25 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Sự mê muội mang tên trường học – Phần 2

Featured Image: Pixabay

 

“Một trăm năm mươi năm trước, khi Hoa Kỳ vẫn còn là một xã hội dựa phần lớn vào ruộng đất, chẳng có lý do gì để giữ những người trẻ tuổi nằm ngoài thị trường việc làm khi đã qua độ tuổi lên tám hay mười, và không có gì bất thường khi trẻ con rời khỏi trường học vào độ tuổi ấy. Chỉ có một thiểu số là tiếp tục lên đại học để nghiên cứu các ngành nghề chuyên nghiệp. Tuy nhiên, với sự tăng lên của đô thị hóa và công nghiệp hóa điều này bắt đầu thay đổi. Đến cuối thế kỷ mười chín, tám năm học ở trường đã trở thành luật lệ thay vì là ngoại lệ như trước. Đô thị hóa và công nghiệp hóa tiếp tục tăng tốc trong những năm 1920 và 1930, và thế là mười hai năm học ở trường trở thành luật lệ. Sau Đại chiến Thế giới lần thứ hai, việc bỏ học trước khi kết thúc mười hai năm học bắt đầu bị nhiệt liệt ngăn cản, và thành ra thêm bốn năm học đại học không còn được xem là cái gì đó chỉ dành cho tầng lớp tinh hoa. Tất cả mọi người nên học đại học, ít nhất là trong một vài năm. Phải thế không?”

Tôi huơ huơ tay. “Tôi có một câu hỏi. Có vẻ như với tôi việc đô thị hóa và công nghiệp hóa đáng ra phải có hiệu ứng ngược lại mới đúng. Thay vì giữ những người trẻ nằm ngoài thị trường việc làm, hệ thống lẽ ra phải cố nhét họ vào thị trường lao động chứ.”

Ishmael gật đầu.“Phải, nhìn bề ngoài thì điều này nghe hợp lý. Nhưng hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra tại đây ngày hôm nay nếu những nhà giáo dục của các cô đột nhiên quyết định rằng giáo dục trung học (cấp ba) không còn cần thiết nữa.”

Tôi dành vài giây cân nhắc và nói: “Vâng, tôi thấy ý ông rồi. Đột nhiên sẽ có hai mươi triệu đứa trẻ đổ ra cạnh tranh nhau những công việc còn chưa hiện hữu. Tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng kịch trần.”

“Điều đó thực sự sẽ là một thảm họa Julie ạ. Cô thấy đấy, không chỉ có tính quyết định khi giữ cho những đứa trẻ mười bốn đến mười tám tuổi này nằm ngoài thị trường lao động, mà còn có tính thiết yếu khi giữ chúng ở lại nhà như những đối tượng tiêu thụ không-kiếm-ra-tiền nữa.”

“Thế nghĩa là sao?”

“Nhóm tuổi này hút một lượng tiền khổng lồ – hai trăm tỷ đô la mỗi năm, được ước tính là như thế – ra khỏi túi của cha mẹ chúng để chi cho sách vở, quần áo, đồ chơi, những thứ đồ mới lạ, đĩa CD, và những thứ tương tự được thiết kế đặc biệt chỉ dành cho chúng mà không cho ai khác. Nhiều ngành công nghiệp lớn phụ thuộc vào khách hàng tuổi vị thành niên. Cô phải ý thức được chuyện ấy.”

“Vâng, tôi cho là vậy. Tôi chỉ chưa bao giờ nghĩ tới nó theo cách này thôi.”

“Nếu những đứa trẻ vị thành niên này đột nhiên được mong chờ là những kẻ kiếm ra tiền và không còn được thoải mái rút hàng tỷ đô la ra khỏi túi cha mẹ chúng nữa thì những ngành công nghiệp phân khúc cho người trẻ đó sẽ biến mất trong một đêm, đẩy thêm nhiều triệu người nữa ra thị trường lao động.”

“Tôi hiểu ý của ông. Nếu những đứa trẻ mười bốn tuổi phải tự nuôi sống bản thân mình thì chúng sẽ không chi tiền cho giày Nike, trò chơi điện tử và đĩa CD.”

“Năm mươi năm trước, Julie ạ, đám trẻ vị thành niên đi xem phim dành cho người lớn và mặc những thứ đồ được thiết kế cho người lớn. Thứ âm nhạc mà chúng nghe không phải là thứ âm nhạc được viết và biểu diễn cho chúng nghe, mà là thứ âm nhạc được viết ra và biểu diễn cho người lớn – bởi những người lớn như Cole Porter, Glenn Miller và Benny Goodman. Để tham gia vào trào lưu ăn mặc lớn đầu tiên sau chiến tranh, những cô bé tuổi teen lục lọi những chiếc áo sơ mi trắng đi làm của cha chúng. Chuyện như thế sẽ không bao giờ xảy ra ngày hôm nay.”

“Điều đó là chắc chắn.”

Ishmael trầm ngâm trong một vài phút. Rồi ông ấy nói: “Một lúc trước cô có đề cập tới việc nghe giáo viên giải thích việc một dự thảo luật được thông qua ở Quốc hội như thế nào. Tôi giả định rằng cô, trong thực tế, đã học điều này ở trường.”

“Đúng thế. Trong môn học về quyền và nghĩa vụ công dân.”

“Thế cô có thực sự biết một dự thảo luật thông qua ở Quốc hội như thế nào không?”

“Ishmael, tôi không có một khái niệm gì hết.”

“Cô đã làm bài kiểm tra chứ?”

“Chắc chắn là có.”

“Cô có qua không?”

“Tất nhiên rồi. Tôi chưa bao giờ thi trượt.”

“Vậy là, cô được cho là đã được ‘học’ việc một dự thảo luật được thông qua ở Quốc hội như thế nào, qua được bài kiểm tra trong môn đó, và rồi mau chóng quên hết nó.”

“Đúng vậy.”

“Cô có thể chia một phân số cho một phân số khác không?

“Tôi nghĩ là có, vâng.”

“Cho tôi một ví dụ đi.”

“À, được rồi, để xem. Ta có một nửa cái bánh và ta muốn chia nó thành các miếng một phần ba. Mỗi miếng sẽ là một phần sáu cái bánh.”

“Đấy là một ví dụ về phép nhân Julie ạ. Một nửa nhân với một phần ba bằng một phần sáu.”

“Vâng, ông nói đúng.”

“Cô học phép chia các phân số vào lớp bốn, chắc là thế.”

“Tôi không nhớ rõ lắm.”

“Hãy thử lại để xem cô có nghĩ ra một ví dụ trong đó cô sẽ chia một phân số cho một phân số khác không nhé.”

Tôi cố thử và phải thừa nhận là chuyện đó vượt quá khả năng của tôi.

“Nếu cô chia một nửa cái bánh làm ba, cô có một phần sáu của một chiếc bánh. Điều đó đủ rõ ràng. Nếu cô chia một nửa cái bánh làm hai, cô có một phần tư chiếc bánh. Nếu cô chia một nửa chiếc bánh cho một, cô sẽ có gì?”

Tôi nhìn ông ta trân trối.

“Nếu cô chia một nửa chiếc bánh cho một, cô có một nửa chiếc bánh, tất nhiên rồi. Bất cứ số nào chia cho một thì ra chính nó.”

“Phải.”

“Vậy thì cô có gì nếu cô chia một nửa chiếc bánh cho một nửa?”

“Ô chà. Nguyên một chiếc bánh?”

“Tất nhiên rồi. Và cô sẽ có gì nếu cô chia một nửa chiếc bánh cho một phần ba?”

“Ba nửa chiếc bánh. Tôi nghĩ thế. Một chiếc rưỡi.”

“Đúng rồi. Vào lớp bốn, cô đã dành hằng tuần liền cố gắng làm chủ khái niệm này, nhưng tất nhiên nó quá trừu tượng đối với học sinh lớp bốn. Nhưng giả định là cô đã qua được bài thi.”

“Tôi chắc chắn là tôi đã qua.”

“Vậy ra cô học thật nhiều cần để qua được kỳ thi, rồi ngay lập tức quên sạch. Cô có biết tại sao cô lại quên nó không?

“Tôi quên nó là bởi vì, ai mà thèm quan tâm?”

“Chính xác. Cô quên nó bởi cùng một lý do cô quên việc một dự thảo luật được thông qua ở Quốc hội như thế nào, là bởi vì cô không sử dụng nó trong cuộc sống của cô. Trong thực tế, người ta hiếm khi nhớ được những thứ mà họ không dùng gì đến.”

“Điều đó đúng.”

“Cô nhớ được bao nhiêu những điều mà cô học được ở trường năm vừa rồi?”

“Hầu như chẳng nhớ gì, tôi sẽ nói vậy.”

“Cô có nghĩ mình khác gì so với bạn học trong chuyện này không?”

“Không khác chút nào.”

“Vậy là hầu hết các cô chẳng nhớ được gì từ điều mà các cô học ở trường từ năm này sang năm sau.”

“Đúng thế. Rõ ràng là tất cả chúng tôi biết đọc và viết và làm tính đơn giản – hoặc là hầu hết chúng tôi làm được điều đó.”

“Điều đó càng chứng tỏ cho điều đang nói, chẳng phải sao. Đọc, viết và làm tính là những thứ mà các cô thực sự dùng trong cuộc sống của mình.”

“Vâng, điều đó hoàn toàn đúng.”

“Đây là một câu hỏi thú vị dành cho cô, Julie. Các giáo viên của cô có kỳ vọng là cô nhớ được tất cả những gì cô học trong năm ngoái không?”

“Không, tôi không nghĩ như vậy. Họ mong chờ ta nhớ là đã có nghe về điều đó. Nếu giáo viên nói ‘các lực thủy triều,’ cô ấy mong chờ mọi người gật đầu và nói, ‘Vâng,chúng ta đã học những cái này vào năm ngoái.’”

“Cô có hiểu sự vận hành của các lực thủy triều không, Julie?”

Ờ thì, tôi biết chúng là gì. Còn tại sao các đại dương lại phình ra ở cả hai phía của trái đất vào cùng một thời điểm thì tôi hoàn toàn chẳng hiểu nổi.”

“Nhưng cô đã không đề cập chuyện này với giáo viên của cô.”

“Dĩ nhiên là không rồi. Tôi nghĩ là tôi đã được 97 điểm với bài trắc nghiệm. Tôi nhớ điểm số còn giỏi hơn là nhớ nội dung môn học.”

“Nhưng giờ thì cô đang ở trong vị trí có thể hiểu tại sao cô đã bỏ ra đúng ra là bao nhiêu năm đời mình trong trường học để học những thứ mà cô quên ngay lập tức một khi cô đã qua được kỳ thi.”

“Thật vậy sao?”

“Thật vậy. Thử nghĩ mà xem.”

Tôi thử nghĩ. “Bọn họ phải cho chúng tôi một cái gì đó để làm trong suốt những năm chúng tôi bị giữ nằm ngoài thị trường việc làm. Và họ phải làm sao điều ấy trông có vẻ hay ho. Nó phải trông có vẻ là một điều gì đó t-h-ự-c s-ự hữu ích. Bọn họ chẳng thể cứ để chúng tôi hút ma túy và nhảy tưng tưng suốt mười hai năm cho được.”

“Sao lại không, Julie?”

“Bởi vì như thế trông sẽ không ổn. Sẽ hết đường che đậy. Bí mật sẽ lộ ra. Tất cả mọi người sẽ biết là chúng tôi ở đó chỉ để giết thời gian mà thôi.”

“Khi cô đang liệt kê ra những thứ mà người ta thấy là sai trái với hệ thống trường học của các cô, cô đã ghi nhận rằng chúng thật tệ hại trong việc chuẩn bị cho người ta có được việc làm. Cô nghĩ lý do tại sao chúng lại kém cỏi trong việc này thế?”

“Tại sao chứ? Tôi nào có biết. Tôi không chắc là thậm chí mình có hiểu câu hỏi này không nữa.”

“Tôi đang mời gọi cô nghĩ về chuyện này theo cái cách mà tôi sẽ nghĩ.”

“Ồ,” tôi nói. Sau khoảng ba phút suy nghĩ tôi cũng chỉ nói được có vậy. Rồi tôi thừa nhận là mình chẳng có khái niệm gì làm cách nào suy nghĩ về chuyện này theo cách của ông ta cả.

“Người ta nghĩ sao về sự thất bại này của trường học, Julie? Điều này sẽ cho cô một manh mối về điều mà Bà mẹ Văn hóa dạy dỗ.”

“Người ta nghĩ trường học là kém cỏi. Đấy là tôi đoán người ta sẽ nghĩ thế.”

“Cố cho tôi thấy điều gì đó mà cô cảm thấy tự tin hơn là một dự đoán xem.”

Tôi ngẫm nghĩ trong một lúc và nói, “Bọn trẻ con lười biếng, và trường học thì kém cỏi và thiếu kinh phí.”

“Tốt. Đó đúng thực là điều mà Bà mẹ Văn hóa dạy. Các trường học sẽ làm gì nếu có nhiều tiền hơn?”

“Nếu trường học có nhiều tiền hơn, chúng sẽ có được các giáo viên giỏi hơn hoặc trả lương được cho giáo viên cao hơn, và tôi đoán lý thuyết ở đây là thêm tiền sẽ khích lệ giáo viên làm tốt công việc của mình hơn.”

“Thế còn chuyện bọn trẻ con lười biếng thì giải quyết sao?”

“Một phần trong số tiền có thêm đó sẽ được chi để mua những đồ dùng học tập mới và những cuốn sách hay hơn và giấy dán tường đẹp hơn, và lũ trẻ sẽ không còn lười biếng như trước nữa. Đại loại như thế.”

“Thì chúng ta cứ giả dụ là những trường học mới và được cải tiến này cho ra những học viên tốt nghiệp mới và được cải thiện hơn. Chuyện gì xảy ra tiếp theo?”

“Tôi không biết nữa. Tôi đoán là bọn họ sẽ dễ dàng kiếm việc làm hơn.”

“Tại sao, Julie?”

“Bởi vì họ có các kỹ năng tốt hơn. Họ biết làm những việc mà người sử dụng lao động muốn.”

“Xuất sắc. Và thế là Johnny Smith sẽ không phải đi làm một người đóng bao bì ở trong cửa hàng tạp hóa, đúng không? Cậu ta có thể nộp đơn vào một công việc trợ lý quản lý chẳng hạn.”

“Đúng vậy.”

“Và đấy là điều tuyệt vời, đúng không?”

“Vâng, tôi nghĩ là thế.”

“Nhưng cô biết đấy, anh trai của Johnny Smith đã tốt nghiệp bốn năm trước đó, trước khi trường học được tổ chức mới và cải tiến.”

“Thì sao?”

“Anh ta nữa cũng đã đi làm cho cửa hàng tạp hóa. Nhưng tất nhiên, vì không có kỹ năng, anh đã phải bắt đầu bằng việc đóng gói hàng hóa.”

“Ồ, đúng.”

“Và giờ, sau bốn năm làm việc, anh ta cũng muốn nộp đơn vào vị trí trợ lý quản lý.”

“À ừ,” tôi nói.

“Và rồi còn có Jennie Jones, một trong những học viên tốt nghiệp từ những trường học mới và cải tiến của các cô. Cô ta chẳng phải nhận một công việc thấp tịt như trợ lý hành chính tại một công ty tài chính. Cô ta có thể vào đúng vị trí chánh văn phòng để làm. Và thế thì thật tuyệt vời, phải không?”

“Cho tới giờ là vậy.”

“Nhưng mẹ cô ta đã quay trở lại lực lượng lao động vài năm trước đó, và không có kỹ năng gì cả, đã phải bắt đầu ở vị trí thấp tịt là trợ lý hành chính tại công ty tài chính đó. Giờ bà ta đã sẵn sàng để được đề bạt làm chánh văn phòng.”

“Tệ thật.”

“Cô nghĩ người ta sẽ thích thú thế nào với những trường học mới và cải tiến, những trường chuẩn bị được cho học viên tốt nghiệp ra trường sẽ có được những công việc tốt?”

“Họ không thích thú gì.”

“Giờ thì cô biết tại sao trường học lại kém cỏi trong việc chuẩn bị cho học viên tốt nghiệp sẵn sàng với môi trường làm việc chưa?”

“Chắc là tôi hiểu rồi. Những người mới tốt nghiệp sẽ phải bắt đầu từ dưới đáy của thang việc làm.”

“Vậy là cô đã thấy rằng trường học của các cô đang làm đúng cái điều mà các cô thực sựmuốn chúng làm. Người ta tưởng tượng rằng họ muốn thấy con cái mình bước vào môi trường làm việc với những kỹ năng thực sự hữu ích, nhưng nếu chúng thực sự làm được thế, chúng sẽ ngay lập tức bắt đầu cạnh tranh việc làm với anh chị của chúng và cha mẹ của chúng, mà đó sẽ là thảm họa. Và nếu những người mới tốt nghiệp ra trường với những kỹ năng lợi thế, ai mà thèm đi đóng gói hàng ở các cửa hàng tạp hóa cơ chứ, Julie? Ai sẽ làm công việc quét dọn? Ai sẽ bơm xăng? Ai sẽ sắp xếp giấy tờ? Ai sẽ lật bánh ham-bơ-gơ?”

“Tôi cho rằng chuyện này sẽ chuyển sang vấn đề tuổi tác.”

“Ý của cô là cô sẽ bảo với Johnny Smith và Jennie Jones rằng họ không thể có được công việc họ muốn, không phải vì những người khác có phẩm chất tốt hơn mà bởi vì những người khác nhiều tuổi hơn chứ gì.”

“Đúng thế đấy.”

“Vậy thì có nghĩa lý gì việc trao cho Johnny và Jennie những kỹ năng cho phép họ làm được những công việc đó?”

“Tôi đoán là nếu họ tốt nghiệp với những kỹ năng này, thì ít nhất họ sẽ có được công việc đó khi tới lượt họ.”

“Anh chị và cha mẹ của họ có được những kỹ năng này ở đâu?”

“Trong lúc làm việc, tôi đoán thế.”

“Ý của cô là trong khi đóng gói hàng, quét dọn, bơm xăng, làm công việc sắp xếp giấy tờ và lật bánh bơ-gơ á.”

“Vâng, tôi đoán thế.”

“Và chẳng phải những học viên mới tốt nghiệp từ những trường cải tiến của các cô sẽ góp nhặt được cũng những kỹ năng ấy như anh chị và cha mẹ họ, bằng việc làm những công việc đó hay sao?”

“Vâng.”

“Thế thì họ có lợi lộc gì trong việc học trước những kỹ năng ấy, bởi lẽ dù sao thì họ cũng sẽ học được chúng trong khi làm việc?

“Tôi đoán là theo cách nào thì cũng chả có lợi lộc gì,” tôi nói.

“Giờ để xem liệu cô có thể tìm ra lý do tại sao trường học của các cô lại cho ra những học viên tốt nghiệp với giá trị sinh tồn bằng không không nhé.”

“Được thôi…Để bắt đầu, Bà mẹ Văn hóa sẽ nói rằng thật là vô ích khi cho ra những học viên tốt nghiệp với giá trị sinh tồn cao.”

“Tại sao lại thế, Julie?”

“Bởi vì họ chả cần tới nó. Người sơ khai cần tới nó, chắc hẳn rồi, nhưng không phải là những người văn minh. Sẽ thật phí thời giờ khi người ta học cách tự sống sót.”

Ishmael bảo tôi cứ tiếp tục.

“Tôi đoán là nếu ông đang dẫn dắt cuộc trao đổi này, ông sẽ hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta cho ra một lớp các sinh viên mới và cải tiến với một trăm phần trăm giá trị sinh tồn.”

Ông ta gật đầu.

Tôi ngồi đó một lúc để nghĩ cho thông. “Điều đầu tiên tôi nghĩ đến là họ đi làm những công việc như hướng dẫn viên nơi hoang dã hay đại loại thế. Nhưng thế thì hoàn toàn ngu ngốc. Vấn đề là, nếu họ có một trăm phần trăm giá trị sinh tồn, họ chả cần gì tới công việc.”

“Tiếp tục đi.”

“Khóa kín thực phẩm lại cũng chẳng giữ được họ trong nhà tù này. Họ sẽ ra ngoài. Họ sẽ tự do!”

Ishmael lại gật đầu. “Tất nhiên một số ít trong số bọn họ sẽ vẫn chọn ở lại đằng sau – nhưng đấy sẽ là chuyện thuộc về lựa chọn. Tôi dám nói rằng một Donald Trump hay một George Bush hay một Steven Spielberg sẽ không có bất cứ khuynh hướng nào muốn bỏ nhà tù của Kẻ Lấy lại sau lưng.”

“Tôi sẽ cá còn nhiều hơn là một số ít. Tôi sẽ cá rằng một nửa sẽ ở lại.”

“Tiếp tục đi. Chuyện gì sẽ xảy ra đây?”

“Ngay cả nếu một nửa chọn ở lại, thì cánh cửa sẽ vẫn mở. Người ta sẽ đổ ùa ra. Nhiều người ở lại, nhưng nhiều người sẽ chui ra.”

“Ý của cô là, đối với nhiều người trong số các cô, có được một công việc và làm việc cho tới tuổi nghỉ hưu trông không giống như thiên đường chút nào?”

“Chắc chắn là không,” tôi nói.

“Vậy là giờ thì cô đã biết tại sao trường học của các cô lại cho ra những học viên tốt nghiệp chả có chút giá trị sinh tồn nào rồi nhé.”

“Đúng thế, tôi biết. Do bởi họ chẳng có bất cứ giá trị sinh tồn nào, họ buộc phải bước vào nền kinh tế của Kẻ Lấy. Thậm chí nếu họ thấy ra khỏi nền kinh tế đó vẫn hơn thì họ vẫn không thể làm thế.”

“Một lần nữa, điểm thiết yếu cần chú ý là, đối với tất cả những than phiền của các cô, trường học của các cô đang làm đúng cái mà các cô thực sự muốn chúng làm, nghĩa là sản xuất ra những công nhân, những người không có lựa chọn nào khác ngoài việc bước vào hệ thống kinh tế của các cô, được phân loại từ trước thành các cấp độ khác nhau. Những người tốt nghiệp trung học (cấp ba) nói chung được định đoạt làm những công việc cổ xanh. Bọn họ có thể là thông minh và tài năng giống như những người tốt nghiệp đại học, nhưng họ chưa chứng tỏ được điều này bằng việc trải qua thêm bốn năm nghiên cứu – những nghiên cứu mà phần lớn chẳng hữu ích hơn cho cuộc sống so với những nghiên cứu học tập mười hai năm trước đó. Dù sao thì, bằng đại học sẽ được chấp nhận vào làm những công việc cổ trắng, là cái nhìn chung đối với những người mới chỉ tốt nghiệp trung học thì đừng có bén mảng tới.

“Điều mà những công nhân cổ xanh và cổ trắng thực sự ghi nhớ được từ việc học ở trường không quan trọng lắm – trong công việc hoặc trong cuộc sống riêng. Rất, rất ít người trong bọn họ sẽ có bao giờ được gọi ra để chia một phân số cho một phân số khác, phân tích một câu văn, mổ xẻ một con ếch, phê bình một bài thơ, chứng minh một định lý, luận bàn về các chính sách kinh tế của Jean-Baptiste Colbert, xác định sự khác nhau giữa các bản sonnet của Spenser và Shakespear, mô tả cách một dự thảo luật thông qua ở Quốc hội, hoặc giải thích tại sao các đại dương lại phình ra ở hai phía đối diện của trái đất dưới tác động của các lực thủy triều. Vì vậy, nếu họ tốt nghiệp mà không thể làm được những chuyện đó, thực sự chẳng thành vấn đề dù chỉ là nhỏ nhất. Công việc sau đại học thì rõ ràng là khác hẳn. Bác sĩ, luật sư, khoa học gia, học giả và tương tự như thế, họ thực sự phải dùng trong cuộc sống thực tế điều mà họ học trong trường, vì thế với phần nhỏ dân số này việc học tập ở trường thực sự có tác dụng nào đó ngoài việc giữ cho bọn họ nằm ngoài thị trường lao động.

“Sự lừa bịp của Bà mẹ Văn hóa ở đây là bảo rằng sự tồn tại của nhà trường là để phục vụ cho nhu cầu củacon người. Thực tế thì chúng tồn tại để phục vụ cho nhu cầu nền kinh tế của các cô. Trường học cho ra những học viên tốt nghiệp không thể sống mà không có công việc nhưng lại chẳng có kỹ năng công việc, và điều này phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế của các cô một cách hoàn hảo. Cái mà cô đang thấy vận hành trong các nhà trường không phải là một khiếm khuyết của hệ thống, nó là một đòi hỏi của hệ thống, và chúng thỏa mãn yêu cầu đó với hiệu quả gần như là một trăm phần trăm.”

“Ishmael à,” tôi nói, và mắt chúng tôi gặp nhau. “Ông luận ra điều này hoàn toàn một mình thôi à?”

“Phải, qua nhiều năm, Julie ạ. Tôi là một nhà tư tưởng rất chậm chạp.”

(Còn tiếp)

 

Kiuti Di

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

18 BÌNH LUẬN

    • Phần đang dịch ở trên là phần “School Daze” trong “My Ishmael” của Daniel Quinn
      Bạn có thể tìm thấy nguyên bản của nó trên mạng với những từ khóa trên 🙂 . còn phần 3 tiếng việt mình nghĩ có lẽ dịch giả không đăng lên nữa, bạn cứ nhìn ngày đăng hai phần là biết , đến phần ba lâu quá trời mà vẫn chưa thấy đăng .

  1. Bác AD cho em góp ý 1 cái nhé.

    Khi bác đăng bài dạng serial, vui lòng cập nhật luôn mấy cái link bài cũ vào phía dưới bài viết. Đơn giản vì có nhiều người thích đọc, nhưng yếu kỹ năng search google, họ sẽ gặp khó khăn khi tìm lại bài cũ. 🙂
    Thân.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI