trời ban thẩm quyền cho họ, họ chỉ dựa vào quân đội và các đơn vị cánh sát đặc nhiệm, và bất cứ ai chống đối sẽ bị loại bỏ.

Khi nhà nước tuyên bố xuất phát thẩm quyền của họ từ bất cứ nguồn nào không phải là nhân dân, nó luôn luôn dẫn đến sự hủy hoại của tự do. Ngăn cấm mọi người làm việc vào ngày chủ nhật không có vẻ gì là mối đe dọa lớn đối với tự do, nhưng một khi tiền lệ đã được thiết lập, nó mở đường cho nhiều sắc lệnh khác nữa, và ngày càng nhiều hơn nữa cho đến khi tự do ra đi. Nếu chúng ta chấp nhận rằng nhà nước hoặc bất cứ nhóm nào có quyền làm những việc mà các cá nhân một mình không có quyền làm, khi đó chúng ta một cách vô thức xác nhận khái niệm rằng quyền không thuộc về bản chất bên trong của từng cá nhân và chúng, trên thực tế, xuất phát từ nhà nước. Một khi chúng ta chấp nhận điều đó, chúng ta đang trên con đường dẫn tới sự cai trị của một chính thể chuyên quyền, độc tài.

Những người tập thể chủ nghĩa không quan tâm đến các vấn đề cầu kỳ này. Họ tin rằng nhà nước, trên thực tế, có quyền lực lớn hơn quyền của các công dân của nó, và nguồn gốc của quyền lực này, theo họ, không phải là các cá nhân trong xã hội, mà là chính xã hội đó, tức là nhóm mà cá nhân thuộc về.

 

Thánh Ca Tự Do
(Trích G.E.G)
Edit: THĐP

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

2 BÌNH LUẬN

  1. sắp thi tốt nghiệp, đang cân nhắc xem có nên mượn một vài ý của bạn để viết vào bài thi hay không vì tính ra nội dung hông có gì gọi là phản động mà lại khá hay nữa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI