19.4 C
Da Lat
Thứ Năm, 18 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Một ngụ ngôn về tổn phí cơ hội

Featured Image: Nan-Cheng Tsai

 

3 tháng 4, 2006

Có một buổi nhạc hội. Ban nhạc Green Way sắp ghé thành phố này. Muốn được nghe ban nhạc Green Way chơi nhạc sống các ca khúc tuyệt vời trong dĩa nhạc American Dolt, bạn phải sắp hàng, cắm lều qua đêm chờ mua vé. Bạn tới phòng bán vé khoảng nửa đêm, nhưng không thể ngủ được vì chung quanh quá ồn ào. Cuối cùng, bạn cũng thiếp đi. Giấc ngủ tưởng chừng chỉ được vài phút khi bạn bị đánh thức bởi tiếng kéo cửa mở phòng bán vé, lúc đó là tám giờ sáng. Dưới ánh nắng chói lọi, bạn nhận ra số người xếp hàng đông hơn là bạn nghĩ. Có tới cả mấy ngàn người. Rất có thể bạn không mua nổi vé, dù đã bỏ công trực cả đêm.

Sau ba giờ đồng hồ, hàng người trườn gần về cửa sổ phòng vé. Bên trong lồng kính, bạn trông thấy người bán thu tiền và giao vé. Bạn càng cảm thấy lo lắng. Nỗi lo có nguyên nhân: lại có tiếng vang từ cửa sổ phòng bán vé, lần này do cánh cửa bị đóng sầm xuống. Hết vé? THẬT HẾT VÉ! Thôi rồi. Cô đào của bạn mong đợi tấm vé này bao nhiêu. Cô nàng mê tít ban nhạc Green Way mà.

Nay lẻ loi quay bước về nhà, bạn cúi đầu chán nản. Đột nhiên, nghe tiếng huyên náo bên kia đường. Xem ra đám người trong hàng đầu sáng nay chẳng phải là người hâm mộ ban nhạc Green Way gì cả! Họ mua vé chỉ để bán ngay lại cho người khác. Và họ đang bận rộn rao bán ồn ào. Hết xẩy – có lẽ vẫn gặp may.

Băng nhanh qua đường, bạn nhập vô đám đông bao quanh những “người bán lại”(gọi một cách lịch sự). Nhưng bạn không biết tai mình nghe có đúng không: “Ba trăm đô một vé, cha nội. Trả tiền mặt.”

Càng khó tin hơn khi vẫn có người sẵn sàng trả 300 đồng một vé. Phải nghĩ lại xem nên hay không nên cái đã. Theo luật tại tiểu bang của bạn, việc “đầu cơ” vé coi văn nghệ là hợp pháp. Thêm đó, đối với bạn chuyện đầu cơ cũng chẳng có gì trái với lương tâm. Tiền dành dụm có được 600 đủ trả hai vé. Vé nào cũng đồng hạng, không có ghế thượng hạng.

Nhưng rồi bạn lại nghĩ đến tổn phí cơ hội, cái tổn phí cơ hội to tát.[i] Nhớ lại hồi học lớp kinh tế, ông thầy dạy rằng tổn phí cơ hội có dính dáng tới việc được cái này thì mất cái kia. Nói cách khác, tổn phí bỏ ra để thực hiện một việc chính là tất cả các số việc khác mà bạn không thể thực hiện được nữa.

Sáu trăm đồng quả là một tổn phí cao. Bạn không tiếc số tiền cho mấy, nhưng nếu tiêu tới 600 đô la, bạn có thể mua tất cả mọi dĩa nhạc mà ban Green Way đã thu thanh, kiêm luôn máy Mp3 để nghe nhạc. Rồi vẫn dư tiền rủ bạn bè đi vũ trường nghe nhạc của ban Green Way mỗi tối thứ sáu trong cả tháng. (Chắc chắn là những vũ trường chơi nhạc của Green Way, vì hiện nay mọi nơi toàn chỉ chơi nhạc này, đặc biệt là bản ca ngợi sinh thái học, “Nader of Suburbia”)

Điểm cốt yếu là tiền không phải là tổn phí toàn bộ của bất cứ hoạt động nào. Tổn phí chính thực là cái mà bạn phải từ bỏ: chi tiền cho việc X tức là bạn không còn số tiền ấy để chi cho việc Y. Do đó, tổn phí thực sự của X là… Y. Một số nhà kinh tế học cho rằng tiền chỉ là “tấm màn” che giấu thực chất rằng giá tiền là thước đo sự khan hiếm có tính cách tương đối của hàng hóa.

Nếu bạn đi dự buổi nhạc hội, bạn sẽ không có 10 cái CD nhạc, với giá $20 một dĩa, một máy X-pod Mp3 đáng giá $250, và $150 tiền mua nước giải khát tại vũ trường. Tất cả mọi thứ ấy đánh đổi với chỉ một đại nhạc hội dài hai tiếng đồng hồ. Suy đi nghĩ lại, bạn lắc đầu. Không đáng tí nào.

Quyết định xong, bạn định hướng về nhà, mặt chảy dài. Đi bộ khoảng hai mươi ngã tư đường, bạn nhìn thấy một phong bì nhàu nát nằm cách lề đường một tí. Mặt ngoài phong bì trống trơn.

Lượm phong bì lên, cảm giác là lạ, tim đập nhanh. Xé phong bì ra… bên trong là hai tấm vé nhạc hội Green Way! Hết xẩy!

Tiếp theo… cảm giác tội lỗi. Hai vé này không phải của bạn. Nhưng bạn lại nghĩ, giả như cái phong bì này bay ra từ cửa sổ xe hơi và người đánh mất nó hiện đã đi xa lắc rồi thì sao? Có thể chính họ cũng chưa biết đã mất vé, cơ mà.

Thế nhưng, bạn vẫn chờ gần một tiếng đồng hồ. Mỗi khi có xe đi ngang, bạn nín hơi, toàn thân chỉ có tim thót đập. Không chiếc xe nào chậm lại, và không bộ hành nào đến kiếm phong bì. Bạn chật vật lắm mới đưa phong bì lên hỏi: “Có ai đánh rơi cái này không?” Vả lại trong nhạc hội, chỗ ngồi như nhau nên sẽ chẳng thể xác nhận chủ quyền đích thực của hai tấm vé. Vé này thuộc về bạn, công bằng và thẳng thắn.

Xong, bạn báo tin vui cho cô bồ qua điện thoại di động.

Hết chuyện.

Bây giờ, đây là vấn đề: Thế nào? Anh hay chị có đi nghe nhạc hội không, và nếu có, thì tại sao? Hãy giả sử anh hoặc chị là người “khôn ngoan” về mặt tài chính.

Tôi dùng ngụ ngôn này (một phần là chuyện có thật về đại nhạc hội của ca sĩ Bruce Springsteen) làm một câu hỏi trong đề thi học kỳ hai cho môn Kinh Tế Học Vi Mô tại Đại Học Dartmouth vào năm 1986. Tôi cho rằng đề thi dễ. Sinh viên của tôi tại Dartmouth thông minh nhanh trí, và chắc chắn là biết rõ định nghĩa của Tổn Phí Cơ Hội. Trên thực tế, họ hiểu Tổn Phí Cơ Hội rất rành.

Thế mà hơn nửa lớp trượt câu hỏi này; một số sinh viên giải đáp hoàn toàn sai. Chúng ta hãy thử xem các anh/chị định điện thoại báo tin như thế nào với bạn trai hay bạn gái của mình, kể cả số điểm tôi chấm cho mỗi lời giải.

Cách trả lời thứ nhất: “Anh có vé chùa! Mình đi nghe đại nhạc hội Green Way!”

Điểm: F

Anh/chị trả lời trật rồi; về học lại. Vé đâu phải của chùa, không mất tiền. Nhớ kỹ, bạn không ngại bán lại vé với giá cắt cổ, đầu cơ vé là chuyện hợp pháp, và bạn biết là có thể bán được với giá $300 một vé. Thêm đó. sau khi suy nghĩ kỹ, bạn đã thấy rằng buổi nhạc hội không đáng cái tổn phí cơ hội với giá $300 một ghế. Tổn phí cơ hội của việc tham dự nhạc hội vẫn là $600, cho dù bạn lượm được vé bên lề đường.

Cách trả lời thứ hai: “Mình đi mua vài CD nhạc, mua luôn máy Mp3, rồi tối đi chơi. Anh vừa lượm được $600!”

Điểm: B+

Bạn đã giản dị hóa thái quá vế bên kia của vấn đề. Nên nhớ, bạn còn phải đi bộ hai mươi ngã tư đường để trở về lại chỗ bán vé, rồi rao bán. Và nếu bạn bán đi hai cái vé, bạn phải giải thích lý do với bồ của mình. Giữ hay bán, thật ra không bên nào hiển nhiên hơn bên nào.

Cách trả lời thứ ba: “Em ơi, mình sẽ đi nghe nhạc hội Green Way! Anh lượm được hai vé, tương đương như lượm được $600, trừ đi $50 chi phí giao dịch để bán vé lại cho người khác (đi bộ ngược lại chỗ bán vé, rao hàng, v.v.) Thành ra vé thiệt chỉ tốn có $550 thôi. Tính ra là có lời do vé lượm được, vậy em được đi nghe nhạc.

Điểm: A+

Trúng phóc.

Bây giờ chúng ta hãy thảo luận về thang điểm của tôi. Giả thiết một sinh viên đề cập đến kết quả lợi tức thu nhập, và chi phí giao dịch, và rồi vẫn quyết định không đi nghe nhạc, thì lời giải đó cũng được điểm A+. Ngược lại, luận giải rằng “Anh được vé chùa! Mình đi nghe nhạc hội!” là luôn luôn sai, hoàn toàn sai, sai một cách dã man.

Thế mà hơn nửa số sinh viên của tôi đưa giải đáp “Vé chùa! Mình đi!” [Với kết quả này], Tôi quả thật là một giáo sư tồi trong môn kinh tế học.

Tổn Phí Cơ Hội không phải là điều ta thường nghĩ

Tôi than vãn về kết quả đề thi với các bạn đồng nghiệp. Những đồng nghiệp kinh tế gia nghe chuyện tôi kể không lấy làm ngạc nhiên. “Người ta không hiểu tổn phí cơ hội. Nói đúng ra, người ta không hiểu rất nhiều những khái niệm xem chừng đơn giản trong ngành kinh tế học. Vì thế chúng ta nên nghiên cứu thêm về kinh tế học.” Tôi không chắc quan niệm này đúng. Nó khiến tôi nhớ đến lời bình phẩm của Bill Niskanen về Ludwig von Mises (1971).[ii] Niskanen lập luận rằng nhiều người, trong đó có cả von Mises, đã quá lạc quan khi kết luận dựa trên “một niềm hy vọng, mà nay nhìn lại thấy ngây thơ làm sao, là một sự giáo dục đại chúng về kinh tế học sẽ làm cho quần chúng bớt ủng hộ bộ máy chính quyền cồng kềnh cùng với kết quả của nó là một nền hành chính thư lại.”

Niskanen không nghĩ rằng kinh tế học lại hiển nhiên như vậy, ít nhất là không hiển nhiên như thế đối với đa số quần chúng.

Thay vào đó, câu trả lời hình như đơn giản hơn: Người ta tình thật không suy nghĩ theo lối này, cho dù bạn cố gắng chỉ dạy cho họ đường lối suy nghĩ theo kinh tế học. Bằng chứng là lời giải thích của tôi không thuyết phục được đa số người nghe. Và nhiều đồng nghiệp khác ngành cho rằng cái lý luận xem chừng hiển nhiên trong khía cạnh kinh tế học đã sai trong thực tế ngay từ đầu, ít ra thì nó cũng mô tả sai về cách hành xử của con người. “Dĩ nhiên người ta chọn đi nghe nhạc hội; nếu anh tìm được vé chùa, mà lại không dẫn bạn gái đi nghe, thì coi như đôi bên chia tay là cái chắc! Đừng tính kỹ quá!”

Anthony de Jasay viết một bài khá thú vị cho Econlib,[iii] mô tả tầm quan trọng của việc phân tích. Jasay nhắc lại lời khuyến cáo của Frédéric Bastiat rằng cần chú trọng vào tổn phí cơ hội: “Khi ta có ấn tượng tốt với các tác động cụ thể và ta chưa biết nhận ra các tác động vô hình, ta sẽ theo đuổi các thói quen xấu xa, không những vì khuynh hướng tự nhiên, mà còn vì cố ý.”

Nói cho công bằng, cũng có một số tài liệu Tâm Lý Học và Kinh Tế Học bàn rằng ta thường không nghĩ đến tổn phí cơ hội theo như dự đoán thông lệ trong ngành Kinh Tế Học. Xem ra ta đánh giá thu nhập khác với tổn thất; có vé mà không dùng là bỏ phí, khác với sự chọn lựa nên hay không nên bỏ tiền ra mua vé. Cho dù giá trị của thu nhập và tổn thất thật vốn bằng nhau ($600, trong trường hợp này), ta coi sự kiện này không liên hệ. Lối suy nghĩ này liên quan đến “công trình nghiên cứu về kinh nghiệm bản thân và thành kiến” của khoa tâm lý suy luận (do Kahnermann, Tversky, và các người khác trình bày). Thành kiến này, mang tên “hiệu ứng hàng đã có,” dựa trên kinh nghiệm rằng ta đánh giá vật ta đang có cao hơn vật ta chưa mua hoặc thu được, cho dù vật đó là cùng một thứ và đáng cùng một giá.

Nhưng tôi vẫn chưa cảm thấy được thuyết phục. Có lẽ người ta hiểu sai. (Nói cho công bằng, Kahnemann và Tversky cũng nghĩ sự chọn lựa theo kiểu này là “sai,” theo cách nhìn dựa trên lý trí, nên tôi cũng không bất đồng ý kiến với họ trong những trường hợp quan trọng). Mong người ta sẽ hiểu đúng khái niệm này cũng giống như là có niềm hy vọng, “gần như ngây thơ khi nhìn lại,” rằng công dân đều được giáo dục về căn bản kinh tế. Trên các chuyến bay, tôi đưa ra câu hỏi về tổn phí cơ hội với các hành khách khác, hoặc hỏi những tham dự viên trong các hội nghị. Họ rõ ràng chia làm hai phe, ngay cả sau khi nghe tôi giải thích câu trả lời “đúng.”

Vấn đề tương tự luôn xảy ra tại những trận banh bóng rổ tại đại học Duke, nơi tôi giảng dạy. Giá vé xem bóng rổ tại sân Cameron Indoor là $40. Thế nhưng đa số trận, vé bán được giá cao hơn nhiều. Vài trận, thí dụ trận đội Duke đấu đội UNC, giá vé đầu cơ vượt hơn $1000. Trong năm 2006, vé bán tới khoảng $2500. Do đó, khi ban giáo sư xin tôi (trưỏng khoa) cho tăng lương vào cuối năm, tôi sẽ nhắc nhở rằng họ không cần thêm tiền vì họ giàu quá rồi.

“Ông nói thế là thế nào?” họ hỏi.

Tôi trả lời, “Thì quý vị mua nổi $2500 một vé đi xem bóng rổ. Quý vị phải giàu lắm.”

Họ đưa tôi xem cái vé. “$40! Là vé $40 đó!”

Câu trả lời của tôi ? “Thế thì thế này. Tôi có $50. Ông chịu bán vé đó cho tôi không ? Theo ông nói thì vé có $40 thôi.”

Cho tới nay, tôi vẫn chưa mua được vé nào theo lối ấy, kể cả từ những người nói với tôi rằng tổn phi cơ hội là một khái niệm ngu xuẩn.


Tài liệu tham khảo

Bastiat, Frederic. 1848. “What is Seen and Not Seen.”
Buchanan, James. 2001. Cost and Choice: The Collected Works of James M. Buchanan. Indianapolis: Liberty Fund.
Caplan, Bryan. “Mises and Bastiat on How Democracy Goes Wrong, Part I
___________. “Mises and Bastiat on How Democracy Goes Wrong, Part II
De Jasay, Anthony. 2002. “The Seen and the Unseen: The Costly Mistake of Ignoring Opportunity Cost.”
Mises, Ludwig von. 1944/1969. Bureaucracy.
Niskanen, William. 1971. Bureaucracy and Representative Government. Chicago: Aldine-Atherton.
Tversky, A. and D. Kahneman. 1992. Advances in Prospect Theory: Cumulative Representation of Uncertainty. Journal of Risk and Uncertainty 5: 297-323.


[themify_box style=”pink rounded” ]Michael Munger là Trưởng Phân Khoa Khoa Học Chính Trị tại Đại Học Duke[/themify_box]

 

Michael Munger
© Học Viện Công Dân 2010
Nguồn: Michael Munger, A Fable of the OC

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

16 BÌNH LUẬN

  1. đọc 1 lần ,ko bỏ sót 1 chữ nhưng mình chậm hiểu qua,ko hiểu lắm,nhưng vẫn biết nếu là sv của bài kiểm tra này thì mình tạch rồi,để đọc lại kỹ vài lần nữa xem hiểu ko ,nếu ko mong mấy bạn giải thích giúp

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI