20.6 C
Da Lat
Thứ Năm, 18 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Văn hóa – Ước gì tôi có thể tự hào!

 

 

Lâu lắm tôi mới xem truyền hình, sáng hôm rồi, khi ở lại nhà cô bạn thân trong chuyến công tác. Chưa kịp mở mắt tôi đã nghe tiếng TV véo von cái gì đó, lặp đi lặp lại cụm từ “Tôi tự hào là người Việt Nam.” Bất giác tôi thở dài. Tôi ước chương trình đó được phát thật lâu, đủ cho những người có mặt trong clip, mỗi người đủ thời gian để nêu lên một lý do, rằng họ tự hào về điều gì, lý do gì khiến họ tươi cười rạng rỡ nói rằng “tôi tự hào là người Việt Nam”? Tôi thật sự muốn nghe, muốn biết những lý do đó? Tôi thật sự muốn biết nguyên do làm sao mà tôi lại không thể có được cái cảm giác như họ đang có, cái cảm giác tự hào, tươi cười nói với mọi người xung quanh rằng tôi tự hào? Nói như Bá Dương trong cuốn Cái Vại Tương: “Mỗi khi nghe những người Trung Quốc tự hào về những nét đẹp của người Trung Quốc, tôi bực bội vì cảm thấy không được dự chút phần nào vào cái niềm vinh dự và tự hào to lớn đó.”

Chẳng lẽ tâm hồn tôi chai đá không biết cảm nhận, hay do môi trường đã thay đổi mà tôi không kịp thích nghi? Ồ không, nhớ lại thì trước đây tôi cũng tự hào về nhiều điều lắm chứ. Tự hào về đất nước anh hùng, vì đã có được hai chiến thắng thần thánh đánh cho bọn đế quốc khổng lồ chạy té khói, tự hào về một đất nước giàu đẹp, đầy ú tài nguyên, đậm đà bản sắc văn hóa, tự hào về cái nguồn gốc con rồng cháu tiên dù chẳng tí nào tin mình có chút máu rồng tiên nào trong người cả. Rồi cụ thể hơn, tôi cũng từng tự hào lắm, rằng người Việt Nam được cả thế giới yêu mến, tự hào rằng có cả mớ các nước xếp hàng sau Việt Nam, tự hào là đất nước yên bình nhất, hạnh phúc nhất. Tự hào là nước xuất khẩu gạo hàng đầu, xuất khẩu cafe đứng thứ ba vân vân và vân vân. Ôi, nhớ lại những ngày xưa tôi có nhiều cái để tự hào thế cơ mà, thật là hạnh phúc.

Còn bây giờ. Tự hào ư? Tôi không thể. Tại sao tôi lại không được dự phần vào cái sự tự hào của mọi người như trước nữa? Tại sao? Có lẽ từ khi tôi biết rằng nước tôi xuất khẩu gạo nhiều nhất nhưng dân tôi vẫn còn người chết vì đói, tự tử vì không muốn con mình bị chết đói. Có lẽ từ khi tôi nhận ra nước tôi xuất khẩu cafe hàng đầu nhưng dân tôi uống cafe bẩn nhất. Có lẽ từ khi tôi biết rằng nước tôi 70% làm nông nhưng gà nhập, heo nhập, rau nhập, trái cây nhập, nói như Tony đến tăm xỉa răng cũng phải nhập. Trong khi ấy, người nông dân nước tôi đổ nông phẩm được mùa cho bò ăn, đổ hoa màu rau củ xuống sông vì không có người thu mua, vì bị ép giá, vì trăm ngàn lý do khác mà hàng ngàn thạc sĩ, cử nhân, tiến sĩ đang ngồi không đợi việc không mấy ai chịu tìm ra cách cứu vãn người dân nước mình, cữu vãn tình trạng thất nghiệp của mình. Từ khi tôi nhìn thấy hàng đoàn xe cơ giới nối đuôi nhau chở những thân cây khổng lồ, chở tài nguyên, quặng mỏ rời khỏi đất nước. Và lại chở về đây nào nội tạng thối, nào rác thải công nghiệp, quần áo si-da… Từ khi tôi được nghe rằng người dân tôi đi ra nước ngoài bị đối xử, bị ghét bỏ, bị xa lánh. Vì những người cùng dòng máu rồng tiên khác vì chút lợi hèn mọn mà đang tâm làm hoen ố hình ảnh của cả một quốc gia, khiến cả một dân tộc bị đối xử như những người tệ hại.

Tôi tự hào nổi không khi khắp phố xá nước tôi toàn bảng hiệu tiếng nước ngoài, còn tiếng nước tôi được trang trọng đặt trên những bảng cảnh báo, cảnh báo ăn trộm, cảnh báo trốn vé, cảnh báo lấy quá nhiều đồ ăn… Tôi tự hào được không khi những nước xuất phát sau nước tôi, như Cambodia, giờ đang vượt mặt nước tôi mọi lĩnh vực. Họ sản xuất được xe hơi riêng cho dân họ rồi, họ xuất khẩu gạo đi các thị trường khó tính nhất rồi, còn nước tôi, xe đạp xe máy đều nhập, xe hơi là thứ phương tiện an toàn, văn minh thì bị tìm mọi cách để hạn chế, bằng thuế phí, bằng hạ tầng còn gạo nước tôi xuất nhiều nhưng chỉ xuất đi các nước trong khu vực hoặc qua Châu Phi?

Tôi tự hào nổi không nền văn hóa ngàn năm văn hiến đậm đà bản sắc dân tộc đang ngày càng nát bét và xuống dốc thảm hại. Văn hóa ư? Văn hóa lúa nước, văn hóa xe máy, văn hóa lũy tre làng, văn hóa tiểu nông, nói toẹt như Đinh Tấn Lực đăng trên góc nhìn Alan, chúng ta là cường quốc văn hóa, văn hóa nhậu, văn hóa đi đêm, văn hóa tự xử, văn hóa phao, văn hóa mặc kệ… Chọn một cái để tự hào về văn hóa thì chọn cái nào đây? Cần cù chăm chỉ siêng năng ư? Thế mà tôi thấy bài viết Đất nước của những kẻ lười biếng của Lục Phong trên Triết Học Đường Phố được ủng hộ và chia sẻ nhanh quá quá chừng.

Hiếu học ư? Hiếu học mà không hiếu hành thì tác dụng gì? Hùng cường mạnh mẽ, hiên ngang bất khuất ư? Ngoại trừ những ngư dân đương đầu với tàu Trung Quốc ngoài biển để cố giữ biển, giữ nước thì còn ai làm được điều đó? Dũng cảm gan dạ ư? Đến nói không thích một thế lực hắc ám còn sợ hãi như sợ Voldermort thì dũng cảm chỗ nào? Chân Thiện Mỹ ư? Đâu, chỗ nào? Thật thà chân thực ư? Có không ở thời này, từ trung ương đến địa phương, từ sách vở tới đời sống? Đoàn kết ư? Nếu dân tộc tôi đoàn kết thì chẳng cần gì phải hô mãi khẩu hiệu “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết”, thì bà chị Hoa chẳng thể dám mang một cái tăm qua nước tôi chứ đừng nói tới hàng hóa độc hại, cái học viện bị thế giới tẩy chay hay một cái hạm to chù ụ như cả hòn đảo vô tư đi lại trên biển nước tôi như đi bát cảnh như thế. Thì người dân nước tôi đã chẳng chửi bới nhau trên mọi diễn đàn, thì các thế lực hắc ám chẳng thể ngang nhiên lộng hành đến thế này…

Ông Dương Trung Quốc mới đây đã nói nền văn hóa này đang kéo dân tộc chúng ta tới bờ vực thẳm. Thế thì rõ ràng văn hóa không thể dùng làm lý do để tự hào rồi. Hòa bình và hạnh phúc nhất ư? Có đáng để tự hào khi số người chết vì tai nạn và bệnh tật hàng đầu thế giới, có đáng để tự hào khi ai mở miệng trình bày một quan điểm trái với sự định hướng là sẽ bị mọc đuôi hoặc quản chế liền? Sau cùng là hai cuộc chiến thần thánh, tôi cũng từng tự hào về nó đấy, nhưng là cái thời ngu muội chỉ biết nghe và tin thôi, còn khi tự mình tìm hiểu thì tự hào ư? Tôi không dám nhắc về hai chữ ấy.

Như một câu chuyện vui không biết có thật không mà tôi mới đọc đây sẽ giải thích điểm này cho những bạn vẫn chưa chấp nhận. Một vị lãnh đạo trong chuyến công tác ngoại giao đã nói: “Tôi tự hào dân tộc tôi đã giành chiến thắng lừng lẫy trong hai cuộc chiến với bọn đế quốc thực dân.” Đáp lại lời ông, vị lãnh đạo nước kia trả lời: “Tôi thì tự hào vì dân tộc tôi không phải trải qua cuộc chiến nào cả.”… Vậy thì, trong cái niềm tự hào to lớn được phát trên ti vi kia? Ai đó có thể cho tôi biết điều gì khiến họ tự hào?

Không biết mọi người đang nghĩ gì, dân tộc tôi đang cảm thấy sao, các bạn trẻ quanh tôi đang nghĩ như thế nào, còn tôi, tôi chán lắm rồi. Chán lắm lắm rồi.

Sống trong một thành phố nhỏ xinh đẹp trong lành, tôi chán nhìn những đoàn xe chở quặng boxit đi qua đây về Trung Quốc mỗi ngày. Tôi chán cảnh người ta đào tung nhổ hết những cột đèn giao thông vẫn hoạt động ngon lành để thay bằng những cột mới chẳng khác gì chỉ là to hơn một chút. Cả thành phố mấy chục cột như thế, để làm gì, tác dụng gì? Việc đó tốn kém bao nhiêu? Trong khi cũng khắp cả thành phố, tôi kiếm không ra một cái thư viện công cộng nhỏ? Tôi chán cái tuần lễ văn hóa trà không một hoạt động nào liên quan tới trà, ngoài một bài hát có tên đi hái trà gì đó trong đêm văn nghệ, một vài gian hàng bán đồ phong thủy tiểu cảnh và đèn đóm thắp nhiều hơn một chút cùng tấm bảng chào mừng rất to. Tôi chán những cái cổng khu phố văn hóa, bản làng văn hóa, gia đình văn hóa ở khắp mọi nơi. Chán những câu biểu ngữ phát động phong trào hết sức ngô nghê, sai chính tả, vô nghĩa hoặc không tác dụng gì với ai cả treo khắp mọi ngóc ngách phố phường… Đấy là mới ở cái thành phố nhỏ này thôi.

Rộng hơn ư? Tôi chán những công trình ma, công trình dang dở hay những công trình chưa xong đã sập ở khắp mọi nơi. Chán sự lười biếng của tuổi trẻ. Chán thứ tình yêu mù quáng của những phụ huynh. Chán nền giáo dục. Chán những câu hứa lèo, những phong trào sớm nở tối tàn, những phát ngôn của người nổi tiếng. Chán từ giá cả xăng dầu, giá trị đồng tiền Việt cho tới cái đường truyền internet tệ hại chỉ cần một con cá mập để đổ lỗi là xong. Tôi chán sự thờ ơ của mọi người đối với đồng bào, đối với dân tộc. Chán cả ngành truyền thông chỉ biết đến chiêu trò và quảng cáo. Truyền hình thì toàn cảnh lố lăng, báo chí thì cướp hiếp giết tin sốc, lộ hàng. Âm nhạc phim ảnh nước ngoài được giới trẻ yêu mến gấp vạn lần trong nước. Nghệ sĩ thì chiêu trò. Kinh tế thì tụt dốc. Chán cái nợ công, cái chính sách nhún nhường, cái văn hóa xe máy. Chán những “đầy tớ giàu sụ” và những “người chủ sống bần cùng”. Chán cái trang Chân Dung Quyền Lực dám bóc mẽ những sự thật xấu xa. Chán khủng khiếp nhất là thái độ của mọi người về tất cả những thứ đó, một sự cam chịu, thờ ơ, câm lặng hoặc bàng quan đến rợn người… Kể cho hết những cái chán thì không biết bao giờ mới hết được đây.

Này, đừng ai nói rằng vẫn có chỗ tốt, rằng không phải ai cũng xấu, rằng có người này người kia… Chả lẽ tôi lại không biết à? Nhưng rồi sao? Một vài người không như thế có làm cho cả xã hội không như thế? Xã hội mà chỉ có một điều tốt bị vây quanh bởi một trăm điều xấu vẫn đáng để tự hào ư? Một ai đó đang cố gắng thì liệu có tạo nên thay đổi gì cho cả xã hội?

Tôi chán lắm rồi khi cầm hộ chiếu du lịch bị giữ lại rất lâu ở hải quan, tôi còn nghe kể có những trường hợp chỉ cần là con gái Việt qua Sing sẽ bị từ chối ngay không cần lý do nữa. Tôi chán lắm rồi khi nghe chính bạn tôi sống tại Hàn kể về cách thức người Việt tại đó trộm đồ siêu thị rồi vội vàng phi tang khi bị kiếm tra. Tôi chán lắm rồi khi nghe nói người Cambodia xa lánh người Việt, một hội chợ bên Âu từ chối người Việt tham quan, hải quan Thái tỏ thái độ với hộ chiếu Việt, người Hàn người Đài xem nước Việt như cái chợ chọn vợ khi họ không thể lấy ai ở chính nước của họ. Tôi chán kinh khủng khi đọc những dòng cảnh báo bằng tiếng Việt trên khắp thế giới. Có lẽ nào địa vị nước tôi, văn hóa nước tôi lại tồi tệ đến như thế sao?

Tôi thèm được ngẩng cao đầu khi ra nước ngoài, thèm được cầm hộ chiếu một cách nâng niu, tôi thèm tên Việt Nam được vinh danh trên các đấu trường, người Việt được yêu quý và tiếng Việt được nhiều người muốn học. Thèm lắm chứ. Nhưng tại sao tôi không thể? Có cách nào để tôi cùng được dự phần tự hào với những người đang tươi cười trên tivi kia không?

Sẽ có người cho rằng tại sao tôi không nhìn vào mặt tốt mà chỉ nhìn vào mặt xấu, rằng than thở thì có ích gì, rằng tôi đã làm được gì cho đất nước chưa? Tôi xin trả lời rằng tôi phát chán luôn cả họ.

Đến bao giờ người ta mới chịu nhìn vào lỗi để mà sửa, nhìn vào nhược điểm để mà thay đổi, nhìn vào yếu kém để mà đấu tranh? Đến bao giờ mọi người mới chịu thôi tự hào để thay vào đó là trạng thái xấu hổ để mà tiến lên? Đến bao giờ người ta mới chịu bắt bệnh để mà chữa bệnh chứ không đợi bệnh quá nặng mới vội vàng chạy chữa trong vô vọng? Đến bao giờ người ta mới nhận ra văn hóa của chúng ta đang đậm mùi chứ không phải đậm đà? Đến bao giờ người ta mới chủ động tìm kiếm giải pháp và thực hiện thay vì chỉ trích nhau, chỉ trích những người dám đứng ra chỉ trích?

Mỗi ngày được tiếp xúc với thông tin, kiến thức về thế giới ngoài kia bao nhiêu tôi lại càng chán bấy nhiêu. Bạn có thật sự vui không khi nghe báo chí hôm nay ca tụng văn hóa Nhật Bản, ngày mai tôn vinh những gì Israel làm được, ngày mốt ngợi khen thành quả của Singapore, Hàn Quốc hay thậm chí cả bạn hàng xóm Cambodia. Bạn có hạnh phúc không khi một bản nhạc hot Hàn Quốc vang vọng khắp hang cùng ngõ hẻm, những bà nội trợ khóc lên khóc xuống cùng những đau khổ của các nhân vật trong phim Hàn, phim Đài? Giới trẻ hiểu lịch sử Trung Quốc hơn lịch sử nước nhà. Và mới đây là facebook ngập tràn người muốn hóa thân thành Võ Tắc Thiên… Nói về đất nước mình chán một thì khi nghe về sự tiến bộ của nước người tôi lại càng chán hơn. Nếu văn hóa nước tôi đủ đậm đà, đủ đẹp và đủ mạnh liệu nó có dễ dàng để cho văn hóa ngoại len lỏi vào từng ngóc ngách cuộc sống và được người dân tôi yêu mến đến thế?

Bạn nghĩ tôi bi quan ư? Không, bạn không biết được cuộc sống riêng của tôi đang ổn và lạc quan đến mức nào. Đặc biệt từ khi tôi từ chối xem các chương trình truyền hình, từ chối các kênh tin tức nóng mỗi ngày, từ chối dự phần các trào lưu của giới trẻ. Tôi đang sống rất hạnh phúc. Vậy mà vẫn không cảm thấy tự hào, là nghĩa làm sao? Vì tôi không muốn sống mãi trong cái xã hội như thế, tôi không muốn bạn bè tôi, anh em tôi không được hạnh phúc như tôi vì họ vẫn mê mải trong cái ma trận văn hóa giả tạo. Tôi không muốn dân tộc tôi suốt ngày đi ca tụng văn hóa nước ngoài, dù chính tôi cũng ca tụng nó. Tôi không muốn con cái tôi sống trong bối cảnh văn hóa tệ nạn mục nát như thế này. Tôi thật sự không muốn. Tôi cũng chắc chắn rất nhiều người cũng không muốn những điều đó như tôi, nhưng làm sao đây?

Tôi ước gì mình có thể tạo ra sự thay đổi chỉ bằng cách vào tủ điện thoại yêu cầu của Doremon. Tôi ước mình có đủ sức mạnh và tài trí để tác động lên ý thức của mọi người. Tôi ước mình tài giỏi và xinh đẹp như người nổi tiếng để lời nói của tôi được quan tâm hơn. Tôi ước mình là một thương nhân giàu có để thật nhiều người vì thích tài sản của tôi mà lắng nghe tôi nói. Tôi ước gì mình có đủ thời gian để thuyết phục từng người một. Ước gì mình không cứ mãi ngô nghê thế này để mong mỏi một điều vô tưởng xảy ra. Ấy vậy mà tôi vẫn mong, tôi vẫn ước.

Tôi ước cả dân tộc tôi đồng lòng tạo ra sự thay đổi. Vì tôi biết rằng sự thay đổi được tạo ra từ chỉ ba yếu tố thôi: Một ý tưởng lớn, thật nhiều người cùng đồng lòng tham gia và hành động. Không thể thiếu một trong ba. Không thể. Nhưng nếu đủ cả ba yếu tố, nhất định một sự thay đổi lớn sẽ xảy ra. Vậy thì, ý tưởng thay đổi, cải tổ văn hóa, làm sống lại cái hồn dân tộc liệu có đủ lớn? Nếu đủ rồi thì bao nhiêu người sẵn sàng tham gia cuộc cải tổ này. Đồng ý tham gia rồi đấy nhưng mọi người có sẵn lòng hành động? Mọi người có sẵn sàng đánh đổi những giờ đọc tin tức, xem gameshow để đọc sách? Mọi người có sẵn sàng bỏ thời gian làm việc kiếm tiền để dạy dỗ giáo dục con cái mình thay vì nhường mọi trách nhiệm cho nhà trường? Mọi người có sẵn lòng cư xử lịch thiệp với nhau. Sẵn lòng cảm ơn và xin lỗi ngay trước khi người kia mở lời? Mọi người có dám đánh đổi những giờ nhậu nhẹt, buôn dưa để tăng gia sản xuất. Mọi người có sẵn sàng tiêu thụ nông sản Việt thay cho nông sản Tàu? Mọi người có chịu tuyên truyền những giá trị tốt đẹp của cuộc sống thay vì tuyên truyền rầm rộ cho những tin tức hở ngực lộ hàng? Mọi người có đủ sức rời xa những trang tin lá cải tiêu cực, có chịu giữ lại rác bên mình cho tới khi kiếm được thùng rác, có rủ nhau tham gia những hội trồng cây, hội đọc sách thay vì rủ nhau đi chơi game hay cafe tán gẫu? Mọi người có chịu nói về ý tưởng và tương lai thay vì chuyện yêu đương, trai gái và chuyện quá khứ ngàn đời? Mọi người có chịu tăng hiểu biết của mình về thế giới thay vì hiểu biết về cô này anh kia trên facebook?

Tôi ước chúng ta có một hệ thống quy chuẩn đạo đức, cách thức ứng xử đầy tiến bộ và nhân văn để mỗi người dân Việt Nam đều biết, đều ghi nhớ và quyết tâm làm theo. Một kiểu quy tắc hành xử rõ ràng kiểu “không xả rác nơi công cộng, không nói quá to, xin lỗi ngay cả khi lỗi vô tình…” thay vì những lời hô hào sáo rỗng như “văn minh, đoàn kết, yêu thương…”

Mỗi ngày trăm ngàn cái hội ghét người này, yêu cái kia lập trên facebook, thiết nghĩ nếu như có một nhóm lập hội những người quyết tâm hành động xây dựng một nền văn hóa mới, đi đầu trong việc làm gương, chịu phần thiệt ban đầu về mình nhằm lan truyền cái tinh thần tốt đẹp này thì tôi tin mọi thứ sẽ dần thay đổi thôi. Không có gì là không thể khi ý chí con người đủ lớn mạnh và được hỗ trợ bằng sự đồng lòng. Có lẽ tôi còn quá trẻ, đủ để vẫn còn trí tưởng tượng phong phú tới mức dám mơ ước về một thế giới như thế. Thế giới mà đa phần người ta không thể hình dung chứ đừng nói tới việc mình là một phần trong nó.

Thậm chí tôi còn tưởng tượng thêm nữa, về một biểu tượng kiểu dấu ấn về những người văn hóa mới. Để chỉ cần nhìn thấy dấu ấn đó trên ai, thì người ta biết ngay rằng đó là người văn minh lịch sự, người có thể tin tưởng được. Như Tony Buổi Sáng hay Alan Phan đã gần như trở thành những dấu ấn kiểu mới. Bạn trẻ nào yêu thích và làm theo lời Tony thì rất có thể người đó sẽ có một lý tưởng sống tốt đẹp, thích hành động cụ thể hơn chỉ nói. Bạn trẻ nào là tín đồ của Alan thì rất có thể sẽ là những người hiểu biết và yêu thích kiến thức hơn thông tin hổ lốn trên thế giới mạng. Tôi mong muốn có một kiểu dấu ấn như thế cho những người thật tâm mong muốn thay đổi nền văn hóa này, xã hội này, dân tộc này. Họ sẽ nhận ra nhau và có thể cùng nhau chung sức tạo nên một xã hội mới nhân văn với đầy đủ ba yếu tố chân thiện mỹ.

Đa phần mọi người sẽ cho rằng đây là chuyện nhảm nhí, viễn vông. Đa phần mọi người có thể sẽ cho rằng thay đổi văn hóa là việc họ không liên quan, không thể làm gì, không thể mong chờ gì hoặc chưa đến lúc. Này, bạn đừng quên, một cái đập cánh của con bướm ở Brazil có thể gây bão lớn ở Texas, đừng quên sức mạnh của ý chí và quyết tâm là điều có thể nhìn thấy được, hoàn toàn cảm nhận được và chính xác là đã được ghi lại rất nhiều lần trong lịch sử loài người. Israel đồng lòng xây dựng đất nước từ hỗn loạn và chia ly. Nhật Bản đồng lòng góp sức xây dựng nền văn hóa cả thế giới ngưỡng mộ. Cambodia đồng lòng phát triển đất nước từ một xuất phát điểm thua cả chúng ta… Thế thì tại sao dân tộc ta không thể đồng lòng làm nên điều tương tự?

Văn hóa là cái hồn của dân tộc, là thứ làm nên dân tộc tính, là thứ quyết định hình ảnh, thể diện của quốc gia và tạo thành nhân sinh quan cho mỗi người sống trong nó. Văn hóa là thứ định hình lối sống, phong tục và tạo ra các nền văn minh. Văn hóa thì có thể thay đổi chứ không vĩnh cữu và bất biến. Văn hóa tạo nên con người nhưng cũng chính con người kiến tạo ra nền văn hóa. Văn hóa không phải khi nào cũng đáng được tự hào. Đặc biệt là khi nó đã xuống cấp, không phù hợp với thời đại, cản trở sự phát triển, sự tiến bộ và con đường đi đến văn minh.

Một người trẻ nông cạn như tôi còn nhận rõ điều đó chẳng lẽ lại không ai khác nhìn ra sao? Hay mọi người đều nhìn ra nhưng không một ai thèm nhắc đến vì chưa phải lúc, vì không phải chuyện của mình? Cứ cho cuộc đời mỗi chúng ta chưa cần hay chẳng mong được sống trong một nền văn hóa tốt hơn. Vậy con cái chúng ta thì sao? Bạn đang tâm để nó sống trong cái xã hội tệ nạn từng ngóc ngách như thế này à? Bạn mặc kệ nó cầm tấm hộ chiếu in cờ dân tộc mà cúi gằm mặt xuống hay sao? Hay bạn lại cũng như bao nhiêu thế hệ đi trước, cho rằng: Tương lai đất nước này phụ thuộc cả vào con. Trọng trách này ta không chịu nổi xin giao lại cho con… Nếu như thế hệ nào cũng đùn đẩy cho nhau chỉ bằng một câu nói giản đơn như thế, thì cái giả thiết dân tộc ta bị đày có lẽ cũng là có cơ sở.

Nãy giờ ước nhiều quá rồi. Nhưng nếu chỉ cho thêm một điều cuối cùng, tôi ước một ngày kia tôi chính là người đang cười toe miệng trên tivi và hét thật to với thế giới rằng: TÔI TỰ HÀO LÀ NGƯỜI VIỆT NAM.

 

 Phi Tuyết

 Bài liên quan

 

 

 

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

106 BÌNH LUẬN

  1. đọc 18 đoạn đầu tự hỏi kẻ nào đang giả dạng Phi Tuyết thế này! May là đủ kiên nhẫn đọc tiếp vui mừng phát hiện vẫn là Phi Tuyết của ngày hôm qua

  2. đất nước nó thế chung quy là từ tao và chúng mày mà ra tất, còn văn hóa có thay đổi, dù có thay thế nào đi nữa thì nó vẫn phải theo cái bản sắc gốc rễ của nó, tất cả đều từ VH truyền thống mà ra, nhưng buồn thay chính thứ văn hóa đơn giản nhất nhiều thằng còn đéo hiểu, đơn giản như là việc dừng đèn đỏ !! Có lẽ t nên đổ lỗi cho sự Âu hóa hay là công nghiệp hóa, phát triển kinh tế hay cđg đấy cũng được….
    Mất văn hóa thì mất nước, tiếp thu văn hóa hay không là lựa chọn của chúng m

    Nếu mày biết nhìn về đất nước ở góc tích cực, mày sẽ thấy những cái đẹp, nếu chỉ nhìn ở góc tiêu cực, mày sẽ chỉ thấy những thứ xấu xa, thối nát, nếu biết nhìn ở cả 2 góc độ, khi ấy m mới xứng đáng để đánh giá về t, về đất nước và về chính chúng mày !!

    Còn ở đây toàn những thứ tiêu cực, tiêu cực mãi thì chỉ kéo mọi thứ đi xuống !!

      • Có chứ, có ít rồi sẽ thành nhiều, bạn muốn nói về văn hóa ứng xử hay văn hóa dân gian ?? người ta đang tốn thời gian chăm sóc cho cả 2 thứ đó dấy

    • Đồng ý với bạn.

      Ít luật có cái hay là con người tự giác thực hiện hành động để không gây nguy hiểm cho người khác. Xã hội văn minh là khi ở đó con người tự giác trách nhiệm của mình với môi trường xung quanh, chứ không phải là vì cái luật đó. Luật càng nhiều thì con người cũng giống như con chó được huấn luyện.

    • “Tiêu cực” với “Tích cực” cái khỉ gì!
      Đây là cái mà tôi gọi là “Văn hóa Việt Nam”, là cái văn hóa mà bọn làm sai xong không dám nhận, mà chỉ biết đi đổ thừa, và anh bạn đang làm cái việc như thế!

    • “đất nước nó thế chung quy là từ tao và chúng mày mà ra tất” thích nhất cái câu này”. Đất nước không phải do chế độ, mà từ 90tr người sống trên cái mảnh đất chứ S này. Tốt xấu đều do bản thân và cách nhìn nhận từng người mà thôi

  3. Cái văn hóa được tuyên truyền này ăn sâu vào những người sinh ra và lớn lên tại Việt Nam rồi, nên điều tôi khát khao ở đây có thể là một phép màu.
    Một điều khá là châm biếm khi xem The Interview là người dân Triều Tiên tin rằng ông Kim Jong Un không đi vệ sinh (?), tính xác thực về việc này (việc người dân tin tưởng vào điều phi lý được tuyên truyền) vẫn chưa được kiểm chứng hay tôi không có đủ thông tin để kiểm chứng, tuy nhiên một điều tôi nghĩ rất có thể xảy ra là nếu như không có Internet, việc người Việt vướng vào những tình huống dở khóc dở cười như trên là điều hoàn toàn có thể. Có vẻ như người ta thích dùng một tai để nghe hơn là dùng cả hai tai và xử lý thông tin 2 chiều ở não bộ. Dù sao thì cũng phải khen ngợi rằng các ngài rất tài tình trong việc đánh lạc hướng dư luận cũng như ôm chặt cái chân ghế của mình. Dù sao cái đa hình chung mọi người muốn là được “yên thân”, tôi cũng không ngoại lệ, vì vậy tôi vẫn sẽ sống và trả những cái giá trên trời cho những phúc lợi xã hội mà chúng tôi đáng được hưởng,chỉ thể thôi.. have no choice

  4. Tác giả nói rất đúng. Những điều này mình đã từng nghĩ qua, nhưng vấn đề ở đây là làm sao để thay đổi nhận thức của mọi người. Khi mà đa phần 80% giới trẻ hầu như cũng đều đi theo với một lối mòn của “truyền thông – báo chí” đặt ra. Theo mình nghĩ cái lỗi lớn nhất dẫn đến nhận thức văn hóa sai lầm của cả một dân tộc đó chính là “truyền thông – báo chí”, chỉ khi nào chúng ta có quyền điều khiển truyền thông để dẫn dắt những bài viết tin tức theo lối giáo dục nhận thực như “triết học đường phố” thì lúc đó mới thay đổi dược mọi người.

    • Không có ít những bài viết kêu gọi sự thay đổi như thế này nhưng số lượng người thực sự đọc chúng có tăng lên hay quanh đi quẩn lại chỉ có chúng ta…. muốn biến nhận thức đi đến hành động cần nhiều người, cần 1 quá trình liên tục và cần cái gọi là “hi sinh” của những người đi đầu dám hành động. Vậy những ai trong chúng ta sẽ dám là người đâu tiên? Cứ trả lời cho câu hỏi này rồi hãy tính. 🙂

  5. bài này bạn viết rất hay nói như hết toàn bộ thực trạng xã hội Việt Nam! bây giơ. nhưng dù j thì bây h xã hội cũng đang dần phát triển lên. lãnh đạo cũng có nhiều người tiếp thu những cách tân cải tiến của nước ngoài để đưa về Việt Nam! cho phù hợp với người việt. chúng ta là giới trẻ nên có cách nhìn khác đi 1 chút. đừng nên đem mọi thứ ra để so sánh. hãy biết yêu quý đất nc mình. thì chính mỗi người trong chúng ta sẽ làm đất nc tốt đẹp hơn. văn minh hay lịch sự đều nằm trong chính tôi và các bạn.

  6. – Việt Nam là một, Dân tộc Việt Nam là một … Chỉ 1 mà thôi, lên 2 , 3 à, đợi đã…

    – Việt Nam: Rừng vàng biễn bạc, đất phì nhiêu … ( hết tiền thì lên rừng gỡ vàng bán, buồn buồn thì xuống biễn hốt bạc về xài .. mà đất đai phì nhiêu thế thì cho tụi nc ngoài thuê và mình chỉ NGỒI MÁT ĂN BÁT VÀNG … Hahahaaaaaaaa

    – Những anh hùng kiệt xuất ư ? Anh hùng kinh tế, chính trị ư ? …. Đã nói : ” Loạn thế xuất anh hùng ” mà bi giờ mới suy thái, trì trệ, xuống dóc chứ đã loạn thế đâu mà đòi anh hùng. anh nào đó tên Hùng thì chắc có nhiều.

    – Bài viết này rất hay: Vấn nạn xã hội đang nhức nhối, nhiều trang mạng, bài viết củng lên án kịch liệt … Nhưng rốt cuộc nói nhiều chứ có ai ngu mà đứng lên dương cờ khởi nghĩa vì cờ chưa kịp phất thì tim đã ăn kẹo đồng.

    ( Đến bao giờ người ta mới chịu nhìn vào lỗi để mà sửa, nhìn vào nhược điểm để mà thay đổi, nhìn vào yếu kém để mà đấu tranh? Đến bao giờ mọi người mới chịu thôi tự hào để thay vào đó là trạng thái xấu hổ để mà tiến lên? Đến bao giờ người ta mới chịu bắt bệnh để mà chữa bệnh chứ không đợi bệnh quá nặng mới vội vàng chạy chữa trong vô vọng? Đến bao giờ người ta mới nhận ra văn hóa của chúng ta đang đậm mùi chứ không phải đậm đà? Đến bao giờ người ta mới chủ động tìm kiếm giải pháp và thực hiện thay vì chỉ trích nhau, chỉ trích những người dám đứng ra chỉ trích? )

    – Trả lời cho bạn luôn: đến khi đó bạn sẽ kg có cơ hội để viết mấy bài tương tự như này. nhưng bạn dừng lo, ngày đó không đến.

  7. Bài viết hay lắm. ^_^ tôi cũng có cùng cảm giác với Phi Tuyết khi làm việc chung với người nước ngoài. Chẳng dám nói nhiều về đất nước của chính mình vì cảm thấy chẵng có gì đáng để mình tự hào khoe với họ cả.

  8. Bài viết của bạn rất hay, bộc lộ những mặt xấu hiện nay mà ai cũng có thể thấy. Mình xin bổ sung thêm là người Việt còn nổi bật với “Văn hóa tự sướng” và “Văng hóa quăng lựu đạn”. Chỉ mới làm được những việc nhỏ thôi mà tưởng như đã có thể thay đổi cả trời đất, khoái “nổ banh xác” về những chuyện mình đã làm trong khi những chuyện đó đa phần là bình thường.

    Tôi tự hỏi chúng ta tự hào gì khi cứ “ăn mày dĩ vãng” vào cái quá khứ hào hùng đánh đuổi các cường quốc ra khỏi Việt Nam trong khi hòa bình lập lại đã gần nửa thế kỷ, một khoảng thời gian đủ để Hàn Quốc, Singapore trở thành những “Con Rồng châu Á” và một “Nước Nhật trỗi dậy thần kỳ” được cả thế giới phải nghiêng mình ngưỡng mộ. Trong khi Việt Nam thì chỉ vừa được vào nhóm các nước có thu nhập trung bình (đó là một sự động viên khích lệ và chỉ mang tính chất ước lệ chứ thực chất thì chúng ta vẫn đang là một nước nghèo).

    Tôi tội nghiệp cho đất nước tôi, quá nhiều mất mát và đau thương. Chúng ta đã có nhiều vĩ nhân trong các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và tôi đang rất, rất mong Việt Nam sớm có một vĩ nhân kiệt xuất về chính trị và kinh tế xuất hiện để đưa đất nước này trở nên giàu có xứng đáng với những gì mà nó đáng được hưởng.

  9. thấy có nhiều bạn đem so nước mình vs nước ngoài. Nước nào cũng có tốt xấu. Bài viết này cũng như nhiều ý kiến giống như nó đều chống lại những cái xấu, ko riêng gì ở vn. Vì tác giả muốn ng vn nhận ra cái xấu họ đang mắc phải nên xoáy vào vn thôi. Hãy thôi cái suy nghĩ rằng “nước nào cũng có tốt xấu nên vn có vậy cũng chẳng sao”. Những giá trị tốt đẹp hiện này tồn tại rất ít (so vs cái xấu đang nổi cộm hiện nay). Bởi vì vn đang mất dần đi những giá trị đó (một số sắp biến mất hẳn), mặc dù chúng ta ngày nay vẫn thường chém gió vs lớp trẻ về những nét đẹp đã mất (hoặc chưa từng tồn tại) ấy. Nhật Bản cùng một số lượng đáng kể các nước khác, cũng có cái xấu của họ. Nhưng, họ vẫn còn giữ đc những giá trị tốt đẹp rất nổi bật của nền văn minh. Đương nhiên vẫn có những nước bằng hoặc thua cả chúng ta hiện nay, tuy nhiên đây chẳng phải là cái cớ thuyết phục lắm để biện hộ, bởi vì hình ảnh vn đã rất xấu rồi.

  10. Bình luận về bài này thì mình thấy câu này là chính xác nhất:

    “Nghệ thuật không là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối! Nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp người lầm than.
    ~ ‘Trăng Sáng” – Nam Cao

    Ngày xưa mình cũng từng hâm mộ văn hóa Nhật nhưng sau này xem và đọc lịch sử thì cái sự hâm mộ ấy cũng phai nhạt dần. Thêm nhiều thực tế khác mà mình biết qua sách vở và truyền hình thì Nhật Bản không phải là mô hình xã hội đáng học tập trong mắt mình. Tất nhiên cũng nên học tập những ưu điểm của họ và tránh những nhược điểm!

    Còn cái xứ sở Kim Chi thì chỉ làm mình quáng mắt thời gian đầu phim Hàn du nhập vào Việt Nam mà thôi! Chứ giờ nói thẳng ra là mình dị ứng với văn hóa Hàn! Chả hiểu sao họ có thể làm mãi cái thể loại phim truyền hình phim nào cũng như phim nào, chỉ thay đổi diễn viên mà không thấy chán! Nhạc thì chỉ bắt mắt chứ cũng chả bắt tai. Phần lời bài hát mà mình đọc qua sub tiếng Anh thì rất nhạt nhẽo nông cạn. Mình thấy nhạc Việt hay hơn nhiều!!!!! Nếu chỉ thu hút được đông đảo những người gu thưởng thức nghệ thuật hàng chợ thì cũng chả nên kiêu căng, HÃNH TIẾN như thế mà làm gì!!!

    “Tôi tự hào được không khi những nước xuất phát sau nước tôi, như Cambodia, giờ đang vượt mặt nước tôi mọi lĩnh vực. Họ sản xuất được xe hơi riêng cho dân họ rồi, họ xuất khẩu gạo đi các thị trường khó tính nhất rồi, còn nước tôi, xe đạp xe máy đều nhập, xe hơi là thứ phương tiện an toàn, văn minh thì bị tìm mọi cách để hạn chế, bằng thuế phí, bằng hạ tầng còn gạo nước tôi xuất nhiều nhưng chỉ xuất đi các nước trong khu vực hoặc qua Châu Phi?”

    Trong mắt mình thì ô tô cá nhân là biểu tượng của thời đại kỹ thuật vật chất này, là hình ảnh điển hình của sự hoang phí, vô cảm, ích kỷ, quán tính máy móc, bóc lột thiên nhiên và gây ô nhiễm môi trường của con người hiện đại!!! Mình rất ghét hình ảnh ô tô cá nhân!!! Chả nên đua với nước nào mà sản xuất ô tô cho nhiều rồi đem xuất khẩu mà làm gì!!! Hạn chế ô tô là đúng, nếu mình có quyền mình sẽ cấm ô tô cá nhân đi trong nội thành! 🙂 Đỡ tắc đường, đỡ ô nhiễm không khí và gây tiếng ồn. Hạn chế được xe máy nữa thì càng tốt! Khuyến khích dân tình đi xe đạp và các phương tiện giao thông công cộng để bảo vệ môi trường, để tránh ùn tắc. Thay vì xây đường xá, siêu thị, vũ trường, quán bar, nhà nghỉ thì người ta xây nhiều công viên, vườn hoa, thư viện… để bà con đến đó tập thể dục, thư giãn và đọc sách! 🙂

    Mấy người xinh đẹp, giàu có và nổi tiếng mà bạn ca ngợi trên truyền hình nhiều khi cũng chỉ là những con vẹt sặc sỡ đang tuyên truyền lối sống vật chất mà thoai!!! 😉

    • Bạn nhầm rồi, xe máy mới là phương tiện gây ô nhiễm không khí và tiếng ồn nhiều nhất. Một chiếc ô tô đi được 4 người, xe máy một, hai người một chiếc. Vậy theo bạn, cái nào tốt hơn?

    • “Chả nên đua với nước nào mà sản xuất ô tô cho nhiều rồi đem xuất khẩu mà làm gì!!!” => Đồng ý với quan điểm này. Không phải tự dưng các nước phát triển quay trở lại tới không gian tự nhiên. Với 1 nước nhỏ như VN, thì ta nên học tập rồi tìm cái phù hợp để phát triển. Chứ còn giờ, mình thấy hầu hết toàn muốn đi theo hướng phát triển của Mỹ, mà trong khi Mỹ là 1 quốc gia có lãnh thổ to gấp trăm lần mình.

      • bởi vì nền kinh tế mỹ chú trọng đến phát triển tư nhân,doanh nghiệp tư nhân mới là cái được quốc gia này ưu tiện hàng đầu,họ chú trọng điều kiện phát triển nhân tài chứ không phải con ông cháu cha.ở việt nam danh nghiệp tư nhân bị chèn ép này nọ nhà nước không biết làm kinh tế nhưng vẫn thích thành lập các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ báo cáo chi tiết hằng năm.nên việc tư nhân việt nam đi theo hướng phát triển của Mỹ cũng dễ hiểu.
        các nhà tư nhân làm ăn chân chính thì bản thân họ tự biết cái nào phù hợp với việt nam,cái họ muốn là môi trường làm ăn tự do như bên mỹ chứ liên quan gì đến lãnh thổ mỹ.

        • “các nhà tư nhân làm ăn chân chính thì bản thân họ tự biết cái nào phù
          hợp với việt nam,cái họ muốn là môi trường làm ăn tự do như bên mỹ chứ
          liên quan gì đến lãnh thổ mỹ.” Làm ăn mà đi nói tới sự chân chính. Thật buồn cười.

          • thật buồn cười?? lí sự cùn nó vừa thôi,thương nhân không phải việc làm phi pháp tại sao lại không có sự chân chính ? hay là tồn tại trong xã hội chạy đua phong bì,con ông cháu cha quen rồi nên giờ bảo tự sinh tự diệt đâm ra sợ.rồi quay ra phỉ báng người làm ăn đàng hoàng.rõ vớ vẩn

          • Làm ăn đương nhiên sự chân chính quyết quả!
            Sự chân chính tạo nên UY TÍN, mà cái đó thì không thể MUA được bằng tiền, mà phải đổ bằng mồ hôi, trách nhiệm và hành động của bản thân!
            Ở Việt Nam mới có cái chuyện phong bì phong bao liên tùng tục, ở nước Mỹ người ta phải làm ăn hẳn hoi, đàng hoàng.
            Dính đến chạy chức, chạy quyền còn bị kiện cho tù mọt gông ra ý, và điều đó còn tùy thuộc của từng bang luôn!
            Suy bụng ta ra bụng người vừa thôi thím!

      • Các thím toàn đem cái “lãnh thổ to” ra để bao biện!
        Nhật lãnh tổ bé tí, vậy mà thời kỳ từ 1937 đến 1945, nó đánh cho Trung Quốc tơi bời ra, sau khi thua trận ở chiến tranh thế giới thứ hai, nó lại vươn lên làm cường quốc và nền kinh tế phát triển đến độ người Việt Nam bây giờ còn đang đi làm thuê cho họ!

    • -xứ sở Kim Chi==> ghét phim hàn như bạn mà cũng biết đến kim chi à, không có phim hàn thì cả đời bạn cũng không nghĩ một món dưa muối bình thường lại trở thành đại diện của quốc gia đâu.phở một món ăn siêu nổi tiếng của việt nam thế đã phim nào giới thiệu nó ra thế giới được chưa ( làm hài lòng người việt còn không xong )
      -Chả hiểu sao họ có thể làm mãi cái thể loại phim truyền hình phim nào cũng như phim nào, chỉ thay đổi diễn viên mà không thấy chán ==> người hàn có phim hay coi từ bao đời nay rồi nên dân hàn kén chọn lắm làm gì có chuyện nội dung như nhau mà vẫn tồn tại,không chịu vận động sáng tạo thì phim hàn đã bị chính người hàn đào thải lâu rồi chả cần bạn nói này nói nọ.Họ không giống dân việt nam lâu lâu mà vớ được bộ phim nào nội dung tầm tầm diễn viên tầm tầm lời thoại không kịch quá lố đã mừng phát khóc.sống trong nền nghệ thuật Ổ CHUỘT như việt nam thì đừng chê bai nền nghệ thuật đầy sáng tạo của hàn quốc.còn chả đủ tư cách mà “chó chê mèo lắm lông”

      -chỉ thu hút được đông đảo những người gu thưởng thức nghệ thuật hàng chợ ==> nghệ thuật của hàn quốc rẻ tiền thế thì làm thế quái nào mà du lịch của họ dựa vào nó mà phát triển một cách nhanh chóng thê? ( chưa kể những sản phẩm,dịch vụ ăn theo ăn theo ) chẳng lẽ dân châu á mình toàn lũ rẻ tiền nên bây giờ nền âm nhạc hàn quốc mới thống trị cả châu á không đối thủ như thế? nền nghệ thuật “ƯU TÚ ĐẾN LỆ RƠI” của việt nam thì chả thằng nào thèm quan tâm.Qúa nản khuyến cáo nghệ sĩ việt nam nên bỏ nghề để giữ tự trọng không chấp nhận ƯU TÚ ĐẾN LỆ RƠI lại không bằng thứ “hàng chợ”

      -Trong mắt mình thì ô tô cá nhân là biểu tượng của thời đại kỹ thuật vật chất này, là hình ảnh điển hình của sự hoang phí, vô cảm, ích kỷ, quán tính máy móc, bóc lột thiên nhiên và gây ô nhiễm môi trường của con người hiện đại!!! Mình rất ghét hình ảnh ô tô cá nhân ==> chẹp vậy thì bỏ luôn smart phone đi (cái này là đỉnh cao của vô cảm đấy ) ,máy bay(thủng tầng ozon) tàu hỏa,xe lửa,thuyền… cấm hết để không còn hoang phí, vô cảm, ích kỷ, quán tính máy móc, bóc lột thiên nhiên và gây ô nhiễm môi trường.cấm dần để việt nam quay lại thời kì đồ đá là không thể bóc lột thiên nhiên và gây ô nhiễm môi trường được nữa!!
      -Chả nên đua với nước nào mà sản xuất ô tô cho nhiều rồi đem xuất khẩu mà làm gì ==> cái này bạn có muốn cũng không có cửa đâu.những nước có kĩ thuật sản xuất ô tô thì chả ông nào “bạn” với việt nam cả.chả có lý do gì để họ nhượng lại sản phẩm trí tuệ cho việt nam đâu.

      – đi xe đạp và các phương tiện giao thông công cộng để bảo vệ môi trường ==> những nước dám khuyến khích người dân như thế thì hệ thống các phương tiện giao thông công cộng đều rất phát triển và nó đạt gần mức tối ưu trên thế giới rồi còn ở việt nam thì ngoài cái xe buýt ra thì còn gì.nhà thì nghèo thịt không có mà toàn khuyến khích con ăn thịt :v

      ==> bạn viết dài thế làm tôi cứ tưởng luận điệu phải sắc bén lắm ai dè lí lẽ lí luận không đâu,so sánh khập khiễng.lại còn mơ về việc mua SH trong khi nhà còn không đủ cơm ba bữa(cái ni là so sánh ẩn dụ 🙂 )
      ==>tôi phản biện bạn bao nhiêu (khá dài ..do bạn cho tôi quá nhiều sơ hở để khai thác thôi) đó bạn thật sự cho mình đúng thì phản biện lại tôi đi

    • Bạn có thể làm rõ điều này giúp mình được không “Ngày xưa mình cũng từng hâm mộ văn hóa Nhật nhưng sau này xem và đọc
      lịch sử thì cái sự hâm mộ ấy cũng phai nhạt dần. Thêm nhiều thực tế khác
      mà mình biết qua sách vở và truyền hình thì Nhật Bản không phải là mô
      hình xã hội đáng học tập trong mắt mình.” Mình muốn hiểu thêm về điều đấy

  11. nếu chủ nghĩa cộng sản vừa ăn cướp vừa la làng thì sẽ không yên thân với nhân dân trong 80 năm vừa qua , chỉ vì họ quá gian trá cứ như con mẹ bán vé số , chỉ bán vé với điều kiện thua thì ráng chịu còn khi thắng giải nhất phải chia đôi với bả ( có ai hiểu ví dụ này không , đang bắt trước critical thinking đó , muốn làm quen cô giáo đẹp gái nên xuất chiêu này)

  12. Anh đẹp trai đang thấy rất nhiều người Việt Nam anh hùng dám bước ra , dù biết là có thể bị tù hay lãnh một viên đạn qua tim ,gần đây còn thấy thanh niên đưa middle finger chửi Đảng cs phi lý , còn em đẹp gái thì chỉ ngồi đó viết về chán chán chán , anh đẹp trai đọc chán quá .Đến lúc giương cung bắn độc tài cs thì lại ngồi viết , giương cung đi ! nếu cs còn ít lương tri sẽ quỳ xin tha thứ , tha hay không tha thì tuỳ các anh chị ( nếu có thể tẩy rữa sạch những vết dơ như văn hiến văn hoá thú vật cs thì nên tha ?)

    • anh à anh là người nước ngoài hay việt nam ? em rất muôn kết bạn với anh vì có thể anh sẽ kích thích đủ cho em để nổi dậy không biết chừng và để lãnh một viên đạn xẹt qua tim.Rất vui được làm quen với anh.nếu anh đồng ý thì nói cho em biết nhé.

    • Như tgiả đã nói, ta đang sống trong cái xhội mà đứng dậy đấu tranh là có công an đến bắt, tuyên truyền triết lý đạo đức thì bị phê phán là th khùng. Với lại tgiả đang có cs tốt đẹp, hơi đâu mà đi ” giương cung ” làm quái gì, ” giương” lên chết ko kịp ngáp mà chả thay đổi được cái quái gì. Thôi thì cứ lên đây than thở, còn ai có thay đổi được gì ko thì tùy vào cái ” văn hóa” của họ thôi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI