16.6 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

17 cuốn sách cho em tuổi hai mươi

Mình vẫn thường nói rằng cuộc đời mình thay đổi là nhờ sách. Tính trong một năm trở lại đây từ một đứa bơ vơ lạc lõng không biết làm gì với đời mình, giờ mình đã trở nên tự tin và vững vàng hơn, biết rõ mình muốn gì và cần làm gì. Phần lớn những thay đổi đó là nhờ sách.

Một số bạn sinh viên vẫn hay hỏi mình các tựa sách nên đọc để tham khảo. Vì vậy mình có ý định làm một danh sách gợi ý các sách cho tuổi hai mươi, khoảng 50 tựa sách. Các bạn trẻ muốn phát triển bản thân thì đọc những quyển này, đều đặn mỗi tuần một quyển. Một năm sau nhìn lại, sẽ thấy mình đi được bao xa. Thực ra cái này này là bắt chước một dự án của các trường đại học Mỹ từ thập niên 50 – 60 của thế kỷ trước, được thực hiện bởi nhà sử học Jacques Barzun và một số giáo sư khác. Họ đưa cho các sinh viên 50 đầu sách cần đọc, mỗi tuần sinh viên sẽ đọc một quyển và viết bài tiểu luận về những gì quyển sách đề cập, và cảm nghĩ của họ về quyển sách đó. Các giáo sư sẽ theo dõi quá trình đó và thảo luận với sinh viên những đề tài xung quanh các quyển sách để làm rõ thêm những vấn đề còn vướng mắc. Sau một năm họ sẽ tổng kết lại những thành quả mà sinh viên thu nhặt được từ quá trình đó. Hiện tại thiếu cả nhân lực vật lực, không làm kỹ càng vậy được. Nên mình chỉ đưa ra những tựa sách gợi ý. Chúng đã giúp mình rất nhiều trong quá trình tự học, rèn luyện và phát triển bản thân. Hy vọng những quyển này cũng sẽ giúp phần nào cho ai đó.

Notes:

– Sách sắp xếp theo trình tự ngẫu nhiên và mang tính chủ quan.

– Danh sách trộn lẫn cả sách hư cấu và phi hư cấu, vì quan điểm của mình là hễ đọc vài cuốn phi hư cấu thì đọc lại một quyển sách hư cấu cho nó cân bằng lại, để tâm hồn không bị quá khô khan lý trí.

– Mình bị bệnh ghét yêu đương nên không đưa vào các đầu sách ngôn tình, chỉ đơn thuần về tình cảm nam nữ.

– Có nhiều sách hay khác mình đã đọc, nhưng ở đây mình chỉ tập trung vào những sách hướng về giới trẻ và hữu dụng cho người trẻ trong quá trình đi lên.

– Sách mình đã đọc dù bao nhiêu thì vẫn là hữu hạn. Nếu bạn thấy sách nào cực kỳ phù hợp cho người trẻ mà còn thiếu thì nhờ bạn comment vào giúp mình.

Sau đây là danh sách:

1/ Tôi tự học – Nguyễn Duy Cần 

Sách này để đầu tiên. Vì sách của tác giả Việt Nam, viết cực kỳ đơn giản dễ hiểu, và có nhiều lời khuyên bổ ích trong hành trình tự học. Bạn trẻ muốn phát triển bản thân mà không biết bắt đầu từ đâu thì nên đọc quyển này. Nếu sau khi đọc quyển này thấy hứng thú thì có thể đọc tiếp các tác phẩm khác của cùng tác giả như Óc sáng suốt, Thuật tư tưởng.

2/ Rèn nghị lực để lập thân – Nguyễn Hiến Lê

Sách này cũng tương tự, dễ đọc, tạo động lực để người trẻ phát triển bản thân. Mình ít đọc sách của các tác giả người Việt, nhưng đọc xong các tác phẩm này rồi mới thấy khâm phục các học giả Việt Nam thời trước. Họ thông làu điển tích Nho giáo Đạo giáo phương Đông, mà văn hóa và tinh hoa phương Tây cũng tường tận. Ngẫm lại mình bây giờ mới thấy phải cúi đầu hổ thẹn vì có bao nhiêu điều kiện để tự học mà vẫn còn quá yếu kém.

3/ Chiến binh cầu vồng – Andrea Hirata

Sách viết hay và thơ mộng, như một quyển tự truyện của tác giả. Đọc sách này để thấy cuộc sống rồi sẽ vùi dập quăng quật con người khi họ trưởng thành như thế nào, và tự học, tri thức là một cách để thoát khỏi kết cục buồn thảm. Gấp quyển sách lại, điều còn đọng lại hình ảnh cậu bé Lintang gầy gò đạp xe đạp suốt quãng đường mấy chục cây số lúc trời mờ sáng, băng qua rừng rậm ma quỷ, băng qua những đầm lầy đầy cá sấu, vượt lên cái đói, cái nghèo để đi học.

4/ Khuyến học – Fukuzawa Yukichi

Kinh điển của kinh điển. Sách nên có trong tủ sách của bất kỳ người tự học nào. Đọc để biết vì sao nước Nhật lại giàu mạnh như hiện nay. Đọc để biết học tập là trách nhiệm của mỗi người, đối với bản thân, cộng đồng, và đất nước. Đọc để biết được những sai lầm, ấu trĩ mình sẽ có thể vô tình mắc phải khi trưởng thành, làm việc và sinh sống.

5/ 40 Alternatives to college – James Altucher

Đưa ra rất nhiều ý tưởng thú vị để vào đời của người trẻ mà không phải đi học đại học, ông tác giả này cực kỳ thú vị.

6/ Don’t go back to school – Kio Stark

Tương tự quyển trên, sách này sẽ cho mình biết được thực tế rằng giáo dục chính thống từ trường học không phải là con đường duy nhất để phát triển bản thân. Người nào muốn giỏi phải có năng lực tự học và cần chủ động, tích cực, sáng tạo trong việc tích lũy kiến thức.

Hai quyển này chưa có bản dịch tiếng Việt, nhưng cách viết dễ hiểu dễ đọc, phù hợp cho bạn trẻ bước đầu tập đọc sách tiếng Anh. Có rất nhiều sách tiếng Anh hay nhưng chưa được dịch qua tiếng Việt. Người tự học muốn tiếp thu nhiều thông tin, kiến thức mới từ thế giới cần có vốn tiếng Anh vững vàng và làm quen với việc đọc sách tiếng Anh và ebook.

7/ Cuộc đời của Pi – Yann Martel

Quá nổi tiếng. Quyển này định hình quan điểm tôn giáo của mình. Rất thích hợp cho những người trẻ tò mò về tôn giáo.

8/ Nếu tôi biết được lúc còn hai mươi – Tina Seelig

Có nhiều lời khuyên cho người trẻ trong việc định hướng nghề nghiệp, tìm con đường cho mình để đi lên trong cuộc sống. Nhưng quyển này phải có một tí trải nghiệm rồi thì đọc mới thấy thấm, vì lúc đó mình sẽ biết những gì được nói trong sách là đúng. Còn lúc chưa biết gì đọc sẽ thấy hơi lờ mờ.

9/ Suối nguồn – Ayn Rand

Cũng thuộc hàng kinh điển. Nói về những lựa chọn cuộc sống mà người trẻ thường băn khoăn, đam mê hay tiền bạc, tiếng nói của riêng mình và định kiến xã hội.

10/ Đối thoại với Thượng đế – Neale Donald Walsch

Sách này giúp mình rất nhiều trong việc bồi đắp đời sống tinh thần.

11/ Tôi nói gì khi nói về chạy bộ – Murakami Haruki

Cá nhân mình không thích các tác phẩm hư cấu của ông này, quá nhiều về cái chết, tình dục và bất ổn tâm lý. Đặc biệt là Rừng Na Uy, cực kỳ không phù hợp cho tuổi trẻ, mình đọc quyển đó năm 21 tuổi, lúc còn rất ngây thơ, và nó phá hỏng mọi thứ. Nhưng cực kỳ kết Tôi nói gì khi nói về chạy bộ, sâu sắc, triết lý, đượm buồn, rất hay. Quyển này cần đọc để có động lực luyện tập sức khỏe thể chất. Phát triển cả thể chất lẫn tinh thần thì mới toàn diện. (Mà thực ra có thể nếu bây giờ đọc lại Rừng Na Uy biết đâu mình lại thấy hay).

12/ Sáu người đi khắp thế gian – James Albert Michener

Cực kỳ thấu hiểu người trẻ. Cực kỳ phù hợp cho những người thích phiêu lưu.

13/ Bảy thói quen cho người thành đạt – Stephen R. Covey

Sách phát triển bản thân nổi tiếng, đưa ra cái nhìn toàn cảnh về cuộc sống để hoạch định hướng đi của mỗi người.

14/ 10 days to faster reading – Abby Marks Beale

Too many books, to little time. Lúc nào cũng thấy quá trời sách không làm sao mà đọc cho hết. Đọc quyển này thì tốc độ đọc nhanh hơn một tí, tiết kiệm thời gian và thu lượm được nhiều hơn. Rất tiếc chưa có bản dịch tiếng Việt.

15/ Đường xưa mây trắng – Thích Nhất Hạnh

Thích hợp để đọc lúc thất tình, lúc nghĩ về cái chết, sẽ thấy được an ủi nhiều sau những đau khổ.

16/ Bàn về tự do – John Stuart Mill

Sách này cực kỳ khó đọc. Nhưng người trẻ nào mà thẩm thấu được quyển này thì dự đoán là sẽ tiến triển rất nhiều trong con đường cuộc sống vì những tư tưởng đột phá trong sách này.

17/ Nhà giả kim – Paulo Coelho

Một số bạn bè mình không thích sách này, có lẽ vì nó mơ mộng quá, không phù hợp với những người đầu óc lý trí. Nhưng mà mình thích, và quyển này nằm trong danh sách những quyển sách bán chạy nhất mọi thời đại, nên đa số thắng thiểu số, hehe. Nó cổ vũ con người theo đuổi ước mơ, mà mơ mộng là một đặc quyền của người trẻ.

Viết đến đây tự nhiên thấy ôi má ơi mình còn nhiều sách chưa đọc quá. Thôi tạm thời thế đã. Giờ mình đi đọc sách.

 

Rosie Nguyễn

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

14 BÌNH LUẬN

  1. Mình đọc cuốn “7 thói quen để thành đạt” mới gần đây thôi. Mình thích nó vô cùng. Một trong những cuốn self-help hay nhất mà mình đọc được. Mình cx đọc Rừng Nauy trước đó và nói thật là chẳng hiểu gì. Cảm ơn bạn vì danh sách này nhé.

  2. Mình cũng có một trạng thái chính xác như bạn đã nói: khi đọc Phía nam biên giới, phía tây mặt trời năm 19 tuổi, nó đã phá hỏng tất cả!
    Cảm ơn tác giả về bài viết này, những cuốn sách luôn mang đến những trải nghiệm thú vị và kho tàng kiến thức vô cùng bổ ích!

  3. Một bài viết hữu ích.Mình đọc quyển Tổi tự học năm 17 tuổi. Đến bây giờ đac 19 nhưng mình vẫn chưa cảm thấy thẩm thấu hết được cách tư duy và khối tri thức trong sách. Bạn có thể cho mình lời khuyên về kinh nghiệm đọc cuốn sách này của bạn không? Cảm ơn bạn rất nhiều !

  4. mình cũng đọc quyển rừng nauy năm 21 , nhưng khác bạn . Mình thấy nó hay , các nhân vật giản gị , với những cảm xúc chân thật . Ông tác giả miêu tả cảm xúc rất thật , bình thường mình cũng có những cảm xúc ấy nhưng chẳng thế hiểu tại sao nó lại thế , hay miêu tả rõ ràng và sinh động đến thế . Cả cách các nhân vât nói chuyện vs nhau nữa , cực kì giản dị đời thường .
    Hơn nữa , trong truyện tình dục vs chết chóc chỉ có một tẹo à . Tình dục trong truyện xuất hiện giống hệt như khi câu xem các cảnh nóng trên truyền hình ấy , chưa kịp hiểu họ đang làm gì thì màn hình tối om sang cảnh khác rồi còn đâu .
    Còn bất ổn tâm lý , cái đấy tuổi trẻ ai mà chẳng có . Đọc truyện xong tớ chỉ thấy mọi thứ nó rõ ràng hơn thôi . Hiểu đc sao lại có những thứ cảm giác đấy.
    Nhưng mà thú thật là mình cũng chỉ thích đọc đoạn nào có nhân vật Midori . Những phần của wantanabe với naoke hay chán ngắt và hại não .
    Trên đây cũng chỉ là quan điểm cá nhân của mình

  5. Cảm ơn các tác giả của những bài viết mang tính chất điểm sách như thế này! Dù là mang tính chất đánh giá trên quan điểm cá nhân, nhưng nó thực sự vô cùng hữu ích trong việc góp phần định hướng văn hóa đọc cho giới trẻ, trong đó có những kẻ từng mù mờ và lạc lối như mình. (giờ cũng chưa hết mù mờ, vẫn còn mông lung lắm).

    Có n bài báo, truyền thông, vô tuyến…kêu gọi đọc, đọc và đọc. Người ta nói n thứ liên quan đến đọc nhưng hình như họ quên mất phần quan trọng nhất là định hướng văn hóa đọc trong bối cảnh có một mớ hổ lốn các văn hóa phẩm đang du nhập không chọn lọc và xuất hiện tràn lan trên thị trường, thật giả lẫn lộn, tốt xấu tràn lan, không kiểm soát.

    Tôi thì không tin vào sự định hướng của hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay, và tin rằng có nhiều bạn đồng quan điểm với tôi. Tôi chưa có cơ hội ra nước ngoài nên vẫn luôn thắc mắc, không biết có nền giáo dục ở quốc gia nào vô định hướng, và chịu sự chi phối (nói đúng hơn là sự dắt mũi) của chính trị như ở Việt Nam chúng ta không?

    Họ “dạy” cho tôi phải tin vào chủ nghĩa xã hội, tin vào học thuyết Mác_Lê, tư tưởng của vài ông nào đó nữa. Và họ gọi đó là triết học.

    Họ kể cho tôi nghe rằng trên thế giới chỉ có hai trường phái : duy vật và duy tâm. Rồi họ phủ nhận trường phái duy tâm, chỉ nói những điều về duy vật.

    Họ đưa cho tôi cuốn sách “Giáo dục công dân” nhưng trong nội dung không hề tồn tại một bài giảng nào về đạo đức.

    Họ thì thầm với tôi rằng hãy tự hào về mọi thứ trên đất nước ta, rằng rừng vàng, biển bạc, đất phi nhiêu, rằng con người lương thiện, cởi mở, rằng lịch sử của chúng ta gồm rất nhiều cuộc chiến tranh mà 100% chúng ta là kẻ thắng cuộc.

    Nhưng những gì tôi được họ “dạy” và những gì bây giờ tôi thấy, chúng không giống nhau. Cũng không có nhiều mối logic đủ thuyết phục cho lắm.
    Tôi đành cho rằng, đó không phải là những cuốn sách, nó là những truyền đơn chính trị, được đóng thành quyển với mục đích cổ xúy cho thể chế nhà nước hiện tại mà thôi.
    Khi tôi hỏi cô giáo tôi về điều này, thì được trả lời bằng một bài ca muôn thuở :”Đất nước ta chịu nhiều thương đau chiến tranh, rằng thiên tai tàn phá…”

    À! Đấy là tôi lấy ví dụ thôi.

    Không phải tôi đổ lỗi hoàn toàn cho hệ thống giáo dục, bởi sự phát triển tư duy cá nhân và công đồng mới là tiên quyết. Nhưng nhiệm vụ định hướng của giáo dục cho cộng đồng đã không được thực hiện theo đúng nghĩa vụ của nó.

    Chính tôi đã lạc đường rất nhiều lần trước khi đến được với những cuốn sách đích thực, góp phần tự thay đổi tư duy và cuộc đời mình. Vì thế tôi hiểu được giá trị của những bài viết mang tính chất đóng góp, xây dựng một định hướng tốt hơn cho cộng đồng, trong một hệ thống giáo dục tụt hậu hàng trăm năm so với thế giới như thế này.

    Hy vọng, sẽ còn được đọc nhiều hơn những bài viết của bạn như thế này. Và tôi sẽ cố gắng học tập bạn. Cảm ơn bạn một lần nữa! Chúc bạn bằng an!

  6. Mình đã đọc 1 số quyển sách trên. Thấy đều hay cả. Xin bổ sung 1 quyển sách mình thấy rất hay mà bạn chưa nhắc đến. Đó là quyển “Tự học – một nhu cầu của thời đại.” Của Nguyễn Hiến Lê. So sánh thì hơi khập khiễng nhưng mình thấy quyển sách này hay và phù hợp với người Việt hơn quyển Khuyến học nhiều. Bạn thử đọc nhé

    • Quyển “tự học” của nguyến hiến lê giá chính xác là bao nhiêu hả bạn.mình send trên thấy nhiều trang có ggiá #nhau quá.đắt nhất là 67k,còn.rẻ nhất là 30k..chả hiểu?

Trả lời phươngvũ Hủy trả lời

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI