16.2 C
Da Lat
Thứ Năm, 18 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Con đường tạo dựng niềm tin!

Featured image: fredtougas

 

Yếu tố lịch sử?

Trong kho tàng văn hóa dân gian của Người Việt, tôi chú ý đến câu tục ngữ: “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời.” Câu này có tính khích lệ, động viên một đại bộ phận dân chúng – những người nghèo, giúp họ không buông xuôi, nhưng đồng thời thể hiện rõ sự bất an trong đời sống xã hội và ít nhiều ảnh hưởng của triết lý phát triển mà tôi từng gọi là“tính phủ định Á đông” – “hợp rồi lại tan, tan rồi lại hợp”, chứ không tiến lên sau mỗi lần “phủ định” như người Phương Tây.

Nếu câu nói trên có thể giúp người nghèo nuôi hy vọng thì cũng cùng lúc mang lại sự lo âu và bất an cho kẻ giàu. Đành rằng đây chỉ là câu nói dân gian, phản ánh tiếng nói và ước vọng của người nghèo, nhưng cùng với hai câu cuối trong bài ca dao: “Bao giờ dân nổi can qua, con vua thất thế lại ra quét chùa.” Nó phản ánh một thực trạng có phần chua xót của lịch sử dân tộc ta – vốn được phản ánh qua các lớp trầm tích trong Hoàng Thành Thăng Long – sự phủ định gần như tuyệt đối của Triều đại sau so với Triều đại trước; thiếu tính kế thừa; và không có niềm tin vào sự thịnh vượng hay ổn định dài lâu của xã hội.

Trong xã hội quân chủ và chuyên chế ngày trước, do ảnh hưởng của Nho giáo nên tính “chính danh” thường được đề cao. Khổng Tử lúc còn sống chắc hẳn không lường trước được những “side effects” (tác dụng phụ) khi đưa ra tính chính danh trong học thuyết của mình. Để đảm bảo tính chính danh, khi tiến hành lật đổ hay thay thế triều đại cũ, nhà nước cũ, các triều đại mới luôn tìm cách xóa bỏ hoàn toàn “sự hợp lý, hợp thời” của thể chế này theo hướng không để lại những gì có thể gợi ý cho nhân dân nhớ về cái cũ nữa.

Điều này phản ánh rất rõ trong lịch sử Việt Nam, khi Phật giáo còn đang thịnh thì sự chuyển giao quyền lực của Nhà Đinh cho Nhà Tiền Lê, Nhà Tiền Lên cho Nhà Lý rồi Nhà Lý cho Nhà Trần tuy ít nhiều gây xáo trộn xã hội nhưng nó chỉ dừng lại trong phạm vi giai cấp Quý tộc chứ ít ảnh hưởng đến dân chúng. Sau khi Nhà Minh bên Trung Quốc xâm lược nước ta thì ảnh hưởng của Nho giáo bắt đầu lớn hơn và cũng từ đó tính phủ định trở nên quyết liệt hơn và triệt để hơn, đồng thời phạm vi ảnh hưởng không còn nằm ở tầng lớp trên nữa.

Thiếu hụt niềm tin

Trong lịch sử hơn 1000 năm tự chủ của mình, nước Đại Việt, Đại Nam hay Việt Nam có thể nói là ít khi được hưởng yên bình lâu dài để làm ăn. Nếu không vì nạn ngoại xâm thì cũng bị nạn “quan tham” làm cho bất ổn. Những yếu tố này đã dần dần tạo nên một tính cách theo tôi là bất lợi cho người Việt, đó chính là dễ hài lòng với bản thân khi có chút ít thành công và đa phần làm ăn theo kiểu cơ hội (đôi khi có thể gọi là chộp giật), ngắn hạn, vốn chỉ mong kiếm được càng nhiều càng tốt tại một thời điểm để cất giữ chứ không yên tâm đầu tư dài hạn với một tầm nhìn xa.

Không có số liệu chính thức, nhưng hiện chúng ta có rất nhiều công ty vốn được lập ra để làm sân sau cho các phi vụ hoặc tận dụng các chính sách ưu đãi của Nhà nước để kiếm lời chóng vánh rồi bị giải thể khi nhiệm vụ đã hoàn thành. Không chỉ vậy, tôi đã có dịp phỏng vấn những người đứng đầu của một số tổt chức làm về phát triển do người Việt thành lập và đa phần họ chỉ quan tâm đến hiện tại, có gì làm nấy, còn việc còn làm chứ ít có người xây dựng cho tổ chức của mình một tầm nhìn dài hạn và các kết hoạch gây quỹ theo kịch bản.

Thiếu tin tưởng vào sự ổn định dài hạn của xã hội đang làm chúng ta chảy mất rất nhiều nguồn lực và chất xám. Trong khi Samsung hay Nokia vẫn đổ hàng tỷ USD vào các nhà mày ở Bắc Ninh hay Thái Nguyên thì rất nhiều người Việt mang ngoại tệ đi cất tại các ngân hàng Thụy Sĩ hay đầu tự cho con cái học ở các trường có tên tuổi phương Tây để tạo dựng tương lai ổn định hơn cho thế hệ sau ở bên ngoài chứ nhất định không vì lý tưởng tự cường dân tộc- một khái niệm tương đối mơ hồ với phần đông dân chúng nhưng đối với tầng lớp sĩ phu thì dù đã cố nhưng chúng ta đã nhiều lần thất bại.

Chuyển đổi niềm tin trong bối cảnh mới

Thật khó để ai đó có thể kêu gọi người dân và bảo họ rằng bạn không được thiếu niềm tin, bạn cần phải tin tưởng vào điều này, điều nọ. Việc nhiều người trong chúng ta không có đủ niềm tin về sự ổn định xã hội – như đã nói, có nguyên nhân mang tính lịch sử. Để có thể tái định vị niềm tin, chúng ta cần nhiều hơn những giải pháp mang tính cổ xúy, vận động.

Trong chiến tranh vệ Quốc gần đây, chúng ta đã giành chiến thắng trước những kẻ ngoại bang hùng mạnh. Điều này không thể đạt được nếu mỗi con người và cả dân tộc thiếu niềm tin vào những gì mình đang làm và vào sức mạnh nội tại của dân tộc. Niềm tin đã giúp chúng ta có thể tạo nên những chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, nhưng khi đất nước đã có thái bình rồi thì “niềm tin” ngày trước đó lại không được chuyển hóa thành sức mạnh để xây dựng và phát triển đất nước – hay nói đúng hơn là rất nhiều người trong chúng ta không có hoặc mất hết niềm tin trong vấn đề này.

Sau khi mở cửa và đổi mới, anh nông dân gầy xác gầy xơ bắt đầu có đủ gạo ăn và ngơ ngác bước ra khỏi bản làng mình. Do lâu ngày không đi ra ngoài nên đối với anh cái gì cũng mới, cũng lạ và vì vậy cũng cần phải cảnh giác. Đôi lúc người khác thương anh, quý anh và muốn giúp đỡ anh tí chút nhưng anh không dám nhận vì ở nơi anh sống “không ai cho không ai cái gì bao giờ”. Qua năm tháng, anh “tỉnh” ra chút ít và cũng tự tin hơn chút ít. Anh mạnh dạn bắt tay làm ăn với Tây, thi đấu thể thao với Tây và ban đầu dù có thua thì anh vẫn vui vì dù sao cũng đang là giai đoạn giao lưu, học hỏi.

Đôi lúc có được một vài chiến thắng nho nhỏ (tuy không mang tính quyết định) anh ngây ngất, ngất ngây và lúc đấy anh đã mơ về một Nhật Bản, Hàn Quốc trong tương lai không xa. Ông trời thật không công bằng khi cho Hercules sức mạnh dời non nhưng lại không cho anh những gì anh muốn. Sức lực của anh chỉ đủ làm ra mấy chục triệu tấn gạo giúp nuôi sống một đàn con lít nhít và với chút kiến thức quản trị không được học hành chính thống đã khiến anh tuy không phải quay lại bản làng ngày trước nhưng lại bị mắc kẹt ở một hẻm núi đã mấy năm liền mà chưa tìm thấy đường hướng để đi tiếp.

Thực ra đường và hướng vẫn luôn có đối với những ai muốn đi và thực sự có niềm tin là nó sẽ dẫn họ đến sự thịnh vượng. Cái quan trọng hơn chính là anh có đủ niềm tin về khả năng của mình để bước trên con đường vốn đã đưa nhiều dân tộc khác đến thịnh vượng này hay không! Và khi đã có đủ niềm tin rồi thì anh có sẵn sàng cắt bớt tóc, cạo bớt râu và học cách lái xe cùng các luật lệ tiến bộ trên con đường đó không? Thật không hề đơn giản cho một người nông dân mới ra khỏi bản làng được có ít năm!

Anh có lẽ phải cần giao lưu nhiều hơn nữa để cảm nhận sâu sắc hơn cái thiệt thòi, cái yếu kém và cả “nỗi nhục” của mình, gia đình mình khi bị tụt hậu và thua kém so với người khác. Chỉ đến khi anh nào anh thấu hiểu được rằng, con cháu mình cần có một môi trường nơi chúng không mang nỗi sợ về sự bất ổn xã hội, về sinh kế và an sinh, nơi những thay đổi và cải cách ngày hôm nay luôn kế thừa và phát huy các giá trị của ngày hôm qua, nơi cả đại gia đình đồng lòng với niềm tin là “mình sẽ làm được”, thì lúc đấy mấy câu tục ngữ và ca dao ngày xưa ấy sẽ không đươc gọi là ca dao, tục ngữ nữa.

Liệu người nông dân có làm được không?

 

Tuấn Trần

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

16 BÌNH LUẬN

  1. Mình cũng nghĩ vậy, dân trí dân ta càng cao thì đất nước sẽ càng cường thịnh…nếu không sẽ chỉ là vòng luẩn quẩn!! Dân trí cao hơn, dân ta sẽ biết thế nào là tự cường dân tộc, sẽ biết thế nào phát triển bản thân mà không xâm hại quyền lợi dân tộc!!!

    • Trong cuốn “Why nations fail?” người ta giải thích sự thành bại của một QG có liên quan đến các yếu tố như Khí hậu, thổ nhưỡng, Địa chính trị, Thể chế và Văn hóa.v.v. Theo mình yếu tố văn hóa rất quan trọng bởi vì dân trí thấp có nguyên nhân mật thiết với văn hóa của chúng ta.

  2. Về câu “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” thì mình có một cách hiểu khác, nó không phải thể hiện sự bất an mà chính sự bất an khiến cái giàu cái nghèo thay đổi liên tục, tức những người dân chủ yếu nhìn vào hiện tượng thể hiện ra là không ai giàu mãi mà không nghèo và cái nghèo cũng thế như một quy luật, tức là cái giàu ở nước ta không có sự bền vững. đó một cái nhìn phản ánh hiện thực, còn cái sâu xa là sự bất an về xã hội thì mình nghĩ người dân họ không thấy đâu. Ngoài ra câu đó thuộc loại tự an ủi hơn là khích lệ. vậy bàn rộng ra hơn về sự thay đổi chóng vánh giàu nghèo thì chủ yếu do trình độ dân trí thấp và tình hình xã hội biến động liên tục. khi xh biến động sẽ tạo ra thời thế, ai biết tận dụng thời thế thì giàu rất nhanh chóng, chỉ có ở những xh dân trí thấp thì cái giàu cơ hội mới có đất để sống, nhưng giàu có mà thiếu trình độ thì cái giàu đó chỉ là nhất thời, đến đời con đời cháu bọn chúng cũng sẽ phá tan hoang và trở thành trắng tay. Việc này có thể nhìn vào xh ngày nay sẽ thấy thôi, tại sao giới trẻ ngày nay “hư” như vậy? vì số lượng của những người giàu cơ hội nhưng thiếu học thức quá nhiều đi, có tiền có bạc mà không được dạy dỗ thì chỉ còn có việc là ăn chơi phá phách thôi, thật ra nhìn con thì có thể biết được cha mẹ ra sao. Cái câu tục ngữ đó chỉ có thể tồn tại ở VN thôi, nó không phù hợp với những nước văn minh. Ở châu âu có những quý tộc giàu có suốt mấy trăm năm có khi cả ngàn năm. Dù xã hội biến động thế nào thì họ vẫn vững như bàn thạch. vì cái giàu của họ là cái giàu bền vững, có học thức, có kinh nghiệm, cái gọi là giới thượng lưu không phải chỉ nói về tiền của mà nó còn đi đôi với học thức.
    còn về thiếu hụt niềm tin: thì cũng ít thôi, cái thiếu hụt vẫn là học thức nên tầm nhìn ngắn, nhìn ngắn nên khi có cơ hội thì nhảy vào xâu xé nhau, xâu xé nhau mới làm xh bất ổn, xh bất ổn thì tạo cơ hội cho mấy kẻ cơ hội và cái vòng lẫn quẫn đó cứ quay đều… quay đều… quay đều…
    về chuyển đổi niềm tin: nói chung vẫn là vấn đề trình độ dân trí, ở thời đại mới này những người giàu cơ hội nào mà biết nhìn xa một tí có thể cho con học trường quốc tế, hơn nữa thì cho con đi du học để sau này cái giàu của mình có sự bền vững, khi con có trình độ thì dù ở VN có chuyện gì cũng có thể bay ra nước ngoài làm giàu, khi VN ổn định lại trở về đầu tư và tiếp tục giàu. Còn một xh tiến lên thì hơi khó trong vài chục năm trở lại đây. vì chúng ta mới bắt đầu mở cửa cách nay gần 15 năm thôi, những người giàu cơ hội nhưng thiếu học thức quá quá ….quá nhiều, còn cần vài mươi năm nữa để con cái họ phá của và một thế hệ người giàu mới bằng chính khả năng họ đi lên. Nói chung sự phát triển của xh tỉ lệ nghịch với số lượng người giàu cơ hội và tỉ lệ thuận với giàu bằng trình độ. còn xh mà cứ tạo cơ hội cho những kẻ cơ hội thì trước sau cũng tan hoang thôi. Đó gọi là hết thuốc chữa hi hi

    • Mình thấy câu này có vẽ hợp dù mình cũng chả thích nó cho lắm : đừng đợi xem tổ quốc làm gì cho ta mà hãy xem ta đã làm gì cho tỗ quốc hôm nay.
      Tư duy của lũ quan tham, và nhát thay đổi là điều ko thể …
      Như 1 cái cây, cái gì lâu quá sẽ già đi và cố định ỡ đó, nhìn vào 1 cánh rừng thì màu xanh là của cây non chứ ko bao h xuất phát từ cây đã chết …..

      ~Meow~

    • Trong bài mình đã đề cập rồi đó bạn. Đường luôn luôn có nhưng để tìm thấy nó chúng ta phải cần có niềm tin trước và sẵn sàng cạo râu, gọt tóc bớt đi để có thể đi được trên đó. Thanks

Trả lời Mây Mộng Mơ Hủy trả lời

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI