27.1 C
Da Lat
Thứ Năm, 18 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Khi tuổi trẻ bị đánh cắp

Featured image: Vin Diesel

 

Khi tuổi trẻ không còn là tuổi trẻ

“Các nhà đầu tư thế giới thường nghĩ về Việt Nam như một quốc gia trẻ trung, đang lên và chứa nhiều tiềm năng nhất trong số các thị trường mới nổi. Họ ấn tượng với con số tăng trưởng về dân số, về sự kiện là 58% người VN dưới tuổi 25, và theo nhãn quan của người Âu Mỹ, đây là phân khúc sáng tạo và cầu tiến nhất của bất cứ xã hội nào. Họ tìm đến VN mong những đột phá kỳ diệu và một vận hành năng động kiểu thung lũng Silicon. Sau vài năm tung tiền mua tiềm năng và cơ hội, họ thường thất vọng và âm thầm bỏ đi. Tại sao? Tại vì họ đã nhầm, một người có số tuổi còn trẻ không có nghĩa là sự suy nghĩ và vận hành của người đó cũng phải trẻ trung như số tuổi, nhất là khi họ lớn lên trong một xã hội khép kín, ít tiếp xúc với thế giới.

Tôi thất vọng vô cùng khi về lại Việt Nam và gặp toàn những ông cụ non mới trên 20 tuổi đời: Nhút nhát, cầu an, thụ động, chỉ biết ăn nhậu, và đua đòi theo thời thế. Họ sống như các ông già đã về hưu, họ nói năng như một con vẹt, lập đi lập lại những giáo điều, khẩu hiệu đã hiện diện hơn trăm năm. Họ làm việc như một con ngựa bị bịt kín đôi mắt để chỉ nhìn thấy con đường một chiều trước mắt.

Trong khi thế giới đang hồi sinh với thế hệ trẻ tự tin tràn đầy năng lực cho những thử thách của thế kỷ 21, thì người trẻ VN đang lần mò trong bóng tối của quá khứ, với sự khuyền khích của các nhóm muốn giữ quyền lực và bổng lộc. Tôi tự hỏi, sao quê hương mình… già nua nhanh như vậy? Những nhiệt huyết đam mê của tuổi thanh niên bây giờ chỉ dành cho những trận đá bóng của Châu Âu? Tôi nhìn vào những nghèo khó của dân mình so với láng giềng chỉ là một tình trạng tạm thời. Nhưng tôi lo cho cái tư duy già cỗi của tuổi trẻ sẽ giữ chân VN thêm nhiều thập niên nữa.”

— Alan Phan

Trong khi Alan Phan cho rằng tuổi trẻ của chúng ta già nua thì tôi lại không nghĩ vậy, thậm chí là hoàn toàn ngược lại, tôi cho rằng, tuổi trẻ Việt Nam ta không già, mà là quá trẻ, trẻ tới mức không thể trưởng thành, không muốn trưởng thành và làm mọi cách để từ chối việc trưởng thành. Tuổi trẻ của chúng ta – tất nhiên không phải là tất cả – gần như dành trọn thời gian của mình chỉ để vui chơi, những thú vui phù phiếm, chỉ lo chuyện ăn cho ngon, mặc cho đẹp, mua sắm cho nhiều, thật nhiều đồ chơi càng tốt. Đồ chơi của tuổi trẻ thì thật tốn kém, xe cộ, điện thoại, đồ công nghệ, hàng hiệu…

Tuổi trẻ của chúng ta không muốn và từ chối việc tự lập, muốn được sống trong gia đình êm ấm thật lâu, lâu mãi mãi. Việc tự lập tự nhiên trở nên sao quá khó khăn giống như một trận tử chiến vậy. Mọi người chắc chẳng lạ gì những hình ảnh: Những thanh thiếu niên được cha mẹ chăm nuôi như những đứa trẻ nên ba dù họ đã qua cái tuổi ấy vài chục năm rồi. Những thanh niên đợi ba mẹ cơm bưng nước rót, quần áo mang đến tay, xin việc cho tới chân và lo cho họ từ đôi vớ đến cái áo mưa mỗi khi ra đường.

Những hình ảnh đó, sao mà đáng buồn. Tuổi trẻ của chúng ta cứ như những cây tầm gửi, sống bám vào gia đình, vào xã hội, chẳng chịu tạo ra giá trị gì, chẳng chịu tư duy, sáng tạo và sản xuất, chỉ thích ăn và chơi, hưởng thụ và được hầu hạ. Tuổi trẻ chúng ta sao không chỉ không trở thành đòn bẩy mà thậm chí còn đang trở thành gánh nặng cho gia đình, cho xã hội. Thử hỏi có đáng buồn không?

Alan thất vọng khi tuổi trẻ Việt Nam như ông già, tôi thì thất vọng khi tuổi trẻ Việt Nam toàn là con nít, gần như đụng cái gì cũng không biết, không thể quyết định, không thể này, không thể kia, sợ hãi này, lo lắng nọ. Văn hóa, nếp sống, tư duy của chúng ta đã khiến cho bao thế hệ trẻ ném bay tuổi trẻ của mình vào sọt rác không hề thương tiếc như thế. Một lần nữa, thử hỏi có đáng buồn hay không?

Chung quy thì, dù quá già hay quá trẻ cũng vậy thôi, dường như thế hệ trẻ của chúng ta cũng đang tự đánh mất mình, đánh mất cái thời tươi đẹp nhất của cuộc đời mình. Hoặc là, chúng ta không đánh mất, nhưng, tuổi trẻ của chúng ta đang bị ai đó trộm đi.

“Tình yêu” khiến tuổi trẻ chúng ta chết dần

Ai ăn trộm tuổi trẻ của chúng ta: văn hóa, truyền thống, giáo dục, tư duy, truyền thông? Tất cả những thứ đó chính là một phần nguyên nhân gián tiếp khiến cho tuổi trẻ của chúng ta chậm tiến, ù lì, thụ động và đi sau thời đại như hiện nay. Nhưng, còn một lý do to bự không thể không nhắc tới, chính là yếu tố gia đình, mà cụ thể hơn, chính là những bậc phụ huynh thân yêu, là những người trực tiếp lấy trộm đi tuổi trẻ của chúng ta, một cách không thương tiếc nhưng họ sẽ chẳng bao giờ chịu thừa nhận cả.

Phụ huynh lấy trộm đi những gì tuổi trẻ đáng được hưởng, lấy trộm của con cái những năm tháng tuổi thơ đầy ắp tiếng cười bên bè bạn, bên những trò vui chơi dân gian. Và nhồi vào đó những buổi học lê thê trường kỳ từ sáng sớm tới tối mịt, hết học thêm lại học kèm, hết học chính lại học phụ. Nhìn thế hệ thiếu nhi bây giờ bị bắt học quá nhiều thứ mà tôi cảm thấy mình thật may mắn làm sao khi được trải qua một tuổi thơ đúng nghĩa, đầy ắp tiếng cười và những trò vui một thời ngây dại.

Phụ huynh lấy trộm đi khả năng tự lập của chúng ta

Tôi thường thấy mọi phụ huynh đều hối hả vội vàng chạy đến bên đỡ con mình dậy khi chúng vấp ngã, dù cho cú ngã rất nhẹ nhàng.

Tôi thường thấy những người mẹ bón cơm cho con dù đứa trẻ đã đi học tới lớp 1, mặc cho chúng từng cái áo cái quần, luôn đeo giúp cái cặp sách hay balo dù chúng dư sức làm việc đó.

Tôi đã thấy người mẹ quỳ trên sàn xỏ giày cho cậu con trai lớn tướng đã học tới cấp 2.

Tôi đã thấy những người mẹ lấy cho cậu con trai lớn tướng của mình từ đôi vớ, cái áo mưa mỗi khi cậu ra ngoài, miệng không ngừng dặn dò những việc cỏn con như thể cậu ấy đang ra mặt trận.

Tôi đã thấy những người mẹ nhất định không cho con mình làm việc nhà, dù nấu cơm hay rửa chén, tất cả cứ để đó cho mẹ. Và chẳng ngạc nhiên, những người con này luôn luôn tự hào, sau tự hào là tỏ lòng yêu thương mẹ, và tất nhiên, sau yêu thương là nghe lời mẹ dặn, không cần làm gì hết.

Tôi đã chứng kiến những bậc cha mẹ kiên quyết bắt con mình phải mua chiếc áo này, phải đăng kí vô trường nọ, phải theo ngành này, phải làm việc nơi kia

Khủng khiếp hơn nữa, tôi còn biết những phụ huynh còn muốn can thiệp tới cả việc kết hôn và sinh con đẻ cái của các con nữa, rồi can thiệp tới từng quyết định nhỏ nhất trong gia đình riêng của con cái… Rất rất nhiều những trường hợp như thế. Và phần lớn, những đứa con chỉ lẳng lặng nghe lời, ý kiến của chúng, kế hoạch của chúng chẳng có kí lô trọng lượng nào trong mắt cha mẹ cả.

Rốt cuộc, tuổi trẻ Việt Nam không phải không có chính kiến, chỉ là chính kiến của họ hoàn toàn bị lờ di, bị cười nhạo và thậm chí là bị đè bẹp không hề thương tiếc. Bởi ai, bởi văn hóa và truyền thống ư? Không, đó chỉ là gián tiếp, mà trực tiếp, bởi chính bậc cha mẹ của mình. Họ đã công khai đánh cắp sự tự lập của thế hệ trẻ Việt Nam như thế.

Phụ huynh lấy trộm cả ước mơ của chúng ta và nhồi lại vào đó ước mơ của chính họ

Ngày xưa với nỗi lo chiến tranh, nghèo khó, các phụ huynh không thể lo gì khác ngoài nỗi lo cơm áo gạo tiền và mạng sống. Họ bị cuốn đi mà không thể sống với ước mơ, nguyện vọng của mình dù chỉ một ngày. Năm tháng qua đi, nỗi lo cơm áo được xua tan, nhưng nỗi buồn về ước mơ còn dang dở khi xưa khiến họ không thể nào sống vui vẻ được. Và thế là, họ bắt con cái đi theo những ước mơ khi xưa còn dang dở của chính mình. Với ước mong qua đó họ sẽ được sống lại với ước mơ. Một bậc phụ huynh dang dở giấc mộng làm bác sĩ sẽ có khuynh hướng bắt con mình theo ngành bác sĩ, dù nó có muốn hay không. Một người mẹ ngày xưa lấy phải một ông chồng nghèo khổ, sống cuộc đời nghèo khổ nhất định sẽ ngăn cản con mình việc yêu thương những người nghèo khổ khác. Kinh điển nhất, những bậc phụ huynh chân lấm tay bùn với giấc mộng về một công việc làm công ăn lương nhàn hạ nhất định sẽ phản đối tới cùng ước mơ phục vụ ngành nông nghiệp của cậu con trai… Tất nhiên, họ có lý do của họ và ta không thể trách  được, nhưng vẫn cảm thấy buồn, làm sao để cho họ hiểu và tôn trọng quyết định của ta?

Tôi đồ rằng, nếu như hiện tại, giấc mộng công nhân viên chức – làm công ăn lương của các bậc phụ huynh ngăn cản khao khát kinh doanh, lập nghiệp của các bạn trẻ thì, tương lai, những bạn trẻ này khi làm phụ huynh, nhất định sẽ muốn con cái mình theo nghiệp kinh doanh và o ép chúng đi vào con đường đó, vì đó là con đường ngày xưa ta đã chọn mà không được thực hiện, ta cho nó là đúng, là hay, và rồi ta lại sẽ phản đối ngay cái ý tưởng được làm việc trong môi trường nghệ thuật hay tu hành của con cái mình. Có thể lắm chứ, cha mẹ nào mà không muốn con mình ngoan ngoãn, vâng lời. Con cái nào mà không muốn được mang tiếng là có hiếu. Thế rồi những tính từ đó đã hoàn toàn làm chủ cuộc sống của ta, không cho phép ta được sống cuộc sống của mình nữa. Trong 1000 lời cầu nguyện cha mẹ dành cho con cái, tôi nghĩ chắc có đến 999 lời cầu nguyện con cái nghe lời mình. Vâng, các phụ huynh ít khi cầu cho con cái đạt được ước mơ của mình, được hạnh phúc hay có ích cho đời. Các bậc phụ huynh chỉ cầu cho con cái ngoan ngoãn nghe lời mình là đủ.

Tình yêu thương các phụ huynh dành cho con cái mình, là vô bờ bến, vô điều kiện và bất khả dừng. Nhưng cũng chính tình yêu đó, lại đang kềm hãm sự bùng nổ của thế hệ trẻ, chính tình yêu đó đang cố kiểm soát cuộc sống của chúng ta, khả năng của chúng ta, tương lai và sau cùng là cả cuộc đời ta. Một thứ tình yêu to lớn nhưng chưa đạt tầm vĩ đại. Chưa thể vĩ đại vì nó vẫn còn mang đậm tính ích kỉ cá nhân, không thực sự vì con cái như các bậc phụ huynh vẫn nghĩ.

Hãy mạnh mẽ giành lại tuổi trẻ đi thôi

Còn các bạn trẻ, nếu như các bạn muốn sống đúng với ý nghĩa của từ tuổi trẻ, thì, trước tiên, các bạn phải học tính tự lập. Đừng tự hào vì được ba mẹ lo cho từng miếng ăn giấc ngủ, từng cái vớ, cái lược đến cái quần con. Đừng huênh hoang vì gia đình có điều kiện hơn người. Đừng tự đắc vì đã có sẵn một vị trí công việc được lo lót, vì một vài căn nhà, sổ tiết kiệm đứng sẵn tên… Tuổi trẻ của bạn, phải ý nghĩa hơn những thứ đó. Giá trị của bản thân mỗi người, là từ những gì chính họ tạo ra cho mình, cho đời. Hãy luôn tâm niệm điều đó.

Với những bạn trẻ gia đình không có điều kiện, hay thậm chí là thua kém bạn bè, hãy ngừng ngay than vãn, hãy ngừng ngay oán trách. Và hãy mau tìm cách đưa bản thân và gia đình thoát khỏi những điều kiện xấu đó. Hãy nhận trách nhiệm về phần mình và tìm mọi cách để hoàn thành trách nhiệm, có thế tuổi trẻ mới không bị phí hoài.

Đặc biệt, nếu như bạn có một ước mơ, một hoài bão, một kế hoạch. Mà kế hoạch đang bị cản trở bởi chính phụ huynh của mình. Hãy tìm cách thuyết phục họ, bằng những quan niệm thời đại và nhất là bằng chính những hành động thiết thực của bản thân. Hãy tỏ cho phụ huynh thấy bạn là người trách nhiệm, là người tự lập. Đôi lúc bạn cũng cần mạnh mẽ để giành lấy tuổi trẻ cho chính mình, nhưng hãy cam kết làm mọi thứ chứng minh cho phụ huynh thấy rằng bạn sẵn sàng chịu trách nhiệm về nó. Bạn làm được không?

Tuổi trẻ không chỉ là trẻ tuổi

Tuổi trẻ là phải xông pha, phải thử nghiệm, phải sáng tạo và sống hết mình với những đam mê, nhiệt huyết. Nhưng chính các phụ huynh bằng tình yêu, trên danh nghĩa tình yêu, đã lấy cắp tuổi trẻ của chúng ta như thế. Và chúng ta, hãy đứng lên, dành lại tuổi trẻ cho chính mình. Đi đến nơi cần đi, làm những việc cần làm, chứng tỏ những giá trị của chính bản thân mình thay vì trở thành giá trị mà các phụ huynh mong muốn. Hoặc, nếu có thể dung hòa được giá trị của cả hai bên, là tốt nhất.

Tất nhiên, tôi viết những điều này không phải vì xem thường hay phủ nhận tình yêu thương của các bậc cha mẹ dành cho con cái. Tôi chỉ muốn nhắc nhở rằng, tuổi trẻ Việt Nam trở nên thụ động, yếu ớt, lệ thuộc như ngày hôm nay. Chính các bậc phụ huynh phải nhận một phần trách nhiệm. Qua đó, ước ao sao họ có thể gỡ bỏ bớt những thành kiến và tư duy cũ kĩ của những thời đại trước, đừng áp nó lên con cái mình quá nhiều như hiện nay nữa.

Nếu bạn có một gia đình tư tưởng thoáng đạt với cha mẹ tâm lý, chỉ định hướng chứ không áp đặt. Một gia đình cho phép và tạo điều kiện cho bạn làm điều mình muốn, như cha mẹ tôi, thì bạn và tôi, chúng ta đang là những người cực kỳ may mắn. Vì còn biết bao nhiêu bạn trẻ ngoài kia, đang phải ngày ngày lầm lũi đi trên những con đường họ không hề chọn, làm những việc họ không hề muốn làm, mỗi ngày, mỗi ngày, chỉ để làm vui lòng các bậc phụ huynh. Sự thật là rất rất nhiều những người xung quanh chúng ta đáng phải sống như thế. Thật phí hoài tuổi trẻ. Thật đáng tiếc.

Thôi không than nữa, hãy mau tìm cách đi, tìm cách giành tuổi trẻ lại cho chính mình.

 

Phi Tuyết

 

 

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

92 BÌNH LUẬN

  1. ” Nhưng, còn một lý do to bự không thể không nhắc tới, chính là yếu tố gia đình, mà cụ thể hơn, chính là những bậc phụ huynh thân yêu, là những người trực tiếp lấy trộm đi tuổi trẻ của chúng ta, một cách không thương tiếc nhưng họ sẽ chẳng bao giờ chịu thừa nhận cả.”

    Rất thấm câu này của bạn. Mình đã và đang trong quá trình thoát ra khỏi sự đánh cắp mang tên yêu thương này. Khó khăn nhiều, ngộ ra sự thật còn nhiều hơn. Mẹ mình đặc biệt nằm trong trường hợp ‘manipulative parents’ (Lúc nhận ra mình đã rất bức xúc và đã viết hẳn 1 Tumblr về chuyện này http://mymanipulativemother.tumblr.com/).

    Mất thật lâu mình mới nhận ra, và gom đủ lí do để đứng lên đối đầu với thế lực mang tên ‘nuôi mình lớn lên’ và ‘ba mẹ luôn biết cái gì là tốt cho con cái’. Đến lúc đối mặt mới thấy hết bản chất của tình yêu thương này. Giây phút mà mẹ mình nhận ra mình có suy nghĩ độc lập và không còn ‘nghe lời’, mẹ lên cơn đánh, chửi, mắt long sòng sọc, miệng đay nghiến. Thật hình ảnh này mình sẽ không bao giờ quên. Hình ảnh của một người nhận ra con thú cưng mình nuôi bấy lâu hoá ra không thuộc quyền sở hữu và sử dụng tuỳ ý của mình như vẫn tưởng. Cho đến bây giờ đã giữ được khoảng cách, nhưng mỗi lần nói chuyện mẹ mình đều nói bóng nói gió về chuyện ‘trở về’, và cho là mình không may mắn khi không ‘có mẹ chăm sóc’. Thật buồn cười khi thấy mẹ coi sự độc lập của mình là ‘không may mắn’… “Họ sẽ chẳng bao giờ chịu thừa nhận”

  2. Hi Phi Tuyết,bài viết hay !
    Anh cũng hay thường suy nghĩ tại sao thế hệ trẻ có một phần lớn quá ỉ lại,thụ động
    và thích hưởng thụ đến vậy.Theo anh nghĩ phần do cách giáo dục gia đình chỉ chiếm
    20% nguyên nhân.Còn lại là do chính người đó,cốt lõi nằm ở cách tư duy,vì ko có tư duy độc lập nên bị tư duy đám đông dẫn dắt.Có 2 vấn đề cần suy nghĩ :
    1/ Bất kỳ ai,để thay đổi được tư duy thì phải có 1 cú đánh mạnh nhằm thức tỉnh.
    2/ Điều quan trọng nhất của tuổi trẻ ko phải là thành công hay thất bại mà là trải nghiệm.Trải
    nghiệm là chất liệu làm nên tuổi trẻ.Bởi vì bạn trẻ ko thể biết thông cảm khi chưa đau khổ,ko thể biết thành công khi chưa hiểu thất bại,ko thể nhẫn nại khi chưa biết chịu khổ 🙂

  3. Chào Chị,

    Ai đánh cắp tuổi trẻ? Trách nhiệm trực tiếp của cha mẹ đến đâu? Chị bỏ qua chính họ cũng bị nhốt lồng, họ bị trói, là nô lệ của những hệ tư tưởng lỗi thời. Vì họ chưa thể tư giải thoát nên biểu hiện sự yêu thương của họ trở thành cái neo thay vì là đôi cánh cho người họ yêu thương, mà đối tượng lớn nhất ưu tiên nhất là con là cháu họ.

    Yêu thương? Chị không định nghĩa, theo nhãn quan cá nhân, yêu thương: Hành động vì lợi ích người khác. Theo sự hiểu này, khi người ta ngộ nhận lợi ích của người họ yêu thương thì biểu hiện bằng hành động của họ trở thành hại đối tượng. Thời đại thông tin khó có thể bưng bít thì họ vướng phải cạm bẫy nhiễu, tường rào trên con đường tìm sự thật, tìm bản chất của hiện tượng.

    Biểu hiện bằng hành động của yêu thương của người mẹ trong tình mẫu tử: La, đánh, động viên, khuyến khích, cổ vũ, tức giận, bồn chồn, hi sinh lợi ích bản thân, khóc lóc,…

    Lớp trẻ đã, đang và sẽ làm cha làm mẹ phải tự giải ảo để thoát nô lệ tư tưởng trước bằng cách xem lại vị thế xuất phát từ zero của mỗi chúng ta khi chào đời, tăng hiệu quả hoạt động tiếp nhận thông tìn của các giác quan, tư duy não để sàng lọc giữa cũ và mới và lựa chọn trên cơ sở sự phát triển + hợp quy luật tự nhiên thì tự khắc các thực trạng xã hội chị nêu ra được giải quyết. Hành động trật hướng, càng nhiệt tình càng khó khăn khắc phục hậu quả.

    Lưu ý: Nội dung chia sẻ này là tài sản của người viết.

  4. ” Kể từ ngày quăng thân vào gió bụi, đến hôm nay kiệt sức tôi nằm rên, trên ván lạnh không mảnh mền manh chiếu, đời cách mạng từ nay tôi đã hiểu, dấn thân vô là chịu cảnh tù đày, là thân sống chỉ coi còn một nửa … đó là câu chuyện của lớp trẻ ngày xưa khi nước mất, nhà tan. Còn lớp trẻ ngày nay được kêu gọi tham gia phong trào của đoàn TNCSHCM ” lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng …” cơ mà.uiu

  5. Một bài viết rất hay về chủ đề tự lập và quan niệm “nhất thân, nhì thế…” (chỉ là sự liên tưởng thôi chứ bài viết không nêu trực tiếp vấn đề). Tôi xin mạn phép chia sẻ quan điểm của mình qua hai câu chuyện thực tế mà tôi may mắn có được sự trải nghiệm này: 1. Câu chuyện bắt nguồn từ một căn bệnh hiếm gặp của một cô bé sinh viên y khoa, sinh ra trong gia đình có thế lực ở niềm Trung, phát hiện ra bệnh khi mới bắt bầu vào năm 1 của quãng đời sinh viên. Cô bé không phải là con một nhưng cũng không là chị cả và là một “cành vàng lá ngọc” thật sự của gia đình. Từ khi phát hiện ra bệnh, mẹ cô bé (giữ vai trò Nội trợ trong gia đình) đã toàn tâm toàn ý lo hết tất cả mọi việc của cô bé, từ miếng ăn giấc ngủ, chuyện học hành tại trường, mối quan hệ bạn bè (những việc này thiết nghĩ, đã có từ khi cô bé còn học phổ thông) đến những vấn đề “phức tạp” phát sinh khi cô bị bệnh (chuyện uống thuốc, tuân thủ điều trị, sinh hoạt nghiêm ngặt hơn và những bất tiện do tác dụng phụ của thuốc mà tôi không tiện nói ra, vốn là chuyện bình thường của một người phụ nữ). Câu chuyện chỉ có vậy, tôi chỉ gặp và trò chuyện với mẹ cô bé trong mươi phút, dòng đời lại cuốn đi tất cả và con người vốn dĩ lại phải trôi theo những công việc nhàm chán thường ngày trên dòng đời đó, nhưng thật sự tôi suy nghĩ rất nhiều: cô bé sẽ ra sao với căn bệnh của mình, sự chăm sóc nhiệt tình của người mẹ liệu có đáng không và rồi tương lai cô bé có lẽ không do cô bé chọn lựa, mọi chuyện đã có sẵn con đường dành riêng cho cô và chỉ chỉ làm 1 chuyện duy nhất là bước đi cho đến hết cuộc đời. Cô có lẽ, hiểu theo 1 nghĩa, là “số ít được lựa chọn”… Câu chuyện thứ 2, xin được chia sẻ trong 1 dịp khác…

  6. Thực sự là bài viết rất hay và em cảm thấy thật may mắn khi đọc được những dòng này. May mắn vì em vẫn đang còn trẻ và biết được những điều thú vị vẫn đang chờ đón mình phía trước. May mắn hơn khi nghề nghiệp em đang học hoàn toàn do lựa chọn của bản thân. Và em cũng được tiếp xúc với một nhóm bạn dám thay đổi theo ước mơ của bản thân. Những người bạn dám rời bỏ cánh cửa đại học để đi theo con đường của chính mình. Tất nhiên trên con đường đó không đơn độc và mất phương hướng. Các bạn đó tìm con đường học tiếng anh để mở ra cánh cửa tri thức, học tập các tri thức của nhân loại. Sẽ mất tới 2 năm để hoàn thành điều đó nhưng sau đó sẽ là muôn vàn cánh cửa mở ra trước mắt. Nếu ai muốn quan tâm thì đó có thể search với từ khóa “Cách học tiếng anh thần kì “. Ở đó không chỉ giúp nhau học tiếng anh mà trên hết họ giúp đỡ về cả tinh thần và dạy nhau về kinh doanh và nhiều thứ khác nữa. Em chia sẻ điều trên với ý nghĩ nếu bạn sẵn sàng sẽ có những người giúp đỡ bạn. Họ sẽ dạy kiến thức cho bạn để bạn đương đầu với khó khăn thử thách. Việc còn lại là tinh thần , sức trẻ của bạn…Hãy tìm đến họ nếu bạn muốn thay đổi…

  7. Lâu rồi mình mới đọc những bài viết về tương lai – thật sự nhắc đến niềm đam mê trong lòng mình lại lặng xuống – bởi vì chính mình không biết mình yêu thích điều gì – mặc dù mình có thể cảm nhận được sức mạnh của nó là như thế nào , cái tinh thần mà nó ngắm vào con người ta,dù có thế nào cũng sống chết cùng nó – đó có lẽ làmột nguyên lý để sống – khi còn học phổ thông ,khó ai có đủ điều kiện để có thể trải nghiệm mọi việc xung quanh , rồi để ta bik ta thích cái gì – và cái hướng nào là phù hợp với ta – tất cả cũng bởi nhiều nguyên nhân ghép lại như pạn trên đã nói ( từ trường học , cha mẹ ,và cả chính bản thân mình cứ crossfire , võ lâm hay tình yêu ……..) khiến ta chưa đủ trưởng thành để tự định hướng cho tương lai của mình .Để rồi hệ lụy đến ngày hôm nay – khi chúng ta không tự định đoạt được cuộc đời của mình thì tất nhiên pa mẹ sẽ là người định đoạt – phải học một ngành mà chính mình dù bik nó không phù hợp với mình – rồi những năm tháng sau đó là những chuỗi ngày nương bợ . Ước chi tôi có thể tìm được mục tiêu của mình sớm hơn , bik’ mình yêu thích gì , thì đông lực đó cũng đã đủ cho tôi thi lại 10 lần miễn có thể vô được nghề tôi yêu thích .
    Đó có thể là suy nghĩ của tôi khoảng 1 năm trước – nhưng các bạn ah’ không nghề nào xấu cả , có thể quá khứ của của pạn không đẹp , nên tương lai của bạn mịt mờ – Nếu lỡ các bạn đã leo lên nó thì hãy một lần thử dùng hết sức của mình sống một lần vì nó – Biết đâu chính nó sẽ là bước đệm để ta tìm được niềm đam mê của mình !!!!
    Vài dòng tâm sự – Mong nhiều pạn sẽ tìm được một thứ được gọi là “NĐM”

  8. Khi bạn đi con đường riêng thì phải chấp nhận mạo hiểm, cô đơn và dĩ nhiên là rất nhiều sự chỉ trích, ném đá. Cái giá của ước mơ không hề rẻ! Ý mình là một ước mơ đích thực, cao thượng chứ không phải là danh lợi đơn thuần. Đôi khi bạn không muốn đi theo con đường của số đông nhưng bạn vẫn chưa biết mình muốn gì. Trải qua gian truân thử thách thì dần dần con đường sẽ định hình rõ ràng hơn…

    Có câu này hay: Không ai muốn người khác giống mình nhưng ai cũng sợ mình không giống mọi người. Khác biệt gây nên sự thù ghét!

    • Bạn sống cho bạn hay sống vì người khác, nếu điều bạn làm theo bạn nghĩ là đúng thì việc gì phải quan tâm, sống là phải biêt chấp nhận chứ bạn sợ à,liều mới ăn nhìu, ngồi 1 chỗ làm dc gì

  9. tôi đã thấy : bà mẹ đứng xúc từng thìa cơm bón cho đứa con gái lớp 11 ngồi chễm chệ trên ghế lướt fb bằng điện thoại.
    ngồi nhìn cái cảnh đó. chả hiểu sao tôi chỉ thấy thật buồn cười và thật không hiểu nổi bà mẹ và cả đứa con gái nghĩ gì ? thật chịu.

  10. Trong khi các bạn đang bình luận thì giới trẻ Phương Tây họ đang hành động rồi đó và đất nước họ cũng đang tiến lên từng ngày r đó 😀 Chấm dứt bình luận và ra ngoài quảng bá văn hóa Việt Nam,những gì trong khả năng mình có thể làm để bạn bè thế giới biết tới Việt Nam.Xin hết

    • xin lỗi nhưng theo bạn thì quảng bá văn hóa gì cơ?
      Nội cái văn hóa của chúng ta đã là vấn đề
      phải tái thiết lại toàn bộ nền văn hóa trc khi làm gì khác
      chúng ta quảng bá sự kém cỏi, lạc hậu, trộm cắp quá nhiều r
      trc khi làm đc gì thì ta phải làm cho mọi ng quan tâm cái đã đúng k ạ?

      • chào bạn Phi Tuyết.
        Bạn có nghĩ rằng 1 phần nguyên do của những điều trên là do nhiều người trẻ VN thiếu đi cái tôi không?Mình đang nghĩ đến việc có chăng mọi người nên xây dựng cho bản thân 1 cái tôi không bị lẫn vào ai,nói đơn giản hơn là phải có chính kiến và góc nhìn trước 1 vấn đề chứ ko để bị cuốn vào suy nghĩ của người khác.
        Bài viết rất hay,cảm ơn bạn.:)

  11. Tôi nghèo, gia đình tôi nghèo lắm, những nỗ lực vươn lên trong cuộc sống của tôi nhiều khi không đứng lên nổi. Cái nghèo đeo bám, chỉ cần sai lầm thì sẽ ảnh hưởng tới gia đình. Đừng trách gia đình, đừng trách tuổi trẻ, mà đời sống của nhân dân ta quá thấp, cuộc sống không có gì đảm bảo, đi lên cuộc sống đầy đủ quá khó khăn, nhưng rơi vào cảnh vô gia cư quá dễ dàng, bắt buộc phải chọn giải pháp an toàn thôi. Khi cuộc sống chưa no đủ chưa an toàn, thì tất yếu con người sẽ sống co cụm thôi. Tôi cũng đã từ bỏ nhiều ước mơ hoài bão của mình chọn cách tồn tại an toàn ít ảnh hưởng tới gia đình nhất. Đau lắm chứ, nhưng thoát nghèo sao gian nan và khó quá.

  12. các bài viết thường rất hay và”phê phán” đúng nhưng có lẽ cần nhiều bài học hay những tấm gương, cách định hướng cho giới trẻ mà thế giới đang hướng tới CỤ THỂ

    thì có lẽ cần thiết hơn chăng

    • trc tiên phải bắt bệnh r mới kê đơn đc bạn à!
      phải khơi gợi cái ý thức trc
      rồi thì mọi ng nên tự tìm con đường thoát ra cho mình
      k nên chờ đợi gì ai hết
      tuy mình có viết nhiều bài về định hướng, cách thức r đấy chứ
      nhưng vẫn mong muốn mọi ng chủ động hơn nữa cơ

  13. muốn gặp chị quá,muốn được nhận một cuốn sổ từ chị,muốn được nghe chị nói bởi em là 1 người mà cái gì người ta cho là không bình thường thì em cho là bình thường còn cái gì em cho là bình thường thì người ta cho là bất thường nên em trong xh này là đứa bất thường và vì thế bố mẹ luôn kiểm soát hành vi của em vì sợ em làm điều ko đúng,ns sao để bố mẹ hiểu đây trong khi em là ng xem đạo hiếu làm nền tảng của mọi việc

  14. Bài viết của bạn phản ánh chân thực về giới trẻ ngày nay. Có thể thấy một thế hệ trẻ mới đã trưởng thành trong “tình yêu thương” của cha mẹ như thế đó. Liv thuộc thế hệ 8x, cha mẹ không cưng chiều, chăm chút cho Liv như cha mẹ của thế hệ trẻ bây giờ, nhưng về khoản độc đoán thì cũng y chang. Liv cũng đã dành lại tuổi trẻ của chính mình như bạn kêu gọi, nhưng chia sẻ thật lòng, là bi thương lắm. Dù bây giờ Liv sống đúng như ý mình muốn, làm đúng điều mình đam mê, tự thân lo được gia đình, bảo đảm tương lai, nhưng về mối dây liên hệ với cha mẹ anh chị, bà con họ hàng thì…. bi đát lắm.
    Ai cũng biết để thành công việc gì thì rất nhọc nhằn đắng cay, bù lại kết quả thì ngọt. Nhưng riêng cái khoản “đi tìm vùng trời tự do”, thoát khỏi ba mẹ, chọn nghề theo ý thích, chọn bạn theo ý thích, chọn chồng theo ý thích, và sắp đặt cuộc sống theo ý thích dù cha mẹ hết lòng ngăn cản, là sẽ đắng cay cả trong hành trình, và cả ở cuối hành trình. Bạn nên nhớ không có nỗi đau nào khủng khiếp hơn bị cha mẹ mình chối bỏ, điều đó sẽ ám ảnh tâm trí bạn cho đến lúc bạn nhắm mắt.
    Thế nên nếu bạn động viên các bạn trẻ thoát khỏi cha mẹ được, thì cũng mong bạn chia sẻ cách “phá rào” thông minh. Bản thân mình dù đã phá rào thành công, nhưng cũng chưa ngộ ra được bài học tốt nhất. Vài dòng chia sẻ.

    • mỗi người trong hoàn cảnh khác nhau sẽ có những cách thức và cách giải quyết khác nhau
      sao mà có 1 cách cho chung mọi ng được bạn ơi
      còn cách riêng của mình
      đầu tiên là dùng mọi cách để thuyết phục, kể cả khóc lóc đồ
      sau khi đc phép rồi thì sẽ phấn đấu hết mình chứng minh con đường mình đi là đúng
      tới giờ mình vẫn đang đi đúng hướng và vẫn đc yêu thương dù cãi lại khá nhiều hihi

  15. Cảm ơn chị rất nhiều, đây chính là phần kiến thức em đang tìm kiếm! Cảm ơn chị đã khai mở phần này giúp em. Có được điều này, em có thể gây dựng một đội quân tuổi trẻ hùng hậu! 😀

  16. Vấn đề của tất cả mọi người, chính là không biết làm gì với cuộc đời của mình. Người trẻ, họ cũng không phải là ngoại lệ. Nhưng để được làm những điều mà mình khao khát thực hiện, nó hoàn toàn không dễ. Nếu như tất cả chúng ta đều được đặt đúng vị trí của mình trong xã hội, thì tất cả chúng ta đều hạnh phúc, và không phải lên Triết Học Đường Phố để post bài kể lể rồi. Nhận thức được con đường mình phải đi, là cả một quá trình phấn đấu, thất bại, buồn tủi và hy vọng. Tôi hỏi thật. Nếu tuổi trẻ người ta không ham chơi và làm điều vô trách nhiệm, thì sao này có thể biết mình sai mà sửa đổi cơ chứ. Vạn vật xảy ra đều có lí do của nó. Nhìn một cách tích cực thì sau này những người trẻ ấy sẽ lớn và trưởng thành, họ sẽ biết mình phải làm gì cho bản thân, gia đình và đất nước. Họ đang trong một quá trình giác ngộ, và quá trình đó không thể thành hiện thực sau một đêm. Suy nghĩ thử xem, nếu số ít chúng ta đang ngồi đây phê bình gia đình và giáo dục là những rào cản cho sự đi lên của người trẻ, thì vậy hóa ra trong mắt những người khác, chúng ta là những kẻ chỉ biết đổ thừa rồi còn gì =) vì chúng ta…còn trẻ hehe

    • cái này là bắt bệnh để các bạn trẻ tìm cách tự thoát ra trước khi đợi cha mẹ cho phép
      một cách tạo sự chủ động thông qua việc đổ thừa đó bạn hihi
      sau đó là dựng dậy ý thức của thế hệ trẻ
      để khi về già họ sẽ nhận thức khác về con đường của con cái họ
      mình mong thế

  17. Hôm qua e vừa nghe một bài trả lời phỏng vấn, cô Nguyễn Hoàng Ánh đã trả lời về trách nhiệm với việc học sinh việt nam ra ngoài đời kém kĩ năng và khả năng làm việc. Theo cô thì gia đình chịu trách nhiệm 50% (quá nuông chiều), học sinh 30% (không tự cố gắng) và nhà trường 20% (do không cung cấp đủ các kĩ năng hay định hướng cần thiết). Hôm nay lại đọc được ngay bài này của chị. Sự trùng hợp ngẫu nhiên.

  18. muốn người trẻ giành lại tuổi trẻ của mình thì cũng phải cho họ 1 động lực mạnh mẽ để họ làm được điều đó. Giới trẻ bây giờ theo em thấy giống như bị bao trùm bởi thuốc phiện vậy, thuốc phiện mang tên “yêu thương”, “ổn định”,”tiền bạc”, “hưởng thụ”…Rất nhiều người xung quanh em đều bị cuốn bởi loại thuốc phiện đó đến mức họ coi đó là chuẩn mực, là thực tế và vốn chẳng hề có ý định để thoát ra. Bài viết của chị rất hay, chỉ đáng buồn là sự tác động của nó chỉ tác dụng được lên những người cũng đang có mục đích vượt lên sẵn (số này cực ít ), hoặc may mắn là những người còn đang phân vân…còn những người đã lún quá sâu ( số này lại khá đông đảo ), họa may chỉ một ngày nào đó đùng cái một sự kiện nào đó lớn diễn ra, buộc họ phải thức tỉnh, phải rời khỏi cái vòng hưởng thụ luẩn quẩn như bài viết đề cập thì mới được. Em nghĩ như vậy 🙂

Trả lời Liv Doan Hủy trả lời

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI