19 C
Da Lat
Thứ Bảy, 20 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Chủ nghĩa Tự do vs. Chủ nghĩa Tập thể

 Featured Image: Ewitsoe

 

Vấn đề cơ bản của thế giới hôm nay là gì?

Vấn đề cơ bản của thế giới ngày hôm nay là giữa hai nguyên tắc đạo lý: Chủ nghĩa Tự do và Chủ nghĩa Tập thể.

Chủ nghĩa Tự do xem con người có những quyền được ban cho bởi tạo hóa và không thể chuyển nhượng hay bị tước đoạt bởi bất kỳ người nào, bởi bất cứ số đông, nhóm hoặc tập thể những người khác. Vì thế mỗi người tồn tại bởi những quyền của riêng anh ta và cho lợi ích của chính anh ta, chứ không phải cho lợi ích của một nhóm.

Chủ nghĩa Tập thể cho rằng con người không có quyền; rằng công việc, thân thể và nhân cách anh ta thuộc về nhóm; rằng nhóm có thể làm với anh ta bất cứ gì họ muốn, vì lợi ích của những gì họ tự quyết định là vì sự thịnh vượng của nhóm. Vì thế mỗi con người tồn tại chỉ bởi sự cho phép của nhóm và vì lợi ích của nhóm.

Hai nguyên tắc cơ bản này là cội nguồn của hai hệ thống xã hội đối nghịch. Vấn đề cơ bản của thế giới ngày nay là giữa hai hệ thống này.

Hệ thống xã hội là gì?

Hệ thống xã hội là những quy tắc luật pháp mà mọi người tuân theo để cùng chung sống với nhau. Những quy tắc này phải có một nguyên tắc cơ bản, một điểm xuất phát, hoặc nói cách khác nó không thể được tưởng tượng ra. Điểm xuất phát là câu hỏi: quyền lực của xã hội là có giới hạn hay vô hạn?

Chủ nghĩa Tự do trả lời rằng: quyền lực của xã hội bị giới hạn bởi những quyền cá nhân, do tạo hóa ban phát con người. Xã hội chỉ có thể đề ra những luật mà không vi phạm đến những quyền này.

Chủ nghĩa Tập thể trả lời rằng: quyền lực của xã hội là không giới hạn. Xã hội có thể làm bất cứ luật nào nó muốn, và áp đặt chúng lên bất cứ người nào theo bất cứ cách nào nó mong muốn.

Ví dụ: dưới hệ thống của chủ nghĩa Tự do , một triệu người không thể thông qua luật để giết chết một người vì lợi ích của họ. Nếu họ vẫn làm và giết người đó, họ đang phạm pháp – do pháp luật bảo vệ quyền được sống của anh ta – và như vậy họ sẽ bị trừng phạt.

(Khi lực lượng quân đội Mỹ đột kích và giết chết Osama Bin Laden, các phóng viên đã đặt câu hỏi: Bin Laden có vũ khí và có đã chống trả lại không? Đã có nỗ lực nào để bắt sống ông ta không? Lý do của thắc mắc này là vì: là con người Bin Laden có quyền sống và có quyền được xét xử bởi tòa án.)

Dưới hệ thống của Chủ nghĩa Tập thể, một triệu người (hoặc bất cứ ai tuyên bố đại diện cho họ) có thể thông qua luật để giết một người (hoặc một thiểu số), bất cứ lúc nào họ nghĩ đa số sẽ có lợi với cái chết của người đó. Quyền được sống của anh ta không được thừa nhận.

(Khi bà Nguyễn Thị Năm bị hành quyết trong chương trình cải cách ruộng đất của Đảng Cộng Sản Việt Nam tại miền Bắc những năm 1949 – 1956 quyền được sống của bà Năm đã không được công nhận mặc dù bà đã không gây ra tội lỗi nào, thậm chí còn là người có công với cách mạng. Một khi tập thể đã quyết định rằng cái chết của cá nhân có lợi cho “đa số” thì cá nhân phải bị xử tử hình.)

Dưới chủ nghĩa Tự do , giết một người là phạm pháp và là hợp pháp khi một người tự bảo vệ mình. Luật đứng về phía của quyền. Dưới chủ nghĩa Tập thể nó là hợp pháp khi đại đa số giết một người và bất hợp pháp khi người đó tự vệ. Luật đứng về phía của số đông.

Trong trường hợp đầu tiên, luật cấm tử hình tiêu biểu cho nguyên tắc đạo đức.

Trong trường hợp thứ nhì, luật tiêu biểu cho một khái niệm rằng chẳng có nguyên tắc đạo đức nào cả, và mọi người có thể làm bất cứ những gì họ thích, miễn là có đủ số lượng những người như họ.

Dưới hệ thống của chủ nghĩa Tự do , mọi người lúc nào cũng bình đằng trước pháp luật. Mỗi người có cùng những quyền, bất chấp anh ta chỉ có một mình hay có cả triệu người khác ủng hộ.

Dưới hệ thống của chủ nghĩa Tập thể, mọi người phải kết băng đảng với những người khác – và bất cứ ai có băng đảng lớn nhất tại thời điểm đó, có mọi quyền, trong khi người thất bại (cá nhân hoặc một thiểu số) sẽ chẳng có gì. Bất cứ người nào cũng có thể là một ông chủ tuyệt đối hoặc một người nô lệ vô vọng – tùy thuộc vào số lượng trong băng đảng của mình.

Một ví dụ của hệ thống đầu tiên: Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ khi tuân thủ với Hiến Pháp và Tuyên Ngôn Độc Lập của họ.

Một ví dụ của hệ thống thứ nhì: Nước Nga Sô Viết, Đức Quốc Xã, Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa.

Dưới hệ thống Sô Viết, hàng triệu những người nông dân hay địa chủ đã bị hành quyết bới luật pháp, một luật được biện minh lấy cớ rằng điều này là vì lợi ích của đại đa số, mà nhóm cai trị dám chắc là “bài địa chủ”. Dưới chế độ Đức Quốc Xã, hàng triệu những người do thái đã bị hành quyết bới luật pháp, một luật được biện minh lấy cớ rằng điều này là vì lợi ích của đại đa số, mà nhóm cai trị dám chắc là “bài Do thái”.

Luật Sô Viết hay luật Đức Quốc Xã là hệ quả tất yếu và nhất quán với nguyên tắc của Chủ nghĩa Tập thể. Khi được áp dụng vào thực tế, một nguyên tắc mà không thừa nhận đạo đức lẫn những quyền cá nhân, còn có thể dẫn đến điều gì khác ngoài tính tàn bạo.

Hãy nằm lòng những điều này khi bạn thử quyết định cái gì là một hệ thống xã hội đúng đắn. Bạn phải bắt đầu bằng cách trả lời câu hỏi đầu tiên. Hoặc quyền lực của xã hội là bị giới hạn, hoặc là không. Không thể là cả hai.

Những nguyên tắc cơ bản của tự do là gì?

Chủ nghĩa Tự do được xây dựng trên nguyên tắc rằng con người sở hữu những quyền do tạo hóa ban tặng.

  • Rằng những quyền này thuộc về mỗi người như những cá nhân – không thuộc về nhiều người như một tập thể hay một nhóm;
    rằng những quyền này là sở hữu vô điều kiện, riêng tư, cá nhân, riêng biệt của mỗi người – không phải là sỡ hữu tập thể, xã hội hay công cộng của một nhóm;
  • Rằng những quyền này được tạo hóa ban cho con người khi sinh ra – không phải bởi một đạo luật của xã hội;
  • Rằng con người có những quyền này, không phải từ tập thể hay vì tập thể, mà là đối kháng với tập thể – như là một ranh giới mà tập thể không thể xâm phạm;
  • Rằng những quyền này là sự bảo vệ của một người khỏi tất cả những người khác;
  • Rằng chỉ duy nhất trên cơ sở của những quyền này con người mới có một xã hội tự do, công bằng, nhân phẩm, và đứng đắn;

Hiến pháp của Tự Do không phải là văn bản giới hạn những quyền của con người – mà là văn bản giới hạn quyền của xã hội đối đối với mỗi con người.

Quyền là gì?

Quyền là sự công nhận hành vi độc lập. Quyền là những gì có thể được hành sử mà không cần sự cho phép của bất cứ ai. Nếu bạn tồn tại chỉ bởi vì xã hội cho phép bạn – bạn không có quyền đối với cuộc sống của riêng bạn. Sự cho phép có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào. Nếu, trước khi thực hiện một số hành động, bạn phải có được sự phê chuẩn của xã hội – bạn không có tự do bất chấp sự phê chuẩn này được thông qua hay không.

Chỉ có nô lệ mới hành động dựa trên sự cho phép. Sự cho phép không phải là quyền. Đừng nhầm lẫn tại điểm này khi nghĩ rằng một người công nhân là nô lệ và rằng anh ta giữ được việc làm vì sự cho phép của người chủ. Anh ta giữ việc làm không phải vì sự cho phép – mà là bởi hợp đồng, mà là sự đồng thuận tự nguyện với nhau. Người công nhân có thể bỏ việc. Nô lệ thì không.

Những quyền của tạo hóa cho con người là gì?

Những quyền của tạo hóa cho con người là: quyền được sống, quyền được tự do và quyền được mưu cầu hạnh phúc.

Quyền được sống có nghĩa là một người không thể bị tước đi cuộc sống của mình vì lợi ích của những người khác hoặc bất cứ số đông nào những người khác.

Quyền được Tự do có nghĩa là quyền của một người có hành động cá nhân, lựa chọn cá nhân, tự chủ cá nhân, và tài sản cá nhân. Không có quyền đối với tài sản cá nhân thì không thể có tự do hành động.

Quyền mưu cầu hạnh phúc có nghĩa là mỗi người có quyền sống cho bản thân, quyền chọn những gì cấu thành hạnh phúc bản thân, cá nhân và riêng tư, và làm việc để đạt được những điều đó miễn là anh ta tôn trọng cũng quyền đó của những người khác. Nó có nghĩa là một người không thể bị ép buộc hiến dâng cuộc sống của mình cho hạnh phúc của người khác hoặc của bất cứ số đông nào những người khác. Nó có nghĩa là tập thể không thể quyết định cái gì nên là mục đích của sự tồn tại của một người cũng như không thể quy định những chọn lựa hạnh phúc cho một người.

Làm thế nào để chúng ta nhận ra quyền của người khác?

Do con người có những quyền do tạo hóa ban tặng, có nghĩa là cùng những quyền đó được có cho từng người, bởi mỗi người, bởi tất cả mọi người, tại mọi thời điểm. Vì thế, những quyền của một người không thể và không được xâm phạm tới những quyền của người khác.

Ví dụ: một người có quyền sống, nhưng anh ta không có quyền lấy đi cuộc sống của người khác. Anh ta có quyền được tự do, nhưng không có quyền bắt làm nô lệ người khác. Anh ta có quyền chọn hạnh phúc cho riêng mình, nhưng không có quyền quyết định rằng hạnh phúc của mình đổi bằng sự bất hạnh (hoặc sát nhân hoặc cướp bóc hoặc nô dịch) của người khác. Chính ngay quyền mà dựa vào đó một người hành động định nghĩa cùng một quyền đó của người khác, và đóng vai trò kim chỉ nam cho biết cái gì một người có thể và không thể làm.

Đừng mắc nhầm lẫn của một kẻ ngu dốt khi nghĩ rằng người theo chủ nghĩa Tự do là người nói: “Tôi sẽ làm những gì tôi thích bằng phí tổn của người khác.” Một người theo chủ nghĩa Tự do là người nhận ra được những quyền ban tặng bởi tạo hóa cho mỗi người – cho mình và cho người khác.

Một người theo chủ nghĩa Tự do là người nói: “Tôi sẽ không nắm cuộc sống của ai cũng không để ai nắm cuộc sống của tôi. Tôi sẽ không cai trị và không để bị cai trị. Tôi sẽ không là ông chủ cũng chẳng là nô lệ. Tôi sẽ không hy sinh bản thân cho người khác – cũng chẳng hy sinh người khác cho bản thân tôi.”

Một người theo chủ nghĩa Tập thể là người nói: “Hãy tập hợp lại đây, những cậu bé – và khi đó con voi sẽ chui lọt lỗ kim!”

Làm thế nào để xác định rằng một quyền là đã bị xâm phạm?

Quyền không thể bị xâm phạm ngoại trừ sử dụng vũ lực. Một người không thể tước đi quyền sống của người khác, không thể nô dịch anh ta, cũng như không thể cấm anh ta mưu cầu hạnh phúc, ngoại trừ bằng cách sử dụng vũ lực chống lại anh ta. Bất cứ lúc nào một người bị ép buộc hành động mà không có sự đồng thuận của anh ta một cách tự nguyện, cá nhân, riêng tư và tự do – quyền của anh ta đã bị xâm phạm.

Chính vì vậy, chúng ta có thể vẽ một ranh giới rõ ràng giữa quyền của người này và người khác. Nó là một ranh giới khách quan – không phụ thuộc vào sự khác biệt quan điểm, không phụ thuộc vào quyết định của đa số, cũng chẵng phụ thuốc vào sắc lệnh chuyên quyền của xã hội. KHÔNG NGƯỜI NÀO CÓ QUYỀN KHỞI ĐẦU SỬ DỤNG VŨ LỰC CHỐNG LẠI NGƯỜI KHÁC.

Luật hành xử thực tế của một xã hội tự do, là xã hội của chủ nghĩa Tự do, là đơn giản và dứt khoát: bạn

Không thể trông chờ hoặc yêu cầu bất cứ hành động nào từ những người khác, ngoại trừ thông qua sự đồng thuận một cách tự do, tự nguyện của anh ta.

Đừng bị lầm lạc tại điểm này bởi mánh lới cũ của những người theo chủ nghĩa Tập thể như vầy: Không thể có Tự do tuyệt đối, do bạn không được tự do giết người; xã hội giới hạn tự do của bạn khi nó không cho phép bạn giết người; vì thế, xã hội có quyền hạn chế tự do của bạn theo cách nó thấy phù hợp; vì thế, hãy từ bỏ ảo tưởng về Tự do – Tự do là bất cứ gì do xã hội quyết định.

Nó không phải là xã hội, cũng chẳng phải quyền xã hội, ngăn cấm bạn giết người – mà là quyền do tạo hóa ban tặng, quyền của một người được sống. Đó không phải là “thỏa hiệp” giữa hai quyền – mà là một đường ranh giới bảo vệ cả hai quyền không bị xâm phạm. Ranh giới đó không đến từ sắc lệnh của xã hội – mà đến từ quyền do tạo hóa ban tặng cho chính cá nhân bạn. Định nghĩa của sự giới hạn này không được phán định bởi xã hội – mà là ẩn tàng trong định nghĩa của ngay chính từ quyền của bạn.

Bên trong khối cầu của những quyền của riêng bạn, tự do của bạn là tuyệt đối.

Vai trò đúng đắn của chính phủ là gì?

Vai trò đúng đắn của chính phủ là bảo vệ quyền con người; có nghĩa là bảo vệ con người chống lại vũ lực.

Trong một hệ thống xã hội đúng đắn, mọi người không sử dụng vũ lực đối với người khác; Sức mạnh chỉ có thể sử dụng trong tự vệ, đó là, để bảo vệ quyền bị xâm phạm bởi vũ lực. Mọi người ủy quyền cho chính phủ quyền sử dụng sức mạnh trong phản vệ – và chỉ trong phản vệ.

Chính phủ thích đáng không khởi xướng sự sử dụng của vũ lực. Nó sử dụng sức mạnh chỉ để đáp trả những kẻ đã khởi xướng vũ lực. Ví dụ khi chính quyền bắt một kẻ tội phạm, thì không phải là chính quyền xâm phạm quyền cá nhân, mà là chính tên tội phạm đã xâm phạm quyền cá nhân và khi làm như vậy hắn đã tự đặt mình ra khỏi nguyên tắc của quyền cá nhân, khi đó mọi người không có cách nào khác ngoại trừ dùng vũ lực chống lại hắn.

Bây giờ quan trọng là phải nhớ rằng tất cả các hành động được định nghĩa như là tội ác trong một xã hội tự do liên quan đến vũ lực và chỉ những hành động này mới được đáp trả bằng vũ lực.

Đừng để bị nhầm lẫn bởi sự diễn đạt ướt át như là “kẻ sát nhân thực hiện tội ác chống lại xã hội”. Kẻ sát nhân không sát hại xã hội, mà là sát hại cá nhân khác. Hắn không phá vỡ quyền xã hội, mà là quyền cá nhân. Hắn không bị trừng phạt vì làm tổn hại tập thể. Hắn không làm tổn thương cả một tập thể – hắn chỉ làm tổn thương một người. Nếu tên tội phạm cướp đoạt của mười người, thì hắn cũng không cướp của tập thể mà là của mười cá nhân. Không có cái gọi là tội phạm chống lại “xã hội” – tất cả các tội ác được thực hiện chống lại những con người cụ thể, những cá nhân cụ thể. Nhiệm vụ chính xác của một hệ thống xã hội đúng đắn và của một chính phủ đúng đắn là để bảo vệ cá nhân chống lại sự tấn công của tội phạm, chống lại vũ lực.

Tuy nhiên, khi mà chính phủ trở thành người khởi xướng sử dụng vũ lực, thì sự bất công và suy đồi đạo đức liên quan sẽ là không thể tả xiết.

Lấy ví dụ:khi một chính phủ tập thể yêu cầu một người làm việc và trói anh ta vào một công việc, bằng hình phạt cầm tù hoặc tử hình, đó là trường hợp chính phủ khởi xướng sự sử dụng của vũ lực. Một người mà không dùng bạo lực với bất cứ ai nhưng chính phủ lại sử dụng bạo lực chống lại anh ta. Không thể có sự lý giải thỏa đáng nào cho trình tự này trên lý thuyết. Và không thể đạt kết quả nào trên thực tế ngoại trừ máu và sự khủng bố mà bạn có thể quan sát thấy trong bất kỳ đất nước Tập thể Chủ nghĩa nào.

Sự lầm lạc về mặt đạo đức có liên quan là như vầy: nếu mọi người không có chính phủ và không có bất cứ hệ thống xã hội nào, họ có thể phải tồn tại thông qua sức mạnh tuyệt đối và phải đánh nhau với từng người một khi có bất kỳ sự bất đồng nào. Trong nhà nước như vậy, một người sẽ có cơ hội công bằng với một người khác, nhưng anh ta không có cơ hội nào khi đối đầu với mười người khác. Con người cần sự bảo vệ không phải là để khi đối kháng với cá nhân, mà là khi đối kháng với một nhóm.

Trong thực tiễn, khi những xã hội Tập thể Chủ nghĩa vi phạm những quyền của thiểu số (hoặc của một cá nhân), thì kết quả là thiểu số mất luôn quyền đó, và quyền đó được chuyển sang nhóm nhỏ toàn quyền cai trị thông qua sức mạnh vũ lực tàn bạo.

Nếu bạn muốn hiểu với sự phân biệt thật rõ ràng sự khác nhau giữa việc sử dụng sức mạnh để kháng cự (như nó được sử dụng bởi chính phủ trong xã hội Tự do) và sự sử dụng sức mạnh như là sự khống chế chủ yếu (như nó được sử dụng bởi chính phủ trong xã hội Tập thể Chủ nghĩa), thì đây là ví dụ đơn giản nhất: nó giống hệt sự khác nhau giữa kẻ sát nhân và người giết người để tự vệ. Chính phủ đúng đắn hành xử trên nguyên tắc một người tự vệ. Chính phủ Tập thể Chủ nghĩa hành xử như một kẻ sát nhân.

Có thể có một hệ thống xã hội “pha trộn”?

Không thể có một hệ thống xã hội mà là sự pha trộn giữa chủ nghĩa Tự do và Chủ nghĩa Tập thể. Hoặc là quyền cá nhân được nhìn nhận trong xã hội hoặc là không. Chúng không thể được “nửa” nhìn nhận.

Tuy nhiên, cái thường xảy ra là một xã hội dựa trên Chủ nghĩa Tự do không có đủ can đảm, chính trực và trí tuệ để quan sát những nguyên lý của chính nó phù hợp trong mỗi ứng dụng thực tiễn. Thông qua sự ngu dốt, hèn nhát, sự ướt át trí tuệ, xã hội này thông qua những đạo luật và những quy định mà đối nghịch với chính những nguyên lý cơ bản của nó và xâm phạm quyền con người. Trong mức độ của sự xâm phạm này, xã hội phạm vào tội ác của sự bất công, độc ác và ngược đãi. Nếu những vi phạm này không được sửa chữa, xã hội sẽ rơi vào sự hỗn loạn của Chủ nghĩa Tập thể.

Khi bạn nhìn thấy một xã hội mà nhìn nhận quyền con người ở chỗ này, nhưng thiếu ở chỗ khác, đừng gọi nó là hệ thống “pha trộn” và đừng kết luện là có một sự thỏa hiệp giữa những nguyên lý cơ bản, đối nghịch trong lý thuyết, có thể vận hành được trong thực tế. Những xã hội này không vận hành được; nó chỉ đang tan rã. Sự tan rã sẽ mất thời gian. Không có gì tan rã ngay lập tức – dù là thân xác con người hay xã hội loài người.

Liệu xã hội có thể tồn tại khi không có luân thường đạo lý?

Rất nhiều người ngày nay vẫn giữ những niềm tin ngây ngô rằng xã hội có thể làm bất cứ gì nó muốn; rằng những nguyên tắc là không cần thiết, rằng quyền chỉ là ảo tưởng, và động cơ cá nhân luôn là thực tiễn chỉ nam cho hành động.

Sự thật là xã hội có thể từ bỏ luân thường đạo lý và tự biến chính nó thành một bầy thú chạy lồng lên tới bờ hủy diệt. Cũng thật như là một người có thể cắt cổ chính mình bất cứ lúc nào anh ta muốn. Nhưng một người không thể làm thế nếu anh ta muốn sống. Và xã hội không thể rũ bỏ luân thường đạo lý nếu nó muốn tồn tại.

Xã hội là một số lớn những con người sống cùng nhau trên cùng một đất nước, cùng giao dịch, tương tác với nhau. Trừ phi có một luân thường đạo lý khách quan, đã được xác định rõ ràng, mà mọi người cùng hiểu và tuân theo, con người không có cách gì để giao dịch với nhau – do không ai biết là có thể trông đợi nhận được cái gì từ người hàng xóm của mình. Người mà không thừa nhận bất cứ luân thường đạo lý nào là tội phạm; bạn chẳng thể làm được gì khi giao dịch với tội phạm, ngoại trừ cố gắng đánh vỡ sọ hắn trước khi hắn đánh vỡ sọ bạn. Bạn sẽ không có được một tiếng nói chung nào, không có một quy tắc ứng xử nào cùng được chấp thuận. Để nói về một xã hội không có luân thường đạo lý hay những nguyên tắc đạo đức là cổ xúy con người sống với nhau như những kẻ tội phạm.

Chúng ta vẫn đang tuân theo, theo truyền thống, rất nhiều giáo huấn đạo đức mà chúng ta mặc nhiên công nhận, và không nhận ra rằng có biết bao nhiêu hành xử thường ngày trong cuộc sống của chúng ta chỉ có thể thực hiện được khi có những nguyên tắc đạo đức. Tại sao bạn lại an toàn khi đi vào một siêu thị đông người, mua hàng và trở ra? Đám đông xung quanh bạn cũng cần hàng hóa vậy; Đám đông có thể rất dễ dàng chế ngự vài cô bán hàng ở đó, cướp phá cửa hàng, giật gói hàng và cả ví tiền của bạn. Tại sao họ không làm vậy? Chẳng có gì ngăn cản họ và chẳng có gì bảo vệ bạn – ngoại trừ một nguyên tắc đạo đức về quyền cá nhân của bạn đối với tài sản và cuộc sống của mình.

Đừng nhầm lẫn khi nghĩ rằng đám đông bị kiềm chế chỉ do bởi sự sợ hãi lực lượng cảnh sát. Liệu có thể có đủ cảnh sát viên trên thế giới này nếu mọi người đều tin rằng cướp bóc là thiết thực và chính đáng. Và nếu mọi người tin vào điều này, thì tại sao những cảnh sát viên lại không cũng tin như vậy? Khi đó, ai sẽ là cảnh sát?

Ngoài ra, trong một xã hội những người theo chủ nghĩa Tập thể, nhiệm vụ của những cảnh sát viên không phải là để bảo vệ các quyền của bạn, mà là để xâm phạm chúng.

Nó sẽ là thích đáng cho đám đông cướp phá siêu thị – nếu chúng ta chấp nhận, tạm gọi là, “luật hành xử thích hợp” và giả thiết là dưới luật này hành động đó được coi là thích hợp và đúng đắn. Nhưng chúng ta có bao nhiêu siêu thị, bao nhiêu nhà máy, bao nhiêu nông trại, bao nhiêu ngôi nhà, và sẽ có trong bao lâu, dưới “luật hành xử thích hợp” như vậy?

Ngay cả nếu chúng ta loại bỏ đạo đức và thay thế nó với học thuyết của những người theo chủ nghĩa Tập thể về quyền cai trị vô hạn của đại đa số, ngay cả nếu chúng ta chấp nhận ý tưởng rằng đại đa số có thể làm bất cứ gì họ muốn, và rằng bất cứ gì được làm bởi đại đa số là đúng bởi vì nó được đại đa số làm (lập luận này khi đó trở thành tiêu chuẩn duy nhất cho Đúng hay Sai), thì vẫn làm sao mà con người có thể áp dụng điều này trong thực tiễn vào cuộc sống thực sự của mình? Ai là đa số? Trong tương quan với từng cá nhân cụ thể, tất cả những người khác là những thành viên tiềm năng của một đại đa số mà có thể tiêu diệt cá nhân đó nếu muốn vào bất kỳ lúc nào. Khi đó mỗi người và tất cả mọi người trở thành những kẻ thù; mỗi người phải sợ hãi và nghi ngờ tất cả người khác; mỗi người phải cố gắng cướp và giết trước khi bị cướp và bị giết.

Nếu bạn nghĩ rằng đây chỉ là một lý thuyết trừu tượng, hãy nhìn vào Châu Âu với một minh chứng thực tiễn. Trong nước Nga Sô Viết và nước Đức Quốc Xã, các công dân bình thường đã làm công việc ghê tởm nhất của G.P.U và Gestapo, do thám những người khác, đem những người bà con thân thích và bạn bè của chính họ đến sở mật thám và những phòng tra tấn. Đây là kết quả trên thực tế của Chủ nghĩa Tập thể trên lý thuyết. Đây là ứng dụng cụ thể của cái khẩu hiệu hiểm ác, trống rỗng của những kẻ theo Chủ nghĩa Tập thể mà nghe qua thì có vẻ rất khoa trương đối với những người thiếu suy nghĩ: “Đặt lợi ích chung lên trên bất cứ quyền cá nhân nào.”

Không có những quyền cá nhân, không có lợi ích chung nào có thể thực hiện được.

Chủ nghĩa Tập thể, đặt nhóm lên trên cá nhân và nói mọi người hy sinh quyền lợi của họ vì những người anh em của họ, sẽ chỉ dẫn đến một nơi mà con người không còn lựa chọn nào khác ngoài kinh sợ, thù hận và tiêu diệt những người anh em của họ.

Hòa bình, an toàn, thịnh vượng, hợp tác và thiện chí giữa con người, tất cả những gì được coi là mong ước của xã hội, chỉ có thể làm được dưới hệ thống của Chủ nghĩa Tự do, nơi mà mọi người được an toàn trong sự thưc thi các quyền của cá nhân của mình, và trong sự hiểu biết rằng xã hội ở đó để bảo vệ những quyền của anh ta chứ không phải để hủy diệt chúng. Khi đó mỗi người đều biết rằng cái gì anh ta có thể và không thể làm với người hàng xóm của mình, và những gì mà người hàng xóm (một hoặc cả triệu người) có thể và không thể làm với anh ta. Khi đó anh ta tự do giao dịch với họ như là người bạn và một cách bình đẳng.

Không có luân thường đạo lý, không thể tồn tại một xã hội loài người đích thực.

Không có sự thừa nhận những quyền của cá nhân, không thể tồn tại luân thường đạo lý nào.

Liệu “điều tốt nhất dành cho đại đa số” là một nguyên lý đạo đức?

“Điều tốt nhất dành cho đại đa số” hay nôm na hơn “Hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích tập thể” là một trong những khẩu hiệu hiểm ác nhất từng được áp đặt lên nhân loại.

Khẩu hiệu này không có một ý nghĩa xác định hay cụ thể nào cả. Không có cách nào để phiên dịch nó theo một ý nghĩa nhân ái nào, nhưng có quá nhiều cách nó có thể được sử dụng để biện hộ cho những hành động độc ác nhất.

Cái gì là định nghĩa của “điều tốt” trong khẩu hiệu này? Chẳng có gì, ngoại trừ: mọi thứ là tốt cho đại đa số. Ai, trong bất cứ vấn đề cụ thể nào, quyết định rằng cái gì là tốt cho đại đa số? Ngoài ra, tại sao phải là đại đa số?

Nếu bạn cho rằng việc này là hợp đạo lý, bạn sẽ phải tán thành các ví dụ sau, mà là những áp dụng chính xác của khẩu hiệu này trong thực tiễn: năm mươi mốt phần trăm nhâm loại nô dịch bốn mươi chín phần trăm còn lại; chín kẻ ăn thịt đồng loại đang đói khát sẽ ăn người thứ mười; một đám đông hành quyết một người mà không cần đưa ra xét xử chỉ vì họ cho rằng người đó là mối nguy đối với cộng đồng.

Đã có bảy mươi triệu người Đức ở nước Đức và sáu trăm ngàn người Do Thái. Đại đa số (người Đức) đã ủng hộ chính phủ Quốc Xã khi đó đã nói với họ rằng điều tốt nhất dành cho họ mang lại bởi việc hủy diệt thiểu số (người Do Thái) và tước đoạt tài sản của chúng. Sự ghê rợn này đã đạt được trên thực tế bởi một khẩu hiệu hiểm ác đã được chấp nhận trên lý thuyết.

Nhưng, bạn có thể sẽ nói, đại đa số trong tất cả các ví dụ này cũng đã chẳng đạt được bất cứ gì thực sự tốt cho chính họ. Đúng, không đạt được. Bởi vì rằng “điều tốt” không được xác định bởi việc đếm số lượng và cũng chẳng đạt được bởi sự hy sinh người này cho người khác.

Những người thiếu suy nghĩ tin rằng khẩu hiệu này lờ mờ ám chỉ điều gì đó cao thượng và đạo đức, rằng nó nói mọi người biết hy sinh bản thân cho đại đa số. Nếu vậy, nên chăng đại đa số kia cũng cao thượng và hy sinh bản thân họ cho thiểu số, những người vốn xấu xa và sẽ chấp nhận ngay sự hy sinh của họ? Không? Chà, khi đó liệu thiểu số kia có nên cao thượng và hy sinh bản thân mình cho đại đa số, những người vốn xấu xa và chấp nhận ngay sự hy sinh đó không?

Những người thiếu suy nghĩ thường giả thiết rằng mỗi người khi nói ra khẩu hiệu này, đã không nghĩ đến lợi ích của bản thân, đã đặt chính mình cùng với thiểu số dám hy sinh cho đại đa số. Tại sao anh ta nên là thiểu số? Cũng không có gì trong khẩu hiệu này chứng tỏ anh ta sẽ làm vậy. Anh ta giống nhiều hơn là một người thuộc nhóm đại đa số, và đang bắt đầu hy sinh những người khác. Cái mà khẩu hiệu này thật sự nói với anh ta là anh ta không có chọn lựa, ngoại trừ cướp hoặc bị cướp, tiêu diệt hoặc bị tiêu diệt.

Sự đồi bại của khẩu hiệu này nằm ở sự ám chỉ rằng “điều tốt” của đại đa số phải đạt được thông qua sự chịu đựng của thiểu số; rằng lợi ích của một người phụ thuộc vào sự hy sinh của người khác.

Nếu như chúng ta chấp nhận học thuyết của Chủ nghĩa Tập thể rằng con người tồn tại chỉ là vì lợi ích của người khác, khi đó nó đúng khi nói rằng mỗi niềm vui một người tận hưởng (hoặc mỗi miếng thức ăn) là xấu xa và vô đạo đức nếu có hai người khác muốn nó. Trên cơ sở này, thì con người không thể ăn, thở, hoặc yêu. Tất cả đó là ích kỷ. (Và chuyện gì xảy ra nếu hai người đàn ông khác muốn vợ của bạn?) Con người không thể nào sống cùng nhau, và chẳng thể làm gì khác ngoài trừ rốt cuộc hủy diệt những người khác.

Chỉ trên cơ sở của những quyền của cá nhân, những điều tốt – chung hoặc riêng – mới có thể được định nghĩa và đạt được. Chỉ khi mỗi con người được tự do để tồn tại cho chính bản thân anh ta – chẳng phải hy sinh những người khác vì anh ta mà cũng chẳng hy sinh bản thân vì người khác- chỉ khi đó mỗi người mới được tự do làm việc, vì điều tốt nhất anh ta có thể làm cho chính bản thân anh ta, theo cách do chính anh ta chọn, bởi nỗ lực của chính anh ta. Và tổng của tất cả các nỗ lực của từng cá nhân là cách duy nhất có thể hiện thực được sự tốt đẹp xã hội và quảng đại.

Đừng nghĩ rằng đối lập của “điều tốt nhất dành cho đại đa số” là “điều tốt nhất dành cho thiểu số”. Đối lập của nó là: điều tốt nhất dành cho người đạt được nó bởi nỗ lực tự nguyện của chính mình, dành cho tất cả mọi người đang sống.

Nếu bạn là một người theo chủ nghĩa Tự do và bạn muốn bảo tồn lối sống tự do, thì đóng góp lớn nhất bạn có thể làm là loại bỏ, một lần và mãi mãi, khỏi những suy nghĩ của bạn, khỏi những phát biểu của bạn, và khỏi những đồng cảm của bạn, cái khẩu hiệu trống rỗng “điều tốt nhất dành cho đại đa số”. Hãy bác bỏ bất cứ lập luận nào, hãy phản đối bất cứ đề nghị nào nếu chẳng có gì ngoài cái khẩu hiệu này biện minh cho chúng. Nó là một cái bẫy treo. Nó là giáo huấn của Chủ nghĩa Tập thể thuần khiết. Bạn không thể vừa chấp nhận nó vừa đồng thời tự gọi mình là người theo Chủ nghĩa Tự do. Hãy chọn lựa. Nó chỉ có thể là một trong hai.

Liệu động cơ có thay đổi bản chất của chế độ độc tài?

Dấu hiệu của một người trung thực, để phân biệt với những người theo Tập thể Chủ nghĩa, là anh ta thật sự muốn làm những gì anh ta nói và biết những gì anh ta thật sự muốn.

Khi chúng ta nói rằngchúng ta công nhận quyền Tự do là do tạo hóa ban tặng và không thể chuyển nhượng, chúng ta phải muốn làm chỉ có vậy. Không thể chuyển nhượng có nghĩa là chúng ta không thể lấy đi, đình chỉ, vi phạm, hạn chế hay xâm phạm – không bao giờ, không bất cứ lúc nào, không cho bất cứ mục đích dù nó có là gì.

Bạn không thể nói rằng “con người có quyền tự do ban tặng bởi tạo hóa ngoại trừ khi trời lạnh và vào mỗi thứ Ba”, cũng hệt như bạn không thể nói rằng “con người có quyền tự do ban tặng bởi tạo hóa ngoại trừ trong trường hợp khẩn cấp”, hoặc “quyền con người không thể bị xâm phạm ngoại trừ cho những mục đích tốt”.

Hoặc quyền con người là do tạo hóa ban tặng không phải do chuyển nhượng, hoặc không. Bạn không thể nói một thứ như là “bán chuyển nhượng được” và tự xem mình là trung thực hoặc có đầu óc lành mạnh. Khi bạn bắt đầu đặt những điều kiện, bảo lưu và ngoại lệ, bạn thừa nhận rằng có một cái gì đó hoặc ai đó đứng cao hơn quyền con người và có thể xâm phạm chúng một cách tự quyết.

Ai? Đó là xã hội, hay thực chất là Tập thể. Vì lý do gì? Vì điều tốt cho Tập thể. Ai ra quyết định cho phép xâm phạm quyền con người? Cũng lại là Tập thể. Nếu như đây là những gì bạn tin tưởng, hãy chuyển sang phía bên kia, nơi bạn thật sự thuộc về và hãy thừa nhận bạn là một người Tập thể Chủ nghĩa. Khi đó hãy chuẩn bị đón nhận tất cả các hậu quả mà Chủ nghĩa Tập thể đưa đến. Không có một vị trí trung gian ở đây. Bạn không thể vừa có cái bánh và vừa ăn nó. Bạn không thể lừa dối ai mà bạn chỉ đang lừa dối chính bản thân bạn.

Đừng nấp sau những khẩu hiệu vô nghĩa, kiểu như là “đoạn giữa của con đường”. Chủ nghĩa Tự do và Chủ nghĩa Tập thể không phải là hai làn của cùng một con đường, với rãnh an toàn cho bạn ở giữa. Đó là hai con đường ngược chiều. Một dẫn đến Tự do, công bằng và thịnh vượng; con đường còn lại dẫn tới sự nô lệ, sợ hãi và hủy diệt. Sự lựa chọn là tùy ở bạn.

Sự lan tràn của Chủ nghĩa Tập thể trên thế giới không phải vì bất cứ sự thông minh nào của những người Tập thể Chủ nghĩa, mà bởi vì thực tế là hầu hết những người phản đối nó thật ra chính họ lại tin vào Chủ nghĩa Tập thể. Một khi luậtchơi đã được chấp nhận, không phải là người nửa vời mà chính là người toàn tâm toàn ý sẽ thắng; không phải là người ba phải mà chính là người kiên định nhất sẽ thắng. Nếu bạn tham gia vào một cuộc chạy thi, và nói “tôi chỉ định chạy mười mét đầu tiên”, thì người mà nói “tôi sẽ chạy tới vạch kết thúc” sẽ đánh bại bạn. Khi bạn nói: “tôi chỉ xâm phạm quyền con người một chút xíu” thì những người Cộng sản và Phát xít mà nói “Tôi sẽ thủ tiêu tất cả quyền con người” sẽ đánh bại bạn và sẽ thắng. Chính bạn đã mở lối cho họ.

Bởi việc cho phép chính mình trốn tránh và sự không trung thực ban đầu này mà con người đã rơi vào cái bẫy của Chủ nghĩa Tập thể, trên câu hỏi liệu chế độ độc tài là đúng hay sai. Hầu hết mọi người nói đãi bôi chỉ trích chế độ độc tài. Nhưng rất ít người trong số họ giữ một lập trường vững vàng để nhận diện chế độ độc tài từ bản chất của nó: nó là sự xấu xa tuyệt đối dưới mọi hình thức, bởi bất cứ ai, vì bất cứ ai, ở bất cứ nơi đâu, tại bất cứ lúc nào và cho bất cứ mục đích gì.

Rất nhiều người bây giờ tham gia vào cuộc mặc cả bẩn thỉu về sự khác nhau giữa “chế độ độc tài tốt” và “chế độ độc tài xấu”, về động cơ, nguyên nhân và lý do khiến chế độc độc tài toàn trị trở nên thích đáng. Khi được hỏi “Bạn có muốn chế độ độc tài toàn trị?” những người Tập thể Chủ nghĩa trả lời bằng một câu hỏi khác “Kiểu chế độ toàn trị nào bạn muốn nói tới?” Họ sau đó có thể để bạn mặc sức tranh luận, họ đã ghi điểm của họ.

Rất nhiều người tin rằng chế độ độc tài là khủng khiếp nếu nó là vì “động cơ xấu”, nhưng nó khá là ổn thậm chí là đáng mong muốn nếu nó là vì “động cơ tốt”. Những người thiên về Chủ nghĩa Cộng sản (họ thường tự xem mình là “nhân đạo”) tự cho rằng các trại cải tạo và phòng tra tấn là xấu xa khi được xử dụng một cách “ích kỷ”, “vì lợi ích của một chủng tộc” như Hitler đã làm, nhưng lại là cao thượng khi được sử dụng một cách “không ích kỷ”, “vì lợi ích của đa số” như Stalin đã làm. Những người thiên về Chủ nghĩa Phát xít (họ thường tự xem mình là “thực tiễn cứng rắn”) tự cho rằng roi vọt và bắt làm việc quá sức là không thực tế khi được sử dụng một cách “không hiệu quả” như ở Nga, nhưng lại rất thực tế khi được sử dụng một cách “hiệu quả”, như ở Đức.

Khi bạn tranh luận về cái gì là chế độ độc tài “xấu” hay “tốt”, bạn đã chấp nhận và tán thành nguyên tắc của chế độ độc tài. Bạn đã chấp nhận cơ sở của một sự xấu xa hoàn toàn – đó là quyền cho phép bạn nô dịch người khác vì những gì bạn nghĩ là tốt. Kể từ đó, nó chỉ còn là câu hỏi ai sẽ điều hành Gestapo. Bạn sẽ không bao giờ có thể đạt được sự đồng thuận với những chiến hữu Tập thể Chủ nghĩa của bạn về cái gì là lý do “tốt” cho sự tàn bạo và cái gì là “xấu”. Định nghĩa yêu thích của riêng bạn có thể không giống của họ. Bạn có thể cho rằng nó là tốt khi tàn sát những người chỉ biết vì lợi ích của người nghèo; ai đó khác có thể lại cho rằng nó là tốt khi tàn sát những người chỉ biết vì lợi ích của người giàu; bạn có thể cho rằng thật là vô đạo đức khi giết người trừ khi họ là thành viên của một giai cấp nào đó; Ai đó có thể cho rằng thật là vô đạo đức khi giết người trừ khi họ là thành viên của một chủng tộc nào đó. Đó là tất cả những gì mà bạn sẽ đạt được.

Một khi bạn tán thành nguyên tắc của chế độ độc tài, bạn mời gọi tất cả mọi người làm giống bạn. Nếu họ không muốn cách riêng của bạn hoặc không thích “động cơ tốt” của bạn họ không có cách nào khác là vội vã đánh bại bạn và xây dựng cách riêng của họ cho “động cơ tốt” của riêng họ để nô dịch hóa bạn trước khi bạn nô dịch hóa họ. Một “chế độ độc tài tốt” bàn thân đã là sự mâu thuẫn về từ ngữ.

Vấn đề không phải là: Vì mục đích gì thì nô dịch hóa con người là chính đáng? Vấn đề là: Nô dịch hóa con người có chính đáng hay không?

Có một sự suy đồi đạo đức không được nói ra khi nói rằng chế độc độc tài có thể được biện hộ bằng “động cơ tốt” hoặc “động cơ không ích kỷ”. Tất cả các xu hướng tội phạm và tàn bạo mà loài người – trải qua nhiều thế kỷ lần mò để tự thoát ra khỏi hành vi độc ác – đã học để nhận diện được là sự ác độc và không thực tiễn, nay đã và đang trốn tránh dưới vỏ bọc “xã hội”. Nhiều người bây giờ đã tin rằng sẽ là độc ác khi cướp đoạt, giết người, và tra tấn vì lợi ích của riêng cá nhân, nhưng sẽ là tốt khi làm thế vì lợi ích của những người khác. Bạn có thể không nên thỏa mãn sự tàn bạo vì lợi ích của bạn, họ nói, nhưng xin mời nếu là vì lợi ích của người khác. Có lẽ phát biểu gây ra sự ghê tởm nhất một người có thể nghe được là: “Chắc chắn rồi, Stalin đã mổ thịt hàng triệu người, nhưng nó là thích đáng, vì nó là vì lợi ích của đại đa số.” Chủ nghĩa Tập thể là nấc cao nhất của hành vi độc ác trong tâm trí loài người.

Đừng bao giờ xem những người Tập thể Chủ nghĩa như là “những nhà lý tưởng trung thực nhưng ngây thơ.” Đề xuất nô dịch hóa một vài người vì những người khác không phải là một ý tưởng; sự tàn bạo không phải là lý tưởng bất kể mục đích của nó là gì. Đừng bao giờ nói rằng mong muốn “làm điều tốt” bằng vũ lực là một động cơ tốt. Dù là sự thèm khát quyền lực hay là sự ngu dốt, chẳng cái nào là những động cơ tốt.

 

Via Thánh Ca Tự Do
(Phỏng theo Ayn Rand, 1946…)

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI