19 C
Da Lat
Thứ Bảy, 20 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[BDTT8] Khu Vườn Mùa Hạ – Kazuki Yumoto

Featured Image: Bìa sách “Khu Vườn Mùa Hạ”

 

Mình thích trẻ con, và những cuốn sách viết về thiểu nhi. “Khu vườn mùa hạ” là một cuốn sách như vậy, viết cho trẻ em, trong sáng dễ đọc. Nhưng những bài học mà cuốn sách gửi gắm lại sâu sắc vô cùng. Giống như trẻ con luôn có những suy nghĩ mà ngay cả người lớn cũng không thể hiểu nổi. Mỗi lần đọc lại cuốn sách này, mình luôn có cảm giác trong trẻo khi đang ngước nhìn lên bầu trời xanh vậy.

Câu truyện xảy ra trong kì nghỉ hè của 3 nhóc tì lớp 6 : Yamashita tốt bụng, béo tròn, Wakabe cận thị, láu cá nhưng sống rất tình cảm và Kiyama (nhân vật “tôi”) cao kều luôn có những suy nghĩ sâu sắc. Một bộ 3 ki kì lạ của một câu truyện kì lạ. Yamashita nghỉ học vì bà cậu bé mất, và khi Yamashita quay trở lại, cậu kể việc dự đám tang với 2 người bạn của mình bằng giọng tỉnh khô, vì cậu mới chỉ gặp bà hồi còn bé xíu, vì cậu chưa thất ai chết bao giờ. Kiyama và Wakabe cũng thế.

Thế là trong suy nghĩ hồn nhiên của 3 cậu bé mới dậy lên câu hỏi : Cái chết là gì, cảm giác chết như thế nào nhỉ ? À khoan đã, nếu bây giờ có một đứa trẻ học lớp 6 hỏi bạn câu đó thì bạn sẽ trả lời thế nào, chắc chắn bạn bị lúng túng phải không ? Trẻ con luôn đặt người lớn vào những tình huống khó xử. Mình yêu bọn trẻ là vì thế, chúng hào hứng tìm hiểu với mọi thứ xung quanh, tự đặt câu hỏi và tự trả lời, bởi vì đối với chúng người lớn thật vô dụng khi hỏi cái gì cũng không biết. Ý tưởng tự tìm câu trả lời là của nhóc Wakabe: theo dõi “ông cụ”, mà như mọi người nói “chắc là chết rồi”. Chúng không ngờ chúng đang đứng trước ngưỡng của cuộc đời, cuộc gặp gỡ với “ông cụ”, người suốt câu chuyện không hề được nêu tên, đã đem đến cho ba đứa trẻ một tình bạn kỳ lạ.

Có lẽ, đó là lần đầu tiên chúng kết bạn với người lớn, và đó là một mối quan hệ bình đẳng theo đúng nghĩa. Sự xuất hiện của nhân vật ông cụ khiến người ta tò mò. Trong một xã hội Nhật Bản thời bấy giờ sao lại có thể có một con người như ông ? Ông sống trong một căn nhà cũ kĩ, xung quanh nhà rác rến ngổn ngang và bôc mùi hôi thối. Ngoài những lúc ra khỏi nhà để đi mùa đồ, thì hầu như ông chỉ ở trong nhà, xem ti vi (mà ông cũng chỉ ra khỏi nhà đúng 1 lần để mua cơm hộp và vài thứ linh tinh). Như vậy không thể gọi là ông đang sống, mà phải là ông đang chờ chết. Mình cảm thất thương ông lão, không phải vì ông sắp chết, mà bởi vì ông bị lãng quên, điều đó còn kinh khủng hơn cả cái chết. 3 đứa trẻ đã phát hiện ra ông lão, chính điều đó đã giúp ông sống trở lại. Ông chịu đi lại nhiều hơn, chịu khó ăn uống hơn, và chịu sống.

Tình người là điều kì diệu trong cuộc sống, nó giúp con người xích lại gần nhau hơn, sống có trách nhiệm với nhau. Đó là điều được đề cao trong “Khu vườn mùa hạ”. Dù Wakabe có nói rằng nó theo dõi chẳng qua muốn xem ông cụ chết thế nào, những cả 3 đứa lại giúp ông cụ dọn rác, giặt quần áo… bù lại chúng được ông dạy gọt lê, dạy học chữ Hán, và trên hết, chúng học được rằng việc già đi, lưng còng xuống, mặt nhiều nếp nhăn cũng mang ý nghĩa. Dù cách thể hiện có hơi thô lỗ (ông cụ đặc biệt trẻ con ở điểm này), nhưng đậm tình người.

Cầm cuốn sách lên là mình không thể nào bỏ xuống được. Mình bị hấp dẫn bởi giọng văn hồn nhiên, trong sáng, pha lẫn chút hài hước của tác giả. Mọi tình huống xảy ra trong truyện đều đến rất tự nhiên, không cần lời giải thích mà cứ thế diễn ra. Như thể tác giả không hề nghĩ mà cứ viết ra vậy thôi, mà lại còn rất hợp lý nữa. Bạn chỉ việc đọc và để nó đi sâu vào trong tâm hồn bạn, tự nhiên như giấc ngủ vậy.

Nhân vật cũng là yếu tố tạo nên sức hút của câu truyện. Họ đều có một phần nào đấy đặc biệt so với những cá nhân khác, nhất là 3 đứa trẻ (tất nhiên rồi, bất kì đứa trẻ nào cũng có sự đặc biệt riêng). Wakabe láu cá, nó luôn có những ý tưởng đặc biệt đến phát sợ, và có phần hơi thực dụng. Có lẽ nó có một tuổi thơ không bình thường, nhưng cũng nhờ đó mà nó có những tình cảm rất đặc biệt, với gia đình, bạn bè, và với ông cụ (Wakabe chính là người đầu tiên bắt truyện với ông lão, và nó cũng thô lỗ giống ông luôn). Yamashita béo tròn và cực kì tốt bụng. Cậu nhát hơn Wakabe ở nhiều điểm, nhưng bù lại có thể dùng dao một cách thành thạo.

Mình ấn tượng với Yamashita ỏ câu nói: “Bố cháu bảo, nếu sợ bị đứt tay thì sẽ chẳng bao giờ làm được việc gì cả”. Đến ông cụ cũng phải khen hay cơ mà. Còn Kiyama thì sao nhỉ, phải nói cậu là đứa kì lạ nhất trong bọn. Cậu luôn có những suy nghĩ thú vị, tưởng chừng như hiển nhiên nhưng lại cực kì sâu sắc. Những bài học mình rút ra từ quyển sách hầu hết đến từ cậu bé này. Ví dụ , cuộc sống đâu chỉ có mỗi việc “thở”, hay chúng ta không cần phải sợ ma, vì trong thế giới của họ luôn có những người thân yêu của chúng ta. Thật trẻ con, và cũng thật ý nghĩa phải không nào.

Mình sẽ không bình luận gì thêm. Bây giờ thì đến lượt bạn khám phá những điều thú vị trong cuốn sách, và học những bài học của riêng bạn. Nhất định trong cuốn sách còn nhiều bài học hay, nhưng mình sẽ không đọc lại nữa (bật mí rằng mình đọc hơn 5 lần rồi đấy). Mình sợ rằng đọc lại sẽ khiến mình cảm thấy không còn gì để khám phá, nó sẽ trở nên nhàm chán mất thôi. Mà bạn có để ý rằng mình không hề nhắc đến hình ảnh khu vườn không ? Vì nó là chi tiết có ý nghĩa nhất, đẹp nhất, mà tùy từng người nó lại mang một ý nghĩa khác nhau. Thế nhé, hãy đọc cuốn sách và đi tìm khu vườn mùa hạ của riêng mình.

 

Tuấn Nguyễn


Cuộc thi hân hạnh được tài trợ bởi ThachPham.com (website hướng dẫn tạo blog), Phi Tuyết, hai thành viên giấu tên, Karmi Phuc (developer chính của THĐP), Kính Kong (shop phụ kiện).

Các bài viết dự thi tháng 8

Bảng điểm và nhận xét các bài thi

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI