20.8 C
Da Lat
Thứ Tư, 24 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Có khi nào bế tắc giữa đường đời?

 Featured Image: BKPaul Hart

 

Giữa đường đời, có khi nào bạn cảm thấy bế tắc trên chính con đường mình đã chọn? Có khi nào nhìn lại, bạn không biết mình đã đi được bao xa, còn bao nhiêu bước nữa phải cố gắng, và bạn đánh mất lý do để bước tiếp? Những lúc như vậy, không ít thì nhiều, chắc chắn đã từng xảy đến với bạn. Không sao, bởi bạn không phải là người duy nhất trải qua điều này. Điều quan trọng hơn chính là cách bạn quyết định vượt qua điều đó như thế nào. Và sự chọn lựa sẽ quyết định cuộc sống của bạn. Vĩ mô hơn, những sự chọn như vậy sẽ quyết định đến sự tương lai của cả một xã hội.

Sự bế tắc trên đường đời và những lối thoát không chỉ là vấn đề của ngày hôm nay. Trong Sa Hành Đoản Ca, Cao Bá Quát cũng diễn tả một vấn đề tương tự qua một hình ảnh rất xác thực: bước đi trên bãi cát. Người lữ khách bước trên bãi cát dài: “Đi một bước như lùi một bước..” Đi mãi, đi mãi, lầm lũi bước không biết đi về đâu. Không phải ai trong đời cũng tìm được cho mình một mục đích sống để phấn đấu. Vậy nhưng cuộc sống vẫn cứ trôi, và con người vẫn phải sống. Vẫn cứ lầm lũi đi tiếp, vẫn những ngày bước trên con đường quen thuộc về nhà mà tưởng mình lạc lối. Sự bế tắc giữ chân người trong bùn lầy, càng xoay xở càng lún sâu, để rồi trói chặt số phận mình ở chốn tầm thường.

Nhưng cũng có những người lựa chọn vượt ra khỏi vũng sình ấy. Họ chọn thay đổi, thay đổi cho một cuộc sống tốt đẹp hơn. Họ dũng cảm chấp nhận thử thách, bỏ lại đằng sau những thứ quen thuộc để chọn một con đường mới. Họ chấp nhận liều lĩnh và thử thách để phá vỡ cuộc sống an toàn đến tẻ nhạt mình đang có.

Đang là giảng viên một trường Đại học có tiếng tại Hà Nội, sở hữu công việc ổn định, một địa vị cao trong xã hội và một mức lương đáng mơ ước của nhiều người, Tô Phước Thịnh lại quyết định chọn một con đường không-giống-ai. Bỏ ngoài tai những lời khuyên ngăn của người thân, ông quyết định từ bỏ công việc giảng viên để chuyển sang…. kinh doanh tào phớ, một thức quà truyền thống. Bằng sự sáng tạo và lòng đam mê cùng óc kinh doanh tuyệt vời, Tô Phước Thịnh giờ đây sở hữu trong tay chuỗi cửa hàng Tofu nổi tiếng khắp đất nước, thu về 500 triệu đồng một tháng.

Khi nhận ra cơ hội mà bản thân mong chờ, ông đã không ngần ngại từ bỏ chỗ đứng an toàn để chọn một con đường đầy rủi ro. Khi đưa ra quyết định táo bạo đó, có lẽ Tô Phước Thịnh cũng đã sợ hãi. Nhưng: “Dũng cảm không phải là không sợ hãi, mà là chiến thắng được nỗi sợ của chính mình.” Ông đã vượt qua tất cả những rào cản là nỗi lo sợ và định kiến của mọi người, quyết định chọn một con đường mới với một mặt hàng hoàn toàn mới. Và quyết định thay đổi đã đền đáp cho Tô Phước Thịnh rất xứng đáng, bởi bây giờ, cuộc sống của ông đã không còn tầm thường nữa. Ông đã có cùng quyết định với Robert Frost trong bài thơ nổi tiếng Con Đường Không Có Dấu Chân Người:

Hai con đường cắt nhau giữa rừng
Và tôi chọn con đường không có dấu chân người
Điều đó đã tạo nên sự khác biệt.

Vậy tại sao chỉ một số ít người dám tạo nên sự khác biệt? Điều này xuất phát từ bản năng của con người. Một trong nhu cầu lớn nhất của mỗi người chính là nhu cầu được an toàn. Mỗi người đều có một “vành đai an toàn” cho riêng mình, và việc bứt khỏi vành đai an toàn đó không có vẻ là một sự lựa chọn sáng suốt cho đa số mọi người. Vô tình, chúng ta đang đối mặt với một kẻ thù đang âm thầm níu bước chân ta: sự tầm thường. Sự tầm thường như một sợi xích vô hình, khiến mỗi bước chân của ta trở nên nặng nhọc hơn. Nhưng sự nguy hiểm của tầm thường nằm ở chỗ chúng ta sẽ dần quen với sức nặng của dây xích đó, đến nỗi ta không còn để ý đến sự hiện diện của nó nữa.

Khi bạn thất bại, thất bại và thất bại, đến khi bạn ở dưới đáy vực sâu, bạn không còn lựa chọn nào khác ngoài trèo lên. Nhưng nếu bạn tầm thường, mọi thứ vẫn ở trong sức chịu đựng của bạn, và bạn không có động lực để thay đổi. Cuối cùng, bạn chấp nhận một cuộc sống bế tắc, tù túng. Bạn để cho những ước mơ của mình ở ngoài tầm với một gang tay mà không cố gắng kiễng chân lên để với tới. Chỉ để có được một cảm giác an toàn, để tiếp tục đối mặt với những lo sợ hiện tại và không phải đứng trước những thách thức mới của cuộc sống.

Trong một giờ văn nói về việc “chọn lựa con đường không có dấu chân người”, một học sinh đã viết rằng mặc cho những bậc vĩ nhân khai phá những con đường mới, em chỉ mong muốn có một cuộc sống bình thường: học xong cấp ba, lên đại học, ra trường và kiếm một công việc ổn định. Xét cho cùng, người học sinh này chỉ nói thay cho tiếng nói của phần đông những người trong xã hội hiện nay, mong muốn có một cuộc sống “an cư lạc nghiệp”. Nhưng những bậc vĩ nhân cũng có những khởi điểm hết sức bình thường. Thomas Edison, nhà phát minh vĩ đại người Mỹ đã từng bị thầy giáo phê vào sổ “chỉ có thể đi chăn vịt”. Walt Disney từng bị biên tập nhiều tờ báo sa thải vì “thiếu trí tưởng tượng và không có ý tưởng hay ho”. Trước khi trở thành tỷ phú nhờ bảy tập truyện Harry Potter, J.K.Rowling là một phụ nữ thất nghiệp, ly hôn và nuôi con bằng trợ cấp xã hội.

Chúng ta cũng là con người, cũng có trí óc và những tham vọng, tại sao chúng ta không thể trở thành những bậc vĩ nhân như vậy? Nhiều người sẽ nói rằng: “Họ là những người có IQ cao ngất ngưởng.” ”Họ sinh ra trong gia đình có truyền thống học rộng.” “Còn tôi, gia đình tôi thậm chí không có điều kiện cho tôi đi học xa.” Thoạt nghe, những lý do đó có vẻ rất hợp lý. Nhưng nếu nhìn kỹ hơn, chúng ta dễ dàng nhân ra chúng không hơn gì những lời biện minh.

Nick Vujicic, chàng trai cụt cả hai tay hai chân từ lúc sinh ra, bằng nghị lực phi thường của mình vẫn sống một cuộc sống bình thường, thậm chí trở thành một nhà diễn thuyết nổi tiếng mang lại cảm hứng cho hàng ngàn người trên khắp thế giới. Nick đã từng nói: anh cho rằng khuyết tật của mình chính là một sứ mệnh mà Thượng Đế trao cho, bởi chính khuyết tật đó đã tạo điều kiện để anh gặp và truyền cảm hứng được cho nhiều người đang gặp khó khăn trong cuộc sống hơn.

Thái độ sống tích cực của Nick khiến ta phải xấu hổ, ta chợt nhận ra những lý do biện minh cho sự nhụt chí của mình thật hồ đồ và vô căn cứ. Shakespeare từng nói: “Thường xuyên biện bạch cho một lỗi lầm chỉ làm lỗi lầm đó nghiêm trọng hơn.” Dẹp bỏ những định kiến sai lầm đánh giá thấp bản thân, và bạn sẽ tìm thấy một lối ra cho những ngõ cụt trong cuộc sống của mình. Bạn làm được nhiều hơn những gì bạn nghĩ!

Nếu đối với mỗi cá nhân, việc thiếu can đảm để xóa những “con đường mòn” trong cuộc sống sẽ khiến con người ta không đạt được mục đích sống và dễ dàng lâm vào bế tắc thì đối với xã hội, sự chấp nhận tầm thường của phần đông mọi người càng đem lại nguy cơ lớn hơn nữa. Thử tưởng tượng nếu tất cả mọi người đều mang tâm lý sợ rủi ro, co ro trong vị trí an toàn hiện có. Nhân loại sẽ mãi mãi không biết trái đất quay quanh mặt trời, hình học phi Euclide sẽ không bao giờ ra đời và bộ môn hình học sẽ mãi được giới hạn trên những mặt phẳng, thậm chí có khi bây giờ con người vẫn chỉ sử dụng điện một chiều.

Sự sáng tạo và cống hiến, không chấp nhận tầm thường của những bậc vĩ nhân cũng chính là sự đấu tranh thúc đẩy nền văn minh loài người phát triển. Và giờ đây, chúng ta, những con người của thế kỷ XXI, nếu chúng ta mãi để cho những nỗi sợ hãi lấn át, xã hội sẽ mãi mãi không phát triển được.

Kẻ thù của vĩ đại là tốt.” – Một câu nói rất ngắn nhưng mang những triết lý rất sâu xa. Nếu chúng ta mãi chấp nhận cái “tốt”, sẽ chẳng ai phấn đấu cho cái vĩ đại. Trong xã hội hiện đại, mỗi cá thể càng phải tin tưởng vào bản thân mình, dẹp bỏ những nỗi lo sợ và phấn đấu vì những mục tiêu trong cuộc sống. Có như vậy, mới thấy cuộc sống là một cuộc đua kỳ thú, không phải một ngõ cụt không lối thoát.

 

Night Poem

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

4 BÌNH LUẬN

  1. “Chúng ta cũng là con người, cũng có trí óc và những tham vọng, tại sao chúng ta không thể trở thành những bậc vĩ nhân như vậy?”

    Tại sao dạo này truyền thông hay lạm dụng từ THAM VỌNG! Không biết đó là sự vô tình hay cố ý?! Bạn là người Việt thì nên hiểu rõ tiếng Việt và sử dụng chuẩn xác! Tiếng Anh chỉ có 1 từ chung cho cả tham vọng và hoài bão (ambition) nhưng tiếng Việt phân biệt rất rõ ràng!!!

    Những kẻ lòng đầy tham vọng không thể trở thành vĩ nhân, vì chúng làm gì cũng chỉ vì lợi ích của riêng mình, có thể vì tham vọng cá nhân mà sẵn sàng lừa lọc, cướp bóc và chà đạp nhiều người khác! Còn vĩ nhân luôn có hoài bão cống hiến cho xã hội, dù có phải hy sinh bản thân mình!!!

    “Có như vậy, mới thấy cuộc sống là một cuộc đua kỳ thú, không phải một ngõ cụt không lối thoát.”

    Cứ tiếp tục ĐUA ĐI!!! Nhưng nên nhớ phía trước là một cái VỰC THẲM!!!

    Tên khác mà văn vẫn vậy!!! Đúng là đánh chết cái nết không chừa!!! Các cụ dạy “Đánh rắn phải đánh dập đầu!!!” Quả không sai!!!!!

Trả lời Si Hu Hủy trả lời

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,560Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI