16.6 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Thay đổi nền giáo dục tương lai từ việc thay đổi nhận thức và hiểu biết của chính mình

Featured image: Anna-Maria Jung

 

Ngày tựu trường vừa trôi qua, một năm học nữa lại đến. Phần lớn chúng ta thích ngày tựu trường, vì hôm đó đông vui, vì ta có thể ngắm nhìn những gương mặt cả thân quen lẫn mới mẻ sau những tháng hè, vì muốn xem trường mới lớp mới có ai xinh xắn không… Chúng ta không thích những gì thật sự có trong ngày tựu trường, những bài đọc bài phát biểu lê thê chán ngắt và buồn tẻ. Người nói chẳng quan tâm có ai nghe hay không, người nghe chẳng quan tâm ai đang phát biểu cái gì. Tất cả chỉ là hình thức để bắt đầu cho một hoạt động mang tính truyền thống, chẳng có ý nghĩa gì lắm. Ngày tựu trường đối với một năm học, cũng như việc đi học đối với thành công của một con người sau này, chẳng mấy ăn nhập với nhau, chẳng nói lên được điều gì cả.

Càng ngày chúng ta càng tỏ thái độ chán nản đối với chương trình giáo dục hiện hành, chúng ta mong chờ điều gì đó thay đổi, những thay đổi cốt yếu và hiệu quả chứ không phải thay đổi kiểu bắt học sinh mua máy tính bảng, thay đổi đồng phục màu này màu kia, hạ học phí đổi giờ học… Không, cái chúng ta cần, là chất lượng giáo dục, trường học phải là nơi lan truyền kiến thức lẫn sự hiểu biết, trau dồi nền móng tính cách con người và nhất phải là nơi khơi gợi sự tò mò, học hỏi và sáng tạo nơi học sinh. Đó mới là cái chúng ta thực sự cần.

Nhưng phải chấp nhận thực tế rằng chúng ta khó lòng có thể thay đổi được nền giáo dục đó, nó quá nặng nề, quá truyền thống, quá hình thức để bất cứ cá nhân nào có thể tạo được biến chuyển. Tôi đã mơ về việc định hướng giáo dục cho mỗi học sinh, để họ biết mình nên học gì, cần trau dồi gì hơn là chỉ ngồi yên để trường học nhồi kiến thức. Rồi tôi lại mơ về việc định hướng các bậc phụ huynh hiện tại, những cha mẹ của chúng ta, họ nên và cần phải biết chúng ta cần gì, để giúp chúng ta tự tin đi trên con đường chính mình lựa chọn, những lựa chọn đôi khi sai lầm nhưng ngập tràn hạnh phúc. Nhưng thật khó khăn làm sao, phụ huynh họ bận rộn lắm, họ không có thời gian để tìm hiểu con mình thật sự muốn gì và chắc chắn là chẳng bậc phụ huynh nào muốn nghe những lý thuyết của một đứa con gái hai-mươi-tư tuổi vớ vẩn như tôi cả.

Nên sau cùng, tôi đành nghĩ ra một cách khác, một con đường khác, có thể hiệu quả hơn, dễ dàng hơn. Chúng ta sẽ cùng nhau thay đổi nền móng của nền giáo dục này, chính chúng ta chứ không ai cả. Tôi đang nói về bạn, chính bạn sẽ là phụ huynh một ngày nào đó, là những bậc cha mẹ chịu trách nhiệm định hướng giáo dục cho con cái của mình. Nếu như chính bạn có thể thay đổi cách suy nghĩ, thì thế hệ tương lai, con cháu của chúng ta sẽ có phúc hơn rất nhiều. Chúng sẽ được sống trong một nền giáo dục tự do và tươi mới, do chính chúng ta đặt nền tảng từ hôm nay. Vậy nên gửi tới những ai hiện đang làm phụ huynh hay sẽ làm phụ huynh trong tương lai, mà muốn điều tốt nhất cho con cái của mình, mong muốn làm điều đúng đắn cho sự phát triển của con nói riêng và tốt cho cả xã hội này nói chung thì có vài điều bạn cần-nên và phải biết:

Học giỏi là thông minh?

Đây là một trong những sai lầm đầu tiên về nhận thức của các bậc phụ huynh nói riêng và cả xã hội nói chung khi đánh giá một con người. Chính vì nhận thức sai lầm này bao thế hệ tuổi trẻ chúng ta đã phải cày ngày cày đêm cực khổ trong mớ kiến thức rời rạc, khô khan và chán nản. Không phải vì tương lai, không phải vì yêu thích, không phải vì sự hiểu biết, mà chỉ vì sự ganh đua và đòi hỏi của các bậc phụ huynh. Những người quan tâm ta nhất thế giới nhưng thật ra lại chả quan tâm ta tí nào. Hay ít nhất là quan tâm ta không đúng cách tí nào.

Trong một xã hội trọng gia đình, trọng chữ hiếu như Việt Nam ta, con cái luôn phải nghe lời cha mẹ, chịu sự áp đặt của cha mẹ dù cho trong lòng không hề tâm phục, một xã hội cứ mãi như thế thì ắt hẳn không thể phát triển rực rỡ được. Vì một xã hội có phát triển hay không là nhờ vào những ý tưởng và hành động thực tế của những lớp người trẻ trung, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi. Chứ không phải nhờ vào một lớp người đã già cỗi đầy những kiến thức lỗi thời không còn phù hợp với thực tế nhưng lại khăng khăng là mình đúng và bắt mọi người phải nghe theo. Những người lớn tất nhiên có giá trị và kinh nghiệm của họ, đó là những thứ đáng giá và cần trân trọng, nhưng không phải trong mọi trường hợp và nhất là không nên áp dụng nó một cách máy móc cho các thế hệ tiếp theo.

Chúng ta cứ mặc định rằng một đứa trẻ thông minh là một đứa trẻ học giỏi trên lớp, được thầy cô khen ngợi và mang giấy khen về nhà. Cha mẹ nào cũng muốn con mình thông minh và sẽ vô cùng tức giận, xấu hổ hay buồn phiền nếu như con mình thua kém con người ta về học lực. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến việc cha mẹ bắt con cái học điên cuồng, học từ ngày sang đêm, học từ đông sang hè, học từ mẫu giáo tới đại học, học không ngừng nghỉ. Đó thật là hành động vô cùng lãng phí: tiền bạc của cha mẹ, công sức và thời gian của con cái, thậm chí là lãng phí cả trí thông minh vốn có của con.

Có một học thuyết, một nghiên cứu rất hay ho về các loại trí thông minh của con người mà chắc hẳn nhiều người đã biết. Đây là một học thuyết mang tính cách mạng và ngày càng thu hút được sự quan tâm cũng như thừa nhận của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học và cả công chúng. Đó là học thuyết về nhiều loại thông minh khác nhau, được nhà tâm lý học Howard Gardner xây dựng và phát triển từ 15 năm qua, học thuyết đã thách thức các định kiến cũ về việc như thế nào là sự khôn khéo, thông minh ở con người, và nhất là ở trẻ nhỏ.

Gardner tin tưởng rằng nền văn hoá của chúng ta đã quá tập trung chú trọng vào chỉ một trong các loại hình thông minh ở trẻ – trí thông minh học vấn (trí thông minh theo tư duy lô-gic và lời nói) mà bỏ qua những dạng khác của trí tuệ và sự hiểu biết của con người. Ông đưa ra ý kiến là có ít nhất 7 loại trí thông minh khác nhau, đều xứng đáng được coi như những cách thức quan trọng của suy nghĩ và tư duy. Xác định được trí thông minh của con cái và giúp chúng rèn luyện cũng như phát triển tài năng thiên bẩm, chính là trách nhiệm cao cả của mỗi bậc cha mẹ.

1. Những loại hình trí thông minh căn bản

Ngôn ngữ học: là khả năng suy nghĩ bằng từ ngữ và sử dụng ngôn ngữ để diễn tả những khái niệm phức tạp. Nó là kiểu thông minh có ở nhiều người nhất, và thể hiện rõ ràng ở các nhà văn, nhà thơ, phóng viên, biên tập viên hay các diễn giả.

Logic: là khả năng tính toán, xác định số lượng, cân nhắc các giả thiết và thực hiện những hoạt động toán học hoàn hảo. Nó thể hiện rõ ở các nhà toán học, khoa học và thám tử.

Không gian: là khả năng nghĩ “ba chiều”, bao gồm trí tưởng tượng, vận dụng hình ảnh, các kỹ năng đồ họa và nghệ thuật. Trẻ có thể trở thành nghệ sỹ, nhà thiết kế, nhiếp ảnh gia, nhà điêu khắc, kiến trúc sư…

Thể lực: là khả năng vận động và dùng rất nhiều kỹ năng đa dạng của cơ thể, điều khiển hoàn hảo những cử động của mình. Trẻ sẽ thành công khi trở thành các vận động viên thể thao, vũ công, diễn viên hay thậm chí là bác sĩ chuyên về phẫu thuật hoặc các ngành nghề cần sự thủ công khéo léo.

Giao tế: là khả năng hiểu và tương tác hiệu quả với người khác. Nó bao gồm việc giao tiếp hiệu quả, khả năng nhận biết sự độc đáo của mỗi người, nhạy cảm với tâm trạng của người khác… Trẻ có trí thông minh này hợp với làm chính khách, giáo viên, nhà trị liệu, nhân viên kinh doanh, diễn viên, nhà xã hội học, nghệ sĩ…

Nội tâm: là khả năng hiểu được bản thân một cách sâu sắc, cũng như những suy nghĩ và cảm xúc của chính mình, và sử dụng những hiểu biết đó trong việc lập kế hoạch và định hướng cuộc sống. Nếu trí thông minh nội tâm của bạn hoạt động mạnh, trẻ phù hợp làm nhà tâm lý học, triết gia hoặc nhà văn…

Môi trường: là dạng tài năng giúp gắn kết con người với mọi thứ xung quanh họ. Dạng này thường có ở những nhà nông lớn, người nghiên cứu môi trường và động thực vật học.

“Người nào học không giỏi ở trường, ngay cả khi họ rất chăm chỉ, thì thường không có tài về đọc hiểu ngôn ngữ. Những người này không thể học bằng cách ngồi ì một chỗ, nghe giảng hoặc đọc sách. Họ chắc chắn là có năng khiếu trong lĩnh vực khác.

Người bị té ngã mà biết đứng lên được gọi là người vững vàng, ngoan cường hay quả quyết. Người dám làm những việc mà người khác kinh hãi được gọi là người có khí phách hay dũng cảm. Một người phạm sai lầm, nhưng dám nhận sai lầm đó và biết xin lỗi, sửa lỗi được gọi là khiêm tốn… Đó cũng là những dạng tài năng, tài năng nội tâm và chế ngự cảm xúc.

Vào cuối thập niên 1930, một nghiên cứu trên những người thành đạt của viện Carnegie cho thấy, trình độ chuyên môn kỹ thuật chiếm dưới 15% trong thành công của một người. Nói cách khác, một tiến sĩ thành công hơn những người khác không nhất thiết vì trường họ học hay vì bản thân họ thông minh hơn ai. Tất cả chúng ta đều biết, có những người học rất giỏi ở trường và được đánh giá là thông minh nhưng chưa chắc đã thành công trong cuộc sống. Khi bạn nhìn vào 7 dạng tài năng khác nhau, bạn có thể thấy có nhiều lý do khác nhau để một người thành công. Nói cách khác, bạn có thể phân biệt rõ được nền tảng của sự thông minh.

Nghiên cứu đó cũng cho thấy 85% thành công trong đời của một người là do “kỹ năng quản lý con người”. Điều đó cho thấy khả năng giao tiếp và làm việc với người khác quan trọng hơn trình độ chuyên môn kỹ thuật rất nhiều.

Một nghiên cứu khác được tiến hành trên 3000 ông chủ qua phỏng vấn trả lời câu hỏi: “Hai kỹ năng hàng đầu mà bạn tìm kiếm khi tuyển nhân viên là gì?” Sáu kỹ năng được đề cập nhiều nhất là: Thái độ tốt, kỹ năng giao tiếp tốt, kinh nghiệm làm việc, những ý kiến của cơ quan cũ, những kỹ năng mềm và tới học vấn. Một lần nữa, thái độ và kỹ năng giao tiếp lại được xếp cao hơn năng lực về chuyên môn trong việc xác định một nhân viên cần có.”

—Robert Kiyosaki, Dạy con làm giàu

Thế nên, các phụ huynh, làm ơn đừng buồn sầu khi con mình không học giỏi trên trường, không giỏi về các môn toán học, khoa học, ngoại ngữ mà lại yêu thích việc vẽ vời, sáng tác văn thơ hay suốt ngày ôm trái bóng tròn chơi miệt mài. Hãy tin rằng đứa trẻ nào cũng có những tố chất và tài năng thiên bẩm, cần thời gian để bộc lộ. Khi bộc lộ rồi thì cần được rèn luyện và phát huy. Chứ không thể áp chung tất cả những đứa trẻ vào cùng một khuôn thông minh logic được.

Khi yêu cầu con cái học giỏi là ta đang yêu cầu con cái phải hội tụ đủ các loại thông minh trên, tức là phải vừa giỏi toán lý hóa, vừa thông thạo ngoại ngữ lại phải làm văn thật là hay, bên cạnh đó còn phải hòa đồng giao tiếp với mọi người, giỏi cả các môn nghệ thuật nhạc họa và thể dục nữa. Mà thật ra cho dù đứa trẻ có giỏi nhạc họa thể thao thì các phụ huynh cũng chẳng quan tâm đâu. Họ chỉ cần con cái mình điểm số toán-lý-hóa-anh-văn thật là cao thôi là đủ rồi. Ai mà quan tâm những môn phụ kia chứ. Ôi chao, mới nghĩ lại thôi đã thấy mệt mỏi quá chừng. Chúng là con người chứ có phải con thú bông đâu mà người lớn lại nhồi kiến thức vào chúng như nhồi thú nhồi bông vậy?

Các bậc phụ huynh cần biết rằng, không phải chỉ có loại hình thông minh logic – học vấn mới cần thiết cho cuộc sống và phải chú tâm. Thực tế đã chứng minh điều ngược lại, một người đầy ắp kiến thức sách vở thật ra chẳng có tác dụng gì trong cuộc sống so với những người khác. Hay như ai đó đã nói “kiến thức chuyên môn là thứ rẻ nhất bạn có thể mua được”. Mặt khác, ta rất ít gặp những người nổi tiếng hay giàu có nhờ học giỏi, học cao, kiểu như giáo sư toán học Ngô Bảo Châu. Mà những người nổi tiếng thế giới và những người rất thành công trong cuộc sống gần như đều xuất thân từ các loại hình thông minh còn lại: một ca sĩ, diễn viên, MC truyền hình, họa sĩ, nhạc công… (điều này có lẽ chưa phổ biến lắm tại Việt Nam nhưng không có nghĩa là không có, hãy lướt sơ trang tin tức và tìm hiểu xem những người đang được ca tụng là thành công, họ xuất thân từ đâu và họ giỏi về lĩnh vực gì)

Xã hội Việt Nam và các bậc phụ huynh quá chú trọng đến trí thông minh học vấn, đó chính là sai lầm. Mỗi một đứa trẻ khác nhau đều có những tố chất khác nhau và hoàn cảnh sống, quan niệm khác nhau. Tại sao không để cho chúng phát triển theo cách tự nhiên nhất để làm cho thế giới này trở nên đa dạng từ những khác biệt.

2. Trẻ thơ – những thiên tài biến mất

Bạn có biết, mỗi đứa trẻ sinh ra đều mang trong mình những tố chất của một thiên tài. Chúng có óc tưởng tượng tuyệt vời, chúng học hỏi mọi thứ một cách tự nhiên, say mê và hứng khởi. Chúng xoay vần sự việc và luôn muốn tìm tòi mọi thứ để hiểu ngọn nguồn. Chúng tò mò mọi thứ trên đời mà chẳng ngại ngùng hay sợ hãi. Chúng liên kết sự việc với nhau và thường có những ý tưởng điên rồ nhất để giải quyết vấn đề. Tất cả những trẻ em đều có thể trở thành thiên tài. Cho tới một ngày, chúng được đưa đến trường. Nơi mà tất cả những gì giáo viên làm, là bắt chúng phải ngồi im, khóa miệng lại không được nói khi chưa được phép, khóa tay chân lại không được cử động khi chưa tới giờ chơi. Và cứ thế, cái khuôn khổ cứng nhắc ấy đã làm mất dần sự hứng thú học hỏi, khả năng tìm tòi và trí tò mò cũng như óc tưởng tượng của bọn trẻ.

Khi xem một trận đấu bóng hay một vở kịch dở tệ, ta đứng lên đi về. Khi xem một kênh truyền hình nhàm chán, ta dễ dàng bật chuyển kênh nào đó thú vị hơn. Thật đáng tiếc. Khi là học sinh ta hoàn toàn không có cái quyền này ở trường học.

Một trong những sai lầm kinh điển của mọi phụ huynh, đó là đùn đẩy trách nhiệm giáo dục con cái cho trường học, thầy cô và nghĩ đó là tất cả những gì cần làm. Không, bạn sai rồi, nếu như mục đích tối thượng của trường học là lan truyền sự hiểu biết và niềm khao khát học hỏi, sáng tạo. Thì nhiệm vụ cao cả của mỗi phụ huynh, chính là phải định hướng những điều tốt đẹp cho con cái, và đặc biệt, là giúp chúng tìm ra chính bản thân mình, tìm ra ý nghĩa sự tồn tại của chúng trên đời. Hay nói cách khác, trách nhiệm của phụ huynh, là phải giúp bọn trẻ nhận ra, phát triển và trau dồi những điểm mạnh và tài năng của chúng. Đó mới chính là nhiệm vụ tối thượng của tất cả các phụ huynh trên đời. Chừng nào ta còn chưa nhận ra điều này, thì chừng đó ta sẽ còn bắt ép con cái phải làm thế này thế nọ, và tất nhiên, chừng đó con cái chúng ta sẽ không thể nào hạnh phúc.

3. Thời học sinh – ký ức ngọt ngào hay nỗi ám ảnh dai dẳng?

Chúng ta thường hay dễ dàng bắt gặp những điều ước đại loại: thời học sinh trong sáng và đẹp nhất, ước gì được quay lại thời đó, ước gì được quay lại với đám bạn thời trung học quậy tưng… Hãy thôi ước lại, và giờ trả lời một cách nghiêm túc đi. Nếu cho bạn quay lại thời học sinh đó sống và không được phép trở lại hiện tại nữa. Tất nhiên với điều kiện mất trí nhớ hoàn toàn, bạn có đồng ý không?

Bạn thật sự muốn quay trở lại những buổi học lo sốt vó vì chưa học bài, chưa làm bài tập? Bạn thật sự muốn quay trở lại những buổi học lê thê nhàm chán, những tập vở chép từ kinh khủng, những bài kiếm tra bất chợt? Bạn thật sự muốn quay lại những buổi đêm thức trắng để cố nhồi ít chữ vào đầu vì ngày mai tới ngày thi? Bạn thật sự muốn quay lại thời đó chứ? Bạn còn nhớ những ngày tháng ôn thi đại học, bạn đã bao lần nhắc nhở bản thân rằng chỉ cố hết tháng này, hết tuần này thôi, rồi thì mọi thứ sẽ qua, rồi thì sẽ không bao giờ quay lại thời học sinh chết tiệt này nữa… Bạn có từng ước như thế không? Vậy mà giờ bạn vẫn muốn quay lại thời đó à? Thật chứ?

Giờ nghĩ lại, tôi mới cảm thấy ngạc nhiên và thậm chí là bức xúc. Suốt 6 năm trung học, hình như không một thầy cô nào từng giới thiệu cho chúng tôi bất cứ một cuốn sách nào, và cũng chẳng một ai nói với chúng tôi về lợi ích của việc đọc sách hay gieo cho chúng tôi tinh thần thích đọc sách cả. Thế nên việc phần lớn học sinh Việt Nam chẳng hề đọc một cuốn sách nào (không kể truyện tranh) là một điều rất bình thường? Tại sao lại thế? Sao giáo viên họ không nhắc nhở chúng tôi những việc bổ ích cho cuộc sống? Tại sao các giáo viên không giúp chúng tôi định hướng nghề nghiệp tương lai của mình. Tại sao các giáo viên không chỉ cho chúng tôi những cách thức đối mặt với khó khăn thử thách trong cuộc sống? Tại sao họ chẳng dạy gì cần thiết cả mà chỉ dạy những thứ lý thuyết khô khan mà học sinh thì cố học mà chẳng hiểu gì, phụ huynh cố tạo điều kiện cho con học mà cũng chả biết gì, giáo viên thì nhồi lý thuyết vào đầu học sinh trong khi họ cũng chẳng biết để làm gì cả.

À không, không hẳn là không biết gì, mà sự thật là mọi người đều làm thế, đều cố gắng nhồi nhét kiến thức chỉ vì một lý do duy nhất mà thôi “điểm số”. Có thể nói, việc đánh giá, phân loại và xếp hạng học sinh bằng điểm số chính là một sai lầm lớn của nền giáo dục. Không thể chỉ dùng một thang các con số cứng nhắc để đánh giá tài năng, công sức và trí thông minh của tất cả mọi người được. Điều đó là không công bằng, với học sinh và với các loại hình trí thông minh khác. Điều đó gây nên một sự lệch lạc về tầm quan trọng của việc học. Chúng ta đi học không phải vì yêu thích, mà vì điểm. Chúng ta đi học không phải vì kiến thức, mà vì điểm. Chúng ta không đi học cho chính bản thân mình, mà đi học vì thể diện của cha mẹ, vì những lo lắng của họ cho tương lai của ta. Việc học vì thế trở nên vô nghĩa và phản tác dụng hoàn toàn.

Các cha mẹ nên biết, một học sinh giỏi cấp 1, cấp 2 và cả cấp 3 đi chăng nữa hoàn toàn không liên quan gì đến tương lai của người đó cả. Thế nên hy vọng các bậc phụ huynh hiện tại và tương lai, tuyệt đối đừng đè áp lực điểm số lên con em mình. Tôi còn nhớ hồi cấp 1, cô bạn tôi là người đứng đầu bảng xếp hạng vào trường cấp 2 với số điểm cao chót vót. Từ đó tôi không học cùng cô ấy nữa, nhưng hiện giờ, cô ấy đang làm nhân viên bán hàng trong một siêu thị. Lên cấp 2, chính xác là năm học lớp 8, tôi là học sinh giỏi nhất khối, lúc đó tôi khá là tự hào luôn. Ấy vậy mà tôi học đại học lại làng nhàng và giờ đang kinh doanh tự do. Chẳng nghề nghiệp gì cao siêu như bố mẹ kỳ vọng cả.

Còn cô bạn học giỏi nhất hồi cấp 3 tâm sự giờ đây cũng đang làm vài công việc văn phòng vớ vẩn, muốn thoát ra mà không biết làm cách nào. Chị hai tôi hồi học sinh luôn là một người dẫn đầu trong lớp, là niềm tự hào của các giáo viên bộ môn vì chị giỏi đều các môn, từ toán sinh hóa cho đến văn sử địa. Chị thường được đi thi học sinh giỏi môn Sinh và Sử. Năm thi đầu tiên, chị thi vào trường y, vì thiếu nửa điểm nên chị bị rớt, phải nói bố mẹ tôi đã buồn thế nào. Mang theo nỗi mặc cảm và thất vọng, chị quyết năm sau thi lại vào chuyên ngành du lịch vì văn và sử của chị cũng khá ổn. Tất nhiên lần này chị đậu, nhưng sau một thời gian học hành không hứng thú, chị về nhà lấy chồng và giờ chỉ ở nhà làm công việc nội trợ. Thật là một sự phí phạm những năm tháng khổ ái. Nên thành thực mà nói, những năm tháng tiểu học và trung học thật sự chẳng mảy may liên quan gì tới tương lai con cái chúng ta cả. Đừng tạo gánh nặng cho mình rồi áp lên vai lũ trẻ nữa các phụ huynh à.

À còn điều này, bạn biết đấy, thế giới này vận hành, phát triển nhờ vào những ý tưởng và sự sáng tạo không ngừng nghỉ của loài người. Hay có thể nói, ý tưởng và sáng tạo là một trong những nhân tố cần thiết và quan trọng hàng đầu cho sự thành công của một người hay thậm chí cả loài người đúng không? Ấy vậy mà, hãy chỉ cho tôi, suốt 6 năm trung học, chúng ta được dạy những gì về việc sáng tạo những ý tưởng nào? Chúng ta được dạy môn học nào để phát triển khả năng sáng tạo nào? Toán lý hóa ư, không. Văn sử địa ư, không. Ngoại ngữ, không luôn… Chẳng gì cả. Không có bất cứ một môn học nào dạy chúng ta cách tư duy và sáng tạo cả. Chỉ có những môn học cố nhồi vào đầu ta những công thức khô khan, những định lý nhập nhằng và những bài thơ sáo rỗng, vô nghĩa với thực tại.

4. Sinh viên – bao năm qua rồi học gì và được gì?

Cái gì là cần nhất trong thời sinh viên? Phải chăng là kiến thức chuyên ngành? Kỹ năng sống, kỹ năng mềm hay những trải nghiệm cuộc sống thực tế?

Giả sử kiến thức chuyên ngành là quan trọng nhất. Ok. Bạn học được bao nhiêu kiến thức chuyên ngành ở giảng đường? Bạn có thể mang bao nhiêu để vận dụng vào công việc sau khi ra trường? Hỏi 100 người thì hẳn 90 người trả lời bạn là không gì cả. Chẳng áo dụng được gì cho công việc từ những kiến thức ta được học ở trường. Ơ thế thì trường dạy cái gì? Kỹ năng mềm à? Hãy thử kể tôi nghe một vài kỹ năng mềm trường học dạy bạn đi. Kỹ năng giải quyết vấn đề? Quản lý thời gian? Lập kế hoạch? Thuyết trình trước đám đông? Đối mặt với nỗi sợ hãi? Đàm phán thương thảo?…

Không, lại hình như giảng đường chẳng dạy gì cho chúng ta cả. Không một kỹ năng mềm nào được dạy trên trường. Những giảng viên đại học thường là những người có học vấn cao siêu, thạc sĩ này nọ. Họ có giới thiệu cho bạn cuốn sách nào hay ho ngoài một vài cuốn giáo trình liên quan hay sách mà chính họ viết không? Họ có thực sự quan tâm đến sự hiện diện của bạn trong lớp học hay điểm số của bạn? Không, nếu như thời học sinh giáo viên còn quan tâm đến điểm số của bạn thì khi là sinh viên, chả ai quan tâm gì tới bạn cả. Họ thậm chí còn không biết sự tồn tại của bạn nữa cơ. Đừng ngạc nhiên về điều này nhé.

Sau cùng, nếu bạn nghĩ rằng giảng đường sẽ dạy cho bạn những trải nghiệm cuộc sống, thì bạn hoàn toàn sai rồi. Sai trầm trọng. Sai khủng khiếp luôn ấy. Chẳng có trải nghiệm nào được dạy trên giảng đường cả. Thế sau cùng, giảng đường dạy gì cho bạn? Họ chỉ nói với bạn rằng, bạn đã lớn và phải tự lập, tự giác thôi. Đúng rồi, giảng đường chỉ dạy bạn về sự tự giác mà thôi. Tự học, tự tìm hiểu, tự làm tiểu luận, tự sống sao thì sống chấm hết. Và theo tôi được biết, chúng ta thường học môn tự giác này rất tệ. Tự giác làm gì khi chả yêu thích, chả hứng thú, chả quan tâm. Tự giác làm gì khi thích ngủ thì ngủ thích chơi thì chơi thích làm gì thì làm… Đấy là tâm lý nói chung của đa phần các sinh viên. Một sự lãng phí khủng khiếp cả thời gian, tiền bạc và công sức.

Chủ đề này có thể khiến rất nhiều người phản đối. Tôi đồng tình với các bạn, trường học vốn dạy chúng ta rất rất rất nhiều điều, rất nhiều kiến thức. Chỉ có điều, phần lớn những kiến thức này không ăn nhập lắm với cuộc sống thực, với những gì chúng ta cần trải qua và đối mặt mỗi ngày. Trường đại học hẳn nhiên không vô dụng như thế, rất nhiều người sau khi học xong ra trường đã thành công rực rỡ và cũng rất nhiều thứ hay ho bạn có thể học được ở chốn giảng đường. Giảng đường là bước đệm cho bạn làm quen với cuộc sống thực, là nơi cung cấp cho bạn những kiến thức nền tảng.

Tất nhiên bạn hoàn toàn có thể thu nạp học hỏi được rất rất nhiều kiến thức hay ho bổ ích từ trường học, nhưng với một điều kiện, bạn phải thật chú tâm, chăm chỉ và chịu khó học hỏi. Kể cả khi người khác không yêu cầu, kể cả học những thứ không nằm trong chương trình học. Nhưng thực tế là, phần lớn chúng ta, những con người lười biếng và ỷ lại, chúng ta không hứng thú đến việc học nhiều như thế, chúng ta không giỏi trong việc tự giác học nếu không bị nhắc nhỏ hay thúc ép, thế nên đối với chúng ta, giảng đường không phải là không dạy gì, mà là tự chúng ta không chịu học nên không học được gì từ nó cả.

Nếu ta là phụ huynh và ta biết điều này, thì liệu ta có còn cương quyết và nhất định bắt con em mình phải đậu đại học, phải học đại học, phải có tấm bằng đại học? Tôi nghi ngờ điều đó.

Để cải thiện những năm tháng sinh viên, biến chúng thành một thời gian vui vẻ, hữu ích và rực rỡ, xin vui lòng đọc lại bài “có một thế giới rất tuyệt ở trường đại học, khi là sinh viên, đừng bỏ lỡ nó”. Ở đó, tôi đã hướng dẫn bạn biến thời sinh viên trở nên vô cùng ý nghĩa và cực kỳ thú vị. Ở đó không có giảng viên, không có tiểu luận, không có những tiến sĩ gây tê gây mê gì cả. Chỉ có những hoạt động trải nghiệm và học hỏi thực sự mà thôi. Hãy trải nghiệm nó.

Bảng điểm chẳng nói lên điều gì về một con người, đừng quá chú trọng đến nó mà bỏ quên những thứ khác tuyệt vời hơn

Thật buồn khi nhà trường đánh giá một con người bằng điểm số, buồn hơn nữa là chính cha mẹ cũng đánh giá con cái mình qua bảng điểm đó. Con học giỏi cha mẹ tự hào, cho rằng con thật ngoan và hiếu thảo. Một sự buồn tệ hại hơn là xã hội và cuộc sống này lại không đánh giá con người như nhà trường và cha mẹ chúng ta. Điều đó dẫn đến những mâu thuẫn và thất vọng về lâu dài. Khi đi ra ngoài xã hội, họ chẳng cần chúng ta phải có bảng điểm đẹp hay học giỏi. Họ cần chúng ta làm tốt công việc của mình và có sức sáng tạo.

Thật ra xã hội Việt Nam vẫn rất trọng bằng cấp, một tấm bằng đẹp khiến cho ta dễ xin việc hơn. Nhưng bằng đẹp mà vào làm không được việc gì thì cũng vứt, không đúng sao? Chẳng có một công ty nào dám tuyên bố rằng nếu bạn có một bảng điểm đẹp, họ sẽ đảm bảo tương lai cho bạn. Không, tuyệt đối không có công ty nào dám làm thế cả. Mới đây, tôi đọc được một bài báo nói đại ý rằng, trong tình hình nền kinh tế hiện nay, tấm bằng Harvard cũng sẽ không cứu nổi bạn. Một tấm bằng giá trị nhất thế giới như thế còn không cứu nổi người ta khỏi bị thất nghiệp, bị tống ra khỏi công ty, thì tấm bằng của chúng ta, liệu còn nghĩa lý gì?

Chúng ta không thể hay rất khó để thay đổi tâm thức của cha mẹ mình. Nhưng một việc chúng ta hoàn toàn có thể, đó là thay đổi tâm thức và suy nghĩ của chính mình – những bậc phụ huynh trong tương lai. Rồi từ đó ta thay đổi cách đối xử và cách kỳ vọng đối với con cái của mình. Hãy cho chúng một tuổi thơ đúng nghĩa và những điều kiện tốt nhất để phát triển những tố chất của mình. Để mỗi đứa trẻ đều có thể bộc lộ những khả năng thiên bẩm, khả năng sáng tạo và luôn đam mê học hỏi những điều mới lạ. Đừng áp chúng vào bất cứ cái khuôn nào cả, dù vuông hay tròn, đó thật sự mới là cách giáo dục nhân văn.

Những phụ huynh tương lai, hãy thức tỉnh chính bản thân mình, về điều bạn muốn, thật sự muốn dành cho con cái. Bạn muốn chúng thông minh, sáng tạo hay điểm số cao? Bạn muốn chúng thực sự yêu thích và không ngừng học hỏi, trải nghiệm hay bạn cần nơi chúng một tấm bằng? Bạn muốn chúng được hạnh phúc với những gì chúng yêu thích hay bạn muốn hãnh diện với thiên hạ nhiều hơn khi gò được một đứa con như bạn mong muốn? Hãy lựa chọn cho mình một nền tảng giáo dục đúng đắn mà bạn mong muốn, và rồi đặt nó lên chính con em mình. Để cuộc đời chúng không phải trách than và tiếc nuối nhiều như chúng ta nữa.

 

Phi Tuyết

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

104 BÌNH LUẬN

  1. phần học giỏi là thông minh: trước tiên để phân tích xem quan niệm này đúng hay sai ta cần phân tích xem để học giỏi ta cần những yếu tố nào, theo tôi nó cần 2 yếu tố quan trọng là thông minh và chăm chỉ. vì một bài giảng là có giới hạn về thời gian dạy nên để hiểu được nội dung thì luôn cần có sự thông minh, nhưng để vận dụng chính xác những gì đã học vào các bài tập thì cần sự rèn luyện thường xuyên vì vậy cần sự chăm chỉ. với một nền giáo dục tốt, để học giỏi thì rất cần yếu tố thông minh. như với một nền giáo dục tệ hại, phương pháp dạy và học là thuộc lòng, coi trọng hình thức và đạo đức xh suy đồi, học sinh thì bói bài, giáo viên bán điểm qua các buổi giải trước bài kiểm tra trong lớp học thêm… thì giỏi không phải là thông minh mà cũng cần rất ít sự chăm chỉ, cái giỏi ở đây cần nhiều tiền, sự gian dối và khả năng học vẹt.

    còn đối với các bậc phụ huynh? nguyên nhân bận bịu cũng có nhưng chỉ là phụ, nguyên nhân chính là trình độ nhận thức và học vấn kém do họ sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước tàn tạ sau chiến tranh, họ học trong nền giáo dục kém cỏi, đồng thời trong khoản 20 năm trở lại đây đất nước có rất nhiều đổi thay đặt biệt là về kinh tế, đời sống và quan niệm sống, tất cả những điều đó tạo ra các bậc phụ huynh bất lực trong việc giúp con cái học tập, cấp tiểu học họ còn có thể theo sát nhưng lên cấp cơ sở thì họ dần bất lực, họ giao phó việc đó cho nền giáo dục và chỉ có thể đốc thúc con mình chăm học, được bảo là được điểm tốt thì cần phải học thêm là bắt con học thêm. sự thay đổi về kinh tế và quan niệm sống khiến họ không hiểu con mình muốn gì khiến những đứa con trở nên chán nản và lạc lối, không hiểu chúng cần trang bị gì để đáp ứng sự phát triển của đất nước. họ giao phó tất cả cho giáo dục nhà trường. trong khi giáo dục nhà trường ngày càng trở nên kém chất lượng, bảo thủ không chịu cải cách, thời đại thay đổi người ta cần bỏ cái cũ thêm cái mới nhưng giáo dục nước nhà rất tham lam, họ muốn ôm hết thế nên chương trình càng ngày càng nặng, trong khi thời gian dạy và sức học có hạn nên cuối cùng học thì nhiều mà chẳng hiểu bao nhiêu. có hằng hà sa số các kiến thức vô bổ phải vứt hết vì hầu như không vận dụng trong thực tế. cuối cùng thì trách ai? bạn tự nghĩ đi.

    phần về các trí thông minh: trong phần này bạn mắc một sai lầm khá lớn đó là đổ trách nhiệm lên các bậc phụ huynh, thật ra môn nào là quan trọng môn nào không quan trọng không phải do chính họ quyết định mà do chính sách của nhà nước, nếu nhà nước bảo ban C rất có tương lai thì các bậc phụ huynh chạy trối chết cũng cố gắng cho con mình theo ban C, còn những phân tích khoa học thì các bậc phụ huynh (như đoạn trên tôi phân tích) biết cái gì? nhiệm vụ đó phải do giáo dục nhà trường. Trong thời kỳ đổi mới, nền kinh tế cần nhiều kỹ sư, thợ và công nhân để đáp ứng cho kế hoạch công nghiệp hóa hiện đại hóa, chính vì vậy báo đài ra rã rằng học ban A thì sau này rất có tương lai, dễ tìm biệc làm. đừng nói là phụ huynh, kể cả học sinh nghe mà còn háo hức nữa là. thế là ban A lên ngôi, nhưng bạn đã phân tích, mỗi con người có từng cái thông minh khác nhau nên tất cả mọi người dồn vào một thứ thì sinh ra rất nhiều sản phẩm kém chất lượng, người ta có thông minh mặt đó đâu mà bắt phải giỏi, không giỏi thì chán học và sinh ra nhiều tệ nạn khác. lỗi này là do chính sách giáo dục sai lầm, vì đáp ứng cái lợi trước mắt mà bỏ qua cái gốc là lợi ích của học sinh và sự đồng đều của các thành phần chuyên ban trong xh. ban A vì quá nhiều mà thành ra kém chất lượng, các ban còn lại vì quá ít cũng thành ra kém chất lượng, đặt biệt ban C tuy kém trong việc phát triển kinh tế nhưng nó lại là chủ đạo trong việc phát triển xh. một nền kinh tế đi lên không có nghĩa trình độ dân trí cũng lên theo, mà ban C là nền tản của trình độ dân trí. thật là càng nói càng chán giáo dục nước nhà.

    phần trẻ thơ thiên tài biến mất: phần này mình không cùng quan điểm với bạn, chúng ta đòi hỏi trách nhiệm ở phụ huynh khi nền dân trí cao, còn nên dân trí thấp thì họ biết cái gì để định hướng cho con cái mình trong tương lai? một bác nông dân, một chú xích lô, một anh công nhân sao biết được điều đó ? bạn vẫn còn nhìn sự việc ở góc nhìn của bạn – một người trí thức và hiểu biết nên đòi hỏi những điều vượt quá khả năng của họ. trách nhiệm đó phải thuộc về nhà trường, ở những chính sách vĩ mô do những nhà giáo dục “tài ba” hoạch định và thực hiện. nhưng nhìn hiện trạng nước nhà thì tôi không tin tưởng về điều đó.

    phần học sinh và sinh viên tôi không bàn tới, nhưng bàn về những phần sau đó.

    tất nhiên! nếu biết nền giáo dục như thế thì… vẫn nghĩ đến chuyện cho con vào đại học nhưng phải xem trường nào và chương trình học ra sao, cũng không phải tất cả các trường đại học đều dạy như nhau. về phần điểm số thì tôi nghĩ bạn quan niệm sai lầm, điểm số rất quan trọng, cực kỳ quan trọng khi… điểm số đó đánh giá đúng năng lực của học sinh. điểm số là một thước đo năng lực, nền giáo dục càng tiên tiến thì giá trị điểm số càng gần với thực tế. để đánh giá một con người thì người ta cần các bài kiểm tra năng lực dù là bất cứ mặt nào của cuộc sống và điểm số chỉ là một công cụ thôi. nhưng ở nước ta, người ta thường có thể đạt được điểm số mà không cần năng lực, các bài kiểm tra có nội dung không phù hợp với năng lực, tức là dù làm tốt bài kiểm tra đó cũng không thể hiện được năng lực của người đó là tốt (kiểm tra sai hướng), ngoài ra còn có năng lực được kiểm tra không phải là năng lực mà thực tế cần. sai lầm là ở quá trình và chất lượng để đạt tới điểm số chứ không phải bản thân điểm số. nó gọi là lạm phát điểm số, như lạm phát tiền vậy, cũng 20.000 nhưng ở Mỹ có thể mua được một chiếc xe , còn ở VN thì mua được gói thuốc lá. giá trị chúng hoàn toàn khác nhau, mà với đà lạm phát như hiện tại thì vài năm nữa 20.000 không mua được gói thuốc cũng nên, và điểm 10 giá trị không bằng được 1 điểm (đúng năng lực). đúng là dù có bằng đẹp mà không làm được việc thì cũng mất việc. nhưng đừng đem các trường đại học thế giới ra ví dụ, nếu người có bằng đó mà không làm được việc thì mấy cái trường nổi tiếng đó nên dời về VN là vừa. đừng lấy tiêu chuẩn của VN để đánh giá những tiêu chẩn tiên tiến khác, dù là một ví dụ để minh họa.

    có lẽ viết đến đây đã rất dài. phê phán cũng nhiều nhưng mong bạn đừng giận, mỗi khi tôi đọc bài ai đó là tôi đang học, khi từ bài đó tôi nêu ra một luận điểm cũng là lúc tôi đang học. mà những cái đó cần thiết cho tôi, cho bạn(nếu bạn thấy vậy) và cho những ai đọc. cảm ơn bài viết của bạn, nhưng điều tôi quý trọng nhất là mục đích muốn mang lại những điều tốt đẹp cho người khác thông qua bài viết.

  2. Bài viết khá chặt chẽ, nội dung rõ ràng, có chính kiến. Tuy nhiên, có lẽ để tạo sức thuyết phục cho bài viết mà bạn đã lồng khá nhiều cảm xúc và suy nghĩ chủ quan vào, theo cách nhìn của bạn mà quên mất rằng mọi thứ với bạn có thể là như vậy, nhưng với người khác thì không như vậy, i.e. chuyện nhồi nhét kiến thức. Mình nói luôn là những thầy cô mình học qua, có một số ít lên lớp cho xong bài, nhưng hầu hết đều rất nhiệt tình với bài giảng. Kiến thức là 1 phần, nhưng cái quan trọng là có thể truyền cái tình yêu cho học sinh, để học sinh hứng thú và chăm chỉ học môn đó, cái đó là cốt yếu. Không phủ nhận rằng chương trình học của nhà mình khá đồ sộ, nhưng nếu bạn nhìn ra ngoài thế giới, xem họ đang ngày đêm ngồi trong thư viện đọc tài liệu để viết được 1 bài khoá luận đủ tiêu chuẩn, bạn sẽ thấy học ở nhà nhàn hơn đến mức nào.
    Nói về vấn đề bạn học được gì khi lên giảng đường đại học, vậy thì phải lật ngược lại vấn đề, bạn mong muốn học được gì và bạn có làm gì để đạt được mong muốn của mình? Tôi đã từng đi học, rồi đi làm, rồi lại đi học ở 1 môi trường mới, cái tôi cảm nhận được chính là kiến thức thì hoàn toàn có thể tự bồi đắp được, nhưng phương pháp luận, cách suy nghĩ để giải quyết vấn đề thì khó có sách nào hướng dẫn bạn tốt hơn môi trường học đại học. Bạn học những môn lý thuyết khác nhau, khô khan và rời rạc, nhưng thử 1 lần hệ thống chúng lại, bạn sẽ thấy chúng được xây dựng theo những hệ thống nhất định, đủ để bạn hình thành và phát triển phương pháp luận cho mình, cùng tính logic. Nếu bạn không học được điều đó thì đúng là bạn đã lãng phí thời gian học đại học của mình.
    Bạn nói rất đúng rằng, thay vì ngồi chờ một nền giáo dục thay đổi thì hãy tự thay đổi mình trước. Nhưng tôi cũng xin nói thêm một chút rằng, thay vì phủ nhận mọi giá trị mà mình đang được nhận, hãy tiếp thu và chọn lọc ra những thứ có ích cho mình. Mọi thứ có giá trị khi chúng được sử dụng đúng cách.

    • đồng ý ạ
      mình có nói là trường dạy rất nhiều nhưng căn bản là phần lớn chúng ta – những người lười biếng lại k chịu học từ nó, vì nó nhàm chán, vì nó k đủ thực tế và hấp dẫn
      còn những người học được nhiều từ trường học, tuy k nhiều nhưng mình thật sự trân trọng họ, cũng như trân trọng việc giáo dục hay trường học
      mình chỉ chưa trân trọng cách nó hoạt động thôi
      có lẽ đúng là mình chèn hơi nhiều cảm nhận cá nhân lẫn ví dụ về cs xung quanh, hi vọng mọi người có thể bổ sung về việc học của chính họ để mình có thể học hỏi nhiều hơn
      cám ơn lắm góp ý của bạn! Trân trọng!

      • Bài viết nội dung rõ ràng, thay đổi nền giáo dục hãy thay đổi chính bản thân mình,nhưng bạn hiểu răng ở Việt nam phải có bằng cấp người ta mới công nhận cho sự sáng tạo ví dụ như mấy anh nông dân chế tạo ra máy bay tàu ngầm thì người ta bảo anh có bằng cấp gì đâu mà sáng tạo dẹp dẹp ngay.NÓI CHUNG LÀ RẤT KHÓ

      • chúng ta-sao chị lại gộp bản thân mình vào những người đó?
        theo em nghĩ, nếu muốn thay đổi người khác mình phải là người tiên phong thay đổi trước. thật ra những ý kiến của chị hầu như ai đã từng là sinh viên đã đôi lần trăn trở. cái họ thiếu chính là định hướng, họ không biết làm thế nào, nếu có thể, chị nên viết những cách hướng dẫn, nếu họ thấy thích hợp với mình, họ sẽ áp dụng.

  3. Thưởng người ta khuyên ai đó làm việc gì tức là họ có làm việc đó. Thầy cô không khuyên đọc sách đơn giản vì họ cũng chả đọc. Vì nếu họ chịu đọc nhiều thì chắc chắn họ không nhai lại cuốn giáo trình mà bộ đã soạn sẵn khi dạy học sinh. 😀 bi kịch nằm ở chỗ đó.

  4. uhm thực ra ngày tựu trường của mình thì mình phải lắng nghe xem nhà trường dặn dò gì rồi chỉ tiêu phấn đấu như thế nào! nếu là trường cấp 3 bình thường thì mình không nói nhưng cao đẳng nghề thì khác 1% tỷ lệ học sinh tốt nghiệp được giới thiệu việc làm có công nhận trong hàng chục các nghề mà học sinh theo học là rât rất quan trọng!

    cần phải nghe kỹ những thông tin ấy!

  5. Chậc, đúng là xã hội hiện nay trọng thành tích quá mà quên mất đi bản chất của việc học – mà theo định nghĩa là để tích luỹ kiến thức cho mình, để làm giàu cho mình, sau đó là cống hiến bằng ứng dụng tất cả những điều đó. Nhưng trường lớp (đa số & nếu không định hướng được bản thân) đều hướng chúng ta đến nhầm chỗ, là điểm số, là sách vở, là những kỳ vọng nối tiếp kỳ vọng. Để rồi sau đó mới nhận ra đã bỏ lỡ cả một tuổi trẻ, quá muộn.

  6. Nhìn các em nhỏ bây giờ đi học mà xót xa lắm.Sau hàng trục năm khi rời khỏi mái trường pt thấy chẳng có gì thay đổi.vẫn cách học nhàm chán,ko có định hướng rõ ràng.Mọi thứ đều rất mơ hồ và chung chung

  7. Em đang theo học lớp 12. Em thấy mình đang khá ổn với chương trình cày như trâu của mình. Sáng học trên trường, chiều mấy buổi học môn chuyên, tối đến đi tập thể dục xíu rồi lại học thêm. Mãi đến 9h mới về nhà. Năm 10 với 11 em vi vu lắm. Nhưng 12 rồi em không thể để ba mẹ lo lắng nữa nên phải bước chân lên con tàu tốc hành này. Thú thật có lúc em cảm thấy rất mệt, mệt vì mình phải nhồi vào hàng đống thứ không hẳn là vớ vẩn nhưng có lẽ là quá nhiều. Trong khi đó những môn như Sử Địa này nọ thì lại quá dài dòng, khô khan, khó nhớ. Sử là phải để dễ nhớ, nhớ những ý chính. Địa cũng vậy. Thú thật 12 rồi em còn không biết đầy đủ các triều đại VN. Địa lý em còn không biết xem bản đồ một tp nào đó và tự tìm đường. Nhưng vì nền giáo dục đã như vậy rồi, chỉ còn cách là xuôi theo nó và cố gắng bồi đắp thêm nhiều kiến thức, nhiều kỹ năng ở các lớp bên ngoài vào để mình trở nên tốt hơn thôi.
    Em không phủ nhận em cũng nghe theo lời ba mẹ, ba mẹ chọn nguyện vọng cho em từ hồi em còn rất nhỏ. Em biết là làm vậy thì không hay cho lắm nhưng nếu k chọn nguyện vọng đó em cũng chả có nguyện vọng nào khác, em còn không biết đam mê của mình là gì, mình giỏi những gì. Nhiều lúc em thấy thất bại của giáo dục là chính em 🙂

    • đâu dễ mà người ta tìm ra đc đam mê của mình đâu e
      nên e đừng lo lắng nhé
      thường khi ta ra ngoài đời, trải nghiệm nhiều e mới tìm ra được đam mê riêng của mình
      nên từ giờ tới lúc đó, làm vui lòng ba mẹ cũng là 1 ý hay và thiết thực đó
      theo chị thầy Sử chỉ cần cho các bạn coi những đoạn phim tài liệu về chiến tranh VN xưa thì có thể khơi gợi cảm xúc và tình yêu nước hơn vạn lần những bài giảng hay những con số súng ống người chết
      chị từng được coi, bật khóc luôn

      • Có lẽ em phải tự làm việc đó. Giáo viên bây giờ có một chút gì đó rất cổ hủ và luôn coi mình là đúng. Em đã thử góp ý nhưng cuối cùng nó chả khác gì cả. Chỉ được đáp lại vài câu như :”Sao người khác học dc mà em lại không?”. “Do em không nghe giảng và chú ý thôi” “Do em không soạn bài” “Do em lười học”.
        Tuy vậy, có những thầy giáo rất đáng kính, niềm nhiệt huyết phải nói quá quá tuyệt luôn ấy ạ. Những thầy giáo đó không phải là không có nhưng chiếm không nhiều,
        Và cái vụ soạn bài văn ấy ạ. Em đã tự hỏi rất rất nhiều lần nhưng em vẫn chưa biết hỏi ai. Ai là người đề ra cái vụ soạn bài mà còn yêu cầu hs trả lời đúng và dài dài dài. Nếu đã trả lời đúng thì em cũng đâu được quyền xách cặp đi về đâu. Thà đọc qua và nắm bắt thì ok. em thích đọc văn học nhưng bắt học sinh soạn đầy đủ đến nỗi bọn em đứa nào cx có sách học “dốt” ngữ văn và vở soạn đứa nào cx y nhau….
        Vâng. Giáo dục đang thay đổi rồi. Cầu cho nó hạn chế dc những điểm hại, những cái làm chết đi sự sáng tạo của hs và thay vào đó là cái rập khuôn của người lớn. Nơi mà họ bắt con cá thi leo cây với con khỉ

      • Mình không quan trọng chức danh. Nhưng chính xác bạn ấy viết là “kiểu như tiến sĩ toán học Ngô Bảo Châu”
        Người đại diện cho trí tuệ VN mà có vẻ như bạn ấy không xem ra gì hết -.-

        • kiểu như, như là, tiêu biểu là, đại diện là…. đối với mình k khác biệt lắm
          mình trân trọng những gì ngài ấy đã làm
          chỉ là mình k thực sự quan tâm cho lắm
          Xin lỗi nếu điều đó làm bạn phiền lòng nhé

        • Có 2 vấn đề:

          Vấn đề 1: Giáo sư Ngô Bảo Châu chỉ đại diện cho trí tuệ nhân loại, khả năng vô hạn của nhân loại, không phải là trí tuệ Việt Nam vì ông không nhận được hỗ trợ gì từ Việt Nam để đạt được những thành công cả.
          Nếu ông ở Việt Nam chắc chắn không có ông bây giờ. Đây là biến số ảnh hưởng đến thành công của ông chứ không phải là việc ông có phải người Việt Nam hay không.
          Chúng ta không thể cứ thấy người Việt Nam nào trên thế
          giới thành công là chúng ta tung hô nước Việt Nam, điều này chẳng khác nào chủ nghĩa dân tộc cực đoan hết.

          Vấn đề 2: Việc GS NBC đạt được những thành tích đó chỉ đại diện cho thành công của sự nghiệp của ông thôi.Tác giả bài viết không nhận được lợi từ việc này cả. Tôi không nhận thấy sự xúc phạm nào cả, cách nói của tác giả chỉ xem ông NBC như là người bình thường thì cũng không có gì xấu cả.
          Trước khi ông NBC nhận giải thưởng toán học Fields không ai trong chúng ta biết ông dù ông cũng đang cố gắng hàng ngày, cố gắng hết sức mình. Chỉ sau khi ông nhận giải thưởng và báo chí tung hô chúng ta mới biết đến ông.
          => Tôi đang tự hỏi có khi nào chúng ta đang là những con cừu của báo chí không. đó là nỗi băng khoăng của tôi.

    • thành thực xin lỗi bạn và những bạn đọc khác về sự nhầm lẫn tai hại này
      mình cảm thấy rất tiếc và lấy làm xấu hổ
      mình sẽ sửa ngay
      cám ơn bạn vì đã phản hồi lỗi lầm này cho mình nhé, cám ơn bạn!

  8. còn về đoạn tại sao bố mẹ bắt con cái học các môn tự nhiên vs xã hội mà không học nghệ thuật, thể thao. thì e nghĩ lí do cũng đơn giản thôi như thế này. Tương lai cần phải sống mà sống cần $. Việc làm nghệ thuật hay thể thao ở Ta thì ngán ngẩm thôi rồi. Tài thì ít mà scandal thì nhiều. nên họ ko muốn con cái họ như vậy.

    • học nghệ thuật đâu đồng nghĩa với việc ra biểu diễn đâu bạn, cựu ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice là một tay chơi piano xuất sắc đó thôi. Học các môn nghệ thuật để cho đứa trẻ cân bằng lối sống. Nói khoa học xíu là cân bằng Não trái Não phải vậy

      • vậy bạn đã gặp những người họa sỹ trong xóm trọ, cặm cụi loay hoay cả đời cũng ko thể lo nổi cuộc sống cho gia đình và cho chính bản thân mình chưa? một năm từ các trường tốt nghiệp bao nhiêu họa sỹ, ca sỹ, kiến trúc sư, nhạc sũ, nghệ sỹ, diễn viên, … bao nhiêu trong số đó có thể sống dc với nghề chứ chưa nói tới “rất giàu” như bạn? Mình nghĩ bạn nên quan sát nhiều và có cái nhìn toàn diện cuộc sống hơn trước khi đưa ra quan điểm đánh giá của mình, như vậy sẽ thuyết phục hơn.

        • chính vì những suy nghĩ như bạn mà người ta mới đổ dồn vào những ngành như kinh tế này nọ, ngta mới ép con cái mình phải theo ngành nọ ngành kia
          và theo bạn, chúng ta nên nhìn vào những người giàu có và thành công để học hỏi hay nên nhìn vào những người nghèo khổ cùng cực để mà học hỏi đây?

          • mình nghĩ là mình có quan sát, nên mới nói trong ngoặc rằng xã hội VN chưa chú trọng đúng mức đến những tài năng này. Đó là tiền đề của những sự mất cân bằng trong xã hội.
            Và nếu để chọn quan sát giữa 1 họa sĩ thành công vs 1 họa sĩ thất bại, mình chọn quan sát người thành công

          • Bạn nên tìm hiểu về Leona Davinci, về các ngôi sao ca nhạc trên thế giới kiếm hàng chục tỷ USD từ các show diễn của họ, hãy nhìn vào công nghệ giải trí của nước hàn quốc, thiên tài âm nhạc Yiruma người nhật,… Nghệ thuật thì cần phải thật sự nghệ thuật, không phải bạn vẽ một bức tranh như con nít rồi hét giá bán nó để làm tăng giá trị nó lên và mọi người sẽ mua nó. Liệu bức tranh đó có xứng đáng số tiền như vậy không nó đòi hỏi bạn phải thật sư quyết tâm và thật sự có tài năng vượt trội mới có thể kiếm được tiền bằng nghệ thuật………Còn về kinh tế thì cũng không đơn giản là học rồi sẽ có tiền……………. Bạn chọn lĩnh vực nào có tiền hiện ra trước mắt à ! Theo mình thỳ ở đâu bất kì lĩnh vực nào cũng có thể kiếm tiền cả, bạn thật giỏi và luôn trau dồi tài năng nghệ thuật hay trở nên tốt hơn về lĩnh vực kinh tế thỳ ở đâu bạn cũng có tiền được cả quan trọng ở bản thân bạn thôi…

  9. “Thật ra xã hội Việt Nam vẫn rất trọng bằng cấp, một tấm bằng đẹp khiến cho ta dễ xin việc hơn. Nhưng bằng đẹp mà vào làm không được việc gì thì cũng vứt, không đúng sao? Chẳng có một công ty nào dám tuyên bố rằng nếu bạn có một bảng điểm đẹp, họ sẽ đảm bảo tương lai cho bạn.”

    Vấn đề ở đây là gì. Theo e nghĩ công dụng của tấm bằng dường như nó được hiểu nhầm. Nó là 1 tờ giấy công nhận kiến thức của bạn. Bạn có kiến thức mà không làm được việc thì vấn đề này ở đâu….?
    Chỉ mất vài triệu để mua được cái bằng kĩ sư tiến sĩ giả nó rẻ quá phải không. Và bọn họ cũng không phải rảnh để mang tiền đi mua cái tờ giấy giả đó nếu ko được gì. Hay phải đứng tên mất tiền thuê người học hộ thi hộ để làm gì cả
    ….. hihi. theo e nghĩ là như vậy.

  10. Em mới học lớp 10 nhưng cũng thấy sự vớ vẩn, nhồi sọ của giáo dục. Mới đầu năm mà em đã học gần như kín tuần. Trong khi đó, em còn không có thời gian để làm hết tất cả các bài tập. Phải thức khuya lắm mới có thể làm được những viết riêng mình thích: Như viết nhật kí, viết bài gửi lên THDP, xem 1 bộ phim,đọc một quyển sách,…Biết là nó lạc hậu nhưng làm gì được đâu. Hôm thứ 2, ông hiệu phó trường em tuyên bố 4-5 lần câu: ” Học là để thi, chỉ có thi thôi”. Là học sinh em buồn dữ lắm nhưng không biết sao?

      • Chắc em là thằng chú ý nhất trong gần 1000 thằng. Hôm khai giảng cũng thế, chắc chỉ mình em nghe thôi. Ông bị khùng chắc luôn, ông cứ nhắc hoài về thay đổi quy chế thi rồi đủ kiểu nhưng thực ra vẫn chốt lại HỌC ĐỂ THI. Nhiều khi em nói thì nhiều người bảo bị khùng, học để thi, thi thì mới có bằng, có bằng mới xin được việc. Rõ là mình hiểu vấn đề nhưng nói với mấy ông và mấy thằng không chịu hiểu thì nó ngang kinh khủng. Mấy ông chỉ côt sao nó có điểm cao, thành tích tôt là Ok.

        • không nên nói thêm với những người cố tình k hiểu hoặc những người hoàn toàn k quan tâm e ạ!
          tập trung làm tốt việc của mình thôi
          việc lắng nghe những lời đó chứng tỏ e là người rất tập trung và rất khác biệt đấy
          đó chính là 2 yếu tố làm lên phần lớn thành công trên đời, e biết chứ
          chúc mừng e và cố gắng phát huy nhé nhé nhé

  11. Quan điểm thì cũ nhưng cách viết có vẻ mới. Hi vọng nó tác động được phần nào đến các bậc phụ huynh đang nhồi nhét kiến thức và đặt nặng gánh nặng danh hiệu cho con em mình. Khá nhiều phụ huynh “ảo tưởng sức mạnh” về con mình,cứ cho rằng cái con rô bốt vô hồn với vô số những điểm 10 tươi rói ấy là giỏi… Nói đúng ra GD Việt Nam đang đi sau Thế giới vài chục năm, và với một nước nghèo về kinh tế và khoa học kĩ thuật thì việc thay đổi dù là nhỏ cũng cần nhiều thời gian, công sức…
    Không biết đến bg trẻ em được tự do phát triển, khi mà năm nào cũng hô hào: “lấy học sinh làm trung tâm” và giáo dục là quốc sách hàng đầu.
    Thiết nghĩ muốn trẻ phát triển thật sự thì thầy cô và cả phụ huynh nên quên đi căn bệnh hình thức. Hãy tôn trọng trẻ và những khả năng vốn có của chúng. ^^

    • cũng do xã hội thôi cha mẹ bận đi làm không có thời gian để giáo dục con cái hoặc không biết cách giáo dục thì con điểm 10 ấy là thứ mà họ đặt niềm tin vào! con họ học giỏi chăm ngoan!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI