20.6 C
Da Lat
Thứ Năm, 18 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Những ý tưởng lột xác giáo dục

Featured Image: Klaas Verplancke

 

Hôm nay, trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta sẽ đặt vấn đề, tiếp vận và suy nghĩ theo một hướng khác với thông thường.

Vẫn là chủ đề về giáo dục, những yếu kém, cải cách và hệ lụy. Nhưng nói mãi rồi cũng chán. Phân tích mãi cũng chẳng tới đâu. Chỉ hôm nay thôi, chúng ta hãy thôi phân tích, thôi nhìn lại. Hôm nay chúng ta chỉ cần nói thực trạng và đưa ra giải pháp, thế thôi.

Nêu thực trạng và đề giải pháp trong cải cách giáo dục, đó không phải là trách nhiệm của riêng ai, riêng nhà giáo dục nào. Đó phải là trách nhiệm của tất cả mọi người, những người đã từng đi học, từng ghét học, những người yêu việc học, những người không còn đi học nữa, cho tới những người đang có con cái đi học mỗi ngày hay những người độc thân…

Tất cả chúng ta dù ít dù nhiều đều có những bất mãn và ý tưởng sáng tạo cho việc học nói riêng và giáo dục nói chung. Hãy cùng nhau góp bão ý tưởng cho vấn đề này. Cùng nhau góp gió cho một cuộc thay da đổi thịt một ngày không xa mà ta mong đợi. Đừng phản đối ai, đừng chỉ trích ý tưởng nào, chỉ ghi nhận, góp ý và bổ sung thôi, được chứ?

Đây là một vài ý kiến kèm giải pháp của riêng tôi:

Người nhà giáo

Không thể để nhà giáo là một ngành dễ dãi, ai vào cũng được, ai vào cũng xong, không biết thi cái gì thì thi sư phạm, không thể để cho giáo viên lương không đủ ăn để rồi quay cuồng với cơm áo gạo tiền đến mức chẳng còn thiết tha truyền đạt kiến thức, chẳng còn thiết tha quan tâm đến việc giáo dục thật sự. Người giáo viên phải được tuyển chọn từ những cá nhân ưu tú, vốn hiểu biết phong phú, đầy tính sáng tạo và giỏi truyền đạt cảm hứng đến những người khác.

Để thu hút được những cá nhân đó, ngoài đánh vào niềm đam mê, khát vọng cống hiến còn phải trả cho họ một mức lương xứng đáng đủ để họ không còn phải bận tâm cơm áo gạo tiền. Không có học sinh ngu, chỉ có giáo viên chưa đủ giỏi, chưa đủ tầm để dạy dỗ những người khác. Nếu chúng ta gầy dựng được một thế hệ nhà giáo tâm huyết, tài giỏi, sáng tạo và cấp tiến, trọng chất lượng chứ không trọng số lượng, sức học và trình dân trí của thế hệ trẻ nhất định sẽ thăng tiến rất nhanh.

Sách giáo khoa

Chỉ nên là một bộ sách tham khảo, giáo trình dạy và học nên được mở rộng theo hướng hòa nhập với kho tri thức khổng lồ của nhân loại và thế giới. Giáo viên nên được tự soạn bài vở giáo trình những kiến thức, thông tin nào họ tâm đắc nhất, muốn truyền đạt nhất cho các thế hệ tiếp nối. Người viết sách, phải là người có tâm, có tầm, vốn hiểu biết lớn và nhất là phải đứng ở vị trí trung dung, không thiên vị, không bị định hướng. Phải là người công bằng, trung thực và khách quan. Những người này, rất hiếm, nhưng không phải là không có. Nếu cần, cứ tìm, sẽ thấy ngay.

Giáo dục cần tôn trọng sự thật

Sự thật từ bộ môn lịch sử, tới những tinh thần triết học, kể cả các thể chế chính trị cho tới thực trạng thực tế của đất nước. Xin đừng ru ngủ các thế hệ học sinh bằng những mỹ từ hào nhoáng: “Rừng vàng biển bạc, bốn ngàn năm văn hiến, các danh xưng vĩ nhân, những chiến thắng oanh liệt…”

Tôn trọng sự thật từ những chính sách thất bại, những đường lối sai lầm trong quá khứ. Chúng ta học được kinh nghiệm, từ cái sai, cái bại, không bao giờ dám nhận sai, thì ai còn học được gì?

Tôn trọng sự thật từ những bài làm văn ngây ngô của các em học sinh lớp một, đừng bắt chúng phải tả gia đình theo một khuôn mẫu: “Ba ngồi xem tivi, mẹ dạy em học bài, bà nội ngồi đan len, ông nội ngồi đọc sách…”

Giáo dục phải tuyệt đối tôn trọng sự thật, trong mọi lĩnh vực và mọi hành động. Chỉ khi nào sự thật được tôn trọng, dù cho nó không tốt, thì lúc đó chúng ta mới có thể ngậm ngùi oai phong đứng lên từ đống tro tàn, rũ bỏ quá khứ như loài chim Phượng Hoàng cao quý rũ bỏ lớp tro. Chứ cứ mãi nhầy nhụa trong đám tro tàn của những thứ cũ kỹ, giấu diếm, những lời dối trá và những câu chuyện bị bóp méo, thì ta mãi chỉ là loài quạ đen tầm thường bị cả thế gian nhìn bằng con mắt mỉa mai khinh thường. Sao ta có thể chấp nhận chuyện đó? Sao ta có thể để cho con cháu mình sống trong một viễn cảnh như vậy?

Ý tưởng, sáng tạo

Giáo dục phải hướng về tương lai, phải khuyến khích sáng tạo, đề cao sáng tạo, tập trung vào sáng tạo nên cái mới và đưa ra mọi ý tưởng. Cần phải có những bộ môn chuyên về giới thiệu những tinh hoa ý tưởng của thế giới và những bộ môn chỉ tập trung vào cách tạo ra các ý tưởng giá trị, khơi gợi trí óc cũng như khả năng sáng tạo vô biên của con người, của thế hệ trẻ. Và xem đó là nguồn tinh lực của quốc gia để nghiên cứu, đầu tư vào những ý tưởng đáng giá.

Đọc sách

Trường học nên là nơi đọc sách không giới hạn, phải là nơi khơi gợi, thậm chí ép buộc người ta phải đọc sách. Sách là cách ngắn nhất và hiệu quả nhất giúp người ta tiếp cận nền tri thức vĩ đại của loài người từ ngàn xưa đến nay, và thậm chí dự đoán trước cả những diễn biến trong tương lai nữa. Mở rộng nhận thức, mở rộng tư duy rồi thì chúng ta sẽ mở rộng được khả năng cũng như tiềm năng của bản thân mỗi người, của đất nước. Từ cấp học nhỏ nhất đến lớn nhất, nên có những bộ môn chuyên việc khuyến khích, giới thiệu và bàn luận về sách, những tư tưởng trong sách, từ sách văn học đến khoa học, kinh tế và triết lý sống…

Trường học theo mô típ đơn vị kinh doanh sinh lợi cũng là một ý hay. Hệ thống trường học hiện tại là một mô hình độc tài không cho phép học sinh lựa chọn nội dung học và cách thức học. Nếu như trường học là những đơn vị độc lập, muốn thu hút học sinh, sinh viên, họ buộc phải xây dựng yếu tố chất lượng lên hàng đầu, tất cả những cải cách và chính sách đều hướng về đối tượng tiếp nhận là học sinh sinh viên, thậm chí có thể xem họ như khách hàng mà đặt họ vào trung tâm, rồi từ đó cung cấp dịch vụ là những thứ khách hàng cần chứ không phải thứ mình có. Hẳn giáo dục sẽ khởi sắc và được thay gia đổi thịt.

Cách đánh giá, điểm số

Trình độ và nhận thức cũng như trí óc của con người không thể được cào bằng và đánh giá bằng những thang điểm cứng nhắc. Hãy bỏ luôn thang điểm đi mà chú trọng vào những cách đánh giá thiết thực và hiệu quả hơn. Thay vì giáo viên đánh giá học sinh, hãy để cho học sinh đánh giá và chấm điểm chính giáo viên của mình. Giáo viên hãy đánh giá học sinh không phải bằng điểm số, mà bằng những lời nhận xét, định hướng, những lời khuyên chân thực và khách quan nhất.

Ngoại ngữ

Là một bộ môn quan trọng, cánh cửa thần kỳ giúp chúng ta tiếp cận và hòa nhập với cả thế giới, từ kinh tế đến văn hóa, du lịch, tri thức và thông tin. Chúng ta vốn dĩ vẫn xem trọng ngoại ngữ nhưng phương pháp dạy lại sai hoàn toàn với mục đích mà ta mong muốn và thực tế chẳng đem lại kết quả gì cho phần lớn học sinh. Bằng chứng là sau 6 năm trời học Anh văn bắt buộc, mấy ai có thể giao tiếp được với người nước ngoài?

Để học được ngoại ngữ và sử dụng được ngoại ngữ chúng ta nhất thiết phải thay đổi hoàn toàn phương cách giảng dạy và tiếp cận. Kể cả những giáo viên giảng dạy, chỉ cho những người thành thạo ngoại ngữ, phát âm chuẩn để giảng cho thế hệ trẻ. Chứ thế hệ chúng ta, đã lệch đường quá nhiều rồi, giao tiếp không được, ngữ pháp không xong, đến phát âm cũng trở thành thảm họa.

Ngoài tiếng Anh, trường học nên có dạy cả những ngoại ngữ khác, như tiếng Trung, tiếng Pháp hay thậm chí tiếng Nhật, Hàn, Thái Lan… muốn học hỏi đất nước nào, muốn giao thương kinh tế với nước nào, hãy học ngay ngôn ngữ của họ, không cần qua một tầng Anh Văn trung gian chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội hơn để phát triển đất nước.

Nghệ thuật, thể dục thể thao

Cần được chú trọng nhiều hơn nữa cả về số lượng và chất lượng. Nghệ thuật đừng chỉ dừng ở nhạc và họa, thể thao đừng dừng ở nhảy cao nhảy xa, hãy tập trung vào những bộ môn giúp nâng cao thể chất con người. Hãy tập trung nhiều cho những môn như cầu lông, bơi lội… và biến nó thành bộ môn bắt buộc vừa có tác dụng về sức khỏe vừa có tác dụng nâng chiều cao trung bình của người Việt trong tương lai. Không nên xem nhẹ bất cứ bộ môn nào, kể cả những bộ môn như sức khỏe giới tính, triết học, đạo đức, thủ công… Những môn học phụ này không nhất thiết phải kéo dài cả năm như hiện hành. Có thể cô đọng lại thành những khóa nhỏ, nhưng phải thiết thực, bổ ích và hiệu quả.

Dạy về đạo đức và văn hóa

Xem đây là xương sống của nền giáo dục, hãy dạy về nó mỗi năm, biến nó thành một nét văn hóa tốt đẹp, đồng nhất, gắn liền với bản thân mỗi người từ cấp học nhỏ nhất đến cấp cao nhất. Hãy luôn để những triết lý sống đúng đắn, những nét văn hóa tinh hoa đồng hành cùng thế hệ trẻ. Dạy họ nghĩ về chúng, nói về chúng, bàn về chúng, viết và thậm chí cả phản biện chúng. Trí óc của chúng ta rất là hay, nếu được “nhồi sọ” rằng mình là người tốt thì tự ắt sẽ có xu hướng sống tốt. Nếu có tư tưởng nào cần được nhồi sọ, thì chắc chắn chỉ có thể là những tư duy đúng đắn về cuộc sống này. Giáo dục đổi mới cần phải biết điều này.

Bạn có ý tưởng gì không?

Một câu chuyện thú vị có thể khiến bạn suy nghĩ: Những quốc gia Phi Châu nghèo khó, họ đi sau thời đại quá lâu, nhưng cũng có một điều thuận lợi khi họ dễ dàng ứng dụng những tiến bộ mới nhất của thế giới. Tiêu biểu nhất là họ đã bỏ qua hẳn thời kỳ tiếp cận điện thoại bàn để sử dụng luôn điện thoại di động. Một bước nhảy cóc cực kỳ khôn ngoan. Giáo dục của chúng ta không phải lạc hậu, mà là lạc đường, thì thiết nghĩ việc cải cách một cách toàn diện, thay đổi một cách mạnh mẽ hẳn cũng không quá là điều khó khăn. Vấn đề là, làm sao để những người cầm quyền nhận ra được điều đó.

Và dành cho những ai phản đối những ý tưởng cải cách, những người nói rằng những điều này là không thể:

“Nếu như bạn cho rằng hệ thống này là không thể thay đổi, thì bạn cũng đừng ngăn cản những người đang cố thay đổi nó.” – Khuyết danh

Và:

“Mọi bước ngoặt lớn lao trong lịch sử loài người, đều bắt nguồn từ những ý tưởng điên rồ và lẻ loi.” – Khuyết danh

 

Phi Tuyết

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

94 BÌNH LUẬN

  1. Xin lỗi nhưng tất cả chỉ là chém gió mà thôi, nói thì ai cũng giỏi, chỉ có bắt tay vào làm mới biết nó gian khổ đến mức nào, nếu các bạn giỏi hãy làm chứ đừng nói 🙂

  2. Mình cho rằng nên sát nhập Bộ Giáo dục với Bộ Khoa học và công nghệ làm một. Bởi giáo dục phải đi liền với khoa học công nghệ, chứ tình hình này giáo dục một nẻo, ứng dụng một nẻo thì vứt hết.

  3. Ý kiến của e là bài viết đưa ra 1 tương lai mà có lẽ bộ GD hay bất cứ ai tâm huyết vs nền giáo dục đều muốn hướng đến. Tuy nhiên việc thực hiện vẫn chưa dc vì chưa đồng bộ dc tất cả các mặt. Trg cũng muốn làm nhưng giáo viên chuyên môn thì chưa có, chưa thu hút dc, hoặc đơn giản là cơ sở hạ tầng ko thể đáp ứng nổi. Bình thường chưa có những thứ đó mỗi gđ năm nào, kì nào cũng phải đóng tiền gọi là: ủng hộ nhà trg @@. E nghĩ đó là 1 phần vấn đề 😀

  4. Bỏ kiểu “Thành tích” ngay. Bệnh “Thành tích” là đầu dây mối nhợ dắt dân tộc lao xuống vực không phanh. Tất cả những việc khi bắt tay làm phải đặt câu hỏi đầu tiên, rằng nó đem lại lợi ích cụ thể gì cho mục đích giáo dục. Nếu nó chỉ là hình thức, chỉ tiêu, thành tích, lập tức loại bỏ ngay.
    Xây dựng dự án, đề cương, hành động gì phải đặt ngay trọng tâm đem lại điều hay gì cho người học. Không được đặt bất kỳ mục đích nào lên trên quyền lợi của người học. Không giáo điều, không ép buộc, không phục vụ đường lối chủ trương chính trị, không giả dối, không ca ngợi, không khuôn khổ cứng ngắc. Luôn luôn trung thành với sự nghiệp đào tạo con người nhân văn.

  5. Hic,những ý tưởng này có lẽ hầu hết những ai tâm huyết với giáo dục đều muốn thực hiện từ lâu. Giải pháp là làm thế nào để bộ giáo dục chấp nhận và thực hiện thì chẳng thấy ai đưa ra. Toàn kêu kêu, cãi cãi, hết ngày hết tháng hết năm. Có lẽ nên bãi khóa, biểu tình cả nước thì may ra.

  6. Còn cái xương sống của giáo dục thì phải để lên đầu tiên, vì là quan trọng nhất nên phải để hàng đầu. Tiên học lễ hậu học văn” ông bà dạy thế

  7. trước bạn, có nhiều ý tưởng, ý tưởng của bạn hay hơn họ, sau này cũng sẽ có những ý tưởng hay hơn nữa. Nhưng áp dụng cho VN từ ý tưởng đến thực hiện thì rất lâu. Những hệ thống VN chỉ có thể đập bỏ xây lại, còn sửa thì là 1 chuyện khác

  8. Khi phỏng vấn những nhà tuyển dụng nước ngoài về những ưu và nhược điểm của nhân lực lao động nước ta, họ nói thế này:”người Việt Nam cần cù, chiu khó học hỏi và tiếp thu rất nhanh. Như kĩ sư nước bạn đào tạo chỉ mất 3 tháng trong khi các nước khác mất 6 tháng hoặc hơn. Nhưng có một vài điều rất khó để đào tạo lại. Đó là tính trung thực và tinh thần trách nhiệm!”. Có thể nói đích đến cuối cùng của giáo dục là đào tạo nguồn lao động. Vì vậy nếu như có thể đóng góp ý tưởng cho giáo dục VN thì điều đầu tiên mình muốn thay đổi đó là: Hạ 1 bâc hạnh kiểm đối với hành vi gian lận trong thi cử thay vì xuống hạnh kiểm yếu và thực hiện theo chủ trương:”GIẢM NHẸ HÌNH PHẠT, THỰC THI NGHIÊM KHẮC”.

  9. mình đọc bài này cũng mấy lần, cũng đọc các cmt thấy mọi người đều nói đúng :), nên cũng góp thêm một số ý. giáo dục nhằm mọc đích giúp cho thế hệ mới được học những điều bổ ích để có thể sống và truy cầu hạnh phúc (như 1 bạn đã nói), trong đó gồm các yếu tố như thể chất, tinh thần và khả năng đáp ứng công việc trong xh. tùy theo tầm nhìn của các vị đầu tàu mà nền giáo dục của nước đó sẽ đi theo hướng nào và từ đó yếu tố nào được ưu ái. nếu một quốc gia chỉ chú trọng phát triển kinh tế thì các môn tự nhiên được xem là quan trọng, nếu chú trọng trí tuệ thì các môn xã hội được ưa chuộng. thường thì người ta sẽ cố gắng cân bằng những yêu tố đó sao cho lợi ích nhất cho quốc gia. Nhưng cái việc nhìn vào lợi ích đó cũng là một vấn đề lớn, lợi ích trước mắt hay lợi ích lâu dài. Từ sự phát triển của kinh tế TQ và vấn đề đạo đức trong kinh doanh như việc chuyên gia làm hàng giả thì có thể thấy giáo dục của nó thiên hướng theo phát triển kinh tế hơn là giáo dục công dân có được một nhân cách cần có, và hậu quả là những quốc gia nhập sản phẩm của nó và cả dân trong nó đều phải gánh chịu. Ngoài ra nền giáo dục còn bị khống chế bởi nền chính trị nước đó, là chú trọng lợi ích dân tộc hay chú trọng lợi ích đảng cầm quyền, vấn đề này thì nhạy cảm nên mình không nói sâu hơn.
    còn giải pháp? theo mình thì dân tộc ta rất giỏi trong việc bắt chước, vậy sao không biến nó thành một lợi thế để học hỏi. nếu tôi là Bộ Giáo Dục, tôi sẽ tham khảo mô hình giáo dục của các nước như Mỹ – nước đứng đầu thế giới về nhiều mặt, Đức – nước có nền triết học đứng đầu thế giới mà triết học là nền tản của hầu như tất cả các môn các ngành của loài người, Thụy Điển – một trong những quốc gia đứng đầu về đời sống và an sinh xã hội, Nhật bản – một quốc gia châu á phát triển từ sự lạc hậu vô cùng, Hàn Quốc – một quốc gia có lịch sửa tương đồng với VN nhất, và Úc – quốc gia non trẻ đi lên từ quá khứ là nhà tù của Anh. có những con đường phát triển mà người khác đã khai phá rồi, ta nếu không biết mượn dùng thì thật là…, bằng trí tuệ của ta (không được cao lắm) mà đòi tự tìm đường cho mình thì cũng thật là …. Chúng ta chỉ cần thừa hưởng thôi mà còn không chịu sao?
    Ngoài ra còn một vấn đề quan trọng nữa là phải biết dẹp bỏ sự tự tôn khi cần thiết, trên con đường phát triển người ta đã đi trước mình quá xa rồi, học hỏi kinh nghiệm là điều bình thường, cứ ngoan cố làm theo ý mình thì chỉ thiệt cho mình. Chúng ta có thể nhờ những tổ chức giáo dục danh tiếng thế giới tư vấn và tìm giải pháp, chắc chắn sẽ có được lợi ích thiết thực vô cùng. có người bảo chỉ có chúng ta mới hiểu rõ bản thân mình nhất, điều này chưa chắc đâu, những người nhìn sâu và xa hơn ta thì nhìn rõ ta hơn đấy.
    chúng ta ở đây bàn luận cho vui và thêm hiểu biết thôi, chứ những vị giáo sư tiến sĩ có trình độ thật sự thì họ hiểu cần làm gì hơn chúng ta rất nhiều. Nhưng quan trọng là các giải pháp của họ có được áp dụng hay không. Và còn xem các vị ở Bộ Giáo Dục nghĩ gì nữa.

  10. Một ý kiến vui, đúng là chúng ta cần phải tôn trọng sự thật, và sự thật con quạ dù nó có bề ngoài hèn kém nhưng chỉ là bền ngoài, ẩn sau đó là sự thông minh, có tinh ranh một tí, và chúng hoàn toàn là loài có tính cách riêng từng con một, chúng còn có khái niệm biết chơi khăm nhưng con quạ khác, và nhug74 loài khác. Mình viết thế vì ủng hộ kiến thức khách quan, ko vì xh nói quạ là thứ thấp kém mà cứ mãi cho là vậy. :3

  11. theo mình thì nên có 1 thứ đó là triết lý giáo dục 1 thứ để giáo dục bám vào . Khi học sinh giáo viên đã hiểu biết và quen với triết lý đó thì thay đổi sách giáo khoa hay thay đổi bất cứ thứ gì thì học sinh giáo viên không bị hụt hẫng mà vẫn cứ như bình thường

  12. Con người sinh ra là để hạnh phúc. Giáo dục cung cấp công cụ cơ bản nhất giúp người ta tìm kiếm, nhận ra, tạo ra, đạt được, hưởng thụ hạnh phúc. Thế nào là hạnh phúc? Là thỏa mãn những nhu cầu của cơ thể và tinh thần của mình. Lưu ý: không phải nhu cầu cấp độ súc vật-nghĩa là nhu cầu ăn uống không phải chỉ đơn giản dùng răng, còn phải dùng đũa, muỗng, dao, nĩa theo những cách tinh tế (tinh tế đến đâu thì tùy); nhu cầu tình dục không phải chỉ có hành động giao cấu, mà còn phải có tình yêu, những cử chỉ thể hiện mình là con người v.v… Hạnh phúc lắm khi còn là từ bỏ hạnh phúc của bản thân để đem lại hành phúc cho người khác.

    Xin đưa ra một vài giải pháp. Với một dân số đông, một đất nước nghèo, không thể đòi hỏi nhanh chóng tạo ra một lượng giáo viên giỏi đáp ứng đủ được. Vì vậy, chỉ có thể nhấn mạnh sự tự học.
    – Cách học: Chỉ cho mọi người cách tự học (trong đó bao gồm cả cách suy nghĩ, trao đổi, v.v…), cần đúc ra một bộ phương pháp đơn giản nhất có thể áp dụng cho nhiều người. Phương pháp này phải có khả năng phát triển, liên kết với các phương pháp khác, tùy vào đặc điểm của người học.
    – Nội dung học và Tài liệu: cần đưa ra một danh sách để mọi người lựa
    chọn, một mặt giúp thỏa mãn sinh kế, mặt khác mở rộng tầm nhìn cho người
    dân. Phân nhiều cấp độ, thích ứng với nhiều đối tượng. Với trình độ dân trí hiện
    giờ, tài liệu mỏng, nội dung ngắn gọn, dễ hiểu thì ưu tiên hơn. In những tài liệu đó ra thật nhiều, giá
    càng rẻ càng tốt.
    – Hệ thống thông tin: Tạo ra một hệ thống phân phát về các địa phương, dù xa
    xôi hẻo lánh nhất. Phát triển hệ thống thư viện đang rất tệ như hiện
    nay. Tận dụng lợi thế internet để phân phát tài liệu miễn phí. Giảm bớt những mục nhố nhăng trên tivi, báo chí đi. Tăng số lượng các mục về dạy cách học, cách làm ăn sinh kế đứng đắn, nhưng phải đòi hỏi tính bài bản, hệ thống. Tạo kênh thông tin chia sẻ những cá nhân làm tốt, lưu ý những cá nhân hết sức bình thường, làm những việc tưởng chừng rất bình thường, sáng kiến tưởng chừng nhỏ, nhưng đem lại hiệu quả tốt. Vinh danh những cá nhân đó.
    – Ai làm? Những người giỏi trong xã hội, những người thành danh, những chuyên gia sẽ họp lại với nhau để lo về cách học, nội dung, tài liệu. Phần còn lại, đòi hỏi tiền bạc, cần đến sự hỗ trợ của các doanh nghiệp. Chú ý lắng nghe ý kiến, học hỏi Việt kiều.
    – Vai trò của trường học: làm những điều trên một cách chính cống hơn, chuyên nghiệp hơn.
    Giai đoạn đầu, thiếu giáo viên có năng lực thì đã có sự bổ sung trên đây của phía môi trường xã hội. Giai đoạn sau, khi đất nước đã giàu hơn, mọi chuyện sẽ dễ thở hơn. Dẫu sao thì giáo viên vẫn đóng vai trò quan trọng nhất.

    Chú ý rằng, bên cạnh phương pháp học, nội dung, tài liệu, nguồn lực kinh tế khá thống nhất trên đây (do đã được họp bàn từ các chuyên gia, người tài….), vẫn khuyến khích sự cạnh tranh đối với những gì không được chọn lọc. Quá trình đào thải tự nhiên sẽ cho ra những sản phẩm tốt nhất.

    Cái khó ở đây không phải ở nhân dân ta, cái khó ở đây chính là sự cản trở của hệ thống Đảng và Chính Phủ: người thì nhiều mà làm việc thì ít, không có tinh thần phụng sự nhân dân, chỉ khư khư lo bòn rút cho bản thân mình. Có lẽ vấn đề này còn lớn hơn vấn đề giáo dục.

  13. Trước hết, anh hoàn toàn ủng hộ thiện chí của em với chủ trương là đưa ra thực trang và giải pháp. Khi một lá cờ được phất lên với một chủ trương đúng đắn thì ắt sẽ tạo nên một làn sóng ủng hộ mạnh mẽ. Một lâng nữa anh thích cái chủ trương này của em, ko chỉ trích mà là nhìn thẳng vào thực trangj để tìm giải pháp.

    Trong các luận điểm mà em đã phân tích thì anh đánh giá cao ở 3 ý: 1, cách đánh giá điểm số, 2, ngoại ngữ; 3, đạo đức và văn hoá.

    Nhưng anh nghĩ để cách tân giáo dục (theo anh thì dùng từ cách tân hoặc đỗi mới phù hợp hơn từ “lột xác”) được toàn diện thì trước hết bắt đầu từ cách tiếp cận vấn đề, nghĩa là phải bắt được bệnh. Cách tiếp cận có khi còn quan trọng hơn là cách giải quyết vấn đề. Phải tiếp cận từ gốc đến ngọn, từ tổng thể đến cụ thể và từ dài hạn đến ngắn hạn. Dựa trên cách tiếp cận này, anh nghĩ trước tiên cần phải làm rõ ba điểm quan trọng nhất sau đây: Đâu là triết lý giáo dục? Đâu là vai trò đúng nghĩa của các chủ thể giáo dục (gồm bốn chủ thể chính là Nhà nước, nhà trường, nhà giáo và người học)? Và đâu là một chiến lược giáo dục lâu dài cho cả đất nước?

      • Uh, nhưng cách tân nó cũng giải quyết được vấn đề lạc đương mà em. Nghĩa là thanh lọc, những cái cũ và thay mới những cái ko hợp thời để lèo lái cho đúng hướng.
        Thật ra để hiểu được nên giáo dục nước ta đang ở đâu thì phải biết được nền GDcủa thế giới như thế nào, nó vận động ra sao và nó tân, nó tiến hơn mình ở đâu? Từ đó để nhìn lại mình để so sánh và cải tiến.

        • Em còn thấy nền giáo dục nước ta nó có vẻ không giống ai, mà cũng chẳng biết nó ở thế kỷ nào và trong giai đoạn nào nữa, cải tới cải lui, đi lên rồi lại quay về lối cũ; lạc lõng đi ngược với thế giới, thành ra cũng chẳng biết nó đang ở đâu.

  14. Mấy hôm trước giờ văn , chúng e học thơ và cô bảo là phải học thuộc . Lúc đó e mới đứng dậy hỏi cô là : Tại sao lại học thuộc thơ ạ ?
    Cô không trả lời . Nhưng mà mặt đen cả buổi . Có lẽ e bị tia rồi =.=

    Em cũng thấy băn khoăn : Thơ mà phải học thuộc có vẻ sáo rỗng lắm ạ , chẳng khác gì vẹt !

    • Haha em giỏi đấy, anh chưa bao giờ dám đứng lên hỏi lại thầy cô như vậy. Nếu học sinh nào cũng dám đứng lên hỏi lại thầy cô như vậy thì thực sự cuộc cách mạng giáo dục đã bắt đầu rồi. Và có thể nó bắt nguồn tử những hành động nhỏ như vậy
      “Để tin tưởng người ta phải biết nghi ngờ trước” -TD

    • E cũng đã từng có những ý tưởng rất táo bạo trong giờ văn và đến bây giờ e vẫn khẳng định điều đó là đúng. Cô văn đã từng nói với em 1 câu thế này:”Em muốn sáng tạo thì sau này làm nhà văn hẳn thế. Còn bây giờ em cần phải học để thi tốt nghiệp!”… :))~ Về sau bỏ văn khỏi chép bài luôn, ngồi vẽ bây. Lâu lâu có vđề hay vẫn đứng lên hỏi …cũng may e cô hiền nên không tăm tia gì, cứ thế mà bơ qua năm 12. Có điều thầy cô chẳng mấy măn mà với mấy câu hỏi chưa từng có trên đời nữa ~~!

    • Nếu nhìn ở góc độ của 1 giáo viên dạy văn, theo suy nghĩ có lẽ cũng đã đi vào lối mòn thì việc đọc thuộc thơ để chúng ta có cái phân tích khi làm bài, vì ai cũng nghĩ rằng sẽ ko có cái gì để viết khi mà đến những dẫn chứng quan trọng chính là những câu thơ cũng ko có.. ^^

      Thiết nghĩ, nếu nhận biết và hiểu được hồn thơ, ý thơ mà tác giả bài thơ muốn gửi gắm, thì việc học thuộc thơ ko là quan trọng nữa, vì thơ lúc này là để cảm nhận và đồng cảm.. chứ ko phải để “tụng”.. Giờ là sv rồi nên cũng ko còn gặp cảnh này nữa .hi

  15. Việc thay đổi một bộ phận không nhỏ thầy cô giáo có trình độ kém là điều rất khó khăn, đây cũng là một yếu tố rất quan trọng trong việc thay đổi giáo dục theo hướng tích cực vì họ là những người lái con tàu đưa học sinh đến biển cả kiến thức, con tàu có hiện đại đến mức nào nhưng người lái không có trình độ và kỹ thuật tốt thì sẽ không thể nào phát huy được sức mạnh thật sự của nó.

  16. Em đã phụ thuộc vào hệ thống này quá lâu trước khi nghĩ tới việc phải tự mình bứt phá một cách riêng mà hiệu quả. Hiện tại, đang học dưới môi trường Đại học, tuy vẫn phụ thuộc nhiều, nhưng ít nhất, em không đi một mình.

    Nói là thay đổi nền giáo dục, nó không thể đi từ một phía được. Giáo dục tức là dạy – học. Vì vậy, em thiết nghĩ, nếu em có thể vận động được học sinh, sinh viên thay đổi và tự lực (nhiều hơn) thì chuyện cải cách giáo dục sẽ không quá khó khăn nữa!

  17. Tôi chỉ xin bổ sung thêm ý như thế này

    Ở các lớp 1,2,3,4,5 các môn cần thiết nhất cho học sinh là 3 môn Tiếng Việt, Toán (cộng trừ nhân chia thôi) và 2 môn này cũng nên vừa phải thôi, không nhất thiết tuần 4 5 buổi đâu. Còn lại là ngoại ngữ. Cái chính là hãy dạy trẻ con đạo đức, như người Nhật vẫn dạy trẻ con ấy. Dạy nó biết cách bảo vệ mình, biết cách kìm chế khỏi những dụ dỗ. Lớn hơn chút, có thể dạy nó biết về quyền và nghĩa vụ chính đáng của con người, để nó vừa bảo vệ được bản thân, vừa tránh không xâm phạm quyền lợi của người khác. Hãy dạy nó đừng đánh giá người khác qua vẻ ngoài mà hãy nhìn sâu hơn vào bên trong tâm hồn họ. DẠy nó cách tôn trọng người khác và cách để được người khác tôn trọng. Và quan trọng nhất, phải dạy cho nó lối tư duy mạch lạc, khách quan và khác biệt đám đông. Phải dạy chúng rằng đám đông không hẳn lúc nào cũng đúng. Những thứ này, tôi nghĩ là quan trọng nhất. Nếu bé mà có thể ý thức được mình cần có và phải có những gì, lớn lên nó sẽ tự biết đường mà bồi dưỡng thêm cho mình.

    Về việc học thể dục, nên kết hợp với các cuộc tham quan thiên nhiên, 1 công đôi việc luôn.

    Ở bậc cao hơn, học sinh có thể học Địa Lý và Lịch sử. Như tác giả đã nói, Lịch sử, ta nên tôn trọng sự thật. Không phủ định sạch trơn, nhưng cũng không tự hào thái quá. Địa lý, hãy học như người Nhật dạy trẻ con: đất nước kiệt quệ rồi, chỉ còn nguồn tài nguyên lớn nhất là thế hệ trẻ thôi. Và hãy cho trẻ con được tiếp xúc với các ngành nghề khác nhau càng nhiều càng tốt, bằng các buổi tham quan. Để chúng có được cái nhìn chân thật nhất về các ngành nghề, từ đó dần định hướng nghề nghiệp tương lai cho nó.

    Tóm lại trong 9 năm học đầu, trẻ con chỉ nên học Văn – để biết cách diễn đạt gãy gọn, trôi chảy, súc tích quan điểm của mình. Học Toán – để biết cách lập luận, tư duy logic… Học ngoại ngữ thì ngoài khả năng giao tiếp ra, chúng còn được tiếp xúc với nhiều nguồn kiến thức khác, đa dạng và phong phú hơn. Trong khoảng 9 năm đó, các môn kỹ năng có lẽ cũng đã được trau dồi đầy đủ, tuy nhiên vẫn cần bồi dưỡng thêm ở các năm học sau.

    Và cuối cùng là cấp 3. Ở tầm này, sau khi đã được định hướng sơ bộ về các ngành nghề hay hướng đi cho tương lai, học sinh nên được chọn môn học có định hướng ngành nghề hơn như Hóa, Lý Sinh, Triết, Pháp luật….. và quan trọng nhất là Hùng Biện. Ngoài ra cũng nên dạy cho học sinh về đạo đức nghề nghiệp nữa. Nói chung, ở cấp này, học sinh nên được trang bị đầy đủ để tiến vào nghiên cứu khoa học là vừa.

    Sau cấp 3, nếu ai tìm được hướng đi cho mình, có thể khỏi học Đại học mà bắt tay làm luôn. Còn những ai muốn học lên cao nữa, có thể học Đại Học.

    Về bậc Đại Học, có quá nhiều ngành nghề nên không dám bàn sâu. Tôi chỉ đưa ra ý kiến là, ở cấp này, các giáo sư, tiến sĩ hay giảng viên sẽ chỉ có trách nhiệm hướng dẫn và cung cấp đề tài, và cùng với đó là phản biện mang tính xây dựng cho các công trình nghiên cứu của sinh viên. Còn sinh viên, nhiệm vụ căn bản và quan trọng nhất là nghiên cứu và bảo vệ nghiên cứu. Đồng thời có thể tạo điều kiện cho sinh viên thực tập sớm thì càng tốt.

    Còn về việc mở trường tư nhân hay xây dựng trường theo chính quy. Thực ra có lẽ ai cũng nghĩ trường tư nhân thì điều kiện dạy dỗ ngon lành hơn, nhưng đi liền đó là chi phí cao hơn. Còn trường nhà nước thì chi phí ít, đi liền đó là chương trình dạy lởm. Cũng đúng. Nhưng vấn đề ở đây là đạo đức người làm giáo dục. Nếu đạo đức tốt thì giáo viên trường công dạy cũng vẫn hay. Nếu đạo đức tồi thì giáo viên trường tư cũng vứt.

    Còn thì, chắc chắn vẫn cần có bộ giáo dục. Vẫn cần 1 cơ chế để quản lý, tránh cho việc giáo dục đi lệch hướng, nhưng chắc chắn đó phải là 1 bộ giáo dục đáng tin cậy.

    Việc cải cách giáo dục còn liên quan đến rất nhiều vấn đề, mà 2 cái cơ bản là chi phí (đào tạo, nâng cấp, thay đổi…) và tâm lý con người. Chi phí thì nghe có vẻ dễ hơn, bởi thỉnh thoảng nhà nước vẫn tung ra vài nghìn tỷ để sắm tablet cho học sinh cơ mà. Tâm lý người làm ngành giáo dục mới là quan trọng. Tư tưởng tốt thì mới làm tốt được.

  18. vấn đề ở đây là giáo dục vốn là ngành dịch vụ, ở Vn nó là dịch vụ công, nhưng với ngân sách eo hẹo, cơ chế tham những, năng lực quản lý thiếu hiệu quả thì chất lượng giáo dục cũng như các lĩnh vực công khác là rất kém.
    tư nhân hóa trong giáo dục là một giải pháp căn bản lâu dài, nhưng vì để cạnh tranh với cở sở nhà nước ( phải trả lương cao hơn giáo viên, các khoản phí khác) => học phí sẽ đắt đỏ, chỉ con e nhà khá giả, giàu có mới theo được. tuy nhiên nếu nhà nước thực sự quyết tâm tạo điệu kiện thuận lợi cho sư tư nhân hóa trong giáo dục, có tiêu chuẩn kiểm soát, luật hóa thì sự cạnh trạnh giữa các cơ sở tư sẽ nâng cao chất lượng phục vụ và hạ thấp mức học phí chung.

    trong ngắn hạn điều đáng quan tâm là chúng ta chưa có một tổ chức nào đó để dự báo tốt nhu cầu nhân lực đất nước, để hướng nghiệp thực sự cho học sinh cấp 3 ( ko phải tới trường quảng cáo). giống như các công ty, các ngành kinh doanh luôn cố gắng đựa ra dự báo tốt nhất về cung – cầu sản phẩm, nhân lực..=> giáo dục cũng cần làm như vậy.

    điểm số xưa nay luôn được xem là thước đó đánh giá học lực sinh viên, học sinh; ở mức độ cực đoạn hơn là chất lượng con người ( ngu dốt, thông minh, chăm chỉ, lười biếng, thất bại..vv)
    việc loại nó khỏi cách đánh giá trong giáo dục cũng tốt về lâu dài khi các hoạt động khác là đồng bộ, còn không thì chỉ tạo thêm sự hỗn loạn, rối rắm.

    theo tôi cách khá tốt là xem điểm số như tiền thưởng trong kinh tế, hãy để ra % điểm đánh giá qua việc đặt câu hỏi – trả lời câu hỏi nhiều hơn là làm bài kiểm tra. câu hỏi ( trả lời) trong sách +1 điểm, nằm ngoài sách +2 điểm

    cuối cùng hệ thống giáo dục việt nam giống như 1 đoàn tàu đang lao đi mà ai cũng biết cả đoàn tàu lẫn hướng đi đều có vấn đề, thực tế đoàn tàu vì quán tính vẫn cứ lao đi thêm dù bị hãm thắng => một cách tự nhiên hệ thống giáo dục cũng cần mất time để nó dừng lại và đổi hướng ( con người, cơ chế, nguồn lực)

    • cái chợ cũng phải có ban quản lí chứ anh. nói thế chứ bỏ sao được.
      mà bộ giáo dục Việt Nam là cái nơi tệ hại nhất, chẳng làm được gì ra hồn cả

    • Em nghĩ vẫn giữ lại bộ giáo dục, nhưng họ phải phục vụ hết mình vì giáo dục Việt Nam, và phải thật sự lắng nghe tiếng nói của học sinh, sinh viên. Họ cứ độc quyền phát hành sách như một bộ kinh thánh và bắt ta phải nghe lời 100% thì thôi rồi. Sách phải được nhiều nhà xuất bản khác phát hành nữa chứ. Nhà xuất bản sách nào mang lại hứng thú cho sinh viên, học sinh thì kiếm lợi được nhiều thôi. Trên đây chỉ là ý kiến của em, nếu có sai sót gì mong được chỉ bảo.

    • K được anh ạ, theo em bỏ bộ giáo dục có thể được, nhưng vẫn cần một cơ quan nhà nước để quản lí nền giáo dục, nền giáo dục tự do, phóng khoáng thì rất đúng nhưng cần thiết có 1 thể thống nhất chứ k thì sẽ loạn hết lên.
      Thử nghĩ, trường này lớp 10 đã cho học đến vi tích phân, trường khác lớp 10 còn chưa biết tập xác định là gì sẽ khổ lắm (vì tự do cạnh tranh mà!). Nên chí ít cũng phải có sự phân cấp sức học rõ ràng, mà điều này thì cần có quản lí từ trên cao. Em nói có được k ạ?

    • Dân chủ và dân trí! Câu chuyện con gà và quả trứng. Bây giờ có một ông như Bộ GD đứng ra quản lý mà còn loạn, bỏ ông đi có mà loạn nặng. Vấn đề là đã có ông nào trên thế giới bỏ được chưa? Ý tưởng này chỉ thành công khi có Chủ nghĩa Cộng sản thôi. Nên thay vì nghĩ chuyện bỏ ông Bộ giáo dục, tôi nghĩ là tìm đủ tâm, đủ tầm, đủ tài làm nhiệm vụ đó.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI