19.3 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Phải học thêm? Học thêm cái gì?

Featured image: Chilk2411(Peaceful Lullabies…♫)

 

Tất nhiên đối tượng của bài viết này không giành cho lứa học sinh, chúng chẳng bao giờ mò vào đây đâu, nhưng cho những bậc phụ huynh tương lai không còn thời gian vớt vát quá khứ, nhưng kịp suy xét để hành động.

1. Sao lại phải học thêm?

2. Khi là học sinh, nếu không học thêm, tôi làm được những gì?

3. Khi là phụ huynh, tôi sẽ làm gì để con tôi bớt thời gian rảnh vào những thú vui vô bổ, thay vì bắt chúng học thêm?

4. Khi là phụ huynh, tôi nên làm gì để con em nhà tôi, nếu không học thêm thì không còn cảm giác lạc lõng giữa bạn bè khi mỗi sáng vào lớp, tiếp cận với khối kiến thức đã được nhồi sọ từ mấy hôm trước ở một chỗ không phải là nhà trường?

Xin mạn phép bỏ qua phần giải thích “học thêm” là gì, vì phần lớn lứa 18+ chắc hẳn từng trải, khá kinh nghiệm về “nghề” này, thậm chí tuổi “nghề” khá cao, chỉ tiếc là thời ấy mình chưa có ý thức và quyền hạn hỏi hai câu hỏi đầu, nhưng sẽ phải đối mặt với hai câu sau. Tôi tin rằng ít nhiều người đọc trả lời được cả bốn câu, nên vài điều chia sẻ và gợi ý cá nhân sau đây cần thiết hơn lời lẽ giáo điều sặc mùi “ra vẻ”.

Nâng cao dân trí, phát triển đức dục và trí dục, kỹ năng sống, phát triển bản thân, học cách chơi mà học, cách chơi được định hướng và kiểm soát, học cách chủ động trong cuốc sống, ý thức về bổn phận trong gia đình, học cách không phải sống như cái máy, học cách là chính mình, cách tư duy sáng tạo, tư duy phản biện, kỹ năng theo đuổi và thực hiện ước mơ, học cách không bị “smartphone và tablet hóa”, học cách yêu…những quyển sách, yêu thiên nhiên, động vật, học cách quan tâm và chia sẻ, cách thích nghi nhiều hoàn cảnh sống, hòa nhập cộng đồng, được giáo dưỡng về thể chất (thể thao) lẫn tinh thần (nghệ thuật), được chia sẻ về kiến thức giới tính, về quy tắc xã hội căn bản theo độ tuổi, về cách đối thoại với bản thân (tự kiểm), được học hỏi về sự liêm chính, lòng tự trọng, về ý thức môi trường, môi sinh, và rất rất nhiều kỹ năng mềm và kiến thức phổ thông khác tôi không tiện để nêu ra.

Chúng có phải là những ý nhỏ trong khái niệm “giáo dục toàn diện” không? Nếu chưa đủ chuẩn toàn diện thì ít ra, những nội dung trên còn có ích cho công dân tương lai hơn rất nhiều so với việc hao tốn tuổi thơ, tuổi trẻ trong từng ấy năm vào việc lầm lũi ghi chép câu văn mẫu, “công thức” ngữ pháp sinh ngữ, đẳng thức phương trình và những cái chống cằm, chống luôn cả những khuôn mặt đờ đẫn từ sáng đến gần nửa đêm. Lịch sinh hoạt đúng chuẩn công nghiệp, chuẩn đến nỗi vài tháng trước khi thi ĐH, hầu hết học sinh bắt đầu hối hả quyết định “chắc là mình thích ngành này!?” và sau này là sinh viên năm 2, 3: “Nên tiếp tục hay bắt đầu lại với sở trường bản thân” (ừ thì nhìn chung “tôi của ngày hôm qua” cũng được rèn thể chất đấy theo kiểu rất Việt Nam, trên tinh thần phóng khoáng của bộ giáo dục về thị trường “học thêm” thả nổi)

Vì sao tôi nói đến điều điều cũ rích này? Đập vào mắt tôi là hình ảnh học sinh cấp 1, 2, 3 từ trung tâm dạy thêm có tiếng trong thành phố ùa ra sau 21 giờ mỗi tối, rồi tự hỏi có bao người như tôi, nhìn lại quãng đời học sinh mà tiếc rẻ cho cơm tiền bố mẹ, tuổi trẻ của mình, sự đầu tư quá lớn và dài hơi hơn 12 năm để đổi lấy những con số được cho là đẹp mắt và thỏa mãn tâm trang tức thới, cho mấy cái bằng khen, danh dự, cháu ngoan bác Hồ và nhiều cô dì chú bác khác, mà không biết chúng ở trong vựa tái chế giấy nào rồi, hay chỉ giữ vài tờ tượng trưng làm kỷ niệm,) hay vì sự hãnh diện tức thời của ba mẹ, nhưng thời gian trôi thì những thứ tôi và gia đình thu được cũng “trôi” theo rồi. Ba mẹ cũng chẳng còn nhớ xấp nhỏ có bao nhiêu cái bằng…khen, huống chi mấy quyển sổ liên lạc (chắc chắn sẽ bị thất lạc.)

Nhếch mép trong vài giây, tôi ngộ ra tuổi 18 xa xưa, thấy mình sao thiếu nhiều thứ quá, thấy không được tự tin, rồi cứ loay hoay tìm tòi “học thêm” chắp vá, thiếu gì học đấy, không biết bắt đầu từ đâu, đâu là thứ căn bản học đầu tiên, những điều mà đáng ra tôi có cơ hội được học và áp dụng ngay từ khi đeo phù hiệu học sinh, cũng ngỡ ra những thứ “học thêm” sau tuổi 18 có ích khoảng 70% vào cuộc sống nói chung công việc nói riêng, không bổ ngang cũng bổ dọc và ngay cả khi lúc này, tôi vẫn vừa áp vừa cải thiện, cập nhật kiến thức “học thêm thực sự.” Một trong những lý do giải thích cho sự thiếu hiểu quả sau khi sinh viên/người đi làm tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn về kỹ năng sống, kỹ năng mềm là: chúng ta được học…quá trễ! Khi chính thức bước vào đời, chúng ta thiếu rất nhiều hành trang cơ bản. 12 năm với độ tuổi tiếp thu rất tốt nhưng không học được nhiều là một sự lãng phí khổ lồ vô hình.

Dấu chấm hết cho 12 năm phổ thông là ngày đầu bước vào giảng đường đại học, hay nói cách khác, phần lớn kiến thức từ sách giáo khoa, giáo trình ôn thi để chạm đến cổng thiên đường đại học công, đều có hạn-sử-dụng, thi xong là hết hạn. Điều này đúng, ít ra là với quan điểm cá nhân tôi. Không oán trách ba mẹ sao lại để tôi như thế, nhưng biết ơn, vì họ đã cho tôi những gì tốt nhất mà họ có, tôi tiếc vì thế hệ trước và sau tôi gần kề vẫn còn hưởng trọn chủ trương “ngu dân” của chính phủ. Cái cách ư, tôi luôn nghi ngờ về việc đó từ những tầm nhìn không bao giờ muốn thông. Chậc, ít ra sinh viên không phải học thêm môn triết học Mác Lê-Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh…, liều thuốc chống mất ngủ trong giảng đường cũng đủ quá rồi!

Chính chúng ta phải thoát khỏi những tư duy kiểu cũ, bằng không, nếu ai xem việc con cái phải chấp nhận sự áp đặt ước mơ, thể diện, mục đích của mình lên chúng là báo hiếu thì chúng không phải là con cái, nhưng là công cụ, lẽ vì áp đặt là tước đoạt những thứ lớn lao. Khi chúng ta có cơ hội tiếp cận những kiến thức hay về giáo dục, và là nhân tố định hướng cho thế hệ sau, trừ những thứ bắt buộc mang tính thủ tục từ cơ chế giáo dục nước nhà, tôi không dám dùng từ “khôn ngoan,” nhưng hy vọng rằng ta sẽ “đầu tư hợp lý” trong khả năng và điều kiện cho phép:

Xin chắp cánh cho con cháu bằng những điều thiết thực, thực tế cuộc sống và mang tính lâu dài, tạo môi trường và điều kiện sống phát triển tự nhiên và cân bằng cho chúng, được học thêm những điều có nghĩa và giá trị thực thụ, để chúng được sống một cuộc đời của chúng, được tự do, được giải thoát khỏi những giá trị phù phiếm, định kiến xã hội và tư duy khô cứng, được mưu cầu hạnh phúc, quan trọng nhất: để sống có ích (tối thiểu có ích cho bản thân.)

 

Trí Xích Lô

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

18 BÌNH LUẬN

  1. Em mới 15 tuổi thôi nhé. Em khá quan tâm việc học của em đấy. Em thấy học thêm nó khá tốn thời gian hầu như là thầy cô cho làm bài tập trên trường thôi. Làm đi làm lại cho nhuần nhuyễn

  2. Cám ơn anh vì bài viết, nó khiến em tràn đầy năng lượng cho cuộc sống phía trước.
    Em 17 tuổi, là nữ, học lớp 12 tại 1 trường chuyên. ba mẹ bắt e đi học thêm, e nói k học thì ba mẹ k cho. Thế là cũng bị bắt đi học, nhưng em k đi học, lấy tiền ba mẹ cho học thêm cho đứa bạn khó khăn, có ước mơ vào đại học(em mà k lấy tiền của ba mẹ là bj chửi te tua). E là dân quê lên TP một mình từ năm 15 t, ỏ trọ, gốc nông dân, vài triệu tiền học thêm đối với e là quá lớn, e nghĩ số tiền ấy thực sự có ý nghĩa với bạn nên cho nó mượn, trả cũng được, k trả cũng chả sao. Có cho ắc có nhận.
    Ba mẹ là người rất kiên quyết, muốn em vào đại học, có công việc ổn định( nhà nước), lấy chồng đẻ con …rồi chết. Em muốn đi học nghề ( đa phương tiện), đi “aupair” vài nước để học vài thứ tiếng phòng thân khi về già, rồi làm việc ở nhiều nước để xây dựng quan hệ, học hỏi và có 1 khoảng tiền để đầu tư vào nông nghiệp công nghê cao, xây dựng thương hiệu mãng cầu riêng cho mình( loại cây gia đình e đang trồng), làm giàu quê hương. Dù có kiên nhẫn giải thích thế nào cũng e cũng bị vùi dập, may là em đã kiếm được chỗ ở về sau, thi xong có chỗ trải chiếu để ngủ. E k muốn đi lối mòn của xã hội. Được tồn tại là nón quà quý giá, em muốn thưởng thức nó, thay vì phải nhận nó như một nghĩa vụ.
    Về nền GD VN, em nghĩ k nên trách khứ bất cứ ai, việc cần làm là khiến nó tiến bộ hơn trong tương lai. Em vẫn đang rất hạnh phúc với thưc tại.
    Còn nhiều điều muốn nói, nhưng comment đã quá dài, cảm ơn anh vì đã đọc nó.

  3. Không chỉ tiếc những năm phổ thông mà còn tiếc cả 5 năm đại học nữa. Phí phạm thời gian vào những kiến thức vời vợi mà ngay cả người dạy cũng ko biết nên áp dụng vào đâu. Cảm thấy xấu hổ vì chẳng làm được gì ở cái tuổi 17, đôi mươi. Chỉ biết nhìn lại tiếc nuối và thầm trách những “ông bộ giáo dục” với tầm nhìn hạn hẹp đã và đang hủy hoại tương lai của giới trẻ VN.

  4. “Tất nhiên đối tượng của bài viết này không giành cho lứa học sinh, chúng chẳng bao giờ mò vào đây đâu” em nói thật với bác em đang học lớp 10 đấy ạ 😛

  5. Cái kiểu nhồi sọ suốt ngày bây giờ chỉ làm bọn trẻ con sợ học. Đầu óc trở nên mụ mẫm, học như một cái máy! Việc học trở thành gánh nặng, nỗi ám ảnh đáng sợ chứ không phải niềm vui sáng tạo!!!

    Trong kiến trúc đích thực bao giờ người ta cũng đề cao khoảng thoáng, không gian xung quanh công trình. Việc học cũng vậy! Học ở trường chỉ nên một buổi mà thôi. Bài tập về nhà cũng không nên quá nhiều. Như vậy chúng nó mới có thời gian để chơi, để vận động thể chất và tìm tòi theo đuổi những gì mà chúng nó thực sự thích! Cứ học suốt ngày như bây giờ chỉ tổ đần người đi!!! Thầy cô chỉ nên là người gợi mở, hướng dẫn chứ không phải là những kẻ áp đặt, nhồi sọ!!!

Trả lời vô danh Hủy trả lời

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI