16 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Một cuộc chiến

Featured Image: Alejandro García

 

Tôi đang đi về hướng mặt trời lặn, vào giờ kinh sáng, quãng giờ thứ ba. Lúc này mặt trời vẫn đang ở đằng Đông. Người ta hay bảo tôi lập dị, toàn làm những chuyện ngược đời. Khi nhiều người hành hương tìm về phương Đông huyền bí, tôi chọn hướng ngược lại.

Nhưng vào quãng giờ này, phía Tây vẫn còn ánh trăng lờ mờ, dù không đủ tròn nhưng vẫn giúp tôi nhận biết đó là ánh sáng còn sót lại sau một đêm dài. Tôi hân hoan vì vẫn có một ánh trăng chiếu rọi, không còn nguyên vẹn.

Sau lưng tôi, hơi ấm lan tỏa nóng dần, ánh mặt trời đang soi sáng và thiêu đốt. Tôi đang chịu sự trừng phạt như một con chiên lạc lối chăng? Tôi vẫn kiên quyết bước đi về phía mình đã chọn. Sau lưng, da thịt tôi nóng rẫy, tan chảy và đỏ au. Tôi như đang bị thiêu sống, cùng quẫy. Chỉ là một sự lựa chọn không theo số đông, không thuần túy là những bước chân dẫm lên những tàn tích cũ – những dấu chân đã đi trước – lặp lại những gì đã được nghe như một con vẹt ngoan ngoãn để được ông chủ hài lòng và cho ăn, thì có nặng tội đến mức phải bị thiêu đốt không? Tôi uất nghẹn, quay lưng lại định hỏi Mặt Trời tại sao phạt nặng tôi như thế. Nhưng chỉ vừa khi ánh mắt tôi chạm vào một luồng sáng từ khối nóng kia phát ra, đôi mắt tôi đã bị thiêu cháy khi chưa kịp cất lời.

Và cuối cùng, cả cơ thể tôi như một khối nham thạch nóng bỏng, chỉ chực chảy tràn vào hư không. Tôi nhìn về phía Tây, ánh trăng kia đã biến mất tự lúc nào. Tôi kêu gào thảm thiết vì nghĩ rằng, mình đang trải nghiệm những giây phút cuối đời. Tôi không thể khóc, vì chẳng ai dành giây phút này cho việc khóc cả. Tôi đang bay, lơ lửng. Tôi nhìn ngắm bầu trời xanh trong vắt, một cảm giác nhẹ tênh. Bầu trời luôn ngự trị trên đầu tôi, màu xanh của nó và những áng mây bồng bềnh luôn hiển diện mỗi ngày, vậy mà đây là lần đầu tiên tôi ngắm nhìn nó với cảm giác thảnh thơi huyền diệu. Có lẽ, con người ta trước khi chết hay tạo ra cho mình những cảm giác thảnh thơi đó – đôi khi chỉ là cảm giác tự lừa dối để khỏa lấp những tội lỗi mà bản thân đã gây ra trong đời.

Tôi nhắm mắt để mình đi về cõi chết, để ghi dấu màu xanh kia một lần cuối – màu xanh huyền diệu. Tôi lơ lửng mãi như tìm đến cõi vô tận, mọi giác quan đều bị phong tỏa, nhưng mãi mà tôi vẫn chưa thấy mình được siêu thoát. Tôi còn nghe thấy thanh âm ù ù như bão lốc, tiếng sôi sùng sục như đại dương đang thét gào dâng ngọn sóng cao nhất của mình để chiếm lĩnh thế gian. Tôi mở mắt. Một cảnh tượng khủng khiếp đang diễn ra, bầu trời xanh trong vắt của tôi chỉ còn là hình ảnh trong trí nhớ. Bao quanh tôi lúc này là giông tố và có thứ gì đó đang lan ra, chiếm trọn cả khoảng không trước mặt. Một biển máu. Vâng, thôi không thể tìm từ gì chính xác hơn để miêu tả trạng thái này, một biển máu đang vây lấy bầu trời.

Những dòng nước đỏ lòm, lan dần khắp không gian. Tôi sẵn sàng cho một cái chết dưới bầu trời xanh thẳm, để linh hồn mình có thể tựa vào những đám mây đi khắp thế gian, nhưng tôi không thể chết dưới biển máu tanh hôi thế này. Tôi vùng vẫy tìm cách thoát ra, không thể được. Tôi cầu cứu, không ai trả lời, ngay cả những vị thánh. Bỗng giữa biển máu xuất hiện một ngôi sao năm cánh. Tôi mừng rỡ, mình sẽ được giải cứu, mình sẽ được giải cứu. Lẩm nhẩm trong miệng, tôi bay về hướng vì sao. Tôi chợt nhận ra mình mạnh hơn bao giờ hết, ánh mặt trời thiêu đốt đã giúp tôi cứng như sắt nung qua lửa đỏ. Tôi thầm nghĩ với sức mạnh này, tôi sẽ vươn tới ánh sáng của vì sao và nhờ đó, sẽ soi sáng thế gian này, đẩy lùi được bóng tối mà biển máu đỏ đang bao trùm. Nhưng tôi đã nhầm, một sự nhầm lẫn ngu ngốc và tai hại.

Trên môi rạng rỡ một nụ cười, tôi đã bay đến được gần với vì sao. Nụ cười vội vã tắt ngúm khi trước mắt tôi hiện tại không phải là hình ảnh một ngôi sao lấp lánh, mà là một vật có ngũ chi tựa một ngôi sao năm cánh, nhưng chắc chắn không phải là một vì sao, không bao giờ có thể là một vì sao. Cái vật thể ngũ chi đó cứ to dần, như một thực thể có đầy đủ tay chân và một cái đầu. Tứ chi kia lớn dần lên, như hai cánh tay và đôi chân khổng lồ, còn cái đầu dần thu nhỏ lại, bé xíu như trái táo Tàu. Thực thể đó nhìn tôi dò xét, và tôi có linh cảm rằng nó chính là tên lính gác đã tháo cái then cài cánh cửa tội ác để dòng máu đỏ tanh hôi lan tràn thế gian này. Tôi lùi lại đề phòng, cái chi hình táo Tàu lắc qua lắc lại, một tràng cười man rợn nổi lên, hòa cùng tiếng rít như dao cứa. Một thảm cảnh hệt như những tưởng tượng phong phú nhất về ngày tận thế.

Bất ngờ, hai tay nó vươn về phía tôi và xiết lấy cơ thể nhỏ bé này, bóp nghẹt. Tôi vùng vẫy chống cự, nhưng vô ích. Hơi thở tôi yếu dần, tưởng như quả tim ngừng đập. Tôi định buông xuôi, để mặc cho số phận quyết định vì tôi biết rằng, với sức mạnh của riêng mình, chẳng thể làm được gì cả. Đâu đó sâu trong tim tôi, một hơi nóng, một luồng sáng phát ra thiêu cháy hai cánh tay kia, nó liền rụt lại, tôi thoát khỏi cái chết trong gang tấc. Tôi bất ngờ về sức mạnh tiềm ẩn của mình, thì ra Mặt Trời đã không trừng phạt tôi – như tôi đã nghĩ – mà đã cho tôi sức nóng đó, để tôi mạnh mẽ hơn. Cái thực thể kia không buông tha, nó liền rống lên một thanh âm u tối, biển máu dồn vào nó và hiện ra hình hài hai thứ vũ khí trên tay. Hai thứ vũ khí ấy trông rất quen như thể chưa bao giờ tôi nghĩ nó sẽ trở thành công cụ trong tay Kẻ thủ ác.

Tay trái hắn cầm một thứ mà mẹ tôi thường dùng trong mỗi vụ gặt, và với tôi, mỗi khi mẹ dùng đến nó thì tôi biết chắc mùa này nhà tôi no đủ. Tay phải hắn cầm một vật mà cha tôi hay dùng, nó đã giúp gia đình tôi từ nơi ở xiêu vẹo tạm bợ có một căn nhà ván được đóng đinh vững chắc qua mùa mưa bão. Búa liềm, hai vật dụng gia đình tôi từng nâng niu, giờ trở thành thứ vũ khí nguy hiểm. Tôi choáng váng, những hình ảnh trong ký ức hiện về. Làng quê đó, những con đường thơm mùi rạ ầm đó, những con người chân chất đó.

Bây giờ họ ở đâu, trong mớ hỗn loạn này? Có ai như tôi, làm những việc ngược đời rồi giờ đây đang đứng giữa bờ vực của sự sống chết mà vẫn mãi hoài ngờ vực niềm tin của bản thân? Tôi đang chối bỏ những gì tôi đã từng tin và yêu quý, tôn thờ? Là tôi đã sai khi chọn con đường này sao? Nếu như vào giờ kinh thứ ba ấy, tôi đi con đường mà bao kẻ đã đi, dẫm đạp lên những đổ nát mà người đời xưng tụng, thì tôi có đối diện với cuộc chiến này? Nhưng quá trễ rồi, đã qua giờ kinh tối, cuộc chiến đang đến hồi kết trong khi tôi lại chưa tìm được điểm khởi đầu cho niềm tin của mình. Mọi giá trị tôi đã xây dựng như một tòa tháp tráng lệ, nhưng rêu phong tàn tích, đổ sụp trong phút chốc.

Kẻ thủ ác ấy không đủ kiên nhẫn để chờ tôi đi tìm câu trả lời, vì theo hắn, tôi chỉ có thể được viên mãn sau khi được hắn gia ân kết liễu đời mình. Hắn nhẹ nhàng dưa lưỡi liềm kề vào cổ tôi, và bằng một hành động rất ngọt – vì chắc chắn hắn đã thực hiện nó nhiều lần – đầu và thâm mình tôi tách ra làm đôi. Lạ thay, tôi không hề sợ hãi mà tĩnh tâm đón nhận cảm giác này. Những giọt máu nơi vết cắt luôn chảy. thần kỳ chưa, nó không là màu đỏ thuần túy, mà từng giọt mang màu xanh huyền diệu. tôi đã cất công đi tìm màu xanh ấy, mà không hề biết răng, đó là từng giọt máu trong cơ thể mình.

Máu tôi lan dần ra từng cánh đồng, thân thể tôi tan theo gió và linh hồn tôi cư ngụ dưới một đám mây. Nhưng, như những kẻ thắng cuộc vẫn thường làm, cái thực thể ngũ chi đó hân hoan với chiến thắng của mình, và gieo rắc nỗi sợ hãi cho nhân loại mà không hề để tâm rằng, dưới chân những ngọn lúa, từng giọt máu nhỏ xíu mang màu bầu trời, đang vươn mình sinh sôi.

Tôi mỉm cười, vì tôi tin, sẽ còn có nhiều người nữa – như tôi – đi tìm màu xanh đã mất.

 

Lâm Hạ

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

86 BÌNH LUẬN

  1. ngày xưa mình có một cô bạn rất rất thông minh, chuyên viết những bài nhẹ nhàn nhưng có nội dung ẩn dấu, ẩn rất sâu làm mình đọc mà cứ ngơ ngác. mình biết cô ấy vẫn hay cười trộm khi có những người đọc mà không hiểu ha ha. Bạn ẩn cũng nhớ ẩn vừa thôi chứ nếu viết mà không ai hiểu thì rất mệt cho người đọc hi hi. Tuy nhiên bài này của bạn thì mình hiểu, nhưng đọc quả thật là rất đau đầu, có lẽ vì có quá nhiều máu.

    • hihi, cài này nếu bạn muốn hiểu nhẹ rất đơn giản, quy về màu sắc thôi k cần phải nghĩ đến máu: ví dụ nhé Nền đỏ, sao vàng, búa liềm! là hiểu ra cái phông hay treo ở hội trường UBND thôi chứ có gì đâu phải nghĩ máu me làm chi nè?

  2. Theo quan điểm của mình thì những người nào đã đi ngược lại những việc người đời thường làm, vượt qua mặt trời nung đốt, dẫm lên “những đổ nát mà người đời xưng tụng”, thì kết cục sẽ chiến thắng được ngôi sao với búa liềm trên tay kia để đến được với màu xanh đã mất mà không phải bị “cắt đầu”.
    Dẫu sao thì ẩn dụ của bạn cũng rất hay!

      • bạn chơi đánh đố người khác hả? Tôi đọc thấy bài bạn giống mấy bộ phim hoạt hình 3d nghệ thuật mà tôi thường xem lắm, viết 1 câu mà liên tưởng tùm lum. Nhưng nói chung là hay đó :))

          • Thì một người bình thường khi mới đọc qua 90% sẽ nghĩ đến: Để làm được chuyện phi thường thì trước tiên phải khác người thường, phải biết bỏ lối mòn, bỏ tật xấu thích hùa theo số đông. Phải tự tìm con đường mà bản năng mách bảo, phải dấn thân vào nó, phải đấu tranh vì mục tiêu đã chọn, dẫu có gặp thất bại cũng không được lùi bước và tuyệt vọng, rồi ngày mai tươi sáng sẽ đến với bạn. Đừng vội trông mặt bắt hình dong, đừng đi theo một thứ ánh sáng mù quáng như ngôi sao kia để rồi gặp nguy hiểm, đừng trông chờ vào ngôi để đụng hiểm nguy, muốn sống phải tự lực bản thân vượt qua thử thách, tìm được bản ngã. Và khi gặp rắc rối, đừng nghĩ rằng mình đã gặp xui xẻo, vì không ai biết được rắc rối đó sẽ mang đến cho bạn những thứ tuyệt vời gì. Và hạnh phúc hay những giá trị cuộc sống mà ta đang tìm kiếm, vốn dĩ luôn ở quanh chúng ta. Và nếu chiến tranh là nơi phát hiện những anh hùng thì hòa bình là lúc vùi dập lòng quả cảm, và sự thống trị của một đế chế sẽ không bao giờ kết thúc nếu không có một người dũng cảm đi tìm màu xanh đã mất( Như Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước). Và màu xanh ấy có thể là màu xanh dương của bầu trời tự do hay màu xanh lá của sự sống, gì cũng được không quan trọng, miễn sao không phải là màu xanh áo lính của các anh chiến sĩ nằm phơi thây ngoài tiền tuyến.
            Tôi là người bình thường nên hiểu được thế thôi, ai cao siêu hơn hiểu thế nào thì hiểu, mà với lại, tôi thấy mình càng ngày càng giống mấy giáo viên dạy văn hơn rồi, chỉ một câu nói mà chém gió tùm lum. Chậc:))

          • Thú thật là tôi cũng định giải thích sơ qua cho bạn nhưng khi đọc đến câu ” Như Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước” thì ý định đó….tắt ngúm và tôi thở phào nhẹ nhõm, may mà bạn không hiểu những gì tôi viết!

          • hihi, tôi đơn giản, chỉ muốn diễn tả nên những gì đang diễn ra trong mình thôi! còn “chấn hưng dân tộc” e là phải còn nhờ các bác cầm cần nẩy mực!

  3. Có lẽ bạn đang mắc một căn bệnh, bệnh hoang tưởng ….Hồi còn học đại học, tôi có quen một cô bạn, mỗi lần chat với cô ấy, tôi thấy được những câu chuyện giống với câu chuyện bạn đang kể, nào là thể giới đang sụp đổ, mặt trời sắp chết …..

    • Ko phải đâu,bình thường mà,đó chỉ là một cách hành văn rất là khó viết,phải có nhiều cảm xúc vô cùng mới viết được.Mình cũng từng thử viết kiểu này,viết xong rất là mệt người,khâm phục tác giả 🙂

      • Có thể nói đây là một hình thức của hiện thực huyền ảo! Viết thể loại này khá kén người đọc, nhưng ai vỡ ra được những gì tác giả muốn nói thì cũng thú chứ bạn nhỉ! Nếu bạn hiểu câu chuyện của tôi, tôi tin màu xanh của bầu trời sẽ không bao giờ mất! 🙂

          • Người đọc có thể phát huy trí tưởng tưởng của mình, viết thế này người viết chẳng bao giờ yêu cầu người đọc hiểu theo 1 hướng duy nhất cả. 🙂

          • Cái này thì phải tìm hiểu thêm ý nghĩa của màu sắc:
            Màu xanh lá cây: là màu của thiên nhiên. Nó cho tượng trưng cho sự phát triển, hòa thuận, tươi mát màu mỡ. Màu xanh lá cây còn mang lại cảm xúc an toàn, sự phát triển và hi vọng.
            Màu xanh dương: là màu của trời và biển. Nó đi liền với cảm giác sâu thẳm, vững vàng và yên bình. Nó còn là màu của sự trung thành, tin tưởng, thông thái, tự tin, thông minh. Màu xanh dương còn mang lại sự ý nghĩa trong sáng, tinh khiết.

            Có lẽ mình ít đọc văn học VN nên chưa rõ ai là tác giả nổi tiếng nhất ở thể laoị này! Bạn có thể giới thiệu tác giả ấy và một số tác phẩm chính để mình tìm đọc được hem? thank bạn!

          • Đương nhiên phải là một người rất đặc biệt.Tác giả VN này nổi tiếng thế giới vì level còn cao hơn nữa,kết hợp được hiện thực huyền ảo và chủ nghĩa lãng mạn với nhau và còn mang cả tính siêu thoát của tôn giáo vào nữa.Mình trích thử một vài bài trong tập “Thơ Điên ”

            ” Hồn đã cấu đã cào, nhai ngấu nghiến
            Thịt da tôi sượng sần và tê điếng
            Tôi đau vì rùng rợn đến vô biên
            Tôi dìm hồn xuống vũng trăng êm
            Cho trăng ngập, trăng dồn lên phía ngực.” (bài : Hồn là ai)

            ” Chao ôi ! ghê quá trong tư tưởng
            Một vũng cô liêu cũ vạn đời ” (bài : Cô liêu)

            ” Luạ trời ai dệt với ai căng?
            Ai thả chim bay đến Quảng Hàn?
            Và ai gánh máu đi trên tuyết
            Mảnh áo da cừu ngắm nở nang ” (bài : Cuối thu)

            ” Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút
            Mỗi hồn thơ đều dính nảo cân ta
            Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt
            Như mê man chết điếng cả làn da.
            Máu đã khô rồi thơ cũng khô
            Tình ta chết yểu tự bao giờ
            Từ nay trong gió, trong mây gió
            Lời thảm thương rền khắp nẻo mơ ” (bài :Trút linh hồn)

            Chỉ tiếc là ông mất sớm,chắc con người kỳ lạ nên số phận kỳ lạ,chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau ! Vì bút lực quá mạnh nên cả đời tác giả tột cùng khổ đau,oan nghiệt và bất hạnh.Hay là nhờ khổ đau và bệnh tật nên mới điên loạn và lãng mạn như thế,rất hiếm gặp !

          • À, thì ra bạn nói đến ông ấy! Ngày còn là học sinh phổ thông (cách đây 10 năm) tôi có thích một vài bài thơ của ông, và sau đó cũng có dịp đi thăm mộ ông! Những bài thơ Điên này đọc lên câu chữ lạnh buốt, thê lương, ảm đảm và làm tôi thấy …sợ…thì ngày đó tôi chưa thích lắm, vì đọc lên nghe rất buồn và làm con người mình chán nản. Tôi có cảm hứng nhất với bài Mùa xuân chín và viết nguyên 1 bài bình vào sổ của mình. Sau này chưa có dịp đọc lại nên không biết cảm xúc khi đọc những dòng này có khác ngày xưa hay không!

          • Ngày xưa mình cũng ít chú ý tới thơ Điên,sau này mới biết người Pháp rất ngưỡng mộ tập thơ này,họ xem Hàn Mạc Tử là cây cầu nối giữa hiện thực huyền ảo và siêu thực tôn giáo.Những thể loại này đều kén người đọc vì nó vừa rùng rợn lại vừa nhân văn.Hàn Mạc Tử thì đã nói ” ta luôn là chính ta nhưng đồng thời ta luôn là một kẻ khác “,rất là khó hiểu,nhưng thể loại này nó là như vậy,giống như xem phim kinh dị mà tấm tắc khen là đẹp vậy,ko biết diễn tả sao nữa,hi hi hi..

          • À,nguồn gốc triết học của mấy thể loại văn chương hiện thực huyền ảo,nửa mơ nửa thực này thì lại vô cùng nghiêm túc : thuyết tương đối của Einstein + thuyết phân tâm học của Freud + chủ nghĩa hoài nghi của Spinoza + triết học hiện sinh + định lý bất toàn trong toán học + nguyên lý bất định về cơ học lượng tử…

          • Đúng là như vậy, và để viết cũng không phải dễ. Mình cũng đang cố gắng nghiên cứu một ít triết học, và mình muốn viết theo một hướng riêng nhất định cho thể loại này thôi (hướng nào chắc bạn cũng hiểu rồi nhỉ!) 🙂 Còn HMT mình nghĩ ông cô đơn và trò chuyện với chính mình, với nhiều bản thể khác nhau! Làm được như vậy cũng không phải dễ dàng gì, vì cái cô đơn đến cùng cực để tự thoại với mình thật đáng sợ!

          • Đúng là cái gì lên tới đỉnh cao thì đều trả cái giá của nó,như Hemingway chẳng hạn,cũng một trường hợp tương tự HMT.May mà mình ở dưới thấp,hi hi..
            Nói chung bản thân mỗi người viết thường có những vui buồn nhất định và viết là cách họ tái tạo lại tâm hồn,cái này thì ở level cao hay thấp thì đều đúng,nên người ta hay gọi nhà văn,nhà thơ là thợ hàn,mà trước hết là hàn gắn chính mình 🙂

          • Thật ra chẳng mấy ai muốn làm nhà văn, số phận cả thôi! cuộc đời của nhà văn chẳng mấy suôn sẻ nếuw không muốn nói là bi kịch! Có nhiều người không thể chịu đựng nỗi cảm giác đó nên đa tự vẫn!

          • À,có lần mình viết mail cho 1 nhà văn VN xin gặp mặt thì nhận được câu trả lời thế này ” Sách của tôi là ly nước mía,chỉ cần bạn uống nước mía thấy ngon là vui rồi chứ tôi chỉ là cái bã mía,không nên gặp ”
            Từ đó mình cũng từ bỏ cái ý định gặp các nhà văn.Những nhà văn tài năng thì chắc họ cũng đã nét bét vì sức ép quá mức.
            Nhưng cái sướng của viết văn là mình có thể cho nhân vật chính chết hoặc không chết,như truyện này của bạn,he he 🙂

          • Mình ko thấy sợ gì cả,mình thấy rất nhân văn ! Hihi
            TCS cũng hư ảo và TCS thường từ chối giải thích ý nghĩa của lời nhạc,lời nhạc đẹp bởi vì nó ko giải thích ra được 🙂

          • Có lẽ mình hơi nhạy cảm với ngôn ngữ, nên cái sợ ở đây là lời văn, ý nhạc đó trở thành một “thực thể” nào đó rất sinh động mà chảy vào tâm can! cái sợ ở chỗ đó! có những đêm nằm nghe Trịnh ca mà có cảm giác cả cơ thể như thối rữa, mục nát ra! Cảm giác vô cùng đau đớn!

          • Có một truyền thuyết về con chim hót hay nhất thế gian. Có lần nó rời tổ bay đi tìm bụi mận gai,giữa đám cành gai góc, nó lao ngực vào chiếc gai nhọn nhất. Vượt lên trên nỗi đau khổ khôn tả, nó cất tiếng hát bài ca của mình,vừa hót vừa lịm dần đi, và tiếng ca hân hoan ấy đáng cho cả sơn ca và họa mi phải ghen tị.

            Bài ca duy nhất có một không hai,bài ca phải đổi bằng tính mạng mới có được. Nhưng cả thế gian lặng đi lắng nghe, và chính Thượng Đế trên thiên đường cũng mỉm cười. Bởi vì tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại…

            Trong nghệ thuật và cuộc sống,cái gì tuyệt hay thì đều vậy thôi,nó kết hợp cả cái đẹp và nỗi đau vào một thứ hòa quyện với nhau 🙂
            Ít ra là truyền thuyết nói như vậy,hi hi.

          • Nếu nói về thể loại này về mặt lý thuyết hơi rắc rối, bạn có thể tìm hiều trên mạng. Mình đến với những tác phẩm Văn học hiện thực huyền ảo cũng gần 1 năm thôi, ban đầu mình đọc trên Tienve, lúc đầu mới đọc mà không được trang bị kỹ về lý thuyết hoặc không có tư tưởng chính trị vững thì thực sự không hiểu gì hết 🙂 Sau đó mình tìm hiểu và có thể giới thiệu cho bạn một số nhà văn viết theo khuynh hướng này:
            Tàn tuyết: nhà văn Trung Quốc, đọc tác phẩm của bà, mình đã sởn gai ốc, thật đáng sợ, gọng văn lạnh như tuyết, nhưng đau đớn vô cùng. Bên cạnh đó vì thể loại này xuất phát từ Châu Mỹ Latinh nên cũng kha khá nhà văn Mỹ viết kiểu này.
            Ở Việt Nam những năm trở lại đây, có một số nhà văn đã viết thể loại này rất thành công như Lê Anh Hoài, Lê Minh Phong, Nguyễn Văn Thiện… nếu muốn biết thêm bạn vào tham khao trang Tienve nhé! Hi vọng bạn tìm ra được nhiều điều thú vị!

          • mấy bạn ngồi ngay ngắn cho tôi lạy mấy cái. Mấy bạn nói chuyện, người ngoài như tôi nhìn vào cảm giác như đang thấy Khổng Minh tiên sinh sống dậy để đàm đạo cùng Trọng Đạt tiền bối ấy. 😀

          • Ko, đương nhiên là có đọc r, và mấy tác phẩm mà 2 bạn nêu ra tôi có đọc qua khá nhiều, tuy nhiên thì tác phẩm nào cũng làm tôi đau đầu một thời gian. Tôi chỉ muốn nói rằng: Các bạn nói như trong phim ấy, nếu các bạn cũng nói kiểu này với những người Việt Nam bình thường thì chắc họ sẽ nghĩ các bạn như những ông/bà cụ non ấy. Tôi thì khi đọc cmt có phần nào nổi da gà vì luận điệu và cách sử dụng từ ngữ, ví dụ như câu “Nếu bạn hiểu câu chuyện của tôi, tôi tin màu xanh của bầu trời sẽ không bao giờ mất! :)” của bạn Lâm Hạ. Tôi có một người anh giống bạn, nói chuyện đôi lúc như người cõi trên ấy. À, nói vậy các bạn cũng đừng nghĩ ngợi nhiều, chỉ là cách nói chuyện của các bạn khác nhiều quá so với cách nói chuyện mà tôi thường thấy thôi

          • À, đúng rồi vì bạn ấy hiểu nên tôi mới có thể nói như vậy được! Còn bạn không hiểu/chưa hiểu thì chắc chắn tôi sẽ không thể dùng kiểu nói ấy để nói chuyện cùng bạn rồi! Nhưng tôi không rõ lắm câu “những người Việt Nam bình thường” như bạn đề cập không biết bạn muốn nói lên điều gì? vì theo thiển ý của tôi người Việt ta cũng nhạy bén và thông minh mà! Tôi thấy cũng nhiều bạn hiểu câu chuyện của tôi đấy chứ?

          • À ko, đừng nói về câu chuyện nữa, tôi đang nói về cách ” phun từ ngữ” của chúng ta ấy, như khi tôi nói chuyện với mấy thằng bạn láu cá thì cách nói chuyện của tôi phải là chém gió, nổ hay tạo sự hài hước trong đó, nhưng khi nói với những người trí thức thì phải trở thành ông lão vuốt râu ngồi ngẫm nghĩ chuyện đời, biết sao được,” Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy” mà. Để ý mấy cái status hay comment trên face thì biết, người thường thì ” Buồn”, ” Tình là gì? Đời là gì mà sao ai cũng khổ?”, thậm chí chỉ có 2 từ ” Hi hi” mà được hàng ngàn lượt like, còn gặp phải mấy cái comment dài lê thê, triết lý sự đời, triết lý nhân sinh thì chắc thể nào cũng từ mấy cái ” động” như thđp này mà ra. Tuy nhiên tôi ko nói rằng việc này là xấu, chuyện này ngược lại còn rất đáng hoan nghênh. Tiếng Việt được tạo ra nếu chỉ dùng để viết những câu vớ vẩn thì văn học nước nhà còn lâu mới sánh với các nước khác được

          • Hix cả đời toàn bị nhồi sọ bởi mấy bài văn sách giáo khoa làm chả bao h biết đến VN có nhà văn như vậy ..
            Nhờ bạn Lâm Hạ chia sẽ chút thông tin để mình đi tìm đọc thử xem … Đời mà ko biết tí gì văn thơ cũng phí …

            ~Meow~

          • Thể loại này cũng khá phổ biến,nó có từ ngày xưa rồi,quyển ” Liêu trai chí dị ” chính là những thử nghiệm đầu tiên.Quyển ” Trăm năm cô đơn ” ,vài quyển của Murakami,..cũng là vậy,hư hư ảo ảo,thật và ảo lẫn lộn với nhau 🙂

    • Trước tiên cũng cảm ơn vì bạn đã đọc!
      Xin thưa rằng tôi không hề mắc bệnh hoang tưởng, tôi cũng không hề nói thế giới đang sụp đổ hay mặt trời sắp chết! Có lẽ bạn đã hiểu SAI HOÀN TOÀN những gì tôi muốn nói!

Trả lời Nguyễn Công Trung Hủy trả lời

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI