19.3 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Những bộ phim đáng xem (phần 1)

Featured Image: Gavin Smith

 

Người 200 tuổi – Bicentennial Man (1999)

Đây là một bộ phim rất hay, nó đặt cho ta một câu hỏi mang tính nhân văn: “Thế nào là con người?” Phải chăng khi ta được sinh ra với thân xác con người thì ta mới đúng là người? Vậy một rô bốt thì sao? Một rô bốt từ vô tri vô giác bắt đầu biết nhận thức, biết học hỏi, tìm mọi cách để có được cảm giác như con người, có cảm xúc và biết yêu, và cuối cùng chấp nhận cái chết như một con người. Trên thân phận là một con người nhưng chúng ta dường như chẳng biết quý trọng điều đó, nhiều người từ bỏ món quà quý giá đó để biến thành những bộ máy thực thụ.

Trong khi con người tìm cách kéo dài tuổi thọ của mình thì anh chàng người máy trong phim lại đi tìm cái chết dù có thể sống bất tử trong thân phận người máy, chết để có được phẩm giá của một con người. Ngoài ra bộ phim cũng nêu bật vai trò của ông chủ rô bốt, đó là một người cha tốt, một con người thực thụ. Chính ông đã tạo điều kiện để một rô bốt có thể làm người. Để làm được điều này thật không đơn giản tí nào. Giả như ngày nào đó con chó bạn đang nuôi bỗng trở nên khôn ngoan như con người, thì khi ấy liệu bạn có thể tôn trọng nó như một con người và đối xử bình đẳng thay vì xem nó như một con thú?

Sàn Đấu Sinh Tử – Fight Club (1999)

Có bao giờ bạn thấy mình trở nên vô cảm và không nhìn thấy phương hướng khi sống trong xã hội này? Những cảm xúc, những tính cách được định sẵn để chúng ta noi theo. Trong cái thế giới mà phần đông con người mặc những bộ đồng phục như nhau ngồi trong văn phòng, làm những công việc cứ lặp đi lặp lại. Cái thế giới mà đa số chúng ta là những phục vụ bàn cho các nhà hàng hay quán cà phê và cứ thế suốt cả đời.

Chúng ta không thấy được chúng ta đang sống, cái cảm xúc của tâm hồn trở nên chai cứng và đơn điệu. Ý nghĩa của đời ta nằm ở đâu? Có nhiều lúc ta muốn thế giới này khác đi, muốn phá bỏ tất cả để con người trở về với sự hoang sơ của nó, muốn được đối diện với sự mạo hiểm của sống và chết để thấy mình đang thật sự sống. Muốn lột đi cái mặt nạ đang đeo hàng ngày để được sống trong đam mê. Đây là một bộ phim đáng xem nhưng đừng bắt chước nhé.

Phía Sau Bóng Tối – After The Dark (2013)

Bộ phim kể về lớp học triết và một vấn đề được đặt ra để thảo luận là: nếu chỉ một nhóm người được sống vào ngày tận thế thì ai sẽ được chọn để sống sót. Với vấn đề đó thì không khó để chúng ta có một chọn lựa mang tính lý trí, sao cho sự lựa chọn là hợp lý nhất. Nhưng liệu cách làm ấy có phải là đúng nhất? Sự tồn tại phải chăng mang ý nghĩa lớn nhất với một con người?

Để tồn tại thì ta phải bỏ qua tình yêu? Bỏ qua đạo đức? Bỏ qua cảm xúc? Bỏ qua lý tưởng? Nhưng liệu như thế ta có còn là con người nữa không? Hay giống như con thú rồi? Ở một giai đoạn nào đó thì sự sinh tồn là điều quý giá nhất, nhưng sẽ có lúc ta nhận ra rằng sống ý nghĩa mới là điều ta cần có nhất.

Hơn Cả Tiểu Thuyết – Stranger Than Fiction (2006)

Ngày nay con người ta sống như một cái máy, đánh răng bao nhiêu lần mới gọi là sạch, ăn thức ăn nào mới tốt, làm việc theo một chương trình định sẵn. Tất cả đều được số hóa một cách chính xác và lặp đi lặp lại. Đôi khi ta làm một việc mà ta không ý thức được vì ta vẫn làm chúng mỗi ngày, những khi đó ta đang tồn tại chứ không phải là sống. Thế giới chung quanh ta trở nên mờ nhạt và vô nghĩa.

Nhưng sẽ ra sao nếu một ngày nào đó bạn nghe một tiếng nói vang lên trong đầu, tiếng nói ấy kể những việc bạn đang làm. Bảo đảm khi đó cuộc đời bạn sẽ thay đổi 180 độ vì nhận ra rằng cuộc sống của ta sao quá vô vị và ta phải sống khác đi.

Không chỉ có thế, bộ phim cho chúng ta hiểu rằng thế nào mới gọi là sống, và khi bạn hiểu giá trị của cuộc sống thì bạn sẽ biết mình nên chọn điều gì dù điều bạn chọn lựa là vô cùng khó khăn. Đây là một bộ phim dễ hiểu nhưng rất khó để cảm nhận nó một cách sâu sắc.

Lấy Độc Trị Độc – Equilibrium (2002)

Bộ phim vẽ lên một thế giới mà con người xem cảm xúc là nguồn gốc mọi tội lỗi. Ở trong xã hội ấy con người phải sống mà không được có cảm xúc, những gì khơi lên cảm xúc sẽ hoàn toàn bị tiêu diệt bằng bạo lực. Mọi thứ như văn học, âm nhạc, hội họa, điện ảnh… đều bị thiêu hủy. Con người chỉ sống và làm việc, không tình yêu, không vui buồn, không có sự thương xót. Một thế giới phi lý không tưởng. Nhưng sự không tưởng đó từng tồn tại trong thế giới loài người này rồi đấy.

Trong phim có một đoạn đối thoại rất hay:

– “Tại sao anh sống?” –

– “Tôi sống để… để bảo vệ sự duy trì của xã hội vĩ đại này, phục vụ cho Libria.”

– “Thật vòng vo! Anh chỉ tồn tại để kéo dài sự sống của mình, mà sống để làm gì?”

– “Vậy còn cô… cô sống để làm gì?”

– “Để có cảm xúc. Vì chưa làm việc gì thì không thể biết nó như thế nào. Nhưng nó cũng cần thiết như hơi thở vậy, và không có nó… không có tình yêu, không có giận dữ, không có nỗi buồn… thì hơi thở chỉ là nhịp gõ của đồng hồ.”

(Lúc coi bộ phim đến cảnh nhân vật chính sau khi có cảm xúc đã khóc khi nghe nhạc trong cái nhà kho mà người ta tàn trữ những đồ vật bị cấm. Tôi đã khóc cùng anh ta, tôi khóc cho những thứ đã, đang và sẽ bị đốt đi vì sự ngu muội của con người.)

Giới thiệu với các bạn trước 5 bộ phim, bài sau sẽ giới thiệu thêm 5 bộ nữa.

Mắt Đời

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

40 BÌNH LUẬN

  1. Chỉ mới Coi Được Bicentenninal Man và After the dark.Bicentennial man thì coi rât lâu rồi , từng rất cảm động vào những phút cuối .Rất vui khi mới được coi lại một lần trên HBO .
    Còn vê phim After the dark thì mình không thấy nó hợp lý chút nào .Nếu nói một vấn đề triết lý sống còn mà đưa ý chí một người vào , rồi phút cuối giải quyết vấn đề thì dựa vào hoàn cảnh chẳng liên quan gì cả , cứ như nói : đứa nào muốn sống cứ ra đảo .Hoàn toàn là nghịch lại cái giả thiết đưa ra lúc đầu .

    • Khởi đầu của câu chuyện vốn là một giả thuyết mang tính ý chí rồi bạn, đó là ý chí của ông thầy. Ông ta lợi dụng cái gọi là tính logic để mưu lợi cho chính mình (loại bỏ tình địch và chiếm đoạt cô gái), Việc thế giới có tận thế hay không phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí ông ta, ông ta chết, các học sinh sẽ chết, ông ta bị bỏ bên ngoài và không theo ý nghĩ thì sẽ không có tận thế, luôn có cách để hợp lý hóa mọi thứ. Nhưng theo diễn biến của câu chuyện, các học sinh nhận ra điều đó và bản thân mỗi người sẽ đi theo ý chí của chính họ, hoàn cảnh không còn phụ thuộc vào ý chí ông thầy nữa.
      Bộ phim này nhắc nhở bạn một điều, trong bất cứ hoàn cảnh nào ta cũng phải có sự tự chủ trong suy nghĩ và hành động, ta sống theo chí hướng của ta, đừng nghe theo bất cứ ai trước khi suy xét thật kỹ. Vì có đôi khi những cái ta thấy có vẻ hợp lý chỉ là cách mà người khác đang dùng để lợi dụng ta.
      như bộ phim chỉ ra, sau nhiều thất bại thì con người sẽ nhận ra sự thật. Tuy nhiên giả sử rằng tận thế là thật thì nhóm người đó có thể sẽ chết ngay trong sự lựa chọn đầu tiên. Chính vì thế những lớp học triết như thế vô cùng bổ ích, những vấn đề triết học đặt ra sẽ buột ta có những giải pháp hợp lý với mình trước khi sự thật diễn ra. Đó là giá trị của môn triết học.

  2. Mình đã xem 3 trong số 5 phim này, chúng có nhiều ý nghĩa và kinh nghiệm sống trong đó nữa. Hai phim còn lại không dám đọc lời bình vì sợ sẽ bị ảnh hưởng khi xem phim 🙂
    Mình cũng thật sự rất thích Equilibrium, nhưng khi xem cảnh nhân vật chính khóc trong cái nhà kho mình lại thấy vui hơn, vui vì anh ta đã tìm lại được cảm xúc của mình.
    Mình còn thích một đoạn thơ ở đầu đoạn phim nữa, không nhớ rõ lắm nhưng nó nói về ước mơ được trải dưới bước đi của một người khác và mong rằng người đó sẽ bước khẽ qua và đừng làm ước mơ tan vỡ.
    À, còn nữa, phim mình thích nhất là The Shawshank Redemption 😀

    • Bạn không xem lời bình là một việc làm chính xác. Nhưng nếu không viết lời bình thì là sao giới thiệu phim hi hi. Tuy nhiên mình viết khá ngắn và chỉ nêu vài điểm về ý nghĩa của nó chứ nội dung thì chưa đá động đến. Mình cũng giống bạn về điểm này, trước khi xem phim hay đọc sách mình đều không đọc lời giới thiệu. Vì sau khi đọc thì ta dễ bị tư tưởng người viết dẫn dắt, nếu người viết có đạo đức nghề nghiệp thì không nói, nếu họ muốn định hướng tư tưởng thì bộ phim hay quyển sách đó sẽ chẳng còn giá trị là bao.
      À phim bạn nói mình cũng xem rồi, là một phim hay. 🙂

Trả lời My Hoang Hủy trả lời

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI