25 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Sự sụt lở của một nền văn hóa

Featured Image: Matt Greenstreet

 

Có lẽ ai trong chúng ta cũng thuộc làu câu nói: “Đất nước ta bốn ngàn năm văn hiến.” Đó là một lịch sử đáng tự hào được xây dựng và gìn giữ bằng rất nhiều công lao và xương máu của cha ông. Nhưng hôm nay, khi đang được sống và thừa hưởng nền văn hoá đáng tự hào ấy, tôi lại phải hỗn phép, bất kính với cha ông trong đau đớn mà thốt lên rằng, Việt Nam ơi! Đất nước ta nền VĂN HOÁ TRỘM CƯỚP.

Đã có một mùa hè người ta ca thán về nạn gian lận trong mùa thi. Một mùa hè khác nạn hôi của lại được lên ngôi. Mùa đông năm qua lòng người lại sục sôi, hoang mang về những xác chết dưới lòng sông Hồng. Mùa xuân năm nay là tiếng thở dài, sỉ vã về những tên quan tham, nhũng nhiễu, lộng hành và những vụ án oan. Còn trong con mắt tôi, quanh năm là một mùa thu lá rụng. Mùa của sự già cỗi, suy đồi và vàng úa, chỉ nhìn thấy đầy rẫy những cảnh giết chóc, xa xỉ, lố lăng, gian dối, xảo trá, không chút tự trọng…

Nói về văn hoá, tôi rất thích lối suy luận trong cách dạy con dưới đây của tác giả Khaled Hossenimi trong tác phẩm Người đua diều:

“Có duy nhất một tội, một tội thôi, đấy là tội ăn cắp, mọi tội khác đều là biến thái của tội ăn cắp, con có hiểu không? Khi con giết một con người, con ăn cắp một cuộc đời, con ăn cắp quyền làm vợ của một người đàn bà, cướp cha của lũ trẻ. Khi con nói dối, con ăn cắp quyền của ai đó được biết sự thật. Khi con lừa bịp, con ăn cắp quyền được ngay thẳng. Con có hiểu không?”

Vậy văn hoá là gì, như thế nào là người có văn hoá? Theo giải thích của triết học thì người có văn hoá là có khả năng phân biệt được ai lài ai, cái gì là cái gì, mình là ai… Biết phân định đúng – sai, phải – trái, chân – giả, thiện – ác, chính – tà. Biết sống ở đời vì cái gì, có một trái tim giàu lòng trắc ẩn, biết rung động trước cái đẹp (của con người, của tự nhiên), biết thổn thức trước nỗi đau của đồng loại, biết phẫn nộ trước cái xấu, cái sai và cái ác.

Theo cách hiểu trên thì văn hoá là phạm trù khá rộng. Bởi vậy, tôi nghĩ Văn Hóa không chỉ đơn giản là ứng xử lịch sự, là nói năng đúng lễ nghĩa… Mà nó còn là “hệ điều hành” của con người. Nó chi phối toàn bộ suy nghĩ và hành động của chúng ta, là giá trị cốt lõi của con người và xã hội. Là thứ mà vì nó hay để bảo vệ nó người ta sẵn sàng hy sinh mọi thứ khác. Nói cách khác thì khi có văn hoá nghĩa là người ta có cái “chính mình” và khi có cái “chính mình” thì thứ người ta sợ hãi nhất là đánh mất chính mình. Còn ngược lại, khi chưa có cái “chính mình” thì người ta sẵn sàng bất chấp mọi thứ để có tiền, có tiếng mà chẳng sợ cái gì cả.

Với cách hiểu như vậy, tôi thường gọi văn hoá Việt Nam mình đang ở “giai đoạn” mùa thu. Đó là nền văn hoá già cỗi nhưng đã bị suy đồi, bại rụn, xấu xí và nhếch nhác… Mỗi khi mở trang báo ra ngay lập tức ta bị “tấn công” bởi hàng trăm cái NẠN. Nào là cướp bóc, giết chóc, tham nhũng, oan sai, ô nhiễm… Vì thế nên người Việt Nam mới có câu tục ngữ vượt trên mọi “văn minh” của nhân loại – “ăn vụng phải biết chùi mép”. Nghĩa là thói ăn vụng ở Việt Nam mình đã được nâng lên ở tầm “nghệ thuật”.

Điều ấy cũng tương tự như quan niệm “xấu che, tốt khoe”. Cái xấu thay vì được điều chỉnh, nắn sửa cho tốt đẹp lên thì nó lại bị “che” và “chùi” đi cho sạch dấu vết.

Chính vì tâm lý “che dấu” và hành vi “chùi sạch” ấy mà văn hoá “chịu trách nhiệm” cũng dần bị XÓA luôn. Mà khi thói vô trách nhiệm “lên ngôi” thì xem chừng văn hóa xin lỗi, văn hoá từ chức cũng dần bị cắt bỏ. Thử hỏi sao, sự HỦ BẠI lại không lên nhanh như “diều gặp gió”.

Tục ngữ có câu “nước chảy thì đá mòn” mà chảy nhiều thì sụt lở. Với tính thói bán rẻ “chính mình” trong xã hội chúng ta ngày nay thì “văn minh” sẽ mất dần chỗ đứng và sự THA HÓA sẽ có đất rộng để lộng hành. Đó cũng là lý do tội phạm ở nước ta ngày một tăng cao và dần “được trẻ hóa”. Chuyện bảo mẫu giết trẻ em và nữ sinh đánh nhau, lột đồ ở trường chẳng còn lạ nữa. Bởi khi người lớn không có cái “chính mình”, nhà giáo cũng đánh mất “chính mình” thì thử hỏi lấy tư cách gì đi dạy con trẻ, dạy học sinh?

Ngày nhỏ, khi còn đi học, tôi thường nghe cha mẹ và thầy cô khuyên nhủ rằng, “mong sao lớn lên con sẽ thành người” nhưng sao chẳng mấy ai nói cho tôi hiểu làm người là làm gì, cần học gì, và học như thế nào để thành người? Đó chính là lỗ hổng lớn nhất trong nền giáo dục của nước ta. Dường như nhà trường chỉ chú trọng “sản xuất” ra “công cụ lao động” chứ không phải đào tạo ra con người văn minh và tự chủ. Nói cách khác là người ta chỉ chú trọng nhồi nhét cái thứ được họ gọi là “trí tuệ chuyên môn” mà bỏ quên cái “trí tuệ văn hóa”. Nếu ta hình dung trí tuệ văn hóa là cái “chân thắng” còn trí tuệ chuyên môn là cái “chân ga” thì ta sẽ thấy cách giáo dục ấy nó nguy hiểm đến mức nào. Có “chân ga” ta mới leo được đèo cao, dốc cả, nhưng nếu cái “chân thắng” bị hỏng thì ngày xuống vực sâu chỉ là chuyện sớm muộn.

Người ta thường nói, mỗi công dân là một tế bào của xã hội. Để có một xã hội tốt đẹp, văn minh thì phải có những “tế bào” tốt đẹp văn minh. Đáng buồn là hai chữ “văn minh” ở xã hội ta đang ngày một xa xỉ. Thứ đắt nhất bây giờ không phải là vàng, hay kim cương mà đó là niềm tin, còn thứ rẻ nhất chính là lời hứa. Thói vô cảm len lõi vào từng khe cửa, đến từng góc nhà và thấm dần vào mỗi con tim. Nếu xã hội chúng ta cứ “phát triển” theo hướng này, nếu chúng ta vẫn giáo dục con trẻ như thế này thì tương lai VĂN HÓA CON NGƯỜI VIỆT NAM không còn sụt lở nữa, mà là sụp đổ.

 

Nguyễn Văn Thương

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

74 BÌNH LUẬN

  1. “Vậy văn hoá là gì, như thế nào là người có văn hoá? Theo giải thích của triết học thì người có văn hoá là có khả năng phân biệt được ai lài ai, cái gì là cái gì, mình là ai… Biết phân định đúng – sai, phải – trái, chân – giả, thiện – ác, chính – tà. Biết sống ở đời vì cái gì, có một trái tim giàu lòng trắc ẩn, biết rung động trước cái đẹp (của con người, của tự nhiên), biết thổn thức trước nỗi đau của đồng loại, biết phẫn nộ trước cái xấu, cái sai và cái ác.”

    Bạn có thể chỉ cho mình biết cái văn hóa này tồn tại ở nước nào ?

    “Chuyện bảo mẫu giết trẻ em và nữ sinh đánh nhau, lột đồ ở trường chẳng còn lạ nữa. Bởi khi người lớn không có cái “chính mình”, nhà giáo cũng đánh mất “chính mình” thì thử hỏi lấy tư cách gì đi dạy con trẻ, dạy học sinh?”

    Nếu như mỗi chúng ta ở trong hòan cảnh của những người bảo mẫu hoặc thầy giáo , hiểu được nỗi đau mà họ đang chịu đựng. Vậy chúng ta có hành xử tốt đẹp hơn họ chăng ?

  2. Trong xã hội, toàn là “ăn cắp”, vậy thì kẻ cắp là ai? Ai cũng biết, nhưng giả vờ không biết, Vì Văn hóa “giả vờ” là đồng lõa cho xã hội ăn cắp.

    Cán bộ lãnh lương 200 đô la một tháng, xây nhà chục triệu đô nhưng giả vờ” đó là công sức lao động tay chân, và trí tuệ, hay quà tặng của cô em “kết nghĩa”?

    Khi những phóng viên, bẻ cong ngòi bút, viết xuống những điều trái với lương tâm, sự thật để được bố thí trả công bằng những nấc thang chức vị, những đồng lương tanh tưởi, nhà văn Vũ Hạnh đã gọi đó là “Bút Máu” đấy anh ơi !

    Khi những quan tòa, đổi trắng thay đen, cầm cán cân công lý có chứa thủy ngân như trong truyện cổ Việt Nam, họ cũng bị “ăn cắp” nhân tính mất rồi !

  3. Đọc bài của tác giả tôi thấy thích nhưng chưa thực sự bị thuyết phục. Không phải vì tác giả nói gì đó không đúng, mà là mọi ý đều đúng, duy có vài ý theo tôi là chưa chuẩn thôi.

    Thứ 1 tác giả có viết :”Đất nước ta nền VĂN HOÁ TRỘM CƯỚP “. Cái này không sai! Tác giả cũng không cần đau đớn mà nói với tiền nhân như vậy. Nhưng nền “VH trộm cướp” này nó không phải là bản sắc của dân tộc VN. Tác giả chỉ nên nói VH trộm cướp là thứ VH đáng xấu hổ của người Việt Ở THỜI ĐẠI BÂY GIỜ thôi.Đó là sự tha hóa, sự vô giáo dục trong khoảng 5-6 thế hệ gần đây, của một bộ phân người Việt Nam. Rồi sau đó nó cứ lây lan dần ra, tuy nhiên may mắn là vẫn còn nhiều người chưa nhiễm cái dịch bệnh đó.

    “Chính vì tâm lý “che dấu” và hành vi “chùi sạch” ấy mà văn hoá “chịu trách nhiệm” cũng dần bị XÓA luôn”. Tôi hiểu ở đây tác giả có ngụ ý, nhưng theo tôi,tác giả có thể yên tâm vì những hành vi xấu không bao giờ có thể XÓA đi được, nó chỉ tạm thời được che đậy bởi vài mảnh vải thưa, để đến đời sau, dần dà sẽ có người lật lên toàn bộ. không sớm thì muộn thôi. Có thể chúng ta sẽ cảm thấy cay đắng khi không thể tận mắt nhìn thấy cái xấu bị phơi bày ra cho người đời phỉ nhổ, nhưng hãy tin là như vậy.

    Còn thì, theo tôi, nguyên nhân của mọi sự xấu xa ở VN bây giờ đều nằm ở chỗ, người Việt Nam không biết cách tự bảo vệ mình. Những người ấy, giống như 1 người với manh áo thưa giữa trời gió đông, phải giở đủ trò để chống chọi với cuộc sống. Không kiếm được cái gì thì ăn cướp cái đó, tước đoạt thứ thuộc về kẻ khác, rồi nơm nớp lo sợ bị cướp lại. Chung quy chỉ có thế.

    Mà cách giải quyết, thực ra khó mà lại dễ. Chúng ta có cách giáo dục con trẻ để chúng đừng dẫm lên vết xe đổ của tiền nhân. Cái chúng được học từ nhỏ, lớn lên sẽ dần cứng cáp. Chúng ta cần dạy chúng biết tiếp thu, biết nhận lỗi, có trách nhiệm với bản thân và người khác, cần dạy nó cách xử thế, biết được quyền và nghĩa vụ làm người của chúng, dạy chúng biết lên tiếng khi gặp điều phải quấy, dạy chúng biết nghĩ vượt trên những lý lẽ tầm thường, biết tách mình ra khỏi đám đông với tư duy nô lệ. Nhà trường không thể dạy chúng được thì chúng ta phải dạy chúng. Mà, như đã nói, cái này dễ mà khó. Muốn chúng học được, ta phải làm gương. Ta phải làm tốt, chúng mới noi theo được.

    • Bạn ơi, điều bạn thấy dễ mà vô cũng khó. Chúng ta lấy ai để dạy đây, giáo viên ư, nhà trường ư? không thể rồi bạn ạ vì nhưng người còn giữ được cái liêm, cái sỉ của mình còn quá ít (hoặc họ cố giấu đi vì cơm áo gạo tiền). Đáng lẽ phải dạy dỗ trong gia đình thì bạn nghĩ còn bao nhiêu gia đình còn có thể dạy được khi bố mẹ chúng không giữ nổi mình. Chúng ta ai cũng nhận ra là rất khó khi các cơ quan tuyên truyền chỉ dạy trẻ con các trò nhảy nhót, hát những bài hát vô cảm, đăng những trò giật gân, những cách tiêu tiền của bọn trọc phú chứ có thấy ai dạy làm người, dạy kiếm ăn cho đàng hoằng. Cá nhân tôi thà sống cuộc sông nghèo khó của những năm 80, 90 còn hơn bây giờ thừa thãi vật chất mà thiếu tình người. Buồn nhất là những người bạn của ta cũng ngày càng ít đi.

      • cám ơn bạn. Cái tôi viết ra mới là hướng đi. Còn có ai tỉnh táo mà xem xét con đường này mới là quan trọng.

        Nếu nhà trường không dạy được thì ta đành phải tự dạy chúng thôi. Tôi biết điều này rất khó nhưng có lẽ không quá khó nếu chúng ta thực sự đặt con cái lên trên tất cả. Nếu mục đich của ta là dúng đắn, chắc chắn ta sẽ tìm ra giải pháp.

        Quê tôi người ta nghèo mà sống sao tử tế quá. Khi nhà tôi về quê, thậm chí còn không có đất mà xây nhà riêng, mỗi lần về phải ở nhờ nhà chú. Vậy mà họ chẳng hề so đo hơn thiệt, không tỵ nạnh vì nhà tôi thành phố mà thế nọ thế kia. Hồi mẹ tôi sinh tôi (tôi là con thứ 2), chị tôi mới được 4 tuổi, bố tôi bận đi làm, mẹ tôi ốm, thế mà vợ chồng chú tự nguyện lên trông nhà với 2 chị em tôi mà không đòi hỏi gì. Đôi khi tôi tự hỏi tại sao người ta ở quê, điều kiện thiếu thốn mà lại giàu tình cảm đến thế? Rõ ràng điều kiện của họ không như ở ta, mà sao văn hóa ứng xử của họ lại cao hơn ta đến mấy bậc.

        Thiết nghĩ, ai còn quê hương thì nên cho con về quê mà học. Để nó không phải nuối tiếc mỗi khi nghĩ về việc mình không có tuổi thơ hồn nhiên như con trẻ ở quê.

  4. tác giả nói văn hóa vn ngày nay đang suy đồi so với truyền thống, ” so với truyền thống”? vấn đề là chúng ta không có một nghiên cứu nào chứng tỏ rằng các triều đại phong kiến VN ngày xưa có tạo ra nền văn hóa tốt đẹp như ta đang tự tưởng tượng ra không hay cũng nhiều khi tệ chẳng kém gì.
    1. Vậy nếu giả định văn hóa hàng trăm năm trước tệ như bây giờ thì đó là bản chất của văn hóa VN rồi, thế nên chẳng có gì đang nói, mọi thứ sẽ được giải quyết tự nhiên.
    2. nếu văn hóa truyền thống cha ông lành mạnh hơn thì vấn đề của thời đại chúng ta là gì?
    a. Đó chính là lỗ hổng lớn nhất trong nền giáo dục của nước ta. Dường như
    nhà trường chỉ chú trọng “sản xuất” ra “công cụ lao động” chứ không phải
    đào tạo ra con người văn minh và tự chủ => do giáo dục
    b. Điều ấy cũng tương tự như quan niệm “xấu che, tốt khoe”. Cái xấu thay vì được điều chỉnh, nắn sửa cho tốt đẹp lên thì nó lại bị “che” và “chùi” đi cho sạch dấu vết.
    Chính vì tâm lý “che dấu” và hành vi “chùi sạch” ấy mà văn hoá “chịu trách nhiệm” cũng dần bị XÓA luôn => văn hóa chúng ta có những điểm xấu cố hữu, và môi trường ngày nay tạo điều kiện cho nó tàn phá.
    với ý kiến a : chúng ta có trình độ phổ cập tiểu học trung học, đại học cao, chúng ta có rất nhiều sách đạo đức, chương trình truyền hình về đạo đức và cha mẹ có nhiều time để ngồi giảng dạy đạo đức cho con cái.tất cả những điều đó phải tốt hơn những triều đại phong kiến xưa nhưng kết quả lại ngược lại => phải chăng chữ viết, lời giảng đạo đức không làm con người sống đạo đức??
    với ý kiến b : nền kinh tế thị trường lấy lợi ích làm động lực hoạt động đã lan sang vấn đề khác của đời sống và ít nhiều làm tha hóa chúng ở mọi mức độ , vậy đây là vấn đề đây không chỉ riêng với chúng ta mà cả những nước đang ở giai đoạn đầu của kinh tế thị trường và những nước phương Tây trong quá khứ đã từng như thế => liệu thời gian có làm mọi thứ tốt lên hơn không? hay điều tệ nhất vẫn đang PHÍA TRƯỚC.

    • Tôi nghĩ ý kiến b là tác nhân cơ bản và tôi nghĩ văn hóa thời phong kiến (theo TQ) cũng có mặt tốt là dựa vào đạo Khổng nên con người tự răn mình dù khó phát triển nhưng xã hội luôn ổn định mà không cần kêu gào và nhiều sách vở như ngày nay.

  5. Rất cảm ơn tác giả về bài viết có tính hiện thực cao như vậy. Văn phong mạnh mẽ, súc tích.

    Mình thực sự đánh giá cao những người có tâm và có tầm như tác giả. Những gì chúng ta đang hành xử như bây giờ, một phần không thể phủ nhận là hệ lụy của quá khứ và chế độ. Nhưng chính chúng ta mới là người quyết định mình là ai. Tốt đẹp hơn hay xấu xí đi.

    Không có điều gì thật sự đáng giá mà không phải trả một cái giá cao cả.

    Bạn chọn lối dễ đi, thì bạn sẽ tự ru ngủ chính mình. Chỉ có lửa mới thử được vàng (giờ mình thấy thêm là vàng sẽ thử lửa nữa cơ).

    Văn hóa phê bình thẳng thắn cái chung xấu xí của xã hội như bài viết này sẽ giúp nâng cao tinh thần tự phê bình cái móp méo cá nhân trong mỗi người. Và nếu được nuôi dưỡng tốt, sẽ giúp cải thiện chế độ lẫn đất nước ta thêm văn minh, giàu đẹp.

    Từ sâu trong tâm khảm, tôi mong mỏi điều đó thật nhiều.

  6. Cũng là người Nhật, văn hóa Nhật nhưng khi áp đặt một thể chế độc tài quân phiệt, họ sẵn sàng gây tội ác , chiến tranh (thế chiến 2) nhưng cũng người Nhật đó, văn hóa đó có một thể chế dân chủ, họ có nền kinh tế, sự văn minh mà cả thế giới ngưỡng mộ.Điều tương tự với người Đức, Ý.Cũng là người Hoa, văn hóa Hoa, nhưng 1 đại lục xã hội cộng sản bị cả thế giới căm ghét, nhưng củng người Hoa đã từng được hưởng nền dân chủ tạo nên 1 trung tâm tài chính châu Á, kinh đô điện ảnh Hồng Kông. Và bây giờ cả thế giới ngưỡng mộ tinh thần của nhửng học sinh, sinh viên Hồng Kông đã dám thách thức chính quyền cộng sản Bắc Kinh.Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên một so sánh quá rõ ràng không cần nói thêm.Cũng là người Việt Nam, miền Nam chỉ hưởng hơn 20 năm dân chủ trong tình trạng chiến tranh vẫn xây dựng được 1 hòn ngọc viễn đông, nền kinh tế và văn hóa rực rỡ. Các nền khoa học , nghiên cứu , thể thao, văn học ,toán học , y tế , giáo dục gặt hái được nhiều thành tựu , ngang hàng với các nước tiên tiến ,Con người Việt Nam được kính trọng.Cũng là người Việt Nam, 69 năm xã hội chủ nghĩa miền Bắc, 39 năm cả nước tiến lên xhcn, tiến lùi với nền văn minh nhân loại. Cướp giết hiếp,đĩ điếm, tham nhũng, vô cảm, bị khinh rẻ đã trở thành đặc trưng của xứ sở này.Vậy đừng nói là con người vùng này vùng nọ ,bản chất, bản tính thế này , thế kia, mà hãy nói về thể chế , chế độ nào đã đào tạo ra con người như vậy.

    • Có vẻ bạn là một người trọng những mặt tích cực của chế độ cũ đã không còn và những mặt tiêu cực của thời cuộc hiện thời. Một cách nhìn phiến diện, cực đoan.
      Chính tư tưởng áp đặt, 1 chiều ấy đã phản ánh gần 80% điều bạn muốn thấy rồi.
      20% còn lại thật quá yếu đuối để cho bạn một bức tranh đầy đủ và thật chất.

        • Tôi chẳng yêu thích gì XHCN cả nhưng đừng cái gì xấu xa hoặc đổ vỡ cũng đổ lỗi cho nó (người Việt vốn hay tìm chỗ đổ lỗi thay vì nhìn lại chính mình) xã hội nào cũng có mặt trái, mặt phải khi bạn chưa muốn xây dựng và có một lớp người có đủ kiến thức, văn hóa, nền tảng bạn đừng mơ có một xã hội dân chủ (hãy nhìn sang Thái Lan, Ai cập, UK,…). Nhìn nhận vấn đề gì cũng có hai mặt của nó cần có bản lĩnh để không bị ngả nghiêng theo chiều nào (Dân chủ chung quy cũng là ý kiến của 51% hoặc ít hơn, vậy điều gì làm cho bạn tự tin là mình sẽ không ấm ức và lại tiếp tục đổ lỗi. Hay tin ở chính mình vì nhưng nước như Nauy hay Đan mạch không nói tuyên bố nhưng họ chính là một dạng Cộng sản đó) Tuy nhiên tôi muốn sống một cuộc sống có mặt trái, phải nhưng trái ít ít thôi chứ không phải thế này, sống như Nhật bản (tôi đã từng) buồn lắm bạn ạ. Thân

        • Lấy 1 ví dụ “Đơn giản, gọn gàng, dễ hiểu” để chỉ ra chiều còn lại cho bạn thấy ha..
          Dưới thời Việt Nam Cộng HÒa, bạn kia bảo Miền Nam VN là Hòn Ngọc Viễn Đông, ngang hàng thế giới, đạt được thành tựu, gì gì gì đấy..
          Như ở Quê Tôi, Củ Chi, sát bên Trung Tâm Sài Gòn, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, bệnh không có thuốc trị, mù chữ, lam lũ, khổ sở vì bọn chính quyền..
          Vậy cho hỏi cái Hòn Ngọc Viễn Đông đó là thật hay ảo??
          Đời sống văn minh mà bạn nhắc đến là của toàn dân miền Nam hay một bộ phận nhỏ xíu người dân có thân nhân là trong chính quyền VNCH??
          Ai sướng?? Ai được ấm no?? Ai được tự do phát triển??
          Dân Miền Nam đâu có điên?? Sướng chẳng hưởng mà đu vào rừng ăn cây cỏ, cầm súng lên theo Cách Mạng..
          Đọc cmt của mấy bạn “phản động”, tôi chỉ thấy sự ấu trĩ, thù hằn, tôi thấy tri thức bị nhuốm màu chủ quan, duy ý chí, trớ nên một mớ hỗn độn, giả dối vô cùng.
          Tiếc thay cho mấy cái đầu “dân chủ” có lớn chẳng có khôn.. thế nên dân VN đến tận giờ này vẫn chọn “Đảng mục nát” còn hơn giao thân cho mấy anh “Dân chủ hoang tưởng”.
          Thân.

    • Bạn nói rất đúng. Nền văn hóa Nhật được cả thế giới ngưỡng mộ không phải tự dưng mà có. Từ một nền văn hóa phong kiến chẳng khác gì VN thời xưa, nước Nhật đã phát triển văn hóa một cách vượt bậc. Người Nhật đã có thời đại mở mang tư duy Minh Trị, có những vĩ nhân khai sáng như Fukuzawa Yukichi cộng thêm tầm nhìn và nỗ lực vươn lên học hỏi không ngừng của họ, thật đáng ngưỡng mộ.
      Sống trong một chế độ luôn dung túng cho những lừa lọc, cướp, giết, hiếp, tham nhũng, dối trá và tiếp tục lừa gạt, dối trá trong thời đại thông tin internet đầy đủ như vậy, con người làm sao không tự tha hóa? Một việc làm xấu xa lần đầu tiên người ta nghe thấy nó còn thấy ghê tởm, nếu ngày nào cũng nghe đến nó thì dần dần sẽ thấy bình thường, chai sạn. Không phải ngẫu nhiên mà ngày nào báo cũng đăng tin cướp giết hiếp (hồi xưa không có báo mạng chắc các bạn còn nhớ những xe đạp bán báo với loa phóng thanh rao những tin giật gân toàn là án mạng ly kỳ, rùng rợn ở trang nhất của các tờ báo lớn). Như nhà thơ Đỗ Trung Quân đã từng nói “Chúng ta cứ ngẫm nghĩ chậm rãi, từ từ chúng ta sẽ thấy nó như thế nào.
      Đó là hàng chục năm nay chúng ta mơ ước xây dựng thành công con người
      mới xã hội chủ nghĩa và khủng khiếp thay chúng ta đã thành công” (nguồn: rfa)

  7. bài viết chỉ nêu ra một vài hiện tượng, khái niệm rồi nhận định, thái độ của tác giả, không hề có một giải pháp, một hy vọng, một ý tưởng nào. Cả bài viết như một điếu văn, người đọc có thể thấy rõ sự bế tắc, bất lực của tác giả giống như cái xã hội mà tác giả đang nói tới.

    • Cám ơn Zero đã chia sẽ ý kiến. Bạn phản ánh rất đúng lỗ hổng trong bài viết của tôi.
      Tôi rất thích sự góp ý mang tính xây dựng như vậy. Cám ơn bạn rất nhiều.

      • tôi thấy đưa ra vấn đề chính là giải pháp.
        muốn cụ thể thì mỗi người làm theo 1 cách khác nhau thôi.
        như bản thân tôi thì ít nhất là tôi sẽ phải suy nghĩ và rèn luyện bản thân không tha hóa, không tiếp tay cho sự tha hóa của xã hội, tạo ra ảnh hưởng đến ít nhất những người xung quanh tôi, và biến họ trở thành những người cũng có thể tạo ra ảnh hưởng đến những người xung quanh họ

      • Cảm ơn tác giả đã tiếp nhận ý kiến của mình một cách tích cực và thẳng thắng như vậy!
        Mong là trong những bài viết sau tác giả hãy nhấn mạnh hơn vào “khát vọng mong muốn thay đỗi của mỗi cá nhân”, để người đọc có cá nhìn toàn diện hơn về vấn đề được nêu ra chứ ko phải chỉ thấy toàn màu đen như bài này. Thân!

        • Cám ơn lời khuyên của zero
          Tôi mới tham gia hai tháng nhưng đã viết hơn chụ bài trên trang này. Và đây là bài duy nhất tôi viết ko cos lối thoát. Còn hầu hết các baì khác thì đều có cửa vào và cửa ra bạn nhé.

    • Guest thân mến.

      Đây chính là đoạn giống vơí ý kiến cua thầy Giản Tư Trung. Nhưng thực ra đây là cách định nghĩa văn hoá của góc nhín triết học. Nghĩa là thầy Trung cũng lấy nó từ quan đểm của triết học. Bản thân tôi xũng nghĩ cách định nghĩa đó là râts hay. Ngoài ra xhẳng có chữ nào của tôi giống thầy Trung cả. Bạn thấy giống chỗ nào copy voà đây cho tôi xem.

      Vậy văn hoá là gì, như thế nào là người có văn hoá? Theo giải thích của triết học thì người có văn hoá là có khả năng phân biệt được ai lài ai, cái gì là cái gì, mình là ai… Biết phân định đúng – sai, phải – trái, chân – giả, thiện – ác, chính – tà. Biết sống ở đời vì cái gì, có một trái tim giàu lòng trắc ẩn, biết rung động trước cái đẹp (của con người, của tự nhiên), biết thổn thức trước nỗi đau của đồng loại, biết phẫn nộ trước cái xấu, cái sai và cái ác.

      Theo cách hiểu trên thì văn hoá là phạm trù khá rộng. Bởi vậy, tôi nghĩ Văn Hóa không chỉ đơn giản là ứng xử lịch sự, là nói năng đúng lễ nghĩa… Mà nó còn là “hệ điều hành” của con người. Nó chi phối toàn bộ suy nghĩ và hành động của chúng ta, là giá trị cốt lõi của con người và xã hội. Là thứ mà vì nó hay để bảo vệ nó người ta sẵn sàng hy sinh mọi thứ khác. Nói cách khác thì khi có văn hoá nghĩa là người ta có cái “chính mình” và khi có cái “chính mình” thì thứ người ta sợ hãi nhất là đánh mất chính mình. Còn ngược lại, khi chưa có cái “chính mình” thì người ta sẵn sàng bất chấp mọi thứ để có tiền, có tiếng mà chẳng sợ cái gì cả.”

  8. Nhục nhất là mỗi khi ra nườc ngoài. Bạn bè quốc tế rất kỳ thị người VIỆT Nam mình. Đến các trung tâm thương mại đều có biển cảnh báo ăn cắp bằng tiếng Việt. Đặc biệt là ở Nhật, thật xấu hổ không chịu được.

    • Thôi thì đành coi như đó là động lực vậy. Phải cố chứng tỏ cho họ thấy người VN cũng có người nọ người kia. Họ đã gặp người xấu rồi, vậy ta hay là người tốt.

  9. Một thể chế chỉ sử dụng con người sinh vật và tạo điều kiện tốt nhất cho phần sinh vật trong con người phát triển thì con người xã hội, con người văn hóa làm gì có chỗ đứng trong thể chế đó. Ko nói đâu xa cả. Tất cả bắt nguồn từ thể chế, từ thằng cộng sản. Văn hoá cũng từ đó, kinh tế ì ạch, văn hoá xuống cấp, tư duy nô lệ, chỉ có sự đồi truỵ là phát triển

  10. Chúng ta đang trở nên “Mất Dạy” vì sao, do ai? Do chúng ta đã và đang được nhồi nhét chỉ một trong hai khía cạnh của kiến thức, là khoa học – tự nhiên, còn văn hóa – xã hội đã bị bỏ quên tự bao giờ. Chúng ta bị nhồi đến mức độ một khi thoát khỏi nó, hiếm có ai muốn chạm lại, bảo sao “Mất Dạy” càng dần trẻ hóa.
    Đồng thời, Nhà nước cho dân ta uống rượu, bia với cái giá quá rẻ. Thời gian chúng ta đắm chìm vào chúng đã chiếm hết thời gian để suy nghĩ về bản thân, về xã hội, về thời cuộc.
    Nói chung chúng ta đang bị “Mất Dạy” hóa và “Ngu” hóa.

  11. Rất đồng ý với quan điểm của anh Mr. Brian. Văn hoá chính là cái phân biệt giữa con vật và con người. Và nếu văn hoá thành tha hoá thì con người chỉ là loài THÚ BẬC CAO mà thôi.
    Bài viết ngắn, súc tích và nhiều ý nghĩa. Em đồng cảm với những trăn trở của tác giả.

  12. Mình rất thích bài viết này. Phản ánh đúng với thực trạng văn hoá xã hội VN hiện nay. Nếu chúng ta ko thay đổi và cách tân sâu rộng thì văn hoá sẽ tụt dốc xuống thành tha hoá.

    Con người khác con vật ở chỗ con người không chỉ sống cho riêng mình. Con vật chỉ có hình hài sinh vật và nó chỉ biết sống vì cái hình hài sinh vật đó, chỉ biết kiếm miếng ăn nuôi cái hình hài sinh vật đó. Con người cùng với hình hài sinh vật còn có hình hài xã hội, còn có con người xã hội, con người văn hóa. Chính con người xã hội, con người văn hóa mới quyết định tầm vóc của một con người. Con người chỉ thực sự là người khi biết sống vì lí tưởng xã hội, làm được những việc có ích cho xã hội. Vị trí xã hội càng cao thì lí tưởng xã hội càng phải lớn.

    Lâu rồi mới đọc được bài viết nhiều tâm huyết. Mấy hôm có mấy bài viết về văn hoá nhưng rất lan man và lảm nhảm, chẳng hề đi vào trọng tâm. Phải có những góc nhìn phản biện trực diện như bạn thì xã hội mới thức tỉnh đượ. Mong đón đọc những bài tiếp theo của anh Thương

  13. Đất nước tôi đang hành nghêf trộm cướp. Đây là đắc tội với cha ông, dẫm đạp lên cha anh. Buồn và rất buồn cho xã hội này.
    Bài viết rất sát thực tế. Cám ơn tác giả Nguyễn Văn Thương.
    Các bạn trẻ nên đọc để giác ngộ.

Trả lời Nguyễn Đăng Huân Hủy trả lời

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI