16.2 C
Da Lat
Thứ Năm, 18 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Quan sát để cảm nhận cuộc sống sâu sắc hơn

Featured Image: Khánh Hmoong

 

Bạn có chắc là mình đã quan sát mọi thứ? Nếu có thì hãy trả lời những câu hỏi này nhé.

Bạn có biết chiếc áo bạn đang mặc có bao nhiêu chiếc nút không? Cái đồng hồ bạn đang đeo có kim giây không? Chữ số trên đồng hồ là la mã, la-tinh, dấu chấm hay dấu gạch? Hôm nay bạn gái của bạn mang giày màu gì? Cái cột tóc có màu sắc và hình dáng như thế nào? Nếu bạn trả lời được những câu hỏi đó ngay lập tức mà không cần nhìn lại thì bạn đã có sẵn một kỹ năng quan sát rồi đấy.

Quan sát là gì?

Quan sát là cách nhìn sự vật, hiện tượng, hành vi, thái độ của con người một cách chi tiết và có phân tích. Hầu hết chúng ta chỉ nhìn chứ không quan sát. Hai hành động đó khác nhau ở chỗ khi ta quan sát ta có mục đích hay chủ ý rõ ràng, còn nhìn đôi khi chỉ là thoáng qua, hoặc vô tình. Khi nhìn, chúng ta không tập trung vào sự vật trước mặt mình mà thật ra mà chỉ là một cách vô thức hay có phản xạ thôi. Tuy nhiên, mọi người thường nhầm lẫn với hai khái niệm này.

Quan sát không chỉ dùng thị giác thôi, mà phải dùng cả những giác quan còn lại như Nancy Farmer có viết:

“Hãy nhìn xung quanh… Cảm nhận làn gió, ngửi khí trời. Lắng nghe tiếng chim và ngắm nhìn bầu trời. Hãy cho tôi biết những gì đang diễn ra ngoài kia.”

Quan sát chứ không Soi mói

Hai vấn đề này có điểm khác nhau là soi mói chỉ cốt để tìm ra mặt xấu của vấn đề hay của đối tượng. Một người hay soi mói sẽ nhìn được mọi thứ, vẫn có phân tích, nhưng chỉ lại đưa ra những ý kiến, những đánh giá nhận xét rất tiêu cực. Trong khi đó quan sát thì ngược lại. Do đó, càng không thể nhầm lẫn hai khái niệm này.

Quan sát để cảm nhận cuộc sống sâu sắc hơn

“Một lữ khách không biết quan sát cũng giống như một con chim không có đôi cánh.” – Moslih Eddin Saadi

Trong mỗi người chúng ta hầu như chỉ chú ý đến bản thân mình nhiều đến nỗi quên mất thế giới bên ngoài bao la và phong phú vô vàn. Bạn sẽ không nhìn thấy trái đất đang chuyển động từng ngày, những người bên cạnh đang thay đổi từng giờ, những vật xung quanh bạn đang di chuyển từng phút, từng giây. Ở đây không phải tôi muốn nói bạn vô tình, mà bạn chỉ là đang bỏ quên mọi thứ. Bạn bận bịu, lo lắng, bạn xoay quanh với những con số, vò đầu bức tóc với những rắc rối trong cuộc sống, bạn chộn rộn với những thứ vớ vẩn trong công việc, thế nên bạn đã bỏ quên thế giới.

Bạn vô tình “bỏ quên” một người bạn thân đang buồn phiền, bạn “bỏ quên” một cơn gió âu yếm thổi qua tán lá, bạn “bỏ quên” màu son môi mới của vợ, bạn “bỏ quên” ánh mặt trời đỏ chói đang lặn phía trời tây, bạn “bỏ quên” niềm vui của đứa con gái mới đi học về, bạn tiếp tục “bỏ quên” cây bàng trước cửa đang lâm râm vài lá đỏ, bạn đang “bỏ quên” mọi thứ.

Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn quan sát kỹ hơn? Bạn có thể chia sẻ với người bạn những u sầu, bạn sẽ nói với vợ rằng: “Màu son mới rất hợp với em.” Bạn sẽ cảm nhận cơn gió cũng đang ấp ôm bạn, bạn sẽ hỏi con gái: “Có gì mà con vui thế?” Bạn sẽ thấy hoàng hôn rất ấm áp nhưng gợi buồn, bạn sẽ thấy thời gian trôi nhanh mỗi khi lá bàng đỏ rơi xuống, và khi đó bạn sẽ thấy mình đang sống, đang hòa mình vào thế giới bao la.

Quan sát như thế nào?

Hãy tìm một chỗ thật thoải mái ở một quán cà phê nhỏ, ngồi xuống, im lặng, và bắt đầu quan sát xung quanh nhé. Hãy bắt đầu từ người phục vụ. Hãy để ý tóc ngắn hay dài, quần áo màu gì, dáng đi, giày, nghe giọng nói của người đó. Và khi họ bê thức uống ra, hãy quan sát thái độ của anh ta. Trong quá trình quan sát hãy tự phân tích một vài chi tiết nhỏ ví dụ: nếu anh chàng này đeo kính có thể là một sinh viên đi làm thêm, bộ đồng phục còn mới có lẽ là mới vào làm,… Thật ra điều này cũng chẳng có ý nghĩa gì nhiều, mục đích của nó là tự tập cho bạn thói quen phân tích các sự việc thôi.

Tiếp theo, hãy chuyển mục tiêu sang những nhân vật xung quanh quán. Tìm một người mà bạn hứng thú và bắt đầu quan sát người đó và phân tích. Ví dụ như anh ta đang làm gì? Chân anh ta bắt chéo hay để thẳng? Anh ta cầm điện thoại tay nào? Gương mặt anh ta có gì đặc biệt,… Từ đó, bạn sẽ phần nào đoán được tính cách của người mà bạn đang quan sát. Điều đó sẽ giúp bạn nhận ra rằng có rất nhiều chi tiết nhỏ nhưng lại tạo cho mỗi người một phong cách rất riêng.

Và bây giờ, hãy quan sát khung cảnh xung quanh, và cũng bắt đầu từ vật gần nhất là cái bàn bạn đang ngồi. Có bao nhiêu cái ghế, kiểu dáng, chất liệu như thế nào. Sau đó bạn chuyển hướng sang những vật xa hơn mình. Mỗi lần quan sát, bạn phải mất một thời gian để thật sự chú ý và đối tượng. Khi đã quen, bạn sẽ quan sát rất nhạy và nhanh như Sherlock Holmes vậy.

Nếu bạn đã thuần thục kỹ năng này rồi thì thì bạn sẽ nhận ra mình có thể học hỏi mọi thứ rất nhanh và dễ dàng vì:

“Chúng ta không cần theo học bất cứ chương trình hay lớp học nào cả, vì sự quan sát đã mở ra những cửa sổ kiến thức xung quanh chúng ta.” – Sukant Ratnakar (Open the Windows)

Thực tế, kỹ năng quan sát sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều trong công việc và cuộc sống. Điều đó cũng thể hiện sự tinh tế của bạn đối với mọi người xung quanh. Đó cũng là một cách giúp bạn thiền hơn. Vì nếu tâm càng tịnh, cảm nhận của bạn mỗi khi quan sát một đối tượng lại càng sâu sắc hơn và phân tích cũng logic hơn.

Để tóm lại bài này tôi chỉ có thể nói: Nếu đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, thì quan sát là chìa khóa mở cánh cửa tâm hồn ấy từ bên trong để nhìn ra ngoài một cách trọn vẹn. Sáng mai thức dậy, hãy thôi nhìn mà thay vào đó là quan sát. Quan sát để lắng nghe, quan sát để cảm nhận, quan sát để thưởng thức những hương vị mà bạn đã lãng quên bấy lâu nay.

 

Thụy Yên

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

18 BÌNH LUẬN

  1. Quan sát sâu sắc thì dẫn đến những hành động tinh tế, biết quan tâm chăm sóc người khác chu đáo hơn. Cuộc sống như thế quả là rất nhiều niềm vui, chúng ta sẽ kiếm thêm được những người bạn tri kỉ.

  2. Ồ đọc xong mà mình ko ngờ bấy lâu nay vô tình mình sử dụng kĩ năng này. Thế mà cứ lo là bị làm sao . Bây giờ mình còn hiểu rõ đc tâm lý của người đc tiếp xúc, điều hướng đc suy nghĩ của họ theo ý muốn của mình , cảm thấy sung sướng hơn hẳn 😀

  3. Bạn có biết khi bạn quan sát (không phê phán) là lúc bạn sống trong ” Cái đang là”.Đó là khoản khắc không thời gian gặp nhau . Chúc bạn luôn đạt được giây phút đó.

  4. qua các bài đọc và comment của các độc giả tui tin vào câu nói “tất cả mọi thứ đều tương đối chỉ có sự tương đối là tuyệt đối” kể cả các triết lý.nó chỉ đúng ở khía cạnh này rồi lại sai ở khía cạnh khác.nên chỉ khi mình đặt mình ở nhiều góc độ mới thấy điều gì đó phù hợp.

  5. Mình không hoàn toàn đồng ý với ý kiến tác giả. Quan sát phải có chọn lọc và quan trọng hơn hết là biết mình cần cái gì để quan sát, làm như tác giả nói thì sớm muộn đầu mình sẽ như một mớ lộn xộn chứ chả cảm nhận được gì!

Trả lời LTBAL Hủy trả lời

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI