19.3 C
Da Lat
Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[BDTT8] Những Cây Cầu Ở Quận Madison & Một Ngàn Con Đường Quê – Robert James Waller, chỉ là một chuyện tình?

Featured Image: Bìa sách “Những Cây Cầu Ở Quận Madison”

 

Có những bài ca nảy sinh từ lớp cỏ xanh rờn, từ bụi bặm của hàng ngàn con đường quê.

Đây là một trong những bài ca ấy.

Tôi si mê cuộc tình của Robert Kincaid và Francesca Johnson dù đó là một cuộc tình chóng vánh hay chính xác hơn, nếu là đời thực, tôi sẽ không ủng hộ một câu chuyện “ngoại tình” như thế.

Vừa gấp lại cuốn sách Một ngàn con đường quê mà bỗng nhớ da diết Những cây cầu ở quận Madison, nhớ bốn ngày ngắn ngủi của Robert và Francesca, cây cầu Roseman cũ kỹ, nhớ không gian cổ xưa trong căn bếp chật chội…, như là chính bản thân đã từng trải qua cuộc tình ấy vậy.

Nếu đọc Những cây cầu ở quận Madison, tôi đem lòng mến mộ một Francesca đầy lý trí; một con người sâu sắc, chứa chan khát khao yêu đương mà vô tình đã bị những năm tháng của cuộc đời làm lãng quên; một phụ nữ với vẻ đẹp mê đắm, vừa tự nhiên, vừa phóng khoáng, lại có gì đó rất bí ẩn… thì trong câu chuyện tiếp theo Một ngàn con đường quê, tôi lại phải lòng một Robert phong trần, từng trải, hoang dã và kỳ dị, một người đàn ông của “những nơi xa xôi và giấc mơ vời vợi”. Dù cho khi đọc cuốn sách này, tôi mới chỉ là một cô gái hai mươi mấy tuổi, và hai người ấy đều xứng tầm tuổi bố mẹ tôi bây giờ, vậy mà không hiểu sao có chút gì đồng cảm lắm trong câu chuyện này.

Robert James Waller, tác giả của hai cuốn sách, đích thị một người kể chuyện tài ba. Ông dẫn dắt người đọc vào câu chuyện một cách cuốn hút kỳ lạ. Cách ông miêu tả những con đường, miêu tả nhân vật và cả cách ông thổi hồn vào đó, nhẹ nhàng, êm ru mà đầy sức hấp dẫn. Một cuốn sách đẹp tới từng câu từng chữ. Một ngàn con đường quê hiện lên hoang hoải. Cây cầu Roseman được phác họa như ngay trước mắt với mái vòm cũ kỹ. Con đường cô đơn nhất nước Mỹ cũng hiện ra như thể không còn điều gì cô độc hơn nó… Câu chuyện tình được kể lại khiến người đọc vừa bồi hồi, vừa day dứt, và còn tiếc nuối mãi, thậm chí như tôi, còn thấy vương vấn về sau, khi mà đọc phần tiếp theo Một ngàn con đường quê rồi mà vẫn muốn cùng tác giả đi tiếp trong câu chuyện ấy.

Cho đến khi đã đọc xong cả hai cuốn sách, tôi mới viết và không muốn tách bạch chúng ra. Đơn giản bởi vì, tôi muốn hiểu được trọn vẹn hai con người, hiểu được vì sao họ lại đến với nhau, rằng tình yêu mà họ dành cho nhau là có thật, là chân thành, khát khao, và bỏng cháy. Bởi vì về sau này, Robert vẫn rong ruổi qua các con đường ông đã chọn, tiếp tục đam mê và cái nghiệp nhiếp ảnh đã ăn sâu vào máu, nhưng ông vẫn không hề rung động trước bất cứ một người đàn bà nào khác, trái tim ông đã bị chiếm giữ suốt phần đời còn lại bởi một người mang tên: Francesca.

Còn Francesca ôm trọn tình yêu của mình cùng vớinhững kỷ vật; chiếc bàn cũ kỹ trong căn bếp, nơi bà và Robert đã có những khoảnh khắc đẹp nhất của cuộc đời, cẩn thận và nâng niu chiếc váy trắng mặc đêm hôm đó, và thậm chí mang theo hình ảnh của Robert trong những năm tháng tiếp theo bằng việc giữ thói quen đi thăm cầu Roseman chỉ với hy vọng, biết đâu đấy, bà gặp lại ông. Người ta sẽ cười nhạo rằng những câu chuyện như thế chỉ có trong mơ. Ừ thì dù chỉ có trong mơ, người ta vẫn muốn giữ niềm tin vào một điều diệu kỳ trong cuộc sống.

Hai cuốn sách và tuổi trẻ của chính tôi

Tuổi trẻ cứ chạy hoài theo những tình yêu vô định. Tôi đã ôm lấy những cuộc tình cho mình trong suốt năm tháng đã qua mà không một phút giây nào hiểu được vì sao lại vậy. Nhưng rồi tôi biết, hóa ra tình yêu là cuộc hành trình mà với nhiều người, cho tới khi tóc đã điểm bạc, đã có một ông chồng bụng phệ và một lũ trẻ nghịch ngợm, mới chợt nhận ra và tìm thấy. Nếu cũng đang sống trong những năm tháng tuổi trẻ với một tình yêu vô định, hãy thử một lần mở cuốn sách Những cây cầu ở quận Madison, nghe Robert James Waller kể về một chuyện tình; hay bôn ba cùng ông trong Một ngàn con đường quê nước Mỹ.

Yêu thích hai cuốn sách này vì tìm được mình trong đó, một cái tôi nhỏ bé thôi, mờ nhạt thôi nhưng đồng cảm. Một mảnh tình đến vào cái tuổi trung niên, khi người ta tưởng rằng người ta sẽ chẳng còn chút rung động nào với yêu đương, vậy mà điều đó lại tới, đánh thức một con người và khơi dậy biết bao nhiêu khát vọng.

Càng yêu thích hơn khi cuốn sách thứ hai được ra đời, dù không còn là một câu chuyện tình lãng mạn xoay quanh hai người nữa, nhưng vẫn phảng phất dư âm, một điểm nhấn trong cuộc hành trình những ngày không có Francesca ở bên của Robert. Vì thích cách ông ấy tận hưởng cuộc sống đơn độc của mình, khâm phục cái nhìn về nghệ thuật và hết lòng vì đam mê của bản thân, cho tới tận cuối đời.

Cảm giác như vừa được cùng Robert và Con Đường đi hết những con đường quê của nước Mỹ, được tận mắt chứng kiến cây cầu Roseman trong giấc mơ bé nhỏ, được gặp lại một Robert khi tuổi già đến nhưng vẫn đầy nhiệt huyết và tình yêu, được quen một Francesca giản dị, mộc mạc vẫn ngày ngày ở căn nhà đó, và vẫn luôn yêu Robert như ngày nào. Đó là vì sao tôi yêu hai cuốn sách này, hai nhân vật này, ngưỡng mộ cả người đã kể lại cho tôi câu chuyện đó.

Và ao ước được đi, được viết, được ghi lại mọi thứ cảm xúc, mọi vẻ đẹp bằng chính ngòi bút của mình, một cô gái của “những nơi xa xôi và giấc mơ vời vợi”, ai chẳng muốn được là một cô gái như thế?

 

Thảo Phương


Cuộc thi hân hạnh được tài trợ bởi ThachPham.com (website hướng dẫn tạo blog), Phi Tuyết, hai thành viên giấu tên, Karmi Phuc (developer chính của THĐP), Kính Kong (shop phụ kiện).

Các bài viết dự thi tháng 8

Bảng điểm và nhận xét các bài thi

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI