16.6 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Tôi là một người bạn của Mặt Trời

Featured Image: Doran

 

Khi được giới thiệu trong tủ sách “văn học tuổi hai mươi”, tôi tò mò về tựa đề của cuốn sách và lời giới thiệu giản dị của tác giả: “Tôi viết câu chuyện về những người bạn của mặt trời, nếu bạn hiểu câu chuyện của tôi, tôi tin chắc bạn có thể trở thành một người bạn của mặt trời.” Tôi tự hỏi không biết mình có đủ cơ hội để làm một người bạn của mặt trời hay không? Nếu không thì chẳng có lý do gì để đọc nó, và tôi lưỡng lự. Để rồi lần thứ hai quay lại nhà sách, tôi quyết định sẽ cho mình một cơ hội được làm Bạn của Mặt Trời.

Cuốn sách là hành trình tròn một năm của một bệnh nhân suy tim, cô gái cảm giác như tất cả đều suy sụp, và quyết tâm dành thời gian còn lại của mình để đi tìm ý nghĩa của sự sống. Định mệnh đã cho cô gặp Denis – một người bạn đồng hành khá thú vị – và cô chuẩn bị chuyến đi bằng việc cắt phăng mái tóc của mình. Đọc đến đây tôi bất giác phì cười, nhớ lại lần đầu tiên tôi cắt tóc. Ngày bé tôi để tóc dài tự nhiên quá lưng quần, đến năm lớp 10, khi biết cậu bạn mà mình thích không còn thích mình mà chuyển sang thích…cô bạn thân của mình, tôi đã lén mẹ đi cắt mái tóc dài thành ra cũn cỡn trông rất buồn cười. Lần đó tôi bị một trận đòn nhừ tử, mẹ túm lấy mớ tóc nham nhở và lấy con dao chặt thị ra hỏi tôi muốn bị gọt cái đầu như bộ tóc không? Tôi vô cùng ân hận và từ đó quyết tâm không cắt tóc nữa, cũng như suốt những năm học phổ thông chẳng dám thích thêm cậu bạn nào!

Chuyến đi của đôi bạn đến thẳng miền Tây, thật bất ngờ với món khô quẹt đặc sản làm tôi nhớ đến những năm tháng cơ cực của gia đình mình (bây giờ thì vẫn còn cực nhưng cũng đỡ hơn trước phần nào). Ngày đó nhà có 3 người, ngoại, mẹ và tôi. Mỗi mùa mưa là ngoại hái rau sau vườn nhà, vào làm một nồi kho quẹt chỉ có hành khô sắc mỏng phi lên cùng nước mắm và gia vị thêm tí tiêu thôi, chẳng như nhà hàng bây giờ có thêm thịt băm hay tôm khô. Vậy mà những ngày ấy ăn cơm ngon lành, còn tấm tắc khen ngon. Để giờ ngoại đi xa, trời tháng 6 mưa dầm, thèm lắm nồi kho quẹt của ngoại mà chẳng được, để đĩa rau lang luộc nằm chỏng chơ trên mâm, mẹ tặc lưỡi, thôi làm đại chén nước mắm chấm cho nhanh.

Mới đọc 30 trang đầu mà sao cảm xúc của ngày xưa ùa về, như viết cho chính những gì mình đã trải qua. Vội vàng gấp sách, sợ đọc tiếp sẽ có những dư âm buồn len lỏi, nhưng lại tò mò muốn biết hành trình của cô gái ấy còn những gì thú vị và tại sao cô ấy được chọn là một người bạn của mặt trời? Mấy hôm sau, tôi quyết định đọc tiếp, vừa đọc vừa khám phá ra nhiều điều mới mẻ mà tưởng chừng ở quá xa xôi, ngờ đâu lại giản đơn như đang ở ngay trong khu vườn sau nhà, trên vòm cây trước sân nhà mình, những nụ hoa dại bé xinh bên bờ rào nhà hàng xóm. Cô gái muốn đi tìm tự do và rồi nhận ra rằng:

“Nhưng sống trong một cái khuôn, những cá thể khác biệt bị vo tròn đồng nhất, họ bị bắt nghĩ những điều nhỏ, mơ những giấc mơ bé, bị bắt viết bằng tay phải và lớn lên thì phải kết hôn. Như một con tàu chưa đầy đá tảng, sự cũ kỹ của gia đình, làng xóm đè người ta xuống trong giấc mơ ‘ổn định’ thay vì thay đổi và bật phá.”

Đọc đến đây tôi bỗng nhớ đến mấy câu thơ của Chế Lan Viên:

“Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp
Giấc mơ con đè nát cuộc đời con
Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp
Một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn.”

Đôi bạn trẻ với hai cách nhìn, hai nền văn hóa khác biệt đã đồng hành đến nhiều miền đất của Việt Nam. Và cô gái được Denis hướng dẫn cho tập võ thuật, những bài luyện khí công, những môn võ khác nhau trên khắp thế giới. Học võ để biểu thị sức mạnh, để tự vệ hay chống lại kẻ mạnh hơn? Ức hiếp kẻ yếu hơn? Và cuối cùng Denis nhận ra rằng:

“Con người là vậy, họ thích sự mạnh mẽ và ghét sự yếu ớt. Một con chuột chẳng bao giờ tấn công một con hổ, nhưng con hổ sẽ làm mọi điều nó muốn. Do vậy, võ sĩ hay những người nắm giữ sức mạnh khác, họ phải biết đạo lý. Như là khi bạn đủ sức để đi đường dài vậy, bạn biết chạy, bạn biết nhảy, nhưng bạn thiếu ‘đạo’- một con đường. Không có con đường đúng, ta đi về những nẻo vô nghĩa. Sức mạnh mà không có đạo lý, nó hóa thành phi nghĩa.”

Tác giả cũng không quên nhắc đến tình yêu, được lồng ghép qua bản nhạc kịch về tình yêu của nàng Carmen – Tình yêu là con chim bất trị. Tôi nhớ mình đã đọc ở một cuốn tài liệu nghiên cứu về ngôn từ trong Trịnh ca, có hình ảnh con chim đại diện cho tình yêu, và Trịnh Công Sơn đã mượn hình ảnh con chim bất trị trong bản nhạc kịch trên để gửi gắm vào ca khúc Để gió cuốn đi của mình:

“Trong trái tim, con chim đau nằm yên ngủ dài lâu, mang theo vết thương sâu. Một sớm mai chim bay đi triền miên và tiếng hót trong trời gió lên.”

Đơn giản thế thôi, để hiểu về tình yêu, mê đắm và cuồng si nhưng vẫn phải là một tình yêu được sinh ra và nuôi dưỡng trong tự do không một chút ràng buộc: “Nàng sinh ra trong tự do và sẵn sàng chết trong tự do. Những người phụ nữ quanh tôi, họ lớn lên, họ dần mất đi sự quyết liệt ấy.” Cô gái trong tác phẩm có thể đã nói thay cho tác giả, hay rất nhiều trái tim khao khát yêu thương.

Từ đó tác giả dẫn dắt một cách tế nhị, khéo léo nhưng vô cùng thuyết phục độc giả đi vào những vấn đề nhạy cảm và gây nhiều tranh cãi về quyền con người, về nền văn hóa của các quốc gia khác nhau trên thế giới, phong tục tập quán và thậm chí ngay cả đến chính trị, tôn giáo và thế giới tâm linh của mỗi người. Và rồi, nhân vật nữ của chúng ta kết luận:

“Tôi muốn giết đi những thần và thánh, chết đi những lãnh tụ và  những cao sang. Đáng như thế lắm, nếu vì họ mà loài người bằng xương bằng thịt chúng tôi giết lẫn nhau, bằng hành động, bằng lời nói hay là bằng suy nghĩ.”

Có thể trong mỗi chúng ta đều chứa đựng một cá thể muốn nổi loạn, muốn phá tan đi những gì cũ kỹ, không phù hợp và muốn tạo ra những cái mới, những điều diệu kỳ. Nhưng trên hết, chúng ta phải có một niềm tin, và niềm tin đó chẳng cần phải đi tìm ở nơi đâu, ở một ai hay một tôn giáo nào mà ở ngay trong trái tim mỗi người, khi hướng về phía mặt trời, ta thấy mình ở đó. Ta thấy mình hạnh phúc khi nóng bức trời ban cho làn gió mát, khi buồn phiền ta cảm nhận được hương thơm của hoa lá cỏ cây. Và ta có thể bay, khi ta nhận ra ta cần biết ơn những điều giản dị nhưng vô cùng ý nghĩa đó, để khi ta nhận thức được rằng ta có mặt trên cõi đời, rồi ta sống và ta chết đi, không phải là một cuộc đời mục rỗng tạm bợ.

Tôi không thể nói hết những ý nghĩa và cảm nhận mà cuốn sách và hơn hết là LANKA – tác giả đã mang lại cho tôi. Nhưng tôi biết, mình đang tập bay, bắt đầu từ những tao tác nhỏ nhất như ngắm nhìn từng chiếc lá, hát khẽ cùng những cụm hoa và hân hoan với mỗi giọt sương ban sớm. Và tôi tin, mình là một người bạn của Mặt Trời.

Còn bạn? Bạn có đủ dũng cảm để cho mình một cơ hội làm Bạn của Mặt Trời không? Nếu có, hãy đồng hành cũng LANKA và chuyến hành trình trong Những người bạn của Mặt Trời nhé!

 

Lâm Hạ

spot_img
Bài trước
Bài tiếp theo
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

13 BÌNH LUẬN

  1. “Nhưng sống trong một cái khuôn, những cá thể khác biệt bị vo tròn đồng nhất, họ bị bắt nghĩ những điều nhỏ, mơ những giấc mơ bé, bị bắt viết bằng tay phải và lớn lên thì phải kết hôn. Như một con tàu chưa đầy đá tảng, sự cũ kỹ của gia đình, làng xóm đè người ta xuống trong giấc mơ ‘ổn định’ thay vì thay đổi và bật phá.”

    Trích: Bạn của Mặt Trời.

    Vì bạn này trích trúng cái đoạn “bị bắt viết bằng tay phải”. Vốn là người thuận tay trái, nên mình rất dị cái câu này vì mình rất biết ơn khi bị bắt viết bằng tay phải. Tự do tốt và ép buộc cũng tốt. Hai cái phải đi chung thì đời sống nó mới dung hòa :3

Trả lời Lâm Hạ Hủy trả lời

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI