16 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Đám đông, sự khác biệt và chính ta

Featured Image: Pixabay

 

Chúng ta sống, chúng ta tuân thủ những luật lệ chung. Vì những lợi ích mà người khác mang lại, chúng ta biến thành những kẻ chạy theo số đông và nịnh nọt họ, làm vừa lòng họ dù rằng có thể những gì ta nói, những việc ta làm không hề đúng với những gì ta nghĩ. Ta cảm thấy một sự ray rứt dâng lên trong chính tâm hồn ta, ta muốn mình khác đi, muốn làm những điều đúng với bản thân mình. Nhưng than ôi! Chúng ta cũng cần những mối lợi để phục vụ cho lợi ích cá nhân của ta. Đó chính là mâu thuẫn lớn nhất trong cuộc sống con người, sự đối lập của những lợi ích.

Con người không thể hạnh phúc nếu sự mâu thuẩn đó tồn tại. Sự giằng xé của lương tâm, sự đối diện của đúng – sai, đẹp – xấu sẽ bào mòn sức sống ta. Chính vì thế tâm trí ta sẽ làm một sự điều chỉnh nào đó để lấy lại sự cân bằng. Một trong những cách mà nhiều người thường dùng, đó là lý tưởng hóa những gì họ chọn lựa, đặt cho chúng một giá trị vượt qua giá trị thực của chúng. Đó là tự mình lừa mình, hợp lý hóa để thấy lòng thanh thản, để thấy mình hạnh phúc dù rằng hạnh phúc đó là sự giả tạo. Thường thì người ta sẽ chọn những gì có đông người lựa chọn. Đó là tâm lý của từng cá thể có trong đám đông.

Tuy nhiên có những người vẫn không cảm thấy yên ổn với tâm hồn khi họ tự lừa dối chính mình. Càng chạy theo đám đông thì càng tôn thêm sự đau khổ đó, nó giống như xát muối vào vết thương. Trong đám đông, họ phải đối mặt trực diện với những sự phi lý và đáng khinh. Chính vì vậy tâm lý họ bắt đầu biến đổi, họ thù ghét đám đông, họ muốn lấy lại bản thân mình bằng cái gọi là Sự Khác Biệt. Họ tách mình ra khỏi đó, tạo ra một đối lập với những gì đám đông làm và nghĩ. Để giảm đi sự đau đớn khi phải sống cô độc, họ đã làm cái việc mà nhóm người trước đã làm, đó là lý tưởng hóa Sự Khác Biệt, tôn vinh Sự Khác Biệt như một thứ gì đó vô cùng cao quý. Nhưng sự thật có phải là thế hay không?

Ngày nay có rất nhiều người chạy theo cái gọi là Sự Khác Biệt, khi mọi người đi A thì họ đi B, khi ai phê phán họ thì họ gọi người đó là có tâm lý Bầy Đàn. Càng phê phán thì họ càng ác cảm, càng cố chấp bảo vệ con đường họ đang đi, họ tự hào vì họ đã sống một cách trung thực với bản thân mình. Có phải thế không? Câu này tôi đã hỏi đến 2 lần cơ đấy, bạn có biết tại sao? Vì tôi e là sự thật không đúng như họ nghĩ. Họ cho rằng họ tách biệt với đám đông nhưng họ sai rồi, họ vẫn đang gắn liền với điều mà họ căm ghét, bằng chính sự đối lập với nó. Sống đúng với bản thân mình không bao giờ gắn liền với điều gì ở ngoài bản thân ta. Họ chỉ đi từ sự mơ hồ này đến sự mơ hồ khác.

Sự Khác Biệt mà ngày nay người ta chạy theo giống như một bộ áo hơn là bản chất. Nó tạo cho họ một sự nổi bật giữa đám đông, và thật lạ khi người ta muốn tách biệt và chối bỏ đám đông nhưng lại phụ thuộc vào đánh giá của chính cái đám đông đó. Khi đám đông không còn quan tâm đến Sự Khác Biệt của họ thì cái Sự Khác Biệt đó cũng mất đi ý nghĩa trong họ và rồi nó cũng chết yểu mà thôi. Ai sẽ đi cố gắng mặc bộ áo sặc sỡ khi không có người nhìn ngắm? Những chuyển biến sẽ diễn ra trong vô thức chứ bản thân những người đó không hề biết.

Sống đúng với chính ta nghĩa là không phụ thuộc vào những tác nhân bên ngoài, ta làm và nghĩ theo những điều ta cho là đúng. Đám đông có thể sai không có nghĩa là luôn luôn sai, không có nghĩa là luôn luôn sai với những gì ta nghĩ và với con người thật của ta. Khi những gì đám đông nghĩ đúng với những gì ta nghĩ thì việc chọn lựa Sự Khác Biệt chính là một hành động phủ nhận chính ta. Ta là ta khi ta không mang thành kiến với bất cứ điều gì đến từ bên ngoài, đám đông làm đúng ta theo, đám đông làm sai ta bỏ. Sự Khác Biệt chỉ là một mặt trong những gì ta làm, nó không hề và chưa bao giờ đại diện cho việc sống đúng với chính mình cả.

Con người ngày nay thường nhìn thấy vẻ ngoài hơn là hiểu rõ bản chất những gì mà họ đang đi theo. Vì nhìn vẻ ngoài nên họ hoặc tôn vinh hoặc khinh bỉ những sự chọn lựa của từng con người. Anh là đúng khi anh chọn A và sai khi chọn B. Còn nếu anh khi thì chọn A lúc thì chọn B thì anh là ba phải, là không có lập trường. Họ không nhìn thấy sự nhất quáng trong cái C mà người đó lựa chọn, vì cái C luôn ẩn phía sau rất khó nhìn thấy. Có khi cái C sẽ thay đổi theo cách suy nghĩ của bản thân người đó khi họ hiểu ra một điều gì sâu sắc hơn. A và B của đám đông thường là những hằng số, còn C của người sống cho chính họ thì thường là biến số. Vì khi họ thật sự nhận ra chính họ thì họ cũng nhận ra giới hạn của mình mà cải thiện nó.

Sống theo bản thân, kiên quyết đi theo lý tưởng của mình là một hành động khá nguy hiểm. Nguy hiểm đó tạo ra khi họ có sự khác biệt với đám đông hay hay khác biệt với những ai lý tưởng Sự Khác Biệt, mà cả 2 nhóm người đó đều có ảnh hưởng rất lớn trong xã hội này. Sống theo sự thật cũng chính là bắt những kẻ sống trong sự giả dối phải đối diện với những gì mà họ sợ hãi và chạy trốn. Sự sợ hãi đến từ vô thức hơn là họ tự nhận biết, vô thức cảm thấy sự nguy hiểm khi phải trở lại cái mâu thuẫn ban đầu nên nó khiến người đó căm ghét cái người sống thật đó. Họ sẽ quy chụp những gì là xấu xa lên người đó và tiêu diệt anh ta. Đó là bản chất con người!

Vậy sau khi đọc bài này xong thì bạn nghĩ gì về chính bạn? Bạn có thử ngồi xuống để nghĩ về những gì bạn từng nói về cái gọi là Tâm Lý Bầy Đàn hay Sự Khác Biệt không? Và tương lai bạn sẽ đối diện với chúng ra sao? Nhưng tôi cũng nhắc một điều, đừng vì đọc xong bài này rồi nghi ngờ tất cả những gì bạn đã làm, bài chỉ mang tính tham khảo chứ không phủ nhận tất cả những gì bạn từng đi qua. Dù bạn từng đứng trong đám đông hay sống trong sự khác biệt thì rất có thể lúc ấy bạn đang sống đúng với chính bạn. Bài này chỉ muốn đi sâu hơn một chút về những gì đang diễn ra trong cuộc sống mà thôi.

 

Mắt Đời

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

68 BÌNH LUẬN

  1. …. Ko đi theo đám đông, ko để ý những gì đám đông làm
    … Thích làm theo mình nhưng sẵn sàng xem xét ý kiến góp ý và cả chê trách
    …. Luôn ghét tâm lý bầy đàn
    …. Nhưng vẫn chưa từ đc cảm giác sợ hãi khi làm 1 gì đó trước đám đông ( sợ bị đánh giá )

    ~Meow~

    • mình viết bài phân tích rạch ròi nhưng trong cuộc sống thì mình cũng chưa làm được như những gì mình viết đâu, vì con người sống trong xh mà, chúng ta cần đám đông để chia sẻ, chúng ta cũng cần tách ra khỏi đám đông để thấy mình quý giá. cả 2 điều đó sẽ tạo cho ta cảm giác thấy mình đang sống thật sự. bài viết chủ yếu để ai đọc thì hiểu vấn đề thôi, khi hiểu thì dù có trong đám đông bạn cũng có sự tự chủ của mình nếu nhìn ra đám đông đi sai đường, khi bạn tách biệt thì cái tách biệt đó thể hiện tính cách và tâm hồn bạn chứ không phải là do chạy theo một phong trào nào đó.
      những điều bạn nêu ra thì tôi cũng có đấy mà 🙂

  2. dù sao thì mình vẫn khuyến khích sự khác biệt hơn tâm lý bầy đàn cố hữu
    mỗi người vốn là 1 cá thể đặc biệt và duy nhất trên đời
    tại sao phải cố gom họ lại với nhau dưới những mỹ từ công bằng – bình đẳng
    tuy nhiên cũng có những khác biệt sai và khác biệt đúng
    giả như khi ai cũng cố làm người tốt thì có người lại ráng tạo ra 1 sự khác biệt bằng cách làm người xấu
    mình từng chạm trán r
    cậu ta thường dô các cm sau bài viết để gây sự, chửi bới và tiêu chí của cậu ta là khi mọi người hóa thiên thần thì cậu ta sẽ là quỷ
    đó là một sự khác biệt sai lầm cần tẩy chay
    còn lại thì, cứ khác biệt đi, chẳng chết ai cả
    khác biệt là bản năng thì tốt
    khác biệt mà phải gồng mình lên thì thôi cho r

    • sống đúng với bản thân vốn đã bao hàm cái giống và cái khác trong đó rồi. mỗi cá thể là duy nhất nhưng nhiều cá thể lại cùng tồn tại những nhu cầu giống nhau vì tất cả họ đều có thân xác và cùng sống trong một xh hội, có cái giống trong sự bao quát và cái khác trong chi tiết. vì vậy mọi người luôn có điểm giống và khác nhau.
      tuy nhiên tại sao con người ta đôi khi lại tôn sự khác biệt lên quá cao? vì để làm những sự khác biệt thì khó hơn hơn là làm những việc giống với người khác, chính sự khó khăn đó tạo cho con người một ảo giác là chúng giá trị hơn. Nếu một người có sự tự chủ tuyệt đối thì giống hay khác mọi người đều trở thành vô nghĩa, vì anh ta chỉ làm theo ý chí của bản tâm anh ta thôi. khi đó vấn đề không còn là sự giống hay khác mà lại nằm ở ý chí anh ta là tốt hay xấu đối với anh ta và xh. (đó cũng là sự giống và khác nhau giữa Roark và Gail trong Suối Nguồn)
      🙂

  3. Đây là bài viết mình rất chờ đợi vì dạo này có quá nhiều người lên án tâm lý bầy đàn, ca ngợi sự khác biệt. Số đông đâu hẳn đã là sai, khác biệt chắc gì đã đúng hoặc ngược lại. Thật ra không quan trọng bầy đàn hay cá thể, chỉ cần mình sống đúng với điều mình nghĩ thôi, nếu vô tình ở vào phe nào cũng được.

    • bài này cách bài trước khoản 1 ngày thôi, đó là vì bức xúc khi đến đâu cũng thấy người ta tôn vinh sự khác biệt, viết bài về sự khác biệt rồi nhiều người vào ca ngợi. không những thế khi một người có những quan điểm rõ ràng là sai, là xấu nhưng họ lại tự vệ bằng cái gọi là “tôn trọng sự khác biệt, tự do ngôn luận, mỗi người một ý…” hoặc đi xa hơn là “trên đời này không có gì là đúng hoặc sai hoàn toàn”. Tất nhiên những quan điểm đó đáng để nhìn nhận và tôn trọng nhưng dựa vào đó để bảo vệ cho cái tôi ích kỷ thì quả thật là mình chịu không nổi hi hi. Có những điều rất giá trị nhưng lại được sữ dụng trong sự tầm thường và chỉ có vẻ ngoài.

      Tính ra thì mình còn rất cố chấp với những cái đẹp xấu đúng sai đó. Nhưng kêu mình thấy mà không nói hoặc vuốt ve những ý thích đó thì quả thật là rất khó với mình. Cảm ơn bạn đã đọc và chia sẻ.

  4. Rất đồng ý với quan điểm của tác giả. Mình thì gần đây trở nên hơi dị ứng với cụm từ “tâm lí đám đông”, bởi vì nhiều bạn vì quá tôn thờ nó mà quên mất mục đích ban đầu của việc thoát khỏi đám đông là suy nghĩ bằng chính cái đầu của mình. Việc làm trái với đám đông dù không biết đám đông đúng hay sai, hình như đang dần tạo nên 1 đám đông mới. Mình thì chỉ tin vào logic của bản thân.

    • bạn nói đúng đấy, những người chạy theo sự đối lập với đám đông theo cảm tính sẽ tạo thành một đám đông mới và đám đông này sẽ nguy hiểm hơn đám đông trước rất nhiều đấy.

    • Đúng đấy. Bạn nghĩ khác theo kiểu tích cực chứ đừng Cố Tình chơi nổi để trục lợi cá nhân.
      Thiên tài nghĩ khác để tạo lợi ích cộng đồng hoặc hướng đến điều tích cực.
      Lũ gây chú ý nghĩ “khác” để được … chú ý.
      Ngoài ra bệnh nhân tâm thần thì miễn bàn.

  5. Ngày càng nhiều người lý tưởng hóa cá nhân để thu hút sự chú ý, mọi người chắc chắn có thể tìm thấy một ví dụ riêng cho mình trong showbiz hiện nay. Tác giả đã phản ánh khách quan và đúng cái ung nhọt của xã hội bây giờ. Ai Ai chắc hẳn ít nhiều gì cũng nghe doanh nhân này,người nổi tiếng nọ khác biệt vì điều này diều kia.Từ đó hình thành vô số nhân cách sai lệch nhưng họ quên mất rằng bối cảnh lịch sử và văn hóa vùng miền, họ quên mất rằng người ta thành công người ta mới nói, còn bản thân mình thì bắt chước một cách máy móc chỉ để thu hút cộng đồng.

    • Người ta thích nhìn bề ngoài và chạy theo hình thức, rồi những người muốn được nổi tiếng thì cố gắng tạo ra cái hình thức khác rồi lại dùng báo đài lăng xê lên thế là có Sự Khác Biệt hi hi.Lẽ ra sự khác biệt là một phần trong cách sống của những ai có ý thức và tự chủ, nhưng giờ nhiều người lại mang nó ra tô son trét phấn nhầm thu hút một đám đông mới chạy theo. Cuối cùng thì những ai sống trong mơ hồ vẫn mãi bị kẻ khác dẫn dắt dù là sống trong đám đông hay trong sự khác biệt mà họ tưởng là khác biệt.

        • có thể bạn không hiểu sai, nhưng cách bạn thể hiện những gì bạn hiểu là sai. có thể nó tạo ra sự hiểu lầm vì bạn đã không cho nó một bối cảnh rõ ràng và có đầu đuôi. giống như một người nói với người kia “có người nói: anh nhảm nhí” hoàn toàn khác với khi người đó chỉ nói “anh nhảm nhí”. Nếu bạn còn dùng cách này thì sẽ nhận được tác dụng ngược với những gì bạn muốn nói đấy.

          • Mình hiểu về sự khác biệt theo nghĩa tích cực,chính sự khác biệt đã tạo nên những điều kỳ diệu trên thế giới này,không khác biệt thì không có những thiên tài,billgate là một VD,chiếc điện thoại iphone,hay như trang triethocduongpho tất cả điều rất khác biệt.
            Còn bài viết của bạn nói về sự khác biệt giả tạo!
            Chính vì hiểu bài viết của bạn theo một cách khác nên mình mới đưa ra bình luận,và cũng đã cẩn thận đặt lời bình đó trong dấu ngoặc kép.

          • bạn biết không? sự khác biệt chỉ là cái hình ảnh mà bạn mang ra so với một cái gì đó thôi. cái tạo ra sự kỳ diệu trên thế giới này không phải sự khác biệt mà chính là sự sáng tạo. Sự sáng tạo tạo nên một cái mới khác hẳn cái cũ mà đám đông sữ dụng bằng cách sao chép những cái có sẵn. nhưng con người không phải lúc nào cũng có thể sáng tạo liên tục nên nó sẽ sống trong cái đang có và cái nó sáng tạo. là chính mình không có nghĩa là chạy theo ai hay tìm cách đối lập với ai, như đã nói, đôi khi cách sống ta giống đám đông, đôi khi khác đám đông.
            cái mà bạn đang hiểu chính là sự sáng tạo chứ không phải sự khác biệt, nhưng có nhiều người tạo ra sự thành công cho họ bằng cách cố ý tạo ra sự khác biệt với đám đông để hấp dẫn đám đông, họ là những kẻ tạo ra xu hướng mới cho đám đông để những ai ham sự khác biệt giả dối lại chạy theo và tạo ra một đám đông mới, và cái trò này cứ lặp đi lặp lại mãi còn người ta cứ chạy theo mãi với ảo tưởng rằng mình khác biệt.

  6. theo mình thì con người có tâm lý bầy đàn là do nhu cầu muốn an toàn thôi, đứng trong đám đông mà ko theo ý kiến chung thì thật là nguy hiểm.Đó cũng là sự khôn ngoan đấy chứ! Còn khác biệt ư, nếu khác biệt mà được đám đông chấp nhận thì đó là đúng đắn, còn không thì đó là dị biệt, quái dị. Cũng giống như trong kinh doanh thôi khi anh làm ra 1 sản phẩm có sự khác biệt mà đc mọi người đón nhận thì anh sống, còn khác biệt mà ko ai chấp nhận thì anh buộc phải thay đổi hoặc chết. Tóm lại theo bầy đàn hay khác biệt còn tùy vào hoàn cảnh của từng sự việc và quyết định thôi. Muốn như vậy thì lại phải có kiến thức và cách duy nhất chẳng có gì khác là học và học

    • mình thích dùng 2 từ đám đông hơn là bầy đàn. tâm lý đám đông có từ khi con người bắt đầu xuất hiện, họ phải đoàn kết lại để chống chọi với thiên nhiên, chính nó cũng thúc đẩy sự hình thành xh ngày nay. Thường thì ở trong đám đông thì an toàn hơn, còn khôn ngoan hay không thì chưa biết được, nếu ta hành động theo đám đông một cách vô thức thì hẳn không phải là khôn ngoan rồi.
      “nếu khác biệt mà được đám đông chấp nhận thì đó là đúng đắn, còn không thì đó là dị biệt, quái dị” tôi lại không đồng ý với quan điểm này của bạn.

      Tóm lại là khi có nhiều người thì sức mạnh được tạo ra, nếu sức mạnh đó mang lại sự tốt đẹp hay hạnh phúc thì tại sao ta lại không theo? nhưng nếu nó đi theo con đường sai lầm thì đi theo chính là tìm chết, khi đó ai khôn ngoan thì biết đi hướng khác. sống theo đám đông hay sống trong sự khác biệt để làm chi? tại sao không sống theo những gì mình muốn kia chứ! đúng không nào 🙂

    • Theo mình nghĩ, một người đã có thể là chính mình hẳn là họ sẽ sống đơn giản. Không khác biệt đến mức quái dị đâu. Nếu khác biệt theo hướng đó thì chẳng qua cũng chỉ là 1 cực đối lập của việc đi theo xu thế thôi. GIống như mấy bạn hippies á.

  7. Theo bài này: Chắc mình ba phải! :))

    Nói gì thì nói, thực tế là Sự Khác Biệt đã luôn luôn tồn tại trong chính mỗi con người rồi, làm gì có ai đó lại cùng suy nghĩ như nhau và thực hiện như nhau? Người trên đời, chỉ có một, và đó là điều khiến ta thực sự đặc biệt – Đó là cách tôi nghĩ về Sự Khác Biệt. Còn theo nhiều người nghĩ về Sự Khác Biệt (giống như bài trên), thì đúng hơn là nên thêm cái vế đằng sau cho rõ và dễ hiểu hơn, nên gọi cái này là: “Sự Khác Biệt Hình Thức Gỉa Tạo”. Sự Khác Biệt mà những-người-trẻ đang hướng tới chính là “Sự Khác Biệt Hình Thức Gỉa Tạo” (Tên dài quá :)) ). Vì sao gọi là khác biệt? – Vì họ “chẳng giống ai”. Vì sao gọi hình thức? – Vì họ chẳng biết rõ về cái mà họ chọn lựa cả, họ không biết nó, nhưng chỉ cần cái đó mà có ít người chọn, ít người có, không cần biết, chỉ cần họ biết nếu họ làm thế thì chắc chắn họ sẽ nổi bật. Vì sao gọi giả tạo? – Vì những chọn lựa, hành động thực tế không phải là chính – bản – thân họ muốn.

    Còn về Tâm lý bầy đàn, chỉ đơn giản là nhiều người cùng nghĩ đến một phương án thôi, nhiều người, đa số hơn thiểu số – được suy xét một cách nông cạn, ai cũng hiểu ( nhưng thực tế chẳng hiểu cái gì đâu). Và nếu nói về Sự Khác Biệt Hình Thức Gỉa Tạo ở trên, nó chẳng khác nhau tý nào cả – về tính chất, chỉ đơn giản là một bên là “tự tập” còn một bên là “phân tách” mà thôi.

    Cuối cùng thì những người đang chạy theo Sự Khác Biệt Hình Thức Gỉa Tạo, họ chỉ hơn những người Tâm lý bầy đàn, ở chỗ – họ có nhiều hơn một cái mặt nạ thôi! Chỉ một cái – Nghĩ đi – THẬT ĐẶC BIỆT. Đúng không?

    • một bình luận hay, càng ngày càng xuất sắc đấy, cũng nên nghĩ đến chuyện viết bài đi.
      nhưng cũng có vài điểm mình muốn nói:
      mỗi con người chúng ta đều khác biệt nhau đó là sự hiển nhiên. nhưng cũng không bao giờ được quên rằng chúng ta có những điểm giống nhau, đó là cùng sống trên địa cầu, trong 1 quốc gia nào đó, chung một thời đại, chung một thị trấn, chung một ngôi trường, chung một xóm…luôn sẽ có người có cùng bạn một đặt điểm nào đó và chính đặt điểm đó tạo nên sự giống nhau. cùng vì chúng ta sống bằng thân xác này nên những nhu cầu của thân xác cũng chi phối lên hành động và suy nghĩ của chính ta. Đừng quá tôn vinh cái việc ta là duy nhất đó hơn cái vị trí nó cần phải tôn vinh. tất cả những điều đang tác động lên bạn đều có quá trình của nó. Ví như trong thời kỳ khó khăn, con người cần đoàn kết lại để chiến đấu thì cái việc hy sinh quên mình vì một lợi ích chung to lớn sẽ được nêu cao, vì nó cần thiết cho sự tồn tại. nhưng khi khó khăn đã qua con người không cảm thấy hạnh phúc khi mất đi cái tôi của mình và khi áp lực đó bùng nổ thì cái sự khác biệt cá nhân đó sẽ được vươn cao và trở thành chân lý sống, được tôn vinh đến đỉnh điểm. nhưng con người lại là một loài sống quần cư, sẽ khó có sự cân bằng khi tách mình ra khỏi xh. phải công nhận cả 2 yếu tố tác động lên hạnh phúc của ta chứ không chỉ một.
      cái nữa là bạn chưa thật sự nhìn sâu vào cái tâm lý đám đông. có lẽ ở một nơi tách biệt bạn sẽ khó cảm nhận được nó. hãy thử đi xem phim hoặc hài kịch sẽ biết, đến một đoạn hài tất cả khán giả đều cười và bạn cũng cười, nhưng nếu bạn ở nhà bạn xem đến đoạn đó bạn sẽ thấy chẳng có gì đáng cười cả. hay trong các cuộc bạo loạn do biểu tình, đừng nghĩ tất cả mọi người trong đám đông đó đều ngu dốt cả, trong ấy chưa chắc không có những người có học vị cao đâu, nhưng khi họ đứng trong cái đám đông đó và đám đông bị kích động thì họ cũng bị theo như thường. cái tâm lý đám đông đó hình thành từ mấy vạn năm của loài người rồi, nó nằm sâu trong vô thức ấy. Vì vậy đừng quá xem thường nó. hãy luôn cẩn thận, rất nhiều người nói đến cái tâm lý bầy đàn này nọ rùi cười. nhưng khi tìm hiểu sâu vào nó thì không cười nổi đâu, vì sâu trong vô thức của mọi con người sống trên trái đất này đều có nó. nhưng ngăn nó thế nào là ở ý chí và sự tự chủ của mỗi người. và không thể khống chế một đối thủ mạnh khi ta quá xem thường nó.

      • Vậy thì Sự Khác Biện này có thể tạo nên một đám đông khác, một đám đông (có thể nói) về cơ bản là trái ngược hoàn toàn với đám đông thứ nhất. Dù những người trong nó không nhận thấy điều đó nhưng họ luôn bị ảnh hưởng bởi lãnh tụ theo cách này hay cách khác (ví như đa số giới trẻ ngày nay).Có lẽ cách tốt nhất ta biết để thoát khỏi đám đông là hiệu biết (đặc biệt là hiểu biết bên trong, như cậu nói bên trên với Chi Hâm rồi). Hiểu biết càng nhiều, nhận thức càng cao và từ đó sẽ dễ dàng thoát khỏi đám đông đã kiềm giữ cá nhân bấy lâu nay.

        • Trong bất cứ mặt nào trong cuộc sống, khả năng hiểu biết về nó càng cao thì sự khống chế của bạn càng dễ dàng hơn :). vậy muốn tránh sự khống chế của một lãnh tụ hay sự vô thức có trong mình thì cách tốt nhất là nghiêng cứu về tâm lý đám đông. Bạn có thể mua sách về đọc, đọc những gì trong sách nghĩa là bạn đã có một trải nghiệm trong tâm trí rồi, khi trong hiện thực bạn gặp nó thì bạn dễ nhận ra và thoát khỏi khống chế hơn.

  8. Mắt Đời luôn là một tác giả mà mình thực sự kính trọng 🙂 Bài viết của bạn luôn rất hay .
    Đây cũng không phải ngoại lệ. Sau khi đọc xong, thật sự có đôi chút hoang mang .Có lẽ những gì mình đang làm chỉ là muốn người ta nhìn nhận mình ” khác biệt” so với mọi người thôi chứ chẳng phải cá tính , cá tẹo gì :p mình là một đứa ba phải , mình thích làm những hành động khác người cốt để được người khác chú ý 🙁 Mình đang sống phụ thuộc vào con mắt của xã hội quá nhiều 🙁 Có lẽ mình nên thay đổi .Nhưng mình không biết thay đổi từ đâu ? Bạn có góp ý gì cho mình hem 🙂 ? hih

    • Đọc một quyển sách, nghe một bản nhạc, hãy làm những gì bạn thích. Bạn biết mình thích làm gì chứ? Còn nếu không, hãy thử tự hỏi bản thân mình, lúc đi ngủ chẳng hạn, vì những lúc đó bản thân bạn sẽ được tự do đối diện với chính mình. Hãy nghĩ đi, đừng chờ đợi hay phân vân giữa hai ngã rẽ, rằng minh nên bắt đầu từ đâu, chẳng ai biết là bạn nên bắt đầu từ đâu đâu (ngay cả chính họ cũng chẳng biết mình đã từng bắt đầu từ đâu) mà hãy đi tìm nó, thử đi. Một bước chân, nhấc lên và bắt đầu con đường mà mình nghĩ là đúng đắn, đi trên nó, xem nào… Điều quan trọng để biết được con người thật của mình hay muốn sống đúng với chính mình không phải là ở chỗ nên bắt đầu thay đổi từ đâu và như thế nào, khi ta sẵn sàng bắt đầu – đâu cũng được, điều quan trọng là liệu những lựa chọn, việc làm, con đường ta đi có thực sự khiến ta thấy thoải mái, tự do hay hạnh phúc và vui vẻ hay không mà thôi. Nếu bạn thật sự không biết được những điều đó, có lẽ, hoặc là bạn chưa tìm thấy nó, hoặc là bạn không dành đủ thời gian để biết được bên trong con người mình. Hãy thử những điều chưa thử, làm những điều chưa làm, cho đến khi bạn biết được mình thực sự thích điều gì, việc gì thực sự có ý nghĩa đối với mình. Tìm kiếm nó, cố hiểu nó… ngay cả khi đọc những bài viết như thế này cũng là sống thật với bản thân mình rồi. Vì hạnh phúc, vì thích thú, chẳng phải sao?

    • Rất vui vì bạn đã thích bài viết :). Thật ra bạn không nên hoang mang, vì những gì bạn từng làm cũng là những gì mình từng làm. ai mà không thích được mọi người chú ý chứ, mình cũng muốn được chú ý vì đó là một loại nhu cầu của con người khi sống trong xh mà. nếu bạn muốn biết thay đổi từ đâu thì mình có 2 điều có thể nói để bạn tham khảo.
      Thứ nhất là học hỏi, khi hiểu biết của bạn càng nhiều nhìn bạn càng nhìn ra được giá trị thật sự của từng thứ trong cuộc sống của bạn. Ví như nhờ hiểu biết mà bạn nhận ra cô gái/chàng trai mà bạn tìm kiếm, khi đó bạn đạt được hạnh phúc bền vững hơn. hiểu biết hơn bạn sẽ nhìn ra sự thật giả ở người khác, khi đó cái đám đông hay Sự Khác Biệt đó rất khó tác động đến bạn nếu nó sai, khi nhìn ra nó làm sai thì sao mình có thể mù quáng chạy theo nó đây? ta chỉ chạy theo khi ta không biết thôi.
      Thứ 2 là phải hiểu chính bản thân bạn, điều này cũng không dễ đâu à. nhìn lại xem bạn được xây dựng từ những gì, khi hiểu thì mới biết bạn muốn gì, biết thì mới tìm cho chính xác được. với lại phải hiểu rằng không phải nói là sống thật với mình là ngoan cố sống theo ý thích chính mình mà bỏ qua hết những mối quan hệ và sự tác động từ xh, những cái đó cũng rất quan trọng đấy. nó giống như đặt tất cả lên bàn cân, cái nào nặng hơn thì chọn cái đó thôi. ví một người thân của bạn đưa ra một quan điểm mà bạn thấy không đúng và việc phủ nhận nó sẽ khiến cho họ buồn. vậy nến quan điểm đó không quan trọng mấy thì bạn có thể cho qua chứ không cố mà cải. Nhưng nếu quan niệm đó rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hướng đi của người đó đến một điều xấu thì dù người ấy giận thì bạn vẫn cố nói cho người ấy hiểu. Đó là sự lựa chọn cho chính bạn thôi.
      Như tôi chẳng hạn, tôi có thích được nhiều người khen? có đấy, vì điều đó cũng chứng minh việc tôi làm là có giá trị thật sự. Nhưng tôi sẽ không quan trọng lời khen đến mức phải viết những bài vuốt ve ý thích cá nhân của người khác. tôi cần sự công nhận của đám đông về giá trị mà tôi đưa ra dựa trên giá trị thật sự của sản phẩm đó. nói chung thì cởi mở tấm lòng ra với nhiều quan điểm, cố gắng phân tích nó một cách khách quang nhất, sau đó tổng hợp lại thì bạn sẽ có một quan điểm mà bạn nghĩ nó phù hợp nhất với bạn. nhưng muốn khách quang phải hiểu biết nhiều, đọc sách nhiều – sách là thứ đưa con người đi lên nhanh nhất đấy.
      túm lại là cứ sống thoải mái vớn bản thân nhưng đừng hời hợt là được. 🙂

    • Mình có góp ý : nhớ phân biệt sự khác biệt với dị biệt,đó là 2 khái niệm khác nhau.
      Khác biệt hướng về bên trong bản thân mình
      Dị biệt hướng ra bên ngoài,nhằm thể hiện cái ” khác người “nhiều hơn !

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI