20.3 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Hãy nhìn kỹ vào chúng ta – Hình hài của một sản phẩm

Featured Image: Sion Fullana

 

Mấy ngày gần đây nhân một vụ um sùm mà tôi chú ý quan sát suy nghĩ và phát biểu của rất nhiều người, bạn biết tôi thấy  gì không? Là cảm tính, là sự hời hợt, là sự thô tục, là đẹp xấu đúng sai lẫn lộn, là cái tôi lên ngôi, là đam mê vật chất và xem đồng tiền trên tất cả, là tìm mọi cách để đổ thừa và biện hộ, là sự chia rẽ…tất cả chúng vẽ lên một xã hội tàn tạ đứng bên bờ vực thẳm. Tôi biết sẽ có người bảo đây là quan trọng hóa vấn đề, nhưng biết nói sao cho ai cũng có thể hiểu mức độ nghiêm trọng của nó.

Khi tôi nói về cái đúng cái đẹp hay cái sai cái xấu thì có nhiều người bảo tôi là đạo đức giả, là mang tính hàn lâm, là “nói như bạn thì ai mà chả nói được”. Vốn trước đây tôi chưa hiểu ý nghĩa của từ “hàn lâm” cho lắm, giờ thì hiểu rồi, là chê tôi là giáo điều quy phạm và cứng nhắc. Nhưng hiểu xong từ ấy tôi chợt cười, vì trong cái xã hội thời nay thì chỉ có cách dùng những phân tích mang tính khoa học mới nhìn cho rõ ràng được, nếu không chắc chắn tôi sẽ lạc lối trong sự ngụy biện đang tràn lan khắp nơi.

Tôi đã thấy gì qua các bình luận?

Là sự thô tục, khi một ai đó không đồng ý với quan điểm của họ thì mấy từ như “ngu dốt, mày tao, sáo rỗng…” để nhục mạ. Trong khi những lý lẽ mà kẻ nhục mạ nói chỉ toàn là cảm tính.

Là sự hời hợt cả tin và ngoan cố, đa số cứ tin răm rắp vào các sự kiện họ nhận được mà không tìm hiểu xem những thông tin đó có chính xác không, kết nối các sự kiện với nhau có hợp lý không. Ví như anh A nhà nghèo, sự việc là anh A mới mất chiếc SH. Rõ ràng trong sự kiện này tồn tại một sự phi lý nhưng không ai nhìn thấy, khi có người đặt vấn đề thì họ cố tìm mọi lý lẽ biện hộ cho cái việc vì sao anh A có SH.

Là thước đo các giá trị biến mất, một hành động là đẹp hay xấu nhìn vào thì biết ngay, nhưng giờ đây những hành động đẹp, những quan niệm đúng đắn như “tôn sư trọng đạo” hay “ở hiền gặp lành” hoặc “thà chết vinh còn hơn sống nhục”… chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Khi ai đó nói ra những điều đó thì bị cười chê một cách thậm tệ. Một hành động rõ ràng là xấu nhưng người ta lại cố tìm cách biến nó thành đẹp, thành đáng khen ngợi. Nhìn thấy những điều này tôi đã tự nhủ: “Thôi! Việt Nam xong rồi.”

Là cái tôi lên ngôi, không hề có sự xét đoán xem những điều đang tin vào có hợp lý hay không, khi đọc được những phân tích mang tính logic rất rõ ràng cũng cố mà biện luận theo ý mình. Nếu bạn chú ý sẽ thấy ngày nay những bình luận cảm tính thường được “thích” nhiều nhất. Giờ đây “cái tôi thích” vượt qua rất xa “cái đúng đắn” mất rồi. Ai ai cũng viện dẫn cái gọi là “tự do tư tưởng, tự do cá nhân” để biện hộ cho họ, trong khi sẵn sàng thóa mạ bất kỳ ai không cùng quan điểm.

Là xem đồng tiền hơn tất cả và ham thích đua đòi. Với một số tiền B chẳng hạn, từng người sẽ xem trọng nó ở từng mức độ khác nhau, để có được nó thì người ta sẽ “lao động” theo những phương thức khác nhau. Với một xã hội xem vật chất là tất cả thì không khó để thấy được họ sẽ dùng những phương thức dễ dàng nhất  mà chúng thường là sai và xấu để có được nó, và nó không những không bị chê trách mà có khi được tôn vinh. “Kiều nữ và đại gia” không phải là thế sao? Xã hội ngày nay gần như ít ai hiểu được sự khác nhau giữa việc quý trọng giá trị đồng tiền chân chính với việc đam mê tiền bạc, xem nó là tất cả.

Là sự biện hộ bằng cách đổ thừa, cái thường thấy nhất là đổ thừa hoàn cảnh. Vì anh A ở hoàn cảnh X nên anh ta mới hành động Y. Nhưng nếu xét cho kỹ thì hoàn cảnh X cho ra hành động Y là sai trái, vì X đó chưa đủ lớn để sinh ra Y. Thế là người ta cố biến X thành một hoàn cảnh vô cùng lớn lao và nghiêm trọng để cho nó phù hợp với Y, đây là ngụy biện. Cái thường thấy thứ 2 là dùng cái xấu này biện hộ cho cái xấu kia, “anh có tốt đẹp gì đâu mà chỉ trích người khác?” Ơ ngộ! thế ra tôi không tốt nên cái việc anh kia làm vốn là xấu giờ biến thành không xấu à?

Hay cái cách nói: “Nếu bạn ở vào hoàn cảnh đó thì cũng làm như anh ta thôi.” Cái này là suy diễn bậy bạ, trong một hoàn cảnh thì mỗi người sẽ cho phản ứng khác nhau, tùy phản ứng mà có mức độ đúng sai. Thế ra trong hoàn cảnh đó tôi làm sai giống người kia thì cái sai đó biến thành đúng à?

Còn sự chia rẽ? Khi MÌNH LÀ LỚN NHẤT thì làm sao mà không chia rẽ cho được

– Nói đến đây chắc mọi người cũng hình dung được vài phần những gì đang diễn ra rồi đúng không? Nếu bạn chưa tin thì có thể ngồi suy nghĩ cùng đọc lại các bình luận của mọi người trên các diễn đàn và trong nhiều sự kiện sẽ hiểu tôi nói gì. Hay bạn quen quá với những điều đó nên bảo là “cũng thường thôi, xã hội vốn là vậy mà” ?

– Nếu bài đến đây là kết thúc thì nó vẫn chưa trọn vẹn, vì còn một câu hỏi rất quan trọng: “Tại sao xã hội chúng ta lại trở nên như vậy?” Không khó để thấy rằng vì ngày qua ngày chúng ta thấy và sống trong nó. Người ta hứa mang đất nước này đi lên nhưng nó mãi trì trệ nên chúng ta không tin vào những lời hứa nữa. Người ta nói những điều vô cùng đẹp đẽ như khi làm thì nó không hề đẹp như đã nói nên những cái đẹp mất đi giá trị và chẳng ai quý trọng nữa. Khi mà trước đó sống trong khó khăn bỗng chốc người ta nắm giữ một nguồn tài nguyên quá lớn với quyền lực vô hạn thì làm sao vững lòng trước sự cám dỗ của vật chất, chúng ta học sự đua đòi cũng từ đó.

Khi lầm lỗi xảy ra thì để tự vệ mà người ta dùng mọi lý do để biện hộ hay đổ thừa cho hoàn cảnh nên chúng ta cũng học được cách biện hộ bằng nhiều thứ lý lẽ. Người ta sử dụng truyền thông để định hướng nên chúng ta biến thành những kẻ cả tin và mất hoàn toàn khả năng phán đoán cũng như suy luận, thành ra chỉ còn cảm tính tồn tại. Và cuối cùng, những điều mà người ta làm đó để được gì? Có phải là quá nhiều hình ảnh của cái tôi không? Ôi! chúng ta cũng học được từ đấy.

Nói ra không phải để sự việc trở nên xấu hơn, nói ra để mọi người nhìn lại mình và tìm cách cải thiện. Người ta cũng nên thay đổi đi thôi, nếu không sẽ là quá muôn màng. Người ta hãy nhìn cho kỹ vào “chúng ta” để thấy được cái sản phẩm được tạo ra có hình hài gì.

Tôi rất muốn hỏi người ta hay những ai là trí thức và học cao hiểu rộng của nước Việt: nhìn vào thực trạng đó các vị không thấy đau đớn sao?

 

 

Mắt Đời

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

38 BÌNH LUẬN

  1. Hay. Có nhiều suy nghĩ chín chắn của một ông già. Nên có thêm các dẫn chứng cụ thể để cho nó thực chứ không phải chỉ là suy nghĩ vu vơ. Nên đưa ra các nguồn tin: đó là các vụ tranh cãi nào. Trong bài viết nên có dẫn chứng minh họa, ai đúng ai sai như thế nào. Vì thiếu dẫn chứng cụ thể, nên bác Pagodasto Ichigo đã phàn nàn: “Sau khi đọc xong thì không biết nên “thích” hay không nữa. Có lẽ cần dành một thời gian để suy nghĩ xem bản thân hiểu đến đâu và như thế nào. Vừa đọc lần đầu thì thấy “đúng sai lẫn lộn”, không biết đường mà lần”.
    Vì các diễn đàn trên mạng là mở, dừng ngại người khác mất lòng, nên cứ tự nhiên mà đưa nguồn và các nhân vật liên quan ra.
    Ps. Bác Mắt Đời càng viết càng lên tay. Sang thăm ainu.blogtiengviet.net đi, mọi người quý bác Mắt Đời đó. Chỉ mỗi tay Tranquoctrung ngượng với bản thân khi phải diễn tả cảm xúc yêu thích, nên hắn giả giọng cứng rắn thôi.

  2. Mình có một thắc mắc đang muốn tham khảo ý kiến,rất mong nhận được giải đáp:Theo mình nghĩ thì CNXH là một xã hội không tưởng,bởi để dạt được điều đó thì cần loại bỏ đc bản tính tư hữu của con người.Còn những biến thể và quái thai nó tạo ra thì nhiều người đã nhìn thấy tác hại rồi.

      • quay trở lại với bạn đây: 😀
        vậy thì theo bạn,chúng ta có nên theo đuổi CNXH hay là không đây?
        bởi mình thấy ở VN mình nó ko loại bỏ tính tư hữu về 1 số mặt nào đó,nhưng thi thoảng lại có những vụ đánh tư sản.
        thứ 2 nữa là chủ nghĩa xã hội về 1 phần nào đó sẽ làm thui chột đi tính cạnh tranh trong xã hội đấy(bởi có nhà nước bao cấp hết) ví dụ điển hình là Nauy

        • Với cá nhân mình, nên theo đuổi một xã hội có những đặc trưng sau:
          ” chúng ta hãy hình dung một liên minh những người tự do, lao động bằng những tư liệu sản xuất chung và tiêu phí những sức lao động cá nhân của họ một cách tự giác, coi đó là một sức lao động xã hội duy nhất […] Phương thức phân phối [tư liệu sinh hoạt] ấy sẽ thay đổi tùy theo bản thân loại cơ cấu sản xuất xã hội và tùy theo trình độ phát triển lịch sử tương ứng của những người sản xuất […] Nhưng điều đó [quá trình sản xuất vật chất trở thành sản phẩm được kiểm soát tự giác và có kế hoạch bởi những con người tự do lập thành xã hội] đòi hỏi một cơ sở vật chất nhất định của xã hội, hoặc của một loạt những điều kiện tồn tại vật chất nhất định, nhưng bản thân những điều kiện này cũng lại là sản phẩm tự nhiên của một quá trình phát triển lâu dài và đau khổ” (xem nguyên văn trong “Tư bản”, Toàn tập Marx-Engels tập 23, trang 124-126).

          Vì sao? Vì mình nghĩ xã hội nên được tổ chức tốt hơn: đem chỗ dư đắp vào chỗ thiếu, tiết kiệm các nguồn lực của tự nhiên, con người nên có một hình thức lao động và hưởng thụ có ý nghĩa hơn v.v… Mà muốn thế phải có kế hoạch. Nhưng việc lập kế hoạch lại đòi hỏi khả năng dự báo và đánh giá, mà khả năng này lại đòi hỏi những phương tiện thu thập và xử lý thông tin cực mạnh cũng như một nền tảng lý thuyết sâu sắc. Có lẽ chúng ta phải chờ những siêu-siêu-siêu máy tính hoặc một cái gì đó tương tự thế. Mà những siêu máy tính này lại đòi hỏi phải có đủ điều kiện vật chất và lý thuyết để tạo nên chúng. Rồi nếu con người ngày càng tiến bộ, thì dân số sẽ càng giảm, hoặc một thiên tai nạn dịch nào đó sẽ tăng tốc quá trình giảm dân số. Khi đó càng dễ dàng áp dụng một kế hoạch định sẵn. Mặt khác, làm thế nào để đánh giá chính xác công sức lao động của một người để xã hội trả công bằng tư liệu sinh hoạt xứng đáng với công sức đó? Tôi sẽ tạo ra một cái đồng hồ thông minh cho anh ta đeo bla bla. Nhưng lỡ anh ta là một họa sĩ hay giáo viên thì sao? Tôi sẽ cấy vào não anh ta một thiết bị đo hoạt động của não bộ, cơ bắp, rồi cộng với tỉ lệ thích hợp thành quả của anh ta, theo lý thuyết Omega369…Anh ta sẽ được lựa chọn tư liệu sinh hoạt, máy tính của chúng tôi đã tính toán rồi, dù tư liệu ấy có dư thì sẽ có cách biến đổi chúng sang dạng khác trong chớp mắt, hoặc nếu thiếu thì có thể gợi ý anh ta chọn một loại tương tự, chúng tôi luôn có sẵn giải pháp dự phòng……Ôi trời, quả thật là lâu dài và đau khổ! =))

          Trở lại vấn đề VN. Thường hay nói “ta đang ở thời kì quá độ lên XHXHCN”. Đó thật sự là gì? Là trải qua XHTBCN. Nhưng anh ta lại không muốn đi theo đường đi nước bước của người khác. Thế là anh ta tự nghĩ cách cho riêng mình. Nhưng anh ta lại không đủ sáng tạo, nên quy luật khách quan tất yếu quật lại anh ta, và quật rất đau. Chẳng hạn, đất đai-một tư liệu sản xuất-là của toàn dân, anh ta nói thế! Nhưng những bộ luật anh ta tạo ra lại rất thô kệch, vì thế “toàn dân” chuyển sang cái đối lập với chính nó, của “cá nhân” nhưng tệ hơn, là “cá nhân nhân danh toàn dân”… Tóm lại, theo mình, nên theo đuổi XHXHCN (theo ý nghĩa đoạn trích), nhưng không phải theo cái cách hiện nay.

          Nếu như trong một xã hội mà mọi người đều có lòng say mê làm việc tới cùng, ham thích cải tiến công việc….thì dù xã hội ấy có bị thui chột đi tính cạnh tranh cũng chẳng có vấn đề gì cả. Bạn nói: “làm sao có thể đạt được như vậy chứ, bản tính con người vốn dĩ là thế này này-nọ nọ rồi”. Ừm, về chuyện này, mình sẽ phải tìm hiểu thêm nguồn gốc bản tính con người.

          • Dựa trên các chỉ số xếp hạng (xem trên wiki) thì tôi nghĩ đấy là một đất nước tốt. Tôi tìm được một tài liệu http://www.konkurransetilsynet.no/iKnowBase/Content/430147/COMPETITION_AND_WELFARE.PDF
            bàn về sự cạnh tranh và phúc lợi, đọc sơ qua thì thấy sự cạnh tranh (về giá cả và năng lực) chỉ mới được khởi động mạnh từ những năm 1990 trở đi. Trong tương lai họ có thể tạo nên một sự thăng bằng nhất định giữa cạnh tranh và bảo hộ, bằng chính sách và các bộ luật hợp lý. Và điều này sẽ ảnh hưởng lên tính cách của người dân. Sau khi vượt qua điểm thăng bằng ấy, tôi không biết họ sẽ thế nào, có thể họ sẽ tạo ra một khái niệm mới về tính cạnh tranh-cạnh tranh nhưng lại không cạnh tranh- và đặt ra một tên gọi mới, hoặc có thể họ sẽ bị nhấn chìm bởi khái niệm cạnh tranh hiện tại. Tóm lại họ sẽ có những vấn đề phải giải quyết trong tương lai, nhưng trình độ cao như họ thì mọi việc sẽ dễ dàng hơn là chúng ta.

    • Điều bạn nói là chính xác, không tưởng ở chỗ loại bỏ tư hữu hay nói cách khác là mọi người làm chủ công cụ sản xuất để không có sự bốc lột mà tạo ra chênh lệch giàu nghèo. CNXH muốn sáng tạo một mô hình nhà nước công bằng nhất. Giả sử có mô hình hoàn hảo đó thì cái xh như thế cũng không thể có được vì… bản chất của từng người là khác nhau, giả sử khởi đầu tôi và bạn mỗi người được phát lương là 10 tr, tôi lãnh lương xong mang đi cờ bạc, bạn thì tích góp. sau một thời gian bạn sẽ giàu còn tôi nghèo, bạn dùng tiền đó đầu tư thì càng ngày càng giàu hơn và tạo ra cách biệt, thế là phải phân chia lại để công bằng. nhưng mô hình XHCN thì mọi việc sản xuất đều do nhà nước quản lý (bao cấp) và mỗi người chỉ được cấp theo nhu cầu, ví như 1 mình bạn thì chỉ ăn 3 chén gạo mỗi ngày nên bạn chỉ được mua 3 chén. Nhưng như vậy thì bạn làm việc chăm chỉ hơn để làm gì? có tiền nhiều hơn cũng chả làm được gì. thế là xh dừng lại rồi đi thụt lùi. Thành ra loại bỏ tư hữu là không tưởng, và vì thế cái xh ấy cũng thành không tưởng luôn.

    • Cái tôi lên ngôi thì đúng, còn nói là do tiếp thu văn hóa phương Tây thì mình nghĩ không phải. Phương Tây tôn trọng tự do cá nhân chứ không phải là “cái tôi”, 2 điều này khác nhau rất lớn bạn à.

    • Tôi đã đăng lại bài này của bạn làm tư liệu (không phải ở entry chính đâu).
      Đang có nhiều người bực bội vì bị mắng chửi là ngu đấy. Dạo này tôi để ý đến chuyện người ta bị bức xúc và đang tìm cách giúp họ xả nó ra. Bài viết của bạn giúp thêm tư liệu cho sự chuẩn bị của tôi.

      • Ồ bạn yên tâm, ngoài cái tay Tranquoctrung78 đó ra thì chả ai ở đó thích “dìm hàng” bạn đâu. Khi tôi đăng thành một hệ thống bài viết thì có thể khi đó bài của bạn sẽ có thêm giá trị, còn bài này đứng một mình thì người ta chê cũng có lý. Hì hì… Tôi sắp khai trương cái blog mới, nhưng không phải là chuyên về văn chương như tôi nghĩ, chuyện văn chương có lẽ là chuyện phải để sau.

        • À, người như Tranquoctrung78 với tôi không là gì cả bạn à, tôi cũng không sợ bị “dìm hàng”, vì có dìm hay không thì điều tôi nói vẫn là sự thật và đang diễn ra. Điều tôi nói là một ý khác kia.
          Khi nào bạn khao trương trang mới tôi sẽ qua xem.

      • Chuyện đó thì tôi không để ý, có lẽ nó còn phụ thuộc vào quan niệm thế nào là sự thật. Như thế thì rắc rối quá! Tôi viết văn, trong văn chương người ta có quyền hư cấu. Tôi lại là một diễn viên chuyên nghiệp, tôi nói theo vai diễn chứ không nói theo chân lý. Hì hì…

  3. Bài hay lắm, mình thích bài này của bạn hơn các bài trước. Rõ ràng, xúc tích, vô thẳng vấn đề, không lòng vòng như bài tập làm văn. Đúng là những cái bạn đề cập ở trên là những điều ai cũng biết, “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, nhưng đều là những điều mà mình thường xuyên đọc và suy ngẫm để tự cảnh tỉnh bản thân, vì bản thân cũng thuộc dạng hay quên, hơi ngu lâu dốt bền ;). Rất cám ơn bạn đã viết bài này. Keep up the good works!

    • Cảm ơn bạn thích bài này. Sống ở VN rất khó nói thẳng bạn à, chỉ có cách nói vòng vo để ai hiểu được thì hiểu. Thật ra mà nói thì mấy bài thế này cũng có nhiều người nói cách nay nhiều năm rồi, nhưng nói thì nói mà chẳng ai nghe, thành ra chúng trở thành vô giá trị. Nhìn Sing đó, một bài viết của một công dân thôi lại có thể góp được 10.000 đô và chính phủ đóng cửa vĩnh viễn cửa hàng đó. Vậy thì sau này cái xấu lộ diện thì người dân mới có niềm tin để nói, vị họ tin rằng cái tốt sẽ đứng lên tiêu diệt cái xấu. Còn chúng ta…chỉ biết chờ thôi.

  4. bài viết của mắt đời rất sâu sắc và theo mình thì có lẽ nhìn ra được vấn đề. mình cũng đang suy nghĩ kĩ lại xem bản thân hiểu đến đâu đã. sâu sắc và đúng mấu chốt
    cảm ơn bạn

  5. Sau khi đọc xong thì không biết nên “thích” hay không nữa. Có lẽ cần dành một thời gian để suy nghĩ xem bản thân hiểu đến đâu và như thế nào. Vừa đọc lần đầu thì thấy “đúng sai lẫn lộn”, không biết đường mà lần. Thôi thì tạm chốt lại như thế vậy. @Mắt Đời dạo này siêng đăng bài thật. 🙂

    • thích hay không không quan trọng, mình viết ra để bạn suy nghĩ chứ không phải để thích hi hi. đúng sai của bài này cũng không quan trọng luôn, nếu không biết đường thì bạn hãy đi tìm đường đi, tự tìm thì tốt hơn nghe lời người khác.
      Cũng sắp hết ý tưởng để viết rồi 🙂

      • Vậy thì viết ít lại thôi. Không cần phải viết nhiều và nhanh quá làm gì. Vả lại, biết đâu nhờ đấy mà tìm được điều gì kì lạ trong chính ý tưởng mình sắp viết thì sao nhỉ?

        Mình đặt từ thích vào trong ngoặc kép. Không biết là nên hiểu lời ấy như thế nào đây nhỉ? :))

        P/s: Bạn bao nhiêu tuổi rồi nhỉ?

        • à! ban đầu mình thường cười “ha ha” hay “ka ka”, nhưng sau đó trò chuyện với một tri kỷ là con gái nên biến thành “hi hi”. Một lúc nào đó bạn gặp một người mà bạn sẽ học được thói quen và cảm xúc của người ấy, và người ấy cũng có những thói quen và cảm xúc của bạn. Mà những điều đó bạn sẽ không bao giờ muốn bỏ. Trong tôi có một phần sự dịu dàng từ người ấy. Thành ra nếu xét bản chất thì người khác sẽ biết tôi là nam, nhưng nếu chỉ nhìn vào cách biểu cảm thì rất dễ lầm tôi là nữ ha ha

        • Tôi có những người bạn là đàn ông hẳn hoi vẫn “hi hi” khi chát trên mạng đấy, Pagodasto Ichigo Dora ạ. Nhưng tôi vẫn luôn hình dung Mắt Đời là phụ nữ.

          À mà bạn hỏi tuổi của Mắt Đời làm gì, không phải để “trồng cây si” đấy chứ? Ha ha ha…

Trả lời Mắt Đời Hủy trả lời

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI