19 C
Da Lat
Thứ Bảy, 20 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Cha mẹ và con cái đến bao giờ mới hiểu được nhau?

Featured Image: Chan Mya Soe

 

Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh. Có nhà, cha mẹ rất yêu thương nhau, đến già mà tình cảm vẫn rất mặn nồng, khổ nỗi những đứa con lại không có hiếu. Có nhà được khoác bởi vẻ ngoài của một gia đình “cơ bản” nhưng chứa đựng những điều khó có thể chấp nhận bên trong… Còn những gia đình cha say xỉn, con bài bạc, mẹ không đàng hoàng… chưa cần nhìn, chỉ cần nghe phong phanh là cũng đủ hiểu.

“Nhìn lên mình chẳng bằng ai, nhìn xuống chẳng ai bằng mình.” Là mọi người nói ra vừa là an ủi nhau nhưng cũng là một góc nhìn khách quan của hiện thực. Nói trắng ra là không có gia đình nào lại không có vấn đề hết. Từ bé đến giờ, mới chỉ nghe người ta nói câu “gia đình đó cũng được” “nhà ấy cũng tàm tạm” hoặc đánh giá nghiêng hẳn về phía vật chất với những mỹ từ như “dư dật” “khá giả” “đại gia”… chứ chưa nghe nói một gia đình nào đạt tới chuẩn “mẫu mực”. Nghĩ lại cái danh hiệu “gia đình văn hóa” mới biết là không một chính quyền nào cấp như cấp chuẩn chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn ISO. Mà thực ra có muốn cũng không làm được.

Tôi đi học. Bạn cũng đi học. Hết lớp này sang lớp khác bao giờ hết năng lực và hết điều kiện học hành thì thôi. Nhưng có một lớp dù nhiều tiền đến đâu cũng không có thầy để dạy. Đó là lớp HỌC LÀM CHA MẸ. Không ai là không có lỗi lầm. Trẻ có cái sai của trẻ, già có cái sai của già. Nhưng người lớn cứ tự cho mình quyền được quyết định tất cả mà quên mất rằng những đứa con của họ cũng đang muốn được lắng nghe, muốn được chia sẻ.

Mỗi lần bối rối trước những câu hỏi của con, cha mẹ vẫn thường vuốt tóc, nhìn con bằng đôi mắt trìu mến và nói dịu dàng: “Khi lớn lên, con sẽ hiểu mọi chuyện.” Bọn con nít lúc đó chỉ thấy mơ hồ, khó hiểu và vô cùng xa xăm. Thậm chí, chuyện bực bội ở đâu, người lớn cũng đem về nhà, rồi lúc đó giận cá chém thớt, mắng chửi con cái, trong nhà không bốc hỏa thì cũng chiến tranh lạnh. Đang tuổi lớn, mấy đứa đang khủng hoảng sinh lý giờ lại thêm khủng hoàng tâm lý nữa. Nói tóm lại là hoang mang toàn tập. Và đúng là giờ lớn lên thì tôi đã hiểu. Người lớn dù ứng xử nhẹ nhàng hay ứng xử thô bạo với trẻ con thì lúc đó họ đang lâm vào đường cùng, họ không thể lý giải nổi những diều dù là đơn giản nhất. Sự thực là người lớn luôn luôn bé.

Bạn bè của tôi, có nhiều người nói với tôi rằng, sau này học sẽ không vấp lại những sai lầm của cha mẹ họ. Chẳng ai có thể biết trước được điều gì. Chính cha mẹ của chúng ta cũng đâu có muốn đối xử với con cái như vậy, nhiều lần thâm tâm họ cũng dằn vặt lắm chứ. Nhưng rồi chúng ta đã nhận lại được những gì? Thời đại nào cũng có vấn đề riêng của nó. Khi chúng ta – những người hiện tại chưa lập gia đình một ngày nào đó cũng lần lượt làm cha làm mẹ thì chính chúng ta dù đã cố gắng rất nhiều nhưng vẫn sẽ không tránh khỏi những cuộc xung đột nảy lửa với con cái. Vâng! Lúc đó, chúng ta sẽ không lặp lại sai lầm của cha mẹ chúng ta ngày trước mà sẽ vấp phải những sai lầm lớn hơn. Làm sao con người có thể ý thức được hành động của mình đang sai khi mà chưa nhìn thấy kết quả?

Con cái thì chưa với tới giai đoạn làm cha làm mẹ nhưng bậc sinh thành thì đã trải qua quãng đời như chúng ta hiện tại. Vẫn còn nhiều thứ ta chưa trải qua và vì thế vẫn còn nhiều thứ ta chưa hiểu nổi. Suy nghĩ của cha mẹ tuy khác chúng ta nhưng họ muốn giành những điều tốt đẹp nhất cho con cái (đặc biệt là họ có thể hiểu ít nhiều về chúng ta hiện tại trong khi chúng ta chẳng biết gì hơn ngoài nói yêu và thương). Phải mất bao lâu nữa để cha mẹ có thể chấp nhận rằng con cái họ có những nhu cầu riêng và họ không nên áp đặt quá nhiều vào con cái? Và bao lâu để một đứa trẻ con biết tha thứ lỗi lầm cho người lớn?

 

Huyền Trang

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

18 BÌNH LUẬN

  1. Nếu bạn là một người trưởng thành , nhất là khi bạn đã xa gia đình và đi làm thì việc bất đồng quan điểm là chuyện thường . Mình cũng đã từng bất đồng quan điểm về việc học lên cao học của mình. Mình có một lời khuyên mà mình đã trải qua là hãy tôn trọng ý kiến của ba má mình, đừng cố tình hay vô ý là cha mẹ mình không còn ” tiếng nói có trọng lượng ” trong quyết định của mình, mà hãy tôn trọng, trình bày thẳng thắn, nói lên suy nghĩ của mình, mong muốn điều gì. Đối với cha mẹ mình nghĩ phải luôn nói lên trực tiếp suy nghĩ một cách ” khôn khéo” , vì nó là mối giao thoa giữa hai thế hệ, hai nền văn hóa chuyển giao. Và bản thân mình cũng có một đúc kết là cãi nhau nên kết thúc ngay đêm hôm đó .
    Đừng để những nhu nhược làm rào cản cản trở chúng ta hiểu nhau !

  2. Chỉ cần bạn đang trăn trở mình có phải cha mẹ tốt, bạn đã cơ bản là cha mẹ tốt và bạn đang và sẽ tìm ra cách để đối xử tốt với con cái (tất nhiên theo phong cách của bạn). Có những bậc cha mẹ không bao giờ tự nhìn lại mình, tự cho mình luôn đúng, luôn tốt thì có nói giời cũng chẳng thay đổi được.
    Để thay đổi thực trạng nói chung thì ngoài kêu gọi giáo dục cần phải có luật pháp để trừng trị những bậc cha mẹ ngược đãi con cái, vi phạm vào nhân quyền của chúng (trẻ con đương nhiên có nhân quyền như người lớn, và định nghĩa nhân quyền cần theo quốc tế chứ ko phải theo cách hiểu vốn méo mó của VN). Chỉ cần thế thôi cũng đủ để mối qh trong gia đình VN lành mạnh hơn rất nhiều rồi. Còn đạt đến mức hiểu nhau thì ko phải gia đình nào kể cả trong xh văn minh (Âu Mỹ) cũng có vì đó là cả một nghệ thuật sống.

  3. Tôi thấy cha mẹ vs con cái ko cần thiết phải hiểu rõ được nhau, gia đình chúng tôi chấp nhận sự khác biệt về tư tưởng của mỗi thế hệ và chúng tôi tôn trọng điều đó ở lẫn nhau. Chúng tôi ko lựa chọn sự thấu hiểu lẫn nhau bởi vì điều đó ko cần thiết và không can thiệp vào sự phát triển cá nhân của mỗi người. Con cái ko phải là vệ tinh của cha mẹ và ngược lại cũng ko nốt, tất cả chúng tôi là vệ tinh của 2 chữ “Gia đình” với nền tảng là tình yêu. Ở một mức độ nào đó, tôi không hề thắc mắc rằng tại sao cha/mẹ/anh/chị lại hành động như thế, tôi chỉ luôn thắc mắc rằng: liệu họ có cần mình giúp ko?

  4. theo mình cha mẹ không hiểu con cái có 2 nguyên nhân chính:
    thứ nhất là trình độ nhận thức của cha mẹ, có nhiều bạn cho rằng ai từng trãi qua quãng đời thiếu niên thì sẽ hiểu về nó. quan niệm này là sai, từng trãi qua chỉ là biết chứ chưa hiểu, để hiểu cần có sự nhận thức cao. nếu bậc cha mẹ chỉ ở mức độ biết thì họ sẽ nhìn những gì họ đi qua là đúng hay sai về những diễn biến thuở thiếu thời, và ừng với con cái họ cho làm cái này và cấm cái kia theo cách của họ, thường là ra lệnh. Ngược lại, bậc cha mẹ mà hiểu thì hiểu nguyên nhân vì sao con mình lại làm như vậy nên sẽ có biện pháp uốn nắn phù hợp, thường họ dung biện pháp trò chuyện, hoặc chuẩn bị những biện pháp đề phòng trước khi cái cái vấn đề của con cái đến, nó going như một nhà hoạch định chiến lược kinh doanh vậy, tính trước mọi tình huống và rủi ro sẽ gặp và biên pháp giải quyết. Điều đáng buồn là người ta thường hoạch định cho công việc một cách tỉ mỉ mà chẳng ai nghĩ đến chuyện hoạch định cho con mình một cách cẩn thận. tất nhiên người càng có tầm nhìn và hiểu biết thì những hoạch định đó càng khách quan và mang lại hiệu quả cao.
    Nguyên nhân thứ 2 là sự khác biệt về thời đại: khoản cách giữa 2 thế hệ thường là 20-35 năm, một khoản thời gian rất dài để có những đổi thay khủng khiếp. vì thế những gì họ từng hiểu, từng trãi qua về mặt hình thức không còn phù hợp với con họ nữa, để hiểu con cái thì bậc cha mẹ đó phải đủ trình độ nhận ra sự thay đổi của thời đại. phía trên tôi nói “mặt hình thức” là vì về bản chất thì xh vẫn như vậy từ xưa đến giờ, nó vẫn bị chi phối bởi một số quy luật nhất định. hiểu bản chất xh, hiểu sự thay đổi của thời đại thì sẽ biết ứng phó ra sao.
    bao giờ cha mẹ và con cái có thể hiểu nhau? về cá nhân thì bao giờ trình độ nhận thức của bạn đủ cao thì bạn sẽ hiểu con mình, về toàn diện thì bao giờ trình độ dân trí nước ta bang Âu Mỹ thì khi đó cha mẹ và con cái sẽ hiểu nhau, tất nhiên chỉ ở mức độ nhất định chứ nếu không sẽ có người nhảy vào vạch lá từ giáo dục gia đình của các nước đó thì mệt.

  5. Khi nào các bậc cha mẹ có thể chấp nhận rằng con cái họ có nhu cầu riêng và không áp đặt quá nhiều vào con cái ư? Có lẽ là khi họ không còn yêu thương hoặc không còn trên còn cõi đời này nữa.
    Và bao lâu để một đứa trẻ con biết tha thứ lỗi lầm cho người lớn? Có lẽ là khi nó được trở thành bậc cha mẹ. Tuy nhiên, riêng tôi thì chỉ có hối hận, và tha thứ ư? Tha thứ cái gì đây?

    • Yêu thương ngược với áp đặt bạn ạ. Yêu thương là tôn trọng và cố tìm hiểu tâm tư tình cảm của con. Chứ áp đặt thì là ko tìm hiểu, mà chỉ là ra lệnh theo ý khách quan của mình, và nhân danh tình yêu chứ thực ra là ko phải yêu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI