16 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Chẳng ai thông minh hơn bạn

Featured image: Thewayofthewizard

 

Thông minh là gì? Thông minh thường được nhiều người hiểu là khả năng trời phú cho mỗi con người, sự thiên bẩm mà từ khi sinh ra những đứa trẻ đã sở hữu. Chính vì thế, trong xã hội, luôn tồn tại người này giỏi hơn và thành đạt hơn người kia. Không, mình không tin thế. Mình tin là không có người thông minh hơn người mà chỉ có người cố gắng hơn người.

Con người hay lấy thời gian để đo độ thông minh. Người nào thành thạo tiếng Anh trong 1 năm sẽ thông minh hơn người khác học 12 năm mà vẫn chưa thành thạo được. Ai học đàn nhanh hơn người khác, ai biết trượt pa-tin sớm hơn người khác, ai làm được những điều người khác không làm được trong cùng một khoảng thời gian, họ là những người thông minh hơn người khác. Thành công nào cũng gán cho sự thông minh, mà chúng ta lờ đi những yếu tố quan trọng khác: sự cố gắng, phương pháp học, kĩ năng… Một người học trong 1 năm nhưng ngày nào cũng cặm cụi 4h phải khác với 1 người học 12 năm mà 1 tuần mới học vài lần. Một người học một năm với một phương pháp, hệ thống tổng hợp ghi nhớ kiến thức rõ ràng thì phải khác với một người học 12 năm mà động cái gì học cái đó. Học xong vứt xó rồi quên. Một người đã biết trượt băng đương nhiên sẽ học trượt pa-tin rất nhanh, bởi sự tương đồng về kĩ năng của 2 môn thể thao.

Đừng gán ghép khả năng của một con người với thông minh. Con người là tổng hợp tất cả những gì họ đã làm trong quá khứ, chứ không chỉ là những gì họ vừa mới làm ở một thời điểm hiện tại. Vì không ai có thể nhìn được toàn bộ cuộc sống của người khác. Cố gắng mới là những gì thực sự đem lại thành công của họ. Nếu bạn gặp ai đó làm việc gì đó dễ dàng, đó là bởi vì:

Có thể sự cố gắng không đem lại kết quả ngay lập tức. Tôi có một người anh diễn thuyết rất tốt, nói tự tin trước đám đông. Nhưng có một điều mọi người ít để ý là, trước đây, anh ấy đã từng làm trong đoàn đội. Không phải anh ấy nói tốt nên được vào đoàn đội, mà vì vào đoàn đội, anh nói tốt. Tôi có một người bạn, chơi thể thao trò gì cũng giỏi và khéo léo: bóng rổ, đá bóng… Nhưng mọi người hay lờ đi hay không biết sự thật là bạn ấy đã vào đội tuyển thể dục dụng cụ toàn quốc hồi còn là tiểu học.

Nhiều khi con người cố gắng nhưng không nghĩ họ đang cố gắng. Một người bạn khác của mình có khả năng biểu đạt cảm xúc vô cùng ấn tượng khi thuyết trình. Và? Khi còn học trung học phổ thông, cứ mỗi khi trống ra chơi, bạn lại cầm cuốn sách ngữ văn, tìm một chỗ trống và đọc thật truyền cảm theo đúng cảm xúc của nhân vật. Mình cũng biết một em đạt học sinh giỏi văn quốc gia. Hằng ngày, bất cứ khi nào có thời gian rảnh rỗi, chẳng hạn trên xe buýt, em ấy lại nhìn trời, nhìn cây, nhìn hoa, cố gắng miêu tả thật sinh động và hấp dẫn những gì mình nhìn thấy. Những con người đó, họ cố gắng nhưng họ không nghĩ họ đang cố gắng mà thôi. Họ đang tìm niềm vui trong những việc họ làm.

Nếu như mình hỏi một ai đó: “Bạn có cảm thấy khó khăn khi để đạt được những thành công như mong đợi hay không? Và họ trả lời là không.” Đối với mình, chỉ có 3 khả năng: 1. Họ không nhận ra những cố gắng trước đây của họ đang đem lại lợi ích, 2. Họ không nghĩ họ đang cố gắng bởi họ tìm thấy niềm vui trong việc họ làm và 3. Họ đang nói dối. Trong cuốn sách 48 nguyên tắc của quyền lực, có một lời khuyên cho mọi người là: “Nếu như bạn muốn người khác đổ rạp dưới chân bạn, đừng bao giờ nói cho họ biết rằng bạn đã cố gắng như thế nào để đạt được thành quả như bây giờ. Họ sẽ tin rằng họ không bao giờ làm được những điều bạn đã làm.” Khi một người biết trượt patin và họ ra sân học trượt băng, họ sẽ như một ngôi sao sáng. Nếu họ không nói ra quá trình họ đã học patin trước đây, hiển nhiên, tài năng và sự thông minh là những gì mọi người gán ghép cho khả năng của họ. Đừng tin rằng ai đó làm việc gì đó dễ dàng, và cũng đừng mong chờ bản thân dễ dàng đạt được điều đó.

Sự thông minh chỉ là điểm xuất phát, còn sự cố gắng là vận tốc và gia tốc. Thông minh giúp cho chúng ta học một thứ gì đó nhanh hơn những bạn khác, nhưng chỉ ở những bước ban đầu. Càng lên cao, sự cố gắng, kiên trì rèn luyện càng mang tính quyết định. Những con người thông minh hơn người khác lại thường cố gắng hơn. Họ nhận được những lời khen ngợi, có được sự tự tin mà nhiều người khác không có. Những ai có điểm khởi đầu tốt hơn, thường chạy nhanh hơn và bứt phá nhiều hơn. Có lẽ chính vì lẽ đó, mà người ta hay lẫn lộn giữa thông minh và sự cố gắng. Thông minh thì dễ nhìn thấy, còn sự cố gắng không phải ai cũng nhìn ra được.

Thông minh là một lợi thế, nhưng TRÊN QUÃNG ĐƯỜNG DÀI, sự cố gắng luôn chiến thắng. Vận tốc và gia tốc thì quan trọng hơn điểm xuất phát. Không một ai đứng trên đỉnh thế giới mà không phải cố gắng. Những game thủ hàng đầu trước những giải đấu lớn có khi phải tập hợp trước 1 tháng, ngày qua ngày luyện tập 12-15h/ngày. Những ca sĩ hàng đầu ngủ 4-6h khi sắp đến những đợt lưu diễn lớn là không hiếm. Những cầu thủ bóng đá ngày nào cũng ra sân tập luyện, có một chế độ ăn uống và ngủ nghỉ hợp lý. Mặt khác, lại có nhiều ví dụ về những con người bị coi là kém cỏi hay phá gia chi tử đã cố gắng thay đổi để rồi thành công trong cuộc sống sau này.

Chính vì thế, đừng có nói là mình không thông minh hay cái gì cũng gán ghép cho sự thông minh. Nếu bạn đặt ra mục tiêu và kế hoạch học tập nhưng không thể làm được, thì bạn ko có quyền nói bản thân mình không thông minh hay nhiệm vụ khó quá. Hãy nói tại tôi chưa cố găng đủ, nếu tôi cố gắng thì tôi đã làm được.

Mọi người đều có quyền lựa chọn trong cuộc sống. Bạn có thể muốn thay đổi, muốn cố gắng hoặc không. Nếu bạn không muốn cố gắng, vậy thì cứ làm những gì bạn muốn thôi. Bạn chịu trách nhiệm với cuộc sống của bạn mà. Nhưng nhớ, đó là con đường bạn đã chọn, đừng hối hận sau này là được. Không phải lúc nào cố gắng cũng đem đến thành công, và không cố gắng sẽ đem lại thất bại. Trong cuộc sống, không có gì là tuyệt đối cả, nhưng cố gắng chắc chắn sẽ gia tăng khả năng thành công trong mọi việc.

Mọi thứ đều có lý do của nó. Không nên cũng đổ tại trí thông minh hay khả năng có hạn. Sẽ có những siêu thần đồng (tỉ lệ rất rất bé), nhưng mỗi chúng ta luôn có quyền chọn cách suy nghĩ cho bản thân, sao ta lại không chọn một cách suy nghĩ tích cực??

Mọi người thường hay gán ghép vị trí của một người với điểm xuất phát của họ (sự thông minh) còn mình coi điểm xuất phát của tất cả mọi người là 0, chỉ có sự khác biệt về vận tốc và gia tốc thôi (sự cố gắng, kiên trì). Mình chẳng thông minh hơn ai mà chẳng ai thông minh hơn mình cả. Mình biết điều đó không đúng, nhưng mình thích cách suy nghĩ đó hơn. Bất cứ khi nào gặp người những người tài giỏi, mình luôn ngưỡng mộ họ, bởi mình tin rằng, con đường đến thành công của họ đầy chông gai và trắc trở, chỉ có điều họ có nhận ra nó hay không thôi. Nếu muốn được như họ, việc duy nhất mình có thể làm là không ngừng cố gắng (nhưng không phải lúc nào mình cũng muốn điều đó).

Đó là suy nghĩ của mình, còn suy nghĩ của bạn thì sao?

***********

Bài liên quan

 

spot_img
Bài trước
Bài tiếp theo
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

26 BÌNH LUẬN

  1. Cảm ơn tác giả. Đọc xong bài viết tôi cảm thấy tự tin hơn và thấy tầm quan trọng hơn nữa của sự cố gắng trên bước đường đi đến thành công, đúng là “cần cù bù thông minh”. Bài viết rất hay!

Trả lời Cơn Gió Thoảng Hủy trả lời

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI