16.6 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Nhân sinh quan của Nguyễn Hiến Lê

 

Mấy tuần nay tôi suy nghĩ nhiều về hạnh phúc, về việc tìm cho mình một nhân sinh quan – một cách nhìn đời để giữ cho mình ‘một thân thể không đau, một tinh thần không loạn’ (Epictetus). Nhân cơ duyên đó mà tìm đọc được những bài viết sâu sắc, thâm trầm như Hạnh phúc là gì, Cuộc chiến bên trong và nỗi khổ của con người rồi cảm hứng mà viết một bài lạm bàn về Nền văn minh vật chất của chúng ta

Theo dòng cảm hứng đó, tôi xin phép được chia sẻ với các bạn một đoạn trích trong Hồi Ký của Lộc Đình Nguyễn Hiến Lê – một nhà văn, học giả lớn ở thế kỷ XX. Đoạn trích này cụ Lộc Đình có trình bày sơ qua về cái nhân sinh quan của mình… Bản thân tôi rất tâm đắc cái đoạn trích này, thường đọc đi đọc lại nhiều lúc, những lúc buồn, những lúc chán chường, nhờ nó mà yêu đời trở lại… Hi vọng mỗi bạn đọc sẽ tìm được đôi điều tâm đắc cho riêng mình từ đoạn trích này…

 *****************

Nhân sinh quan của tôi – Trích từ ‘Hồi ký Nguyễn Hiến Lê‘ NXB Văn Học, 2007 (trang 730 đến 734)

Rải rác trong các tác phẩm của tôi thường đưa ra những suy tư, ý kiến của tôi về nhiều vấn đề, dưới đây tôi lựa và gom lại một số thuộc về nhân sinh quan:

Đời sống tự nó vô ý nghĩa, trừ ý nghĩa truyền chủng, nhưng mình phải cho nó một ý nghĩa. Từ hồi ăn lông ở lỗ đến nay, nhân loại quả đã tiến về rất nhiều phương diện. Chúng ta được hưởng công lao, di sản của biết bao thế hệ, thì phải duy trì di sản đó và cải thiện nó tùy theo khả năng mỗi người.

Chúng ta làm điều phải vì tin nó là điều phải, chứ không phải vì ý muốn của Thượng Đế hay một thần linh nào, cũng không phải vì mong chết rồi được lên Niết Bàn hay Thiên Đàng.

Quan niệm thiện ác thay đổi tùy thời, tùy nơi. Cái gì ích lợi cho một xã hội vào một thời nào đó thì được xã hội đó cho là thiện; cũng cái đó qua thời khác không còn ích lợi nữa, mà hóa ra có hại thì bị coi là ác. Ví dụ đạo tòng phu, toàn tử của phụ nữ có lợi cho gia đình, xã hội ở thời nông nghiệp, tới thời kỹ nghệ, không còn lợi cho gia đình, xã hội nữa nên mất giá trị. Khi sản xuất được ít, đức tiết kiệm được đề cao; ngày nay ở Âu Mỹ, sản xuất vật dụng thừa thải quá, nên sự phung phí gần thành một bổn phận đối với xã hội. Tuy nhiên vẫn có một số giá trị vĩnh cửu, dân tộc nào văn minh cũng trọng, như đức nhân, đức khoan hồng, công bằng, sự tự do, tự chủ…

Đạo nào cũng phải hợp tình, hợp lý (bất viễn nhân) thì mới gọi là đạo được. Tôi không tin rằng hết thảy loài người chỉ thấy đời toàn là khổ thôi; cũng không tin rằng hết thảy loài người thích sống tập thể, không có của riêng.

Nên trọng dư luận nhưng không nên nhắm mắt theo dư luận. Biết đắc nhân tâm, nhưng cũng có lúc phải tỏ nỗi bất bình của mình mà không sợ thất nhân tâm.

Mỗi người đã phải đóng vai trò trong xã hội thì tôi lựa vai trò thư sinh. Sống giữa sách và hoa, được lòng quí mến, tin cậy của một số bạn và độc giả, tôi cho là sướng hơn làm một chính khách được hàng vạn người hoan hô, mà có phần giúp ích cho xã hội được nhiều hơn chính khách nữa. Nhưng làm nhà văn thì phải độc lập, không nên nhận một chức tước gì của chính quyền.

Ghi được một vẻ đẹp của thiên nhiên, của tâm hồn, và tả được một nỗi khổ của con người khiến cho đời sau cảm động, bấy nhiêu cũng đủ mang danh nghệ sĩ rồi.

Văn thơ phải tự nhiên, cảm động, có tư tưởng thì mới hay. Ở Trung Hoa thơ Lý Bạch, văn Tô Đông Pha hay nhất. Ở nước ta, thơ Nguyễn Du tự nhiên, giản dị mà bài nào cũng có giọng buồn man mác.

Tôi khuyên con cháu đừng làm chính trị, nhưng nếu làm thì luôn luôn phải đứng về phía nhân dân.

Một xã hội văn minh thì nhà cầm quyền không đàn áp đối lập; cùng lắm chỉ có thể ngăn cản họ để họ đừng gây rối thôi, tuyệt nhiên không được tra tấn họ. Phải tuyệt đối tôn trọng chính kiến của mọi người.

Một xã hội mà nghề cầm bút, nghề luật sư, không phải nghề tự do, thì không thể gọi là một xã hội tự do được.

Khi nghèo thì phải tận lực chiến đấu với cảnh nghèo vì phải đủ ăn thì mới giữ được độc lập tư cách của mình. Nhưng khi đã đủ ăn rồi thì đừng nên làm giàu, phải để thì giờ làm những việc hữu ích mà không vì danh vì lợi. Giá trị của ta ở chỗ làm được nhiều việc như vậy hay không.

Chỉ nên hưởng cái phần xứng đáng với tài đức của mình thôi. Nếu tài đức tầm thường mà được phú quý, hoặc được nhiều người ngưỡng mộ thì thế nào cũng sẽ mang họa vào thân.

Hôn nhân bao giờ cũng là một sự may rủi. Dù sáng suốt và chịu tốn công thì cũng không chắc gì kiếm được người hoàn toàn hợp ý mình; phải sống chung năm ba năm mới biết rõ được tính tình của nhau. Từ xưa tới nay tôi chỉ mới thấy cuộc hôn nhân của ông bà Curie là đẹp nhất, thành công nhất cho cá nhân ông bà lẫn cho xã hội.

Có những hoa màu sắc vô hương mà ai cũng quí như hoa hải đường, hoa đào; nhưng đàn bà nếu chỉ có sắc đẹp thôi, mà không được một nét gì thì là hạng rất tầm thường.

Chơi hoa tôi thích loại cây cao; có bóng mát, dễ trồng và có hương quanh năm như ngọc lan hoàng lan. Ở đâu tôi cũng trồng hai loại đó.

Rất ít khi con người rút được kinh nghiệm của người trước. Ai cũng phải tự rút kinh nghiệm của mình rồi mới khôn, vì vậy mà thường vấp té. Nhưng phải như vậy thì loài người mới tiến được.

Cơ hồ không thể thay đổi được bản tính con người: người nóng nảy thì tới già vẫn nóng nảy, người nhu nhược thì tới già cũng vẫn nhu nhược. Nhưng giáo dục vẫn có ích lợi.

Không nên cho trẻ sung sướng quá. Phải tập cho chúng có quy củ, kỷ luật biết tự chủ và hiểu rằng ở đời có những việc mình không thích làm nhưng vẫn phải làm, và làm thì phải làm ngay, làm đàng hoàng, làm cho xong.

Xã hội bao giờ cũng có kẻ tốt và kẻ xấu. Như Kinh Dịch nói lúc thì âm (xấu) thắng lúc thì dương (tốt) thắng; mà việc đời khi giải quyết xong thì lại sinh ra việc khác liền sau quẻ ký tế (đã xong) tiếp ngay tới quẻ Vị tế (chưa xong). Mình cứ làm hết sức mình thôi còn thì để lại cho các thế hệ sau.

Hồi trẻ, quan niệm của tôi về hạnh phúc là được tự do, độc lập, làm một công việc hữu ích mà mình thích, gia đình êm ấm, con cái học được, phong lưu một chút đừng giàu. Nhưng hồi 50 tuổi tôi thấy bấy nhiêu chưa đủ, cần thêm điều kiện này nữa: sống trong một xã hội lành mạnh, ổn định và tương đối thịnh vượng.

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

14 BÌNH LUẬN

  1. Đồng ý toàn bài viết ( rất hay , đúng ) . Nhưng với câu ” đời sống tự nó vô ý nghĩa ” thì không hợp với riêng tôi . Theo Phật giáo , nhân quả , nhiều nhiều kiếp : đời sống trong một kiếp là lúc ta rèn luyện những đức tính tốt để có thể theo ta vào lúc cuối , hay kiếp sau .Rèn luyện cho tới khi được vĩnh viễn thanh tịnh . Nhanh , chậm thì tuỳ vào trí hay hạnh ( cái này tôi biết rõ vì bản thân làm biếng , đầy tham sân si tình 22 )

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI