21.2 C
Da Lat
Thứ Bảy, 20 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Văn học nước nhà và quan điểm sáng tác của Nam Cao

Featured Image: Lê Huy

 

Thị trường là nơi chuyển giao sản phẩm, là nơi diễn ra các hoạt động mua bán, là một tập hợp những người mua và người bán tác động qua lại lẫn nhau, dẫn đến khả năng trao đổi. Thế nhưng, gần đây, ta lại thấy xuất hiện nhan nhản trên khắp các mặt báo hai chữ “thị trường” gắn sau các lĩnh vực nghệ thuật như: âm nhạc thị trường, phim thị trường… và mới đây nhất là văn học thị trường. Điều này làm không ít người lo ngại rằng văn học ra đời là để phục vụ nghệ thuật và phản ánh xã hội hay chỉ là để mua bán?!

Văn học là một loại hình sáng tác tái hiện những vấn đề của đời sống xã hội và con người. Và thế nào là một tác phẩm văn học hay? Nói một cách dễ hiểu thì đó là những tác phẩm phải chịu đựng được sự đào thải của thời gian. Nhà văn người Pháp André Maurois đã khuyên chúng ta:

“Chúng ta nên tin cậy nơi sự lựa chọn của các thế kỷ qua. Một người có thể lầm, một thế hệ có thể lầm nhưng cả nhân loại không thể lầm. Homère, Shakespeare, Molière chắc chắn là những người xứng đáng với danh tiếng của họ. Chúng ta sẽ chuộng các tác giả này hơn là các nhà chưa chịu sự thử của thời gian.”

Chúng ta có thể thấy các tác phẩm nổi tiếng khác đã trải qua không biết bao nhiêu sương gió của thời gian mà vẫn giữ nguyên giá trị của mình, như: Trà Hoa Nữ của Alexandre Dumas (con), Trăm Năm Cô Đơn của Gabriel Garcia Marquez, Chuông Nguyện Hồn Ai của Ernest Hemingway, The Godfather (Bố Già) của Mariopuzo… Ở Việt Nam thì có các tác phẩm như: Truyện Kiều của Nguyễn Du; Đời Thừa, Chí Phèo… của Nam Cao; Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng; Tắt Đèn của Ngô Tất Tố…

Các tác phẩm nổi tiếng của Việt Nam đều được các tác giả viết trong giai đoạn đất nước gặp muôn trùng khó khăn. Tản Đà đã nói: “Văn chương hạ giới rẻ như bèo.” Hay thậm chí nhà thơ Nguyễn Vĩ đã nói: “Thời thế bây giờ vẫn thấy khó / Nhà văn An nam khổ như chó / Mỗi lần cầm bút nói văn chương / Nhìn đàn chó đói gặm trơ xương.” (Gửi Trương Tửu) Nhưng họ vẫn sẵn sàng cầm bút và cho ra những tác phẩm có sức ảnh hưởng lớn bẳng cả một trái tim nhiệt huyết và một cái nhìn ngay thẳng, đúng đắn về thời thế. Nói đến đây, ta thử nhìn lại xem dòng văn học hiện tại của nước ta – dòng văn học thị trường – đã làm được những điều ấy chưa?

Dòng văn học nước ta đang ở mức báo động nếu không muốn gọi là mục nát, đến nỗi phải gọi là “văn học thị trường” âu cũng chỉ là để phục vụ một phong trào mà thôi. Sự xuất hiện ngày càng nhiều các tác giả trẻ có lẽ là một phần làm cho văn học thị trường phát triển mạnh, vì họ ở tuổi còn trẻ, sống trong xã hội bây giờ và họ hiểu tâm lý của giới trẻ hơn các tác giả khác.

Phần lớn các tiểu thuyết, các sách do các tác giả trẻ viết đều là lối văn chương lãng mạn, ướt át và đánh đúng vào “tim đen” của giới trẻ. Giới trẻ tìm đến dòng văn học này ngày càng nhiều vì họ cảm thấy sự đồng cảm và an ủi trong những cuốn tiểu thuyết diễm tình đó, họ không cân nhắc trước khi đọc, họ bị “hiệu ứng đám đông” làm cho mù quáng và họ đã đánh mất đi “cái tôi” thực sự của mình.

Dẫu biết tình yêu là vẫn để muôn thuở của con người và việc đưa nó vào tiểu thuyết cũng là lẽ đương nhiên, nhưng nếu chúng ta không cân nhắc phải trái đúng sai thì hậu quả ắt sẽ khó lường. Cố học giả Nguyễn Duy Cần (hiệu Thu Giang) đã nói:

“Những loại tiểu thuyết diễm tình xa sự thực dẫn dắt những kẻ đầu óc non nớt, nhất là phụ nữ đa cảm đa tình đi vào con đường phiêu lưu lãng mạn ngoài thực tế đến nỗi quên rằng đời là một trường tranh đấu các danh vọng, quyền lợi của con người, và chỉ có những kẻ nào thật có bản lĩnh mới sống nỗi.”

Nếu xét sâu xa hơn ta sẽ thấy chính những cuốn tiểu thuyết diễm tình như thế này sẽ tạo nên những ảo mộng nơi con người, và khi hai “tâm hồn” ảo mộng ấy gặp nhau thì họ tưởng rằng người kia là ý trung nhân của mình. Cuộc hôn nhân này nếu có thể xảy ra thì cũng sẽ rất dễ đổ vỡ vì những hệ lụy sau hôn nhân quả là điều chưa dám nói tới. Cũng chính Nguyễn Duy Cần, ông đã nhấn mạnh:

“Tính lãng mạn của những tiểu thuyết kiểu như Tố Tâm, Werther đã làm hư hỏng đầu óc của thanh thiếu niên nam nữ không ít.”

Và hơn lúc nào hết, những lúc văn học nước ta đang phải chịu nhiều tai tiếng như thế này thì ta lại càng nhớ đến nhà văn Nam Cao, nhớ đến những quan điểm sáng tác của ông biết chừng nào. Nam Cao là một trong những tác gia lớn của nền văn học Việt Nam, là người có nhiều đóng góp lớn cho dòng văn học hiện thực giai đoạn 1930 – 1945. Trước khi bước chân vào dòng văn học hiện thực, Nam Cao đã trải qua thứ văn chương ướt át, ủy mị của văn học lãng mạn và từ đó ông đã rút ra những kinh nghiệm để bày tỏ những quan điểm văn học đúng đắn và tiến bộ.

Là một nhà văn không nên chạy theo cái đẹp, cái thơ mộng của loại văn chương phù phiếm, loại văn chương xa lạ với đời sống để rồi quay lưng với thực tại xã hội. Nhà văn phải nói lên hiện thực, phải phản ánh nỗi khổ của cuộc đời, bởi văn học không thể tách rời cuộc sống. Tư tưởng này đã được Nam Cao thể hiện rõ trong truyện ngắn “Trăng Sáng” với nhà văn Điền: “Chao ôi! Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là những tiếng kêu đau khổ thoát ra từ mọi kiếp lầm than.” Rõ ràng Nam Cao đã phê phán thứ văn chương lãng mạn và thoát ly hiện thực.

Bản chất của văn chương là sự sáng tạo, bởi văn chương không chấp nhận sự rập khuôn dễ dãi. Nếu nhà văn không tìm tòi, không sáng tạo thì không có văn chương. Tư tưởng này đã được Nam Cao bày tỏ trong truyện ngắn “Đời Thừa” qua phát ngôn của nhân vật Hộ:

“Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu tìm tòi, khơi những gì chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa ai có.”

Nam Cao còn đưa ra quan điểm về thứ văn học chân chính. Văn học chân chính là thứ văn học thấm đẫm tính nhân đạo và đòi hỏi người cầm bút phải có lương tâm. Nhà văn muốn viết cho nhân đạo thì trước hết phải sống cho nhân đạo. Ông quan niệm: “Sự cẩu thả trong văn chương chẳng những là bất lương mà còn là đê tiện.”

Trước Cách mạng tháng Tám, Nam Cao sáng tác rất nhiều, ông có trên 60 tác phẩm và đỉnh cao của văn học hiện thực. Nhưng, sau Cách mạng Nam Cao chỉ viết có hai tác phẩm, đó là truyện ngắn “Đôi Mắt” và “Nhật Ký Ở Rừng”. Điều này không phải do nhà văn cạn nguồn cảm hứng mà do ông quan niệm: “Sống rồi hãy viết.” Nhà văn phải xâm nhập thực tế, tìm được các nguồn cảm xúc thì mới có được những tác phẩm có giá trị. Đây là thái độ sống đẹp đẽ của một nhà văn chân chính.

Vậy là đã hơn 62 năm kể từ ngày Nam Cao trở về với cát bụi, nhưng quan điểm sáng vẫn được xem là cổ nhưng không cũ và đã trở thành kim chỉ nam của nhiều nhà văn. Trong thời kỳ đổi mới, đến năm 1987, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã cho ra đời truyện ngắn: “Chiếc Thuyền Ngoài Xa” và vẫn còn phản phất rất nhiều quan điểm văn học của Nam Cao.

Nếu nhà văn nào đến bây giờ vẫn còn vận dụng những quan điểm này trong các sáng tác của mình thì ắt sẽ có được những tác phẩm hay. Và để vì một đất nước với một nền văn học chân chính thì đã đến lúc các nhà văn, các hội nhà văn cần phải áp dụng các quan điểm nghệ thuật này của Nam Cao vào các sáng tác của mình.

 

Linh Hoàng

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

12 BÌNH LUẬN

  1. Theo mình, hễ câu văn trau chuốt, ngôn từ trong sáng cộng với nội dung được đầu tư thì đấy là một tác phẩm. Không quan trọng thể loại là gì. Văn học 3 xu là văn học hời hợt, từ ngữ hời hợt, cốt truyện hời hợt, đọc xong cũng thấy hời hợt tuốt.
    Văn học lãng mạn, thậm chí là diễm tình có cái hay của riêng nó. Ta biết là nó không có khả năng xảy ra, nhưng càng như thế ta càng thích tưởng tượng về nó. Phim kinh dị và viễn tưởng vẫn cực hút khách.
    Theo một hướng suy nghĩ khác, mình nghĩ những nhà văn hiện thực như Nam Cao, Vũ Trọng Phụng có gì? Họ luôn thấy mặt trần trụi của cuộc sống, ý chí kiên định thì tốt, hơi không kiên định – tiêu cực xã hội, bất mãn cuộc sống…

    • Tưởng tượng, mơ mộng một chút thì không nói gì. Nhưng những ai mê mẩn thể loại lãng mạn, sướt mướt thường có đầu óc non nớt. Có thể hiện thực sẽ làm họ vỡ mộng, song nếu lúc ấy xảy ra, cái gì sẽ làm bệ đỡ tinh thần cho họ?

  2. Anh nói đúng, văn chương thị trường giờ rẻ như bèo mặc dù giá để mua một cuốn ấy chẳng bèo tẹo nào. Thế nhưng anh ạ, anh còn nhớ cuộc bút chiến giữa hai trường phái Văn học vị nghệ thuật và văn học vị nhân sinh 1935-1939 chứ ?
    Vâng anh đang phát biểu cho lí tưởng của trường phái vị nhân sinh với các bậc tiền nhân như Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Hải Triều…cũng như Vũ Trọng Phụng đã nói :” Các ông muốn tiểu thuyết chỉ là tiểu thuyết, còn tôi và những người cùng chí hướng với tôi muốn tiểu thuyết là sự thật ở đời”. Có phải điều anh muốn ở những cuốn tiểu thuyết ngôn tình lãng mạn chính là “sự thật ở đời” mà VTP nói đến ?
    Anh chê trách thói văn chương ủy mị hão huyền vậy chủ nghĩa lãng mạn thoát li hiện thực tại sao có thể tồn tại, thu hút được lượng lớn người đọc và là một nửa của bộ phận văn học chính thống giai đoạn 30-45 ? Với những cái tên như Xuân Diệu say đắm với tình yêu, Huy Cận , Hàn Mạc Tử, Hoài Thanh, Thạch Lam, Vũ Hoàng Chương… Đó cũng là những cách thoát li hiện thực đau khổ của tầng lớp giai cấp tiểu tư sản trong xã hội đương thời đấy thôi.
    Và anh ạ, đó là nhu cầu hưởng thụ theo sở thích của mỗi người, người ta thấy niềm vui trong đó, hưởng thụ một cách lành mạnh. Đừng khẳng định các nhà văn trẻ sáng tác để phục vụ khán giả mà đó cũng là một cách thể hiện sự nhận thức hay phản ứng với xã hội, cuộc sống của họ.
    Và anh cũng đừng đồng nhất hiện thực cuộc sống với hiện thực trong văn chương. Bởi lẽ thế giới ấy không còn là thế giới khách quan mang những ý nghĩa biểu vật cho chính nó mà nó là thế giới thứ 2, hiện thực thứ 2 được nhìn qua lăng kính chủ quan của tác giả. như cách Nguyễn Tuân nhìn đời một cách duy mĩ, VTP chỉ thấy những cái nhố nhăng, chó đểu..
    “là nhà văn không nên chạy theo cái đẹp, cái mơ mộng của văn chương phù phiếm” Văn chương là một loại hình nghệ thuật bằng ngôn từ, nhà văn là một nghệ sĩ, mà nghệ sĩ không theo đuổi cái đẹp thì theo đuổi cái gì đây anh ?
    Mọi thứ tồn tại đều mang một giá trị nào đó dù ít hay nhiều.

    • Thoát li hiện thực là một loại trốn tránh. Nếu có một lượng lớn người đọc bị thu hút bởi xu hướng này thì điều đó có nghĩa là xã hội ấy quá yếu đuối, quá bất lực. Người ta cũng thấy niềm vui trong việc hút thuốc phiện, hưởng thụ như vậy phải chăng là lành mạnh?
      Tuy nhiên, tôi không cực lực lên án xu hướng đó nếu nó vừa phải. Cuộc đời cũng cần những liều thuốc an thần, một chút mộng mơ, vài giọt lãng mạn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI