16.6 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Tản mạn 2014

Featured image: Sarawut Intarob

 

Năm 2014 sắp qua đi, cứ mỗi năm trôi qua, tôi lại có thói quen viết một bài tản mạn về cuộc sống, đất nước và những gì mình suy nghĩ. Năm nay xin dành những dòng này cho các bạn trẻ, những người đồng trang lứa, những người bạn, những người anh em và cũng là tương lai của đất nước này. Nói về cuộc sống thì hẳn phải nhìn lại những gì xảy ra trong suốt một năm vừa qua, 2014 là một năm mà những người vô tâm nhất cũng không thể làm ngơ với những gì đã xảy ra. Tôi sẽ không dành thời gian để liệt kê những gì đã xảy ra, hiện tại tôi đã chọn một đoạn phim ngắn mà tôi rất thích, các bạn có thể xem đoạn phim dưới đây để có cái nhìn thoáng qua về năm 2014 đã qua:

 

Về những việc xảy ra trong một năm dài và nhiều sự kiện xin nhường lại cho mỗi người có một cảm nhận khác nhau, tôi, đơn giản là nói về những điều mình cảm nhận. Một năm dài và chúng ta có gì? Chúng ta có những mất mát, có những hạnh phúc, có những thay đổi, có chiến tranh, có những trào lưu và có cả những điều bất ngờ. Vậy chúng ta thấy gì qua những điều đó? Đó mới là điều quan trọng, quan trọng không phải là ta biết bao nhiêu, ta thấy bao nhiêu mà ta nghĩ gì, ta nhận thức thế nào mới là chuyện quan trọng.

Ta thấy một thế giới đang chuyển mình rất nhanh. Một thế giới mà một ngày nọ khi ta thức dậy, một căn bệnh mới đã xuất hiện, nước Mỹ đã tìm ra cách ép đá ra dầu, ép điện ra nước. Con người tìm ra cách đi lên sao hoả, dự tính cho những cuộc di dân chưa bao giờ có trong lịch sử. Các công nghệ mới ra đời ngày một nhanh và ngày một nhiều. Những thế hệ cũ dần dần qua đi, những thế hệ mới cũng đang từng bước kế thừa thế giới này. Chỉ qua một đêm, có thể buổi sáng ngày hôm sau mọi thứ đã không bao giờ còn như cũ… Vậy nên đừng mãi an nhàn, đừng mãi bằng lòng với bản thân, đừng ngại thay đổi vì rồi mọi thứ rồi cũng sẽ đổi thay. Chẳng có gì còn mãi. Cũng đừng bao giờ làm cho bản thân mình quá phụ thuộc vào điều gì, đi theo những lối mòn, lề thói mà bạn không muốn, hãy sống vì bản thân mình, đi theo những ước mơ. Vì biết đâu ngày mai những lề thói, những phép tắc sẽ chẳng tồn tại nữa, khi đó phải chăng bạn sẽ buồn vì mình đã đánh mất một cuộc đời đáng sống chỉ vì những nỗi sợ. Thêm nữa, nếu bạn không là người dẫn dắt sự đổi thay, thì cũng đừng tạo thêm đất cho những điều đó tiếp diễn. Hãy dành cho thế hệ tương lai những điều tốt đẹp, chứ đừng để những thế hệ đó phải chịu những nỗi đau chúng ta đã trải qua.

Ta cũng thấy một thế giới thay đổi rất chậm. Một thế giới mà cuối cùng người ta vẫn không thế thoát ra được khỏi những nỗi đau thương mà ngàn năm nay vẫn hiện hữu. Chiến tranh vẫn luôn luôn được treo trên đầu mỗi quốc gia, mỗi người dân, chỉ đợi có cơ hội là nó rơi xuống. Những tổ chức cực đoan vẫn không ngừng xuất hiện là hậu quả của những hận thù giữa các dân tộc, tổ chức khủng bố, giết chóc, đe doạ nhân danh lý tưởng và những vị chúa của họ. Một thế giới mà sự nghèo đói, những nỗi khổ vẫn còn quá nhiều… Vậy mới hiểu được rằng có những thứ sẽ mãi mãi tồn tại, dù cho con người có thay đổi như thế nào, mọi thứ có đổi thay nhanh bao nhiêu, hay chúng ta có cố gắng đến mức độ nào thì chúng ta cũng sẽ không thể mong muốn một ngày nào đó mọi thứ sẽ tốt đẹp hoàn hảo theo ý chúng ta muốn. Nhưng chúng ta nhận ra rằng nhân loại, dù không phải tất cả, vẫn không ngừng cố gắng không phải vì họ không biết điều này, cũng không phải vì họ mong muốn sống ở thiên đường mà chỉ vì một mong muốn làm cho cuộc sống này, cũng như trái đất này trở thành một nơi đáng sống hơn. Đó là một điều rất đáng khâm phục.

Về đất nước, đất nước luôn là điều mà tôi luôn băn khoăn, không chỉ một năm mà rất nhiều năm rồi

Tôi, bản thân có thể tự nhận thấy mình là một người có tình cảm kì lạ với đất nước, chưa bao giờ đúng với cái định nghĩa một người yêu nước truyền thống.

Tôi chưa bao giờ cảm thấy tự hào trước những ánh hào quang của dân tộc, những chiến thắng vẻ vang trong quá khứ. Tôi cũng không có ý thức cổ vũ cho quốc gia trong những cuộc ganh đua trên trường quốc tế, bạn bè thường không đồng tình với tôi về việc tôi chả bao giờ quan tâm đến những trận đấu bóng hay mỗi kì thế vận hội có đội tuyển Việt Nam. Tôi cũng thực lòng không quan tâm đến việc những cây đa cây đề ra đi, khi mà bao thế hệ tiếc nuối khóc thương thì tôi cũng chẳng mảy may quan tâm. Tôi cũng không thấy gì vui mừng đặc biệt khi nghe tin các bạn Việt Nam được giải này giải kia trên thế giới. Lúc nghe tin Trung Hoa kéo giàn khoan vào tôi cũng không ầm ĩ lên mạng hay ra đường hô khẩu hiệu.

Với tôi, đất nước là một cái gì đó thuộc về linh hồn, về dân tộc này hơn. Cái tôi đau đáu trong lòng nhiều năm nay là về cuộc sống của những người dân đất Việt, về tương lai và về số phận của dân tộc này. Một năm vừa qua, trước bao nhiêu biến cố và thay đổi của đất nước, sự đe doạ của ngoại xâm, sự chảy máu chất xám, sự di dân ngày càng mạnh mẽ, những thay đổi trong đời sống kinh tế, những bê bối trong chính trường, những trò lố của truyền thông và mạng xã hội, những phút bùng nổ của giới trẻ, những việc dang dở và những nhức nhối mãi mà vẫn chưa hết của đất nước. Đất nước này, dân tộc này đang có những thay đổi nhất định, dù nhỏ, nhưng cũng đã là một sự cố gắng không nhỏ. Mặc dù vậy những điều chưa tốt vẫn còn quá nhiều. Chúng ta ai cũng mong chờ sự thay đổi, mong chờ mọi thứ sẽ tốt đẹp lên, nhưng bản thân thì vẫn chấp nhận đi theo, làm theo những điều mà chúng ta biết là sai lầm vậy thì đất nước làm sao có thể tốt lên? Có một điều nữa cũng làm tôi luôn trăn trở trong lòng là đất nước này dù đã già, đã có hơn 2000 năm tuổi đời, nhưng mãi vẫn chưa trưởng thành.

Chúng ta vẫn chưa bao giờ dám thẳng thắn thừa nhận những lỗi lầm, chúng ta cứ mãi nói dối, chúng ta vẫn cứ mãi chấp nhận những điều chúng ta không thích và chúng ta cũng vẫn chưa thể học được cách tha thứ.

Nhớ năm vừa rồi, có một blogger sang Mỹ để tìm cách phát triển phong trào tự do ngôn luận cũng như định cư tại Mỹ. Trong buổi họp hôm đó, rất rất nhiều người Việt, dù đã gần nửa thế kỉ trôi qua, sống ở một trong những chân trời tiến bộ nhất thế giới, nhưng vẫn chưa thoát khỏi cái hồn của một dân tộc chưa trưởng thành. Vẫn mãi cố gắng níu kéo, đào xới thêm những nỗi đau và ép buộc những người xung quanh phải có cùng quan điểm với mình. Lá cờ, cũng là đại diện cho một quốc gia, một dân tộc, nhưng có màu cờ nào hạnh phúc bằng màu cờ hoà bình, độc lập và tự chủ trên mảnh đất này. Có màu cờ nào đẹp bằng màu cờ của một đất nước hạnh phúc, người dân ấm no. Đó mới là màu cờ mà người ta cần phải đi tìm. Vàng hay đỏ có ý nghĩ gì đâu, phải chăng chỉ một dân tộc chưa trưởng thành mới không nhận ra điều đó.

Đó là phía bên ngoài, còn ở bên trong, dân tộc tôi hẳn là một dân tộc vất vả, từng ngày bươn trải kiếm miếng cơm manh áo, nuôi sống những người thân. Ngay kể cả những người làm việc ở vị trí cao trong xã hội cũng không sung sướng gì, nếu có sung sướng về vật chất thì họ sẽ phải đánh đổi những điều khác. Năm vừa qua rất nhiều cán bộ, triệu phú của Việt Nam qua một đêm thức dậy cũng không còn như ngày hôm qua nữa. Mặc dù vậy, họ cũng vẫn chưa trưởng thành. Nếu họ trưởng thành thì có lẽ họ cũng không thể sống chỉ lo cho bản thân mình mà mặc kệ ngoài kia là một xã hội đang trên con đường sụp đổ, các giá trị nhân văn thì nhanh chóng biến mất, những lọc lừa ngày càng nhiều. Họ cũng không chạy theo những thứ xa hoa phù phiếm và đắt tiền, không tiếp tay cho những lề thói và luật đời tệ hại tiếp tục tiếp diễn. Họ có lẽ cũng không nên ép những đứa trẻ của họ đi vào con đường nó không thích chỉ vì một xã hội rối ren. Và điều cuối cùng tôi muốn nhắc đến là hãy sống cho tương lai, hãy để lại cho thế hệ sau một đất nước trọn vẹn, một nơi mà người ta còn có thể sống được chứ không phải bỏ đi để tìm một chân trời khác có lẽ đơn giản chỉ cần họ thôi nói dối và làm những điều trái với lương tâm mình thì tôi có thể tin tưởng vào một ngày dân tộc này, đất nước này sẽ là một dân tộc trưởng thành, một đất nước trưởng thành.

Phần cuối cùng là tất cả những gì tôi đã mong ước từ lâu và muốn gửi đến cho các bạn trẻ, thế hệ tương lai. Các bạn sẽ là đất nước này, dân tộc này một ngày nào đó.

(Phần bên trên tôi có nói rất nhiều vấn đề, nhưng tôi chưa một lần đề cập đến nguyên nhân cũng như giải pháp vì tôi sẽ giành lại nó cho phần này. Tôi mong các bạn sau này khi tiếp cận một vấn đề nào đó cũng nên suy nghĩ về nguyên nhân dẫn đến chuyện đó và tìm hiểu giải pháp. Chứ trong năm vừa qua, quả thực tôi thấy rất nhiều bài viết chỉ mang mục đích đả kích, đó là một điều tôi không lấy làm vui)

Có một điều khắc nghiệt của cuộc sống mà không ai có thể thoát ra khỏi, đó là sự lão hoá và sự thay thế. Trong một năm vừa rồi, có rất nhiều chuyện xảy ra trên thế giới, có rất nhiều công nghệ cũng bắt đầu tạm biệt thế giới, những con người phụng sự cho cuộc sống ngày hôm nay, ngày mai họ cũng sẽ nói lời chào tạm biệt và nhường lại trái đất này cho thế hệ mai sau. Tôi biết có rất nhiều người nặng lòng với đất nước và với tổ quốc này, tôi mong các bạn hãy giữ vững niềm tin đó. Vì không có cái gì có thể tồn tại mãi mãi, cái ngày mà thế hệ trước lui về đằng sau khi sức khoẻ và khả năng của họ không còn, các bạn sẽ là đất nước và là dân tộc này, đó cũng chính là lí do tôi viết những dòng này, mong sao các bạn có thể có một cái nhìn đúng đắn cũng như có thể làm được điều gì đó cho chính các bạn, chính dân tộc này trong tương lai.

Phần trên đã nêu rõ thực trạng đất nước và dân tộc hiện tại, thực lòng không có một chút nào vui vẻ. Chỉ có những người tự bịt mắt tự bịt tai mình thì mới có thể nghĩ đất nước vẫn còn đang ổn và mọi thứ vẫn đang tốt. Lại nói về nguyên nhân, trong năm vừa qua đọc rất nhiều bài viết trên trang cũng như ở nhiều nơi, tôi thấy phần nhiều là sự đổ lỗi (Chính quyền, đảng, nhà nước…). Đó phải chăng chính là sự chưa trưởng thành nơi dân tộc này vẫn còn sót lại của thế hệ trẻ, người ta thích đổ lỗi hơn tự nhìn nhận chính mình. Các bạn nên nghĩ về 2 vấn đề sau:

Những người lãnh đạo và chính quyền cũng là người Việt Nam. Họ sinh ra và lớn lên ở Việt Nam. Họ cũng từ xã hội này và từ đất nước này đi lên. Họ, đơn giản chỉ là sản phẩm của một xã hội. Bản thân tôi cũng không chắc là khi các bạn ngồi vào những vị trí đó, liệu các bạn có làm khác không hay cũng chỉ như vậy thôi? Phải nhìn nhận một thực tế rằng, tầng lớp tinh hoa trong một xã hội dù dẫn dắt xã hội đó nhưng cũng là sự phản ánh 2 chiều của xã hội. Nếu một dân tộc tốt liệu có sinh ra một tầng lớp tinh hoa không tốt không? Hay liệu một dân tộc không tốt có thể sinh ra một tầng lớp tinh hoa tốt không? Trách người sao không tự sửa mình trước?

Nếu như quả thật tình trạng của dân tộc và đất nước như bây giờ là do chính quyền. Thì tôi thấy vui chứ không thấy buồn, nhưng sự thực thì có vẻ không giống thế. Lý do vui của tôi là gì? Đó là không có một dân tộc nào, đất nước nào trên trái đất này không phải trải qua những năm tháng đen tối trong lịch sử của họ. Nhưng không có gì là vĩnh viễn, nếu họ là một dân tộc kiên cường, một đất nước bản lĩnh, họ sẽ có thể vượt qua những khó khăn và sớm trở lại với chính mình. Nếu như các bạn nói tình cảnh hiện tại của đất nước là do chính quyền thì tại sao hơn 2000 năm nay, dân tộc này chưa bao giờ là một dân tộc tốt, đất nước này chưa bao giờ là một đất nước mạnh? Đó mới là điều đáng buồn và đáng lo, một học sinh đã quen đứng bét lớp mãi, sẽ lấy đó làm cái sự tất nhiên. Đã bao nhiêu nhà nước, ông vua, vị tướng ra đời, đất nước đã bao lần đổi người lãnh đạo, nhưng chưa bao giờ khá lên. Vẫn mãi giữ cái thân phận là một nước nhược tiểu vậy thì chúng ta nên trách ai? Trách tầng lớp lãnh đạo hay trách chính chúng ta?

Người xưa có nói: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân.” Đó thực sự là những lời vàng. Một ngày nào đó, đất nước này sẽ được giao vào tay các bạn, khi đó các bạn có gì và sẽ làm gì? Nếu như có thể thay đổi sao không thay đổi từ chính mình, sống thực với bản thân, làm những việc tốt, tránh xa những thói hư tật xấu, ngừng việc giả dối, xu nịnh lại. Nếu như bạn có thể làm được tại sao bạn không tin người khác không làm, và kể cả có những kẻ không làm, nhưng phần đông xã hội là một xã hội tốt, thì liệu cái xấu có bị tẩy chay, có còn đất sống không? Chúng ta không thể trông chờ ai và cũng không có khả năng trông chờ một ai giúp chúng ta.

Nếu bạn nhận ra rằng giải Nobel hoà bình năm nay được trao cho một cô bé 17 tuổi và lãnh đạo sinh viên của cuộc biểu tình ở hồng kong mới chỉ 18 tuổi. Tôi nghĩ các bạn cũng sẽ nhận ra rằng bản thân mình cũng đã đủ già để dám đứng lên và dám thay đổi, không phải vì một đất nước bậc nhất, vì một thiên đường mà là vì một việt nam đáng sống hơn và tốt đẹp hơn trong tương lai. Không ai khác mà chính là các bạn và cách các bạn sống, cùng nhau các bạn có thể thay đổi tương lai của đất nước, của dân tộc và cùng nhau truyền tinh thần đó cho tất cả mọi người.

Trước khi kết thúc tôi xin nhắc lại hai câu truyện làm tôi thấy rất khâm phục trong năm vừa qua

Thứ nhất là câu chuyện nước Mỹ tìm cách ép đá ra dầu, họ luôn là những người đi đầu thế giới và điều khiển cả thế giới bằng sự phát triển và tiến bộ vượt bậc của khoa học kĩ thuật. Hẳn họ cũng nhận ra rằng khoa học kĩ thuật mới là nền móng của một đất nước, là điều giúp con người làm chủ thế giới và mưu cầu những điều mà họ đã mơ ước, thậm chí vươn ra đến vũ trụ. Ở một phương trời nào đó, nếu ai cũng ngại khổ và không học kĩ thuật thì đất nước đó có gì? Và quả thực đất nước là một trong những nước có nền khoa học kĩ thuật kém nhất thế giới. Câu chuyện thứ 2, giải Nobel hoà bình năm nay được trao cho một cô bé 17 tuổi, đã dám đứng lên chống lại lực lượng Taliban và đòi quyền được giáo dục cho thanh thiếu niên và trẻ em. Ở một vài nơi khác, khi người ta không bị doạ bắn, doạ giết nhưng vẫn ù lì và không dám đứng lên thay đổi, không dám sống tốt, nói thật, theo đuổi ước mơ và chống lại những thói xấu nghìn năm mình không thích vì sợ bị mất quyền lợi, sợ khổ, sợ bị người khác ghét và thiệt thòi. Đó là lỗi ở chính quyền hay ở dân tộc?

Năm 2014 đã qua đi, cầu mong một năm 2015 sắp đến thế giới sẽ bớt đau thương, con người sẽ sống hạnh phúc hơn và cầu chúc cho dân tộc tôi, đất nước tôi già thêm một tuổi sẽ trưởng thành hơn, cũng như cầu cho thế hệ trẻ đang dần dần trở thành những người chèo lái đất nước, dân tộc này có thể làm cho nó tốt đẹp hơn 2000 có lẻ đã qua.

Hà Nội, 31 tháng 12 năm 2014

 

Tiểu Long

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

16 BÌNH LUẬN

  1. Chúng ta không hề non trẻ, thậm chí là già cỗi. Có lẽ dùng từ hoàn thiện phù hợp hơn là trưởng thành. Chúng ta cần luồng gió mới, tư duy mới, tươi trẻ và nhiệt huyết hơn.

    • Sự trưởng thành thực tình không liên quan đến non trẻ hay già cỗi. Nó phụ thuộc vào những trải nghiệm và nhận thức của từng người. Một dân tộc trưởng thành sẽ không thể chạy theo những thứ phù phiếm, biết trân trọng những giá trị cốt lõi, biết tha thứ, chuẩn bị cho tương lai…, và còn nhiều nữa. Còn chúng ta có đầy đủ những giá trị của một dân tộc chưa trưởng thành như ghen ghét, đố kị, nhỏ nhen, ích kỉ, tư lợi, sống nhờ, không có ý thức, chạy theo những điều phù phiếm…, những sự đau đớn này, phải chăng là cái căn bệnh mà Trung Hoa đã gieo cho dân tộc ta tự ngàn năm nay.

  2. Đoàn kết dân tộc có phải là biện pháp giải quyết vấn đề cho đất nước mình ! Trong thời đại sự kết nối đã trở nên thuận tiện hơn rất nhiều thì việc “nói thì dễ mà làm thì khó” này có khá nhiều công cụ hộ trợ.
    p/s : – Rất thích cái kết của bài viết , Xin cảm ơn tác giả Tiểu Long

    • Dear Đức,
      Đoàn kết không phải là cái gốc mà là cái ngọn. Khi người ta trưởng thành, sống có trách nhiệm, người ta sẽ tự hiểu ra rằng đoàn kết là một đức tính tuyệt vời và phải gìn giữ. Không thể bắt người ta đoàn kết khi họ vẫn còn những mong muốn tư lợi các nhân và toan tính cho bản thân. Vậy nên đoàn kết không phải là giải pháp, đó là trái ngon chúng ta sẽ nhận được.
      Biện pháp giải quyết tôi đã nêu trong bài, mỗi người hãy tự sửa mình thì xã hội và đất nước tự khắc sẽ tốt đẹp lên.

Trả lời phuong liên Hủy trả lời

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI