16 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Định mệnh của Việt Nam – Phần I

Featured image: A. Wee

 

Dạo gần đây thấy rất nhiều bạn bàn luận về chính trị, nhưng bản thân tự thấy lại chưa có một bài viết chất lượng nào về tình hình và các góc nhìn đầy đủ về Việt Nam. Hôm nay mình xin giới thiệu một cuốn sách được viết bởi người Mỹ, nhưng lại hàm chứa đầy đủ và có những cái nhìn rất chính xác về vị trí và tình hình của Việt Nam hiện tại. Các bạn trẻ nếu có ý muốn thay đổi, nếu có ý muốn làm chính trị thì trước hết hãy trang bị cho mình những kiến thức căn bản cần biết. Đây là một trong những tài liệu quý giá nên được đọc và nghiên cứu.

Quyển sách Chảo dầu tại Châu Á – Biển Đông và sự kết thúc của một Thái Bình Dương ổn định (Asia’s Caudron – The South China Sea and the End of a Stable Pacific) của ông xuất bản đầu năm 2014.  Sách gồm 8 chương, trong đó tác giả dành riêng Chương III để đề cập đến Việt Nam, mối quan hệ lịch sử với Trung Quốc và những nhìn nhận của người Việt Nam về mối quan hệ đó, về mối đe dọa của một Trung Hoa đang tìm cách khuynh loát cán cân quyền lực trong khu vực và đặc biệt  về quan điểm bảo vệ chủ quyền Biển Đông, bảo vệ nền tự chủ quốc gia của Việt Nam.

Xin được giới thiệu phần dịch của chương nói về Việt Nam.

Người dịch: Trà Điêu từ Blog Xuyên Sơn

Chương III

Định mệnh của Việt Nam

Ảnh hưởng của Hà Nội là đáng để suy nghĩ: Những gì thủ đô của Việt Nam đạt được tại thời điểm, tự thân nó là tiến trình của lịch sử. Tôi không hàm ý là lịch sử đơn thuần đã là một định mệnh nào đó, đã được xác định trước do vị trí địa lý, hình thành nên các triều đại và các cuộc nổi dậy kế tiếp nhau, tuy nhiên lịch sử là tổng hòa của các hành động dũng cảm đơn lẻ và những toan tính không ngừng nghỉ. Những bản đồ, đồ họa và một số lớn bia đá tại Bảo tàng Lịch sử đã dành để kỷ niệm cho những cuộc kháng chiến gian nan của Việt Nam chống lại các triều đại Tống, Minh và Thanh của Trung Hoa vào các thế kỷ XI, XV và XVIII: cho dù Việt Nam đã từng bị sát nhập vào Trung Hoa cho đến thế kỷ X, đặc tính chia tách về mặt chính trị với đế chế Trung Hoa (Middle Kingdom) từ lâu đã là một điều kỳ diệu mà không lý luận nào trong quá khứ có thể biện giải đầy đủ.

Một số nhiều hơn các bia dựng từ hậu bán thế kỷ XV ở Văn miếu, đã sâu sắc ghi giữ lại tên tuổi và đóng góp của tám mươi hai học giả tiền nhân, vượt lên trên sự lãng quên. Trên thực tế, đó là một ấn tượng đặc biệt về hình dung lịch sử của Việt Nam. Sự thâm trầm và náo nhiệt của Đền Ngọc Sơn (xây dựng để ghi nhớ chiến thắng trước nhà Nguyên Trung Hoa vào thế kỷ XIII), với bức tượng Phật uy nghi sơn son thếp vàng mờ trong khói trầm, bao quanh bởi một hồ nước mờ sương và rậm lá, là sự dọn chỗ về mặt tâm linh cho một ngôi lăng Hồ Chí Minh chân phương hơn. Hồ, một trong những nhân vật nhược tiểu vĩ đại của thế kỷ XX, và là một trong những nhà thực dụng vĩ đại nhất lịch sử, đã hợp nhất chủ nghĩa Mác, tư tưởng Khổng giáo và tinh thần quốc gia vào chung thành một thứ vũ khí chống lại người Trung Quốc, người Pháp và người Mỹ; là nền tảng thành công trong các cuộc kháng chiến của Việt Nam chống lại ba đế quốc mang tầm vóc toàn cầu. Tượng mạ vàng như Phật của ông được đặt khắp các phòng hội nghị tại thủ đô này.  Lăng của ông ta nhô cao giữa những ngôi nhà và nhà thờ kiểu Âu châu đã xưa hàng thế kỷ, nơi từng là đầu não chính trị của Đông Dương thuộc Pháp, một xứ phụ thuộc không chắc chắn mà Paris đã cố sức và quyết liệt nắm lại sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, dẫn đến cuộc chiến tranh chống lại người Việt mà đỉnh điểm của nó là một sự kiện quá bẽ bàng cho người Pháp: Trận Điện Biên Phủ năm 1954.

Đông Dương thuộc Pháp bao gồm cà Lào và Campuchia, nhưng với chỉ Hà Nội là đầu não chính trị và Sài Gòn là thủ phủ thương mại. Việt Nam đã thống trị Đông Dương, nói cách khác, điều đó đã dẫn đến chỗ các lực lượng Thái và Khơ me đôi khi có các mối liên kết ít ỏi với Trung Hoa để chống lại sức mạnh của Việt Nam. Trên thực tế, khi mà Hoa Kỳ bảo hộ cho một Nam Việt Nam độc lập chống lại Phía Bắc cộng sản, thì sự thống nhất của Việt Nam dưới chế độ cộng sản và thất bại của người Mỹ đã minh họa cho một mối đe dọa lớn hơn rất nhiều cho Trung Hoa hơn là cho Hoa Kỳ. Đó là một dấu ấn cho động lực Việt Nam trong khu vực.

Bên dưới những công trình kiến trúc kiểu Pháp là cuộc đấu tranh mới nhất mang tính sử thi chống lại định mệnh của lịch sử: những khu phố thương mại Hà Nội ồn ào náo nhiệt, với hàng đoàn xe máy – người lái ô tô ngồi nhắn tin điện thoại di động khi tắc đường – những mặt tiền mới đầy vẻ hiện đại chen lấn với những gian hàng cũ kỹ ngay kế bên. Đó là cái không gian mua bán tiền tư bản, với hàng cà phê khắp nơi – mỗi hàng là một kiểu cách và bài trí riêng biệt – cung cấp những món cà phê thuộc hàng ngon nhất thế giới, và vẫn chưa có Starbucks hiện diện ở đây. Hà Nội, với bề dày lịch sử của nó, lại không có những bảo tàng ngoài trời như những thành phố lớn tại Châu Âu. Nó vẫn còn trong một tiến trình vụng về để trở thành, và vẫn gần gũi với sự hỗn loạn rối rắm của Ấn Độ hơn là sự cằn cỗi khó gần của Singapore. Người Việt Nam đang dò dẫm tìm hướng đi vào thế giới hiện đại, vì lợi ích đầy hứa hẹn của bản thân họ và gia đình, nhưng cũng phải làm sao để bảo toàn sự độc lập của mình trước một Trung Hoa cũng có động lực ngang bằng.

Hà Nội, như từ thời cổ xưa, là một thành phố đầu não của những tính toán chính trị: sự nổi lên thời gian gần đây của thành phần trung lưu đầy tiềm năng – nước đông dân thứ mười ba thế giới – với một bờ biển dài ngay tại ngã tư đường của nhiều tuyến hàng hài quan trọng và gần với những nguồn năng lượng dự trữ ngoài khơi. Việt Nam là “vai diễn chính” của Đông Nam Á trong cuộc tranh chấp tại Biển Đông, đã tuyên bố chủ quyền của mình đối với cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, “trên cơ sở cứ liệu lịch sử có ít nhất là từ thế kỷ XVII”, theo các nhà nghiên cứu Clive Scholfield và Ian Storey.  “Nếu Trung Quốc cản trở được Việt Nam, họ sẽ chiếm được Biển Đông,” một quan chức cấp cao chính phủ Hoa Kỳ nói với tôi như vậy. “Malaysia đã buông tay, Brunei đã giải quyết những vấn đề của họ với Trung Quốc, Indonesia không xác định rõ ràng lập trường của mình trong vấn đề này, Philippines không có nhiều lá bài để đi ngoại trừ những phản ứng quyết liệt và tuyên bố kích động, Singapore có khả năng nhưng quy mô lại nhỏ bé”.

Tất cả đổ dồn lên Việt Nam, nói một cách khác

Bước đi của Việt Nam tại thời khắc này đang là những bước đi chậm. Ngô Quang Xuân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, đã nói với tôi trong một cuộc trao đổi kéo dài nhiều tuần lễ, rằng, năm tháng mang tính then chốt đối với nước Việt Nam mới không phải là năm 1975, khi Nam Việt Nam bị Miền Bắc cộng sản thôn tính; mà là năm 1995; khi quan hệ được bình thường hóa với Hoa Kỳ và cũng là khi Việt Nam gia nhập ASEAN, và bước vào một thỏa ước “khung” với Liên minh Châu Âu. “Chúng tôi hội nhập với thế giới, nói một cách khác.” Ông thừa nhận rằng trước khi đi đến những quyết định đó, “chúng tôi đã có những cuộc tranh luận quyết liệt trong nội bộ.” Sự thật là, cho dù liên tiếp chiến thắng trước người Pháp và người Mỹ, những người cộng sản Việt Nam, như những viên chức của họ giải thích với tôi trong một loạt những cuộc trao đổi kéo dài nhiều tuần, thì sau đó họ vẫn tiếp tục cảm thấy thua kém.

Hãy ghi nhận: Việt Nam đã tiến chiếm Cambodia vào năm 1978, giải phóng đất nước này thoát khỏi cơn điên diệt chủng dưới chế độ Khơ-me Đỏ của Pol Pot. Cho dù cuộc tiến chiếm là một hành động mang tính hiện thực chủ nghĩa thật lạnh lùng – do Khơ-me Đỏ thân Trung Quốc đã đại diện cho sự de dọa mang tính chiến lược đối với Việt Nam – thì những hệ quả của nó lại mang tính nhân bản tích cực rộng lớn và sâu sắc. Tuy nhiên, chính vì hành động mấu chốt mang tính nhân từ đó mà Việt Nam thân Liên Xô đã bị cấm vận bởi một liên minh thân Trung Quốc bao gồm cả Hoa Kỳ, mà kể từ chuyến đi của Tổng thống Nixon năm 1972 đến Trung Quốc, đã ngả về hướng Bắc Kinh. Năm 1979, Trung Quốc chính họ cũng đã xâm lấn Việt Nam, nhằm giữ chân không cho Việt Nam tiến quân vượt qua Cambodia vào Thái Lan. Trong khi đó, Liên bang Xô viết đã không bước đến trợ giúp cho đất nước nằm trong tầm ảnh hưởng của mình ở Hà Nội. Việt Nam đã trơ trọi về mặt ngoại giao, sa vào một vũng lầy tiêu hao sinh lực tại Cambodia, oằn lưng bởi sự đói nghèo cùng cực, chủ yếu do chính sách quân sự hóa. Thăm Hà Nội vào những năm 1970, Thủ tướng Singapore khi đó là Lý Quang Diệu đã viết, ông phát hiện ra rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam là “không thể chịu đựng được”, hãnh diện tự cho họ như là “những người Phổ” ở vùng Đông Nam châu Á. Nhưng sự tự cao, như những nhà lãnh đạo Việt Nam nói với tôi, đã kéo dài không lâu. Qua những lần thiếu thực phẩm nghiêm trọng và sự sụp đổ của Đế chế Xô viết những năm 1989-1991, Việt Nam cuối cùng đã rút quân khỏi Cambodia. Việt Nam đã trở nên không còn bạn bè – chiến thắng người Mỹ đã thành một ký vãng xa xôi. “Cảm giác chiến thắng trong cuộc chiến đó luôn bị lắng xuống vì đã không bao giờ có được sự yên bình,” một nhà ngoại giao Việt Nam giải thích.

“Người Việt Nam không quên về cuộc chiến với Hoa Kỳ những năm 1960-1970,” một nhà ngoại giao Phương Tây nói với tôi. “Huống hồ là, một vài thế hệ người Mỹ vẫn còn nằm trong vũng lầy của thời gian.” Người Việt Nam không quên rằng hai mươi phần trăm đất nước họ không thể ở được hoặc do bom mìn Mỹ còn chưa được rà phá hết; hoặc vì tác động của chất độc màu da cam, không thứ gì có thể sinh sôi được trên phần đất đai đáng kể đó. Có đến ba phần tư người Việt Nam ra đời sau “Kháng chiến chống Mỹ”, như họ gọi – để phân biệt với những cuộc đấu tranh mà họ tiến hành trước và sau đó. Và thậm chí một tỷ lệ người còn nhiều hơn không có bất cứ ký ức gì về cuộc chiến đó.

Các sinh viên và viên chức trẻ tuổi tôi gặp tại Học viện Ngoại giao, một nhánh trực thuộc của Bộ Ngoại giao, còn thoát ra được khỏi cuộc Kháng chiến chống Mỹ hơn là những đứa trẻ của giai đoạn bùng nổ sinh đẻ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Tại một hội trường địa phương – nơi thường diễn ra những cuộc gặp gỡ mà họ dành cho tôi, trên thực tế, họ đã phê phán Hoa Kỳ nhung không có gì liên quan đến chiến tranh. Họ đã bực bội trước việc Hoa Kỳ không hề can thiệp với Trung Quốc vào năm 1990 khi Bắc Kinh đe dọa chủ quyền của Philippines đối với Đá Vành Khăn thuộc Quần đảo Trường Sa tại Biển Đông; và với việc Hoa Kỳ không gắn kết về mặt kinh tế và ngoại giao với Myanmar nhiều hơn trước năm 2011, để có thể ngăn chặn đất nước này trở thành vệ tinh của Bắc Kinh. Một sinh viên tổng kết: “Sức mạnh của Hoa Kỳ là cần thiết cho nền an ninh của thế giới.” Thật vậy, các sinh viên và viên chức kế tiếp nhau sử dụng thuật ngữ “cân bằng sức mạnh [với Trung Quốc]” để miêu tả Hoa Kỳ. “Người Trung Hoa quá mạnh, quá tham vọng,” một nhà nghiên cứu nữ nói, “đó là lý do tại sao Thời Đại Trung Hoa là mối đe dọa to lớn đối với chúng ta.”

Cả Việt Nam và Hoa Kỳ “chia sẻ lợi ích trong việc ngăn ngừa Trung Quốc… có thể thống trị xương sống thương mại hàng hải và gia tăng những đòi hỏi lãnh thổ thông qua con đường cưỡng chiếm,” Giáo sư Carlyle A. Thayer của Học viện Quốc phòng Australia tại Canberra đã nói như vậy. “Việt Nam xem sự hiện diện của Hoa Kỳ như là một rào cản ngăn chặn việc gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc.”

David Lamb, người đã từng theo dõi cuộc chiến những năm 1960 cũng như đã trở lại đây vào những năm 1990 với tư cách phóng viên của Thời báo Los Angeles tại Hà Nội, nói rằng, đơn giản là “Người Việt Nam thích người Mỹ… Họ đã mất ba triệu người [một trong số mười người bị chết hoặc bị thương], đã bị dội lên người 15 triệu tấn đạn dược – gấp hai lần số dội xuống cả Châu Âu và Châu Á trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, và đã phải sống qua một cuộc chiến tranh khiến cho 7 triệu người Nam Việt Nam phải di tản và tàn phá toàn bộ công nghiệp và hạ tầng của Miền Bắc Việt Nam. Vâng,” ông viết tiếp, “họ đã bỏ lại cuộc chiến sau lưng họ theo cái cách mà nhiều người Mỹ đã không thể làm. Bệnh viện của họ đầy những cựu chiến binh với những cơn ác mộng hậu chiến, nhưng họ không có được một tượng đài kỷ niệm quốc gia như kiểu Bức tường Việt Nam tại Washington. Họ không viết sách về chiến tranh. Cựu chiến binh không ngồi quanh vại bia để nói về điều dó. Học sinh học về điều đó chỉ như là vài trang ngắn gọn trong suốt quá trình lịch sử 2500 năm của đất nước họ.

Trên thực tế, do cái cung cách nhạo báng và làm trầm trọng hóa vấn đề mà một vài người Âu châu và các thành viên phe hữu của Hoa Kỳ thể hiện khi đánh giá hàng năm, nước Mỹ đã hoàn toàn vắng bóng tại Việt Nam.  Tóm lược quan điểm chung ở đây, Nguyễn Đức Hùng, cựu Đại sứ tại Canada, đã nói với tôi: “Cũng như Việt Nam đã mở rộng về phương nam hàng thế kỷ để xác định mình như là một quốc gia, người Mỹ cũng tiến về hướng tây – và điều đó không phải vì vàng ở California, mà vì sự tự do.”

 

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

2 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI