16 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Tự do và sự phát triển của con người

Featured Image: Gonzalo Saenz

 

Hôm nay tôi ra công viên đọc sách, có lẽ nằm nhà vẫn có thể đọc được nhưng dường như nếu ta đến một nơi tương đối xa lạ với một mục đích định trước thì cái mục đích đó dễ thực hiện hơn, đó là cách thức lấy hoàn cảnh để buộc ta phải hoàn thành.

Quanh quẩn tìm vị trí ngồi không nắng nên vô tình phía đối diện tôi cũng có một chú đang đọc sách. Rồi có một bác đến ngồi cạnh chú ấy và hỏi về quyển sách đang đọc, vì ngồi khá xa nên tôi nghe loáng thoáng họ tranh luận về Thượng Đế và Khoa Học, đó là đề tài mà tôi rất muốn được trò chuyện cùng ai đó nhưng cho đến giờ vẫn chưa tìm ra. Bác kia thì tin vào sự tồn tại của Thượng Đế, còn chú kia thì nhìn Thượng Đế theo con mắt của các nhà khoa học. Ngay chính lúc đó tôi rất muốn tiến về phía họ để trò chuyện nhưng tôi cảm thấy rất ngần ngại, tôi muốn bảo rằng Khoa Học có những giới hạn của nó và ngày nay những vấn đề về tâm linh bắt đầu được khoa học xem xét.

Rồi tôi nghe chú kia bảo: “Khoa Học đã bỏ qua sự việc Thượng Đế có tồn tại hay không bởi nếu Khoa Học buộc Tôn Giáo chứng minh Thượng Đế tồn tại thì đến lượt họ bị Tôn Giáo buộc chứng minh Thượng Đế không tồn tại, và đó (việc chứng minh có và không có Thượng Đế) là sự bất lực của Khoa Học hay Tôn Giáo nói chung.” Khi nghe đến đây tôi hiểu rằng chú đó đã đứng trên một cái nhìn công bằng. Lúc ấy tôi ra về dù rằng vẫn rất muốn trò chuyện với họ.

Cái sự việc đó làm tôi nghĩ về một điều rất quan trọng đối với con người, khoan nói đến chuyện Thượng Đế có tồn tại hay không, nội chuyện tự do chọn lựa một trong 2 quan điểm đã là rất khó khăn rồi. Tất cả chúng ta tưởng chúng ta có quyền chọn lựa tin hoặc không tin nhưng thực tế không phải như vậy.

Từ khi sinh ra tôi đã sống trong một gia đình Công Giáo truyền thống, hay như bạn là một người theo đạo Phật, hay như ai đó không theo tôn giáo nào cả. Tôi tin Chúa, bạn tin Phật, ai đó lớn lên trong nền giáo dục Việt Nam có nền tảng duy vật sẽ không tin có Thượng Đế. Từ khởi đầu chính hoàn cảnh đã chọn cho ta tin hoặc không tin vào điều gì đó mà phương diện Tôn Giáo chỉ là một trong số ấy. Có thể nói Tự Do là một thứ rất khó có được trong cuộc sống của con người, dù nhiều người bảo là rất dễ dàng. Hầu hết đa số chúng ta sinh ra, lớn lên và chết đi với cái niềm tin có sẵn đó mà không có sự chọn lựa.

Bàn về con người nói chung, tức loại bỏ những truyền thuyết mang tính tâm linh như “vạn sự tự thông” hay được “các Đấng phù hộ độ trì” để có được sự hiểu biết, con người muốn hiểu ra sự thật thì buộc phải học hỏi và tìm kiếm những nguồn thông tin từ hoàn cảnh đang sống. Sẽ như thế nào nếu những thông tin mà con người có được đều là một chiều?

Ông bà cha mẹ nói với đầu óc non nớt của ta rằng Thiên Chúa hay Đức Phật tồn tại, và sự việc diễn ra là… ta đã tin. Vì nếu ta không tin tức là ta đang chống lại những con người sinh ra và dưỡng dục ta. Khi cả một nền giáo dục hoặc xã hội bảo rằng Thượng Đế chỉ là sự tưởng tượng của con người nhưng nếu ta cứ tin thì nghĩa là ta chống lại chính cái xã hội đó, điều đó rất dễ khiến ta bị loại trừ hoặc ít nhất bị cười chê hay nhạo báng. Từ đó có thể thấy, hoàn cảnh sống chẳng khác nào như một nhà tù giam hãm con người mà các song sắt của nó chính là những định kiến có sẵn.

Không lạ khi mục đích lớn nhất của những con người ở đỉnh cao trí tuệ của nhân loại chính là đi tìm Tự Do, có Tự Do thì con người có thể tìm thấy chính bản thân mình và Giác Ngộ ra sự thật. Sự thật hay chân lý có lẽ là điều rất khó tìm kiếm nhưng Tự Do là điều kiện đầu tiên cần phải có.

Đôi lúc tôi tự hỏi, một sự thật được chấp nhận một cách máy móc và mù quáng có phải là sự thật chân chính đối với tôi? Bạn có cảm thấy khó hiểu suy nghĩ này của tôi không? Một hành động bố thí cho người nghèo không xuất phát từ tình yêu thương đồng loại mà do thói quen từ trước liệu có ý nghĩa và giá trị của nó? Rất nhiều người đã và đang làm những việc đúng và tốt nhưng không hề xuất phát từ ý muốn của họ mà do được bảo hoặc bị bắt buộc hay được khen ngợi.

Tất cả những điều đó có thể mang lại điều tốt cho người nhận nhưng đối với bản thân người làm thì chúng vốn vô nghĩa hoặc có rất ít ý nghĩa. Tất nhiên ta vẫn khuyến khích họ làm những điều ấy nhưng phải chăng chỉ có thế là đủ? Đủ với bản thân từng người?

Khi bàn đến những vấn đề này thì ta lại phải xét xem điều gì mới thật sự ý nghĩa đối với đời sống của một con người? Đây là một câu hỏi khó mà con người vẫn luôn tìm lời giải đáp qua nhiều thế hệ. Có 2 quan điểm mà con người thường đưa ra để tranh luận. Một là chỉ sống trong trần gian này rồi sau đó biến mất vĩnh viễn, hai là còn có một linh hồn bất tử sau khi thân xác này chết đi và linh hồn đó phải nhận lấy những kết quả mà thân xác này tạo ra.

Với quan điểm “1” thì mục đích sống là khá đơn giản vì câu trả lời chính là mang lại sự thỏa mãn cho thân xác này một cách cao nhất. Với quan điểm “2” thì ta còn phải lo cho phần hồn của mình sau này. Như dù là quan điểm nào đi nữa thì theo tôi điều quan trọng nhất chính là “ta phải là chính ta, ta phải thật sự sống”, sẽ chẳng có ý nghĩa gì khi ta sống như những thân cỏ dại mưa xuống thì xanh tươi còn nắng lên lại khô héo. Đó là một cách sống không ý thức được mình đang sống, sống như một bộ máy được lập trình, như loài động vật chạy theo bản năng.

Có không ít triết gia đã lớn tiếng chống lại sự tồn tại của tôn giáo hay nền giáo dục của loài người. Họ cho rằng hãy để con người sống một cách tự nhiên và tự do trong thế giới, khi đó con người sẽ tự tìm ra chân lý của mình. Với quan điểm này tôi có nửa đồng ý và nửa chống đối. Đồng ý vì nền giáo dục hay tôn giáo thường tạo ra những định kiến kiềm kẹp sự tự do nhận biết thế giới và cuộc sống của con người. Tất cả đều hướng con người đi theo một con đường, một phương hướng có sẵn.

Một quốc gia chú trọng phát triển kinh tế thường lái suy nghĩ của con người đến chuyện làm giàu về vật chất và xem nhẹ những giá trị tinh thần. Một đất nước cần phát triển công nghiệp sẽ định hướng con người chạy theo các môn tự nhiên mà bỏ qua các môn xã hội. Công Giáo thì bảo những lời dạy, những lề luật của mình mới là chân lý, Phật giáo thì bảo lời Phật dạy mới đưa con người đến sự siêu thoát để đến bến vĩnh hằng… và bản thân mỗi nhà nước, mỗi chế độ, mỗi tôn giáo hay tổ chức cố dùng mọi cách để bảo vệ quan điểm của mình và chống lại những quan điểm khác biệt để tồn tại.

Mà cách họ thường làm là bắt con người phải tin vào đó một cách mù quáng không suy xét, chính điều này đã giết chết ý nghĩa cốt lõi trong đời sống con người, ngăn cản con người đi đến những tầm cao mới của nhận thức. Sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu con người chỉ biết chấp nhận mà không tìm kiếm và thấu hiểu.

Chống đối quan điểm trên vì một mô hình nhà nước, giáo dục hay tôn giáo là cần thiết cho những bước đầu tiên của con người. Đó là những mô hình giúp xã hội này tồn tại một cách ổn định, vì trước khi con người có thể đi tìm ý nghĩa trong đời sống thì trước tiên cần phải sống sót.

Ngoài ra một điều cần phải nói là hầu hết những triết gia đó để có thể đạt được những tầm nhận thức đó thì điều họ cần là được sự giáo dục từ những người đi trước, chính những điều họ được dạy đã tạo nên con người họ nhưng sau đó cũng chính họ phủ nhận giá trị của nền giáo dục đó. Tôi hầu như chưa từng thấy một nhà tư tưởng nào tự họ sống tự do trong thiên nhiên và không được giáo dục hay không tìm hiểu những tư tưởng khác.

Không thể phủ nhận những mô hình nhà nước mang lại sự ổn định về đời sống con người trong xã hội, nó tạo ra những trật tự. Nền giáo dục có mục đích sơ khai là giúp con người đủ giúp mình tồn tại trong đời sống vật chất này. Những tôn giáo mang đến cho xã hội những giá trị đạo đức xác thực và hướng con người đến những tầng ý thức siêu việt. Nhưng sẽ hoàn hảo hơn nếu bản thân của tất cả những mô hình hay tổ chức đó mang trong đó sự Tự Do và không định kiến.

Không thể phủ nhận mô hình nhà nước tự do nhất sẽ mang đến sự phát triển cho con người lớn nhất, nền giáo dục hoàn hảo nhất chính là nền giáo dục có thể khai phóng tâm trí con người đến mọi mặt trong cuộc sống, tôn giáo thiên liêng nhất là tôn giáo đưa con người đến gần Thượng Đế nhất, thúc đẩy sự phát triển của tâm linh nhanh nhất, vì xét cho cùng thì Thượng Đế đã đứng trên và bao hàm tất cả mọi tôn giáo (chân – thiện – mỹ) trên thế giới này.

Vậy với những gì đã viết trong bài, theo quan điểm của tôi thì điều ý nghĩa nhất đối với con người chính là Tự Do, tự do nhận thức, tự do tìm kiếm, tự do học hỏi… để phát triển tâm trí của bản thân đến mức cao nhất. Chỉ có như thế mới không phụ việc ta được sinh ra trong thế giới này.

Hãy nhìn lại chính mình và niềm tin của mình xem mình có là mình và niềm tin đó có phải là của mình. Hãy tìm kiếm và thấu hiểu chân lý chứ đừng tin chỉ vì người khác bảo ta tin.

Và tất nhiên có điều tôi cần phải nói, bài có phê phán tôn giáo nhưng tôi tin có Thiên Chúa và tin con người có một linh hồn bất diệt, tin con người mang trong mình thiên tính của Thiên Chúa vì tất cả chúng ta là con của Ngài.

 

Mắt Đời

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

66 BÌNH LUẬN

  1. Chào bạn,

    Mình cùng tôn giáo với bạn và Thiên Chúa giáo bị chỉ trích nhiều rồi nên có thêm nữa cũng chẳng sao. Dù có theo tôn giáo hay không thì điểm chung là niềm tin, chỉ khác biệt là tự vấn về niềm tin đó.

    Một vài sự hiểu về Kinh Thánh, bắt đầu từ gốc.
    1) Mình tin Đấng sáng tạo, công giáo gọi là Chúa Cha. Theo Kinh Thánh, phần sáng thế nói Chúa tạo nên con người cũng như vạn vật và thổi và thần khí, thần khí là gì?
    2) Chúa tạo ra Adam và cho Adam sống ở vường địa đàng nhưng Adam chán và đòi hỏi người đồng hành. Tại sao Adam chán mà các tạo vật khác thì không? Do khác biệt thần khí hay khác biệt khác?
    3) Trái cấm sau khi ăn vào thì khai thông trí tuệ và hành động tự do không còn bị nhốt lồng ở vườn địa đàng, đầu tiên là nhận ra sự trần chuồng,… Chúa thông tuệ, biết con người sẽ ăn trái cấm vậy Ngài tạo ra để làm gì? Để ngăn cản con người hay đó là bước đầu tiên phải vượt qua để khai thông thần khí?
    => Mình tin Đấng sáng tạo cho chúng ta thần khí (trí tuệ) để chúng ta sử dụng mà khám phá thế tạo vật (thế giới và vũ trụ) để gặp Ngài ở đâu đó trong cõi thiên hà, điểm con người sẽ phải đến. Ngài biết cần nhiều nhiều thế hệ để làm nên cho sự sinh sản. Nhiều người giải thích Kinh Thánh theo kiểu tránh EVA nhưng mẫu chốt vấn đề có thể Chúa đặt ở EVA chứ không phải ở Adam. Vườn địa đàng có phải nhốt lồng không, tuỳ góc độ nhưng tại sao Chúa cho con người thần khí? Mình không tin có kiếp sau như được rao giảng và mình hiểu Do Thái giáo, Thiên Chúa Giáo, Chính Thống Giáo, Tin Lành, Anh Giáo,… có những giải thích khác nhau về Kinh Thánh mà ra, vậy ai hiểu đúng?

    Con người giờ đã tạo ra ASIMO với trí tuệ nhân tạo, đứng ở góc độ này đối với ASIMO, tác giả tạo ra nó là Đấng sáng tạo. Tiến đến giai đoạn con người có thể làm cho robot tự sửa chữa và sinh sản, có khả năng này không?

    Mình từng băn khoăn về liệu có Đấng sáng tạo? Khi con người dùng hết tạo vật đi đến sự tận diệt mà không thể tạo ra cái mới để duy trì, có thể Đấng sáng tạo không tồn tại hoặc đã chết vì phải chờ quá quá lâu? Nếu tự nhiên có quy luật, tại sao có điều đó và con người có thể khám phá không khi quy luật là ngẫu nhiên? Suy đi tính lại mình chọn Đấng sáng tạo theo sự lựa chọn ít khiếm khuyết hơn, mặt khác là tạo vật nên con người và vật đều có chung những quyền mà quyền được tồn tại và phát triển phải được tôn trọng và tôn trọng để giữ lợi ích các bên vì hiện giờ trái đất đang là ngôi nhà chung và con người, vi sinh vật, động vật, thực vật, không khí,… tạo đang tạo nên chu kỳ khép kín. Thay đổi sự khép kín đó liệu là tốt hơn hay tồi tệ hơn, không ai biết được nhưng tận diệt không thể là đến đường cùng và sẽ không thể gặp Đấng sáng tạo.

    • rất vui vì cmt của bạn. mình sẽ nói những gì mình nghĩ.
      Bắt đầu từ nguồn gốc loài người, lẽ thông thường, khi học giáo lý chúng ta được dạy rằng loài người xuất phát từ Adam và Eva, chúng ta được dạy phải tin điều đó. Câu chuyện này được lấy từ cuốn Sáng Thế Ký của đạo Do Thái, Trong đạo Da Thái có rất nhiều cuốn kinh thánh mà Sáng thế Ký chỉ là một trong số ấy. Đạo Thiên Chúa nói chung (xuất phát từ Chúa Jesus) đã chọn lọc những phần rời rạc “phù hợp” với mình từ những cuốn kinh thánh đó để tạo ra cuốn kinh Cựu Ước để dùng cho giáo hội. Lại nói, những cuốn kinh thánh của đạo Do Thái được viết lên bởi người Do Thái khi họ gặp gỡ Thiên Chúa qua các “thị kiến”, đó như là những cuốn sách lịch sử của dân tộc Do Thái. Bởi kinh thánh là do con người viết lên nên chắc chắn còn phụ thuộc vào những lý giải của con người, Trong kinh thánh có thiên ý của Thiên Chúa thông qua những thị kiến nhưng đôi khi có cả những lời của các tiên tri giả. Vì vậy Kinh Thánh cũng chưa hẳn là hoàn toàn chính xác 100%. Kinh thánh là một tài liệu quý giá cho con người kiến giải về Thiên Chúa và ý chí của Ngài. Huống Huống hồ như đã nói, những gì được viết bị chi phối bởi hiểu biết con người nên ta không nên chỉ hiểu theo những gì đã viết theo nghĩa trắng đen. Câu chuyện khởi nguyên nên hiểu như là một câu chuyện mang nhiều hàm ý, một dụ ngôn, một bài học mà người xưa muốn truyền lại. Giống như những lời giảng của Chúa Jesus, Ngài thường dùng ngụ ngôn để dạy chúng ta, Ngài không bắt phải thế này hay thế kia một cách rõ ràng, điều Ngài muốn chúng ta hiểu là cái cốt lõi của cái “ý” muốn chúng ta hiểu, hiểu cái nội dung là thiên ý chứ không phải là cái hình thức. Như chuyện bà góa bố thí 2 xu lại được lòng Chúa hơn ông nhà giàu bố thí những đồng vàng, việc hy sinh bố thí nằm ở trái tim chứ không nằm ở giá trị vật chất. Vậy tóm lại cái cần tìm hiểu là hàm ý bên trong chuyện khởi thủy chứ không phải bản thân câu chuyện theo giấy trắng mực đen
      Thượng Đế có thật không thì con người khó có thể chứng minh với sự hiểu biết của nó. Nhưng trong suốt chiều dài lịch sử của loài người, chúng ta đã ghi nhận được rất rất nhiều những con người có được các “thị kiến” với Thượng Đế, và hầu hết họ là những con người vĩ đại trong loài người, họ mang đến những lợi ích lớn lao cho loài người, đạo đức của họ luôn được tôn vinh. Đó là một trong những lý do khiến chúng ta nên tin là có Thượng Đế. Đồng thời nếu con người không tin có Thượng Đế thì nghĩa là phải chấp nhận bản thân như một thứ phù du, sớm nở tối tàn, cuộc sống ở thế gian chẳng còn ý nghĩa gì, chẳng có mục đích gì, chết là hoàn toàn vĩnh viễn biến mất khỏi thế gian, đối mặt với ý nghĩ đó là một sự vô nghĩa hoàn toàn. Từng có thời người ta mê cuồng với khoa học, dùng nó để lý giải mọi thứ nhưng họ lại quên rằng khoa học là công cụ của loài người nên nó bị giới hạn bởi hiểu biết con người, những gì vượt qua hiểu biết của con người thì khoa học bất lực. Tin mù quáng vào khoa học là tự giới hạn bản thân mình. Cho đến ngày nay những vấn đề về tâm linh đang dần được chấp nhận và công nhận.
      Về Thiên Chúa, Thiên Chúa là đấng toàn năng, chỉ là ở mỗi tôn giáo thì tên gọi của Ngài là khác nhau mà thôi. Ví dụ người A có được “thị kiến” với Thượng Đế thì gọi Ngài là Chúa là lập ra đạo 1, người B có 1 “thị kiến” thì gọi ngài là Ala và lập ra đạo 2 và… Tất cả chỉ xuất phát từ 1 duy nhất là Ngài – đấng toàn năng, chỉ vì lòng người khác nhau nên người ta phân biệt. Điều này cũng lý giải vì sao đạo Thiên Chúa có nhiều nhánh. Với cùng một lời giảng dạy của Chúa Jesus nhưng từng thánh tông đồ sẽ cho ra từng lời giải khác nhau, những kiến giải khác nhau sẽ đi theo những hướng khác nhau. Hầu như mọi tôn giáo đều sinh ra các chi nhánh. Vậy nên hiểu rằng chưa chắc những kiến giải của Công Giáo lại đúng hơn Tin Lành hay Chính Thống, và ngược lại. Vậy một người tin vào Thiên Chúa Toàn Năng là một người phải có đủ lòng bao dung cho tất cả, không mang trong lòng những định kiến, sự bao dung đó trước tiên là với những chi nhánh cùng nguồn gốc như cùng là đạo Thiên Chúa, xa hơn nữa là có lòng bao dung với những tôn giáo khác. Phải luôn học hỏi và dùng hiểu biết của mình để kiến giải những điều thần diệu trong mọi nhánh cũng như mọi tôn giáo, chỉ có như thế ta mới đến gần với Thượng Đế, vì Ngài bao hàm tất cả.
      Còn về Thần Khí, mình nghĩ đó là sự sống, có lẽ thần khí đó tạo ra linh hồn của ta, để ta không còn là những vật chất vô tri mà biết suy nghĩ, có cảm xúc, biết bản thân ta đang tồn tại.
      Nếu tin có Thượng Đế thì ta cũng nên tin có một thế giới khác tồn tại bên ngoài thế giới vật chất này. Nếu chỉ giới hạn Thượng Đế trong thế giới vật chất thì Ngài không còn là đấng toàn năng nữa. Nếu Thượng Đế mà chết thì đó không phải là Thượng Đế nữa. Nhưng vì sao bạn nghĩ Thượng Đế sẽ chết nhỉ? Bạn nghĩ thế vì bạn biết loài người sinh ra và chết đi, thành ra bạn có ý nghĩ mọi sự đều có bắt đầu và kết thúc, giả sử như bạn luôn luôn tồn tại và cũng không chết đi thì bạn sẽ không bị cái sinh và tử đó chi phối nữa, cái “luôn luôn tồn tại” sẽ là sự hiển nhiên như cái hiển nhiên là “con người sinh ra và chết đi”.
      Về trí thông minh nhân tạo, con người có thể tạo ra trí thông minh nhân tạo, có thể sinh sản, có thể thể tự sửa chữa và bất tử nhưng nó vẫn là một thứ đồ vật mà tôi, nó được vận hành bằng những chương trình được lặp sẵn, nó không phải là con người. Nó chỉ như con người khi nó biết nó đang tồn tại, biết sáng tạo, có cảm xúc. cái việc con người tạo ra một sản phẩm như con người là một chuyện quá xa vời và không tưởng. Và vấn đề này chỉ có thể nói đến đây vì nó vượt quá sự hiểu biết của mình – một con người.
      Về các sinh vật khác thì bạn nói đúng, loài người chỉ là một giống loài trong muôn ngàn giống loài. tất cả tạo thành một quy trình của sự sống. Tiêu diệt các giống loài khác chính là tiêu diệt chính loài người. Phật giáo đã cho thấy cái nhìn đúng đắn khi cho rằng chúng sinh bình đẳng. Mọi giống loài cần được tôn trọng như chính giống loài của mình.

      • Chào bạn,

        Mình thấy có chút hiểu lầm nên mình muốn làm rõ vài ý

        1) Mình hoàn toàn đồng ý với bạn về nguồn gốc sách, Kinh thánh,… (gọi chung là sách), mình tin là sách do con người viết ra, nội dung của sách hoặc do trí tưởng tượng, hoặc sự cố ý có chủ đích hoặc ghi nhận điều mà họ đã được “thị kiến” (“thị kiến”: điều chứng kiến do gặp Đấng sáng tạo ở thực tại cuộc sống qua các phép màu, trong mơ hoặc được mách bảo về trí tuệ trong sáng tạo vào một thời điểm nào đó…). Vì được ghi nhận nên có những rào cản về ngôn ngữ, thông ngôn,… nên không truyền tải được 100%, do vậy mình chỉ trú trọng các sự kiện, xâu chuỗi và phân tích nó và chứng nghiệm dựa trên tự nhiên và xã hội. Các kiến giải của tác giả, người thời sau hoặc thông ngôn chỉ tham khảo. Tham chiếu bằng chứng nghiệm trên tự nhiên và xã hội, dưới lăng kính tồn tại, phát triển đi đến tận cùng vũ trụ để nhận biết “thượng đế chân đất” và kẻ lưu manh nhân danh, nên chăng?

        2) Thượng đế là một? Ở comment trước, mình nói rõ là Đấng sáng tạo, công giáo gọi là Chúa Cha. Bạn nêu thêm tên gọi Ala do “thị kiến” đã mở rộng và làm rõ ý hơn vì mình không đánh đồng Chúa Cha là Đấng sáng tạo (DST). Theo sự kiến giải của bạn là sự khác biệt do “thị kiến”, như vậy thì kết quả sẽ được giải khi ta kết hợp, xâu chuồi,… các “thị kiến” riêng biệt. Nhưng dựa vào đâu để phân biệt “thị kiến” với “thị kiến giả”-tức nhét ngôn từ vào miệng Thượng đế? Tham chiếu dựa trên tự nhiên và xã hội dưới lăng kính không phải sự huỷ diệt, dựa trên sự tôn trọng quyền sinh tồn của mọi loài? Các tôn giáo phân nhánh là do sự kiến giải khác nhau vì phần lớn mỗi người trong họ, ai cũng cho là họ mới hiểu đúng ý Thượng đế. Sự độc đoán này là đi ngược với quyền muôn loài nói chung và con người nói riêng. Đi ngược vì họ độc đoán nhưng lại không chấp nhận sự độc đoán của người khác, ở khía cạnh này càng giống nhau thì càng ghét nhau.

        3) Thượng đế chết? Có thể mình nói chưa rõ ý nên bạn hiểu lầm nên cảm tính trong suy luận nguồn gốc mà mình nêu ra ý kiến đó. Ngữ cảnh mình nói đến là tương lai khi con người đi đến tận cùng, tức khám phá đến cái cuối cùng của tạo hoá mà không gặp được Đấng sáng tạo và không tự tạo ra vũ trụ mới để sinh tồn thì ĐST có thể đã chết vì đợi quá lâu hoặc không tồn tại. Hiện nay chúng ta mới đi được những bước rất nhỏ trong những điều đã nhận biết được về vũ trụ qua mắt thông qua công cụ kính viễn vọng. Giả định đó đi đến cuối cùng mới có thể có câu trả lời.

        4) Thần khí là gì? Mình hiểu là trí tuệ, là cái dẫn chủ thể đi tới tận cùng và gặp DST, theo như sách viết thì nó được trao cho loài người nhưng không chừng loài người chỉ là bước đầu tiên. Khi trái đất “kiệt quệ” và con người chuyển họ, phương tiện, nguồn thức ăn,… của họ đến “nơi mới”, trí tuệ dẫn dắt bước tiếp theo có thể ở lại có thể một loài nào khác “trí tuệ” hơn nhờ môi trường mới kích thích. Cái bạn gọi là trí tuệ nhân tạo, bạn đang đứng ở lăng kính con người (tức trí tuệ do con người tạo ra). Con người có thẻ tạo ra một sản phẩm như con người, hiện xa vời nhưng khả năng đó là có thể. Đòi hỏi sản phẩm đó bằng trí tuệ với con người tạo ra nó ở thời điểm đó là phi thực tế nhưng so với con người trước đó thì có thể có khả năng bắt kịp về trí tuệ không? Có! Bằng chứng là có những người mang hình hài con người nhưng họ hầu như không suy nghĩ mà chỉ lặp lại lặp lại lặp lại. Xét ở khía cạnh đó họ là một con người robot?

        Nhìn chung, về tổng quát thì phần lớn mình có chung kết quả với bạn nhưng bị biệt một vài chi tiết. Mình đang cố gắng đứng trên nhiều góc nhìn, nhiều lăng kính để có thể thấu hiểu những vấn đề mà bản thân quan tâm. Khi tìm hiểu, chúng ta luôn có sự sàng lọc và lựa chọn và mình cố gắng làm rõ thang tham chiếu trong sàng lọc và xác định rõ cơ sở đưa đến sự lựa chọn đó, mình cố gắng tránh sàng lọc trên lăng kính cảm nhận vì gốc rễ của sự cảm nhận là màng lọc dựa trên những tiêu chí nào đó mà chính họ không làm rõ được.

        Thí dụ để thấy thang tham chiếu trong màng lọc của mỗi cá nhân: 1+1=2 là đúng hay sai? Phần lớn sẽ trả lời đúng, một phần hồ nghi ý nghĩa câu hỏi hoặc sợ sai lầm nên chọn im lặng vì không tìm được lời đáp thoả đáng cho câu hỏi tại sao tiếp theo. Ở góc nhìn của mình 1+1=2
        1) Đúng, dưới lăng kính (với tham chiếu) toán học đại số. Có thể có người chọn đúng nhưng không đưa ra được cơ sở vì họ đánh đồng tham chiếu toán học với cảm nhận của họ.
        2) 1+1=2 là không rõ ràng vì thiếu đi ngữ cảnh. Mọi sự việc trong tự nhiên, xã hội không đứng riêng lẻ, đơn độc và chúng ta đang không học toán. Nếu đang nói về kinh tế, 1+1 = n, n có thể là 1 hoặc nhiều con số nào đó và đều là kết quả đúng tuỳ vào từng điều kiện riêng biệt.
        3) Sai, không đủ cơ sở để đi đến kết luận này.

        Mình viết những điều mình có thể làm rõ ở mức độ nhất định và mong rằng ngôn từ mình sử dụng truyền tải đúng, đủ cụ thể mức độ về nội dung mà mình muốn nói, có thể người khác còn thấu hiểu hơn ở mức độ cao và sâu hơn. Mong nhận được sự góp ý với những lý lẽ không đủ logic hoặc kết quả khác khi chứng nghiệm thực tế hoặc nhưng ngôn từ không phù hợp hoặc ngôn từ bình dân hơn. Một câu nói tổng kết của Albert Einstein: If you can’t explain it simply, you don’t understand it well enough.

        • Mình cũng nói vài ý về câu trả lời của bạn:

          1. Có thể ngày nào đó con người tìm thấy Thượng Đế thật, nhưng cũng có thể không, cái không có thể do không có thượng đế hoặc đi lạc đường, ngày một xa hơn. Bạn nói khi con người đi đến tận cùng, đâu là sự tận cùng? Cái tận cùng là do ta khẳng định dựa trên hiểu biết của ta ở thời điểm ấy mà thôi, luôn có những giả thuyết vượt qua những gì ta biết. Nhưng việc ấy không quan trọng, Quan trọng chính là việc con người nên đi đến nơi tận cùng ấy để biết rõ tất cả mọi câu hỏi về mọi thứ, khi ấy con người biết mình sẽ làm gì.

          2. Sự khác biệt là do hiểu biết của con người khi gặp “thị kiến”. Tất nhiên, đôi khi con người khó lòng phân biệt thật giả. Còn việc dùng lăng kính nào để phân biệt? cái câu hỏi của bạn đúng đấy, đó là sự sống chứ không phải sự hủy diệt. Nếu một Thượng Đế chỉ mong muốn con người đau khổ, chết choc với một mục đích xấu xa thì đó không phải Thượng Đế mà chính là ác quỷ. Thượng Đế thật có thể khiến ai đó khổ đau nhưng qua đó con người thấu hiểu những điều tốt đẹp. Ở mặt nào đó cái từ ngữ Thiên Chúa hay Thượng Đế không chỉ nói lên quyền năng của Ngài mà còn phản ánh một cái nhìn tốt đẹp và tôn kính lên Ngài.
          Nếu một vị quyền năng, tạo ra tôi chỉ để hành hạ cho vui, hay chỉ như con người nuôi súc vật để ngày nào đó giết lấy thịt thì liệu ta có nhìn vị đó với ánh mắt tôn kính? Chính vì vậy Thượng Đế của tôi phải là một Thượng Đế sáng suốt và đầy tình yêu thương, có lẽ đó là một suy nghĩ chủ quang vì Ngài và bản tính của Ngài không bao giờ phụ thuộc và suy nghĩ của con người. Nhưng những gì ta đang có, trí tuệ của ta, những kinh nghiệm đời ta, những kinh nghiệm của người đi trước cho thấy ta đang có cơ hội để sống, để học và tiến lên. Đó cũng có thể là nhìn nhận chủ quang của tôi nhưng đó là cần thiết cho chính tôi trong cuộc sống này.

          Đúng là sự độc đoán đã ngăn con người tiến gần với Thượng Đế. Không những thế nó đã hạn chế mọi mặt trong đời sống con người.

          3. Về phần này bạn vẫn còn giới hạn trong cái nhìn của thế giới vật chất. bạn xem phim matrix chưa? Con người sống trong ma trận nhưng cứ tưởng là đời sống thực, thật ra họ tưởng thật khi máy tính cung cấp cho não họ những thông tin thôi. Thế thì làm sao loại trừ khả năng thế giới vật chất này cũng chỉ là một bộ máy tính để con người đến học hỏi về cuộc sống? giả như thế giới bạn đang cho là thật này chỉ là dữ liệu của 1 máy tính siêu lớn thì dù bạn có đi hết cái vũ trụ thì bạn cũng vẫn nằm trong cái máy tính ấy mà thôi. Vì vậy hãy giải phóng con người khỏi những sự phụ thuộc vào giác quan như nhìn, nghe … có thể ngày nào đó chúng ta sẽ “thấy” Ngài nhưng thấy bằng gì thì tôi không biết. cũng có thể không.

          4. Thần khí không hẳn chỉ là trí tuệ mà còn có cảm xúc. Bạn có nhớ câu “phúc cho ai không thấy mà tin”? Nếu quá phụ thuộc vào lý trí thì con người cũng rất dễ lạc đường đấy, vì lý trí phụ thuộc hoàn toàn vào giới hạn hiểu biết của con người, mà con người bị giới hạn bởi chính nó. Còn nếu ý bạn trí tuệ là tất cả suy nghĩ của con người thì coi như tôi chưa nói gì.

          Ồ! Tôi không hề loại trừ khả năng một loài khác sẽ trở nên thông minh như con người, điều đó có thể xẩy ra, cũng có thể có những giống loài hơn hoặc thua loài người về trí tuệ trong vũ trụ này. Nhưng cái mà bạn gọi đó là con người tạo ra thì không hẳn. Con người có tạo ra được vật chất? con người có tạo ra được các quy luật trong vũ trụ này? Không! Con người chẳng làm nỗi những việc này, con người chỉ khám phá ra các quy luật ấy và dựa trên đó để hình thành cái điều mà những quy luật ấy quy định. Bạn hiểu ý tôi không? Con người chỉ thật sự là Đấng Toàn Năng khi có thể thay đổi được mọi thứ và không phụ thuộc vào bất kỳ điều gì. Con người có thể tạo ra một giống loài như con người (giả sử là có thể đi) thì cũng phải dựa vào những quy luật của thế giới mà con người đang sống thôi, những quy luật ấy có sẵn và có trước cả sự tồn tại của con người. Vẫn còn 1 cách biệt vô biên để thấy con người có thể đến gần Thượng Đế bạn à.

          Bạn không hiểu ý tôi, tôi không cần giống loài mà con người tạo ra phải thông minh như con người, chỉ cần giống loài đó biết “tự hỏi” là được, có nhà triết học đã nói “tôi suy tư nên tôi tồn tại” – suy tư hay tự vấn chính là ranh giới tách biệt con người với các loài vật khác. Còn những con người chỉ biết sống như rô bốt thì sao? họ vẫn là con người đấy, vì họ có khả năng suy tư, nhưng họ lại không chịu dùng thôi, khả năng sẽ phân biệt giống loài, còn dùng hay không thì lại là chuyện khác.

          Về 1+1=2 thì nó chỉ là thuần túy toán học thôi,
          một vấn đề mang tính triết học lại lấy công thức toán học ra để lý luận rồi bảo
          1+1 không phải là 2 là một việc làm vô nghĩa. Tất nhiên tôi hiểu ý bạn muốn nói
          gì. Chỉ là ví dụ ấy mang tính cưỡng ép toán học, hệ số chỉ đơn thuần là một
          phép đếm thôi, nó không đại diện cho bản chất của chủ thể được đếm.

          ……

          Nói chung bàn luận về 1 vấn đề để làm rõ
          thôi, nếu làm đúng thì nó rất ích lợi cho ta. Nhiều ý tưởng mà trước kia mình
          chưa nghĩ tới đã phát sinh trong những cuộc bàn luận với nhiều người.

          • Chào bạn,

            Trước khi làm rõ vài từng mục cụ thể, mình muốn nói tới hai phương tiện chung mà mỗi người đều đang sử dụng để nhận thức: thang tham chiếu và bản chất ngôn ngữ.

            * Thang tham chiếu:
            – Để so sánh cái gì đó cần thang tham chiếu, thang tham chiếu này sẽ sàng lọc rồi đi đến kết luận đúng, sai hoặc bất khả. Thói thường chúng ta không chú đến thang tham chiếu và phạm vi của nó.
            – Nói lại về thí dụ: 1+1=2: Trên thanh tham chiếu thuần túy toán học thì đã ngã ngũ nhưng khi nó là một phần trong một chủ đề xã hội nào đó, thang toán học không thể sử dụng phân xử ở trường hợp này. Toán học, ngôn ngữ,… chỉ là những công cụ để chúng ta sử dụng vào giải quyết các vấn đề phức tạp hơn và ngôn ngữ truyền đi thông điệp của người muốn truyền tải.

            * Bản chất ngôn ngữ: là những quy định chỉ đối tượng hoặc vấn đề nào đó trong thực tế (tồn tại trong tự nhiên và xã hội) hoặc là sản phẩm của trí tưởng tượng. Là thực tế, có đối tượng cụ thể để làm rõ (nó là thang tham chiếu). Do vậy khi muốn làm rõ một chủ thể nào đó, người ta phải làm rõ ngôn ngữ, hay nói cách khác phải có sự nhất quán trong ngôn từ cả ở người nói và người nghe.
            Thí dụ: Người Việt bắc gọi con vật 4 chân, kêu éc éc, thường được nuôi với mục đích giết thịt là Lợn, người Việt nam gọi cũng con vật đó là Heo, người anh cũng con vậy đó họ gọi là Pig, người khác nữa có tên gọi khác.
            Giả sử bạn đang tranh luận mà người kia nói là con F&y, để làm rõ bạn sẽ hỏi con F&y là gì, người kia phải không mô tả được về nó thì vấn đề bất khả minh. Người kia mô tả bằng hình + tiếng kêu éc éc, và những thói quen khác của con vật như ăn rồi ngủ, đẻ nhiều con,… (mô tả như vậy là ở mức độ cao hơn cách mình mô tả) và khi đó dưới Sự mô tả vốn có về nó ta nhận ra đó cũng là con Heo theo tiếng gọi của người Việt nam. Bản thân, là người Việt nam, mình chỉ nhận diện được con Heo khi nắm rõ nó là con vật 4 chân, kêu éc éc, … và Heo chỉ là một “ký hiệu bằng ngôn từ” thay thế cho con vật đó. Sự đời lại làm rối chúng ta và phần đông những tranh luận là không phải với mục đích làm rõ mà vòng vo chữ nghĩa hoặc cảm tính, tức cố ý hoặc vô tình mù mờ thang tham chiếu hoặc chủ thể thực để có thể kiểm chứng.

            => Sự việc chúng ta trao đổi, có cái có thể có thang tham chiếu rõ ràng, có cái thì thang tham chiếu chỉ giải quyết được 1 phần. Cái chính là mỗi người có nhận ra thang tham chiếu của bản thân và sự hạn chế của nó để làm rõ thang tham chiếu trước khi nó làm nhiệm vụ sàng lọc.

            ***

            Làm rõ từng ý có thể làm rõ trong từng vấn đề bạn nêu (với mỗi mục là sự trả lời làm rõ cho mục tương đương bạn nêu).

            1) Về ý số 1. của bạn: Mình đồng ý với bạn và chỉ muốn nói về từ tận cùng. Tận cùng nó không đứng riêng, nó là từ chỉ mức độ nên phải gắn với đối tượng, ở thư trước mình nói là tận cùng vũ trụ, sau đó không lặp lại từ vũ trụ. Vũ trụ là cái bao gồm những điều con người có thể biết và chưa biết. Cách dùng từ của mình không ổn lắm, mình nên sửa lại là tận cùng của tạo hóa (tức thấu hiểu hết cái mà Đấng sáng tạo đã tạo nên). Bạn có thể giúp mình làm rõ hơn được không?

            2) Vài ý làm rõ

            + Thang tham chiếu để đánh giá: Với mình hiện nay là dựa trên quyền được tồn tại của muôn loài. Vì theo mình hiểu nếu Thượng đế không muốn ta tồn tại thì ta đã không tồn tại, sự tồn tại của ta chứng minh điều Thượng đế muốn, còn tàn sát loài khác hoặc đồng loại là do cá nhân con người muốn và họ có thể nhét chữ vào miệng Thượng đế.

            + Sự khác biệt do sự hiểu biết của con người khi gặp “thị kiến”. Mình không đồng ý, Thượng đế muốn con người biết thêm gì, họ sẽ nhận được, khác biệt nếu có theo mình là do hoặc ghi lại (ghi nhận và ghi lại là hai vấn đề khác nhau, ghi lại sự ghi nhận qua một công cụ nào đó như ngôn từ của người viết có thể không phản ánh hết ý họ và khi họ định nghĩa thêm ngôn từ mới, trở ngại có thể lài được người đọc cố ý hiểu khác). Hiểu theo nghĩa Thượng đế đã dự liệu và “thị kiến” được ghi nhận chính xác. Lúc này quyền giải thích “điều được ghi lại” có thể bị vài người giành lấy và lái theo ý họ muốn. Lúc này lại cần đến thang tham chiếu để phân định ý Thượng đế. Thang tham chiếu nên là sự tồn tại và phát triển của các tạo vật? Bạn có đề xuất gì để sàng lọc vấn đề trên? Vì nếu không sàng lọc thì ta giậm chân tại chỗ, sàng lọc trật thì chắc chắn mất thời gian để quay lại, để làm lại. Công cụ sàng lọc ở đây nên chứa những giá trị gì?

            + Đồng ý với bạn là giả định Chúa không xem chúng ta là vật nuôi vì nếu xem là vật nuôi, đã không cho chúng ta lật ngược vấn đề để tìm lời giải? Người nuôi chim nhốt lồng nó, dù là ngọc ngà thì nó cũng mất tự do, cái mà nó khao khát. Tại sao? Có bao nhiêu con chim sổ lồng tìm lại cái lồng để trú ẩn? Nếu nó quay lại, vì cái gì? Hội chứng Stockhom? Mình tin là Đấng sáng tạo cho chúng ta trí tuệ (cảm xúc là một phần trí tuệ và người sử dụng trí tuệ có thể hiểu được tại sao họ có cảm xúc nào đó). Mọi sinh vật đều có quyền sinh tồn nhưng tự nhiên có hạn, riêng con người, khi mà một ai đó, dân tộc nào đó không tự trị mà đẻ bành trướng, có nên dung quyền sinh tồn của mọi loài để gây ra chiến tranh lập lại cân bằng? Nhìn lại lịch sử, không có nhiều cuộc chiến tranh như vậy mà phần lớn là chiến tranh do bành trướng, tức lấy đi quyền sinh tồn của dân tộc khác. Đứng trên thang tham chiếu dân tộc cực đoan, vậy khi ta chiếm nơi khác được, tại sao không chấp nhận luật chơi là người khác chiếm ta? Thang tham chiếu không rõ ràng thì dễ bị xỏ mũi, để thang tham chiếu rõ ràng cần tư duy liên tục và chứng nghiệm kết quả tư duy trong tự nhiên và xã hội?

            + Sự độc đoán cần được loại bỏ nhưng trên tham chiếu nào để xác định một vấn đề là độc đoán hay không và nó có đến mức phải bị loại bỏ? Thang tham chiếu và giá trị của nó sẽ phải trả lời và khi trả lời, phải được áp dụng với chính người tạo ra những giá trị tham chiếu đó. Quyền căn bản phải có và nó phải là chung cho mọi loài như là một trong những tiêu chí của thang tham chiếu, mình tin như vậy? Theo bạn thì sao?

            3) Chúng ta chỉ nhận diện được đến mức độ mà tầm hiểu biết của mình có thể đáp ứng. Nói cách khác là màng lọc của ta sẽ giúp ta lọc để nhận thức trên con đường phát triển. Phim bạn nói chỉ là 1 góc nhìn, giữa cái thực và cái ảo, ta buộc phải chọn tham chiếu trên cái thực để mà sàng lọc. Có người lập luận bằng cách chỉ ra rằng tất cả cái ta thấy, cảm nhận,… cũng chỉ là ảo mà cái ta không cảm nhận được mới là thực. Mình ngạc nhiên là có người tin, mình hỏi dựa vào đâu để họ nói vậy thì tham chiếu họ đưa ra là ảo vì chính họ không giải thích được. Nhìn lại lịch sử, mình nhận ra rằng “giới tinh hoa độc đoán” đã làm công việc mà phim đề cập là gieo rắc vào não một đứa trẻ những cái “thật không thể kiểm chứng” nhưng mình tin là vì họ không phải Thượng đế nên dù có kiểm soát não thì con người ta với tư duy liên tục và kiểm chứng tự nhiên, xã hội sẽ thoát ra được. Trước đây Trời giới hạn bởi màu xanh nhưng có người nhìn ra ánh sao trong đêm và càng nhiều dữ kiện thì sẽ càng sáng tỏ.

            Sự giải thích của bạn phần sau mang màu sắc huyền bí và mâu thuẫn với phần trước. Thượng đế nhốt lồng ta vào thế giới ảo, vậy đi đến cuối cùng của cái lồng thì cũng không thoát, nếu thoát ra thì Thượng đế nhốt ta đó cũng chỉ là một sản phẩm, hay nói khác đi thượng đế này là giả. Chúng ta được trao tặng 5 giác quan và não để nhận biết, cho tự nhiên để tồn tại, thực nghiệm và giác quan thứ sáu để tiếp nhận “thị kiến” để làm bước đột phá để phát triển, để có thể nhận biết hết tạo vật. Lịch sử chứng minh, bay trên trời là bất khả với con người, nhìn xuyên đêm là không thể và ý nghĩ đó cách nay 2000 năm là tưởng tượng là sản phẩm của trí tuệ là phi thực tế nhưng đến giờ nó là “thị kiến”, là sự mách bảo.

            Chúng ta đang đứng ở mức hiểu hiện tại nên bạn đi đến kết luận có thể thấy Ngài có thể không hoặc mình nói là đi đến tận cùng sự tạo vật mà con người (con người hiểu là sinh vật có trí tuệ) không gặp và không thể duy trì sự sống khi mọi tạo vật đổ nát thì có thể Thượng đế đã chết hoặc Ngài không tồn tại. Cả hai cùng đi đến kết luậnnước đôi, do ta chưa thể làm rõ, có thể cần thêm thời gian và “thị kiến” để con người tự nâng mình lên mức hiểu cao hơn. Mình không muốn chúng ta mất phương hướng lâm vào chứng minh kiểu như mình thí dụ ở trên là Heo hay Lợn đúng? Chúng ta cần thang tham chiếu tốt hơn để có thể nhận rõ chủ thể, bạn có ý kiến khác không?

            4) Mình thấy cần làm rõ

            + “Phúc cho ai không thấy mà tin”. Dựa trên sự kiện được ghi nhận với câu nói này, Chúa đã phải “thị kiến” cho ông Toma. Theo mình nếu phụ thuộc vào lý trí mà lạc đường thì chỉ có thể giải thích là cảm tính. Người lý trí hiểu rõ dựa trên tham chiếu này họ đi đến kết luận đó và họ sẽ sàng đánh giá lại tham chiếu của họ để thừa nhận sự bất khả chứng minh trong điều kiện nào đó. Ở góc độ của mình Chúa Jesu là người được “thị kiến” hoặc là con Chúa Cha nhưng chắc chắn không phải Đấng sáng tạo.

            + Trí tuệ: do luôn tiếp nhận và luôn sàng lọc với những thông tin, thực tại mới nên nó không thể đóng khung. Trí tuệ là suy nghĩ của con người dựa trên thực tế (tự nhiên và xã hội) hoặc tưởng tượng (có thể vô tình trúng ở tương lai) hoặc “thị kiến”.

            + Về nhân tạo. Mình hoàn toàn hiểu ý bạn nhưng bạn không hiểu ý mình. Con người có thể học theo các quy luật đã nhận diện được, kết hợp để tạo ra loài mới và khi đến mức độ cho nó tự sửa chữa, sinh sản theo cách nào đó và cho nó đến tự tồn tại một nơi nào đó thì nó là tạo vật của con người và bản chất việc này là con người là tạo vật của DST, dựa vào nhiều tạo vật của DST để tạo nên tạo vật của riêng con người. Ở góc nhìn của robot (khi tạo cho nó sự tư duy tồn tại) thì con người cũng là DST với họ nhưng về quyền năng thì chỉ là học trò của DST. Mình không theo đuổi cái bất khả, mình theo đuổi cái có khả năng kiểm chứng để thu hẹp dần sự bất khả đến mới có thể và mình hiểu thang tham chiếu hiện giờ là rất hạn chế và thừa nhận sự bất khả trên nhiều lãnh vực.

            + Câu hỏi 1+1=2, đúng, sai, tại sao? Xin lỗi để bạn hiểu lầm, ví dụ này mình nói ra để làm rõ về thang tham chiếu trong đánh giá vấn đề. Xuyên suốt ý kiến của mình, nhiều vấn đề bất khả, mình quay lại để làm rõ thang tham chiếu. Trong tất cả công cụ con người sử dụng để khám phá tự nhiên và lý giải xã hội, theo sự hiểu của mình triết học là công cụ ở mức cao nhất. Có ý kiến cho rằng con người dùng triết học để xây dựng các lãnh vực chức năng như toán học, kinh tế, xã hội,…

            Kết:
            + Mình cùng quan điểm với bạn là bàn luận để làm rõ vấn đề. Một trong những điều cần làm rõ là thang tham chiếu và cái ta chưa thể chứng minh. Hay nói khác đi sự làm rõ của chúng ta bị giới hạn ở những mức độ nhất định nên không thể nào đứng trên lăng kính đúng sai để phán được vì khi ta chưa biết về nó như vốn có của nó, mọi đúng sai dù với tham chiếu nào cũng đều không đầy đủ. Bàn luận để biết giới hạn của bản thân, cải thiện được sự giới hạn thì ta phát triển hơn.
            + Tranh luận đúng, sai mà không rõ thang đo, không gắn với chủ thể có thể là tham chiếu mà đi đến kết luận đúng hoặc sai, điều đó có phải là cảm tính, biểu thị sự độc đoán?
            + Ý nào theo bạn chưa logic, mình sẽ làm rõ để bạn hiểu ý mình hoặc chỉ ra sự sai sót trong cách nhìn nhận vấn đề của mình. Suy cho cùng, chúng ta chỉ có thể làm rõ đến mức độ chúng ta nhận thức

          • Chào bạn

            Về việc làm rõ thang tham chiếu và sự thống nhất trong ngôn ngữ thì mình đồng ý với bạn nên sẽ không bà luận thêm

            Về các vấn đề khác: đại khái là đồng ý với những chỉ bạn nêu, nhưng cũng nói thêm để làm rõ một tí

            1. Về ý này thì viễn cảnh ấy quá xa nên mình cảm thấy bất lực. nhưng viễn cảnh ấy vẫn có thể xẩy ra, chúng ta thấy con người ngày càng đi xa hơn trong quá trình nhận thức thông qua trí tuệ mà Thượng Đế đã ban cho (giả như ta chấp nhận việc Thượng Đế tồn tại), bởi nếu Ngài không muốn con người hiểu biết thì Ngài đã không cho con người có trí tuệ và các “thị kiến”. Vậy cái viễn cảnh ấy như thế nào? Chắc chắn sẽ là lộng ngôn nếu ta bảo rằng chúng ta có quyền năng như Thượng Đế, nhưng nếu cần một điều gì đó để hình dung thì đó chính là sự trở về với Thượng Đế, chúng ta hòa nhập vào trong Ngài. Trong đạo những lời giảng, Chúa Jesus từng nhiều lần nhắc nhở rằng chúng ta là con của Ngài (Chúa cha), chúng ta là tạo vật nhưng cũng là con của Ngài, trong ta có thiên tính của Thiên Chúa, vậy chúng ta cũng là một phần của Ngài. Nhưng cái ngày tận cùng đó chúng ta sẽ như thế nào thì tôi không thể hình dung nổi. Tuy nhiên nói thêm 1 chút ý ngoài lề, chúng ta là tạo vật nên ở vị thế đó chúng ta cần sự khiêm nhường khi đứng đến Đấng Toàn Năng, nhưng chúng ta cũng không phải là một thân phận hèn mọn vì chúng ta cũng là con của Ngài, trong 2 cái thân phận ấy dạy ta rất nhiều điều trong cuộc sống, sống khiêm cung nhưng cũng phải sao cho xứng đáng với vị thế là con Thiên Chúa. Tất nhiên phần ngoài lề này tôi tham chiếu trên những lời giảng của Chúa Jesus, còn với đạo Công Giáo thì chỉ có Chúa Jesus là con 1 của Chúa Cha. Với những tôn giáo khác thì tôi không biết.

            2. Đoạn thang tham chiếu: đồng ý với bạn là dựa trên quyền được tồn tại. nhưng cũng nói thêm là Ngài đã cho chúng ta tự do lựa chọn con đường của mình, quý trọng sự sống thì được sống, tàn phá sự sống thì phải chết. Và con người quả thật làm không ít chuyện nhét chữ vào miệng Thượng Đế.

            Đoạn sự khác biệt: đồng ý với diễn giải của bạn, Thượng Đế biết khả năng của con người nên Ngài sẽ cho con người hiểu điều mà con người có thể hiểu trong khả năng của người đó. Và quả thật giới hạn để diễn giải của người “thị kiến” nằm ở ngôn ngữ, chính vì thế những gì được ghi lại chỉ mang tính tham khảo. Về vấn đề sàn lọc? Điều này quá khó khăn đối với con người nói chung và khả năng của từng người nói riêng, điều có thể làm được là nâng cao sự hiểu biết của bản thân, tham khảo sự lý giải của những người đi trước và chọn sự lý giải nào đó mà ta tin tưởng, cuối cùng thì cái quan trọng nằm ở sự chọn lựa của bản thân ta vì con đường của ta do chính ta đi. Nhưng nếu bạn hỏi điểm mấu chốt là gì thì tất nhiên tôi sẽ nói đó là sự sống, nhưng nếu nói về sự sống thì không thể bỏ qua chuyện con người có kiếp sau hay không. Đây là vấn đề phức tạp nhưng tôi cũng thử bàn về nó.

            Trường hợp đầu tiên là con người được sinh ra và sẽ chết đi một cách vĩnh viễn, vậy thì điều quan trọng nhất với ta chính là sự sống của ta, kế đến là sự sống của những gì mà ta yêu thương (cũng thuộc về “ta”), trong trường hợp này sự sống của mọi loài đều thuộc hang thứ yếu, sự tồn tại của những loài khác hay của những con người khác chỉ nhằm duy trì sự sống của chính ta hoặc thỏa mãn ý muốn của ta. Khi đó con người tôn trọng sự sinh tồn của giống loài khác chỉ vì lợi ích của mình, nói cách khác là các loài khác không hề có một quyền bình đẳng về sinh tồn như một chân lý. Vì tôn trọng quyền sinh tồn của loài khác mà chúng ta mất đi vĩnh viễn là một điều không thể chấp nhận nỗi

            Nếu con người chết đi nhưng không phải thật sự chết đi (tôi nhảy sang sự huyền bí rồi nhỉ?) thì lại là chuyện khác, cái khác đó chính là sự tiêu diệt giống loài khác không phải là sự tất yếu và sự tôn trọng sự sinh tồn của các giống loài khác dựa vào quan niệm của con người hoặc dựa vào những “thị kiến”. nói thế là vì Thượng Đế đã không cho ta thấy việc tôn trọng giống loài khác là chân lý dù phải bị diệt vong trong cuộc sống tạm bợ này. Đảo ngược vấn đề, nếu chúng ta chỉ có 1 kiếp sống và chết vĩnh viễn, thì dù Thượng Đế có có cho ta “thị kiến” rằng ta phải chấp nhận cái chết để giống loài khác tồn tại thì ta cũng không chọn lựa tuân theo. Vì chết để giống loài khác tồn tại và bị Ngài hủy diệt hoàn toàn là như nhau. Vì khi cái chết trở nên tuyệt đối thì sự sống của chúng ta cũng trở nên quý giá tuyệt đối (hoặc cái tôi của chúng ta trở nên tuyệt đối). Về vấn đề này nếu bạn chưa hiểu ý tôi thì tôi sẽ làm rõ hơn. Với những phân tích đó, với tôi, thì cái để tham chiếu phụ thuộc rất lớn về quan niệm của con người về sự sống và cái chết, đó là sự tồn tại của chính ta.

            Về vấn đề bành trướng: đồng ý với lập luận của bạn

            Sự độc đoán có thể tham chiếu trên sự sống của chính ta. Điều một con người cần là gì? Là sự sống, tự do, hạnh phúc… ta không muốn những điều đó của ta bị tổn hại, ta muốn những người khác phải tôn trọng chúng. Nhưng như một sự phản chiếu hay dùng 1 thang tham chiếu như bạn nói, buộc người khác tôn trọng những điều đó thì ta phải tôn trọng cũng chính những điều đó của họ. tất cả phải tôn trọng một luật chơi chung, kẻ nào phá bỏ luật ấy chính là kẻ độc đoán. Tuy nhiên, trong cuộc sống, loại trừ khả năng khi tiêu diệt loài khác khiến ta bị thiệt hại nên buộc phải tôn trọng, thì có những trường hợp sự độc đoán không hề gây thiệt hại lên ta khi vị thế của ta mạnh hơn rất nhiều, đó là loài người với các loài vật khác. Khi đó việc tôn trọng giống loài khác lại nằm trong vấn đề đạo đức chứ không còn là suy luận của lý trí nữa. và điều đáng ngạc nhiên ở chỗ, khi ta tôn trọng sự sinh tồn của giống loài khác, ta thấy mình trở nên cao quý hơn, có thể cảm giác cao quý này phát sinh từ việc ta được tôn trọng trong xh loài người khi ta biết tôn trọng các quyền của đồng loại. Nhưng phải chăng những điều đó chính là bản tính của Thiên Chúa có trong ta? Đó là cái mà người ta thường gọi là lương tâm? Điều thú vị ở đây là Thượng Đế bỏ ta vào thế giới này mà không có những bảng nội quy rõ ràng, sống trong thế giới tự nhiên, trong xh loài người, chúng ta phải tự tìm ra.

            3. Về bộ phim thì đúng chỉ là tham khảo, mình không hề khẳng định sau thế giới này còn 1 thế giới nữa, cái đó là do niềm tin của từng người (hoặc may ra có một “thị kiến”), còn việc bị tẩy não rồi sau đó có tìm ra không thì khó mà nói được, nó phụ thuộc và hoàn cảnh của người bị tẩy não và sự tinh vi của người tẩy não, chuyện đó không ít trong xh loài người chúng ta.

            Sự giải thích của mình đúng là mang sự huyền bí, nhưng cũng không mâu thuẫn. đơn giản vì như bạn nói ở trên, bạn thường dùng các ví dụ về khoa học kỹ thuật của loài người để lý giải nên mình nói vậy. và cái nữa, việc Thượng Đế nhốt ta vào thế giới ảo thì ta vẫn có thể thoát ra được nếu tìm được chiếc chìa khóa. Nhưng chiếc chìa khóa đó là gì? Là sự khám phá cái lồng đó sao? nếu chỉ có thế thì quả thật là dù đi đến cuối cùng của cái lồng đó cũng không thoát ra được. Tôi nghĩ chìa khóa để thoát khỏi cái lồng đó hoàn toàn khác, đó có thể là tình yêu thương, là sự khám phá về đời sống theo hướng tinh thần hơn là vật chất, với niềm tin Phật Giáo, Đức Phật đã thoát khỏi cái lồng này, Ngài thoát khỏi sinh tử bằng sự giác ngộ của tinh thần về sự hiểu thấu sinh tử chứ không phải bằng cách tạo ra một chiếc dĩa bay đâm xuyên vũ trụ. Chúng ta bị nhốt trong lồng để học điều gì đó mà Thượng Đế muốn, và điều đó tôi nghĩ nó mang ý nghĩa nhiều hơn việc khám phá cái lồng đó. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật, những quy luật của thế giới này có phải phản ánh sự tiến bộ của loài người? vấn đề đặt ra là một con người được gọi là văn minh tiến bộ là một con người thế nào? Là ở những hiểu biết về cuộc sống hay ở hiểu biết về khoa học kỹ thuật? Có lẽ khoa học ngày nay tiến bộ hơn xưa rất rất nhiều, nhưng sự văn minh thì chưa chắc hơn một ít con người ngày xưa đâu, có những tư tưởng của và người mà nhân loại phải xem lại và học hỏi, vì họ đi trước mấy nghìn năm. Vậy tóm lại ta phải xác định điều gì quan trọng với ta, đâu mới là chìa khóa để ta về đến nơi tận cùng mà bạn nói.

            Về phần đi đến cuối con đường, có thể như bạn nói khi ta loại bỏ khả năng còn 1 thế giới khác nữa sau thế giới này. Nhưng nếu còn 1 thế giới nữa thì những vấn đề bạn đặt ra như sự tồn tại của loài người hay mọi giống loài khác…sẽ trở thành khó biết. Chuyện này mình nghĩ không đi xa nữa.

            4. Điều bạn nói là đúng về cái gọi là lý trí, nhưng đó chưa hẳn giúp con người đi đúng hướng bạn à. Có những điều muốn đi tiếp con người phải vượt qua một ranh giới để đạt được niềm tin. Cái việc chấp nhận sự bất khả chứng minh chỉ là sự để ngõ một khả năng có thể có thôi, nhưng đôi khi con đường để đi cần 1 sự quyết đoán mà lý trí không bao giờ lý giải được hay có thể chấp nhận. Nhiều bậc vĩ nhân của con người đã làm nhiều điều dựa trên chủ yếu là niềm tin hơn là sự hiểu biết của lý trí. Tất nhiên lý trí cũng cần thiết, nhưng nó không phải là tất cả, đơn giản vì lý trí là có giới hạn. Còn việc Chúa Jesus , mình có phần đồng quan điểm với bạn dù đó là sự báng bổ đối với đạo Công Giáo, không hề có một câu nào từ miệng Ngài bảo rằng “ta là thiên Chúa”, Ngài chỉ bảo rằng Ngài và cả chúng ta nữa đều là con Thiên Chúa. Ngài bảo chúng ta là anh em của Ngài. Giới hạn của tôn giáo chính là sự hạn chế con người trong những lý giải mang sự độc đoán (ít nhiều tùy tôn giáo) trong khi sự lý giả bị giới hạn bởi những người lý giải. sự độc đoán cũng gây ra sự chia rẽ trong tôn giáo, nhưng xét về xh con người thì một tổ chức không thể tồn tại nếu không có sự thống nhất về mặt lý luận. Vì thế về vấn đề tâm linh thì tôi chủ trương nên thoát khỏi sự giới hạn của một tôn giáo. Chúa Jesus dù rằng có thể không phải Đấng Sáng Tạo nhưng vị trí của Ngài cũng không hề bị hạ thấp, đồng thời ta sẽ cảm thấy một sự gần gũi hơn, tạo cho ta một hy vọng, rằng con người vẫn có thể đạt được địa vị con Thiên Chúa , điều quan trọng không phải sự ham muốn địa vị mà sự vượt lên của thiên tính trong ta.

            Trí tuệ: như bạn nói

            Con người có thể có những tạo vật mang tính tương đối. Nhưng để tạo cho nó sự tư duy tồn tại thì mình nghĩ là không tưởng.

            Kết:

            Những vấn đề bạn đặt ra mình đã trả lời theo ý nghĩ của mình, nếu bạn thấy điều gì còn rắc rối hoặc cần bàn luận thêm thì chúng ta sẽ trò chuyện tiếp. Rất vui vì được thảo luận cùng bạn.

          • Chào bạn

            Mình nêu lên ý kiến cá nhân, có thể là một góc nhìn khác cho
            những luận điểm bạn nêu

            1)
            + Viễn cảnh là cái chúng ta dự đoán nên không bàn tới độ chính xác, chỉ bàn về sự logic trong lập luận. Bàn độ chính xác cho vấn đề chưa thể làm rõ với mình là không nên.

            + “Tôi tư duy nên tôi tồn tại”, tự nhiên và xã hội là những tham chiếu, nếu ai đó có lập luận khác, vậy phải cho một có sở để đánh giá, tham chiếu sự tồn tại và những sự vật, sự việc trong tự nhiên và xã hội. Mình sẽ chọn tham chiếu tốt hơn nếu ai đó chứng minh được. Có kiểu bàn luận là đánh đổ mọi cái đã có để xây cái mới, nhưng trên cơ sở nào thì lời giải thích của họ là huyền bí. Nếu là huyền bí, sao họ biết? Mặt khác sự huyền bí là do chúng ta chưa đủ khả năng khám phá, nó không thể làm tham chiếu được.

            + Mở rộng ý chúng ta là tạo vật. Tạo vật có ý nghĩa với người tạo ra nó (DST) hay vô nghĩa? Chúng ta không có câu trả lời chính xác. Ngoài những chất liệu chung giữa ta và những sinh vật tạo vật khác, ta có chất liệu riêng là trí tuệ. Trí tuệ và một phần của DST? Ta không chắc nhưng tạo nên ta và vạn vật chắc chắn phải trí tuệ. Trí tuệ của ta có là chung bản chất, là một phần hay khác với DST thì ta cũng là con của Ngài và cũng không loại trừ ta là con ruột của Thượng đế (tức được tạo nên từ một phần của thượng đế. Với con người, cha mẹ tạo ra con khi trứng và tinh trùng gặp nhau, trứng và tinh trùng là một phần của cơ thể cha mẹ. Mình có thể đặt câu hỏi nhưng phần nhiều là bất khả trả lời rõ ràng. Mình nói lên điều này vì khác với suy nghĩ của bạn, mình không cho là chúng ta là nô lệ tư tưởng của Thượng đế. Trí tuệ của ta dù là được Ngài tạo nên hay thừa hưởng từ Ngài thì cần nhiều nhiều nỗ lực con người (cá nhân không làm nổi cho đến khi có thể ngăn chặn sự lão hóa của tế bào) mới có thể bắt kịp và có thể vượt hơn.

            + Trở ngại của mỗi con người trong nâng cao trí tuệ là thời gian, là sự tự mãn và tính tự cao, là sự độc đoán,… Sự khiêm cung, khiêm nhường,… theo mình là hiểu là sự giả tạo, thể hiện ra bên ngoài cho người khác thấy và cũng là sự trở ngại cho sự phát triển trí tuệ vì hạn chế sự lên tiếng.
            Mỗi con người khi sinh ra đều như nhau là cùng xuất phát điểm ZERO nhận thức, tiến nhanh hay chậm là do cha mẹ tạo thói quen và khả năng tự nhận thức và tiếp thu kinh nghiệm lý thuyết (cái kinh nghiệm thực tế được thế hệ trước ghi nhận khi họ tiếp xúc với tự nhiên, xã hội)

            2)
            + Tham chiếu: Chúng ta phải dần hoàn thiện để nâng trí tuệ cá
            nhân ta lên. Một trong những tiêu chí tham chiếu là quyền tồn tại, quyền được biết khả năng của chúng ta ở từng thời điểm là hạn chế, quyền được biết thông tin…

            + Quyền tự do lựa chọn bạn nói là hiển nhiên trong thực tế, áp dụng ngay cả với có phát triển trí tuệ hay không. Nhưng quý trọng sự sống thì được sống, tàn phá sự sống thì phải chết, theo mình chưa hẳn. Giả sử cả nhân loại đều muốn tàn phá sự sống, chỉ 1 người chống lại thôi (Nếu nó xảy ra thì Thượng đế muốn gởi tới con người tín hiệu cuối cùng cảnh báo họ, điều đó chỉ thể xảy ra khi gần như toàn bộ loài người tước đi bản năng được Thượng đế trao là TỰ VỆ) thì có khả năng lật ngược hoặc chôn vùi, cao ngạo thì tự diệt. Trên góc độ cá nhân của người tàn phá sự sống, họ liệu có muốn tự diệt hay do lo sợ trách nhiệm mà tự kết liễu? Bạn đứng trên góc độ cá nhân, nhóm người, cộng đồng để nhìn về sự quý trọng và tàn phá sự sống sẽ tấy những mâu thuẫn.

            + Sự tin tưởng bạn hình như gắn với bất biến, còn mình gắn nó
            với thang tham chiếu nên sự tin tưởng của mình có thể thay đổi. Thang tham chiếu giữ vai trò quan trọng trong sàng lọc, sàng lọc để loại bỏ “thị kiến giả”, “kẻ lưu manh lấy Thượng đế làm bình phong”. Tin tưởng mà không rõ tham chiếu tạo nên niềm tin là mù quáng, “lấy tham chiếu huyền bí” thì có vẻ hàm hồ. Hàm hồ vì nếu đen sự tự do lựa chọn, quyền tồn tại, quyền tự vệ,… là cái mà Thượng đế trao cho mỗi người thì “huyền bí bị bóc mẽ”, chỉ còn lại cái ngoài tầm hiểu của cá nhân, của con người trong một thời điểm nào đó, qua thời gian với tư duy liên tục và chứng nghiệm, khoảng cách sẽ được rút ngắn.

            + Có kiếp sau hay không? Kiếp sau của mỗi người là con cái của
            họ, kiếp sau hiểu theo bản thân tiếp tục tồn tại hay cái chết chỉ là khúc cua, đó là điều mà hiện nay bất khả làm rõ. Nếu có kiếp sau, cũng không có cơ sở để cho rằng luật chơi của kiếp này với kiếp sau là chung nên không thể làm tham chiếu để đánh giá tốt xấu. Chuyện của ngày mai không thể giải quyết hôm nay, kiếp sau không thuộc thế giới này mà lại dùng công cụ của thế giới này để giải chỉ ra sự độc đoán hoặc cuồng tín. Bạn kiến giải kiếp sau dưới lăng kính độc đoán và huyền bí nên mình chịu. Mình không đi giải bài toán bất khả đó, mình giải bài toán kiếp sau là một phần thân thể ta rong chơi, bạn tận diệt loài khác thì phần thân thể bạn ở con, cháu,… bạn gánh hậu quả. Hiểu như vậy, ý là phải có con, không hẳn vì ta hiện giờ là một phần thân thể của ai đó. Sanh con ra mà chúng tận diệt nhau là đau đớn nhất. Mình hiểu là sinh tồn và phát triển phải đi cùng nhau và nên giảm đi sự độc đoán.

            + Sự bành trướng là kết quả của độc đoán và cao ngạo nhưng thể hiện ở nhóm người. Họ tự cho là họ đáng sống hơn, giỏi hơn,… sinh vật khác.

            + Bạn có dùng đạo đức như là tham chiếu, đạo đức chỉ là những
            quy tắc được cộng đồng nào đó chấp nhận xem như quy tắc ứng xử. Lịch sử chứng minh đạo đức luôn thay đổi, nhiều khi mâu thuẫn nhau nên không thể lấy nó làm tham chiếu. Quyền sinh vật và Quyền con người phải được nhận thức rõ ràng và nếu đạo đức xây dựng trên các tiêu chí này thì có thể làm tham chiếu đánh giá ở phạm vi đang bàn luận, bằng không trả nó về đúng vị trí của nó, kiểu như tham chiếu toán mà mình đã thí dụ.

            + Phần bạn lý giải về đạo đức, suy luận của lý trí, cao quý hay
            nâng vị thế, lương tâm, Thượng đế không ra nội quy… có hơi hướng cảm tính hoặc thể hiện phần nào sự duy ý chí. Mình phân loại khác cho sự việc bạn nêu là duy lý hoặc duy tình với định nghĩa rõ tham chiếu, cái mà bản thân sử dụng.

            * Duy lý: gắn với thang tham chiếu nên phải hiểu rõ hạn chế của
            kết quả ta có được, là kết quả thực tế trong những điều kiện nào đó hoặc là kết quả của suy luận có thể (tức suy luận theo hướng có thể xảy ra dựa trên kinh nghiệm thực tế)

            * Duy tình: Theo cảm nhận, không xác định rõ hoặc mù mờ về thang đo và lý lẽ được xem là thứ yếu.

            * Bàn về lương tâm: Giá trị chung và luôn đúng? Con người là sinh vật có trí tuệ nên mới sinh ra khái niệm này. Trở lại tạo vật, vì con người và sinh vật đều cùng là tạo vật, nên phải có nền tảng chung. Riêng con người, trí tuệ dù là tạo vật hay là một phần của Thượng đế thì cũng đều có chung những giá trị và nó phải được tôn trọng.
            Lương tâm là khái niệm mù mờ của con người, một người nó họ hành động theo lương tâm nhưng không giải thích rõ thang tham chiếu của lương tâm đó, lúc đó họ cảm tính.

            Thí dụ đánh giá lương tâm mỗi người: Một người do nhu cầu của họ mà giết người, thậm chí phi tang nạn nhân, nên được tha thứ? Nhiều người nhận là có lương tâm nhưng không chấp nhận tha thứ, nhiều người nói là tha thứ mới có lương tâm. Vậy cái nào là lương tâm? Theo cá nhân mình, khi thủ phạm nhận ra họ đã vì nhu cầu có thể nhỏ hơn sinh tồn mà cướp đi sự sinh tồn của người khác, họ muốn bù đắp lại thiệt hại họ gây ra trên “phần thân thể sống còn lại” thì nên trao cho họ cơ hội làm lại. Hung thủ nhận thức như vậy, “nạn nhân còn lại” tha thứ lỗi và nhận phần bù đắp, người không liên quan ủng hộ, những cái đó ở từng cá nhân là lương tâm? Cho thủ phạm quyền tiếp tục sống nhưng hạn chế quyền khác để ngăn ngừa tái diễn cũng là lương tâm? Khi sự việc xảy ra, kết quả của nó là bất khả thay đổi nhưng con người ta thường trả thù hoặc lợi dụng sự việc để tư lợi từ thủ phạm.

            => Bàn về lương tâm mà người ta không chịu định nghĩa rõ
            lương tâm là thế nào? Tham chiếu trên tiêu chí nào và chứng nghiệm ở đâu để làm rõ khái niệm (định nghĩa) lương tâm đó, để cho nó có hình hài, thoát ra khỏi sự huyền bí. Từ đó dùng làm công cụ, là thang tham chiếu để phân xử sự việc trong
            xã hội và bị đặt vấn đề về sự hạn chế để đi đến sự làm rõ hơn thang tham chiếu nhằm để phân xử tốt hơn. Liệu như vậy, chính ta cũng đang nhét ngôn từ vào miệng Thượng đế? Ngài tạo ra chúng ta và cho chúng ta trí não, để dựa vào tự nhiên và xã hội để làm rõ quy luật thực tế, tìm hiểu quy luật tự nhiên, đối chiếu và điều chỉnh theo quy luật Thượng đế đã áp dụng tạo ra muôn loài. Ngài muốn chúng ta tìm?

            3)
            + Bạn quy chụp vào mình theo khoa học, mình không đồng ý. Khoa học không bao gồm suy luận có thể và khoa học là cái có cho ra kết quả tương tự trong điều kiện đã nêu. Khoa học là gì? Hiện nay đó cũng là khái niệm chưa hoàn toàn rõ ràng (ít nhất là khái niệm mình đã đọc) hoặc chính mình cũng không hiểu thế nào thật sự là khoa học vì có nhiều định nghĩa khác nhau. Mình theo duy lý và mình có định nghĩa duy lý ở trên.

            + Tình yêu thương là gì? Hướng về tinh thần hơn vật chất? Đức Phật? Văn minh? Tư tưởng mấy ngàn năm trước phải xem lại,… là những khái niệm, ngôn từ bạn đã dùng để luận giản góc nhìn của bạn. Mình vì không thích sự mù mờ nên làm rõ ở mức độ mình hiểu:

            * Yêu thương: Nhìn từ bên trong và bên ngoài. Bên trong là quý
            trọng cơ thể (sức khỏe) và trí não, bên ngoài thì mình lấy tình mẫu tử để trả lời: yêu thương là hành động vì lợi ích của người họ yêu thương. Thí dụ biểu hiện yêu thương của người mẹ: La, mắng, chìu chuộng, tức giận, khóc lóc,… => Yêu thương ở góc độ bên trong là tự bảo vệ, ở góc độ bên ngoài có thể là đôi
            cánh giúp phát triển, có thể là cái neo dẫn đến sự kìm hãm, trì trệ chỉ vì họ lấy lợi ích họ thấy, họ trọng làm thang tham chiếu chứ không phải lợi ích của người họ yêu thương.

            * Hướng về tinh thần hay vật chất? Con người là thực thể của vật chất và tinh thần (sản phẩm của não, chưa chắc đã là trí tuệ). Hai cái đó phải bổ trợ cho nhau, nói rõ hơn là tồn tại và phát triển phải đi song đôi và phát triển cần trí tuệ. Tùy mỗi người mà để tồn tại + phát triển, họ sẽ ưu tiên kiếm vật chất hơn hay tư duy liên tục hơn (hơn ở đây cũng chỉ mang ý nghĩa tương đối). Để phát triển, cần tồn tại nhưng tồn tại có thể làm hại sự phát triển. Vật chất hay tinh thần đều không phải là mục đích ưu tiên trong cái nhìn của mình.

            * Đức Phật: Là tên gọi khác của Thượng đế hay là hình mẫu hướng đến? Nếu là tên gọi khác, chúng ta đã bàn tới việc có người nhét ngôn từ vào miệng Thượng đế. Là mục đích hướng tới, đó là sự lựa chọn của mỗi người, với cá nhân, mình chỉ tham khảo.

            * Văn minh: Chưa rõ hình hài, mình có tham khảo và nó là khái
            niệm trìu tượng. Nếu dùng làm thước đo sự phát triển của cộng đồng thì văn minh có giá trị khi so sánh cùng mốc thời gian khác mốc thời gian chỉ so sánh với từng đối tượng cụ thể, so sánh dân tộc khập khiễng vì nhân loại phát triển theo hình xoắn ốc? Hơn thua ở đây lại đính vào vật chất và trí tuệ (mình tránh chữ tinh thần).

            * Tư tưởng mấy ngàn năm phải xem lại: Như phần trên mình đã nói, cái chính lại là thang tham chiếu. Vì tư tưởng như chúng ta đã bàn thì hoặc đúc kết từ tự nhiên xã hội mà có, hoặc “thị kiến” hoặc do trí tưởng tượng. Đúc kết từ tnxh, lấy tnxh kiểm chứng; “thị kiến” lấy sinh tồn và phát triển của con người kiểm chứng; tưởng tượng thì mình chịu, tưởng tượng vô tình trúng, mình xếp cùng loại với “thị kiến”.

            + Mình không loại bỏ khả năng có thế giới khác (khác không phải
            kiểu kiếp sau). Trong tự nhiên, con người và các sinh vật có môi trường sống khác biệt và không loại trừ loài người và sinh vật có anh em ở một hành tinh nào đó. Mình loại bỏ giả thiết Thượng đế tạo ra con người và sinh vật chỉ có ở trái đất dù ngoài kia có nhiều hành tinh khác.

            4)
            + Bạn không định nghĩa lý trí nên mình không hiểu ý bạn. Mình
            khẳng định là mình thiên về duy lý, đã đn ở trên. Lý trí, mình hiểu là dựa trên lý lẽ nhưng không bao hàm có kiểm chứng hay không, đối tượng, phương pháp… kiểm chứng.

            + Niềm tin, mình hiểu nhưng cơ sở của mình và bạn (mình đoán, dựa trên việc bạn giải thích) có chút khác biệt. Mình không tin cái mù mờ, huyền bí, niềm tin của mình trong trường hợp này là năng lực bất khả làm rõ với thang tham chiếu hiện tại. Mình nhờ người khác giúp nhưng nếu họ chìm vào huyền bí thì mình chỉ tham khảo. Dựa trên suy luận có thể mình có thể đồng ý với kết luận khi nó ít huyền bí hơn nhưng để tin thì không đủ cơ sở vì niềm tin điều đó đồng nghĩa với đúng hoặc sai; suy luận có thể tức là một trong nhiều khả năng có thể xảy ra nhưng không chắc chắn về khả năng xảy ra điều đó. Có khả năng xảy ra đã là sự chấp nhận của lý trí, bạn muốn chấp nhận hoàn toàn e là dễ rơi vào u mê.

            + Lý trí có giới hạn: Mình hoàn toàn hiểu điều này nhưng hượng đế đâu bắt gấp gáp phải tin ngay, Ngài cho ta tự nhiên ở trái đất, thái dương hệ để khám phá, vũ trụ để tìm hiểu. Đi sai đường phải quay trở lại làm lại, dùng trí tuệ để hạn chế sai sót, nên chăng?

            + Mình không báng bổ đạo Công giáo! Có nhiều cha sứ đột lốt, giáo dân đến với đạo với mục đích khác nhau, thái độ tiếp nhận … nên sinh ra nhiều cách hiểu khác nhau. Mình chỉ đơn giản là hiểu khác thôi và mình là tín đồn Công giáo, mình đặt Chúa Cha ở vị trí DST và dùng Kinh thánh,… tham khảo để tìm hiểu để trí tuệ bớt u mê (trí tuệ mình chia theo mức độ, không phải mang giá trị tuyệt đối bởi các tiêu chí nào đó).

            + Sự độc đoán gây ra sự chia rẽ trong tôn giáo nhưng nhờ sự chia sẽ mà sự mơ hồ, huyền bí do “thị kiến giả” đơm đặt bị giảm đi. Vì lý do này, cóthể nh iều người vì một sự mất tín, vạn sự bất tin, họ xét đoán sự việc cảm tính nên cảm tính làm họ nghiêng ngả hoặc cuồng tín. Là tạo vật, nên lấy tạo vật làm cơ sở đối chứng để làm rõ, nên chăng

            + Vị trí của Chúa Jesus? Bạn kiến giải việc này thuần cảm tính. Vị trí của một người với người khác có thể tăng, giảm tùy vào sự đánh giá. Bạn kiến giải có phần mang hàm ý phán xét, phán xét khác với đánh giá là chỉ được trao hoặc có quyền lực mới làm công việc phán xét. DST đánh giá thế nào, là chuyện của DST. Mỗi người đánh giá ra sao là chuyện của họ. Chúa Jesus là Chúa và Ngài như vốn có, công việc Ngài làm cụ thể và minh bạch

            + Sự vượt lên trong thiên tính? Mình không nghĩ vậy, mình cho là giảm sự lấn ướt bởi “cộng đồng tính”. Mình chọn nghiêng về tìm thấy DST bằng nhiều thế hệ nỗ lực không ngừng nghỉ trên nền tảng phát triển và kế thừa.

            Kết:
            Chúng ta đều nhìn nhận sự việc dưới lăng kính của mình, đôi khi qua lăng kínhngười khác (trường hợp lặp lại nhưng chưa kiểm chứng). Phần trả lời này mình thấy có phần rời rạc, đi theo hướng mở rộng. Mong là bạn không bị mất phương hướng mà quên đi mục đích lúc ban đầu. Có lẽ chúng ta nên chốt lại những vấn đề đã trao đổi, cái nào đã rõ (rõ ở mức hiểu hơn hoặc xác định được nó mù mờ hoặc bất khả chứng minh), cần trao đổi thêm gì, theo hướng mở rộng hay theo chủ đề mới.
            Cảm ơn bạn đã dành thời gian.

          • Trước khi bắt đầu mình muốn nói một ý, qua cuộc trò chuyện với bạn, mình chợt nhớ đến lời 1 người bạn nào đó. Bạn ấy bảo rằng khi nói về Thượng Đế thì không nên dùng lý trí để phân tích vì trên cơ bản lý trí không đủ khả năng để cho ra một kết luận chính xác. Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận lý trí giúp ta xác định đúng sai của một vấn đề gắn liền với thế giới mà ta đang sống. Vì vậy tôi cũng cố dùng lý tính để tiếp tục thảo luận với bạn, và những vấn đề tôi không muốn dùng lý tính thì tôi cũng sẽ xác định một cách rõ ràng về quan điểm của mình (hoặc có thể do tôi chưa đủ về mặt hiểu biết để có thể suy luận). Tôi sẽ trả lời ngắn gọn cmt của bạn và làm rõ những ý chính.

            1. Về vấn đề “chúng ta là nô lệ tư tưởng của Thượng Đế”, có lẽ bạn nói thế vì tôi cho rằng chúng ta trở về và hòa nhập trong Ngài. Ý tôi khác cái ý mà bạn nghĩ, xét về mặt cá nhân thì mỗi con người là một thành phần riêng lẽ, nhưng giả như chúng ta tiến đến điểm cuối của sự tiến hóa, tìm được nơi tận cùng thì mặt nào đó có thể nói trí tuệ của ta hoàn toàn tương đồng với Ngài và hòa lẫn vào Ngài. Đó là sự tương đồng ở mức độ cao nhất về những lý giải cho thế giới cũng như cuộc sống…mọi thứ. Ví như khi con người chưa có kính viễn vọng, thì mỗi nơi sẽ gắn 1 câu chuyện nào đó về các tinh tú trên bầu trời. Nhưng khi con người đủ khả năng để nhìn ra sự thật, thì hình ảnh mặt trăng và bản chất của nó là như nhau ở tất cả mọi người. Vậy khi con người tiến đến điểm cuối cùng (nếu có) thì con người cũng có những lý giải tương đồng với Thượng Đế, đó là sự trở về và hòa nhập vào trong Thượng Đế chứ không phải là nô lệ tư tưởng NGài.

            Với mình, sự tự cao, độc đoán, hay khiêm cung…thật sự không phải để thể hiện ra bên ngoài để người khác thấy, những cái bạn nói nó đúng là giả tạo. nhưng những tính cách đó nếu có thật thì nó không hề mang tính giả tạo dùng để biểu diễn, với vài người thì nó nằm sâu bên trong họ, chi phối suy nghĩ và hành động của họ. Người biểu diễn là người còn phụ thuộc vào cái nhìn bên ngoài, còn mình nói là sự không phụ thuộc và xuất phát từ nội tâm người đó. Sự khiêm cung mình nói là việc nhìn nhận sự nhỏ bé (chứ không phải thấp hèn, con Thượng Đế thì không thể thấp hèn) của con người trước sự vĩ đại của Thượng Đế. Điều đó không những không cản trở mà thúc đẩy ta nỗ lực hơn nữa. Nó chỉ cản trở khi người ta tự chà đạp bản thân mình, xem mình hèn mọn. Đến đây thì cái ý “con Thượng Đế” như một bàn tay nâng ta lên để cảm thấy tự hào và sống sao cho xứng đáng là con của Ngài. Ngoài lề: Trong Công Giáo, tồn tại 2 quan điểm mà mình vừa nêu, lúc thì hạ con người xuống thật sâu, lúc lại nâng con người lên thông qua “con người được tạo ra giống hình ảnh Ngài” và qua Chúa Jesus.

            Có lẽ với bạn sự khiêm cung khi so với Thượng Đế, sự tự hào “là con Thiên Chúa” …thì không quan trọng, nhưng với mình thì rất quan trọng. Vì những điều đó như một ánh sáng chỉ hướng cho mình trước những bất lực trong cuộc sống này. Đó là một niềm tin, một sự chọn lựa duy ý chí, hay cảm tính như bạn nói.

            2. Phần này khá phức tạp nên mình sẽ nói một cách rõ ràng hơn

            ở bình luận trước ý mình là muốn làm rõ sự tôn trọng và bình đẳng với sự tồn tại của mọi giống loài là chân lý hiển nhiên hay nó phụ thuộc vào lợi ích của con người? theo như sự suy luận của lý trí thì nó hoàn toàn phụ thuộc vào lợi ích của con người, nếu ta tiêu diệt những loài khác thì chúng ta sẽ diệt vong vì sự sống của ta dựa trên sự sống của các loài khác (cơ bản là những nhu cầu sống cho cơ thể như ăn, hít thở…). Nếu vậy giả như sự sống của ta không còn phụ thuộc vào các loài khác thì ta có quyền tiêu diệt chúng mà không hề cảm thấy bất cứ sự ray rứt nào?! Trong chuyện này thì tham chiếu của bạn là gì? Là sự sinh tồn của con người? nếu đúng là thế thì bạn sẽ tiêu diệt loài khác một cách dễ dàng nếu không có sự phụ thuộc trong việc cộng tồn? nếu không phải vậy thì tham chiếu của bạn là gì, trong khi vấn đề này không hề có một tham chiếu nào xác thực cả.

            xét về lý tính, mọi tham chiếu đều nằm ở cái tôi của chúng ta. Như việc tự do, ai đã cho tất cả chúng ta được quyền tự do ngoài một thỏa thuận đôi bên? Sự thỏa thuận của cái mà đôi bên đều muốn có, nó mang tính cá nhân. Sự thỏa thuận đó đạt được khi hậu quả của việc không thỏa thuận đe dọa đến sự tồn tại của cả 2. Nhưng nếu một bên dù phá bỏ thỏa thuận thì cũng chẳng đe dọa đến họ thì điều gì bắt họ phải thỏa thuận đây? Bạn nói vì phải dùng 1 tham chiếu, quy luật nào, cơ sở nào buộc người ta phải làm vậy? Bạn thấy đấy, nếu đi đến tận cùng của duy lý thì nó rất là nguy hiểm. Đó cũng là 1 trong những lý do vì sao mình đi tìm sự bất biến. Vì xét trên lý tính, mọi tham chiếu đều xuất phát từ lợi ích của chính ta, sự tồn tại của chính ta là tuyệt đối, những gì ngăn cả sự tồn tại đó đều phải bị tiêu diệt, tình yêu và đạo đức trở nên tầm thường vì nó chỉ phản chiếu cái tôi nếu tìm đến căn nguyên. Nhưng bản thân tôi không thể chấp nhận được sự “vô tình” đó, và cái cứu cánh cho tình cảm cũng như lương tâm chính là ta phải tin vào vài điều như là một chân lý bất biến, những chân lý đó không phụ thuộc vào cái tôi của mình.

            Nói về sự huyền bí, mình chỉ định nghĩa theo những gì mình hiểu: Huyền bí là nói về những hiện tượng có người xác nhận là có nhưng chưa được chứng minh (cho đa số mọi người biết). Những “thị kiến” cũng được xếp vào đây. Thang tham chiếu để sang lọc là cần thiết nhưng như những diễn giải phía trên của tôi cho thấy quá phụ thuộc vào 1 thang tham chiếu rõ ràng là điều tương đối khó khăn và chưa đủ, chưa đủ vì giới hạn trong hiểu biết, giới hạn trong sự xuất phát của tham chiếu chính là cái tôi. Khi đó buộc con người ta phải “lấy tham chiếu huyền bí” để diễn giải. Tất nhiên việc chọn lựa tham chiếu huyền bí nào phụ thuộc vào quan niệm của từng người và người đó phải luôn xét lại tham chiếu huyền bí đó. Thời gian của loài người là tương đối dài nhưng với từng cá nhân lại quá ngắn để trả lời hết những câu hỏi mà bản thân đặt ra, vì vậy đi con đường nào cho trọn vẹn (tương đối) thì cần phải dựa thêm vào những tham chiếu huyền bí. Sự huyền bí là những điều có thể có, những điều có người trải qua, đó có thể là sự thật. Một bên là sự an toàn với những gì đã có nhưng bước từng bước chậm, một bên là sự rủi ro sai đường hoặc sẽ bước mau hơn. Chọn cách nào là tự mỗi người thôi. Tuy nhiên ta phải xác nhận rằng những người dẫn đầu luôn là những người dám mạo hiểm trong sự chọn lựa.

            Tôi cho rằng kiếp sau của con người không phải thông qua con cái, vì cái đó chưa đủ để thỏa mãn long mong muốn của tôi. Và tất nhiên không những bạn mà tôi cũng “chịu” vì không thể lý giải về nó, đó đơn thuần là một niềm tin có thể là mù quáng, mù quáng nhưng chưa chắc là không tồn tại. Xét về mặt sinh tồn, đôi khi sự độc đoán là cần thiết và hợp với tính duy lý, ví như ngày nào đó thế giới này trở nên khắc nghiệt hơn, để tiếp tục tồn tại thì giải pháp duy nhất là loại bỏ ¾ nhân loại, khi đó buộc phải độc đoán để thực hiện. Nhưng xét về mặt đạo đức và tình cảm thì chuyện đó vô cùng tàn ác. Thượng Đế tạo ra con người không chỉ cho ta có lý trí để suy luận mà còn có cảm xúc, quá tôn vinh lý trí mà bỏ qua cảm xúc cũng là việc vô cùng nguy hiểm.

            “trí tuệ dù là tạo vật hay là một phần của Thượng đế thì cũng đều có chung những giá trị và nó phải được tôn trọng” điều gì buột ta phải tôn trọng khi các tạo vật có chung những giá trị? Thang tham chiếu này từ đâu ra? Có phải là sự phản chiếu từ những quan hệ xh của loài người? vậy nó sẽ trở lại những phân tích ở trên, mọi suy luận đều xuất phát từ lợi ích của con người, nhưng nếu vậy thì nó vốn dĩ không hề tồn tại sự ngang hang và công bằng.

            Lương tâm là vấn đề phụ thuộc rất lớn đến cảm tính (dù vẫn bị lý trí chi phối), nhưng bạn lại muốn có một thang tham chiếu để xác định? Nếu cả cái lương tâm cũng được xác định tính đúng đắn bằng một thang tham chiếu gì đó thì con người trở thành cái gì đây? Đó là một bộ máy hoạt động theo những chương trình định sẵn. Dường như bạn quên một điều rất quan trọng, Thượng Đế không chỉ cho con người lý trí để nhận biết thế giới mà còn cho cả tình cảm để trung hòa nó.

            3. Yêu thương: ồ! Bạn không định nghĩa được yêu thương, bạn đang dùng phương pháp khoa học để mô tả yêu thương thôi. Và như thế thì chưa nói lên điều gì cả. yêu thương có thể tạo ra những hành động đó nhưng những hành động đó không đủ để xác định yêu thương. Đấy là giới hạn khi bạn định nghĩa tình cảm bằng lý trí. (đừng hỏi mình yêu thương là gì vì định nghĩa rất mệt)

            Đức Phật là con người giác ngộ ra chân lý, với tôi, Ngài cũng như Chúa Jesus, đã đến rất gần Thượng Đế theo một phương thức khác với đa số con người (đang ở rất xa Thượng Đế). Mục đích của tôi là hướng tới Thượng Đế để giải mã cuộc sống của tôi, vì vậy những vị đó cũng là nơi tôi hướng tới.

            “Thế giới khác” theo cách của bạn thì tôi cũng nghĩ là có trong vũ trụ bao la này. Nhưng vì cái thế giới đó không gắn liền với bản thân mình nên mình không quan tâm cho lắm. Mình quan tâm việc có một thế giới khác mà trong đó linh hồn mình sống hay không. Theo lập luận của bạn thì bạn không tin vào linh hồn, không tin vào kiếp sau và Thượng Đế nếu có thì chỉ tồn tại trong thế giới vật chất này. Mà với tôi thì ngược lại.

            4. Niềm tin, cũng không phải chấp nhận hoàn toàn một cách mù quáng, luôn có những suy luận, tình cảm và sự chọn lựa điều mình muốn.

            Mình chỉ quan trọng con đường đi của cá nhân mình (đó là mọi thứ từ lý trí với sự việc, đến tình yêu thương với gia đình, xh hoặc loài người) trong hiện tại, còn của loài người mấy ngàn năm sau hay ở điểm cuối thì mình không quan tâm vì khi đó mình đâu còn nữa (trong kiếp sống trần thế này). Chính vì vậy mình luôn xét những khả năng là có thể theo quan điểm của mình chứ không buộc phải có một tham chiếu xác định của lý trí (mang nhiều giới hạn). Tham chiếu của mình có lý trí nhưng nó rộng hơn của bạn.

            Mình không bảo bạn báng bổ đạo Công Giáo, mình chỉ bảo rằng nói Chúa Jesus là con người chính là sự báng bổ trong quan niệm của Công Giáo, và phần nào đó mình cũng nghĩ như bạn.

            Kiến giải về vị trí của Chúa Jesus của mình đúng là có một phần cảm tính, vì mình không loại bỏ cảm xúc khi nhìn nhận hay đối chiếu một điều gì đó. Với mình, điều tạo nên con người chính là cảm xúc, trả lời những câu hỏi chưa biết về cuộc sống là một nhu cầu, nhưng nhu cầu qua đó tìm một sự thanh thản và hạnh phúc cho bản thân lại còn to lớn hơn. Nếu mình nhìn Chúa Jesus như là vốn có và không có một cảm nhận nào (bạn gọi là phán xét) thì việc Ngài có tồn tại hay không cũng chẳng có ý nghĩa gì với tôi, có chăng là tôi học được từ Ngài những bài học gì đó. Nhưng cái cách nhìn ấy tôi không thể chấp nhận được, Ngài đã chịu khổ hình vì dẫn đường cho tôi và những người khác, một cái nhìn mang cảm tính của tôi với Ngài là cần có, tôi rất khác bạn điểm này.

            Về thiên tính, với mình, không phải đi tìm Thượng Đế, mình đi tìm những câu trả lời cho chính cuộc sống của mình và con đường đó là con đường dẫn đến Thượng Đế thôi. Bạn không tin vào Thiên Tính, mọi suy luận của bạn dựa trên những quy luật của xh loài người này. Vậy tôi rất muốn hỏi: bạn đi tìm Đấng Sáng Tạo để làm gì? Với bạn thì con người phát triển để làm gì? Hiểu biết hơn để làm gì?

            Kết: nội dung tôi nghĩ trên cơ bản đã rõ ràng sự khác nhau về quan điểm lập luận của tôi và của bạn. Tôi hiểu những gì bạn nói, chắc bạn cũng hiểu ý tôi. Về mục đích ban đầu, hic! Nói nhiều vấn đề quá rùi nên cũng khg xác định được hi hi. Nhưng có lẽ không cần quay lại vì những gì chúng ta đã bàn đủ để có câu trả lời cho từng người. Trong cmt này của tôi, bạn thấy điều gì cần thảo luận làm rõ thì chúng ta tiếp tục thảo luận tiếp.

          • Chào bạn

            Mình chỉ muốn làm rõ, giải thích cái có thể giải thích. Về nô lệ tư tưởng là tự đặt ra một giới hạn, như người bạn của bạn nói “không nên dùng lý trí để nhận biết Thượng đế”. Thượng đế có tồn tại hay tất cả từ hư vô, chưa có lời giải? Mình dựa trên trí tuệ đã từng giải được phần nào bức màn huyền bí và sau khi cân nhắc thì cũng chỉ có trí tuệ mới có thể tiếp tục giải đáp những thắc mắc cao hơn. Trí tuệ không đóng khung, nó tiến lên từng mức và lên càng cao thì sự huyền bí sẽ giảm dần. Huyền bí là cái chưa thể nhận thức, cái chưa thể nhận thức đã mù mờ nên mình không muốn tự tìm thêm rắc rối bằng các mù mờgi ả định trong việc đi tìm lời giải.

            1)
            + Về nô lệ tư tưởng, mình đã nói ở trên. Mình dựa vào sự hiểu nội dung đoạn 1 bạn viết ở email trước đó mà kết luận như vậy. Khi ta cho rằng, Thượng đế không muốn ta thế này, thế kia, tức ta chịu sự giới hạn bởi ranh giới vô hình.
            + Mình nhìn về não của mỗi người lúc được sinh ra là zero nhận thức và độ lớn của tự nhiên, vũ trụ chưa làm rõ, sự kết thừa. Ở góc độ này, tự cao, khiêm cung,… chỉ là thái độ con người khi đánh giá người khác. Mỗi người trong tìm hiểu điều chưa sáng tỏ đều xuất phát từ zero nhưng may thay độ lớn của sự chưa sáng tỏ là giảm bớt vì được kế thừa.

            2)
            + Con người cần vũ trụ để tìm hiểu, để tìm kiếm nên mọi thứ thuộc về nó đều có lợi ích cho dù sự sống của ta có phụ thuộc vào nó hay không.
            + Tham chiếu không nằm ở cái tôi, tham chiếu nằm ở mức độ phát triển trí tuệ. Khi chưa thể làm rõ, thì hiểu là bất khả ở thời điểm đó. Tìm hiểu thêm từ tạo vật, gặp “thị kiến” nếu có sẽ giúp tăng gia tốc.
            Thí dụ: Tự do là cái chung của mọi sinh vật nói chung và con người nói riêng đã được ban tặng, một trong đó là quyền sinh tồn, quyền được bảo vệ sự sinh tồn, quyền phát triển,… sự thỏa thuận của con người về nó là do trái đất nhỏ và con người chưa thể sống nơi khác mà phải giới hạn tự do trong khuôn khổ cung ứng của trái đất để thỏa mãn các bên.
            + Sự bất biến! Mọi thứ đều đang vận động với mức độ khác nhau, để tìm sự bất biến, ở góc độ nào đó nó là sự thay đổi.
            + Sự huyền bí theo định nghĩa của bạn, trước hết phải chắc là người xác nhận không nói láo, không ngộ nhận. Vế sau thì nó tương đồng với sự huyền bí mình hiểu, tức ở thời điểm đó bất khả làm rõ. Cái chưa thể làm rõ, cần thời gian và sự vận động liên tục của trí tuệ để nâng tầm tham chiếu hầu có thể nhận biết. Cái chưa thể làm rõ nhưng hình như bạn đang muốn lao vào làm rõ, kẻ lưu manh có thể tung thêm hỏa mù để tăng thêm huyền bí hay làm rõ huyền bí trong sự huyền bí. Ưa mạo hiểm sẽ nhiều rủi ro sai sót, thành công được ghi lại và kiểm chứng, sai sót khi chưa tới đích kéo theo nhiều người sai lầm nếu chọn cùng hướng.
            + Kiếp sau như cách hiểu của bạn và nhiều người! Mình đã nói rõ, mình không phủ nhận khả năng có thể xảy ra nhưng nó thuộc về sự bất khả ở hiện nay và mình không cố giải nó trong hiện tại. Niềm tin của mình cho bất cứ cái gì cũng không có tuyệt đối nhưng từ mức 0.1% đến 90% vì nếu cái mà con người đã biết 100% vẫn giữ 90% thì cũng chẳng hại gì trừ phi họ lại tạo ra sự huyền bí nhát ma họ. Khi có cái mới, dữ kiện mới thì dễ thay đổi nhận thức hơn. Bạn kết luận độc ác khi diệt ¾ vì dựa vào thời điểm. Điều đó phải có quá trình mới đạt được, những người không hiểu khả năng đáp ứng của trái đất sẽ sinh sản nhiều và cái ngu, tham của họ dẫn tới quyết định nghiệt ngã trên. Lúc đó, người được sống nên chọn tầng lớp trí tuệ nhất ở các chủng tộc.
            + Lương tâm: Mình mong muốn sự sáng tỏ chứ không phải sự đúng đắn như cách bạn hiểu. Tham chiếu để làm sáng tỏ lương tâm thì mình đã nói rồi.
            Tình cảm bạn nói, theo mình hiểu là một phần lý trí đã biến thành thói quen, phần của hấp dẫn giới tính để sinh tồn,… và phần do con người không hiểu hoặc hiểu loạn xạ vì cảm nhận của họ.

            3)
            + Yêu thương: Mình mong nhận được định nghĩa toàn diện hơn cái mình nêu. Phần biểu hiện của yêu thương bao gồm cả hi sinh mạng sống. Giữa sự mù mờ toàn tập và mù mờ một phần mình chọn làm rõ đến mức có thể và sự mù mờ một phần ở thang tham chiếu đó gọi là bất khả.
            + Bạn tự buộc Đức Phật, Chúa Jesus đã đến rất gần Thượng Đế. Thượng đế nếu tồn tại, chỉ có Ngài có câu trả lời, liệu bạn có đang nhét chữ vào miệng Thượng đế?
            + Linh hồn, kiếp sau không phải mình không tin như bạn nóim à mình chờ “thị kiến” để nâng niềm tin về điều đó lên cao hơn mức hiện tại.

            4)
            + Niềm tin từ gần tuyệt đối trở lên nhưng không thể chứng minh theo mình là mù quáng.
            + Trích: “Tham chiếu của mình có lý trí nhưng nó rộng hơn của bạn”. Có thể bạn đúng, mình cho rằng đúng-sai (độ chính xác) cho vấn đề bất khả chứng minh là võ đoán.
            + Mình không hiểu lắm sự báng bổ bạn nói về quan điểm của Công giáo về Chúa Jesus. Về Chúa Jesus, chúng ta không có quyền phán xét Ngài cũng như việc Ngài đã thực hiện. Đánh giá Ngài và công việc của Ngài ra sao, mình đã nói ở thư trước, bạn hiểu theo nghĩa phán xét là không chính xác.
            + Các câu hỏi bạn nêu, như mình đã nói ở ý phản hồi thứ nhất, mình tìm hiểu để trả lời câu hỏi về nguồn gốc và sự tồn tại của DST. Trong khi chưa có lời giải, mình chọn nghiêng về DST vì mình không chọn theo sự huyền bí hơn là nghiêng về hư vô. Với sinh vật nói chung, con người nói riêng, chọn nghiêng về hư vô thì hệ quả tệ hại hơn, sự độc đoán đưa tới tự diệt.

          • Đồng ý nhận định về trí tuệ mà bạn nói, nó cần có để phân tích và xét đoán vấn đề dựa trên những lập luận mang tính khả tri cao. còn việc mức độ chấp nhận tính khả tri cao hay thấp tùy vào sự lựa chọn của từng người.

            1. khi tôi nói về “ý chí Thượng Đế” chính là lúc tôi muốn trả lời cho câu hỏi ý nghĩa của sự sinh tồn của chúng ta là gì? đây là câu hỏi xuyên suốt cộc sống của loài người. Đấng Sáng Tạo (nếu có) tạo dựng lên ta nhằm mục đích gì? Ngài cho ta trí tuệ và cảm xúc để làm gì? Ngài muốn ta học được gì? Bản thân tôi không nghĩ Ngài tạo ra ta chỉ để chơi vì một lúc buồn chán (có thể bạn nói tôi nhét chữ vào miệng Thượng Đế cũng được). Nếu đã có tính mục đích thì dù muốn hay không chúng ta vẫn bị khống chế trong ý chí của Ngài, nhưng sự khống chế đối đôi khi không mang một ý nghĩa tồi tệ, ví như một người cha tốt thì luôn hướng con mình ngày càng hiểu biết hơn, hướng con cái đến những điều cao đẹp như tôn trọng tự do và công bằng chẳng hạn, khi nó đi sai đường thì nhắc nhở nhẹ nhàn hoặc trừng phạt thích đáng. Những “thị kiến”, những lời tiên tri về sự trừng phạt mà sau đó trở thành hiện thực…phải chăng cũng phản ánh điều này? Huống hồ chúng ta bị giới hạn bởi những quy luật của thế giới này cũng là một sự lệ thuộc vào Thượng Đế rồi.

            2. Quan điểm của mình, sự phát triển của trí tuệ con người không nằm ở sự khám phá thế giới tự nhiên theo hướng khoa học mà theo hướng xã hội hoặc cảm nhận. nói cụ thể thì sự hình thành của vũ trụ thế nào, vì sao vật chất hút nhau, vận tốc ánh sáng là bao nhiêu, có người ngoài hành tinh hay không … không quan trọng, vấn đề đặt ra là chúng ta cần biết những thứ đó để làm chi? có lẽ nó cần với sự sinh tồn của loài người, tạo ra được những tiện nghi để phục vụ cho thân xác, còn về mặt tinh thần hay ý nghĩa đời sống thì chúng có mục đích gì? Theo mình, cái quan trọng hơn chính là sự cảm nhận mối liên hệ giữa ta với những điều quanh ta, thế giới tự nhiên mang ý nghĩa gì với ta, ta đối xữ với người khác thế nào, vai trò của sinh tử với ta, thế nào là yêu thương, làm sao để được hạnh phúc và thanh thản, hoặc làm sao để thoát khỏi sự phụ thuộc vào những quy luật của thế giới này một cách triệt để…Ở mặt nào đó thì đó là vấn đề của triết học và thần học. Từ việc nhìn nhận điều gì là quan trọng sẽ khiến người đó chọn con đường nào để đi. Một con đường có thể giống như Einstein hay Newton, một con đường khác như của Chúa Jesus hay Đức Phật. Và con đường mà tôi muốn đi là giống như của 2 vị sau chứ không phải 2 vị trước.

            Bằng sự phân tích duy lý triệt để, mọi nhận định đều xuất phát từ cái tôi, cái tôi mà tôi nói chính là căn nguyên của lợi ích bản thân. Vì sao loài người phải tôn trọng loài khác? vì chúng ta cộng sinh với chúng, sự tổn hại của chúng tạo ra sự tổn hại đến ta. còn việc bảo rằng tự do của mỗi cá nhân cũng giống như giống loài là được ban tặng, ở đâu ra cái quy luật này? nếu tôi không tôn trọng quy luật này thì sao (khi tôi không phụ thuộc vào người ấy hay giống loài ấy)? tôi bị những hậu quả gì? nếu xét theo tính duy lý thì đó là một loại thỏa thuận chung dựa trên lợi ích của ta và đối tượng. vấn đề này tôi đã nói ở các cmt trước.

            Về sự huyền bí, đúng là nó phụ thuộc vào nhân cách cũng như việc làm của người nói, dựa vào đánh giá trên người đó mà ta chọn lựa tin hay không và tin ở mức độ nào, tất nhiên luôn có sự rủi ro trong niềm tin đó vì nó không phụ thuộc vào ta mà ở người khác. tuy nhiên khi ta đi trên một con đường mà ta chọn, ta luôn cần một sự chứng minh qua những cảm nghiệm của ta để xác định niềm tin là đúng hay sai và có nên đi tiếp hay không. chuyện này thì cho qua hen

            “Lúc đó, người sống nên chọn tần lớp trí tuệ nhất của các chủng tộc” vấn đề này tôi xin ghi lại lời dẫn về bộ phim Phía Sau Bóng Tối – After The Dark mà tôi viết trên THĐP (bạn nên xem bộ phim này, đó là câu trả lời):

            “Bộ phim kể về lớp học triết và một vấn đề được đặt ra để thảo luận là: nếu chỉ một nhóm người được sống vào ngày tận thế thì ai sẽ được chọn để sống sót. Với vấn đề đó thì không khó để chúng ta có một chọn lựa mang tính lý trí, sao cho sự lựa chọn là hợp lý nhất. Nhưng liệu cách làm ấy có phải là đúng nhất? Sự tồn tại phải chăng mang ý nghĩa lớn nhất với một con người?

            Để tồn tại thì ta phải bỏ qua tình yêu? Bỏ qua đạo đức? Bỏ qua cảm xúc? Bỏ qua lý tưởng? Nhưng liệu như thế ta có còn là con người nữa không? Hay giống như con thú rồi? Ở một giai đoạn nào đó thì sự sinh tồn là điều quý giá nhất, nhưng sẽ có lúc ta nhận ra rằng sống ý nghĩa mới là điều ta cần có nhất.”

            3. yêu thương, tình cảm: những điều bạn nói là sự diễn giải trong ngành tâm lý học cũng như phân tâm học nhưng mình chỉ chấp nhận một phần nào đó, đơn giản vì mình không nhìn nó mang một giá trị cao hơn sự phân tích đó.

            Khi xem Chúa Jesus hay Đức Phật đến gần Thượng Đế cũng có thể xem như sự “nhét chữ”, tuy nhiên đó là điều tất yếu khi con người hình dung một Thượng Đế trong cái nhìn của con người. Thượng Đế tồn tại như Ngài có, nhưng cái “như Ngài có” đối với chúng ta là sự không diễn giải gì cả. Như đã nói, con người nhìn mọi điều trong mối dây liên hệ của điều đó với bản thân mình. Vì Thượng Đế là bất khả tri nên cần có những phán đoán về Ngài dựa vào sự suy luận của con người với những dữ liệu có trong tay. Với tôi (và rất nhiều người khác nữa) thì con đường mà Chúa Jesus hay Đức Phật đi là con đường đến gần Thượng Đế. Nếu bạn không xác nhận điều đó thì với bạn con đường nào để đến gần Thượng Đế? Nếu bạn không có đường thì bạn tìm bằng cách nào? nếu bạn có sự xác định thì bạn cũng đang làm cái việc mà tôi đang làm, chỉ là trong chúng ta thì ai xác định đường đúng hơn?

            4. Với đạo Công Giáo, Chúa Jesus là con một Thiên Chúa, cũng là Thiên Chúa ngôi 3, Ngài không phải con người, Ngài chỉ đến mang thân xác con người để cứu chuộc nhân loại. Vì thế, xem Ngài như là con người như chúng ta chính là sự báng bổ. cái nhìn của bạn với Chúa Jesus là một cái nhìn vô cảm, bạn chỉ nhìn Ngài như một sự vật hiện tượng nào đó. Trong khi tôi không nhìn Ngài như vậy. Cũng như lập luận của bạn, tình cảm – cảm xúc của con người là sự biến đổi của lý trí qua thói quen, đi đến cùng sự suy luận đó cũng như lý trí hóa tình cảm sẽ khiến con người trở nên vô cảm vì sự khống chế cảm xúc bằng lý trí. Đó là một bộ máy chứ không phải con người. Nhân việc này giới thiệu bạn xem phim I am Robot và phim Equilibrium.

            Kết trong phần này: Việc dùng lý trí là cần thiết nhưng dùng lý trí để giải mã cho tất cả mọi lẽ là một hành động tự sát, khi đó ta phải trở lại câu hỏi của cô gái trong phim Equilibrium “tại sao anh sống?” … “thật vòng vo! anh chỉ tồn tại để kéo dài sự sống của mình, mà sống để làm gì?”

            Bạn sống để làm gì?

          • Chào bạn,

            Trích: Đồng ý nhận định về trí tuệ mà bạn nói, nó cần có để phân tích và xét đoán vấn đề dựa trên những lập luận mang tính khả tri cao. còn việc mức độ chấp nhận tính khả tri cao hay thấp tùy vào sự lựa chọn của từng người.
            + Theo sự lập luận này, mình hiểu là vòng tròn khép kín đầu là cuối và ngược lại. Không có thang đo chung với ít nhất vài tiêu chí rõ ràng hay nói cách khác là thang đo chung ở đây là cảm nhận của từng người và ai cũng biết là cảm nhận thì khác nhau
            + Mình nói lại là mình không tranh thắng thua, không tham chiếu đúng-sai vì vấn đề đang luận, tham đo đúng sai không thể giải quyết được.

            Về từng ý:

            1)
            Thứ nhất: Ý thượng đế? Giả định chúng ta là tạo vật (con) của Thượng đế, chúng ta có thể biết ý Ngài không? Không, chúng ta chỉ có thể dự đoán, dự đoán trên cơ sở nào?
            + Trên các giả định. Lúc này ta tìm lời giải bằng giả định của giả định.
            + Trên kết quả của hành động: Lúc này ta tìm kiếm bằng chứng ở con người, sinh vật, tự nhiên và vũ trụ và “thị kiến”. 3 yếu tố trước là tương đối rõ ràng, cái mà nhiều người cho là khoa học, dù không bao gồm kết quả của suy luận có thể. Riêng “Thị kiến” là có huyền bí, thật giả khó phân biệt. Khi đối chứng kết quả của “Thị kiến” với 3 phần đã sáng tỏ nêu trên, với các tiêu chí là sự tồn tại, phát triển của các sinh vật,… mà kết quả đi ngược lại, có nên nghi ngờ không?
            => Bạn chọn cái nào? Hoặc bạn có cách phân loại tốt hơn? Mình chọn dự đoán trên kết quả của hành động, và trong đó đã bao gồm phần huyền bí là “thị kiến“. Mình cố gắng loại trừ “thị kiến giả” của kẻ lưu manh, mưu đồ danh-lợi đẩy đồng loại, sinh vật khác vào địa ngục trần gian nhưng kẻ lưu manh có xuẩn ngốc để dễ bị phát hiện? Không, người đó làm ra thật thật giả giả theo kiểu cung cấp một phần sự thật hoặc gắn cái họ muốn đưa ra vào “thị kiến” hoặc vào những điểm mù của sự vật, sự việc thuộc tự nhiên và vũ trụ.

            Thứ hai: Nô lệ và sự lệ thuộc, người chịu sự lệ thuộc hiểu rõ hạn chế của bản thân và mức độ mà họ lệ thuộc. Nặng nhất của nô lệ là nô lệ tư tưởng, phải nhận thức được mới có thể thoát ra. Con người hiện đang bị nhốt ở trái đất nên lệ thuộc trái đất là hiển nhiên, cái chính là Thượng đế không buộc con người nô lệ tư tưởng.

            2)
            Thứ nhất: Bạn đừng gán cho mình là theo hướng khoa học, mình duy lý trong suy luận và lấy tạo vật cùng “thị kiến” để kiểm chứng như đa nói ở trên. Niềm tin cho phần huyền bí của mình không được cao không phải mình định kiến mà do nó chưa rõ ràng. Ở đây có thể hiểu định kiến của mình là sự rõ ràng.

            Thứ hai:
            + Bạn lập luận gắn duy lý với lợi ích rồi dùng lợi ích để suy luận cho vấn đề khác rồi đi đến gắn duy lý với kết quả bạn lập luận, đó không phải cách mình tìm hiểu. Tại sao ta phải tôn trọng loài khác? Vì ta là tạo vật và mình không biết Thượng đế nghĩ gì nhưng nhìn các tạo vật, Ngài đều cho chúng có quyền tồn tại, quyền sinh sản để kế tục sự tồn tại và cho tạo vật để trí tuệ tìm hiểu. Như vậy mình đã tham chiếu cả 4 yếu tố là sinh vật, tự nhiên trong phạm vi trái đất, vũ trụ và “thị kiến”. Kết quả tham chiếu trên “thị kiến” là mù mờ hơn cả, kết quả tham chiếu trên 3 yếu tố còn lại cho kết quả rõ ràng hơn, thậm chí có thể cho kết quả đúng-sai.
            + Về thỏa thuận chung bạn nói, nó chỉ có tác dụng cho mối quan hệ người-người, không thể áp dụng cho quan hệ người-sinh vật/ tạo vật khác.

            Thứ ba: Nhận biết, nghiệm chứng và lựa chọn khác nhau. Lựa chọn có thể dựa trên sự nhận biết mà không kiểm chứng và lựa chọn là thuộc về cánhân nên mình tôn trọng. Mình đang tìm hiểu làm rõ vấn đề ở nhiều góc cạnh, vì rõ ràng chúng ta chưa thể trả lời vấn đề chúng ta đang luận về Thượng đế là đúng hay sai, phải không?

            Thứ tư: Trích: “Về sự huyền bí, đúng là nó phụ thuộc vào nhân cách cũng như việc làm của người nói, dựa vào đánh giá trên người đó mà ta chọn lựa tin hay không và tin ở mức độ nào, tất nhiên luôn có sự rủi ro trong niềm tin đó vì nó không phụ thuộc vào ta mà ở người khác. tuy nhiên khi ta đi trên một con đường mà ta chọn, ta luôn cần một sự chứng minh qua những cảm nghiệm của ta để xác định niềm tin là đúng hay sai và có nên đi tiếp hay không. chuyện này thì cho qua hen”
            => Trước khi cho qua, mình muốn làm rõ. Khi mình tìm hiểu về một sự huyền bí nào đó, mình không chịu sự chi phối của người nói ra điều đó. Độ khả tín của một người nào đó không đồng thời cùng mức độ với điều được họ nói. Niềm tin của bạn theo bạn lý giải, mình hiểu là có chịu sự chi phối, ảnh hưởng từ người nói.

            Thứ năm:
            + Về bộ phim và sự lựa chọn để sống! Bạn lựa chọn trên cơ sở hợp lý nhất, đúng nhất? Mình chọn trên cơ sở cái ít khiếm khuyết hơn. Khi lựa chọn điều đó, sự sống của cá nhân, loài người, sinh vật, sự phát triển chung của các loài phải được tính đến và nên nằm ưu tiên. Những cái thuộc về đạo đức,… nằm ở phía sau vì để xảy ra tình trạng đó, nó là cả quá trình và kết quả đó không thể đổi. Lựa chọn tốt nhất là giá như đã làm khác đi và nó chỉ là kết quả của nói cho có.
            + Ở góc độ cá nhân, khi không may bị hoại tử, cần phải cắt bỏ một phần và giữ phần còn lại được sống. Lúc đó có nên bàn sự quan trọng của bộ phận cần bỏ?
            + Bạn nói khi loại bỏ những thứ như tình yêu, đạo đức,… là giống thú, điều này về cơ bản là sai, vì thú không có những giá trị đó và nó không quyết định bỏ đi những giá trị đó. Mặt khác sự loại bỏ này là tạm thời vì tình thế, không phải là sự loại bỏ hoàn toàn.

            .3)
            Thứ nhất:
            + Bạn không nên gắn định nghĩa của mình về yêu thương, tình cảm vào tâm lý học hoặc phân tâm học.
            + Mình làm rõ những khía cạnh về yêu thương, tình cảm mình có thể làm rõ đó là: do thói quen, cho chịu sự chi phối của điều tiếp nhận trước, theo bản năng,… và theo sự huyền bí là”thị kiến”. Bạn cứ chỉ rõ sự bất hợp lý ở phần mình làm rõ, phần chưa thể giải thích của tình cảm, yêu thương thì nói sao cũng được cả.

            Thứ hai:
            + Con đường nào đến gần Thượng đế, chỉ có Ngài mới có câu trả lời chính xác, còn chúng ta chỉ đoán thôi và không nên độc đoán.
            + Theo mình, con đường đến gần Thượng đế là liên tục nâng cao trí tuệ. Trí tuệ nâng cao thì tự nhận thức được sự hạn chế trong con đường mà Chúa Jesus, Phật Thích Ca,… đã đi, tiếp tục giữ, phát huy cái “thị kiến” của các Ngài và làm rõ sự hạn chế để có thể đến gần hơn. Lấy quyền cơ bản của sinh vật, tự nhiên, con người đối chiếu với những gì Chúa Jesus, Phật Thích ca đã làm với con người và sinh vật khác, bạn thấy có điểm gì tương đồng?

            4)
            Thứ nhất: Về Chúa Jesus và quan điểm theo bạn là báng bổ của Công giáo: Chúa Jesus không coi việc xem Ngài là con người là hạ thấp Ngài. Mình chưa từng đọc lời ghi chép nào ghi là Ngài phản đối điều đó. Ngài đã không phán xét, chúng ta lấy quyền gì mà phán xét, đòi cái gọi là công đạo cho Ngài?

            Thứ hai: Một phần của lý trí con người biến thành tình cảm-cảm xúc qua thói quen. Bạn lập luận là theo hướng toàn bộ lý trí biến thành cảm xúc, mình không có ý đó. Xin lỗi nếu mình đánh thiếu chữ gây cho bạn sự ngộ nhận, xuyên suốt tư tưởng là mình làm rõ cái có thể làm rõ, không chấp nhận mù mờ toàn tập.

            Kết:
            Thứ nhất: Bạn cho rằng: Việc dùng lý trí là cần thiết nhưng dùng lý trí để giải mã cho tất cả mọi lẽ là một hành động tự sát.
            + Mình áp dụng đúng điều bạn nói đó chứ, mình đâu lý giải tất cả, mình chỉ lý giải cái có thể lý giải và đưa rat ham chiếu rõ ràng. Bẻ gãy tham chiếu tức kết luận mình đã đưa ra đổ
            + Mình luôn thừa nhận “thị kiến”, tức phần huyền bí và phần này mình dành nhiều thời gian để ngâm (chờ những phát hiện mới, “thị kiến” mới), để ngẫm trước khi nâng cao niềm tin về phần nào đó thuộc về nó. Niềm tin của mình cho mỗi đối điều gì đó luôn ở mức 0.1 đến 90%, không có tuyệt đối 100% và ở một thời điểm nhất định thì có thể 90% đồng nghĩa với 100% và điều này không tồn tại quá lâu.

            Thứ hai: Sống để làm gì?
            + Để tìm hiểu và nâng cao trí tuệ (đi tìm Thượng đế) và những nhu cầu trần gian khác.
            + Mong muốn và thực hiện theo hướng sống có giá trị, có giá trị với chính mình, với người mình thương mến, với đồng loại và tạo vật khác và có giá trị với Thượng đế.

          • Mình thêm ý vào phần kết.

            Thứ ba: Trong trao đổi, nhiều khi chúng ta đang từ làm rõ ý, làm rõ chủ thể dưới các lăng kính, góc nhìn với các tham chiếu khác nhau, lại vô tình lạc sang sự lựa chọn. Sự lựa chọn là quyền cá nhân và mình tôn trọng với mọi sự lựa chọn của bạn. Một điểm nữa là tiếng Việt bây giờ rối, nhiều trường hợp dư ngôn mà thiếu ý. Ngôn ngữ lại có ảnh hưởng đến sự tiếp nhận của người nhận nên nhiều khi cùng quan điểm về sự vật, sự việc gì đó mà thể hiện ra thì người kia lại hiểu khác đi hoặc hiểu khác nhau nhưng khi nghe lại tưởng là họ chung quan điểm. Vì có ít nhiều liên quan đến vấn đề đang trao đổi nên mình có câu hỏi mà nhiều người sẽ lầm: Có nên học người xưa không? Bạn có thể đăt lại câu hỏi cho rõ ý hơn rồi trả lời.

          • Cmt này tôi chỉ làm rõ vài ý mà tôi nghĩ là cần thiết, những ý không được nêu thì cứ xem như chúng tương đối ổ thỏa cho cả 2 hoặc mỗi người đi theo 1 hướng nên không cần tiếp tục.

            1. Những yếu tố bạn dùng khảo sát thì không có gì để bàn cãi vì con người cũng chỉ có thể dùng những gì mà nó nhận biết. Tuy nhiên cùng yếu tố, đôi khi cùng một hiện tượng được công nhận nhưng chưa chắc cho ra cùng một kết luận. Ví dụ: ngày nay có khá nhiều bằng chứng khảo cổ và khoa học phủ định thuyết tiến hóa và mọi việc vẫn chưa ngã ngũ. Tuy nhiên trong giai đoạn mới đưa ra thuyết tiến hóa (con người tiến hóa từ loài vượn), vì sự hợp lý của nó mà người ta dùng để lật đổ nội dung trong kinh thánh là “con người do Thiên Chúa tạo ra theo hình ảnh Người”. Với tôi thì cho dù thuyết tiến hóa chính xác 100% đi nữa thì kinh thánh vẫn đúng nếu ta suy luận theo cách khác. Đó là tại sao người ta lại muốn gắn hình ảnh của Thiên Chúa theo hình ảnh của con người lúc này? Trong suốt quá trình tiến hóa từ tảo đơn bào đến con người không phải càng thể hiện sự toàn năng của Thiên Chúa sao? không phải thể hiện sự bao hàm tất cả của Thiên Chúa sao? Con người tiến hóa từ vượn người thì như thế nào? Từ loài tảo thì có sao? những cấp bậc giống loài trong thiên nhiên chỉ do con người phân cao thấp mà thôi. Nếu Thiên Chúa muốn một bông hoa biết suy nghĩ và thông minh hơn con người thì Ngài vẫn làm được vì Ngài là đấng toàn năng. Vậy một bên mang thuyết tiến hóa ra để lật đổ quan niệm tôn giáo còn bên kia thì tìm mọi cách công kích thuyết tiến hóa để giữ lập trường của mình, việc làm đó có thật sự ý nghĩa không? Nói về việc này để hiểu rằng cho dù có cùng 1 kết quả thực nghiệm thì người ta vẫn có những kết luận khác nhau như thường. Ý mình muốn nói là những điều bạn nghĩ là bằng chứng xác thực thì chưa chắc nó đã xác thực. Tất nhiên con người ta sẽ chọn sự giải nghĩa nào có vẻ hợp lý nhất. Ý này tôi đưa ra
            không phải phản bát bạn vì bạn cũng nói chỉ tin 90%.

            Nô lệ: à tôi không đưa ra lập luận rằng con người là nô lệ tư tưởng của Thượng Đế, vì con người có thấy Thượng Đế đâu mà biết tư tưởng Ngài. Người ta chỉ làm nô lệ cho chính họ thôi, mà ai không phải là nô lệ cho chính mình? Một người tin rằng Thượng Đế muốn điều này và họ làm theo, bạn hay tôi thì nghĩ là thế này thế kia và làm theo điều mình nghĩ. Trên căn bản thì chúng ta đều như nhau. Nhưng có khác chăng là sự nô lệ vào những điều mà họ không tự kiến giải, lại tin vào người khác một cách thụ động (vì chủ động là có sự kiến giải của bản thân, tôi suy luận nên tôi mới tin).

            2. Thứ nhất: như phía trên mình nói, sự rõ ràng chưa chắc đã là rõ ràng, hiện tượng là thế nhưng đôi khi tồn tại nhiều nội dung hợp lý như nhau.

            Thứ hai: tại sao ta phải tôn trọng loài khác? Bạn tôn trọng vì chúng có quyền tồn tại? nếu tôi bảo Ngài tạo ra các loài khác chỉ để phục vụ ta thôi, điều đó minh chứng qua việc Ngài cho ta thông minh hơn. Ý tôi muốn nói không phải là không tôn trọng loài khác, mà là sự nguy hiểm khi quá duy lý thôi. Và việc này thì cho qua vì đó là sở thích.

            Thứ tư: điều này thì mình không đồng ý với bạn, một người bạn tin vào nhân cách mượn tiền hay nói với bạn điều gì đó thì bạn có tin họ không? Hay bạn buộc họ luôn luôn chứng minh điều họ nói? Họ nói, bạnđòi chứng minh, họ làm đúng điều đó, nhiều lần như thế thì bạn sẽ tin và không bắt họ chứng minh ngay lúc đó, bạn không thể bắt họ chứng minh ngay thế mãi, sẽ có lúc bạn sẽ phải đặt niềm tin nơi họ và chờ điều đó chứng minh ở tương lai thôi, kết quả ở tương lai nhưng trong hiện tại bạn vẫn tin sự việc sẽ như vậy. Ngay chính khi bạn không đòi họ chứng minh ngay cũng là lúc khẳng định điều mình nói. Con người không có đủ sức lực và thời gian đề chứng minh tất cả là sự thật, khi đó ta buộc phải tin, mà niềm tin đó dựa vào nhân cách và hành động trong đời sống của người đó.

            Thứ năm: bạn xem bộ phim đó chưa? Cái gì gọi là “cái ít khiếm khuyết nhất”? nếu người khác chọn lựa cái ít khiếm khuyết nhất mà loại bỏ bạn, bạn sẽ chấp nhận điều đó như là sự hợp lý? Sự hợp lý của lý trí chỉ là trò chơi của trí tuệ bạn à, sẽ có muôn ngàn điều hợp lý được đưa ra chỉ để hợp lý hóa sự tồn tại của chính ta. Bộ phim ấy dạy ta điều đó. Bạn bảo rằng có những người tự cho là có quyền trên người khác, vậy điều gì khiến bạn cho rằng sự tồn tại của người kém trí tuệ lại thấp hơn những người có trí tuệ? Đó không phải là do những người được gọi là có trí tuệ đã tự cho họ cái quyền đó hay sao? và đứng trên vai trò người kém trí tuệ, thì tại sao tôi phải hy sinh mạng sống mình để các anh – những người tự cho là có trí tuệ được sống thông qua những lý lẽ mà các anh cho rằng là hợp lý, và sự hợp lý đó là có lợi cho các anh? Thế giới này đang bị tàn phá không phải bởi chính những người cho mình là có trí tuệ hay sao? người có trí tuệ buộc người kém hơn phải phục vụ cho những mục đích của họ, nhưng họ có hoàn toàn vô tư không? Những vấn đề đặt ra mang tính đạo đức đấy. Khi con người bỏ rơi đạo đức thì cái còn lại chỉ là sự tham lam và ích kỷ thôi bạn à. Không ai có cái quyền bắt người này phải hy sinh mạng sống vì người kia hay vì bất kỳ điều gì, có chăng thì đó phải là sự tự nguyện và sự tự nguyện này thuộc về vấn đề đạo đức. nếu một ngày nào đó Thượng Đế buộc tôi phải chọn 1 bên là người mình yêu thương còn bên kia là thế giới thì cái quyết định tôi cứu ai chính là tình yêu thương đang có trong tôi, tôi sẽ đau xót khi bỏ cả thế giới hay bỏ người mình yêu? Tôi yêu bên nào hơn? Còn cái việc tồn tại của giống loài với tôi không quan trọng. có lẽ tôi sẽ chọn cứu thế giới vì tôi yêu thương nhiều con người, nhiều đứa trẻ chứ không phải mạng sống họ quý hơn mạng sống người tôi yêu. Với tôi sự chọn lựa của đạo đức và tình cảm cao hơn là lý tính.

            3. Thứ hai: bạn có thể cho tôi biết, theo bạn thì trong loài người, bạn cho rằng ai là người đến gần Thượng Đế nhất được không? Theo quan điểm của bạn, tôi muốn có một câu trả lời xác thực, một cái tên.

            4. Thứ nhất: bạn cứ không hiểu lời mình nói nhỉ? Mình nói là theo quan điểm của tôn giáo chứ mình không bảo là bạn báng bổ, còn những điều bạn nói thì mình biết.

            Sống để làm gì, không có gì bản cải về điều này.

            Phần cmt thứ 2: có nên học người xưa không? Mình không hiểu ý bạn. tất nhiên là học, tuy nhiên học những gì, học như thế nào, thái độ với tư tưởng họ thế nào thì còn phải xem lại.

            ………..

            Nói về quan điểm lý luận thì cũng bàn nhiều rồi, giờ chúng ta có thể tiến xa hơn (nhưng cũng gần hơn). Đó là thực tế trong thân phận chúng ta lúc này, chúng ta nên làm gì để đạt được những điều mà ta xem là ý nghĩa và có giá trị. Những hành động cụ thể là gì?

          • Chào bạn,

            Làm rõ vài ý bạn nêu:
            1)
            Thứ nhất: Về thuyết tiến hóa, nó chỉ là một trong vô vàn những giả thiết mà con người đã nêu ra để lý giải nguồn gốc sự sống hoặc để biện minh cho cái họ muốn biện minh.
            + Mình có đọc ở đâu đó giới chính trị từng làm thí nghiệm cho người giao phối với vượn để hầu tạo ra “loại người” dễ sai khiến hơn với đầu óc vượn, cơ thể giống người và thể tạng vượn nhưng không thành.
            + Những giả thuyết dù có hoang đường đến đâu thì cũng có người tin và thường được chính khách hung đồ áp dụng, họ cho thế quyền lớn hơn thần quyền (thần quyền, ta tin nhưng chưa chứng minh rõ ràng được). Ở Tàu xưa, luyện thuốc trường sinh, tu tiên,… đã được không ít ông Vua làm
            + Theo BS Hồ Hải, thuyết tiến hóa cũng chỉ giải thích được kiểu hình bên ngoài còn kiểu gene thì bế tắc và các nhà nhân chủng học, sinh học, khảo cổ học,… chưa đưa ra được căn cứ để giải thích. Bạn tham khảo ở đây, rất nhiều tranh luận làm rõ được vài câu hỏi mình từng quan tâm, chú ý đừng để sự cảm tính của ai đó làm bạn bực mình http://bshohai.blogspot.com/2011/03/thu-ban-van-hoa-viet-co-nhung-huyen-su.html
            + Những câu hỏi của ta, có thể là câu hỏi của nhiều người và những người chuyên môn được cử đi làm công việc đó và khi đó có ba hướng là 1)họtìm hiểu trên tạo vật hầu kiếm câu trả lời, 2)họ tìm kiếm những gì hợp để chứng minh cho định kiến có sẵn của họ và 3)họ rơi vào dùng huyền bí lấy giả định chứng minh cho giả định. Với một phần bản tính ô TOMA trong người, những chuyện huyền bí, chưa đủ cơ sở, mình tham khảo thôi và chờ đợi phát hiện mới. Mình không tin, không tiến hành đả kích, chỉ đặt câu hỏi làm rõ.
            + Những điều bạn luận về thuyết tiến hóa, đúng sai rồi vận vào giải thích tôn giáo, đó là một trong những cách hiểu. Đúng-sai với mình có ý nghĩa trường kỳ hơn là giai đoạn, nếu không sẽ giải thích bát nháo không đến đâu. Kinh thánh còn đó (là sự ghi chép lại của “thị kiến” và có thể có cả “thị kiến giả”), thuyết tiến hóa còn đó, con người và tạo vật còn đó. Chúng ta có thời gian tìm hiểu, chứng nghiệm để sàng lọc mà và vấn đề Thượng đế tồn tại, tất cả những giả định, “thị kiến”, giả thuyết ta có hiện nay cũng chỉ giới hạn ở quả đất thôi và còn nhiều dấu hiệu mà Thượng đế muốn ta tìm nằm ở đâu đó trong vũ trụ bao la. Cái biết của cả loài người hiện chưa ra khỏi thái dương hệ, do vậy có cần hấp tấp chọn con đường đúng nào đó với nhận thức của chúng ta hiện nay và theo?

            Thứ hai: Về tính xác thực và niềm tin. Mình cố giải thích rõ nhưng bạn hiểu niềm tin của mình theo hướng bạn muốn. 90% là mức cao nhất cho một điều gì đó, nó không có nghĩa như bạn nói. Những cái là thật thì tin 90% cũng là 100% rồi vì sẽ không có “dấu hiệu mới” để phải xét lại điều đó. Vì thực tế chúng ta mới nhìn từ quả đất, thái dương hệ mà thấy vũ trụ bao la, nên có những cái ta tưởng là thật nhưng mới chỉ là 1 góc vấn đề (bạn đọc và suy ngẫm 3 bị bản truyện và một dị bản có phải là chuyện nhét chữ? http://www.khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=613:so-sanh-cac-d-bn-truyn-qthy-boi-s-voiq-va-tam-thc-dan-tc&catid=97:vn-hoa-dan-gian&Itemid=155) và 10% còn lại là sự chuẩn bị để mình có thể tiếp nhận thêm, 90% là màng lọc tương đối và thật nguy hiểm khi nó mang giá trị là 100% vì nó làm ta rơi vào định kiến.

            Thứ ba: Mình không nói con người nô lệ tư tưởng của thượng đế, bạn có thể xem lại. Khi ta tự giới hạn mình vào bất cứ giả thuyết, giả định nào mà ở đó nêu ra ngưỡng không thể vượt qua và ta không dám vượt qua, lúc đó ta bị tư tưởng đó khống chế và ta là nô lệ. Nói nhẹ hơn là định kiến. Phần kiến giải của bạn, mang dấu ấn cảm tính. “Tôi suy luận nên tôi mới tin”, suy luận trên thang tham chiếu nào? Suy luận trên điều gì? Đại thể câu nói của bạn mình cũng áp dụng đúng như vậy và khác biệt có lẽ là ở mức độ tin tưởng, niềm tin của mình cho bất cứ điều gì đều từ 0.1-90% và bạn có thể đặt niềm tin 100% vào cái gì đó? Niềm tin là sự lựa chọn và mình đã nói là mình tôn trọng sự lựa chọn của bạn.

            2)
            Thứ nhất: Điều bạn đúc kết giải thích tại sao niềm tin của mình từ 0.1-90%

            Thứ hai: Mình hiểu nhận định của bạn nhưng con người không thể duy lý hoàn toàn và càng nghiêng về duy tình thì con người càng nguy hiểm vì sự u mê nên gậy họa cho người khác, tạo vật khác. Bạn nói Ngài sinh ra các loài khác để phục vụ ta? Mình hiểu như bạn nói và mình duy lý rõ hơn chút xíu: Phục vụ ta bao gồm:
            + Sự tồn tại: ta diệt một phần ở mỗi loài trong chúng bằng cách trực tiếp ra tay hoặc duy trì sự đối nghịch-loài khác khắc tinh với chúng;
            + Sự tìm hiểu hay nói khác hơn là phục vụ trí tuệ: Duy trì trạng thái cùng tồn tại như Thượng đế đã tạo ra và tìm hiểu về chúng để giải thoát sự sinh tồn khỏi trái đất, nói cách khác là tìm hiểu ở những nơi xa hơn.

            Thứ tư:
            + Mình sẽ yêu cầu chứng minh nếu thấy cần thiết, cần thiết ở đây vì điều họ nói là mới hoàn toàn với cá nhân mình. Cách mình nói họ chứng minh sẽ không quá thô thiển và chỉ là đặt câu hỏi làm rõ. Mình quan tâm đến nội dung chứ không quan tâm vị thế của người nói ra nội dung đó (thực tế mình thừa nhận là có thể bị duy tình lấn át nên có thể bị “mất kiểm soát” tạm thời để vị thế chi phối nhận định, đó là rủi ro).
            + Việc mượn tiền hay các sự việc khác trong đời, mình xếp nó vào sự lựa chọn, chọn cái ít khiếm khuyết hơn. Việc mượn và cho mượn tiền ngoài các định chế tài chánh mang tính thỏa thuận thuộc duy lý, còn lại là cảm tính. khi quyết định cho mượn tiền, cần chấp nhận có khả năng mất cả hai là vật chất và tinh thần: Vì 1)người mượn tiền sẽ thuộc hai đạng là không kiểm soát nổi tài chánh và gặp sự cố bất ngờ; 2)cá nhân người cho mượn sẽ ở thế khó tìm sự đồng thuận nếu tài chánh là chung, cần hoàn trả vào một thời điểm nào đó trong tương lai và 3) Ưu tiên chung của mỗi người là cho sự sống của họ, có gia đình thì ưu tiên này càng tăng lên. Bạn tự xét để biết xác suất nhận lại đủ tiền và thời điểm bạn cần nó.

            Thứ năm: Bạn cần một góc nhìn khác, hãy đặt câu hỏi về từng vấn đề, mình sẽ làm sáng tỏ đến mức mình có thể không nên đoán ý mình
            + Câu hỏi về sự khiếm khuyết của bạn làm mình giật mình phải xem lại. Bạn đưa từ “nhất” vào và nó làm thay đổi hoàn toàn ý nghĩa câu nói của mình.
            + Sự lựa chọn là quyền cá nhân của mỗi người nhưng đừng gán cho nó sự hợp lý và mang áp dụng với người khác. Nó hợp lý với chính người đó ở thời điểm đó, sau đó có thể họ sẽ thay đổi thái độ nhận thức về nó và có thể không.
            + Bạn nói về sự thấp hơn của người kém trí tuệ và trí tuệ, mình không hiểu lắm. Con người khi sinh ra, trí tuệ của họ là như nhau, tức mức ZERO nhận thức, nó đúng với ngay cả người bị dị tật hay khiếm khuyết ở não. Chỉ có người thiểu năng bẩm sinh làm kém về các chức năng của não so với người bình thường và trí tuệ nhận thức tự nhiên, xã hội, vũ trụ là kém hơn, riêng phần huyền bí thì có thể có có thể không. Trí tuệ có nhiều mức và sự nỗ lực thường tỷ lệ thuật với chiều cao về mức độ. Bạn thường dùng thang tham chiếu là cảm nhận ở vị thế hiện tại làm thước đo?
            + Có trí tuệ ở mức nào không phải ở mức độ ta tự nhận về nó mà ở mức độ thể hiện sự hiểu biết của ta ra bên ngoài. Liệu bạn có đang đánh đồng trí tuệ và độc đoán? Bạn hãy cho mình biết định nghĩa trí tuệ theo cách hiểu của bạn. Mình đã nói rõ cách hiểu của mình ở các thư trước rồi. Nếu cần thiết thì làm rõ định nghĩa về nó, trước khi dùng nó như công cụ.

            3)
            Thứ hai:
            + Mình không phải Thượng đế nên không thể trả lời chính xác cho bạn câu hỏi mà chỉ có Thượng đế mới có câu trả lời chính xác, Thượng đế mới cho bạn cái tên như bạn muốn. Mình chỉ có thể xác thực cho bạn đến thế thôi.
            + Ở góc nhìn của mình, như thư trước đã nói, bạn hãy so sánh quyền tạo vật, trong đó có con người và những hành động Chúa Jesus và Phật Thích ca đã làm, đó có thể là con đường khác để đến với Thượng đế. Nếu bạn cho con đường các Ngài đã đi là gần với Thượng đế, sàng lọc hành động tuân thủ các quy luật mà Thượng đế đã “ngụ ý” ở tạo vật, có thể bạn sẽ đến gần hơn con đường kia.

            4)
            Thứ nhất: Bạn đang ngộ nhận điều mình nói. Sở dĩ mình có dùng ngôi thứ nhất là “mình chỉ có thể đại diện cá nhân mình trả lời cho thắc mắc của bạn, mình không đại diện Công giáo để trả lời. Vấn đề là bạn không nên thần thánh hóa, Chúa Jesus không bắt người khác không được gọi là Ngài là con người (nếu bạn đọc được lời ghi chép nào ghi nhận ngược lại thì cho mình biết) nên gọi Ngài là con người không thể xem là báng bổ như bạn đã nêu.

            Thứ 2: Có nên học người xưa không?
            + Câu hỏi này không rõ ý. Người xưa? Người xưa là người được ngưỡng mộ (tức thành công của họ về danh-lợi hay những đóng góp cho sự phát triển cộng đồng), những khám phá của họ và những hạn chế của họ, những ghi chép chia sẻ hay những ghi chép muốn chế ngự tư tưởng hầu bảo vệ cho mục tiêu nào đó, những mặt tốt của họ hay những mặt xấu và đánh giá tốt-xấu trên lăng kính nào,…? Làm rõ bằng đó mặt là không thể, người nói về mặt này, kẻ nói về mặt khác, lúc này các bên nếu lấy thang đo đúng sai để phân xử, thì kết quả là sự gượng ép, xung đột hoặc dẫn tới ngõ cụ. Chủ thể là người xưa là quá lớn, phải hạn chế phạm vi, phải khoanh vùng làm rõ vài khía cạnh, những khía cạnh cụ thể này có thể dùng thang so sánh đúng-sai. Phần chưa thể làm rõ, thời gian và sự nỗ lực sẽ thu hẹp phạm vi, làm rõ từng phần thì cuối cùng có thể làm rõ được tổng thể.
            + Câu hỏi đó có thể trả lời không được không? Thực tế, khi mà mỗi con người chào đời đều chịu ảnh hưởng của người trước qua lời ru, sự chăm sóc, lời khuyên, thậm chí lời dạy (theo mình nên dùng từ hướng dẫn, dùng từ dạy cho hợp thời),… Vì những ảnh hưởng bất khả từ chối nên đặt ra câu hỏi mang tính lựa chọn là gài bẫy vì không thể phủ nhận dù muốn hay không thì ta cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp.
            + Rõ ý hơn và đúng bản chất hơn, có thể nên đặt lại là: Nên học gì từ những di sản của người xưa? Đặt câu hỏi kiểu này thì những bức tường vô hình mà ai đó muốn sử dụng để kiểm soát tư tưởng, núp dưới mỹ từ như truyền thống, đạo đức,… hay gọi chung là qua một phần sợi dây tình cảm sẽ bị nhạt nhòa. Khi đặt câu hỏi kiểu này, các giá trị được gắn mác tốt được xem trọng hơn cho dù đôi khi người ta phải bỏ qua vài mặt để giữ tốt cho nó (Người Mỹ kéo Lance Amstrong xuống vì sự dối trá còn người Việt sửa chuyện tấm cám để “bảo tồn truyền thống”). Nói về cái xấu, mặt hạn chế không được đánh giá cao. Cái tốt và xấu đều có ngữ cảnh trong những điều kiện của nó, cái tốt thường bị che dấu quá trình, con người thường trú trọng kết quả và cái xấu thường được mổ xẻ làm rõ, để rút kinh nghiệm. Do đó dù nghiêng về duy lý hay duy tình thì biết tốt để học theo, thực hiện khó hơn là biết xấu để tránh. Con đường đến gần Thượng đế là biết xấu để tránh làm điều xấu? Lúc này bạn sẽ gặp phải không ít những kiểu lý luận, lập luận biến xấu thành tốt. Vấn đề lại quay trở lại thang đo, thang tham chiếu và làm rõ thang tham chiếu là điều bắt buộc, không thôi ta lại tự đẩy mình trôi vào sự luẩn quẩn theo chu trình vòng tròn.
            + Thang tham chiếu nào được sử dụng để xác định là nên cho từng di sản? Sẽ có nhiều người chọn các thang tham chiếu đơn nguyên như vì sự tồn tại, vì lợi ích dân tộc,… và nhiều người dựa trên thang tham chiếu đa nguyên như: nhân quyền, lợi ích, tính phổ biến, sự phát triển,… đặt trong lăng kính triết học 2 nguyên lý- 3 quy luật- 6 cặp phạm trù để sàng lọc lại trước khi dùng kết quả của nó như một màng lọc? Không nhiều người xem xét đến mức độ như vậy nhưng tham chiếu đa nguyên giúp con người ta giảm được những định kiến. Thí dụ người đứng trên lựa chọn đơn nguyên chọn “giết người để được sống”, người này có quan tâm đến mối liên hệ sống của họ với khả năng đe dọa sinh mạng từ người kia? Và họ có chấp nhận người khác làm điều tương tự và họ là nạn nhân? Lý luận phổ biến là giết 1 người để cứu muôn vạn người nhưng không đưa ra được chứng cứ rõ ràng để bảo vệ luận điểm đó và họ thì tìm mọi cách để chống lại, không để bản thân rơi vào sự bị giết

            —-

            Về hành động cụ thể, theo mình:
            + Không ngừng quan sát, tiếp nhận, xâu chuỗi, suy ngẫm, đưa ra kết luận tạm thời, chứng nghiệm, điều chỉnh, ghi nhớ làm tham chiếu và lặp lại quá trình nêu trên.
            + Biết xấu để tránh làm xấu, điều trước tiên có lẽ nên biết quyền con người và quyền tạo vật.
            + Tạo dựng cho bản thân thật nhiều tiền và những giá trị khác là tiền mang lại bằng quy tắc win-win-win, cho chính mình-cho đối thủ-cho tạo vật (hay còn gọi là môi trường xung quanh), không nên theo quy tắc tổng bằng 0 (tức người này được thì có kẻ phải mất)
            + Khi về già, giữ lại một khoảng tiền trả chi phí sống và chi phí chết để nuôi mình và người phục vụ mình. Còn lại, chia cho con cái một phần để giúp chúng tự lập và chỗ trú chân cho những sai phạm. phần còn lại nên lập quỹ từ thiện và điều hành chúng để cứu sự sống (người và tạo vật) và tạo sự tự lập cho nhiều người nhất có thể và trao cho họ tinh thần đó để họ có thể giúp người khác theo cách họ đã được giúp trong khả năng của họ. Đến lúc nhắm mắt, số tiền còn lại trong quỹ được tín thác vào nơi tin cậy để sinh lãi để sau này trao cho con tiếp tục điều hành khi chúng hưu hoặc làm nơi cứu chúng để chúng tiếp tục sinh tồn nếu không may kinh nghiệm ta truyền lại cho nó không đủ giúp nó vì lỗi lớn nhất ở ta là không tạo cho nó tính tự lập và tư duy độc lập.

            Cứu con hay cứu người thì cũng chỉ là cứu sự sống một sinh mạng và mình có quyền ưu tiên hơn theo sự lựa chọn của mình và có thể bạn không đồng ý với sự lựa chọn đó nhưng đừng vội cho rằng cứu 2 người hơn 1 vì bạn sẽ bỏ sót là 1 người được cứu đó có thể dang tay cứu người/sinh vật khác khác và họ có thể truyền tinh thần này, còn hai người kia có thể họ không sẵn lòng cứu người khác vì tư tưởng này là cái chỉ có được sau một thời gian dài, thậm chí rất dài và nếu mình làm được điều mình đàng nói cùng bạn, tư tưởng này ít nhiều hình thành trong con của mình và sự lựa chọn này của mình không còn theo nguyên tắc “ít khiếm khuyết hơn” mà theo sự cảm tính

          • Trước khi tiếp tục thảo luận tôi muốn nói rõ một ý, trên cơ bản, hầu như tất cả những điều bạn nói điều rất hợp lý và đồng quan điểm với tôi. Chỉ là mặc dù khi phân tích một sự việc tôi dùng lý trí nhưng đánh giá hoặc dẫn dắt một hành động thì tôi thường dựa vào phương diện đạo đức và tình cảm. Với tôi lý trí chỉ là công cụ phục vụ cho tình cảm, và tôi tách lý trí và tình cảm khỏi nhau ở một chừng mực nào đó. Không khó để thấy rằng khi con người quá lý trí sẽ trở nên khô khan và vô cảm, đi đến tận cùng của nó là hoàn toàn hóa thành một cỗ máy được lập trình sẵn bằng những quy luật mà con người khám phá. Tất nhiên tôi cũng biết quá cảm tính thì mù quáng, cảm tính mà không có lý tính hỗ trợ cũng gần với sự ngốc nghếch. Cái quan trọng mà tôi cần tìm kiếm là tôi phải sống thế nào mới là ý nghĩa và xứng đáng đối với tôi. Từ đó có thể gạt ra rất nhiều điều thuộc về khoa học tự nhiên như các môn như toán – vật lý – hóa học. Các môn thuộc về xh mới là ưu tiên.

            Vấn đề trong tranh luận của chúng ta nằm ở chỗ mức độ tin vào lý tính, tôi đặt lý tính ở vị trí thấp hơn so với bạn. quan điểm của bạn (nếu tôi nhận định sai thì bạn chỉnh sửa nhé) là mọi xuất phát điểm đều là lý tính, bạn luôn xem xét tính logic của một sự vật sự việc, nguồn gốc của nó xuất phát từ đâu, mọi thứ với bạn khá là rõ ràng với những lý giải bạn cho là hợp lý (với cái lý tính ban đầu ấy). Còn xuất phát điểm của tôi thì ngược lại, tôi là một gia đình Công Giáo truyền thống nên phương diện đạo đức trở thành nền tảng trong tôi (rất nặng tính đúng sai, mang tính phán xét như bạn nói), mặt khác khi bị vấp vào phương diện tình cảm nên tôi tìm đến lý tính để giải mã nó. Khởi nguyên của tôi là đạo đức, huyền bí và tình cảm, tôi dùng lý tính để phân tích và phục vụ những thứ đó, trong quá trình đó có những mâu thuẫn nẩy sinh, và tùy sự việc mà tôi chọn tin vào điều gì. Nhưng những giá trị thiêng liêng và cao quý của đạo đức, huyền bí và tình cảm chưa bao giờ lung lay. Tại sao tôi chọn những điều đó mà không chọn lý tính? Vì những điều đó mới cho tôi cảm thấy mình đang sống, cái điều tôi hướng tới là những bản tính của con người (chân – thiện – mỹ) dù rằng giả như ngày nào đó con người khám phá ra quỷ dữ mới là đấng sáng tạo thì tôi vẫn chia đường với đấng sáng tạo đó. Mặt nào đó nó là định kiến của tôi.

            Trả lời các vấn đề còn vướn mắc:

            1.

            Thứ nhất: đồng ý quan điểm của bạn, tuy nhiên ở đoạn cuối thì mình nghĩ khác. Có thể ngày nào đó loài người tìm ra sự thật, nhưng điều đó kém quan trọng với mình, điều mình cần là tìm được gì, đi xa bao nhiêu trong thời gian còn lại của cuộc đời mình. Trên cái nhìn đó có thể thấy rằng với hiểu biết của loài người được gọi là rõ ràng mà đại diện là khoa học thì còn rất nhiều hạn chế, vì vậy mình chấp nhận những rủi ro để tin vào những sự huyền bí để có thể đi xa hơn (nếu may mắn), lựa chọn sự huyền bí nào phụ thuộc vào những bản tính mà mình nói ở trên.

            Thứ ba: “tôi suy luận nên tôi mới tin”, thang tham chiếu là những giá trị làm nền tảng mà mình đã nói.

            2.
            Thứ hai: “phục vụ ta” mà tôi nói khá đơn giản, đó là thứ cần để ta tồn tại mà cụ thể là những nhu cầu về sinh lý cũng phương tiện phục vụ đời sống. Tất nhiên đây chỉ là một ví dụ để minh chứng cho việc, có cùng một biểu hiện (sự tồn tại của loài khác, trí thông minh con người cao hơn các loài…) nhưng cho ra những sự diễn giải khác nhau (khác với diễn giải của bạn là sự sinh tồn của các loài cần được tôn trọng vì cùng là tạo vật)

            Thứ tư: mình rất kém trong việc phân tích rạch ròi, nhưng điều mình nói không hề khó hiểu. trong cuộc sống để ta chấp nhận một vấn đề gì đó ở hiện tại từ một người khác mà kết quả chưa đạt được trong hiện tại, thì sự chấp nhận đó bị chi phối bởi vài điểm: sự hợp lý của vấn đề, khả năng của ta và nhân cách của người khác đó. Cái niềm tin vào một con người dù ít hay nhiều thì vẫn luôn tồn tại và chi phối phần nào quyết định của ta. Chỉ là tùy vấn đề mà ta bị chi phối ít hay nhiều thôi. Và bạn không thể phủ nhận nhân cách của một người tỉ lệ với xác xuất “có thật” mà người đó nói. Đó không phải là một niềm tin mù quáng. Cụ thể: tại sao tôi lại không tin lời Chúa Jesus khi nhìn vào những việc Ngài làm và cái chết của Ngài trên thập giá?

            Thứ năm: đề nghị này được nhắc lần thứ 3: mình nghĩ bộ phim về lớp học triết đó rất hay, nếu có thời gian bạn hãy coi, chắc chắn bạn sẽ thích.

            + về từ “nhất”: một câu mình thường nói với rất nhiều người, đừng nắm bắt sát xao vào chi tiết lời mình nói, chỉ cần nắm ý mình muốn nói. Và cái ý của cmt trên của mình chắc không khó hiểu.

            Các mục phía dưới tôi không đi vào chi tiết và trả lời các câu hỏi của bạn vì với tôi những ý đó không quan trọng. lập luận của tôi dựa vào câu nói của bạn “Mình chọn trên cơ sở cái ít khiếm khuyết hơn”. Thang tham chiếu của bạn là “ sự sống của cá nhân, loài người, sinh vật, sự phát triển chung của các loài phải được tính đến và nên nằm ưu tiên” với bạn sự sống ở đây mang ý nghĩa gì? Là sự tồn tại và duy trì nòi giống hay việc sống như một con người? theo quan điểm của mình, sống như một con người thì quý trọng hơn cả sự tồn tại của người đó. Vì chính điều đó mới khiến con người như là con người mà không phải con thú hay một cái máy, mặt nào đó thì loài thú gần giống như một bộ máy được lập trình phức tạp. bàn luận đến đây mình giới thiệu bạn xem phim “người 200 tuổi” kể về một người máy muốn làm người với những phẩm giá của con người.

            3. bạn đã không cho mình một cái tên, vậy phần nào nói lên rằng hiện bạn vẫn chưa xác định được phương hướng để tìm đến thượng đế, tôi nói thế vì trong lịch sử loài người, các tiền bối đã đi rất nhiều hướng để tìm được câu trả lời. Nếu bạn nghiêng về một hướng nào đó thì luôn tìm thấy ai đó bước đi trước trên con đường đó và chọn cái tên người đó. Nhưng bạn không có, đó là kết quả của sự hoài nghi và tính duy lý. Tôi không nói việc đó là tốt xấu hay đúng sai, nhưng thật khó đi nếu chưa xác định được phương hướng. có lẽ con đường của bạn là trí tuệ mà biểu hiện là tính duy lý. Nhưng dựa vào tính duy lý (cao) thì rất khó đi và đi chậm, tôi nói chậm là vì bạn luôn đòi hỏi sự chứng minh trong những điều bạn biết, và như thế thì dù gặp “thị kiến” bạn cũng khó tin đó là “thị kiến”. Nói về việc này tôi cần xem xét lại quan điểm của bạn về cách mà Thượng Đế cho ta “thị kiến”, Ngài muốn ta hiểu điều chỉ trong khả năng của ta hay “thị kiến” luôn lớn lao nhưng ta chỉ hiểu theo hiểu biết của ta. Nói dễ hiểu hơn: Ngài muốn ta hiểu 1 nên chỉ cho ta thấy 1, Ngài cho ta thấy 1.000.000.000 nhưng ta chỉ hiểu 1. Sẽ là điều nào thì khó mà nói. Với lại tôi thiết nghĩ (suy đoán) thị kiến không chỉ khiến người chứng kiến hiểu gì đó mà còn có thể khiến người được nghe kể lại cũng hiểu về điều gì đó, có khi còn sâu sắc hơn, vì vậy tôi nghĩ “thị kiến” có ý nghĩa không bị giới hạn ở trí tuệ người nhìn thấy. vậy bạn có nghĩ bạn cần xác định lại quan điểm của bạn không?

            4. Thứ nhất: có thể nói thì Chúa Jesus đã là thần thánh so với tôi rồi, nên tôi có xem Chúa Jesus là thần thánh cũng không vấn đề gì, miễn là tôi không bắt người khác làm theo ý tôi là được. Vấn đề ở chỗ tôi không nói bạn báng bổ, tôi nói là theo quan điểm của tôn giáo (và đó là chuyện của tôn giáo).

            Thứ hai: về cái bẩy trong câu hỏi, đi sâu như bạn thì mình đi không tới, nhưng cái bẩy đó có thể thoát khỏi khi ta xác định câu trả lời của ta ở trong giới hạn nào. Ví như khi tôi trả lời “không” theo quan điểm riêng mà người kia bảo như bạn đã nói là ta luôn bị chi phối bởi người xưa thì tôi sẽ tách nó thành một điều đồng ý hiển nhiên nhưng vẫn không ảnh hưởng đến câu trả lời “không” phía trước, loại trừ sự phụ thuộc hiển nhiên ra, tôi chỉ giải thích quan điểm cho cái “không” của tôi và cái không đó không hề bao hàm cái “có” kia. Còn nếu kẻ đó cố tình đánh đồng cái “không” của tôi đó cho tất cả thì đó chỉ là sự áp đặt. Tôi chỉ trả lời trong phạm vi mà tôi hiểu và tôi xét đoán, nếu muốn đi sâu hơn thì chỉ trong phạm vi đó của tôi, nếu vượt ra ngoài thì đó lại là một câu hỏi khác và cần câu trả lời khác. Vấn đề quan trọng là ta hiểu rõ bao nhiêu về những điều ta nói trong phạm vi của ta. Khi đó muốn bẩy cũng không dễ. Giống như bạn đặt câu hỏi với tôi, tôi cần hỏi lại để xác định phạm vi vấn đề.

            Đúng là bất kỳ ai cũng cần 1 thang tham chiếu nhất định để xác định câu trả lời cho một vấn đề nào đó, nếu không sẽ đi lòng vòng và bị người khác dẫn dắt khiến ta phản ta. Nhưng thang tham chiếu đó xác định đến mức nào thì tùy quan điểm từng người. ví như thang tham chiếu của bạn đa phần dựa vào duy lý, còn của tôi chỉ tính duy lý là chưa đủ mà cần thêm những điều khác dù những điều đó khó xác minh hay phân tích.

            ……..

            Về những điều bạn nói thì không có gì để bàn cãi, tuy nhiên vì quan điểm mỗi người là khác nhau nên dù cùng cách thức giống nhau thì kết quả cũng sẽ khác nhau. Ví như “biết xấu để tránh”, quan điểm về cái xấu khác nhau nên kết quả tránh cái xấu sẽ khác nhau.

            Mình không bảo cứu 2 người hơn 1 người. như ở cmt trên đã nói, mình không so sánh theo cách đó, chỉ là có đôi khi ta cảm thấy mình cần hy sinh lợi ích cá nhân trước một điều gì quá to lớn, nó là sự chi phối của tình cảm, đạo đức và có cả lý trí.

          • Chào bạn,

            Chúng ta, từ khi chào đời cho đến lúc tự nhận thức, chịu sự tác động của xã hội, văn hóa qua lời ru, lời khuyên của cha mẹ, người thân, giáo viên, nhà trường… và nó hình thành trong chúng ta màng lọc theo định hướng nào đó (màng lọc duy tình) và chưa chắc là tốt cho ta hoặc nó chỉ tốt cho ta khi phải phục tùng, ngậm miệng ăn tiền hoặc làm chim mồi. Nó hình thành trong ta tham chiếu đúng-sai và dùng sai để lọc đi mọi góc nhìn khác với cái đã được cài đặt, thậm chí có thể dùng bạo lực với người khác chỉ vì họ nói không đúng như “bài bản” đã có sẵn trong não. Nó làm con người chạy theo bầy đàn và dễ dàng bị kích động và cũng dễ bị xỏ mũi. Mình muốn thoát ra khỏi những “xúc tua” đi ngược sự phát triển, đi ngược chân, thiện của màng lọc cũ bằng cách tiếp nhận, suy ngẫm (bổ sung màng lọc duy lý) để giải thoát khỏi sự trói buộc

            Không như bạn nói, mình duy lý và có thể chấp nhận tất cả các khái niệm miễn sao nó có sự logic, mình không so với cái ban đầu vì nó cũng chỉ là tham khảo. Và ở phương diện này, có thể sẽ bị mất kiểm soát vì có quá nhiều đường trước mặt nên mình phải tách bạch ra thành phần sinh tồn và phát triển. Phần thuộc về sự phát triển, không phải gấp gáp còn phần thuộc về sinh tồn, mình lấy lợi ích win-win-win (cho mình, họ và môi sinh sinh tồn của tạo vật) làm tham chiếu. Trong thanh đo này của mình đã bao gồm cả chân, thiện, mỹ hay đạo đức,… bạn tin không?

            Thử xem xét vụ việc giết người của Lê Văn Luyện? Mình đọc báo và thấy ghi nhận tiến trình như sau: LVL đột nhập và tìm đồ, sau đó bị người nhà phát hiện nên sát hại và sau đó cướp lấy tài sản. Gia đình nạn nhân có người chết, người sống thương xót người đã đi. (Bạn bổ sung nếu có thiếu sót). Dư luận và gia đình nạn nhân muốn xử thật nặng để làm gương dù chế tài luật thiếu, nên xử theo dư luận hay cho anh ta cơ hội? Ở góc nhìn duy lý của mình
            + Anh ta không chủ ý giết người cướp của, ý tức là loại bỏ sự kháng cự trước khi lấy tài sản. Vì bị lộ nên anh ta phải hành động theo tình thế để che đậy, lúc này đâm 15 dao hay 1 dao không quan trọng vì mục tiêu của anh ta là chắc chắn người kia chết, càng đâm nhiều càng chứng tỏ anh ta không rành việc giết người.
            + Sự việc đã xảy ra, người chết không thể sống lại. Đứng trên tổng lợi ích xã hội, giết thêm một người sẽ thêm mất mát. Nỗi đau mất con lớn và cha mẹ nạn nhân không may đã nhận nỗi đau này. Chúng ta muốn cha mẹ thủ phạm cũng nhận nỗi đau đó?
            + Ăn cướp do bị bí bách về nhu cầu, xử tử người đó có làm giảm sự bí bách và người bí bách sẽ không làm bậy? Không thể, bần cùng sinh đạo tặc là đúc kết của người xưa và là đạo tặc không chủ ý mưu sát thì rủi ro gây chết người cũng cao. Trong cộng đồng, sẽ luôn tồn tại thất nghiệp nhưng vấn đề là chính phủ có hành động để giảm thất nghiệp hay không. Mặt khác sẽ luôn có người làm biếng, giáo dục có được chăm lo để giúp con người ta tự lập và tự trị? Hành động xây thêm nhà tù, tuyển thêm quản giáo hay nâng cao giáo dục, chú trọng việc làm là chuyện chỉ chính phủ làm được để giải quyết vấn đề trên ở tầm vĩ mô.
            + L có hành động nông nổi? xử thật nặng có làm cho người nông nổi suy nghĩ hơn?
            + L có đồng ý nhận điều tương tự đã gây cho nạn nhân? Không vì nếu có, có thể L đã tự sát
            + Về bản thân L, L có nhận thức được việc đã làm là vì nhu cầu ít bức thiết đã lấy đi quyền được sống của người khác? Nếu L thực tâm thấy sai và muốn khắc phục, không cho L cơ hội thì người thân của kẻ bị hại và người hại đều bị thiệt.
            + Ác giả ác báo, nên chăng
            + …
            => Sẽ có người nhân danh đạo đức và muốn lấy mạng, tha mạng cho L. Ở khía cạnh của mình, con người luôn sai lầm và người ta quay lại nên được tạo cơ hội để làm lại. Ước nguyện của L, của cha mẹ L nên được xem xét trong việc khắc phục hậu quả và gia đình nếu bảo lãnh phải chịu trách nhiệm liên đới về sau. Mình cũng đọc sự việc đánh ghen ở Đồng Nai dẫn đến chết người và cha mẹ nạn nhân đã bãi nại trước tòa trong khi dư luận muốn xử.

            Trở lại với các vấn đề đang thảo luận, mình sẽ nói rõ thêm nếu cần thiết, cái thuộc về lựa chọn thì mình và bạn đều có chủ kiến riêng vào không cần trao đổi thêm

            1) Thứ nhất: Mình muốn làm rõ thêm về khoa học chút xíu. Đối tượng nghiên cứu của Khoa học là gì? Là về vạn vật trong tự nhiên và xã hội loài người nên khoa học chỉ có thể làm rõ vấn đề này. Nó nhiều người nhân danh khoa học để chứng minh cho cái không phải là đối tượng nghiên cứu của nó.

            2)
            Thứ hai: Bạn hiểu sai ý mình, phần bạn nói về nhu cầu sinh lý, phương tiện phục vụ đời sống. Mình đã nói rõ ở ý Sự tồn tại là ta trực tiếp diệt một phần loài nào đó, diệt cho nhu cầu sinh tồn và nhu cầu khác. Diệt để giữ thế cân bằng là việc làm ở mức cao hơn cá nhân

            Thứ tư: Mình hiểu điều bạn nói nhưng không phải ai cũng có tư cách (nhân cách) hay lòng tự trọng. Nhân cách của một người lại rất khó xác định nên đi trực tiếp vào nội dung mà không quan tâm đến người nói có phải đỡ rối hơn, hiệu quả về thời gian hơn, phải không?

            Thứ năm:
            + Cảm ơn bạn về sự giới thiệu, mình sẽ dành thời gian cho bộ phim đó
            + Mình chỉ muốn giải tỏa nghi ngờ nên hỏi lại thôi, mình đã nắm ý của bạn.
            + “Sống như một con người thì quý trọng hơn cả sự tồn tại của người đó”, về cơ bản mình đồng ý, chỉ biết là “sống như một con người” là khái niệm không rõ ràng, mặt khác sống khác với tồn tại là ở tư duy, sử dụng trí tuệ. Các ý khác là sự lựa chọn nên mình tôn trọng.

            3) Mình thừa nhận là quá nhiều suy xét thì không thể hành động nhanh và cũng gây khó trong xác định phương hướng, con đường đi nên mình đã phải tách bạch ra sinh tồn và phát triển như đã nói ở đâu thư. Về xét lại “thị kiến”, loại bỏ thị kiến giả, mình vẫn giữ quan điểm đã trao đổi với bạn về việc Chúa đã thuyết phục ô TOMA bằng “thị kiến” mà ông không thể hiểu khác. Điều này gần đồng nghĩa với điều bạn nói: “thị kiến” có ý nghĩa không bị giới hạn ở trí tuệ người nhìn thấy. Mình tin DST cho ta trí tuệ và Ngài sẽ trực/ gián tiếp cho ta “thị kiến” đủ mạnh nếu ta lạc lối:
            + Trực tiếp như đối với ô TOMA, như con hãy đặt tay vào đây, làm điều này, điều kia… để kiểm chứng
            + Gián tiếp là để cho con người sai lầm và thấy được hệ quả, sự trả giá cho sai lầm đó mà quay đầu lại, thí dụ như chiến tranh-dân tộc trí tuệ không rước chiến tranh vào với đất nước họ, dân tộc kém trí tuệ hơn thì rước vào và tự hào ta đánh thắng thằng khác trong nhà ta với cái giá sinh mạng, vật chất, môi trường, sự lệ thuộc vào lân bang đồng nghĩ với hạn chế quyền của cá nhân, con người ở nước đó,… là rất rất lớn.

            Cái chính là Ngài cho ta tự do trí tuệ, ta không sử dụng thì Ngài không làm thay ta.

            4)
            Thứ nhất: Mình không cho rằng quan điểm của Công giáo xem Chúa Jesus là con người là báng bổ Ngài, trừ phi bạn đưa ra được lời Chúa Jesus nói mang ý nghĩa không được xem Ngài là/như con người.

            Thứ hai: Trả lời “không” là điều không thể. Ở khía cạnh “không” do thoát ra được sự trói buộc thì mình đồng ý với bạn. Nhưng đời người chỉ có mấy mươi năm trong khi Vũ trụ bao la, nên cần dựa vào kinh nghiệm của lớp người đi trước để hiểu sâu hơn về tạo vật.
            + Trong trao đổi, tìm hiểu, người được hỏi hỏi lại làm rõ là cần thiết, và người đặt vấn đề cũng cần đưa ra lời cảnh báo về sự lầm lẫn mà theo họ có thể xảy ra và cả bạn và mình đều làm điều đó. Về nhận định này của bạn: “Vấn đề quan trọng là ta hiểu rõ bao nhiêu về những điều ta nói trong phạm vi của ta”, Albert Einstein đã nhận định: If you can’t explain it simply, you don’t understand it well enough.
            + Không phải ai cũng hiểu là họ luôn sử dụng thang tham chiếu khi trao đổi, so sánh. Và không nhiều người hiểu thang tham chiếu họ dùng. Thang tham chiếu của mình nghiêng về duy lý, còn của bạn có phần duy lý và điều đó tạo thuận lợi cho trao đổi, tìm hiểu.

            ……..

            Xấu: hiểu “xấu” khác nhau là thực tế nhưng khi ai đó cho điều gì đó là không xấu nhưng không đồng ý “nhận”, họ đã tố cáo sự gian trá của họ nhưng không nhiều người nhìn ra và mình nhiều khi nằm trong số không nhìn ra đó. Thí dụ: Ai không đồng ý cướp tài sản, áp đặt tư tưởng bằng bạo lực, thủ đoạn… là xấu hãy hỏi thử người đó xem họ có sẵn lòng là nạn nhân? Nếu câu trả lời là họ đồng ý là nạn nhân, bạn tước thử tài sản của họ, áp đặt tư tưởng họ bằng bạo lực xem họ có tự vệ hoặc phòng ngừa? Mình muốn sự minh bạch đến mức có thể làm rõ, không đồng ý với kiểu hiểu sao cũng được tùy người và khi đánh giá hành động của ai đó là lên mặt đạo đức.

            Mình hiểu hi sinh lợi ích cá nhân, một trong những hi sinh lớn nhất là không màng sự sống của mình để làm điều gì đó tốt đẹp. Làm vì sự ngộ nhận hoặc nhân danh tốt đẹp, đó không phải là sự hi sinh. Điều này ai cũng có thể hiểu nhưng khi sự tốt đẹp không được làm rõ thì câu nói trên cũng chỉ là sáo rỗng.

          • Chào bạn

            Vấn đề về sự nhận thức bạn nói đúng, những gì chúng ta được dạy sẽ trở thành một thứ kính màu nào đó được mang vào để nhìn thế giới, hiểu biết càng nhiều thì càng trung hòa những màu sắc ban đầu ấy và khiến chúng ta nhìn rõ sự thật hơn. Và tất nhiên mình cũng chỉ thừa nhận cái từ “chưa chắc” thôi. Nghĩa là có những màu sắc là trung thực trong cái kính ấy, hoặc những màu sắc mà sau một thời gian học hỏi dù chưa giải nghĩa được nhưng người ta vẫn muốn giữ lại. Dùng màn lọc duy lý để giải thoát khỏi sự trói buộc cũng chưa chắc, có khi tính duy lý lại trở thành thứ trói buộc con người còn bền chắc hơn. “Phúccho ai không thấy mà tin” là một câu thật ý nghĩa, vừa mang tính nhắc nhở con người đừng quá duy lý, vừa thừa nhận tính duy lý trong con người, Và Chúa Jesus cũng từng nhắc nhở các đệ tử đề phòng tiên tri giả. Vấn đề này tôi và bạn đềuhiểu, chỉ là mức độ lựa chọn có sự chênh lệch.

            Phần win-win-win thì không có gì tốt hơn, nhưng đâu là win thật sự thì còn phải bàn thêm. Sự sinh tồn thì dễ hiểu nhưng sự phát triển lại có nhiều hướng khác nhau và vai trò của sự tự do chọn lựa. Mình không phản bác ý bạn, chỉ là muốn đi sâu hơn. Ví như bạn đứng trước trường hợp sau, bạn có thể can thiệp vào một hay nhiều người, sự can thiệp của bạn sẽ mang lại điều tốt (bạn nghĩ thế) cho họ, khg can thiệp họ sẽ lãnh hậu quả nghiêm trọng (bạn nghĩ thế).Nhưng họ lại nghĩ ngược lại với bạn. Vậy bạn can thiệp hay không? Bạn can thiệp là bạn xóa mất quyền tự do của họ, bạn không can thiệp là bạn thấy chết không cứu.Vậy cái nào mới tốt?

            Về vụ Lê Văn Luyện quả thật là mình bó tay. Tử hình hay không tử hình thì khó mà phân định. Tử hình vì điều anh ta làm quá tàn ác, giếtcả 2 vợ chồng và đứa bé 4-5 tuổi, chém rớt tay đứa 9 tuổi. Biệt là giết đứa bé,đó là sự mất hết nhân tính. Không tử hình vì…không phải do dưới 18 mà là anh ta chính là sản phẩm của cái xh này, anh ta là hung thủ lấy mạng người nhưng anh ta cũng là nạn nhân bị lấy đi mọi sự tốt đẹp trong tâm hồn. Nếu tôi có thể ra quyết định, tôi sẽ giam anh ta cho đến khi anh ta hiểu rõ những việc anh ta làm, và cảm nhận được cái nỗi đau đó. Xét về hiện thực, cái bản án anh ta nhận quá nhẹ với những gì anh ta gây ra, mà tù tội ở VN thường khiến người ta tàn ác và ranh ma hơn chứ không tốt hơn, trong tương lai tội ác luôn có thể lặp lại với mức độ nghiêm trọng hơn, để ngăn chặn rủi ro đó cần mức chung thân, nhưng con người hành động phụ thuộc vào thời khắc, một sai lầm trong thời khắc không đại diện cho cả đời người. 20 năm sống trên đảo hoang là mức án của mình, với sựcách ly khỏi thế giới loài người, anh ta có đủ thời gian để suy ngẫm về việc
            mình làm.

            Phản bác lập luận của bạn vì thông tin bạn không chính xác và nhiều quan điểm tôi không đồng ý:

            + Theo tôi thì rành việc giết người hay không không quan trọng,quan trọng là sự cố ý giết người để phân biệt với ngộ sát. Giết người bắt nguồn từ một hành vi vi phạm pháp luật thì tội càng nghiêm trọng hơn. Nếu đủ tuổi thìchỉ cần giết 1 người đã đủ lãnh án tử hình, nay lại 2 người và 1 đứa bé. Xét trên pháp luật là tử hình.

            + Người chết dù không thể sống lại nhưng không có nghĩa sinh mạng người chết đi không quý giá. Xh cần sự vay trả công bằng, lấy đi mạng sống người khác phải chịu hậu quả của hành vi đó. Khi xét về lợi ích xh thì lợi íchđó không nằm ở sinh mạng một cá nhân mà là sự tác động của cá nhân đó lên các cá nhân khác. Hành vi anh ta là làm tổn hại xh chứ không nằm trong lợi ích xh.Xét về lâu dài nếu anh ta còn tồn tại thì đó là rủi ro bị tổn hại mà xh phải gánh chịu. xét theo duy lý thì cần loại bỏ.

            + về bí bách do nhu cầu thì bạn nói đúng, nhưng lệch hướng.anh ta bí bách trong nhu cầu ăn chơi vì anh ta sống trong một gia đình tương đối khá giả bằng nghề mổ heo, có lẽ chính vì thế mà anh ta khát máu – chi tiết này cũng là một nguy cơ tiềm ẩn nếu anh ta vẫn sống trong xh. Còn về trách nhiệm của xh mà đại diện là chính quyền thì tôi đã nói ở trên. Xét lý do giết người (bí bách trong nhu cầu ăn chơi), theo duy lý là nên tử hình.

            + Xữ phạt nặng để tăng sự răn đe đối với xh là cần thiết.

            +Một người phải chịu những hậu quả mà hành vi mình gây ra,đây là điều giúp xh ổn định và cân bằng. Việc anh ta có đồng ý không không quantrọng. Đó là duy lý

            +xét về giá trị, không một bồi đắp nào của con người có thể trả hết cho sinh mạng của 1 người, ở đây lại là 3 mạng người. Người bị hại cần sự công bằng cho nỗi đau đó. Người bị hại ở đây là đứa bé gái 9 tuổi mất cả cha lẫn mẹ và một đứa em trai. Bạn nghĩ bồi đắp được không? Bằng gì?

            + ác giả, ác báo? Nên chứ, vì nó cân bằng và bảo vệ sự sinhtồn.

            Bạn thấy đấy, về lý thì L đáng bị tử hình, nhưng vì xét theo tình và sự tôn trọng sinh mạng mà ở trên tôi phán 20 năm trên hoan đảo. Đó là kết quả phi phân tích thấu đáo, chứ khi vụ án đang xữ thì tôi đề nghị mức tử hình. Nói thật chứ giờ nghĩ lại vụ đó tôi vẫn thấy vô cùng đau đớn.

            1) Xem như thông qua

            2) Thứ hai: diệt để giữ thế cân bằng, cho nhu cầu sinh tồn? theo tôi thì nó vẫn thuộc về nhu cầu cá nhân – của những loài còn sinh tồn.

            Thứ tư: nhân cách con người khó xác định nhưng vẫn xác định được phần nào, và phần đó cũng tỉ lệ với sự thật. còn nội dung cũng khó xác định không kém bạn à, nếu dễ xác định thì còn bàn luận gì nữa? ý mình không phải bỏ qua sự xác định nội dung, mà là khi nội dung quá khó xác định thì nhân cách con người cũng là một yếu tố để xác định nội dung, bạn bỏ qua là thiếu sót.

            3) Ý này bạn nói đúng, nhưng vấn đề nằm ở chỗ “thị kiến” có đủ mạnh hay không lại phụ thuộc vào quan điểm của con người. Tức giả như có một người luôn luôn hoài nghi thì dù “thị kiến” có đến nhưng người đó vẫn không tin và giải nghĩa theo một hướng khác. Ví như một người còn hoài nghi hơncả Thánh Tô Ma thì dù nhìn thấyChúa Jesus vẫn nghĩ rằng Chúa không thực sự sống lại, mà cái chết trên thánh giá chỉ là trò lừa đảo. Ví như có vị nào đó rao giảng điều tốt trong hiện tại rồi bị bắt, rồi ở xa bạn thấy vị đó bị tử hình, sau đó gặp lại ông ta và ông ta nói ông ta sống lại liệu bạn hoàn toàn tin? Hay bạn hoài nghi đó là dàn cảnh? Việc nhìn rõ sự thật có thể được màn lọc hoài nghi giúp đỡ nhưng đôi khi sự hoài nghi lại trở thành điều cản trở sự thật.

            4) Thứ nhất: Quan điểm Công giáo xem Chúa Jesus là chúa xuống trần làm người để cứu nhân loại, Ngài là Chúa không phải là người, chỉ mượn thân xác con người. Bạn nên tách bạch giữa những lời Chúa Jesus nói và sự kiến giải của tôn giáo. Ngài không bắt đi xem lễ chủ nhật mỗi tuần, không bắt 1 vợ 1 chồng, không bắt giữ chay kiên thịt, không bắt xưng tội rước lễ… Ngài chỉ giảng cho con người hiểu về cuộc sống, về giá trị con người, và về hình ảnh xứng đáng con của Thiên Chúa. Kiến giải của tôn giáo là kiến giải của con người thông qua lời Ngài giảng. Tôi không bảo rằng Ngài xem Ngài là Thiên Chúa và không phải con người. Tôi nói rằng Công giáo xem Ngài là Thiên Chúa và chỉ mượn thân xác con người để cứu nhân loại. Vì thế xem Ngài là một con người có cùng bảnchất như ta là một sự báng bổ, báng bổ đối với niềm tin Công giáo. Tôi hoài nghi không biết bạn có thật sự đạo Công giáo không? Vì điều này vô cùng căn bảnvới người Công giáo.

            Thứ hai: chính là cái ý đầu mà bạn nhắc đến, tức nó mang tính lựa chọn giữa“có” và “không”, còn cái “không” mà bạn nói ở cmt trước nữa là cái “không” không thể có vì luôn có hiển nhiên. Nhưng nếu ta giới hạn phạm vi, loại bỏ cái hiển nhiên thì cái “có” và “không” chỉ còn là sự lựa chọn bởi sự kiến giải củangười trả lời. còn cái việc kiến giải đó đúng hay sai thì bàn sau.

            …………

            Về“xấu” và sự hy sinh…trên cơ bản đồng ý với lập luận của bạn.

          • Chào bạn,

            Duy lý có thể trở thành thứ trói buộc bền chắc hơn? Mình nghi ngờ điều này vì duy lý nhìn sự việc theo quá trình và kết quả tùy thuộc vào từng tham chiếu trên cở sở phân tích, làm rõ các sự kiện, dữ kiện đã thu thập được. Tham chiếu thay đổi, thêm dữ kiện mới hoặc làm rõ thêm dữ kiện cũ đều ảnh hưởng đến kết luận nên người thiên về duy lý sẽ hiểu kết luận không thể là thứ chắc chắn tuyệt đối.

            Trường hợp bạn nêu trong ý kiến về win-win-win khá mập mờ, thường xảy ra khi người ta duy tình và mỗi bên đứng trên các góc nhìn khác nhau và không thống nhất được nhiều tiêu chí chung mà xét trên từng tiêu chí riêng biệt.
            +Trong phạm vi cá nhân, người ta sẽ tự vấn chính họ và lựa chọn theo cái người đó thấy lợi hơn. Sự khác biệt khi có thang tham chiếu với các tiêu chí rõ ràng với đánh giá cảm tính không rõ thang tham chiếu hoặc tham chiếu không rõ ràng là rất lớn.
            + Cá nhân có được quyền quyết định và ở mức độ quyền được trao sẽ đóng vài trò xử lý. Tùy theo phạm vi được trao quyền là hoàn toàn hay một phần mà sẽ có tranh luận làm rõ với bên đối lập/nhánh khác theo kiểu kiểm soát lẫn nhau xem phương án lựa chọn nào ít khiếm khuyết hơn và biểu quyết quyết định, phương áo nào nhận nhiều phiếu hơn thắng.
            + Về chuẩn mực xem xét, sẽ có tiêu chí rõ ràng và có thể định lượng được. Sự định tính chỉ thêm vào để thuyết phục ủng hộ hoặc chống đối. Với chuẩn mực bao gồm các tiêu chí rõ ràng có thể định lượng, phương án nào khiếm khuyết hơn sẽ được nhìn rõ.

            Trường hợp LVL: Mình đồng tình với kết quả bạn đưa ra trên các tiêu chí bạn tham chiếu. Trường hợp bạn nói rồi đi đến kết luận, duy lý phải thế này. Đó là duy lý hay duy tình? Làm rõ vài ý
            + Áp dụng luật của chính tội phạm đã tạo ra lên chính họ, là giết người vì lợi ích của mình thì họ sẽ chịu án tử. Dùng luật của anh xử chính anh là thỏa đáng, khỏi biện hộ. Cái chính là sự nông nổi, sau đó hối lỗi, nhận thức rõ sai lầm và muốn khắc phục một phần hậu quả không đáng phải trả giá như vậy.
            + Giết người có 3 mức độ: thứ nhất là cố ý, thứ hai là do tình thế nên cố ý và thứ ba là không cố ý (ngộ sát. Trường hợp này rơi vào mức thứ hai là do tình thế nên cố ý.
            + Vi phạm pháp luật phải xử lý theo khung đã đặt ra, việc bạn nói “người bắt nguồn từ một hành vi vi phạm pháp luật thì tội càng nghiêm trọng hơn”, theo mình là cảm tính. Vi phạt luật mới để lại hậu quả và xét trên góc nhìn bạn nói là tăng thêm ác cảm với người vi phạm. Không thể trường hợp này thì bắt lỗi vừa vi phạm luật vừa để lại hậu quả với trường hợp khác là chỉ xét hậu quả chứ không xét vi phạm luật.
            + Bạn nói dựa trên luật là tử hình? Hình như khung luật lúc đó không có quy định trẻ em thành niêm giết người như trường hợp LVL? Duy lý, là xử theo luật, thiếu thì bổ sung làm rõ sau như kiểu tu chính án hoặc xử ngay theo hướng án lệ, án lệ rất nguy hiểm vì nó sẽ được sử dụng cho các vụ việc gần tương tự sau đó (vụ án sau người điều tra có thể tạo chứng cứ để sử dụng án lệ và đẩy sự việc vào thế đã rồi nên không thể vội vàng thiếu suy xét.
            + Sinh mạng một con người là vô giá nhưng không thể vì thế mà mù mờ vô giá. Gắn với sinh mạng con người gồm lợi ích vật chất và tinh thần. Lợi ích tinh thần đối với họ và người thân của họ là vĩnh viễn mất đi, cái này không thể nào bù đắp. Lợi ích vật chất do người đó tạo ra để chăm lo đời sống cho người phụ thuộc vào họ bắt buộc phải bù đắp để trả lại cho người thân của họ phần lợi ích vật chất thuộc về họ. Chưa đủ trưởng thành thì cha mẹ chịu liên đới gánh trách nhiệm này. Bạn nói hành vi đó làm tổn hại xã hội nhưng tổn hại về mặt nào? Rất nhiều mặt và có mặt vĩnh viễn không thể khắc phục có mặt có thể khắc phục, mình muốn sự tách bạch rõ ràng, không nên chung chung.
            + Con người phải giết sinh vật khác (động, thực vật (thực vật thường bị giết một phần như ngắt lá, bẻ cành),…) để cung cấp thực phẩm cho mình. Nên trân trọng nghề nghiệp của người khác, bạn để cảm tính chi phối dùng nghề nghiệp xem như động cơ tiềm ẩn, nên chăng? Bao nhiều người hành nghề giết động vật giết người? Mình từng nhiều lần cắt cổ gà và đúng là giết lần đầu nhìn có vẻ giã man, sau này mình giết gà không cắt tiết, vuốt long cổ nó và bẻ cổ để giảm sự đau đớn cho nó.
            + Bí bách về nhu cầu có nhiều hướng và hướng ăn chơi là một trong những hướng khó có thể chấp nhận. Cái chính là anh ta có nhìn nhận ra được vấn đề là hành vi của anh ta đã vi phạm nghiêm trọng lợi ích người khác, ích kỷ chỉ vì nhu cầu bản thân mình mà có thể hành động bất chấp nhu cầu chính đáng hơn của người khác.
            + Xử phạt thật nặng không thể răn đe trong trường hợp người ta bị bí bách nhu cầu, nông nổi và bệnh lý. Tâm lý xử phạt thật nặng để răn đe trong khi điều tra cẩu thả, lạm quyền,… gây nguy hiểm cho người khác nhiều hơn là bảo vệ cộng đồng. Tội phạm và kẻ chấp quyền, kẻ chấp quyền có khả năng gây họa về sau nhiều hơn là tội phạm. Tội phạm cần phải trả giá cho hành vi đã làm (thuộc về quá khứ) của họ nhưng đừng vì đó mà tạo cho kẻ chấp quyền “quyền lực tuyệt đối” vì quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn đến tha hóa tuyệt đối và nạn nhân gánh chịu sẽ phải nhận trong tương lai.
            + Mình không muốn liệt kê các tiêu chí thêm vì không cần thiết vì có đã đủ dữ kiện để kết luận.
            => Nếu áp dụng luật của chính họ lên họ thì không có gì để nói. Duy lý và duy tình để xét có đáng cho cơ hội làm lại:
            – Người duy lý, sẽ băn khoăn về rủi ro và mức độ cần thiết khi áp dụng tử hình và dù có đưa ra kết luận thì họ cũng không khỏi băn khoăn. Họ dễ bị thuyết phục cho cơ hội làm lại hơn.
            – Người duy tình thường xác quyết là nên từ hình và mọi lý lẽ nhiều khi còn bị gán cho cái tội bênh vực tội phạm. Trừ người cùng bản chất với tội phạm là bênh cực đoan (những người này, khi hỏi họ có muốn là nạn nhân không thì có lẽ không ai chọn dù là họ đồng ý với cách làm đó nhưng họ chỉ muốn đứng về phía không phải nạn nhân vì họ cực đoan), còn lại là tâm lý xử nặng, báo thù.
            – Tâm lý đám đông ở những trường hợp này rất nguy hiểm, nhiều chính trị gia độc đoán ở Mỹ luôn muốn sử dụng tâm lý bi thương để nhân lên tác hại do hậu quả của súng để tước đoạt quyền sở hữu súng của dân Mỹ và nhiều nhà báo Việt ủng hộ quan điểm này. Cái chính là hạn chế quyền tự vệ chính đáng sẽ tăng khả năng hiếp đáp, như vậy có lợi cho kẻ có quyền và có tiền hay nói rõ hơn là luật phục vụ quyền lợi cho kẻ có tiền và có quyền chứ không phải quyền lợi cộng đồng. Quy tắc tổng = 0 là khá phổ biến trong xã hội, nhất là xã hội độc tài với cá tính độc đoán chiếm ưu thế.

            Kết ở phần LVL: Bàn luận này mình nêu ra như là một minh chứng cho ý đã trình bày ở comment trước nữa là: “Duy lý với tham chiếu sinh tồn và phát triển. Trong thanh đo này của mình đã bao gồm cả chân, thiện, mỹ hay đạo đức,… bạn tin không?”. Bạn cần làm rõ ý kiến nào trong bàn luận này thì nêu ra, không thì cho qua

            2) Thứ hai: Mình tôn trọng sự sắp đặt các tạo vật của Thượng đế. Mình không biết các loài khác có nhu cầu cá nhân sinh tồn không? Sinh tồn của mỗi loài là bản nặng tự vệ đã được ban tặng.

            Thứ tư: Khi nội dung được đưa ra, tìm hiểu đi thẳng vào đó sẽ nhanh hơn vì không phải mất thời gian xét nhân cách người nói. Nội dung quá khó xét thì mình để đó chờ dữ kiện mới, nếu buộc phải đưa ra lựa chọn thì mình mới dùng đến cách bạn nêu có tính chất bắc cầu, dùng nhân cách để tạo niềm tin về nội dung nhưng nó chỉ có giá trị nhất thời.

            3) Chúa cho con người trí tuệ để vận dụng và Ngài không ép chúng ta. Khi con người không chịu vận dụng trí tuệ thì Chúa để cho con người gặp cái tương lai tất yếu. Người duy lý (tức ít nhiều sử dụng sự tự do của trí não) sẽ trọng chứng cứ và lập luận của bạn không dựa trên chứng mà là giả định. Bạn có từng đọc thuyết âm mưu, nó dùng để giải thích rất nhiều điều bí ẩn và có người tin là thật. Nó chỉ là những giả định có thể mà thôi. Mình cố gắng duy lý và dù không thể trả lời được Khởi nguồn sự sống là từ hư vô hay do Đấng sáng tạo, mình chọn tin vào DST trên cơ sở vài bằng chứng mang tính quy luật và nguyên tắc ít khiếm khuyết hơn.

            4)
            Thứ nhất:
            + Về ý kiến cho rằng xem Chúa Jesus là con người là quan niệm báng bổ, giờ có lẽ mình đã hiểu ý bạn rồi, lỗi có thể là do về sự hiểu của mình về ngôn từ. Trích ba ý bạn đã nói, hai cái trước đây và ở thư trước: 1.“Còn việc Chúa Jesus, mình có phần đồng quan điểm với bạn dù đó là sự báng bổ đối với đạo Công Giáo”; 2.“mình chỉ bảo rằng nói Chúa Jesus là con người chính là sự
            báng bổ trong quan niệm của Công Giáo” và 3.“xem Ngài là một con người có cùng bản chất như ta là một sự báng bổ, báng bổ đối với niềm tin Công giáo”. Ý mới nhất là ý rõ nghĩa nhất, khúc mắc về ngôn ngữ trong ý này đã được giải đáp. Nếu nhìn theo sự kiện, một ai đó nói rằng Chúa từng là con người nên được xem là con người, góc nhìn này không sai mà chỉ phiến diện thôi.
            + Quan điểm 1 vợ – 1 chồng thể hiện sự ràng buộc về sự lựa chọn-trách nhiệm. Giữ chay, kiêng thịt mình hiểu theo nghĩa đối mặt với thói quen và chiến thắng chính bản thân… Nói chung là cách hiểu của mình không bị bó buộc như lời giảng.
            + Sự hoài nghi về tôn giáo của mình khi chúng ta đang trao đổi có thể liệt vào có dấu hiệu tấn công cá nhân? Bạn có cảm tính không, nhất là khi bạn sử dụng nhân cách như là một cơ sở để tin và như vậy tấn công nhân cách có thể làm suy yếu lý lẽ của nội dung và có thể xem là “định kiến” phủ định “thị kiến nếu có nằm ở lý lẽ”?

            Thứ hai: Khi loại bỏ đi cái “không” do hiển nhiên thì rõ ràng nó chỉ còn lại là sự lựa chọn giữa có và không. Lựa chọn có, được đa số thực hiện; lựa chọn không, là thoát ra khỏi sự trói buộc tư tưởng và phạm vi của lựa chọn này là hẹp, tức loại bỏ đi giá trị xưa, cái mà dưới thang tham chiếu nào đó, nó mang ý nghĩa cỗ hủ, lạc hậu.

          • Chào bạn

            “Duy lý có thể trở thành thứ trói buộc bền chắc hơn”, câu này khó lý giải cho hết ý tôi nhưng sẽ thử. Lấy 1 ví dụ trong phim “I am Robot”, nhân vật chính căm thù robot vì trong một tai nạn, robot đã chọn cứu anh ta thay vì đứa trẻ khi đánh giá tỉ lệ sống sót của anh ta cao hơn. Nhưng đối với anh ta, cứu đứa trẻ phải là ưu tiên cao hơn dù tỉ lệ sống sót của nó nhỏ hơn. Ví dụ này chỉ mang tính cụ thể hóa điều tôi muốn nói. Trong cuộc sống, có những giá trị rất khó cân đo đong đếm, hoặc nó mang một ý nghĩa nào đó mà khi đối diện với nó ta không thể dùng lý tính để đo lường và cho ra quyết định. Có lẽ ở cái nhìn nào đó việc hy sinh cho những thứ đó bị nhiều người bảo là ngu ngốc, ở số khác lại xem là cao quý. Với tôi con người được xây dựng bởi 2 thứ đó là cảm xúc và lý trí, Đảm bảo 2 thứ đó tồn tại trong ta thì con người mới thực sự viên mãn, nếu tất cả mọi quyết định và hành động đều dựa trên bộ lọc lý tính thì cảm xúc sẽ bị đè nén.

            Mặt khác tự do của con người lại bị trói buộc trong những điều được gọi là hợp lý, muốn đi từ A sang B, một con người duy lý thường tìm cách chọn lựa con đường thuận tiện nhất có thể. Còn người khác có thể chọn con đường mà họ thích, sự đòi hỏi của tính thuận tiện không cao. Nếu nhìn vào 2 người đó tôi nghĩ rằng người chọn con đường họ thích là người thật sự “sống” hơn người kia. Hay như một suy luận logic của máy chủ trong phim “I am Robot” thông qua 2 (hoặc 3, khg nhớ) luật là phải bảo vệ con người. Bằng tư duy lý tính, luật bảo vệ con người, những điều con người làm như tự giết lẫn nhau…Máy chủ suy ra rằng con người phải bị khống chế những hành vi của họ thì khi đó họ mới thật sự an toàn. Vậy từ một luật tốt này, thông qua duy lý lại phát sinh một luật triệt tiêu quyền tự do.

            Với tôi, điều quan trọng nhất chính là “điều tôi muốn”, cảm xúc hay duy lý sẽ giúp tôi hiểu biết nhiều điều về cái “điều tôi muốn” đó, tùy theo tôi nghiêng sang bên nào nhiều thì nó sẽ biến đổi. Quá duy lý sẽ trở nên cứng nhắc, khó thông cảm, có lẽ sẽ thông cảm bằng cách phân tích người đối diện, nhưng sự thông cảm đó chỉ là lý luận trên lý tính. Bạn không biết được những cảm nhận mà người đó đang cảm nhận để có một sự thấu hiểu sâu sắc. Và nếu cảm xúc bị lý tính phân tích một cách hoàn toàn thì cảm xúc không còn là cảm xúc nữa và người cảm sẽ mất đi sự cảm nhận về thứ cảm xúc đó. Ví dụ, khi tôi phân tích rằng tình yêu dành cho trẻ em chỉ hình thành do quy luật sinh tồn, con non cần được bảo vệ. Nếu tôi tin vào điều đó, thì tình yêu trẻ nhỏ chỉ như một trách nhiệm mà người ta phải tuân theo. Để không giết chết tình yêu mà tôi cảm thấy thiêng liêng, một phản ứng là tôi chống lại lập luận đó, nó có thể là một phần nhưng không phải tất cả. Có thể cảm xúc là mù quáng, nhưng khi sự mù quáng đó chết đi thì chẳng còn gì là ý nghĩa.

            Tôi không phủ nhận cần duy lý, nhưng con người không chỉ có lý trí, lý trí chỉ là một công cụ, và khi người ta phụ thuộc quá nhiều vào công cụ thì vị trí bị đảo ngược, công cụ thành chủ thể và chủ thể thành công cụ. Điều này cũng đúng nếu một người sống hoàn toàn bằng cảm xúc, họ bị cảm xúc khống chế. Chúa Jesus từng nói “muốn vào nước trời thì hãy như những trẻ nhỏ này”, cái “trẻ nhỏ” mà Ngài nói không phải là sự ngây thơ khờ khạo, mà đó chính là sự hồn nhiên trong cuộc sống, không ngu ngốc nhưng cũng không phụ thuộc vào lý trí, đó có thể là sống trong cái bản chất của mình sau khi tẩy rữa những điều xấu xa. Đó là những suy nghĩ của tôi khi nhìn về mối tương quan của tình cảm và lý trí đối với con người.

            Về win-win-win thì đúng như bạn nghĩ, đó là sự không thống nhất về tiêu chí. Xét thực tế thì vẫn xuất hiện sự không thống nhất khi sự mong muốn của 2 bên là khác nhau, ví như cái nhìn của những tín đồ Hồi giáo. Họ muốn tất cả mọi người phải thống nhất và cùng cúi mình trước Thượng Đế và phải là Thượng Đế của họ. Mọi sự khác biệt phải bị tiêu diệt, đó là điều Thượng Đế muốn (họ nghĩ vậy). Khi đó cái win-win-win xét trên cá nhân người đó là điều tốt nhưng với người khác thì lại không phải. Nếu thế thì chúng ta vẫn mang tới cho họ điều chúng ta nghĩ là tốt (họ nghĩ là xấu) hay tôn trọng sự chọn lựa của họ và chỉ win-0-win? Và cụ thể hơn, ta sẽ làm gì nếu ta để họ theo ý họ thì họ sẽ gặt lấy muôn vàn khổ đau. Cái nhìn này có sự 2 chiều của nó, Phương tây muốn mang tự do vào thế giới cộng sản vì nghĩ đó là tốt, người cs muốn mang chủ nghĩa cs vào thế giới tự do mới là tốt. can thiệp hay không can thiệp khi ta có thể? Thường thì đa số sẽ không can thiệp và chỉ can thiệp khi sự phát triển của nó có thể gây tổn hại đến mình. Nhưng như vậy có phải là thấy chết không cứu?

            Về LVL:

            Sự nông nỗi là có thể có, cơ hội hối lỗi, khắc phục cũng cần, sự nguy hiểm của án lệ cũng cần xem xét. Tuy nhiên còn phải xét đến 1 vài yếu tố,đó là hoàn cảnh xh hiện tại có khiến cho người phạm tội hết nông nỗi, biết hối lỗi hay không? Sự tha thứ chẳng có ý nghĩa gì khi kẻ đó tiếp tục nông nỗi,ngoan cố không hối lỗi. Và khi sự mất mát là quá lớn thì cái khắc phục gần như vô nghĩa. Án lệ đôi khi cần có để răn đe khi mà việc không có án lệ sẽ tạo ra sự tổn lại lớn hơn. Khi nói về án tử hình tôi đã xét đến hoàn cảnh xh hiện tại và cũng có nhắc ở trên thì phải. Ở xh này, sau 18 hay 20 năm “cải tạo” thì tội phạm càng trở nên ranh ma và vô cảm hơn, cái rủi ro cho việc phạm tội lần sau là quá lớn, kết hợp với hậu quả nghiêm trọng thì cần 1 mức án tử hình. Trong xh này, tội phạm đang dần trẻ hóa, thanh niên chưa đủ tuổi nhưng giết người ngày càng nhiều.Tôi sẽ đồng ý với quan điểm của bạn khi ta có thể can thiệp vào những chính sách tầm vĩ mô để cải thiện xh, nhưng chúng ta không thể. Xét về duy lý, những sản phẩm hư, nguy hiểm mà không thể sửa chữa thì chỉ có cách vất đi. Đó là sự lựa chọn giữa 2 việc, hoặc vất cả bộ máy đã sản xuất ra hang lỗi bằng 1 bộ máy mới,hoặc vất đi sản phẩm lỗi không có khả năng sửa. Vất bộ máy là việc ta không làm nổi, vậy chọn lựa hợp lý là vất sản phẩm.

            Sự bù đắp có vật chất và tinh thần, nhưng giá trị của sự bù đắp đó lại không có giá nhất định. Ví như về tinh thần và cả vật chất thì với nạn nhân khi mất cả gia đình là quá lớn. Hung thủ chẳng thể nào bồi đắp nổi. Về vật chất, nạn nhân là một gia đình rất giàu, sự bồi đắp về vật chất của hung thủ gần như là không cần thiết. Một người có vài trăm hoặc cả ngàn cây vàng thì sự bồi đắp vài cây vàng có cần hay không? Bồi đắp thứ mà họ không cần thì có gọi là bồi đắp? Mất mát quá lớn và bồi đắp quá nhỏ nhoi đối với nạn nhân vì cái bồi đắp đó không phải là yếu tố quan trọng để suy xét nữa.

            Khi nói về nghề mỗ heo, tôi không hề có sự khinh khi. Tôi chỉ đang dùng lý tính để nói lên một tỉ lệ phạm tội gắn liền với hoàn cảnh sống của họ. Bạn không thể phủ nhận 1 việc là khi một người làm văn phòng và một người chuyên mỗ heo bị nóng giận thì tỉ lệ người mổ heo vác dao chém người luôn cao hơn. Cái ảnh hưởng chính là thói quen nghề nghiệp, một người ít cầm dao để đi đến cầm dao chém người là 1 quảng khá xa, một người mỗi ngày cầm dao chặt heo đi đến chém người thì gần hơn. Còn việc bạn ý thức được khi mần gà lại là chuyện khác.

            Xữ phạt nặng vẫn có tính răn đe, loại trừ nguy hiểm và tất nhiên cũng tại ra những sai lầm khi người ta lạm quyền. Xữ phạt nặng là biện pháp cực chẳng đã nhưng đôi khi trở nên cần thiết. dùng hay không dùng phải xét tình hình thực tế.

            Dựa vào duy lý, điều mà tôi ghi nhận khi bạn muốn cho phạm nhân một cơ hội chính là qua sự xuy xét tính khoan hồng sẽ khiến cho xh được cải thiện theo hướng tốt hơn. Nhưng nếu bản chất xh đó không hoặc rất khó thay đổi thì sự khoan hồng đó gây tác hại hoặc tạo rủi ro cho xh nhiều hơn như những gì tôi đã phân tích. Bản án của tôi đưa ra 20 năm trên hoang đảo đã tính đến chuyện phạm nhân sẽ chẳng thay đổi nếu ngồi nhà tù của xh hiện tại. Sự khoan hồng phải có tác dụng của nó, đó là buộc phạm nhân phải nhìn lại việc họ làm , đồng thời cách ly những tác nhân có thể khiến họ trở nên tồi tệ hơn.

            Người duy lý dễ bị thuyết phục cho cơ hội làm lại thì tôi không chắc, duy tình để ra án tử hình thì đồng ý vì họ thường nhìn vào hậu quảmà tội phạm gây ra hơn là xét tội phạm cũng là một nạn nhân của xh.Nhưng người có duy lý lẫn duy tình mới thật sự dễ bị thuyết phục cho phạm nhân một cơ hội. cái duy tình nằm ở chỗ tôn trọng sinh mạng củaphạm nhân hơn, cái duy lý ở chỗ hiểu được phạm nhân cũng là nạn nhân.

            Tôi hiểu một đám đông duy tình là nguy hiểm đến thế nào. Đa số dân VN đều duy tình vì đó cũng là mục đích của chính trị. Và không phủ nhận nền chính trị như thế có tầm nhìn ngắn, vì khi họ không còn kiểm soát được đám đông một cách tuyệt đối thì hậu quả sẽ vô cùng khủng khiếp. Đó cũng là hậu quả khi người làm chính trị có “quyền lực tuyệt đối”.

            Có thể chấp nhận cái duy lý dựa trên những tham chiếu của bạn,vì thế có thể cho qua.

            2) Thứ tư: đó chính là điều mình muốn nói, tất nhiên khi nội dung dễ xét đoán thì ta nên nhìn nội dung trước. Nhưng vấn đề là những điều hóc búa mà con người quan tâm lại rất khó xác định, trong khi những vấn đề này lại cực kỳ quan trọng quyết định con đường suốt cuộc đời họ.

            3) Về các điều luật của Công giáo mà bạn giải thích tôi cũng hiểu và cũng không bị bó buộc trong lời giảng Của Công Giáo, vì Chúa Jesus chỉ giảng về trách nhiệm chứ chưa hề đưa ra một điều luật nào, Ngài chỉ đưa ra những luật của Thiên Chúa, mà luật của Thiên Chúa nằm ở nội dung chứ không phải hình thức (chắc bạn hiểu ý tôi, tôi không phải đang nhét chữ vào miệng Thượng Đế).Cũng vì thế, dù tôi không chấp nhận sự tuyệt đối trong các điều luật của Công giáo nhưng tôi vẫn tin rằng Chúa Jesus đến gần Thượng Đế và có nhiều điều để tôi học hỏi hoặc tin theo.

            Còn về hoài nghi bạn không phải Công giáo không hề cảm tính,việc bạn có là Công giáo hay không không ảnh hưởng đến cuộc thảo luận. tôi có hoài nghi đó vì đa số người Công giáo đều hiểu rằng việc xem Chúa Jesus có bản chất con người như chúng ta chính sự báng bổ. và khi tôi nói lần đầu thì người có đạo sẽ hiểu. Trong khi một người không có đạo thì việc xem Chúa Jesus hoàn toàn con người là việc bình thường. Hoặc có lẽ bạn hiểu lầm rằng tôi không hiểu vấn đề nên cố ý giải thích cho tôi hiểu, từ đó khiến tôi hiểu lầm bạn không phải Công giáo.

            Thứ hai: điều này tôi hiểu.

            ……………..

            Những lý luận của bạn rất vững chắc, vậy bạn có viết bài hay không? Nếu bạn viết bài thì nhiều người sẽ được lợi ích. Tuy rằng tôi phê phán rất nhiều tính duy lý (quá cao) nhưng với những người VN thì đó lại là điều họ cần nhất lúc này.

            Hiện tại tôi đang đọc cuốn Trò Chuyện Với Thượng Đế. Một người bạn thì bảo trong ấy có ánh sáng lẫn bóng tối nhưng lại dễ đưa con người đến bóng tối, một người bạn khác thì bảo đó là kinh thánh của bạn ấy và khiến bạn ấy giác ngộ nhiều điều. Nếu bạn đã đọc cuốn thì sau khi tôi đọc xong có thể thảo luận với bạn về nó nếu bạn muốn. Tôi đọc cuốn này 1 đoạn, thấy cũng lợi ích từ nó, nhưng cũng thấy nhiều điều rất nguy hiểm nếu tin theo hoàn toàn.

          • Chào bạn,

            “Duy lý có thể trở thành thứ trói buộc bền chắc hơn”!
            + Cách giả thích của bạn đúng khi người ta đồng nhất duy lý với một thang tham chiếu nào đó với các tiêu chí không thay đổi. Nếu như vậy ta phải thay định nghĩa về duy lý vì duy lý không chỉ sử dụng một thang tham chiếu để nhận định sự vật, sự việc và cho dù là một thang tham chiếu thì số lượng tiêu chí, tỷ trọng từng tiêu chí trong thang tham chiếu đó có thể thay đổi.
            + Duy lý, với mỗi thang tham chiếu đều có sự hạn chế của nó, phần sử dụng để nhận định (lăng kính) là “thứ trói buộc bền chắc trong phạm vi này”, điều đó hoàn toàn đúng. Trong thang tham chiếu, ngoài các tiêu chí định lượng, còn bao gồm các tiêu chí định tính, cái chưa thể làm rõ.
            + Con người khi được sinh ra là zero nhận thức nên chúng ta chỉ: nâng mức hiểu biết của ta về tự nhiên-xã hội và siêu nhiên, ta hiểu siêu nhiên là nhờ “thị kiến”, mà “thị kiến” thì khó phân biệt thật giả nên mình vòng về dùng quy luật tạo vật để loại bỏ và chờ đợi “thị kiến” mới rõ ràng hơn.
            + Ở lý luận của bạn, robot không duy lý mà nó được cài đặt thang tham chiếu ‘tỷ lệ sinh tồn” để cứu người, cài cái đó là do con người đã duy lý mà chọn thang tham chiếu trên trong muôn vàn thang tham chiếu khác. Nếu cài cho nó thang tham chiếu cứu trẻ em còn nhúc nhích, lúc đó ưu tiên của nó sẽ thay đổi theo đúng ý người lớn kia muốn. Ở ý khác, bạn đã đi vào sự lựa chọn và sự lựa chọn này có phần độc đoán.
            + Ở ý khác, bạn nói về niềm tin và niềm tin là sự trói buộc. Niềm tin cao đẹp mà không có trí tuệ soi đường thì dễ tự đẩy mình xuống hố và kéo nhiều người rơi vào địa ngục, nghịch lý này lịch sử ghi nhận rất nhiều. Theo hướng này mới là tốt! Tại sao lại tốt, tốt về điều gì và tốt cho ai? Mình có hai ý nghĩ khi xem phim
            – Phim “kim cương máu”, một đứa trẻ tâm tốt bị bắt làm lính và để xóa bỏ niềm tin của em, người ta kích động, bịt mắt và trao cho sung rồi cho em bắn và mở bịt mắt ra thì em biết mình vừa giết người và từ đó lún sâu vào giết người. Người ta dùng sự đổ vỡ của niềm tin để xây niềm tin mới phục vụ cho lợi ích của họ.
            – Phim “ngày xưa ở miền viễn tây”, một cô gái đứng trước khả năng bị cưỡng bức đã nói “cứ thoải mái vì chỉ cần một chậu nước nóng là gội sạch vết nhơ, chỉ còn lại trong ta ký ức không đẹp” và thoát được.
            => Khi ta không tách bạch rõ ràng một cái gì đó về tinh thần có giá trị quá lớn với ta thì khi nó mất đi, hoặc ta sẽ phải tự sát hoặc bị chính nó đưa ta vào địa ngục.

            Mình chỉ muốn làm rõ tới mức có thể, trao đổi để chia sẻ và để nâng mức nhân thức về nó, không chấp nhận sự mù mờ dù nó được nhiều người cho là tốt đẹp. Sự hồn nhiên bạn nói tới có một trong những tiêu chí là “là lẽ công bằng về lợi ích”, là quyền của tạo vật,…?

            Phần win-win-win: win, tức là cái đạt được so với cái mất đi, khi
            cái mất đi là 0 là quá tốt và win có giá trị không âm.
            + Mình đưa nó như tiêu chí cá nhân phục vụ cho việc ra quyết định cá nhân.
            + Về Hồi giáo, mình chưa đọc Kinh Coran nên không dám lạm bàn. Chỉ biết rằng, không phải mọi người Hồi giáo đều chung hướng nhìn đó nên có thể do cách hiểu khác nhau.
            + Về bạn nói về cái tốt mà Phương Tây muốn khai sáng và cái tốt mà Max-Le-Mao muốn khai sáng, nó tốt cho ai? Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật do nó đặt ra?
            + Thấy chết nên cứu? Người có tâm sẽ ngăn chặn không để cái tệ hại xảy ra hay để nó xảy ra rồi dang tay cứu? Đã phân tích thiệt hơn mà nó không nghe để đi đến kết cục đáng tiếc, tự nó không muốn cứu chính nó, mình có nên dang tay cứu để có thể mang họa?

            Về LVL, mình chỉ đọc qua báo chí (có thể đã cường điệu thêm) chứ không tiếp cận hồ sơ nên chỉ nói tổng quát thôi. Riêng về tội phạm nói chung:
            + Tội phạm có ý chí quay đầu do thật sự hối lỗi và muốn thực hiện bù đắp nên tạo cơ hội làm lại. Ở Mỹ hình như có luật, kẻ giết người sau 30 năm thì tội danh bị xóa bỏ. Trong 30 năm mà không gây thêm họa thì cái giá “tù luôn phải ngủ nhắm một mắt” đã là cái giá mắc và bản chất cũng đã thể hiện sự quay đầu. Trường hợp từ có hỗi lỗi nhưng chưa đủ ý chí quay đầu lại thì áp dụng luật của họ cho chính họ vì nước mắt cá xấu không giải quyết được vấn đề.
            + Bù đắp vật chất là nghĩa vụ phải thực hiện, nhận hay không là quyền của nạn nhân, cái này nên được tách bạch. Mình từng nghe cha mẹ xúi con đang đánh nhau: mày đánh chết mẹ nó cho tao, hoặc nhiều người kích động như vậy. Nghĩa vụ bồi thường vật chất lớn có thể kiến con người ta bớt hung hăng hơn và ép cha mẹ quan tâm tới con hơn. Trường công miễn phí nên được áp dụng lại để tạo cơ hội về giáo dục cho con cái người nghèo.
            + Nghề nghiệp luôn có rủi ro, cần được tôn trọng và phải mua rủi ro nghề nghiệp như cách các nước phát triển đã làm thay vì cổ xúy cho chiều hướng phân biệt, cực đoan. Nói chung là nhìn các nước khác đã giải quyết xã hội ra sao để mà học cách làm của họ. Cái này khó làm vì tư tưởng ngồi mát ăn bát vàng của dân chúng.
            + Cứ nhìn lịch sử VN, rất hiếm có cuộc chuyển giao quyền lực nào êm thắm. Người Mỹ đã tạo cho xã hội của họ sự ổn định trong chuyển giao quyền lực mỗi 4 năm một lần qua lá phiếu từ hồi 1789 khi Hiến pháp Hoa kỳ được thành lập. Trả lại quyền lực cho người dân và đặt lãnh đạo là kẻ làm thuê vĩ đại, làm không xong thì bị sa thải sau mỗi 4 năm.

            ……………..

            Mình không tham gia viết bài, mình thích đọc và ngẫm. Khả năng của mình chưa đủ để có thể viết bài về chủ đề nào đó, cảm ơn bạn đã đánh giá cao và động viên.

            Về ý kiến của bạn (cho phép xưng hô như vậy) Vân Anh, mình đã đọc qua, sẽ đọc lại để hiểu và phản hồi sau. Cảm ơn bạn đã chỉ giúp.

            Mình có nghe đọc hết phần 1, nửa phần 2 của “Hành trình về phương Đông” do bạn Vanlove giới thiệu và nhận thấy khá nhiều các điểm gẫy trong mô tả về quá trình hành trình và mình đã dừng vì nhận ra vài dấu hiệu cực đoan. Về quyển Trò chuyện với Thượng đế, đọc tựa sách xong thì mình quyết định để đó đã vì nếu là “thị kiến” thì sẽ còn có nữa và mình chờ. Mình chọn cách của ông TOMA, khi có nhiều “thị kiến” thì sự việc sẽ rõ ràng hơn và Thượng đế sẽ cho ta “thị kiến” nếu Ngài muốn, mình không muốn làm chú cừu của tư tưởng nào đó.

          • Thời gian gần đây mình hơi bận, mình dự định mở một nhóm kín trên fb, và mình mong là bạn tham gia, nếu bạn tham gia thì hiện tại được 3 người. mình, bạn và một bạn nữa. Chúng ta có thể thảo luận về nhiều vấn đề trong cuộc sống như xh, vấn đề tâm linh và cả về con đường lên sự tiến hóa. tương lai có thể thêm người nhưng ít nhất phải có một chính kiến rõ ràng như tôi hoặc bạn. Rất mong nhận được hồi âm của bạn. fb mình là Mắt Đời. https://www.facebook.com/matdoi2015.

          • Đọc những cm của 2 bạn tôi thấy chúng trí tuệ và rất thú vị . Tôi
            đã học tập được nhiều từ những cm này của các bạn, xin cảm ơn các bạn
            nhiều . Sau đây tôi cũng muốn góp đôi dòng những suy nghĩ vụng về của
            tôi khi đọc cm của các bạn,

            @ Thao Sơn Nghiem

            Hành động của LVL là hành động đáng
            lên án, nhưng trong nó tiheo tôi nghĩ nó còn tiềm ẩn nhiều hơn nhưng gì
            ta có thể nhìn thấy trong thời điểm ấy. Hôm nay tôi nghĩ rằng nó là
            tiếng chuông hãi hùng đã đánh thức nhiều người, nhiều thế hệ và tầng lớp
            làm người ở Việt Nam, nhiều hạt giống của tàn nhẫn và vô cảm bật mần ,
            nhưng đồng thời cả nhưng niềm ước mơ, nhưng hành động và những con người
            đã và đang hy sinh cái lợi trước mắt của bản thân mình cho việc nói lên
            sự thật, trong ấy có cả niềm ao ước của tình Yêu Thương và lòng nhân
            đạo. Tuy nó còn ít ỏi nhưng tất cả đều bắt đầu từ nhũng con sóng âm thầm
            nhỏ nhoi ấy có phải không ạ.

            – Tôi không nghĩ thần khí của Người là ” trí tuệ” mà tôi nghĩ rằng thần khí của Người chính là “Linh hồn” của chúng ta. Tôi có đọc trong 1 quyển kinh thánh rằng Linh hồn đến từ Người ( Gott) thế nên mỗi Linh hồn đều là ánh sáng và tình yêu thương của Người.Trí tuệ được sinh ra từ Chúa Thánh thần ( Der Heilige Geist) để ta có đủ khả năng giao tiếp trên quãng đường trăm năm này.


            tôi nghĩ rằng Người luôn sống trong chúng ta, vì chúng ta là 1 phần của
            Người, chúng ta là Người mà Người cũng là chúng ta, Người là vô biên
            vậy thì sự chết của Người là hoàn toàn không thể. Bởi Người bao gồm cả
            vũ trụ nhỏ bé này. Liệu có thể không sự đòi hỏi của chúng ta luôn “đòi
            hỏi những chứng minh”… để rồi chính nó thường lại là cản trở của
            chính ta cho sự cảm nhận và công nhận sự tuyệt diệu trong chính mình
            qua đó ta cân nhắc về sự tồn tại của Người chăng?

            Bạn viết :
            “Thang
            tham chiếu để đánh giá: Với mình hiện nay là dựa trên quyền được tồn
            tại của muôn loài. Vì theo mình hiểu nếu Thượng đế không muốn ta tồn tại
            thì ta đã không tồn tại, sự tồn tại của ta chứng minh điều Thượng đế
            muốn, còn tàn sát loài khác hoặc đồng loại là do cá nhân con người muốn
            và họ có thể nhét chữ vào miệng Thượng đế.”

            tôi đồng ý
            với bạn điểm thứ nhất trong câu này, tức là ta tồn tại vì Người muốn
            thế . Nhưng theo tôi nghĩ ” sự tàn sát loài khác hay đồng loại do con
            người muốn ” chỉ là 1 phần của cuộc sống này. Vì ở đây ta đang nói đến
            sự tồn tại của tự nhiên và thiên nhiên, có lẽ ta nên thêm 1 ý nữa chăng :
            Con hổ phải ăn con Nai ( dù tôi rất thương con Nai) Không có hủy diệt
            sẽ không có tồn tại có phải vậy không ạ. Vậy thì ta có thể coi sự tàn
            sát phần nào thì cũng là sự tồn tại của tự nhiên cho những vòng quay
            mới ?

            Bạn viết : “Mỗi con người khi sinh ra đều
            như nhau là cùng xuất phát điểm ZERO nhận thức, tiến nhanh hay chậm là
            do cha mẹ tạo thói quen và khả năng tự nhận thức và tiếp thu kinh nghiệm
            lý thuyết (cái kinh nghiệm thực tế được thế hệ trước ghi nhận khi họ
            tiếp xúc với tự nhiên, xã hội)”

            ” nhận thức” phụ thuộc không chỉ vào ” cha mẹ tạo thói quen và khả năng tự nhận thức và tiếp thu kinh nghiệm
            lý thuyết (cái kinh nghiệm thực tế được thế hệ trước ghi nhận khi họ
            tiếp xúc với tự nhiên, xã hội)” nó còn là những DNA của người đó có
            phải không ạ? , Và tôi còn nghĩ rằng con người khi sinh ra đã mang
            theo mình 1 đặc điểm rất quan trọng nữa, đó chính là ” Linh hồn” của
            họ, Linh hồn không phụ thuộc vào 1 DNA nào mà nó đợi ngày tỉnh thức …


            tôi tin vào sự tồn tại của sự ” Sự khiêm cung, khiêm nhường” trong con
            người, dù nó chưa liên tục , bền vững và ta chưa gặp nhiều như mong ước
            mà thôi.

            – bạn viết : Có kiếp sau hay không? Kiếp sau của mỗi người là con cái của họ ”

            tôi
            không tin chuyện này, tôi tin rằng chúng ta có kiếp sau, và hậu quả xấu
            hay đẹp ta gây ra hôm nay cũng sẽ là chính ta ngày sau gánh nó. Nếu
            người ta nói là con cái gánh thay cho cha mẹ thì quả nhiên thế giới sẽ
            rất lạ lùng , nó không đúng luật tự nhiên nữa thì phải, nhưng có đấy con
            cái chúng ta sẽ gánh cùng ta 1 phần của những ngày hiện tại này, dù
            ta có nói ra hay không, nó nằm trong cảm nhận. Vì họ là những người thân
            quanh ta, họ chia sẻ với ta vị ngọt và cả những đắng cay, khi ta không
            nói hoặc không giải thích rõ ràng nỗi buồn của mình , có khi những đứa
            trẻ ấy còn nghĩ thêm rằng chính chúng là nỗi buồn của ta, hay chúng cảm
            nhận được sự xa cách mà ta trong khi buồn bã đã vô tình gây ra, hay
            chúng sẽ nghĩ rằng chúng ta không cần chúng và chúng là những thành phần
            thừa thãi của thế gian này . Đó chính là sự cùng chung gánh 1 cách hết
            sức con người ạ, mạo muội nghĩ lung tung thế không biết có phải không? (
            cười)

            Bạn đặt 1 câu hỏi rất hay, ” Tình Yêu Thương ”
            là gì? và lý giải nó rất thú vị nhưng có lẽ nó thiếu đi 1 khía cạnh
            nhỏ không thể thiếu mà có lẽ vì điều ấy giá trị tồn tại trong cuộc sống
            này của chúng ta mới thật sự huy hoàng ( cười) Tôi nghĩ TYT thật sự
            nó không có biên giới, nó tồn tại qua mọi không gian và thời gian, mà
            chỉ ai nhận ra nó mới hiểu nổi sự tồn tại vĩnh hằng ấy. Thật tuyệt diệu
            phải không? nó giống như tình yêu của mẹ, của cha , nó là sự tồn tại của
            đớn đau và hạnh phúc, nó là tất cả , nó cũng phần nào giống như Tình
            Yêu Thương lớn lao của Người với nhân loại … người ta chỉ có thể trên
            đường đến với Người dùng trí tuệ để phần nào dẫn đường nhưng để thật sự
            đến được với Người thì lại chỉ bằng Tình Yêu Thương . Nghĩa là khi ta
            là chính mình vốn dĩ, hòa hợp được Tâm hồn, Thể xác, Lý trí – Tại sao
            thế ? có phải chăng vì Người chính là ” Tình Yêu Thương” ( cười)

            Còn
            cứu ai ư khi tôi đang trong cơn hoạn nạn , nước sôi lửa bỏng tôi không
            biết mình sẽ làm gì, nhưng nếu lúc đó có cứu ai chắc người đó là người
            không có khả năng tự cứu mình và đứng gần tôi nhất. Tôi không tin là
            tôi có khả năng nhận ra ai là người thế nào khi ấy hay cứu nhân loại ư?
            khg biết, cái đó cần 1 sự quả quyết phi thường ít con người hơn ( cười)

            không cắt cổ gà mà bẻ cổ gà, nghe tiếng khực 1 cái thế là khoảnh khắc ấy
            đã ra đi. Chỉ tưởng tượng thôi cũng thấy thế nào ấy, nhưng tôi biết với
            người Việt và ở nhưng nơi khác khi họ không có sự chăn nuôi đại trà (
            đây là điều tôi ủng hộ) thì đó là việc hết sức bình thường và phần nào
            đúng với tự nhiên, nhưng sợ hihi.

            @ Mắt Đời:

            Cỏ
            dại có thể sống ngay cả khi đất khô cằn và thành sa mạc đấy, chỉ có
            điều ta không thể nhận ra vì chúng quá nhỏ nhoi, chỉ khi mưa về trên sa
            mạc thôi, khi ấy bạn sẽ thấy sự sống là vô biên và ý thức sống mãnh liệt
            dường nào ( cười, tôi đùa đấy, rất hiểu ý bạn nói gì trong bài)

            “Chống đối quan điểm trên vì một mô hình nhà nước, giáo dục hay tôn giáo
            là cần thiết cho những bước đầu tiên của con người. Đó là những mô hình
            giúp xã hội này tồn tại một cách ổn định, vì trước khi con người có thể
            đi tìm ý nghĩa trong đời sống thì trước tiên cần phải sống sót.”(MĐ)

            tôi không hiểu câu này lắm, tôi không thấy sự luôn cần thiết phải chống đối để tồn tại hay ổn định …

            đó chính là sự sợ hãi, sự sợ hãi là mình lan rất rộng, chúng chiếm lấy
            ta và sở hữu ta cho đến khi ta hiểu ra rằng ta phải bước qua chúng bằng
            bất cứ giá nào để được là mình

            bạn viết:
            “Đồng thời nếu con
            người không tin có Thượng Đế thì nghĩa là phải chấp nhận bản thân như
            một thứ phù du, sớm nở tối tàn, cuộc sống ở thế gian chẳng còn ý nghĩa
            gì, chẳng có mục đích gì, chết là hoàn toàn vĩnh viễn biến mất khỏi thế
            gian, đối mặt với ý nghĩ đó là một sự vô nghĩa hoàn toàn” (MĐ)

            theo tôi dù cuộc sống này chỉ là 1 lần chăng nữa thì nó cũng quí giá và xứng đáng để ta sống nhiều lắm, nó là những hạt mưa khi ta giơ tay hứng nó, nếm vị ngọt ngào của mây từ nó,
            Chỉ để được thở thôi kẻ cả khi nỗi đau làm ta run rẩy, hay được vẫy vùng
            trong con sóng tuyệt diệu lạnh băng của biển, để khoảnh khắc nào đó
            chẳng sợ gì, chẳng muốn gì mà vẫn có tất cả … thật tuyệt có phải khg? Chính vì thế ta mới nên sống mỗi một lần sống như chỉ 1 lần thôi …

            – tôi nghĩ Người là ánh sáng và Tình Yêu Thương và chúng ta ” con người” mới là những kẻ gây ra những đau thương và hủy diệt. Nhưng trong chúng ta cũng là những Yêu Thương vì vậy mới có những suy nghĩ và tranh luận kiểu này có phải không ( cười)

          • Chào bạn,

            Mình trao đổi để tìm hiểu và chia sẻ góc nhìn, mình trân trọng
            sự góp ý của bạn. Mình tin con người không ngừng nâng cao nhận thức, tìm hiểu hết tạo vật sẽ có câu trả lời về sự tồn tại của Đấng sáng tạo. Về thư bạn, mình muốn làm rõ vài ý:

            1) Thần khí là linh hồn? Mình ghi nhận điều này như một hướng dù nó mang tính giải thích huyền bí bằng huyền bí. Mình cũng tin Đấng sáng tạo không bắt ta là nô lệ tư tưởng, bằng chứng là nhiều người đặt ngược vấn đề và đi tìm câu trả lời. Mình đặt Chúa Thánh Thần là một phần chức năng của Đấng sáng tạo vì phải có sự hợp nhất.

            2) Chúng ta chưa ra khỏi trái đất, chưa thoát khỏi Thái Dương hệ nên Sự tồn tại của Đấng sáng tạo vẫn là dấu hỏi? Đấng sáng tạo cho chúng ta trí tuệ không nô lệ, đòi hỏi bằng chứng để chứng minh sự không nô lệ đó. Ít nhất, mình chấp nhận bằng chứng là tạo vật & khi nào hiểu hết tạo vật trong vũ trụ thì loài người sẽ tìm được câu trả lời và cái chúng ta đang nói tới chỉ mang tính chất dự đoán nên không thể bàn độ chính xác, đúng-sai.

            3) Quyền tồn tại của muôn loài, vòng đời một loài, sự tồn tại của cá thể trong mỗi loài… là các khái niệm khác nhau. Các loài đều có sinh-tử nhưng khác biệt (loài được trao sức mạnh, trí tuệ thì sinh sản ít hơn loài chịu nhiều rủi ro hơn) và loài này là thức ăn cho loài khác sinh tồn & phát triển, đảm bảo sự cân bằng trong ngôi nhà chung trái đất vì trí tuệ chưa kéo sự sinh tồn thoát ra khỏi nó. Trên tham chiếu tồn tại và phát triển, trí tuệ cần các tạo vật để tìm hiểu về Đấng sáng tạo, tìm hiểu những “chỉ dấu”, “quy luật” Ngài đặt ở đó. Trí tuệ khi tư duy liên tục thì có khả năng nâng cao và nhận ra sai sót của tham chiếu để điều chỉnh, thang tham chiếu dựa trên quyền muôn loài có sai sót như bạn đã chỉ ra và các khám phá của con người đến nay cũng chỉ là nhìn ra được quy luật tự nhiên, vận dụng và kết hợp chúng hầu đưa con người tiến xa hơn.

            4) Nhận thức của con người được rút ngắn qua kinh nghiệm và truyền lại bằng ngôn ngữ hay phương tiện khác thì mình biết. Nhận thức di truyền qua DNA là chưa đủ cơ sở vì nếu đúng như vậy, con của các Vĩ nhân phải giỏi hơn chính họ, điều này được lịch sử ghi nhận là rất hiếm và mang tính ngẫu nhiên (tức không duy trì liên tục từ thế hệ này sang thế hệ khác). DNA là một phần biểu hiện bằng hiện tượng của trứng và tinh trùng kết hợp với nhau, “Linh hồn” là huyền bí và là một giả thiết có liên quan gì đến DNA? Cái này ở hiện tại là quá sức hiểu của mình, “Linh hồn” có tồn tại và tồn tại thế nào thì cũng chỉ là suy đoán?

            5) Con người, sinh vật có trí tuệ nhưng khởi điểm của trí tuệ là zero khi chào đời. Mức nhận thức về tự nhiên, xã hội và siêu nhiên của mỗi người là từ mức 0 nên sự khiêm cung, khiêm nhường chỉ có giá trị giữa con người với nhau

            6) Kiếp sau? Mình chỉ làm rõ cái có thể làm rõ, cái chưa thể làm rõ, mình thừa nhận tất cả các khả năng có thể của nó như là một dự đoán và dự đoán thì không bàn đúng-sai vì câu trả lời nằm ở tương lai, chứ hiện tại thì bất khả làm rõ. Không làm rõ được thì niềm tin của mình dành cho điều đó không cao. Bản chất sự việc là một phần của cha và một phần của mẹ tạo nên lớp kế thừa và gọi là con. Con người có trí tuệ và hành động sai thì phải trả giá, một phần của cơ thể phải gánh chịu hậu quả có nên xem là gánh thay?

            7) Yêu thương? Mình làm rõ theo mức nhận thức của trí tuệ của mình. Yêu thương là một phần của tạo vật thể hiện ở các sinh vật mình cũng thấy nhưng hỏi nguồn gốc thì mình chịu và nó mãi tồn tại với các sinh vật. Tình yêu thương thì mình chịu, mình chỉ hiểu yêu thương thôi. Đấng sáng tạo cho tạo vật sự yêu thương để bảo vệ sự sống hay đó là con đường để đến với Ngài, hay các khả năng khác, mình không có câu trả lời. Ở thí dụ bạn nêu, dù bạn cứu chính bạn hay cứu thêm ai đó, có thể xem là bảo vệ sự sống?

          • Hi,

            Bạn có 1 dòng suy nghĩ mạch lạc và chính xác, tôi thán phục nó.

            Tiếng
            Việt là 1 trong những điểm yếu của tôi. Chính ra ý địch của tôi khi cm
            chưa phải là tham gia cuộc tranh luận, mà vì tôi đọc cuộc nói chuyện
            bằng chữ này của các bạn, rất ấn tượng, tôi thấy thích nên viết đóng góp
            ( chứ không phải góp ý) đôi dòng những suy nghĩ chợt xuất hiện của
            mình khi đọc những cm. Tức là nó chỉ là hành động từ cảm tính, cũng như
            lúc này thôi, không có ý định chứng minh hay khơi sâu 1 vấn đề nào đó,
            đặc biệt là những đề tài như Tâm hồn, Tâm linh , lý trí, Người …. là
            những đề tài nhạy cảm , khó có thể tìm cách giải thích 1 cách trọn vẹn
            thấu đáo để thuyết phục người khác. Nhưng khi đọc cm này của bạn tôi lại
            muốn thử viết thêm về những hiểu biết còn hạn hẹp trong giới hạn của
            mình. Tôi không phải là 1 nhà lý luận hay có thói quen lý luận, nên hy
            vọng bạn chỉ dẫn thêm khi tôi viết không chính xác.

            Phải
            nói rõ hơn trước khi đi sâu thêm vào lĩnh vực này có lẽ là tôi không
            phải là 1 người theo bất cứ 1 đạo giáo nào. Tôi chỉ là 1 người tò mò
            chút xíu về cuộc sống , con người và những tìm tòi sáng tạo . Tôi
            thích ý nghĩa nhiều bài hát, thích nghe và thích hát thánh ca, nó luôn
            tạo 1 cảm giác tuyệt diệu huyền bí của Đấng sáng tạo khi sự hùng dũng
            ấm áp thiết tha trong vắt của bản thánh vang lên bay vào không trung và
            ôm lấy những vòm mái nhà thờ và cả thế gian này, chúng phần nào giống
            những chiếc lá nhỏ nhoi , không hình dáng lớp lớp sáng lên dưới bàn tay
            mặt trời ngả mình vào vũ trụ…

            1) Trong các buổi
            lễ nhà thờ ở bên này cha đạo thường kết thúc bằng câu ” Im Namen des
            Vaters des Sohnes und des Heilligen Geistes…” ( Nhân danh Thiên Chúa Cha Đức Chúa Con Chúa Thánh Thần…) rồi sau đó mới ban phước lành…

            “- Thiên Chúa Cha ( Gott)

            Chỉ có một Thiên Chúa và ông đã tạo ra thế giới này. Nó quyết định những gì xảy ra trên thế giới và hướng dẫn đời sống cá nhân. Chúa giống như một người cha với người đàn ông người giữ trẻ của mình
            và đi theo họ trên hành trình của mình thông qua cuộc sống.

            Thiên sứ trả lời và nói với cô ấy:
            Chúa Thánh Thần sẽ ngự xuống nơi bà,
            và sức mạnh của Đấng Tối Cao sẽ phủ bóng trên bà;
            đây là điều Linh thiêng,
            đứa nhỏ bà sinh ra ,
            sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.

            (Từ Luke, chương 1, câu 35)

            – Đức Chúa Con ( Gott Sohn)

            Thiên
            Chúa đã sai con trai mình Chúa Giêsu Kitô đến với mọi người, và vì
            thế đã biến trở thành một con người – người đàn ông. Mỗi người theo đạo Kitô cố gắng sống theo lời nói và việc làm của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu kể với con người nhiều về tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Tuy nhiên, ông cũng đã dạy dân, họ nên yêu thương nhau và giúp đỡ lẫn nhau.

            Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã trao đứa con duy nhất
            của mình cho họ, để những người có niềm tin vào Người sẽ không bị biến
            mất, mà họ sẽ được sống mãi mãi.

            (Từ John chương 3, câu 16)

            Qua cái chết đầy bạo lực của mình và qua sự phục sinh chúa Jessus đã gánh chịu những tội lỗi
            của thế gian, cứu chuộc nhân loại khỏi mọi điều xấu xa
            và do đó làm cho họ có thể sống mãi mãi.

            Nhưng thiên thần An Ủi,
            Chúa Thánh Thần,
            những ai mà Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Tôi,
            Người ấy sẽ dạy các con mọi điều,
            và sẽ khiến mọi người nhớ lại, những gì mà ta đã nói cùng các ngươi.

            (Từ Giăng chương 14, câu 26)

            Chúa Thánh Thần (Heilliger Geist)

            Có một Chúa Thánh Thần, một sức mạnh vô hình. Nhờ Chúa Thánh Thần, những lời nói và việc làm của Chúa Giêsu Kitô tiếp tục được thực hành trong thế giới này. Chúa Thánh Thần làm tăng lòng can đảm của con người và củng cố đức tin của họ.

            Ân sủng Chúa Giêsu Kitô của chúng tôi
            và tình yêu của Thiên Chúa
            và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần
            đến với tất cả các bạn!

            Amen

            (Từ 2 Bức Thư gửi tín hữu Côrintô, Chương 13, Câu 13)”

            tôi
            chỉ dịch dến đây 3 hình thể này là 1 nhưng lại là 3 và hy vọng rằng
            bạn sẽ đồng ý với tôi là Người và Chúa Thánh Thần là 2 hình thể tồn tại

            2) +3) tôi cũng nghĩ như thế.

            4) tôi không nói là chỉ có DNA mà nói là ” còn là những DNA”

            con của các vĩ nhân không nhất thiết phải giỏi hơn họ, vì

            Trong bộ gen, có công tắc để đảm bảo cho dù một gene được bật hoặc tắt. Các thiết bị chuyển mạch là một chiếc cầu nối hoặc liên kết giữa thế giới bên ngoài và thế giới của gen. Nó giải thích yếu tố môi trường ảnh hưởng đến các vật liệu di truyền – cả tích cực và tiêu cực căng thẳng, cảm xúc, lão hóa, dinh dưỡng, chất độc, chất gây ô nhiễm có thể thay đổi như thế nào. Tất cả những ảnh hưởng này có thể chuyển đổi từ bất hay tắt ảnh hưởng đến Gen. Điều đó làm việc với cái gọi là cơ chế biểu sinh. Nổi tiếng nhất là methyl hóa.
            khi Methyl hóa là một phân tử nhỏ, một nhóm methyl gắn vào một vị trí cụ thể trên hệ gen hoặc tách ra từ nó. Nếu
            các nhóm methyl gắn, nó đảm bảo rằng một gen cụ thể không thể được viết
            tắt, vì vậy thông tin của nó không thể được chuyển giao cho một
            protein. Nó phụ thuộc nhiều vào cách chúng ta đang sống >> điều này ảnh hưởng đến việc gen của chúng ta làm việc như thế nào.

            Có 1 ví dụ ong rất thú vị ạ!

            Ấu trùng của một thuộc địa ong tương tự về mặt di truyền với nhau như anh chị em. Đầu tiên, không thể nói về gì số phận những con ong nhỏ đó. Nó phụ thuộc hoàn toàn vào các thực phẩm từ: Khi ấu trùng bình thường được ăn mật ong – phấn hoa – cháo hoặc sữa ong chúa? Chỉ có ấu trùng, được nuôi bằng sữa ong chúa là hoàng hậu. Cháo, mà những con ấu trùng khác đang ăn, đảm bảo sự methyl hóa gen
            cụ thể – nó chuyển đến một mức độ nhất định xóa bỏ các gen có thể biến
            giúp ong thành hoàng hậu.

            chính vì thế ngoài những dữ kiện như bạn nói tôi nghĩ rằng khi DNA bị
            thay đổi ngay từ khi còn trong bụng mẹ thì đó cũng có 1 ảnh hưởng
            đáng kể có phải vậy không ?.

            Ngay
            cả những gì xảy ra trong não của thai nhi, vượt qua mọi cứ sự tưởng
            tượng: nó sinh sản mỗi phút 250.000 tế bào thần kinh mới. Mỗi giây nó kết nối các quan hệ tới 1,8Millionen giữa các tế bào thần kinh. Một

            bộ não người trưởng thành có khoảng 100 tỷ tế bào thần kinh, mỗi giao
            tiếp kết nối với trung bình 10.000 tế bào khác, và các mô hình tín hiệu
            thay đổi theo nhịp của mili giây. Tâm lý con người sống trong các cấu trúc phức tạp nhất trong vũ trụ. Thậm chí ta có thể tưởng tượng rằng đó chính là bộ máy tự hiểu mình ?

            nếu bạn đọc thí nghiệm của nhà nghiên cứu Volke Sturm thì bạn sẽ thấy
            thú vị hơn rất nhiều những con số này, vì cái máy điều khiển trí não ấy
            thật đáng sợ hi

            Vậy làm thế nào để biết chính xác những hoạt động hay ảnh hưởng của môi trường đến những dòng cảm xúc trong bộ não ? Làm thế nào để hiểu chính xác sự kiểm soát của môi trường đến gen của chúng ta, và từ đó các gen xây dựng và cấu tạo bộ não lại thay đổi hành vi cảm xúc của chúng ta ?

            Cho đến thời gian gần đây Christopher Walsh và đồng nghiệp của ông khá tình cờ tìm ra một lời giải thích có thể cho các mối quan hệ. Họ đã xác định các gen trong tế bào não mà bạn “có thể gọi eGene”: chúng được điều khiển bởi các xung điện mà giao tiếp với sự giúp đỡ của các tế bào thần kinh trong não, và làm việc đặc biệt như một phần mềm sẽ tự động khởi động khi máy tính được bật và sau đó kết nối nó với mạng Internet, mạng máy tính và máy in.

            qua đó bạn thấy đấy, đó là lý do vì sao tôi nghĩ rằng Linh hồn được sinh ra cùng thể xác và lý trí.

            5) tôi đồng ý với bạn ở điểm này

            6) nếu nói về kiếp sau thì có lẽ ta đang nói về Linh hồn chứ không
            phải cơ thể , mà lý giải về sự bất tử của linh hồn ta có thể tìm thấy
            trong kinh thánh hay rất nhiều nơi trên mạng, có 1 trang mà nếu muốn
            bạn có thể đọc tham khảo thêm http://vietdaikynguyen.com/v3/8292-su-bat-tu-cua-linh-hon-duoc-cac-nha-khoa-hoc-chung-minh-bang-co-hoc-luong-tu/

            vì ở đây là câ hỏi của sự tin hay không tin nên nó hoàn toàn nằm trong
            mỗi người tự quyết định cho mình . Tôi chỉ có thể nói cho mình là tôi
            tin vào sự tồn tại ấy và rất tôn trọng mọi suy nghĩ hay quyết định của
            bạn về vấn đề này . Vì tôi nghĩ rằng tất cả đều có nguyên do của nó. và
            trên thế gian này chẳng có sự VÔ TÌNH nào cả tất cả đều có 1 lý do tại
            sao nó xuất hiện hay tồn tại , bạn nghĩ sao?

            – sự gánh thay ở đây khi tôi nói là do sự liên tưởng từ ý câu viết của
            bạn, là kiếp sau của chúng ta là thế hệ con cái chúng ta, tôi đã hiểu
            lầm nó sang 1 khía cạnh khác nên nói thế. Nếu nó là như lúc này bạn nói
            nghĩa là chính ta gánh mọi thứ ta làm thì tôi cũng đồng ý với bạn về
            sự gánh chịu này.

            7) Tình Yêu Thương cũng xuất phát từ Yêu Thương tôi nghĩ thế, tuy
            nhiên tôi chỉ có thể nói nó cho mình, vì mức độ của nó chỉ phân biệt
            trong tôi, nên điều này có lẽ mỗi chúng ta nên tự kết luận nó cho mình.
            Với tôi TYT mang chân tướng của sự tự do, không đòi hỏi mà cũng không điều kiện. Nó là sự cho và nhận trong hạnh phúc ,
            cái gọi là hạnh phúc ở đây chính là sự là chính mình, ta tự tại trong
            ta để có thể đón nhận TYT lớn lao ấy, nó luôn có mặt, luôn đi cùng và ấm
            áp. Nó là 1 sự tồn tại vô hình nên người ta sẽ không thể diễn giải bằng
            lý tính, vì nó chỉ giản đơn là cảm xúc cảm nhận , mà tất cả những cái
            ấy thì không thể chứng minh được. TYT không cần lý tính, vì bản thân nó
            là Yêu Thương, thế nên có lẽ khi nhắc đến nó ở đây làm tôi thích thú. Nhưng bạn nghĩ sao ạ? liệu Yêu Thương của bạn có lý tính? và chứng minh được nó?

            Tình Yêu Thương hay yêu thương , chỉ cần sự tồn tại của nó là đủ tuyệt diệu rồi theo tôi, còn ở mức độ nào thì nó cũng giống như tấm gương cuộc sống lớn mà ta đang
            soi, nơi nào nó bị quên lãng nhìều, nơi ấy sẽ có nhiều điều bất an xảy
            ra hơn. Tôi gọi nó là những mạch máu chính của cơ thể hành tinh này.

            – Ở thí dụ tôi nêu là dựa vào 2 câu cm của bạn và Mắt Đời , ý tôi
            chỉ muốn nói là với tôi tôi không biết mình sẽ hành động thế nào nên sẽ
            gặp quyết định khi khoảnh khắc ấy đến.

            để nhắc lại tôi copy lại 2 câu nói của các bạn
            bạn nói rằng
            “Cứu con hay cứu người thì cũng
            chỉ là cứu sự sống một sinh mạng và mình có quyền ưu tiên hơn theo sự
            lựa chọn của mình và có thể bạn không đồng ý với sự lựa chọn đó nhưng
            đừng vội cho rằng cứu 2 người hơn 1 vì bạn sẽ bỏ sót là 1 người được cứu
            đó có thể dang tay cứu người/sinh vật khác khác và họ có thể truyền
            tinh thần này, còn hai người kia có thể họ không sẵn lòng cứu người khác
            vì tư tưởng này là cái chỉ có được sau một thời gian dài, thậm chí rất
            dài và nếu mình làm được điều mình đàng nói cùng bạn, tư tưởng này ít
            nhiều hình thành trong con của mình và sự lựa chọn này của mình không
            còn theo nguyên tắc “ít khiếm khuyết hơn” mà theo sự cảm tính” (TSN)
            Còn Mắt Đời nói :
            “. Không ai có cái
            quyền bắt người này phải hy sinh mạng sống vì người kia hay vì bất kỳ
            điều gì, có chăng thì đó phải là sự tự nguyện và sự tự nguyện này thuộc
            về vấn đề đạo đức. nếu một ngày nào đó Thượng Đế buộc tôi phải chọn 1
            bên là người mình yêu thương còn bên kia là thế giới thì cái quyết định
            tôi cứu ai chính là tình yêu thương đang có trong tôi, tôi sẽ đau xót
            khi bỏ cả thế giới hay bỏ người mình yêu? Tôi yêu bên nào hơn? Còn cái
            việc tồn tại của giống loài với tôi không quan trọng. có lẽ tôi sẽ chọn
            cứu thế giới vì tôi yêu thương nhiều con người, nhiều đứa trẻ chứ không
            phải mạng sống họ quý hơn mạng sống người tôi yêu. Với tôi sự chọn lựa
            của đạo đức và tình cảm cao hơn là lý tính. “(MĐ)

          • Chào bạn,

            Mình không nghĩ là mình tranh luận cùng Mắt đời hay với bạn, vì mình hiểu tranh luận ít nhiều mang tính chất thắng-thua, đúng-sai. Mình chỉ trao đổi và chia sẻ góc nhìn của bản thân, tìm hiểu và làm rõ những vấn đề mà các bên có sự quan tâm. Khác với bạn, vấn đề càng nhạy cảm càng cần làm rõ để có thể giải tỏa phần nào những hồ nghi hoặc tìm cách tiếp cận mới. Chúng ta nói lên quan điểm của bản thân vì hiểu biết của chúng ta đều hạn hẹp so với tự nhiên và xã hội, mình không sợ bản thân nói sai vì một khi điều đó được người khác giúp làm rõ với những bằng chứng rõ ràng, có là cơ hội thuận lợi để ta tiến bộ hơn.

            1)
            + Những lời chép của các ngôn xứ bạn nêu mình đã có đọc và đó là một cách giải thích. Nhiều chi tiết mang tính huyền bí, sự huyền bí đó là do sự báo trước hay còn gọi là “thị kiến” (quá sự hiểu của con người hiện nay) hay trong đó có sự thêm thắt, giả hiệu? Mình suy ngẫm nhiều về đoạn Kinh Thánh chép về ông TOMA, ông TOMA là môn đệ Chúa Jesus và sống cùng Ngài còn hồ nghi và đòi hỏi bằng chứng, mình nghĩ Chúa Jesus muốn chúng ta sử dụng trí tuệ làm rõ nhưng đừng ưa ngạnh cố chấp. “Phúc cho những ai không thấy mà tin” được đưa ra trong bối cảnh này nhưng nhiều người cố tình bỏ qua bối cảnh của nó. Có thể Chúa Jesus đã lường trước sự mượn câu nói của Ngài lừa đảo nên mới gắn câu nói đó trong bối cảnh trên. Mình chọn thà chậm tin còn hơn là tin lầm.
            + Dù không tin hoặc không hoàn toàn tin hoặc không chấp nhận Chúa nhưng thực hành những điều mà Chúa Jesus từng làm với tha nhân, hướng tới chân-thiện-mỹ và đối xử với người khác theo cách ta đối xử với chính bản thân mình (trừ trường hợp tâm thần) thì với mình đó đã là tự trị là tu rồi chứ không phải nhân danh, nói một đằng làm một nẻo.

            4)
            + Sự lý giải của bạn giúp mình có thêm nhiều thông tin và cảm ơn bạn về điều này.
            + Thí dụ về ong, mình nghĩ thực phẩm có thể làm biến đổi hoặc biến mất một vài chức năng nào đó. Nếu chế tạo một loại thực phẩm nào đó cho con người ăn chuyên biệt từ khi lọt lòng thì cũng sẽ phát triển con người khác nhau, ăn nhiều chất có thể gây vô sinh thì mất khả năng sinh sản.
            + Về bộ não con người, những dữ kiện bạn cung cấp cũng mới chỉ hé lộ phần nào khả năng bộ não. Độ tin cậy của những dữ kiện đó cần có thêm thời gian với các phương pháp tiếp cận khác để kiểm chứng. Lịch sử đã chứng minh nhiều về sự ngộ nhận và khi phương pháp nào đi tới giới hạn của nó nhưng chưa thể làm rõ thì ở thời điểm đó con người sẽ tìm được cách cải tiến hoặc tìm ra phương pháp mới. Mình chọn theo nguyên tắc “ít khiếm khuyết hơn” nên thừa nhận mọi phương pháp nhưng kết quả từng phương pháp cần được làm rõ và mình chờ vi năng lực thực hiện điều đó của mình là không.

            6) Kiếp sau và Linh hồn (mình trả lời gộp phần Linh hồn trong ý 4))
            + Linh hồn theo sự hiểu của mình là sự huyền bí và mình chờ kết quả tìm hiểu của người khác. Linh hồn là gì? Theo như giải thích của bạn Linh hồn được sinh ra cùng thể xác, thể xác có đối chứng là tạo vật để phản biện, linh hồn có được mặt này không? Khi thể xác ngừng hoạt động, Linh hồn sẽ về đâu? Một phần thể xác của ta sẽ sống ở thế hệ sau, vậy Linh hồn có theo? Sẽ giải thích ra sao khi cha mẹ sống và hành động tử tế còn con lại có xu thế phá bỏ sự tử tế đó?
            + Tất cả sự tồn tại đều có lý do và đều có ý nghĩa, mình cũng nghĩ như vậy. Nhưng câu này không thể bao gồm Linh hồn khi mà chúng ta chưa chắc liệu nó có tồn tại. Phần tài liệu tham khảo bạn giới thiệu, mình sẽ dành thời gian sau.

            7) Theo như bạn viết, mình cảm nhận hạnh phúc là tìm thấy bóng hình mình ở người khác. Bạn nói “TYT tồn tại vô hình nên người ta sẽ không thể diễn giải bằng lý tính, vì nó chỉ giản đơn là cảm xúc cảm nhận, mà tất cả những cái ấy thì không thể chứng minh được”. Bạn gôm vào một cục dù ít nhiều những TYT đó khác nhau bản chất, Mình chia nhỏ để làm rõ và phần không thể giải thích chiếm một tỷ lệ nhỏ hơn nhiều cái bạn đưa ra. Cụ thể.
            + Mình quan sát ở động vật thấy chúng bày tỏ tình cảm mùa động dục, chăm sóc con cái đến khi nó có thể tự lực và sợi dây yêu thương sau đó dường như cắt đứt. Cái này con người có thể thấy chứ chưa thể chứng minh. Ngoại trừ những điều đó, TYT là cái mà trí tuệ hoàn toàn có thể kiểm soát, có thể lý giải. Môi trường sống khác biệt, văn hóa khác biệt lý giải cho sự khác biệt về cảm xúc, đó là thói quen, định kiến là màng lọc vô tình mà xã hội nơi ta sống với những thói quen, cách nhìn nhận, luật lệ của nó cài vào não chúng ta.
            + Yêu thương gắn với sinh tồn là được trao tặng và không chỉ loài người có điều này mà muôn loài đều vậy. Một đứa trẻ, khi chúng chưa thể nói, chưa sử dụng trí tuệ thì chúng khóc để đòi hỏi và bảo vệ sự sinh tồn của chúng. Khi đói khát, nó khóc đòi bú; khi buồn ngủ nó khóc; khi cơ thể nó bị bẩn do tiểu hoặc đại tiện gây khó chịu,… nó khóc để được chăm sóc, để cơ thể thoải mái và sạch sẽ – khi bị côn trùng cắn đốt, gây khó chịu, ngứa,… nó khóc để được chăm sóc để được người lớn phòng ngừa; và khi cơ thể nó bị bệnh, nó khóc báo nguy để được chăm sóc và cứu chữa.
            + Mình đọc ở đâu đó nói rằng người Âu châu đã từng làm thí nghiệm bỏ rơi con người và cái mà người ta gọi là TYT có xu hướng biến mất. Chỉ còn lại cái tự nhiên vốn có và cái này con người chưa thể hiểu.
            + Chuyện gì xảy ra khi con người sau khi được sinh ra bị nhốt lồng nhưng cung cấp đủ thực phẩm nước uống mà không gặp mặt hoặc nhận các tín hiệu xã hội? Chuyện gì xảy ra nếu loài thú 4 chân nào đó nuôi một đứa trẻ, nó sẽ cư xử hoàn toàn như loài thú đó hay chúng có thể đi 2 chân như con người với suy nghĩ và hành động?

          • Hi,

            Tôi rất thích những khoảnh khắc như thế này, khi
            hơi khói của ly cà phê đang dâng lên không trung, hương say của nắng và
            mưa quyện mình trong sức mạnh của lửa lan chan hòa với không trung
            mùa xuân trong vắt. Thảng như bóng hình của những bàn tay ai đó, thảng
            như nụ cười hay cả những giọt nước mắt đã từng rơi trong ấy, trong hương
            vị cà phê. Chỉ ta với nó, chẳng nghĩ suy gì, chẳng cân đo đong đếm,
            chẳng gì tồn tại hay đang tan rã. Cái sự chẳng đến chẳng đi trong cái
            đến rồi đi thật tuyệt diệu có phải không ? . Những thời điểm ấy diễn ra
            thường thật ngắn ngủi nhưng khi ta lắng mình trong chúng thì lúc đó
            chính là khi chúng ở lại trong ta hoàn mĩ. Vì trên thực tế này không có
            sự hoàn mĩ như ta ” con người” tự vẽ cho mình chúng chỉ là những khắc
            giây trong ta khi ta cho phép sự có mặt của chúng. Những khắc giây ấy,
            khi ta may mắn chúng đến dễ dàng hơn, nhưng cũng có khi chúng không hề
            đến , vì trong tâm trí ta luôn mải mê với những vướng bận của hôm qua và
            ngày mai…Để trao tặng được cho bản thân mình món quà – ” sự mỏng
            manh trần trụi và dễ bị tổn thương của thời điểm ấy”- có phải không ta
            nhiều khi ta cần lòng can đảm để hiểu biết, can đảm là chính mình ,
            trong và ngoài chính mình >> trao tặng mình món quà cuộc sống vô
            giá này.

            Bạn nghĩ tại sao khi chúa Jesus đủ sức chữa
            bệnh cho cả trăm nghìn người khỏe lại nhưng Ngài lại không làm thế mà
            chỉ chữa cho một vài người, đủ để con người có thể nhìn thấy sức mạnh
            lớn lao và vô tận của vũ trụ này? liệu có phải không sự hồ nghi sinh ra
            trong bản tính con người khi họ bắt đầu có những đòi hỏi… và tại sao
            trong những người môn đệ với Jesus lại có nhiều khuôn mặt khác nhau
            đến thế, tất cả họ đều ở 1 điểm nào đó đều mang theo những khiếm khuyết
            của bản thân, đặc biệt hơn kể cả người rút dao định bảo vệ ngài khi
            quân lính kéo dến bắt ngài. trong con người có sự phản bội, sự tham lam
            hèn nhát, sự hồ nghi… trong con người cũng là sự sáng tạo niềm khao
            khát được hạnh phúc được yêu thương và tồn tại …

            Với
            tôi câu truyện thánh TOMA có 1 phần nào đó lặp lại 1 trong những bài
            học được nhắc lại nhiều lần trong kinh thánh, nó kể về những cản trở
            của chúng ta, những cản trở khiến ta khó khăn hơn đến được với bản thân
            mình , nó kể về niềm tin và sự tỉnh táo sáng suốt trong đức tin. Tại sao
            Jesus biết mà vẫn làm? sự trải nghiệm của người là gì? sự trải nghiệm
            thánh TOMA là gì ? sự trải nghiệm của chúng ta là gì? Trong từng hành
            động và lời nói của Ngài không có 1 hành động thừa nào cả có phải không
            ạ?

            – Tôi chọn sống trong thời điểm hiện tại và tin trong tỉnh táo

            Bạn viết:
            “+
            Về bộ não con người, những dữ kiện bạn cung cấp cũng mới chỉ hé lộ phần
            nào khả năng bộ não. Độ tin cậy của những dữ kiện đó cần có thêm thời
            gian với các phương pháp tiếp cận khác để kiểm chứng. Lịch sử đã chứng
            minh nhiều về sự ngộ nhận và khi phương pháp nào đi tới giới hạn của nó
            nhưng chưa thể làm rõ thì ở thời điểm đó con người sẽ tìm được cách cải
            tiến hoặc tìm ra phương pháp mới. Mình chọn theo nguyên tắc “ít khiếm
            khuyết hơn” nên thừa nhận mọi phương pháp nhưng kết quả từng phương pháp
            cần được làm rõ và mình chờ vi năng lực thực hiện điều đó của mình là
            không.” (TSN)

            – cho những dòng này tôi đặt thêm 1 ly cà phê nữa và bạn phải trả tiền đấy ( cười)

            Tự
            nhiên tôi chợt nhớ đến bộ phim mà Mắt Đời thích ở trên. Người thầy
            trong bộ phim ấy lần lượt đóng vai hết nhân vật khủng khiếp nọ lại đến
            vai nhân vật tồi tệ kia, ông luôn là mình nhưng cũng lại luôn là nhân
            vật gây cho phim sự chênh lệch hay công bằng giữa bóng đêm và ánh sáng.
            Không có người thầy ấy cả bộ phim chẳng còn nhiều ý nghĩa, bộ phim làm
            thật sơ sài, đôi khi rất buồn cười vì sự vô lý của nó nhưng nó lại gây
            nhiều tranh cãi trong thế hệ trẻ. Bộ phim bắt họ phải suy nghĩ kể cả
            trong sự tồn tại vô lý của nó. ( cười) và suy nghĩ > trí tuệ cũng là
            1 trong những điều ta không thể nhìn thấy nhưng lại công nhận sự có mặt
            của nó

            6) Cuộc sống là những cái nhìn và phần lớn trí tuệ của ta được
            tạo dưng từ những cái nhìn. Vậy thì xấu , đẹp, tốt, tồi tệ cũng nhiều
            khi xuất phát từ những cái nhìn. Chỉ có nguyên lý của vũ trụ là không
            hề suy xuyển và đợi đến khi chúng ta hiểu được trật tự của nó có khi còn
            sẽ rất lâu. Trong thời điểm này tôi nghĩ rằng sự tồn tại của Linh hồn thuộc về vũ trụ mặc dù nó được sinh ra cùng cơ thể của con người

            Tôi cũng cảm ơn bạn cho bài học ngày hôm nay, nó dẫn tôi đến những suy tư của chính bản thân mình.

            7) Quả thật tôi đã cố tình rút ngắn cm về TYT vì thiết nghĩ nếu
            tôi muốn viết tận tường hơn chút xíu nữa những điều tôi suy nghĩ về bản
            thể của nó , thì tôi sẽ phải viết cả 1 bài viết chứ không thể cm.
            Trong này tôi chỉ muốn nhắc đến đôi ba điểm tôi muốn bày tỏ là: 1 bản
            thể của TYT thực sự. Đó là sự xuất phát từ 1 sự tồn tại vĩnh hằng nào
            đó, từ điểm xuất phát ấy mà qua những sự kiện xảy ra, trong cái đẹp và
            cả cái chưa đẹp, lang thang giữa mộng ảo và thực tại nó lớn lên, mọc
            cánh và có thể bay được. Khi ấy nó không còn phụ thuộc vào 1 điểm xuất
            phát đầu tiên nữa mà nó là chính bản thân mình với cuộc đời và từ chính
            nó lại là nơi tụ điểm của những bắt đầu mới…
            TYT bắt nguồn từ
            YT nhưng TYT mang 1 khái niệm thoát ra ngoài YT ở chỗ, nó chính là 1 sự
            yêu thương không điều kiện, trong nó là sự học hỏi trau dồi từ những yêu
            thương . Nó giống như bản thánh ca khi 1 bài hát bắt đầu từ 1 giọng hát
            non tơ đầy yêu thương vang lên tha thiết, bay vào không trung đậu lên
            từng cung bực, để rồi nó lại vút cao hồn nhiên hòa mình trong dàn đồng
            ca với đủ loại thanh âm vời vợi , thầm thì mãnh liệt như sóng biển và
            vút cao nhẹ tênh mênh mông như tiếng gió cười trên ngọn núi cao chao
            mình vào thung lũng…

            Nó giống như 1 bức tranh dưới ánh
            mắt của mỗi người một khác, mỗi cảm nhận 1 khác , chỉ có sự tồn tại khắc
            giây là không thể nhạt mờ

            – về sự gợi ý phân tích của
            bạn cũng rất thú vị những theo tôi nghĩ khi ta nhìn nhận bản năng
            trong nó cũng có phần nào của YT nhưng như chữ bản năng nói nó là sự
            khởi thủy nguyên sơ của những bước đi đâu tiên tôi nghĩ thế.


            Tôi nghĩ rằng những thí nghiệm vận dụng trực tiếp vào con người như
            vậy để đáp ứng cho thèm khát giải thích và phân tích mọi sự việc trên
            thế gian bằng khoa học đều thật đáng tiếc, đặc biệt là khi chúng được
            lợi dụng cho những mục đích còn tồi tệ hơn thế, dù bất cứ ở dâu, hay
            bất cứ thời điểm nào, có lẽ con người không nên làm như thế. Nhưng dù
            sao việc bạn nhắc đến cũng là 1 sự kiện đã rồi, chúng bước ra ánh sáng
            hôm nay để phần nào chỉ thêm cho ta hiểu về nhu cầu được yêu thương
            và vai trò quan trọng của yêu thương trong sự tồn tại nhân loài. Đồng
            thời đó phần nào cũng là câu trả lời cho những thực tại của tồn tại mà có những khi người ta chỉ cần lắng nghe trái tim mình nói gì mà không cần
            đến bất cứ một chứng minh nào.
            Nhưng để nghe được tiếng
            nói chân thành từ trái tim mình thì có nghĩa là ta phải học sống là
            mình, trong cái vị thương yêu, khổ đau, cô đơn hay giữa chốn đông
            người, trong ánh sáng và trong cả bóng tối của chính mình, để TYT hay
            giản đơn là YT luôn có chỗ đứng có phải không ạ?

            Còn suy nghĩ hay cân nhắc những sự kiện trong câu cuối cùng của bạn thì có lẽ chẳng còn cần thiết nữa khi 1 Tarzan đã có mặt trên khắp các màn hình ( cười)

          • Chào bạn,

            Khoảng khắc “ta ở lại trong ta” như bạn nói mình chưa một lần có được và mình ngưỡng mộ bạn điều này. Có thể bạn đã đến được đích của câu nói này “Bỏ hết mọi sự tác động, chỉ còn ta với chính mình”. Về món quà vô giá! Mình nghĩ đã là quà thì luôn có giá của nó hoặc miễn phí, bạn không trao tặng, không bán mua thì sao gọi là quà.

            Chúa Jesus? Mình không quan tâm Ngài là ai, đến từ đâu, mình quan tâm đến hành động Ngài đã làm. Ở chừng mực nào đó, mình cũng đang thực hành những điều Ngài đã thực hiện. Ngài hiểu giá trị của ông Juda trong công cuộc của Ngài và Ngài thấy được cái tốt của Juda khi mà nhiều người khác chỉ thấy Juda là kẻ phản bội và miệt thị ông ta. Ngài thấy được cái tốt của người đàn bà quá, người bị đám đông nhân danh đạo đức muốn ném đá. 13 Tông đồ của Ngài là 13 tính cách, dấu chỉ khác biệt của 13 tính cách đó nói lên điều gì? Chúng ta không biết, chúng ta chỉ dự đoán thôi và nhiều người cho là họ dự đoán đúng còn người khác thì không, tranh luận dự đoán xem ai đúng là điều mình không làm.

            Mình khác với bạn, mình suy nghĩ, suy ngẫm và mình tin. Mình cũng không chắc niềm tin đó là tỉnh táo hay không nữa nhưng niềm tin luôn cần thiết vì mình không tưởng tượng nổi hệ quả của tất cả mọi người mất niềm tin sẽ thế nào.

            Trí tuệ? Mình không thể thấy nhưng mình tin là có nó vì qua 5 giác quan, có cái gì đó ghi nhận, phân tích và đào thải các dữ liệu đã được tiếp nhận. Cái bộ phận làm việc đó, mình gọi tên nói là não và các hoạt động nhận tín hiệu-phân tích-tìm hiểu-chứng nghiệm-sàng lọc-đào thải-lưu lại và lặp lại quá trình trên, mình gọi nó là vòng xoay trí tuệ hay trí tuệ.

            6) Linh hồn thuộc về vũ trụ là một dự đoán của bạn ở thời điểm bạn viết lá thư trên. Mình không dự đoán về linh hồn, người khác có thể dự đoán khác và mình tôn trọng mọi dự đoán của mỗi người nhưng chỉ không đồng ý là họ dùng sự dự đoán đó để gây ảnh hưởng, tác động vào người khác bằng cách gắn hoặc chứng minh nó là sự thật dựa trên sự huyền bí nào đó. Mình hồi đi học được học một chiều nhiều kết quả lịch sử, nhiều dự đoán, thậm chí kết quả một chiều, dự đoán nào đó còn được xem là sự thật.

            7) Trong quyền con người được ghi trong Hiến pháp Hoa kỳ, có nói đến quyền mưu cầu hạnh phúc. Hãy tìm kiếm cái bạn cần, cái bạn muốn và tôn trọng người khác khi họ cũng làm điều đó theo suy nghĩ và cách làm của họ.

            Kết: Mục tiêu của mình là tìm hiểu và làm rõ đến mức mình nhận thức chứ chưa thể làm rõ như sự vốn có của nó. Mình không bàn về sự lựa chọn vì nó là quyền tự do của mỗi người. Mình tôn trọng mọi sự lựa chọn của mọi người miễn là nó không ảnh hưởng trực tiếp/ gián tiếp đến mình.

          • Hi,

            Vũ trụ là địa điểm thật tuyệt vời
            nơi mỗi chúng ta dừng chân cho những kiếp trăm năm có phải không ạ (
            cười) Wiiliam Blake có nói rằng: ” Ta có thể nhìn thấy một thế giới
            trong một hạt cát , một bầu trời trong một đóa hoa dại, sự vô tận nằm
            trong lòng bàn tay bạn và sự vĩnh cửu ở trong chỉ một giờ”

            Cuộc du hành của chúng ta – những hạt bụi nhỏ của vũ trụ này, dường
            như chẳng có sự bắt đầu và kết thúc . Trong chúng ta hoạt động bộ máy
            tinh vi hiện đại nhất hành tinh, nhưng trong nhiều người chúng ta
            những hoạt động phần lớn nằm ở bộ não mà ta đã từ lâu quên mất phần
            còn lại của bộ máy ấy, cái ý nhị, tinh tế đầy ý nghĩa mang dáng vẻ toàn
            diện đa phần chỉ còn hoạt động theo những động lực và đòi hỏi, phần nào
            người ta có thể nói rằng chúng bị lãng quên. Nhưng mỗi chúng ta lại chỉ
            có thể là mình khi ta trong cái toàn diện của mình,, trong cái tồn tại
            của mình với mình của mình với mọi người, mình với thiên nhiên và mình
            với Người. Hiểu sự liên kết chặt chẽ giữa ta với thế giới quanh ta và
            ngược lại .

            Với tôi tất cả còn là những bước đầu, tôi bắt đầu
            nhận ra mình và nhớ ra những gì đã từng quên, nó chưa hẳn là liên tục vì
            trong cuộc sống đời thường tôi vẫn còn dễ bị lôi đi theo nhịp đập dòng
            chảy của nó. Nhưng cũng như bạn tôi ngưỡng mộ và yêu thích những khoảnh
            khắc ấy, sự có mặt của chúng đã thay đổi con đường của tôi. Cái giá mà
            chúng ta phải trả cho món quà này chính là sự dời bỏ con đường ta quen
            thuộc, con đường mà ta luôn biết trước cái đích của nó là gì, con đường
            ấy không phải con đường của ta, nó là con đường của những người khác.

            Tôi
            có thể kể cho bạn nghe 1 cách đến với bản thân của 1 Echart Tolle 1
            bài tập mà ta có thể tập ở bất kỳ đâu, chúng ta bắt đầu từ 1 bàn tay và
            sau này sẽ nâng dần lên là toàn cơ thể.Thời gian có thể là 5 phút những
            nó cũng có thể lâu hơn nếu ta có thời gian và muốn làm.

            Ngồi
            1 mình trong trạng thái thư dãn, khép mắt lại rất có thể nơi ta đang
            ngồi có ánh sáng mặt trời chiếu vào và ta hãy tặng mình những giây phút
            ây, những giây phút ta ngồi đó, buông thả mọi ý nghĩ và chú tâm vào bàn
            tay của ta, bên nào cũng được, nhưng lần đầu chỉ vào 1 bàn tay thôi.
            Xem nó có tồn tại hay không, ta hãy tự hỏi mình, nó có tồn tại không?
            tất nhiên lúc đầu ta nghĩ nó tồn tại, nhưng đừng mở mắt có thể nó không
            còn tồn tại nữa đấy ( cười) . Đó là ý nghĩ của chúng ta, khi ta chưa
            tắt được dòng suy nghĩ trong khoảnh khắc ấy. Hãy tập trung tư tưởng
            mình xuống bàn tay mình, từng điểm một từng ngón tay một , hãy cảm nhận
            sự sống trong nó, hãy lặng im và lắng nghe, lắng nghe từng nhịp đập của
            trái tim trong lòng bàn tay ta…, và trên làn da nếu khi này có nắng
            thì ta sẽ thấy, nắng chạm vào ta thật dịu dàng và ấm áp hay chúng đang
            tinh nghịch châm chích từng mũi kim nóng bỏng trên da ( cười)

            Những
            dòng suy nghĩ của chúng ta luôn tham lam chúng luôn mong muốn thu
            lượm hơn thế nữa những gì của thế giới bên ngoài, nên trong trí não
            chúng ta thường không ngừng nghĩ ngợi, phán đoán, nhận định , phán
            xét…. Nhưng khi ta muốn quay lại với bản thân thì vào thời điểm đó
            chúng ta phải dừng những dòng suy nghĩ ấy lại và hướng mình tới thế giới
            bên trong ta. Một cánh cửa của thế giới nội tâm sẽ mở ra để ta có thể
            bước vào với nó Sự hài hòa của thế giới bên trong và ngoài mang đến
            sự chào đời của thinh lặng, từ trong thinh lặng ta sẽ có một cái nhìn –
            nhận tỉnh táo nhất có thể của mình đến với tất cả các hình dáng ( dòng
            suy nghĩ > từ trong tiềm thức) tất cả những gì trong và quanh ta

            . Thế giới nội tâm của mỗi chúng ta là tấm gương thế giới nhỏ trong vũ trụ mênh mông này

            Như
            bạn đã biết cái được gọi là Akasha là những mảng trường dao động trong
            vũ trụ và được các nhà khoa học có tên tuổi tiếp cận từ lâu.Theo
            mô hình chuẩn hiện tại của vũ trụ trong thời điểm hiện tại ( giải Nobel 2011) mà chúng ta được biết,
            tất cả các ngôi sao, hành tinh và thậm chí cả con người chúng ta tồn
            tại, chỉ chiếm 4,6 phần trăm của tổng số vật chất hiện có, 23 phần trăm là vật chất tối không rõ, phần còn lại 72 phần trăm, năng lượng tối. Vì, theo công thức của Einstein E = mc2 năng lượng là một dạng vật chất, năng lượng tối cũng có khối lượng.
            Các sóng trường dao động trong toàn thể vũ trụ và bao gồm cả trái đất,
            cùng tất cả những gì tồn tại trong chúng, những hình thể tồn tại của vũ
            trụ được lặp lại trong muôn vạn hình thái , từng phân tử df nhỏ li ti
            đến lớn khủng khiếp . Nó giống như những hạt sương đậu trên mạng nhện
            hình thái của hạt sương được lặp đi lặp lại trong một hạt sương và trong
            mọi hạt sương. Có nghĩa là trong mỗi chúng ta tồn tại một mô hình của
            nhỏ của vũ trụ. Chúng ta là 1 phần của vũ trụ, thuộc về vũ trụ và vũ
            trụ trong chúng ta. Những dòng sóng trường có ảnh hưởng lớn đến chúng
            ta, trong – ngoài và ngược lại . Thật tuyệt có phải không. Bạn có tưởng
            tưởng nổi sức mạnh của chính chúng ta và vũ trụ? ( cười)

            Tôi thích câu nói này của bạn ”
            mình suy nghĩ, suy ngẫm và mình tin ” (TSN)

            Thiết nghĩ
            rằng ai trong chúng ta cũng làm vậy có phải không ạ, có lẽ điều tôi muốn
            nói thêm không phải khi ta sống trong từng thời điểm hiện tại, ta dừng
            mọi suy nghĩ mà suy nghĩ được đặt đúng vào vị trí của nó, chúng sẽ không
            thể chiếm hữu toàn bộ thời gian của ta nữa. Nó giống như khi những nhà
            Thiền sư thiền.
            ví dụ như:
            – khi ông nói tôi đang suy nghĩ thì đó là lúc suy nghĩ

            – tôi đang ăn thì đó là lúc đang ăn ( và không phải vừa ăn, vừa suy nghĩ, hay xem TV hihi)

            ….

            Trong thể thao bắn cung hay múa lửa… bạn cũng có thể nhận ra sự hiện hữu của ta trong chính mình , chỉ có ta là mình, ta là tất cả và tất cả cũng là ta…

            Tôi
            đã mỉm cười khi đọc dòng chữ bạn viết bạn chưa 1 lần trong chính mình.
            Bạn biết không, tôi nghĩ rằng bạn đã rất nhiều lần trong chính mình, bạn
            chỉ có thể chưa nhận ra sự hiện hữu mãnh liệt của chúng mà thôi.

            Theo tôi nghĩ người ta rất khỏ có thể nói rằng cảm nhận qua 5 giác quan là trí tuệ. Tôi nghĩ rằng
            -dòng suy nghĩ từ những nhận thức bên ngoài là trí tuệ.
            – 5 giác quan mang lại cảm xúc và cảm nhận > nhận thức . ( cả trong lẫn ngoài)
            -Và
            tâm hồn từ trong tiềm thức nhìn ra chúng là sự nghi nhận những chuyển
            đổi của thế giới bên trong và bên ngoài của nhận thức và những dòng suy
            nghĩ

            Tôi hoàn toàn ủng hộ hiến pháp
            của Hoa Kỳ trong điều 7) bạn viết. Chính vì thế tôi cũng không muốn nói
            gì thêm nữa về điều 6) . Những gì tôi viết ra cũng chỉ là những suy nghĩ
            hạn hẹp của bản thân, không mang ý định thuyết phục hay ảnh hưởng đến
            ai.

            Kể ra tôi cũng hơi bất ngờ và tôi cũng đang mỉm cười
            với mình khi nhìn lại những gì tôi đã viết, thật bất ngờ vì lần đầu tiên
            tôi viết nhiều đến thế để trò chuyện với 1 người xa lạ.
            Tôi trân trọng và thán phục hành động này của bạn ” Ở chừng mực nào đó, mình cũng đang thực hành những điều Ngài đã thực hiện.” (TSN)
            Chúc bạn luôn an vui với những gì mình đã lựa chọn

          • Chào bạn

            Bạn gắn năm giác quan vào với trí tuệ là hiểu sai điều mình muốn nói. Trí tuệ, mình hiểu là cái dẫn chủ thể đi tới tận cùng và gặp DST, trí tuệ là sự sàng lọc của những “thị kiến”-một phần trong thị kiến là trí tưởng tượng và các quy luật, đặc tính,… DST ẩn chứa trong các tạo vật. Trí tuệ thay đổi theo từng mức, nhận thức nâng lên thì trí tuệ nâng lê, điều đó đồng nghĩa với phần huyền bí giảm đi và lượng tạo vật đối chứng để tìm hiểu sẽ tăng thêm.

            Vũ trụ bạn đề cập được hiểu theo nghĩa nào? Trái đất là một phần của vũ trụ thì đúng như bạn nói. Trường hợp vũ trụ là phần còn lại ngoài trái đất thì đúng với niềm tin của bạn, còn mình hiểu con người chưa thể mang sự sống thoát khỏi trái đất.

            Về các phát hiện mới về tự nhiên, thời gian sẽ giúp con người với sự vận động không ngừng của trí tuệ sẽ tiến xa hơn và khi đi tới tận cùng của vũ trụ, con người sẽ tìm thấy lời giải cho cội nguồn của mọi loài.

            Chuyện nhà Thiền sư thiền:
            + Khi ông nói tôi đang suy nghĩ thì đó là lúc suy nghĩ!
            – Ở người được hỏi thì đúng là họ đang suy nghĩ khi họ nghe câu hỏi và có ý định trả lời, trường hợp họ không nghe câu hỏi thì hoặc họ cũng suy nghĩ vì trú tâm chuyện khác hoặc họ ở trạng thái vô thức-cái này mình không biết là họ có đang suy nghĩ không;
            – Ở người hỏi: ngay thời điểm hỏi họ có suy nghĩ nhưng sau đó thì không chắc hoặc là khoảng trống vô thức hoặc chú ý hoặc suy đoán để tìm câu trả lời.
            + Tôi đang ăn thì đó là lúc đang ăn (và không phải vừa ăn, vừa suy nghĩ, hay xem TV hihi)! Cái này có tính chất áp đặt vì ngay thời điểm đó não có thể điều khiển ăn hoặc các cơ quan khác cùng lúc. Khi nghĩ về việc ăn tại thời điểm đó không còn là đang ăn nữa. Từ “đang” trong ngữ cảnh này mô tả thời điểm sẽ mang kết quả khác với ngữ cảnh mô tả quá trình.

            Bạn có trí tưởng tượng phong phú và bay bổng, mình có thể sẽ rất rất lâu nữa mới có thể theo kịp tầm mức của bạn hiện nay. Cảm ơn bạn về sự chia sẻ và hướng dẫn phương pháp. Mình sẽ thực hành nó vào khi thuận lợi.

    • trong câu số 2) của bạn, Kinh Thánh không hề gợi ý là Adam thấy chán! Đó là ý muốn của Chúa để tạo ra người nữ vì theo Chúa “Loài người ở một mình thì không tốt” (và đó là lần duy nhất Chúa nói chữ “không tốt” trong công trình sáng tạo của Chúa). “Không tốt” là vì điều đó đi ngược lại với bản chất của Thiên Chúa Ba Ngôi (Chú cha, Chúa con, Chúa Thánh Thần). (theo quan điểm của mình khi đọc và tim hiểu Sáng Thế Ký),
      Câu 3) Bạn cũng hiểu sai. “Trái cấm” ở đây là “Trái điều thiện và điều ác” (Đạo Đức). Động cơ của con người khi ăn trái Đạo Đức là vì Họ muốn trở thành Chúa, họ muốn mình trở thành trung tâm của vũ trụ, đó là vấn đề. Và khi họ biết điều thiện và điều ác, họ có thể thay đổi nó(ăn). Và Kinh Thánh nói rất rõ ràng là con người đổi Sai thành Đúng và ngược lại vì họ muốn là Chúa của mình(Ích kỷ, và đó là lí do họ thấy mình trần truồng và kiếm cách che đậy, bởi vì họ trở nên ích kỷ, nên không muốn người khác nhìn thấy hết bản thân mình).
      Chúa đã có con người trí tuệ và tự do, khi chú thổi “Thần khí” vào họ. Chúa cho phép họ làm bất kì điều gì họ muốn, nhưng mà đừng có đụng tới “Cây Đạo Đức”. Chúa cho con người trí tuệ, nếu bạn để ý, thì sẽ thấy Chua kêu A-dam hãy “đặt tên” tất cả vạn vật. từ “đặt tên” trong tiếng Hê-bơ-rơ (ngôn ngữ của sách Cựu Ước) cùng là chữ trong câu 5 Sáng Thế đoạn 1 “Đức Chúa Trời “đặt tên” sự sáng là ngày; sự tối là đêm.” Chúa là Đấng “định nghĩa” (Đặt tên) vạn vật, và con người cũng làm được điều đó. Nên khi học Kinh Thánh cũng nên tìm hiểu một chút ngôn ngữ gốc để hiểu rõ ý nghĩa của câu.
      Bạn có khái niệm rất mơ hồ về “Thượng Đế”. Nếu là người Thiên Chúa Giáo, bạn nên tìm hiểu một cách khái quát về Thượng Đế.

      Còn về Tác Giả Mắt Đời, thật sự rất thú vị(mặc dù không đồng ý) khi đọc bài của tác giả về mặt triết học(tôi đọc rất nhiều và rất mong muốn được đối thoại trực tiếp), nhưng về mặt Thần Học. Khi nói là “Kinh Thánh chưa hẵn là hoàn toàn chính xác 100%”. Thì tiêu chí đánh giá (Criteria) là gì để đi đến kết luận như vậy. Tôi đồng ý là Kinh Thánh không bày tỏ một cách tuyệt đối về Thiên Chúa (theo đinh nghĩa Thiên Chúa phải là vô hạn, con người hữu hạn), nhưng đúng đắn 100% về những điều Chúa muốn bày tỏ thì khả năng rất cao.( Tôi có thể tranh luận về tính tin cậy của Kinh Thánh trong dịp khác). Tôi đồng ý vs tác giả là khi mà xem xét Kinh Thánh chúng ta phải phân biệt được thể loại văn phong của văn bản đó là gì : Lịch Sử, Văn Thơ, Sử Thi (cả lịch sử lẫn văn thơ), ect… để có những bước phân tích thỏa đáng.
      Mình cũng không đồng ý với Mắt Đời khi nói là Khoa hoc không thể chưng minh sự tồn tại của Thượng Đế. Tôi tin điều ngược lại, tạp chí “Wall Street Journal” có bài viết của tác giả Eric Metaxas với tựa đề “Science increasingly makes case for God” bài viết này dc nhiu lượt “Like” và “Share” nhất trong lịch sử của tòa soạn. tôi có dịch bài viết ra Tiếng Việt, nếu muốn đọc thì tôi sẽ chia sẽ email tôi sẽ gửi cho. hoặc là kiếm mua sách “Ngôn Ngữ Của Chúa” của nhà di truyền học Francis Collins, một nhà khoa học đương đại đã thay đổi ngành ý tế khi công bố bản đồ gen người hoàn chỉnh. Có sách tiếng Việt, trong quyển sách đó tác giả sẽ nêu lên những lí luận khoa học chứng minh sư tồn tại của Thượng Đế( vũ trụ học, di truyền học).

      • Chào bạn,

        Mình đọc Kinh thánh thấy chép rằng, Adam xin Chúa cho có bạn và Chúa đáp ứng yêu cầu. Có thể mình nhớ sai chi tiết này và việc này dù có nhiều nghi vấn nhưng như mình đã nói, mình đã suy ngẫm để đi đến lựa chọn là tin vào Đấng sáng tạo.

        Cách bạn lý giải về trái cấm là mới với mình. Đạo đức hay thiện-ác là những khái niệm mù mờ nên người ta có thể lý giải từ ác ra thiện và ngược lại. Đạo đức của con người không cố định mà biến đổi theo thời gian, vậy đạo đức nào mới là chuẩn? Bạn dựa vào đâu để xác định một vấn đề là thiện hay ác, là đạo đức hay không? Mọi xét đoán của ta đều qua thang tham chiếu, nó được hình thành và thay đổi theo 2 cách phổ biến
        1) Cái mà xã hội, gia đình cấy vào não ta từ khi lọt lòng cho đến hôm nay. Mình gọi nó là cảm tính, định kiến hay duy tình.
        2) Cái mà ta tự đánh giá lại dựa trên khả năng suy luận và kiểm chứng tự nhiên-xã hội, so sánh với cái được cài đặt. Kết quả của sự so sánh sàng lọc đó cho ta thang tham chiếu của ta và nó luôn thay đổi khi có thêm thông tin, dữ kiện mới. Mình gọi đó là duy lý.

        Cách hiểu của bạn, mình cũng đã từng hiểu như vậy và mình đã thay đổi. Chúa cho con người trí tuệ và tự do và con người cần vận dụng trí tuệ để tìm hiểu và tự trị bản thân. Mình đọc Kinh Thánh thấy phần lớn lời chép là Chúa không buộc tội con người vì sai lầm của họ mà Ngài trách họ không biết sử dụng trí tuệ để nhận ra sai lầm. Mình không cho rằng Chúa giăng bẫy “trái cấm” đối với con người như cách bạn lý giải.

        Trong Kinh Thánh đoạn viết về ông TOMA, mình suy ngẫm rất nhiều. Ông là môn đệ Chúa Jesus và sống cùng Ngài còn hồ nghi và đòi hỏi bằng chứng, và Chúa đã cho Ông xem bằng chứng như cách Ông muốn và câu nói “Phúc cho những ai không thấy mà tin” được đưa ra trong bối cảnh này
        + Mình nghĩ Chúa Jesus muốn chúng ta sử dụng trí tuệ làm rõ nhưng đừng ưa ngạnh-cố chấp khi những dấu chỉ ta hoài nghi được giải đáp. Nhiều người nhắc câu nói trên nhưng bỏ qua bối cảnh này, vô tình hay cố ý? Tại sao?
        + Có thể Chúa Jesus đã lường trước người đời mượn câu nói của Ngài lừa đảo nên mới gắn câu nói đó trong bối cảnh trên. Mình chọn thà chậm tin còn hơn là tin lầm.

        Trong chủ đề đang thảo luận, không ai trong chúng ta là Chúa và do vậy đánh giá đúng-sai là có phần ngạo mạn. Sự hiểu biết của loài người còn quá nhỏ để trả lời câu hỏi “Thượng đế có tồn tại?”. Nhiều người lợi dụng việc này mà tung hỏa mù, hoặc cố phủ nhận hoặc xác thực và sự bịa đặt hay cố chấp nào rồi cũng tan chảy dưới “sánh sáng trí tuệ” trừ sự thật.

        • Cám ơn vì đã thảo luận vấn đề với mình. Mình đã đọc bài này rất kĩ lưỡng và cũng có môt vài ý kiến.
          Thứ 1, Bàn về vấn đề tự do, đây là vấn đề được tranh luận và bàn tán rất nhiều bởi Khoa Học, Triết Học và thần học. Nên mình bạn nói đúng là so sánh giữa người này với người kia, thì mình cũng chưa đủ tri thức để nói mình đúng, đó là lí do mình nói là mình nêu lên quan điểm của mình, và chỉ thảo luận và bảo vệ quan điểm của mình, và qua đó có thể học hỏi thêm.
          Quan điểm của mình về tự do như sau:
          Tự do là phạm trù đạo đức, bởi vì ở trong thế giới vậy lý này, bạn có các định luật tự nhiên quyết định các mối quan hệ nhân quả của vũ trụ. Do đó, khi nói về Tự Do, bạn phải thảo luận nó trong khuôn khổ Đạo Đức, đó mình nghĩ chính xác đó là điều Thiên Chúa muốn con người nhận biết khi Chúa cấm con người ăn trái Thiện-Ác. mình tóm gọn như vậy “Làm bất kì cái gì bạn muốn (Ăn tất cả trái cây trong vườn), đừng lộn xộn với Luật Thiện-Ác( Trái Thiện-Ác)”. nhưng ngay cả khi Chúa cấm con người ăn trái đó, nhưng Chúa vẫn cho con người tự quyết định (tự do), nhưng khi bạn phá vỡ đạo đức, bạn đã phá vỡ ranh giới của tự do (Tự Do trong khuôn khổ Đạo Đức), mình gọi là tội lỗi.
          Nhưng bạn nói đúng, nếu như có điều thiện-ác thì phải có tiêu chuẩn đánh giá để xác định.
          thứ 1, Mình đồng ý với 2 quan điểm mà bạn đưa ra, đó là đạo đức mang có những thay đổi tùy thuộc vào nền Văn Hóa, Thời Đại, Địa Lý. Và đôi khi mình đánh giá Thiện-Ác dựa trên cái mình được cài đặt.
          Nhưng không có nghĩa là Đạo Đức không có giá trị tuyệt đối.
          ví dụ từ lịch sử:
          Hành động giết hàng triệu người Do thái của Hitler có phải là tuyệt đối ác hay không ? Bạn có nghĩ là có bất kì lý do nào để Hitler có thể biện hộ cho hành động cùa mình ? Bạn nhớ điều này, nếu chiếu theo luật pháp của Đức tại thời điểm đó, thì hành động của Hitler là hoàn toàn hợp pháp. Vậy nếu Đạo Đức không vượt một nền Văn hóa nào đó thì mình không có quyền lên án Hitler sai.
          Tôi tin vào giá trị tuyệt đối của Đạo Đức. và tôi gợi ý “10 Điều Răn” là giá trị tuyệt đối.
          thứ 2, Giải pháp của mình để tránh việc bị cài đặt là “Không bao giờ tin vào điều gì khi mà chưa thuyết phục lí trí của mình”, nhưng mà có những niềm tin mình gọi là “Niềm Tin căn bản”, nó hơi phức tạp xíu, cái này được triết gia mà mình rất kinh trọng Alvin Plantinga lí luận,
          Nghĩa là có những niềm tin căn bản, mà không có những tập hợp Niềm Tin đó thì không thể làm tồn tại được.
          ví dụ trong Khoa Học.
          Các nhà Khoa Học phải tin vào :
          1, Tốc độ ánh sáng không thay đổi trong không gian và thời gian
          2, Các định luật vật lý (chẳng hạn như lực hấp dẫn) không thay đổi ngày này sang ngày khác, ở vị trí này hay vị trí khác.
          v.v…. có rất nhiều cái mà bạn phải “cho là đúng” mà không cần chứng minh
          và trên hết là, bạn phải tin rằng bộ não của bạn đang phản ánh thực tại, và mọi thứ xung quang bạn không phải chỉ là ảo ảnh.

          Còn trong phân đoạn Kinh Thánh mà bạn nói ” Phước cho ai không thấy mà tin”, đúng là nhiều người lạm dụng câu này khi mà bỏ qua bối cảnh mà Chúa nói. Biến Đức Tin thành cái gì đó mù quáng, mình rất lên án khái niệm đó, vì nó biến niềm tin của hàng tỷ người trở thành mù quáng. Nếu bạn đọc các sách Phúc Âm của ông Gio-an, hay đọc thư tín của ông. Bạn sẽ thấy mối quan hệ giữa Thông hiểu và Niềm Tin là không thể tách rời, vấn đề là bạn không thể thông hiểu tất cả bởi con người bị giới hạn, đó là lí do tôi tin khi mà “đủ” bằng chứng để tin. (Đủ ở đây tùy thuộc vào mỗi người, có nhiều người họ tin rất dễ dàng, có những người có nhân tố nghi ngờ như ông TOMA, Chúa biết như thế nào là đủ).
          Còn về bối cảnh câu Kinh Thánh đó là nói về Sự Kiện Phục Sinh, chúng ta không thấy thân xác Chúa sau khi sống lại như ông TOMA, nhưng chúng ta tin là Chúa Giê-xu Sống Lại, tôi nghiên cứu khá tường tận về sự kiện này nên có thể nói là chúng ta có đủ bằng chứng lịch sử để tin vào sự kiện Phục Sinh mà không cần phải thấy Chúa sống lại trực tiếp như ông TOMA. Mình hiểu câu Kinh Thánh trên như vậy.
          Rất vui vì được thảo luận với bạn.

          • Chào bạn,

            Bạn định nghĩa tự do gắn với đạo đức, cách định nghĩa này là định nghĩa khái niệm chồng khái niệm, nó không làm sáng tỏ vấn đề mà khiến nó thêm mù mờ. Tự do, là được toàn quyền làm trong việc gì đó mà nó không ảnh hưởng đến người khác-sinh vật khác, trường hợp ảnh hưởng bạn ra luật thì để đối phương có quyền chọn (hiểu nôm na là nếu bạn không sòng phẳng thì lợi thế bạn đặt ra, đối phương hưởng và bạn là nạn nhân của chính mình; hay nói cách khác bạn đặt luật gian lận thì người khác hưởng sự gian lận của bạn). Dưới góc nhìn này, ta xét các thí dụ bạn đã nêu:

            + Hành động giết dân Do Thái của Hittle, ông ta có đồng ý luật ông ta đặt ra áp dụng cho ông ta và dân Đức thời đó? không! Luật đó áp dụng cho kẻ khác, không phải cho ông và dân Đức dù các dân tộc sống dưới vòm trời và sống trên quả địa cầu. Nếu áp dụng luật đó thì cá nhân, dân tộc nào cũng có thể đặt luật và diệt chủng cá nhân, dân tộc khác.

            + 10 điều răn, trừ với Thiên Chúa, đương nhiên ta phải tuân thủ vì không ai muốn làm nạn nhân cả. Sự đạo đức giả hiệu là chỉ đưa ra 1/2 sự thật, trường hợp người khác làm những điều trên với ta bằng mọi phương cách họ có thể, vậy ta nên hành xử ra sao? Câm nín hay phản kháng và phản kháng tới mức nào? Sòng phẳng là dùng luật của họ cho chính họ.
            Thí dụ:
            – Một người nào đó muốn tài sản của bạn và tìm đủ cách để đoạt sự sống của bạn, bạn thoát khỏi vòng nguy hiểm và bạn sẽ trốn đi hay sẽ đối mặt, khi bạn đối mặt và giết người đó, đạo đức áp dụng trong trường hợp này ra sao? Đứng ở góc nhìn của bạn, của người kia và của người ngoài (dư luận)? Ai sẽ duy lý để hiểu tường tận quá trình, ai sẽ dựa vào kết quả để kết án?
            – Trở lại với điển tích xưa mà ta đã từng nghe, Oan Thị kính, trường hợp với Thị Mầu? Thị Kính không bị oan vì Thị Kính hoàn toàn có thể chứng minh bản thân là nữ nhưng TK không làm, đó là thiện? Sự tiếp tay của Thị Kính cho cái ác, cho sự bao che tôi ác của Thị Mầu có tạo điều kiện cho người khác dùng phương cách của Thị Mầu cho đến khi có ai đó phản kháng và số lượng nạn nhân đong đếm được? Sự dung túng cho việc thiếu trách nhiệm của người nam gây nên cái thai và phủi bỏ, để người nữ phải chịu, sao không lên án cái hèn của những kẻ tự cho họ là trượng phu? Bao nhiêu người nữ khác là nạn nhân của những trường hợp tương tự? Ngậm miệng để chết cũng là chết, kháng lại để tố cáo tội ác có thể chưa chắc đã chết nhưng cảnh tỉnh để cái ác bớt hoành hành nhưng tại sao TK lại không làm?

            + Các quy luật khi chưa thể chứng nghiệm được xây dựng trên các tiền đề và các tiền đề đổ thì quy luật đổ, các quy luật đó xây dựng trên suy luận có thể. Cái bạn nói về niềm tin của khoa học không đúng bản chất của nó. Người ta tin theo các tiền đề để giải quyết các vấn đề khác và khi người ta thành công thì độ khả tín vào tiền đề càng cao hơn.

            Mình tìm hiểu và làm rõ, mình không bàn về sự lựa chọn và mình tôn trọng mọi sự lựa chọn của mọi người miễn là nó không ảnh hưởng trực tiếp/ gián tiếp đến mình.

          • Chào bạn,
            những điều bạn vừa viết trên là đồng tình với mình, nên ko hiểu bạn k đồng ý điều gì ??
            vi dụ : mình nói tự do là phạm trù đạo đức nên nó phải nằm trong khuôn khổ đạo đức !!
            bạn nói là ” Tự do, là được toàn quyền làm trong việc gì đó mà nó không ảnh hưởng đến người khác-sinh vật khác”. “không ảnh hưởng đến người khác-sinh vật khác” là khuôn khổ đạo đức đó bạn ( Đạo đức nói nôm na là hành xử giữa người vs người và người với vật )
            về Khoa Học cũng vậy, mình cũng k hiểu bạn phản đối lí luận nào của mình. Bạn nói cũng họ tin vào tiền đề để giải quyết vấn đề khác, đó là cái mình noi đó, ý mình là mọi thứ đều xuất phát từ niềm tin, nhưng niềm tin đó sẽ được duy trì hay bãi bỏ là do bằng chứng, và điều đó cũng đúng vs Khoa học. mọi thứ đều xuất phat từ niềm tin.
            Mình rất hào hứng với chủ đề Tôn Giáo – Khoa Học, nên nếu dc thì mình mình muốn kết nối với bạn trên fb. email của mình bạn add vào nhak, 2timothy167@gmail.com

          • Chào bạn,

            Mình tôn trọng quyền của mọi loài đã được tạo hóa ban tặng, trong các quyền đó có quyền sinh tồn và phát triển. Từ “ảnh hưởng” mình dùng trong định nghĩa về tự do đã nêu là nói đến sự tác động có thể làm mất đi hai quyền cơ bản này của mỗi loài. Vì chúng ta sống chung ở trái đất và loài người được biết đến là sinh vật có trí tuệ hơn nên giữ chức năng điều tiết và mang trong mình trách nhiệm là sự tự trị. Con người hiện nay đang bành trướng, đe dọa và thậm chí đã lấy đi quyền phát triển của không ít loài khác. Không phải con người nào cũng có ý thức tự trị để chung sống với nhau dưới vòng trời này khi chưa thể thoát ra.

            Về thư bạn, mình làm rõ vài ý
            1) Đạo đức, bạn nói bao gồm một phần mình nêu được bạn đã trích dẫn, phần đó chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong muôn loài, phần hành động gây ảnh hưởng đến sinh vật khác mới chiếm đa số và con người giữ chức năng điều tiết, đặt ra luật nhưng không phải ai cũng chấp nhận tuân thủ luật chơi, thậm chí luận chơi do chính họ đặt ra. Như vậy, cách hiểu của mình rõ ràng là khác với bạn. Luật chơi, mình chọn là sòng phẳng và minh bạch.
            2) Niềm tin theo cách bạn viết là khái niệm bao trùm lên tất cả và với ý nghĩa như vậy thì nó luôn đúng. Niềm tin, mình dùng mang nghĩa hẹp hơn. Niềm tin được xem là sự chấp nhận như là một giả thuyết có thể để tìm hiểu và làm rõ. Nó như là việc chọn hướng rồi hành động theo hướng đã chọn. Niềm tin của mình, bạn xem giúp mình ở phần mình trao đổi cùng Mắt đời, vì đã nói trên diễn đàn này nên mình không tiện lặp lại.

            Mình trân trọng và cảm ơn nhã ý của bạn đã cho mình một chỗ trong “danh mục” của bạn. Mình ít lên facebook nên sẽ đăng nhập và thực hiện các thao tác cần thiết sau. Mình trao đổi với mục tiêu tìm hiểu và làm rõ trong khả năng nhận thức của bản thân.

          • Thời gian gần đây mình hơi bận, mình dự định mở một nhóm kín trên fb, và mình mong là bạn tham gia, nếu bạn tham gia thì hiện tại được 3 người. mình, bạn và một bạn nữa. Chúng ta có thể thảo luận về nhiều vấn đề trong cuộc sống như xh, vấn đề tâm linh và cả về con đường lên sự tiến hóa. tương lai có thể thêm người nhưng ít nhất phải có một chính kiến rõ ràng như tôi hoặc bạn. Rất mong nhận được hồi âm của bạn. fb mình là Mắt Đời. https://www.facebook.com/matdoi2015

          • Chào bạn,

            Cảm ơn bạn đã chiếu cố nhưng thời gian này mình chưa thể tham gia được. Mình thích đọc và suy ngẫm. Mình đang chuyển công việc và tiến triển không suông sẻ như kỳ vọng nên khi nào sắp xếp ổn và cửa còn rộng mở, mình sẽ chia sẻ góc nhìn của cá nhân mình về các vấn đề cuộc sống, tâm linh. Một lần nữa cảm ơn bạn về lời mời.

            Xin lỗi vì hồi âm trễ. Tư tưởng dẫn hướng hành động, chúc bạn sớm gặp được những kỳ vọng của bạn.

            Trân trọng,

          • Rất cảm ơn vì bạn đã hồi âm. Tôi nghĩ đến chuyện tạo ra một nhóm để thảo luận vì thấy rằng để gặp được người có thể cùng thảo luận về một vấn đề gì đó trong cuộc sống là rất khó. Nhưng nếu bạn chưa có thời gian thì chúng ta hẹn lại khi khác. Chúc bạn được suông sẻ trong công việc.

  2. Bạn thử đọc cuốn “hành trình về phương đông” là xong, tôi đã đi tìm rất lâu, đọc quá nhiều sách mới tìm ra quyển này, khi đọc quyển sách này thì tôi mới bật ngửa ra, những câu hỏi mà tôi đặt ra như “sống để làm gì”, “tự do, hạnh phúc, thành công là gì”, “bản chất của con người, của xã hội là gì” “vì sao tôi và mọi người lại cư xử như vậy” đã được trả lời từ hàng ngàn năm trước, cuốn sách này được đưa lên vn thư quán năm 2003 mà đến năm 2014 tôi mới tìm ra nó! Hi vọng là sau khi đọc xong cuốn sách này bạn sẽ thay đổi cách viết của mình!

  3. Ở Mỹ một đứa bé 7-9 tuổi nó có thể hiểu khi bị mẹ-cha đánh quá đau em có thể gọi cảnh sát đến để mẹ em phải dừng lại,hay là ngày hôm sau khi em đến trường và cô giáo của em đã gọi cảnh sát khi thấy trên cánh tay của em có những vết bầm tím sau khi cô vặn hỏi.Tại sao luật pháp và xã hội Mỹ lại muốn các em làm như thế?Các nhà giáo dục và nước Mỹ đã nghĩ thế nào?họ có nghĩ người mẹ sẽ đau khổ lắm không khi thấy đứa con mình yêu thương lại làm ra những điều bất hiếu như vậy?Đó là chuyện của người mẹ,không phải của họ..vấn đề của họ là xã hội họ không chấp nhận bạo hành.
    Sự phát triển của em về quyền con người bắt đầu từ đó còn vấn đề đạo đức và hiếu thảo khoan hãy nói đến vì các nhà giáo dục Mỹ chắc họ biết ở khoảng tuổi đó hiếu thảo là những gì các em chưa cảm nhận được bằng sự sợ hải.
    Đến khi các em 15 tuổi các em đã hiểu chung quanh các em là một xã hội có nhiều con người cùng chung sống với nhau,làm nhiều việc khác nhau có việc dễ có việc khó có việc ít tiền có việc nhiều tiền,và đương nhiên cũng có rất nhiều tranh chấp và luôn cả những nóng giận bộc phát.
    Nước Mỹ có quá nhiều quyền tự do và mọi sự tự do đều được pháp luật bảo vệ,như vậy thì nước Mỹ sẽ bảo vệ quyền tự do nào ưu tiên hơn?quyền sở hữu vũ khí hay quyền được tự vệ?khi vũ khí đó là một khẩu P38 6 viên nòng xoay mà em sẽ mua khi em đủ 21 tuổi thí dụ,và nó sẽ dùng để làm gì khi em bất chợt bị một người lạ hăm dọa tấn công khi em vô tình khiến hắn nổi giận với em với một điều gì đó,em sẽ bắn hắn ta ngay để tự vệ hay em sẽ gọi cảnh sát để yêu cầu giúp đở?
    Đến lúc này thì em mới thấy sự tự vệ của em đầu tiên là luật pháp tức vị cảnh sát mà em đã từng gọi khi em con bé nó sẽ có tác dụng gì?em không biết chắc nhưng trước tiên em cần phải gọi trước để tránh đi một cuộc đổ máu có thể đi đến án mạng bởi em và hắn ta cả 2 đều có vũ khí trong tay.
    Nước Mỹ là một nước đặt nặng đến nhân bản và tâm tính của con người,tất cả quy định của họ thường dựa vào những điều tự nhiên này,nếu không chỉ bảo các em hãy đặt niềm tin vào luật pháp để tự bảo vệ thì khi các em bị bức xúc khi bị hành hạ đau đớn khi còn bé mà các em không có một điểm tựa ở luật pháp để bảo vệ được mình,thì khi lớn lên các em sẽ có thể phải dùng vũ khí một cách không cân nhắc để giải quyết vấn đề,thì đối với xã hội Mỹ nó là một tai họa hay không?đó là chưa nói đến các em sẽ ngang nhiên không tôn trọng người khác mà sẳn sàng tấn công một ai khi các em không thích,nó giống như VN nhiều trường hợp đổ máu mà chẳng có ý nghĩa gì chỉ vì một cái nhìn “đểu” mà thôi.
    Nước mỹ ngoài sự tự do mà họ luôn đề cao,song song đó nước Mỹ còn chăm lo đến sự phát triển trí tuệ các em từ lúc bé để các em hiểu sự tự do của các em sẽ phải bị ngăn chận nếu em sữ dụng nó không đúng cách với quyền một con người đối với một con người.Cho đến bây giờ nước Mỹ có đến 800 triệu khẩu súng mà người dân Mỹ họ đang sở hữu nhưng người ta rất ít thấy người Mỹ dể dàng nã đạn vào nhau vì một lí do gì.
    Đó là một phương pháp điều hành xã hội không tồi,khi xã hội Mỹ không cẩn thận đối với các em khi còn là một đứa bé vẫn còn đang sống với mẹ cha.Nước Mỹ họ tự biết quyền sở hữu vũ khí của người dân không thể tước đoạt được,nếu muốn có một xã hội an bình họ cần phải bảo vệ sự tự do đồng đều cho mọi con người và cần phải phát triển nhận thức đứng đắn cho các em ngay khi em còn tấm bé.Đó mới chỉ là một mặt của vấn đề phát triển con người trong vấn đề luật pháp,ngoài ra nước Mỹ còn có nhiều việc nữa phải làm,khi các em đến tuổi trưởng thành để giử được những thành quả mà họ đã kiến tạo nên từ bấy lâu nay,đó là vị trí của một siêu cường.
    Nhút nhát như VN có lẽ sẽ không thể nào trở thành một quốc gia hùng mạnh như Mỹ hay gần như Mỹ được,thả cho tất cả mọi việc đều có thể tự do phát triển về khoa học kinh tế giáo dục nghệ thuật.v.v..và tìm phương pháp để chế ngự nó ở một lãnh vực nào cần nên chế ngự để bảo đảm mọi quyền tự do khác không bị xâm phạm quả thật không thể dễ làm,ngoài việc phát triển trình độ nhận thức con người ngoài ra chắc họ nước Mỹ không còn làm gì hơn được.

    • Cảm ơn vì những phân tích rất bổ ích của bạn. Phát triển trình độ nhận thức quả thực chính xác là ưu tiên hàng đầu. Trình độ nhận thức hầu như quyết định tất cả các phương diện trong đời sống con người, nó thúc đẩy mọi thứ phát triển.
      Về sự hèn nhát của VN, cũng không đơn thuần là sự hèn nhát, những gì đang diễn ra gắn liền với lợi ích. Cái lợi ích này lại gắn liền với trình độ nhận thức của những người nắm giữ những lợi ích đó. Trình độ nhận thức cao hay thấp quyết định lợi ích mà người ta mong muốn là lợi ích cá nhân hay tập thể, lợi ích trước mắt hay lâu dài. Không phải là không biết phân biệt, không phải là không nhìn ra, chỉ là cái ngưỡng cửa của nhận thức chưa đạt tới. Chính vì thế VN cứ dậm chân tại chỗ, mà càng lâu dài thì con người càng u mê và khó thoát ra.

  4. Cánh cửa tự do Internet đang mở rộng không ai có thể ngăn chúng ta học hay phát triển điều mình muốn. Nhưng bây giờ rất ít người hướng đến sự tự do hay sáng tạo tất cả chỉ mong một sự ổn định bình bình cho đến già. Họ chấp nhận sự bó buộc để được ổn định. Đâu ai cấm chúng ta học tập, phát triển hay sáng tạo đâu

    • Tự do Internet sẽ mang lại lợi ích rất thấp nếu trong cuộc sống thực con người ra bị áp đặt, bị định hướng, không có tự do tư tưởng và tự do phát biểu. Bản tính con người khi khởi đầu là một tờ giấy trắng, những gì vẽ lên đầu tiên trên tờ giấy trắng đó sẽ theo họ suốt cả cuộc đời. Mang đến cái tự do đó là trách nhiệm của những người đi trước, của gia đình, của nhà trường và của xã hội. Nhưng nếu những con người hay tổ chức có trách nhiệm đó hướng dẫn con người (khi là tờ giấy trắng) theo một hướng nào đó thì hầu như đa số sẽ đi theo hướng đó suốt cả cuộc đời dù sau này có đôi khi cuộc sống mở ra cho họ những hướng đi khác. Cái suy nghĩ tích cực hay bình bình không phải tự nhiên mà có, chúng được hình thành từ sự dạy bảo.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI